Tương-lai Giáo-hội –

Giáo-hội tương-lai

 

 

Thưa Hồng-y, trong thế-kỷ XX này người ta còn có thể chờ-đợi từ triều giáo-chủ hiện thời những hướng-dẫn mới có tính-cách mở đường và những thay-đổi mới cho tương-lai Giáo-hội không? Chẳng hạn như những cải-cách nội-bộ của Giáo-hội. Nếu có, ngài nghĩ tới những bước đi nào?

 

Tôi tin rằng đương-kim Giáo-chủ sẽ còn ra nhiều thông-điệp. Tôi nghĩ ngài đang trăn-trở rất nhiều về chuyện hợp-nhất Ki-tô giáo và đối-thoại liên tôn. Rồi còn các vấn-đề đạo-đức xã-hội và chính-trị. Và trên hết, lãnh-vực then-chốt chính là Tin-mừng; phải liên-tục rao-truyền Tin-mừng, nhưng Tin mừng dễ bị lu-mờ, nếu người ta chỉ chạy theo thị-hiếu quần-chúng.

Hiện nay đang chuẩn-bị họp thượng hội-đồng giám-mục toàn Mỹ châu và thượng hội-đồng giám-mục Á châu. Tôi tin đây là hai biến-cố then-chốt. Nếu Giáo-chủ cố-ý triệu-tập thượng hội-đồng giám-mục toàn Mỹ châu, mặc dù giữa Bắc Mĩ và Mĩ châu la-tinh có những dị-biệt, tức ngài muốn đại lục này, từ những dị-biệt, tìm ra cách bổ-túc cho nhau., tìm ra sức mạnh chung để rao-truyền Tin mừng. Cuộc họp sẽ bàn về những nền văn-hoá châu Mỹ la-tinh, nạn đói nghèo, vai-trò của các nền văn-hoá cổ và căn-tính văn-hoá riêng-biệt của mỗi miền, cũng như làm thế nào để văn-hóa Nhật-nhĩ-man Bắc Mỹ hoà-hợp được với công giáo tính và cả hai có thể đồng-hành. Ở đây tôi tin chúng ta đang đứng trước một biến-cố quan-trọng.

Trong cuộc nghị-hội các giám-mục Á châu, vấn-đề phải thảo-luận là làm sao Ki-tô giáo có thể đi vào bối-cảnh các tôn-giáo Á châu; làm sao có thể hoà-hợp nối-kết sức mạnh lớn-lao của các tôn-giáo Á châu với sức mạnh Ki-tô giáo để đáp-ứng cho những nỗ-lực đặt ra ở cuối thiên niên-kỷ này. Tôi nghĩ thời-gian còn lại của triều Gio-an Phao-lô  II được dành cho hai nghị-hội này.

Thêm vào đó chúng ta còn có chương-trình chuẩn-bị cho năm 2000 với chương-trình ba năm mà Giáo-chủ đã công-bố: Một năm tập-trung vào đức Kitô, hình-ảnh Ngài phải được đặt lên hàng đầu; một năm thần-học, trình-bầy tổng-quát đức tin vào Thiên Chúa và một năm dành cho Thánh-Linh. Tất-cả đi song-song với việc đào sâu về phép rửa và bí-tích thánh-thể. Tất-cả đổ vào vào năm 2000 với những cuộc gặp-gỡ các cộng-đồng Ki-tô giáo cũng như Do-thái giáo và Hồi giáo, tức là những tôn-giáo độc thần. Tôi nghĩ chương-trình này – hai nghị-hội cho hai đại-lục và ba năm chuẩn-bị cho năm 2000, mà trung-tâm điểm là Thiên Chúa Ba Ngôi và cuộc gặp-gỡ những người tin Thiên Chúa - sẽ để lại dấu-ấn có tầm ảnh-hưởng sâu-rộng trên thế-giới. 

