Thanh-tẩy - Buổi giao-thời

và những đe-doạ rạn-nứt

 

 

Vào cuối thiên niên-kỷ thời-gian có vẻ qua mau hơn, như do một lực liên-kết huyền-bí nào đó gây nên. Giống như những hạt cát rơi qua lỗ hở với vận-tốc cao nhất, lúc chiếc đồng hồ cát sắp cạn và sắp được dựng ngược lại. Nhiều người xác-tín rằng chúng ta đang ở vào thời-điểm khai-sinh một cộng-đồng thế-giới mới, khác hẳn từ nền-tảng với thế-giới trước đây, cũng giống như thế-giới sau thời cách-mạng kỹ-nghệ khác xa với thế-giới nông-nghiệp lâu đời trước đó.

Đó là cái mà những nhà xã-hội học gọi là biến-cố chia dòng nước, lúc dòng nước đổi hướng chảy ngược chiều, theo biến-cố đó thì chỉ còn vài giá-trị cao-quí rơi-rớt lại cho thời-đại mới. Đó là thời-điểm nói đúng ra là không có hôm nay, nhưng chỉ có cái không-còn-hôm qua và cái chưa-có-ngày mai. Liệu chúng ta có phải sẵn-sàng chờ-đợi một cuộc biến-đổi tận gốc-rễ chăng?

 

Tôi cũng nhận thấy lịch-sử đang qua mau. Có những phát-minh một khi được thực-hiện, thì tất-cả những gì còn lại sẽ tiếp-nối qua nhanh với vận-tốc chóng mặt. Khi ngẫm-nghĩ 30 năm qua thế-giới biến-đổi ra sao, tôi thấy như sờ thấy lịch-sử đang qua mau cũng như những thay-đổi xẩy ra trong đó đang qua mau. Thế-giới biến-đổi đã thấm vào hiện-tại của ta, và với một mức độ nào đó nó đã có mặt trong đó rồi. Ta thấy rõ tiến-trình đang diễn ra, nhưng chưa có thể nhìn bao-quát được hướng tiến và những gì từ đó sẽ phát-sinh.

Rõ nét nhất là những tập-thể càng ngày càng bành trướng. Nào là Liên-hiệp Âu châu, Liên-hiệp thế-giới Hồi giáo, nào là những nỗ-lực xây-dựng cái gọi là ý-thức thế-giới qua những hội-nghị của Liên-hiệp-quốc. Đồng thời ta quan-sát thấy cá-nhân đặt nặng cái tôi hơn và trở nên cố-chấp hơn. Kết-hợp và phân-ly trói-buộc nhau. Hai sự kiện đối-nghịch: con người kèn-cựa nhau ngày càng mạnh trong lúc nhu-cầu hợp-đoàn ngày càng lớn. Từ đó sẽ nảy sinh ra những loại hình nào, chưa ai tiên-đoán được. Tôi tin rằng trong hoàn-cảnh biến-chuyển mau-chóng và bất khả tiên-đoán của thế-giới này, ta lại càng phải giữ chắc cái cốt-lõi nhân-tính của ta.

 

Những dữ-kiện về sự tồn-tại của địa-cầu ngày càng tồi-tệ. Từ giữa thập niên 80 con số và mức-độ những đại họa tiếp-tục tăng lên khắp thế-giới. Càng ngày càng rõ không phải thiên-nhiên, nhưng chính con người gây nên hầu hết những đại họa. Hoặc vì con người can-thiệp vào hệ-thống thiên-nhiên, hoặc vì con người không kiểm-soát nổi chính mình. Nhiều người cho đó là cơn thịnh-nộ của Thiên-chúa. Biết đâu đây cũng là cuộc thanh-tẩy. Có thể phải phá-huỷ hết cái cũ, để cái mới xuất-hiện? Phải chăng cần phải liều-lĩnh đùa-dỡn với hiểm-nguy, cần đập vỡ hết cái cũ trước khi bước vào đời hôn-nhân*, cần cuồng-loạn lồng-lộn và sôi men vào giờ chót, lúc lịch-sử thế-giới sang trang, để ta có thể làm cuộc khởi đầu mới? Phải chăng đó thực-sự là sứ-điệp của sách Khải-huyền ?

