SÁCH GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO - IV. MẦU NHIỆM TẠO DỰNG - MYSTERIUM CREATIONIS 

(giaolyductin. net)

IV.  MẦU NHIỆM TẠO DỰNG

MYSTERIUM CREATIONIS

Thiên Chúa tạo dựng bằng sự khôn ngoan và tình yêu

295. Chúng ta tin Thiên Chúa đã tạo dựng trần gian theo sự khôn ngoan của Ngài[1]. Trần gian không phải là sản phẩm của bất cứ một luật tất yếu, một định mệnh mù quáng hoặc một sự ngẫu nhiên nào. Chúng ta tin trần gian xuất phát từ ý muốn tự do của Thiên Chúa, Đấng đã muốn cho các thụ tạo được tham dự vào hữu thể, sự khôn ngoan và sự tốt lành của Ngài. “Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên” (Kh 4,11). “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan” (Tv 104,24). “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên” (Tv 145,9).

Thiên Chúa tạo dựng “từ hư vô”

296. Chúng ta tin Thiên Chúa tạo dựng mà không cần một thứ gì đã hiện hữu trước, cũng không cần một sự trợ giúp nào[2]. Công trình tạo dựng cũng không phải là một sự xuất phát tất yếu từ bản thể Thiên Chúa[3]. Thiên Chúa tạo dựng một cách tự do “từ hư vô” (“ex nihilo”)[4]:

“Nếu Thiên Chúa làm nên trần gian từ một chất liệu có trước, thì có gì là cao cả? Một người thợ giữa chúng ta, khi nhận được vật liệu từ ai đó, cũng làm ra được những gì anh ta muốn. Nhưng quyền năng của Thiên Chúa được chứng tỏ trong điều này, là từ hư vô, Ngài làm nên bất cứ những gì Ngài muốn”[5].

297. Thánh Kinh làm chứng đức tin về việc tạo dựng “từ hư vô” như một chân lý đầy hứa hẹn và hy vọng. Một bà mẹ đã khuyến khích bảy người con mình chịu tử đạo như sau:

“Mẹ không rõ các con đã thành hình trong lòng mẹ thế nào. Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho mỗi người trong các con. Chính Đấng Tạo Hoá càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gồc muôn loài. Chính Ngài do lòng thương xót, cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con trọng Luật Lệ của Ngài hơn bản thân mình…. Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy” (2 Mcb 7,22-23. 28).

298. Bởi vì Thiên Chúa có thể tạo dựng từ hư vô, nên Ngài, “Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hóa có” (Rm 4,17), cũng có thể, nhờ Chúa Thánh Thần, ban sự sống phần hồn cho các tội nhân bằng cách tạo cho họ một quả tim tinh tuyền[6], và ban sự sống phần xác cho người đã chết qua việc phục sinh. Và bởi vì Ngài đã có thể lấy Lời của Ngài mà làm cho ánh sáng bừng lên từ bóng tối[7],nên Ngài cũng có thể ban ánh sáng đức tin cho những kẻ chưa biết Ngài[8].

Thiên Chúa tạo dựng một thế giới trật tự và tốt lành

299. Nếu Thiên Chúa tạo dựng một cách khôn ngoan, thì công trình tạo dựng là có trật tự: “Chúa đã sắp xếp có chừng có mực, đã tính toán và cân nhắc cả rồi” (Kn 11,20). Trần gian được tạo dựng trong Ngôi Lời vĩnh cửu và nhờ Ngôi Lời vĩnh cửu, Đấng là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), trần gian đó là dành cho con người và hướng tới con người, là hình ảnh của Thiên Chúa[9], và được kêu gọi để sống trong tương quan cá vị với Thiên Chúa. Trí khôn của chúng ta, được tham dự vào ánh sáng của Đấng Thượng trí thần linh, có thể hiểu được những điều Thiên Chúa nói với chúng ta qua công trình tạo dựng[10], tuy phải cố gắng nhiều, và trong tinh thần khiêm tốn và kính trọng trước Đấng Tạo Hóa và công trình của Ngài[11]. Công trình tạo dựng, được phát sinh do sự tốt lành của Thiên Chúa, nên nó được dự phần vào sự tốt lành này (“Và Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp, … là rất tốt đẹp”: St 1,4. 10. 12. 18. 21. 31). Quả thật, Thiên Chúa đã muốn công trình tạo dựng là như một quà tặng dành cho con người, như một gia sản được gởi gắm và ủy thác cho con người. Nhiều lần Hội Thánh đã phải biện hộ cho sự tốt lành của công trình tạo dựng, bao gồm cả sự tốt lành của thế giới vật chất[12].