 

Trong một bài viết năm 1970  về « Đức tin và tương-lai » ngài đã nói tới một Giáo-hội với những hình-thức chức-vụ mới. Chẳng hạn sẽ truyền chức linh-mục cho những ki-tô-hữu có tư-cách bảo-đảm và đang có nghề trong tay.

 

Lúc đó tôi tiên-đoán, nếu được phép nói như thế, Giáo-hội sẽ thu nhỏ lại, có ngày sẽ thành Giáo-hội của thiểu-số, sẽ không hiện-diện trong những không-gian và những tổ-chức lớn như ngày nay, nhưng phải tổ-chức trong khuôn-khổ khiêm-tốn hơn. Lúc đó tôi nghĩ rằng, ngoài những linh-mục được truyền chức từ tuổi trẻ, những giáo-dân có tư-cách bảo-đảm và đang hành nghề có thể cũng được tiến-cử; nhưng đây là những hình-thức chức-vụ khác nhau. Tôi nghĩ cái đúng ở đây là Giáo-hội phải từ-từ thích-nghi với trường-hợp trở thành Giáo-hội của thiểu-số, với một vị-trí khác trong xã-hội. Cái cũng đúng ở đây là lượng người làm việc tự-nguyện sẽ tăng lên. Còn việc tìm vir probatus * ("người đã đựợc thử thách") diễn tiến ra thế nào  lại là chuyện khác. Tôi muốn nói, trong thời-kì đầu Giáo-hội đã sống nhờ vir probatus, vì thời đó chưa có chủng-viện đào-tạo linh-mục, Giáo-hội thời đó truyển chức linh-mục cho những người đang hành nghề khác. Nhưng kể từ thế-kỉ thứ hai, thứ ba trở đi họ phải từ-bỏ đời sống lứa đôi khi được truyền chức. Hiện nay ta chưa biết vấn-đề sẽ được giải-quyết thế nào trong tương-lai. Nhưng chắc-chắn chức linh-mục vẫn sẽ là một tác-vụ không thể thay-thế được và sẽ còn gắn chặt với đời sống độc-thân.

 

Thay-đổi thế-hệ trong Giáo-hội có đem lại một văn-hóa mới trong Giáo-hội không? Trong Giáo-hội sẽ nảy sinh những hình-thức sống đạo mới không ?

 

Tôi hy-vọng có. Mỗi bước ngoặt văn-hóa lớn đều đem lại những hình-thức mới trong đời sống Giáo-hội cũng như những hình-thức mới trong văn-hóa đức tin. Hãy lấy thí-dụ trường-hợp nghệ-thuật rô-ma-ních, gô-tích, thời phục-hưng, ba-rốc và rốc-cô-cô, nền văn-hoá giáo-hội thế-kỉ 19, những hình-thức sống đạo mới phát-sinh với những phong-trào tuổi trẻ. Có thể gọi những gì xẩy ra sau công-đồng Vatican II hầu như là một cuộc cách-mạng văn-hóa, nếu như ta nhìn vào những màn thái-quá như thu-dọn trống-trơn các nơi phụng-tự và sự biến-đổi bộ mặt của hàng giáo-sĩ triều và dòng. Ngày nay nhiều người hối-tiếc về những hành động hấp-tấp đó. Nhưng trong một Giáo-hội sinh-động chắc-chắn sẽ nảy sinh những hình-thái diễn-tả mới. Những hình-thái mới này đang trên đà phát-triển mạnh. Việc cần là luôn phải cố-gắng tách cỏ lùng khỏi lúa, theo lời khuyên của tông-đồ Phaolô: "Đừng dập tắt tinh-thần ….Hãy xem-xét tất-cả. Hãy giữ lại cái tốt." (I. Thessa. 5,19,21).

 

Ngài có tin rằng chức-vụ giáo-chủ sẽ tiếp-tục tồn-tại như hiện nay không?