 

Khó mà nói được. Dù sao ta cũng phải cố-gắng để cuộc khởi đầu mới có thể thành hình  nhờ sức mạnh của công-cuộc sáng-tạo vũ-trụ và của ơn cứu-chuộc. Để những thế-lực dạy con người biết tự chế được tự-do tác-động. Bởi vì ngày nay quả đã rõ vấn-đề là ở tại điểm này. Nghĩa là con người không nên làm tất-cả những gì nó có thể làm - bởi nó có thể huỷ-diệt chính mình và thế-giới -, nhưng phải biết cân-nhắc giữa cái có thể với cái nên làm và được phép làm. Nghĩa là con người phải hiểu rằng, ngoài những cái không thể làm được về mặt thể-lí còn có những điều không được phép làm về mặt luân-lí. Vấn-đề then-chốt là dậy con người biết cưỡng lại được cám-dỗ hái trái cấm.

Giáo-hội phải nỗ-lực giúp con người trưởng-thành, nghĩa là để con người biết cân-nhắc giữa cái có thể luân-lí với cái có thể thể-lí. Ta biết sự cân-nhắc đó không phải chỉ dựa trên tính luân-lí suông, song nó bắt nguồn từ nền-tảng kết-hiệp thâm-sâu với Thiên Chúa hằng-sống. Chỉ khi nào Chúa thật-sự là nguồn lực trong cuộc sống của ta, khi đó luân-lí mới có sức mạnh. Nền luân-lí chỉ dựa trên những tính-toán suông của con người là một nền luân-lí què-quặt.

 

Tình-trạng địa-cầu xem ra hết thuốc chữa từ bên ngoài, nhưng chỉ có thể cứu-vãn từ bên trong, nghĩa là từ một sự thay-đổi ý-thức, một ý-thức không dựa trên cái Tôi. Ngài vừa lưu-ý điều đó: Khi nhắc-nhở ta xa tránh con đường xấu, Kinh thánh có lẽ muốn nói với ta rằng: Chính tình-trạng tinh-thần của ta ảnh-hưởng lên thiên-nhiên.

 

Phải, tôi cho rằng chính con người gây ra nguy-cơ làm thiên-nhiên mất sức sống. Và sự ô-nhiễm môi-sinh bên ngoài mà ta đang gánh chịu là một phản-ảnh và là sự trào ra của ô- nhiễm môi-sinh bên trong, một thứ ô-nhiễm  ta ít để ý tới. Tôi nghĩ đó cũng là điểm bất-cập của các phong-trào bảo-vệ môi-sinh. Họ đứng lên tranh-đấu với sự hăng-say dễ hiểu và chính-đáng chống lại ô-nhiễm môi-sinh. Nhưng sự ô-nhiễm của chính tâm-hồn con người mình thì họ lại coi đó là một trong những quyền tự-do của con người. Bất quân-bình là ở đó. Chúng ta muốn loại bỏ những thứ ô-nhiễm có thể định-lượng được, nhưng lại không để ý tới thứ ô-nhiễm tinh-thần của con người cũng như tính-chất tạo-vật nơi con người, những thứ cần-thiết để con người sống được ra người. Trái lại, ta bảo-vệ, bằng một ý-niệm tự-do hoàn-toàn lệch-lạc, tất-cả những gì do cái tùy-tiện con người tạo nên.

Bao lâu ta còn giữ bức biếm-hoạ về tự-do, nghĩa là tự-do phá huỷ nội-tâm, bấy lâu ảnh-hưởng của nó tác-động lên thế-giới bên ngoài không thay-đổi. Tôi nghĩ chúng ta nên lưu-ý điểm này. Không phải chỉ thiên-nhiên có những trật-tự riêng, những sinh-vật ta cần tôn-trọng, nếu ta muốn sống nhờ thiên-nhiên và trong thiên-nhiên. Nhưng con người, trong sâu thẳm tâm-hồn, cũng là một loài thụ-tạo và có những trật-tự thụ-tạo của nó. Nó không thể tùy-tiện muốn làm gì thì làm. Để có thể sống được từ nội-tâm, con người phải chấp-nhận thân-phận thụ-tạo của mình và phải lưu-ý rằng, cần có sự trong-sạch tâm-hồn, một môi-sinh tinh-thần, nếu muốn dùng kiểu nói này. Nếu không hiểu được yếu-tố môi-sinh căn-bản này, tất-cả những vấn-đề khác sẽ tiếp-tục xấu mãi.