Thiên Chúa vừa siêu việt trên công trình tạo dựng, vừa hiện diện nơi công trình tạo dựng

300. Thiên Chúa vô cùng cao cả hơn các công trình của Ngài[13]: “Uy phong Ngài vượt quá trời cao” (Tv 8,2). “Ngài cao cả khôn dò khôn thấu” (Tv 145,3). Nhưng bởi vì Ngài là Đấng Tạo Hóa tối cao và tự do, là căn nguyên đệ nhất của tất cả những gì hiện hữu, nên Ngài hiện diện nơi thâm sâu nhất của các thụ tạo của Ngài: “Chính ở nơi Ngài mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu” (Cv 17,28). Theo lời thánh Augustinô: Ngài “thâm sâu hơn sự thâm sâu nhất của tôi và cao vời hơn tột đỉnh của tôi”[14].

Thiên Chúa giữ gìn và nâng đỡ công trình tạo dựng

301. Sau khi tạo dựng, Thiên Chúa không bỏ mặc thụ tạo của Ngài. Không những Thiên Chúa cho chúng hữu thể và hiện hữu, nhưng Ngài còn luôn luôn giữ gìn chúng “hiện hữu”, cho chúng có thể hoạt động và dẫn đưa chúng đến cùng đích của chúng. Nhận biết sự lệ thuộc tuyệt đối như vậy vào Đấng Tạo Hoá là nguồn mạch của sự khôn ngoan và tự do, của niềm vui và sự tin tưởng:

“Quả thế, Chúa yêu thương mọi loài hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên. Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì? Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì mọi loài đều là của Chúa” (Kn 11,24-26).

V.   THIÊN CHÚA THỰC HIỆN KẾ HOẠCH CỦA NGÀI: SỰ QUAN PHÒNG CỦA THIÊN CHÚA

DEUS CONSILIUM SUUM DUCIT IN REM: DIVINA PROVIDENTIA

302. Công trình tạo dựng có sự tốt lành và hoàn hảo riêng, nhưng chưa tuyệt đối trọn vẹn khi xuất phát từ bàn tay Đấng Tạo Hoá. Trần gian được tạo dựng “trong tình trạng lên đường” (“in statu viae”) hướng đến sự hoàn hảo cuối cùng mà Thiên Chúa đã định cho chúng. Những sắp xếp nhờ đó Thiên Chúa dẫn đưa công trình tạo dựng của Ngài tới sự hoàn hảo đó, chúng ta gọi là sự quan phòng của Thiên Chúa.

“Quả thật, nhờ sự quan phòng của Ngài, Thiên Chúa gìn giữ và điều khiển tất cả những gì Ngài đã tạo dựng, ‘từ chân trời này vươn mạnh tới chân trời kia, Ngài cai quản mọi loài thật tốt đẹp’ (Kn 8,1). ‘Nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mắt Ngài’ (Dt 4,13), kể cả những điều trong tương lai do hành động tự do của các thụ tạo”[15].

303. Chứng từ của Thánh Kinh đều đồng nhất: Thiên Chúa quan phòng chăm sóc mọi sự cách cụ thể  trực tiếp, Ngài quan tâm đến tất cả mọi sự, từ những điều nhỏ nhất đến những biến cố trọng đại của trần gian và của lịch sử. Sách Thánh xác quyết mạnh mẽ quyền chủ tể tuyệt đối của Thiên Chúa trong dòng chảy của các biến cố: “Thiên Chúa chúng ta ở trên trời, muốn làm gì là Chúa làm nên” (Tv 115,3); và Sách Thánh nói về Đức Kitô: “Người mở ra thì không ai đóng lại được, Người đóng lại thì không ai mở ra được” (Kh 3,7). “Lòng con người ấp ủ bao dự tính, duy kế hoạch của Chúa mới trường tồn” (Cn 19,21).