 

Nó sẽ tồn-tại trong cái cốt-lõi. Nghĩa là cần có người kế vị thánh Phêrô và gánh trách-nhiệm tối-cao, được tập-thể nâng-đỡ. Ki-tô giáo là một tôn-giáo có tổ-chức với những nhân-sự trách-nhiệm. Nó không biến đi trong những cái vô danh, mà hiện thân qua linh-mục chính xứ, giám-mục, và trong trường-hợp Giáo-hội, nhìn như một đơn-vị thống-nhất, cũng hiện thân qua một người. Trách-nhiệm giáo-huấn - như được trình-bầy trong công-đồng Vatican I và II - sẽ tồn-tại để bảo-đảm sự thống-nhất Giáo-hội, thống-nhất đức tin và thống-nhất luân-lí. Nhưng hình-thức thực-thi có thể thay-đổi và chắc-chắn sẽ đổi-thay một khi các cộng-đồng phân-li về hợp-nhất với giáo-chủ. Ngoài ra, với những chuyến viếng-thăm mục-vụ khắp thế-giới, đương-kim Giáo-chủ có lối thực-thi trách-vụ giáo-chủ khác hẳn Piô XII. Tôi không thể và không muốn tưởng-tượng những thay-đổi cụ-thể sẽ xẩy ra. Hiện nay chúng ta chưa thể tiên-đoán được về tương-lai của ghế giáo-chủ.

 

Có thể có những khám-phá thần-học mới làm thay-đổi Giáo-hội và khiến đức tin dễ hiểu hơn, hay ngược lại khiến đức tin thêm tăm-tối chăng?

 

Tất-cả đều có thể. Trong thế-kỷ này chúng ta chứng-kiến những khám-phá thần-học mới do nhiều tên-tuổi như Lubac, Congar, Daniélou, Rahner, Balthasar, v. v…Họ mở ra những viễn-ảnh mới trong thần-học; nếu thiếu chúng thì ta đã không có công-đồng Vatican II. Vì đức tin đi vào những chiều-kích sâu-thẳm, nên nó luôn có những cái nhìn mới. Mặt khác, những biến-cố bất ngờ cũng có thể đột-ngột ập-tới, như ta đã từng chứng-kiến trong thế-kỷ này với sự xuất-hiện của phương-pháp phê-bình lịch-sử, những khoa-học nhân-văn đi vào thần-học, v v … Chúng ta luôn phải sẵn-sàng đương-đầu với những biến-cố như thế. Đức tin có thể trở nên khó khăn hơn, nhưng cũng có thể hiểu được dễ-dàng và trực-tiếp hơn.

 

Câu hỏi sau đây có thể là một vấn-đề mới, càng ngày càng nóng-bỏng : thần-học giải-thích ra sao về sự-kiện Thiên Chúa chỉ nhập-thể trong con người đức Giê-su, nhưng không dưới hình-thức những vị thần ở Á châu chẳng hạn? Tại sao có chuyện một người duy-nhất trong lịch-sử nhân loại có thể là chân-lí tuyệt-đối?

 