Thánh Phao-lô  nói rõ điểm này trong thư gửi giáo-đoàn Rôma, chương 8. Ngài viết : Adam - nghĩa là một con người với tâm-hồn ô-nhiễm - coi tạo-vật-như nô-lệ, chà-đạp chúng, khiến chúng rên-xiết dưới bàn chân con người. Ngày nay ta nghe tiếng than của tạo-vật thảm-thiết như chưa từng có. Phao-lô  viết thêm rằng tạo-vật đang mong-đợi ngày con Thiên Chúa đến và sẽ chỉ thở phào, khi con người mang ánh-sáng Thiên Chúa xuất-hiện, và chỉ khi đó chính con người mới lại có thể hít thở được.

 

Chúng ta hiển-nhiên đang đứng trước một chấn-động mới trong tương-lai ; ta sẽ phải có phản-ứng mãnh-liệt, vì ta sẽ không thể thích-nghi mà không bị mất-mát trước những biến-đổi lạ-lùng, đa dạng và triệt-để trên thế-giới. Câu hỏi đặt ra là, liệu ngày nay, với những hiểu-biết cơ-bản lãnh-hội được từ Ki-tô giáo, ta có thể có câu trả lời thích-đáng cho những biến-đổi và thách-thức mới này cũng như cho những vấn-đề chưa sáng-tỏ không?

 

Dĩ-nhiên phải xử-dụng những hiểu-biết nền-tảng đó vào những lãnh-vực khác nhau. Điều này ta không thể thực-hiện được, nếu ta không cùng tranh-đấu, học-hỏi, chịu-đựng và trao-đổi kinh-nghiệm. Tuy-nhiên những quan-điểm nền-tảng trong Ki-tô giáo đã vạch ra những hướng giải-đáp rồi, chúng chỉ cần được cụ-thể-hóa qua nhào-nặn với kinh-nghiệm thực-tế. Như vậy Ki-tô giáo là một nghĩa-vụ liên-tục trong suy-tư và trong cuộc sống. Nó không phải là toa thuốc cắt sẵn chỉ việc cầm lấy mà dùng, song trái lại nó cống-hiến cho tôi hướng đi và ánh-sáng nền tảng giúp tôi biết nhìn và hành-động, biết nhận ra và tìm được giải-đáp. Nếu tôi hiểu rằng con người là hình-ảnh của Thiên Chúa và nhận ra những trật-tự nền-tảng trong mười giới-răn, tôi sẽ có những hướng-dẫn căn-bản, và tôi phải cụ-thể-hoá chúng cho thích-hợp trong từng lãnh-vực khác nhau. Muốn được thế cần có nhiều người cộng-tác và chung sức tìm ra cách sử-dụng đúng-đắn nhất và ít sai-lầm nhất.

 

Một "mùa xuân mới của tinh-thần

con người" cho thiên niên-kỷ thứ ba

 

Vào cuối thiên niên-kỷ này chúng ta chứng-kiến sự sụp-đổ của nhiều học-thuyết xã-hội đã một thời đầy hứa-hẹn. Nào là chủ-nghĩa Mác (Marx: "Tôn-giáo là thuốc phiện cho dân" ), nào là phân-tâm học (Freud: "Tôn-giáo là chứng thác-loạn thần-kinh của nhân-loại" ), nào là nền đạo-đức của các nhà xã-hội học và ý-tưỏng cho rằng có thể có một nền luân-lí ngoài định-chế. Thêm vào đó là những khảo-luận bàn về sự đổi mới toàn diện mối liên-hệ phái tính cũng như những quan-niệm hiện-đại về mô-hình giáo-dục phản quyền-bính. Cách đây mười năm chính ngài đã táo-bạo tiên-lượng: "Cái mới đã tới". Theo ngài, cái mới đó hình-thù ra sao? Khi tuyên-bố như thế phải chăng ngài muốn nói rằng nền văn-hóa hậu hiện-đại đã tới thời tàn-lụi, một nền văn-hoá mà ngài đã có lần gọi là "văn-hóa tự xa-lìa kí-ức nguyên-thuỷ của con người, tức kí-ức về Thiên Chúa » ?