304. Chúng ta nhận thấy điều này là, Chúa Thánh Thần, tác giả chính của Thánh Kinh, thường quy các hành động về Thiên Chúa, mà không nhắc đến các nguyên nhân đệ nhị. Đó không phải là “cách nói” sơ khai, nhưng là cách sâu sắc để nhắc nhớ đến quyền tối thượng của Thiên Chúa và quyền chủ tể tuyệt đối của Ngài trên lịch sử và trần gian[16], và như vậy để dạy người ta phải tín thác vào Ngài. Cách cầu nguyện của các Thánh vịnh là trường huấn luyện quan trọng về niềm tín thác này[17].

305. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phó thác với tình con thảo cho sự quan phòng của Cha trên trời, Đấng chăm sóc đến những nhu cầu nhỏ bé nhất của con cái Ngài: “Anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì? uống gì?. . . . Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài, còn tất cả những thứ kia, Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6,31-33)[18].

Sự quan phòng và các nguyên nhân đệ nhị

306. Thiên Chúa là Chúa tể của kế hoạch của Ngài. Nhưng để thực hiện kế hoạch ấy, Ngài cũng dùng đến sự cộng tác của các thụ tạo. Đây không phải là dấu hiệu của sự yếu kém, nhưng là dấu chỉ của sự cao cả và lòng nhân hậu của Thiên Chúa toàn năng. Quả vậy, Thiên Chúa không những ban cho các thụ tạo được hiện hữu, nhưng còn ban cho chúng phẩm giá để chúng hoạt động, để chúng nên nguyên nhân và nguyên lý cho nhau, và như vậy để chúng cộng tác vào việc hoàn thành kế hoạch của Ngài.

307. Đối với con người, Thiên Chúa còn ban cho dư đầy khả năng để tham dự một cách tự do vào sự quan phòng của Ngài, khi trao cho họ trách nhiệm làm chủ trái đất và thống trị nó[19]. Như vậy, Thiên Chúa cho con người trở nên những nguyên nhân thông minh và tự do để hoàn thành công trình tạo dựng, và thực hiện sự hài hoà của công trình ấy hầu mưu ích cho chính mình và cho tha nhân. Con người, những cộng tác viên thường là vô ý thức, của thánh ý Thiên Chúa, có thể tham gia một cách ý thức vào kế hoạch của Thiên Chúa bằng hành động, bằng kinh nguyện, và cả bằng các đau khổ của mình[20]. Như vậy, họ trở thành “những cộng sự viên của Thiên Chúa” (1 Cr 3,9)[21] và của Nước Ngài[22] cách trọn vẹn.

308. Chân lý sau đây là không thể tách rời khỏi đức tin vào ThiênChúa Tạo Hoá: Thiên Chúa hành động trong mọi hoạt động của các thụ tạo của Ngài. Ngài là nguyên nhân đệ nhất, hành động trong và qua các nguyên nhân đệ nhị: “Vì chính Thiên Chúa tác động đến ý chí cũng như hành động của anh em do lòng yêu thương của Ngài” (Pl 2,13)[23]. Chân lý này không những không làm giảm bớt phẩm giá của thụ tạo, nhưng còn nâng nó lên. Thụ tạo, được tạo dựng từ hư vô bởi quyền năng, sự khôn ngoan và lòng nhân hậu của Thiên Chúa, không thể làm gì được nếu bị cắt khỏi nguồn gốc của mình; “vì không có Đấng Tạo Hoá, thụ tạo sẽ tan biến”[24]; thụ tạo lại càng không thể đạt tới cùng đích tối hậu của mình nếu không có sự trợ giúp của ân sủng[25].