Trước hết phải nói ngay, cho tới nay không có tôn-giáo nào tin một con người có thể mang thiên-tính, như Ki-tô giáo tin vào thiên-tính của đức Giê-su ở Na-da-rét. Thần Kris-na của Ấn-độ giáo là dạng-hình giống đức Giê-su hơn cả. Thần này được tôn-sùng như « Avatara » (sự giáng-thế của vị thần) của Vis-nu, đi vào lịch-sử các tôn-giáo Ấn-độ dưới nhiều hình-thể khác nhau. Nhưng đây là một quan-niệm rất khác với đức tin Ki-tô giáo về sự hợp-nhất dứt-khoát giữa Thiên Chúa độc-nhất với một con người có thực trong lịch-sử, qua con người đó Thiên Chúa kéo tất-cả nhân loại đến với Ngài. Đức tin Ki-tô giáo lồng trong đức tin Do-thái giáo, cùng tin một Thiên Chúa độc-nhất tạo-dựng vũ-trụ, đấng cùng con người làm nên lịch-sử, tự ràng-buộc vào lịch-sử này và tác-động trong lịch-sử này một cách vĩnh-viễn cho mọi người. Bởi thế không có vấn-đề lựa-chọn giữa Ki-tô và thần Kris-na hay một hình-thức nào khác. Chỉ có sự lựa-chọn giữa một bên là Thiên-chúa, đấng đã tỏ mình ra một cách không thể lẫn-lộn, như là Thiên Chúa độc-nhất cho mọi người và nối-kết đến cả thân mình với con người - và bên kia là một cách hiểu khác về tôn-giáo; theo đó, thần-tính thể-hiện dưới những dạng-hình khác nhau, nhưng không cái nào là dứt-khoát, tức là con người hướng về một cái không bao giờ có tên. Đó là hai cách hiểu khác nhau về chân-lí, Thiên-chúa, vũ-trụ và con người. Tuy nhiên qua những hình-ảnh tôn-giáo của các tôn-giáo lớn khác trên thế-giới, ki-tô-hữu có thể nhận ra những dò-dẫm tìm về Ki-tô giáo. Kitô-hữu cũng có thể tìm thấy đàng sau tất-cả những sự-kiện đó bàn tay bí-mật của Thiên-chúa, đấng dùng các tôn-giáo khác để tác-động lên con người và dẫn con người vào chính lộ. Nhưng Ngài luôn vẫn là vị Chúa không thay đổi, Chúa của  đức Giê-su Kitô.

 

Một phần những câu hỏi và những nguy-cơ cho Giáo-hội đã lộ rõ. Chúng ta đã nói tới lời tố-cáo Giáo-hội duy-căn, nghĩa là chống lại xã-hội dân-chủ, ngăn-cản tự-do tư-tưởng, tự-do tôn-giáo cũng như nhăm-nhe thành-lập một quốc-gia thần-quyền. Nội-dung nền-tảng của đức tin dựa trên Kinh thánh càng ngày càng cạn-kiệt. Người ta hồ-nghi về cái chết trên thập-giá, biến-cố lên trời, thông-điệp ơn cứu-độ. Người ta cho rằng các môn-đệ xưa chỉ có những thị-kiến, chính bài giảng trên núi cũng chẳng có thực. Càng ngày càng có nhiều người đòi Giáo-hội phải tự giải-thể để nhường chỗ cho một nền đạo-giáo hậu Ki-tô đang trên đà tăng-trưởng.

 

Chống lại những tố-cáo trên là đức tin vững-mạnh của hàng triệu tín-hữu Kitô, những người ngày nay còn tìm thấy nơi đức tin của Giáo-hội con đường giúp họ thực-sự thành người. Những chế-độ độc-tài hùng-mạnh của thế-kỷ này đã nhiều lần lớn tiếng khai tử đức tin Ki-tô giáo. Họ cho rằng chỉ những kẻ không chịu sửa sai, không thể cải-thiện, mới lì lại ở đó. Nhưng sau khi các nhà độc-tài khét tiếng bị hạ-bệ, chúng ta thấy những tín-hữu từng bị họ gạt ra ngoài lề xã-hội kia lại là những chứng nhân đích-thực cho tình người và chính họ mở đường cho công cuộc tái-thiết. Đức tin Ki-tô giáo có tương-lai tốt-đẹp hơn những ý-thức hệ từng đòi huỷ-bỏ nó.

 

 

Tái khám-phá điểm trung-dung –

Những viễn-ảnh của Giáo-hội mới

 

Người ta thường chỉ-trích giáo-chủ muốn mở hướng đi thụt lùi, nhắm mắt trước những kết-quả của công-đồng Vatican II. Nay giáo-chủ Gio-an Phao-lô  II lại nói: "Cách chuẩn-bị tốt nhất cho năm giao-thời 2000" là "hết sức trung-thành áp-dụng giáo-huấn của công-đồng Vatican II  vào đời sống từng người và đời sống của cả Giáo-hội".