 

Niềm hy-vọng đó được gói-ghém qua cách diễn-tả trên. Tôi muốn nói : ngõ cụt, mâu-thuẫn cũng như những sai-lầm nội-tại của những lí-thuyết trên sẽ có ngày được phơi ra ánh sáng. Và chuyện đó quả thực đã xẩy ra ở mức-độ lớn. Chúng ta chứng-kiến huyền-thoại của nhiều ý-thức hệ đã bị đạp đổ. Chẳng hạn lối giải-thích thế-giới thuần kinh-tế của Marx thoạt tiên nghe có vẻ hợp lí và có sức thuyết-phục, vì thế đã hấp-dẫn được nhiều người, đặc-biệt vì nó được gắn nhãn luân-lí đạo-đức. Nhưng lí-thuyết đó đã không nắm bắt được thực-tại, vì nó không giải-thích được đầy-đủ về con người và rõ-ràng tôn-giáo là một thực-tại uyên-nguyên trong con người. Những thuyết-lí khác cũng sai-lầm như thế. Chẳng hạn như lối giáo-dục phản quyền bính không phù-hợp với con người, bởi vì nhu-cầu quyền-bính là một cái gì tiềm-ẩn sẵn trong con người. Niềm hy-vọng tôi muốn diễn-tả và trước sau vẫn ấp-ủ là các ý-hệ sẽ phải tự phê-bình qua kinh-nghiệm lịch-sử. Từ đó sẽ nảy sinh những suy-tư mới, và từ chỗ các ý-hệ tự phê-bình qua kinh-nghiệm lịch-sử, người ta sẽ có được cái nhìn mới về bản-chất Ki-tô giáo và sẽ nhận-diện ra nó, bởi vì những mảnh vụn chân-lí rải-rác trong các ý-thức hệ này mở cho ta thấy một cách mới-mẻ sự phong-phú tiềm-ẩn của Ki-tô giáo.

Tuy nhiên, như chúng ta đã trao-đổi, thất-bại, sụp-đổ không nhất thiết mở lối cho một cuộc lên đường mới tốt-đẹp. Thí-dụ như trong các quốc-gia cựu cộng-sản, tình-trạng tuột dốc thê-thảm kinh-tế và chính-trị không dẫn tới sự phục-hồi chủ-nghĩa cộng-sản, cũng không tạo được một phong-trào lớn rộng đưa con người quay về với những giá-trị Ki-tô giáo. Trái lại nó làm con người thêm chán-chường, sống hời-hợt, buông xuôi và thất vọng. Những ý-hệ cũ đổ-vỡ không nhất thiết dọn đường cho Ki-tô giáo tái sinh, không nhất thiết từ đó bừng lên những phong-trào lớn rộng, sống-động, tích-cực. Thất vọng nảy sinh có thể kéo theo những sụp-đổ khác, nhưng cũng mở đường cho con người cảm-nhận sức mạnh Thiên Chúa để làm cuộc tái sinh. Nhưng, như đã nói, chúng không nhất thiết xẩy ra như định-luật tự-nhiên.

 

Hiện nay người ta thấy bộ mặt thế-giới thuần khoa-học, vật-chất - duy-lí, từng in đậm dấu lên thế-kỉ qua, đang từ-từ tàn-úa và bị đào-thải. Liệu con người của thiên niên-kỷ thứ ba có phải lại đem thần-thoại vào đời sống? Có thể sử-dụng thần-thoại - mới ngày nào bị chỉ-trích che mờ thực-tại - để nhận ra thực-tại thẳm sâu, nhận ra những liên-hệ rộng lớn? Giống như thời Trung-cổ, khi con người sống trong thế-giới đầy ắp biểu-hiệu. Thời đó không có gì hiện-hữu thực như người ta thấy bên ngoài, tất-cả tiềm-ẩn ý-nghĩa của thế-giới bên kia. Johann Huizinger, một triết- gia chuyên phê-bình lịch-sử lỗi-lạc, viết: "Con người sống trong ảo-mộng, và vì mọi thứ là ảo-mộng, nên con người hiểu được màn đêm siêu-hình".

 

Đã có nhiều cuộc tìm-kiếm thần-thoại khắp nơi, kể cả trở ngược về thời tiền Ki-tô giáo, thời thần-thoại cổ-xưa, với hy-vọng tìm lại được những mẫu-mực cuộc sống và những sức mạnh nguyên-thủy. Nhưng trong đó cũng chứa đầy tính-chất lãng-mạn. Không bao giờ ta có thể đơn-giản quay ngược dòng lịch-sử, cũng không thể đơn-giản moi lại dĩ-vãng, khi không thỏa-mãn với hiện-tại. Qua việc vực hồn thần-thoại tiền Ki-tô giáo dậy, trong khi không tìm gì nữa nơi Ki-tô giáo - một tôn-giáo có vẻ quá duy-lí và quá cằn-cỗi – người ta có thể nhận ra đó là sự tránh-né những đòi-hỏi của Ki-tô giáo và sự lợi-dụng tối-đa sức mạnh tôn-giáo, trong khi hạn-chế sự hi-sinh và dấn-thân tới mức tối-thiểu.