Thiên Chúa quan phòng và cớ vấp phạm của sự dữ

309. Nếu Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo dựng nên trần gian có trật tự và tốt đẹp, chăm sóc tất cả các thụ tạo của Ngài, thì tại sao lại có sự dữ? Trước câu hỏi vừa khẩn thiết vừa không thể tránh được, vừa bi thảm vừa bí nhiệm này, không câu trả lời vội vàng nào là đầy đủ được. Chỉ có toàn bộ đức tin Kitô giáo mới là câu trả lời cho câu hỏi này: sự tốt đẹp của công trình tạo dựng, thảm kịch tội lỗi, tình yêu kiên nhẫn của Thiên Chúa, Đấng đã đi bước trước đến với con người qua các Giao Ước của Ngài, qua việc Con Ngài Nhập Thể đem lại ơn cứu chuộc, qua việc ban Chúa Thánh Thần, qua việc quy tụ Hội Thánh, qua sức mạnh của các bí tích, qua việc kêu gọi tới cuộc sống vĩnh phúc, mà ngay từ đầu các thụ tạo có tự do được mời gọi đón nhận, nhưng cũng ngay từ đầu, do một huyền nhiệm khủng khiếp, họ có thể từ chối! Không có khía cạnh nào của sứ điệp Kitô giáo mà lại không phải là một phần câu trả lời cho câu hỏi về sự dữ.

310. Nhưng tại sao Thiên Chúa lại không tạo dựng một trần gian thật hoàn hảo đến nỗi không thể có một sự dữ nào trong đó? Theo quyền năng vô biên của Ngài, Thiên Chúa luôn có thể tạo dựng được một thế giới tốt hơn[26]. Nhưng trong sự khôn ngoan và lòng nhân hậu vô biên của Ngài, Thiên Chúa đã tự ý muốn dựng nên một trần gian “trong tình trạng lên đường” hướng về sự hoàn hảo cuối cùng của nó. Trong kế hoạch của Thiên Chúa, quá trình này gồm có việc những vật này xuất hiện và những vật khác biến đi, có cái hoàn hảo hơn và có cái kém hơn, có xây đắp và cũng có tàn phá trong thiên nhiên. Như vậy, cùng với sự tốt lành thể lý, cũng có sự dữ thể lý, bao lâu công trình tạo dựng chưa đạt tới mức hoàn hảo của nó[27].

311. Các Thiên thần và các con người, là những thụ tạo thông minh và tự do, phải tiến về mục đích tối hậu của mình, nhờ sự lựa chọn tự do và yêu mến điều gì là ưu tiên. Vì vậy, họ có thể đi sai đường. Trong thực tế, họ đã phạm tội. Như vậy, sự dữ luân lý, vô cùng nghiêm trọng hơn so với sự dữ thể lý, đã xâm nhập vào trần gian. Thiên Chúa không bao giờ, bằng bất cứ cách nào, một cách trực tiếp hay gián tiếp, là nguyên nhân của sự dữ luân lý[28]. Tuy nhiên Ngài cho phép điều đó, vì tôn trọng sự tự do của thụ tạo của Ngài, và một cách bí nhiệm, Ngài biết từ sự dữ dẫn đưa tới điều thiện hảo:

“Quả thật, Thiên Chúa toàn năng tốt lành vô cùng, nên không bao giờ cho phép một sự dữ nào xảy ra trong các công trình của Ngài, nếu Ngài không toàn năng và tốt lành đến độ Ngài có thể hành động cách tốt đẹp từ sự dữ”[29].

312. Như vậy, với thời gian, chúng ta có thể nhận ra rằng: Thiên Chúa, trong sự quan phòng toàn năng của Ngài, có thể dẫn đưa tới điều thiện hảo từ những hậu quả của sự dữ, cho dù là sự dữ luân lý, do các thụ tạo của Ngài gây nên: “Không phải các anh đã gửi tôi đến đây, nhưng là Thiên Chúa…. Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt để… cứu sống một dân đông đảo” (St 45,8; 50,20)[30]. Từ sự dữ luân lý lớn lao nhất người ta từng phạm, là việc khước từ và giết chết Con Thiên Chúa, sự dữ đó là do tội lỗi của tất cả mọi người gây nên, Thiên Chúa đã dẫn đưa tới điều thiện hảo cao trọng nhất, nhờ ân sủng chan chứa gấp bội của Ngài[31]: Đức Kitô được tôn vinh và chúng ta được cứu chuộc. Tuy nhiên không vì vậy mà sự dữ trở thành điều thiện hảo.