 

Ngài luôn nổi-bật là giáo-chủ của công-đồng Vatican II; công-đồng là một kinh-nghiệm then-chốt đối với ngài. Ngài đến dự công-đồng khi còn là một giám-mục trẻ. Tôi còn nhớ ngài chỉ được phong tổng giám-mục giữa thời công-đồng. Sau đó ngài đóng-góp rất tích-cực vào việc soạn-thảo hiến-chế «Vui-mừng và hy-vọng » bàn về mối liên-hệ giữa Giáo-hội và thế-giới. Ngài thu-tập nhiều kinh-nghiệm trong khi cộng-tác soạn-thảo văn-kiện này; khả-năng suy-tư triết-học của ngài đã giúp ngài rất nhiều trong công-việc đó. Như thế tài-liệu này, một tài-liệu linh-động nhất của công-đồng và hướng về tương-lai nhiều nhất, đã trở-thành một thứ châm-ngôn cho cuộc đời ngài. Ngài thâm-tín về sự quan-phòng của Chúa nơi công-đồng Vatican II và tin rằng qua công-đồng Chúa Thánh-linh đã trao cho Giáo-hội những sứ-mạng mới - từ những thay-đổi trong phụng-vụ đến phong-trào đại-kết, tự-do tôn-giáo, đối-thoại tôn-giáo, đối-thoại với Do-thái và gặp-gỡ thế-giới hiện-đại. Tôi khó tưởng-tượng ra ai khác được công-đồng đánh-động và ghi dấu sâu-đậm hơn ngài, đến độ lấy công-đồng làm kim chỉ nam cho chính mình. Bởi thế gán cho ngài ý-định đi ngược về thời trước Công-đồng là chuyện hết sức phi lí. Giáo-chủ xác-tín về tầm quan-trọng đặc-biệt của ba năm công-đồng mà ngài tham-dự và góp phần xây-dựng. Xác-tín của ngài vượt xa mức-độ cần-thiết  đối với mỗi tín-hữu công giáo. Dĩ-nhiên ngài cũng cảm thấy ngày càng rõ hơn, có nhiều lối giải-thích công-đồng khác nhau, thậm chí đối-nghịch nhau. Vì thế khi nói "trung-thành với công-đồng", dĩ nhiên ngài muốn nói tới sự trung thành năng-động. Chính những gì công-đồng thực-sự muốn nói mới là tấm biển chỉ đường cho ta đi, chứ không phải là cái ta muốn công-đồng nói.

 

Có cần kiểu-cách mới, ngôn-ngữ mới để truyền-đạt đức tin không?

 

Tôi nghĩ cần. Nỗi mệt-mỏi của ki-tô-hữu, ít ra tại Âu châu, là dấu-hiệu cho thấy cần phải có cách diễn-đạt mới. Tôi đọc tiểu-sử một linh-mục Chính-thống, thấy ông nói: Tôi cố-gắng rất nhiều, nhưng thiên-hạ không muốn nghe, họ ngủ gà ngủ gật hoặc chẳng thèm tới nghe nữa. Chắc là tại cách diễn-tả không khéo. Đó là một trường-hợp điển-hình mà nhiều vị khác cũng đã từng trải qua. Điều quan-trọng là chính người giảng-thuyết phải có mối liên-kết nội-tâm với Kinh thánh với đức Kitô, nguồn-mạch lời hằng-sống, và phải thực sống lời đó trong tư-thế một con người của thời-đại và trong thời-đại, không trốn chạy thời-đại. Khi nói với xác-tín thâm-sâu thực-sự, thì ngôn-ngữ sẽ tự-nhiên mang âm-điệu mới.

 

Những luồng gió mới đặc-biệt từ đệ tam thế-giới có thể đối đầu với " óc địa-phương Âu châu" – nói theo ngôn-ngữ ngài đã từng sử-dụng- đã có chưa? Giáo-hội trong tương-lai sẽ có dáng-vóc Phi châu hơn, hay Á châu hơn, hoặc Mỹ châu hơn, dù sao cũng ít Âu châu hơn chăng?