Tôi không chối-bỏ trong thần-thoại tiềm-ẩn nhiều giá-trị có thể xử-dụng được. Đó là những viễn-ảnh, trong đó con người thoáng thấy chân-lí và tìm ra đường đi cho cuộc đời. Nhưng nếu chúng ta chỉ lựa-chọn thần-thoại để cắt-xén cho hợp nhu-cầu riêng, chúng sẽ mất hẳn hiệu-năng. Không thể có tôn-giáo ngoài liên-hệ ràng-buộc -  từ « tôn-giáo » trong La-ngữ* nói lên ý-nghĩa này. Nếu không sẵn-sàng bước vào liên-hệ ràng-buộc, nhất là nếu không sẵn-sàng qui-phục chân-lí, thì tất-cả kết-cục chỉ là trò chơi. Ông đã từng đề-cập tới tác phẩm Glasperlenspiel (nhạc cụ thuỷ-tinh). Công-cuộc tìm-kiếm mới-mẻ này có nguy-cơ không đem lại gì đáng kể và ta không đạt được những năng-lực mới mà ta mong-đợi. Nhưng nó chỉ là một thứ mộng-mị, không thể giải-quyết được những vấn-đề trọng-đại và không thể đương-đầu được với những thế-lực lớn trong thế-giới hiện-đại, cũng không thể dẫn đưa ta vào con đường đúng-đắn. Còn đó khát-vọng tôn-giáo, còn đó nhu-cầu tìm múc sức mạnh tôn-giáo, cũng còn đó ý-thức chúng ta cần tôn-giáo và cuộc đời ta còn thiếu một cái gì. Đấy chắc-chắn là những điểm tích-cực, nhưng con người còn bị ràng-buộc bởi quá nhiều tự-tôn. Còn vắng bóng đức khiêm-cung sẵn-sàng chấp-nhận chân-lí, thứ chân-lí đòi-hỏi tôi, thứ chân-lí tôi không tự chọn-lựa.

 

Ngài có-thể nghĩ rằng con người có lẽ đang sống trong một kỷ-nguyên Ánh-sáng mới, một kỉ-nguyên mang lại những sáng-kiến tốt-đẹp, tự-do và chắp nối hai đầu của cái vòng bị đứt đoạn lại với nhau bằng cách đưa chiều-kích đức tin vào cuộc sống và tư-duy? Như thế hố An-rê* trong tâm-thức con người có thể được lấp lại, hố chia-cách giữa con người không còn nữa. Đây có thể là viễn-kiến về một cái toàn-thể mới, dĩ-nhiên toàn-thể này không thể không cần tới Thiên Chúa.

 

Người có đức tin luôn ấp-ủ hy-vọng như thế; họ hy-vọng sau thời đen-tối, mất sự toàn-vẹn, sẽ có cuộc trở về mới. Dĩ-nhiên đây là cuộc trở về hướng lên phía trước, như tôi đã trình-bầy. Ta không thể lùi lại thời xa-xưa. Ông cũng đã nói đến một sự toàn-vẹn mới, một thời Ánh-sáng mới, nghĩa là nói đến sự tìm lại cái cốt-yếu và nối-kết nó với cái mới. Nhưng theo tôi, niềm hy-vọng đó hãy còn lâu mới hiện-thực, bởi vì lực chia-rẽ tinh-thần còn quá lớn. Một đàng người ta mê-say trước viễn-tượng có thể có được cái toàn-vẹn, đàng khác người ta lại từ-khước nó. Thêm vào đó là sư sợ-hãi bị ràng-buộc bởi những cam-kết còn quá lớn. Tôi tin rằng ta sẽ còn phải chao-đảo một thời-gian khá lâu nữa. Nhưng đức Ki-tô sẽ ra tay, Ngài sẽ lướt thắng những mảng nhận-thức rời-rạc càng ngày càng làm cho cuộc sống thêm phân-tán để đem lại cho con người sự toàn-vẹn và hợp-nhất đến từ Thiên-chúa, qua đó sẽ chắp-nối lại cái vòng bị đứt đoạn. Phải cố đi tới trong chiều-hướng này, nhưng tôi không hi-vọng những chuyện đó sẽ xẩy ra trong tương-lai gần.

