SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

TIẾT 3: ĐẤNG TOÀN NĂNG

(http://giaolyductin.net/)

Paragraphus 3

Omnipotens

268. Trong tất cả các phẩm tính thần linh, Tín biểu chỉ nhắc đến sự toàn năng của Thiên Chúa: việc tuyên xưng Thiên Chúa Toàn Năng là rất quan trọng đối với đời sống chúng ta. Chúng ta tin rằng sự toàn năng của Ngài là phổ quát, bởi vì Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng mọi sự[1], điều khiển và làm được mọi sự; sự toàn năng của Thiên Chúa tràn đầy tình yêu, bởi vì Ngài là Cha chúng ta[2]; sự toàn năng của Thiên Chúa là mầu nhiệm, bởi vì chỉ có đức tin có thể nhận ra sự toàn năng đó, khi nó được “biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2 Cr 12,9)[3]

“Muốn làm gì là Chúa làm nên” (Tv 115,3) 

269. Thánh Kinh thường tuyên xưng quyền năng phổ quát của Thiên Chúa. Ngài được gọi là “Đấng Quyền Năng của Giacob” (St 49,24; Is 1,24…), “Chúa các đạo binh”, “Đấng Mạnh Mẽ, Đấng Oai Hùng” (Tv 24,8-10). Vì vậy, Thiên Chúa là Đấng toàn năng “chốn trời cao cùng nơi đất thấp” (Tv 135,6), bởi vì chính Ngài đã tạo dựng nên chúng. Không có gì mà Ngài không làm được[4], và Ngài sắp đặt công trình của Ngài theo ý Ngài[5]; Ngài là Chúa cả trần gian, Ngài đã thiết lập trật tự cho nó, và trật tự đó hoàn toàn quy phục Ngài và phục vụ Ngài. Ngài là Chúa của lịch sử: Ngài điều khiển các tâm hồn và các biến cố theo ý Ngài[6]: “Quyền năng Chúa luôn luôn vĩ đại, ai chống nổi cánh tay dũng mãnh của Ngài?” (Kn 11,21). 

“Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự” (Kn 11,23) 

270. Thiên Chúa là Cha toàn năng. Tình phụ tử và quyền năng của Ngài soi sáng lẫn nhau. Quả thế, Ngài cho thấy sự toàn năng đầy tình Cha của Ngài qua cách Ngài chăm lo cho những nhu cầu của chúng ta[7]; qua việc Ngài nhận chúng ta làm nghĩa tử (“Ta sẽ là Cha các ngươi, và các ngươi sẽ là con trai, con gái của Ta, Chúa toàn năng phán như vậy”: (2 Cr 6,18); sau hết, Ngài bày tỏ rõ ràng quyền năng của Ngài qua lòng khoan dung vô tận, khi Ngài tự ý tha thứ các tội lỗi. 

271. Sự toàn năng của Thiên Chúa không hề có tính chất độc đoán: “Nơi Thiên Chúa, quyền năng và yếu tính, ý muốn và trí tuệ, sự khôn ngoan và sự công chính là một. Do đó, không có gì trong quyền năng của Thiên Chúa mà không ở trong ý muốn công chính của Ngài, và trong trí tuệ khôn ngoan của Ngài”[8]

Mầu nhiệm về sự “bề ngoài có vẻ bất lực” của Thiên Chúa 

272. Đức tin vào Thiên Chúa là Cha toàn năng có thể bị thử thách do kinh nghiệm về sự dữ và đau khổ. Đôi khi Thiên Chúa có thể bị coi như vắng mặt và bất lực không ngăn chặn được sự dữ. Thật ra, Thiên Chúa là Cha đã mạc khải sự toàn năng của Ngài một cách hết sức huyền nhiệm trong việc Con của Ngài tự nguyện hạ mình và sống lại, nhờ đó Ngài đã chiến thắng sự dữ. Như vậy, Đức Kitô bị đóng đinh là sức mạnh của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Thiên Chúa “vì sự điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và sự yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1,25). Trong việc Đức Kitô sống lại và được tôn vinh, Chúa Cha biểu dương “sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực” của Ngài và cho thấy “quyền lực vô cùng lớn lao” của Ngài mà “Ngài đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu” (Ep 1,19-22). 

273. Chỉ đức tin mới có thể gắn bó với những đường lối mầu nhiệm của sự toàn năng của Thiên Chúa. Đức tin này tự hào về những yếu kém của mình, để lôi kéo quyền năng của Đức Kitô xuống trên mình[9]. Gương mẫu cao cả nhất của một đức tin như thế là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ là người đã tin rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37) và đã ngợi khen Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Ngài thật chí thánh chí tôn” (Lc 1,49). 

274. “Không gì có thể củng cố đức tin và đức cậy của chúng ta bằng việc chúng ta xác tín trong tâm hồn rằng: không có gì mà Thiên Chúa không làm được. Từ chỗ đó, sau khi lý trí đã có ý niệm về Thiên Chúa toàn năng, thì những điều phải tin, dù là cao cả và kỳ diệu, và vượt quá trật tự và cách thức của các sự việc, lý trí con người vẫn chấp nhận một cách dễ dàng, không chút do dự”[10].

TÓM LƯỢC

275.  Cùng với ông Job, người công chính, chúng ta tuyên xưng: “Con biết rằng việc gì Chúa cũng làm được, không có gì Chúa đã định trước mà lại không thành tựu” (G 42,2).

276. Hội Thánh, trung thành với chứng từ của Thánh Kinh, thường dâng lời cầu nguyện lên “Thiên Chúa toàn năng hằng hữu” (“Omnipotens sempiterne Deus…”), trong khi vững tin rằng: “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37)[11].

277. Thiên Chúa cho thấy sự toàn năng của Ngài, khi Ngài làm cho chúng ta hối cải bỏ đàng tội lỗi và Ngài lấy ân sủng mà đưa chúng ta trở lại trong tình bằng hữu với Ngài (“Lạy Chúa, khi Chúa thương xót và thứ tha, chính là lúc Chúa biểu lộ quyền năng cách tỏ tường hơn cả”)[12].

278. Nếu ai không tin rằng tình yêu của Thiên Chúa là toàn năng, thì làm thế nào người đó tin được rằng Thiên Chúa đã có thể tạo dựng chúng ta, Chúa Con đã có thể cứu chuộc chúng ta, Chúa Thánh Thần đã có thể thánh hoá chúng ta?


[1]X. St 1,1; Ga 1,3.

[2]X. Mt 6,9.

[3]X. 1 Cr 1,18.

[4]X. Gr 32,17; Lc 1,37.

[5]X. Gr 27,5.

[6]X. Et 4,17c; Cn 21,1; Tb 13,2.

[7]X. Mt 6,32.

[8]Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, I, q. 25, a. 5, ad 1: Ed. Leon. 4, 297.

[9]X. 2 Cr 12,9; Pl 4,13.

[10]Catechismus Romanus, 1, 2, 13: ed. P. Rodriguez (Città del Vaticano- Pamplona) 31.

[11]X. St 18,14; Mt 19,26.

[12]Chúa nhật XXVI Thường Niên, Lời nguyện nhập lễ: Sách Lễ Rôma, editio typica (Typis Polyglottis Vaticanis 1970) 365.

 


Sách Giáo Lý Công Giáo