 

Nhất-định là thế. Bởi chỉ xét về lượng cũng thấy trọng-tâm ngày càng chuyển từ Âu châu sang các đại-lục khác. Những đại-lục này ngày càng ý-thức sâu-xa hơn về nền văn-hóa của họ. Ta thấy ở đây hơi giống trường hợp Hồi giáo mà ta đã nói đến trên kia. Qua cuộc khủng-hoảng văn-hóa Âu Mỹ, Hồi giáo có được niềm hãnh-diện mới. Cũng thế, cuộc khủng-hoảng này đã khiến những nền văn-hóa lớn khác tái ý-thức về giá-trị văn-hóa và tự-hào về dĩ-vãng văn-hóa của họ : Chúng tôi đây cũng có những đóng-góp mới-mẻ và phong-phú! Người Phi châu ý-thức sâu-xa rằng, một đàng họ còn đang phải tiến lên, còn phải học-hỏi, đàng khác họ đóng-góp cho thế-giới nét tươi-mát rất đáng thán-phục của đức tin toát ra từ con người họ. Họ biết rằng trong di-sản văn-hóa của họ tiềm-ẩn những kho báu đang chờ được khai-thác. Ý-thức này cũng rất mạnh ở Nam Mỹ và Á châu. Bởi thế có thể khẳng-định, bộ mặt tương-lai của Giáo-hội sẽ sống-động dưới nhiều hình-thức văn-hóa và nhờ nhiều đóng-góp của các đại-lục khác.

 

Đã từ lâu chẳng còn ai ngạc-nhiên nữa, nếu như trong tương-lai một vị giám-mục Phi châu hay Mỹ châu la-tinh được bầu vào ghế giáo-chủ.

 

Đúng thế. Bất cứ ai, ít ra trong hồng-y đoàn, cũng nghĩ rằng chúng tôi có thể bầu một vị người Phi châu hay một vị nào đó ngoài Âu châu. Nhưng thế-giới Ki-tô giáo Âu châu tiếp-nhận sự-kiện đó ra sao, lại là một vấn-đề khác. Vì dù có những tuyên-bố về bình đẳng  chủng tộc và những lời lên án kỳ-thị chủng-tộc, người Âu vẫn còn một ý-thức nào đó về mình, và ý-thức này sẽ bùng dậy trong những giờ phút nghiêm-trọng. Tuy nhiên, tôi nghĩ các hồng-y chỉ đơn-giản tự hỏi ai là người thích-hợp nhất, chứ không xét tới mầu da hay nguồn-gốc.

 

Có thể xẩy ra trường-hợp này không : Vì đường-lối suy-tư của Giáo-hội đã thay-đổi, nên một số tín-điều và ngay cả các bí-tích cũng sẽ lấy lại hình-thức cũ, hoặc biến-đổi hay được cải-tổ?

 

Những gì đã thực-sự trở thành nội-dung đức tin, tức "tín-điều", không thể sau đó lại trở thành sai. Cũng như trong lãnh-lực khoa-học, cái gì đã chứng-minh là đúng, sẽ có giá-trị mãi, nhưng có thể được đặt vào khung-cảnh khác và có vẻ mang một ý-nghĩa khác. Ở đây cũng hệt như thế. Cái đúng, sẽ đúng mãi, nhưng có thể được lồng vào viễn-cảnh khác làm nó hiện ra dưới ánh sáng khác. Chắc-chắn các bí-tích sẽ tồn-tại ; con số 7 bí-tích phù-hợp với những chặng đường của đời người; nhưng trong những thời-đại khác nhau người ta sống bí-tích cách khác nhau. Trước đây 100 năm tín-hữu, kể cả những người sùng đạo, chỉ xưng tội và rước lễ khoảng ba hay bốn lần mỗi năm. Ngày nay rước lễ hằng ngày là chuyện bình-thường. Bí-tích hòa-giải đã trải qua nhiều thay-đổi trong lịch-sử. Thần-học bí-tích của công-đồng Trentô (1545-1563) cũng như giáo-lí về ân-sủng (tranh-chấp biện-bạch với phía cải-cách!) đã không trở nên sai-lầm và sẽ không trở nên sai-lầm, nhưng nó sẽ tiếp-tục phát-triển. Xét như thế, ta thấy suốt trong dòng lịch-sử cái bền-bỉ và cái linh-động có thể tương-hợp.