 

Tuy nhiên trong bài diễn-văn tại trụ-sở Liên-hiệp-quốc ở New York, năm 1995, giáo-chủ Gio-an Phao-lô  II đã nói về một trật-tự thế-giới mới, cũng như về một niềm hy-vọng mới cho thiên niên-kỷ thứ ba: "Chúng ta sẽ thấy rằng nước mắt của thế-kỷ này đã dọn đường cho một mùa xuân mới của tinh-thần nhân-loại". Ngài hiểu thế nào về "mùa xuân mới" này? Phải chăng là một bản-sắc mới của con người?

 

Đấy là một vấn-đề khác. Quả thực Giáo-chủ nuôi hi-vọng là sau thiên niên-kỷ của phân-li chúng ta sẽ bước vào thiên niên-kỉ của hiệp-nhất. Theo viễn-kiến của ngài thì ngàn năm thứ nhất sau công-nguyên là ngàn năm của hiệp-nhất Ki-tô giáo - dĩ-nhiên cũng có những phân-li, như ta biết, nhưng vẫn luôn có sự hợp-nhất Đông Tây -, ngàn năm thứ hai là ngàn năm của những phân-li lớn và giờ đây, vào thời-điểm kết-thúc thiên niên-kỷ thứ hai, sau khi cùng nhau suy-tư cách nghiêm-túc, chúng ta có thể lại tìm lại sự hợp-nhất mới. Toàn-bộ nỗ-lực đại-kết của ngài đã được hình thành trong viễn-tượng mang tính triết-lí lịch-sử đó. Ngài xác-tín rằng công-đồng Vatican II đã đứng trong trào-lưu triết-lí lịch-sử đó, khi Công-đồng chấp-nhận và kêu-gọi thực-hiện đại-kết.

Tinh-thần đại-kết bừng lên trong công-đồng Vatican II có thể nói là dấu-chỉ ta đang tiến về sự hiệp-nhất mới. Như vậy giáo-chủ mang hoài-bão lớn rằng mỗi thiên niên-kỷ có một bộ mặt riêng; rằng tất-cả những đổ-vỡ và nước mắt của thế-kỷ này, như ngài nói, kết-cục sẽ được thu-góp lại để làm nên một cuộc khởi đầu mới. Phải tìm lại hợp-nhất nhân-loại, hợp-nhất tôn-giáo, hợp-nhất Ki-tô giáo, để thực-sự bắt đầu một thời-đại tươi-đẹp hơn. Cần có viễn-kiến. Đó là viễn-kiến tạo cảm-hứng và đẩy ta đi tới trong chiều-hướng này. Gio-an Phao-lô  II quả thực đã lên đường với một nhiệt-tình không mệt-mỏi là nhờ sức mạnh của viễn kiến. Thật bất-hạnh nếu ta để cho những tính-toán tiêu-cực chi-phối, thay vì để cho viễn-kiến tích-cực và đầy ý-nghĩa chỉ đường cho ta biết phải làm gì và giúp ta can-đảm thực-hiện. Cái viễn-kiến hợp-nhất kia có thành-tựu được hay không lại là chuyện ta phải phó-thác cho Chúa. Hiện nay tôi thấy nó còn khá xa chúng ta.

 



* Ở Đức có tục đập vỡ chén dĩa vào buổi chiều trước ngày cưới: họ-hàng và thân-hữu mang chén dĩa, đồ sành sứ cũ tới ném vỡ inh-ỏi trước cửa nhà đôi tân-hôn. Người ta cho rằng mảnh sành vung-vãi la-liệt sẽ đem lại hạnh-phúc cho hai người.

* Tôn-giáo = religio, xuất-phát từ  religare, có nghĩa là ràng-buộc

* Hố An-rê : tên một hố sâu dài khoảng 950 km, chạy qua sườn phía đông Los Angeles ra vịnh California hướng lên phía bắc , nơi hai mảng kiến-tạo địa-chất - mảng Thái-bình dương và mảng Bắc Mỹ - gặp và cọ-xát nhau, từng gây nhiều trận động đất.