 

Vào đầu thiên niên-kỷ thứ ba nhen-nhúm một quan-niệm mới về tôn-giáo. Trong đó pha-trộn nội-dung và hình-thức của những nền văn hóa lớn, những yếu tố từ Phật giáo, thuyết vô thần, tục thờ-cúng của các sắc dân sống theo thiên-nhiên. Giáo-hội có thể trở nên phong-phú hơn nhờ những trào-lưu của thế-giới hiện-đại hay nhờ những tôn-giáo khác không?

 

Cuộc đối-thoại liên tôn đang diễn-tiến. Tôi tin mỗi chúng ta đây đều xác-tín rằng cũng có những điều chúng ta có thể học được, thí-dụ từ thần-bí Á châu, rằng những truyền-thống thần-bí lớn mở ra những khả-năng gặp-gỡ còn rõ hơn như ta thấy trong thần-học khẳng-định (positive Theologie). Xét như thế, di-sản thần-bí của bậc thầy Eckhart*, của toàn-thể tư-tưởng thần-bí phái nữ thời Trung-cổ, nhất là ở Tây-ban-nha, có chỗ đứng quan-trọng trong cuộc đối-thoại liên tôn ngày nay. Quan-trọng ở chỗ, một đàng nó giúp ta nhìn ra tầm-quan-trọng của những yếu-tố chung trong thần-học thần-bí (thần-học phủ-định), mặc dầu không thể và không nên bỏ qua nét dị-biệt giữa thần-bí Phật giáo và thần-bí Ki-tô giáo. Nó còn quan-trọng ở chỗ ngày nay, từ nội-dung của huyền-thoại và của triết-lí tôn-giáo Á châu, người ta thấy những yếu-tố hoàn-toàn mới có thể tuôn vào tư-tưởng thần-học – mặc dầu cố-gắng sử-dụng những yếu-tố đó tới nay chưa đạt thành-quả mĩ-mãn. Dù vậy chúng mở cho ta những khả-năng đem lại những cơ-may mới cho sự suy-tư thần-học và cho cách-thức sống đạo.

 

Trong khoảng ngót 1500 năm chúng ta đã có một môi-trường ki-tô giáo để lưu-truyền đức tin và giáo-dục ki-tô giáo. Ngày nay một môi-trường như thế đã vắng bóng nơi học-đường, truyền-thông và những cơ-sở xã-hội. Những giá-trị của Giáo-hội và các quan-điểm của xã hội xem ra ngày càng xa-lià nhau. Như vậy làm sao có thể thực-hiện được những dự-án về cuộc sống và về ơn cứu-độ của Giáo-hội trong tương-lai?

 

Ông nói rất phải, cần có môi-trường ki-tô giáo để thực-hiện những việc này. Theo thiển ý, ki-tô-hữu không bao giờ đứng một mình riêng-rẽ; là ki-tô-hữu nghĩa là đồng-hành với kẻ khác. Cả một tu-sĩ ẩn-tu cũng thuộc về một cộng-đoàn và được cộng-đoàn nâng-đỡ. Bởi thế ưu-tư của Giáo-hội là phải làm sao tạo cho được những cộng-đoàn này. Văn-hóa của xã-hội Âu Mỹ không cống-hiến loại cộng-đoàn này nữa. Điểm này đưa ta trở lại câu hỏi ông nêu trước đây, là Giáo-hội sẽ phải sống ra sao trong một thế-giới càng ngày càng mất đi tính-chất ki-tô giáo. Trong hoàn-cảnh này, Giáo-hội phải thiết-lập những cộng-đoàn một cách khác; các cộng-đoàn phải tìm cách nâng-đỡ nhau và sống đức tin vững-mạnh hơn.

Ngày nay không thể chỉ dựa vào môi-trường xã-hội, vì như thế chưa đủ; một bầu-khí ki-tô giáo bao trùm cả xã-hội không còn nữa. Vì vậy ki-tô-hữu phải thực-sự nâng-đỡ nhau. Lúc này đây đã có những hình-thức khác, đã có những "phong-trào" đủ loại ra đời tạo nên những cộng-đoàn mới. Cần đổi mới việc đào sâu giáo-lí và đức tin để có thể thực-hành và học-hỏi đạo Chúa dễ-dàng hơn. Liên-kết với các dòng tu cũng là một cách để cảm-nghiệm Ki-tô giáo. Nói cách khác, khi xã-hội nói chung không còn cống-hiến môi-trường ki-tô giáo nữa – trong bốn hay năm thế-kỷ đầu xã-hội cũng đã không cống-hiến cho ta môi-trường này -, thì chính Giáo-hội phải thành-lập những nhóm hạt-nhân nhỏ, để bảo-vệ, nâng-đỡ nhau, cùng đi với nhau, nghĩa là cảm-nghiệm và thực-hành được bầu khí đại gia-đình Giáo-hội trong những nhóm nhỏ.

 

Mô-hình Giáo-hội đại-chúng sẽ không thể tiếp-tục có được nữa trên một phần lớn Âu châu. Như vậy mô-hình thay-thế nó sẽ mang hình-dạng cụ-thể ra sao ? Những cộng-đồng năng-động này sẽ được tổ-chức như thế nào? Có thể là những ki-bút Kitô giáo trên lãnh thổ Đức không?

 

Tại sao không? Rồi ta sẽ thấy. Tôi nghĩ, ngay bây giờ mà phác-họa một mô-hình sẵn cho Giáo-hội ngày mai, một Giáo-hội ngày càng thu hẹp lại cho thiểu-số, là một việc không đúng, thậm chí tự-cao. Nhưng tôi nghĩ, nhiều người sẽ ít nhiều tìm nương-tựa nơi Giáo-hội đó; có thể nói họ sống từ bên ngoài và một cách nào đó cả từ nội tâm với Giáo-hội. Nhưng dù thay-đổi cách nào đi nữa, tôi tin chắc giáo-xứ sẽ tồn-tại như là hạt-nhân chủ-yếu của đời sống cộng-đoàn. Nhưng khó có thể duy-trì toàn-bộ hệ-thống giáo-xứ hiện-tại, mà một phần tương-đối mới thành hình. Người ta sẽ phải học cách đến với nhau để bổ-túc cho nhau. Bên cạnh giáo-xứ sẽ có những nhóm nhỏ liên-kết với nhau, qua đặc-sủng, qua nhân-cách vị sáng-lập, qua con đường tâm-linh đặc-biệt, như trong lịch-sử vẫn thường xẩy ra. Giữa giáo-xứ và "phong-trào" cần có sự trao-đổi tích-cực hơn: Phong-trào cần giáo-xứ để tránh trở thành giáo-phái, giáo-xứ cần "các phong-trào" để không hóa ra xơ-cứng. Hiện nay đã có những hình-thức tu-trì mới ngay giữa trần-thế. Ai để ý, có thể thấy nhiều hình-thức sống đạo của Giáo-hội ngày mai đã xuất-hiện giữa chúng ta rồi.

 

 

 



* Vir probatus: người đã lập gia-đình, có nghề, có tư-cách và cuộc sống xứng-đáng.

* Eckhart (1260-1327) : Người Đức, tu-sĩ dòng Đa-minh, nổi tiếng qua tư-tưởng thần-bí và phiếm-thần, bị giáo-quyền lên án, chết trước khi bị ra pháp-đình tôn-giáo.