313. “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Ngài” (Rm 8,28). Chứng từ của các Thánh không ngừng củng cố chân lý này.

Thánh Catarina Siêna nói với “những người bất bình và nổi dậy chống lại những gì xảy đến cho họ”: “Mọi sự được ban tặng bởi tình yêu và được quan phòng cho phần rỗi của con người, chứ không vì bất cứ mục đích nào khác”[32].

Ngay trước khi chịu tử đạo, thánh Tôma More an ủi con gái mình: “Không gì có thể xảy ra mà không do Thiên Chúa muốn. Mà bất cứ điều gì Ngài muốn, thì dù đối với chúng ta có vẻ là sự dữ, nhưng thật ra đó là điều thiện hảo nhất”[33].

Và bà Giuliana Norwich viết: “Nhờ ơn Chúa, tôi đã được dạy phải vững vàng gắn bó với đức tin… và tin một cách mạnh mẽ rằng mọi sự sẽ tốt đẹp…. Chính bạn sẽ thấy là mọi sự sẽ tốt đẹp”[34].

314. Chúng ta tin vững vàng rằng Thiên Chúa là Chúa của trần gian và của lịch sử. Nhưng thường chúng ta không biết được các đường lối của sự quan phòng của Ngài. Chỉ khi nào tới chung cuộc, lúc mà sự hiểu biết phiến diện của chúng ta kết thúc, khi chúng ta thấy Thiên Chúa “mặt giáp mặt” (1 Cr 13,12), chúng ta sẽ hiểu biết một cách trọn vẹn các đường lối này, mà qua đó, kể cả nhờ những thảm kịch của sự dữ và tội lỗi, Thiên Chúa dẫn đưa công trình tạo dựng của Ngài tới sự nghỉ ngơi của ngày Sabat[35]chung cuộc, vì ngày đó mà Thiên Chúa đã tạo dựng trời đất.

TÓM LƯỢC

315. Thiên Chúa, trong công trình tạo dựng trần gian và con người, đã cho thấy chứng từ đầu tiên và phổ quát về tình yêu toàn năng và sự khôn ngoan của Ngài, đây là lời loan báo đầu tiên về “kế hoạch nhân hậu” của Ngài, một kế hoạch có mục đích là công trình tạo dựng mới trong Đức Kitô.

316. Tuy công trình tạo dựng được đặc biệt coi là của Chúa Cha, nhưng chân lý đức tin cũng dạy: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là nguyên lý duy nhất và không thể phân chia của công trình tạo dựng.

317. Một mình Thiên Chúa đã tạo dựng trần gian một cách tự do, trực tiếp, không hề có một sự trợ giúp nào.

318. Không một thụ tạo nào có quyền năng vô biên cần thiết để “tạo dựng” theo đúng nghĩa của từ này, nghĩa là, làm ra và cho hiện hữu điều gì trước đó không hề có (kêu gọi nó hiện hữu “từ hư vô”)[36].

319. Thiên Chúa đã tạo dựng trần gian để biểu lộ và truyền thông vinh quang của Ngài. Sự vinh quang mà vì đó Thiên Chúa đã tạo dựng các thụ tạo của Ngài, là để chúng được dự phần vào sự chân thiện mỹ của Ngài.

320. Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng trần gian, gìn giữ nó hiện hữu nhờ Ngôi Lời, là Con của Ngài, Đấng “dùng lời quyền năng của mình mà duy trì vạn vật” (Dt 1,3), và nhờ Thần Khí Sáng Tạo của Ngài, Đấng ban sự sống.

321. Sự quan phòng của Thiên Chúa là những sắp xếp nhờ đó Thiên Chúa, với sự khôn ngoan và tình yêu, dẫn đưa mọi thụ tạo của Ngài tới mục đích tối hậu của chúng.

322. Đức Kitô mời gọi chúng ta phó thác với tình con thảo vào sự quan phòng của Cha trên trời[37], và thánh Tông Đồ Phêrô nhắc lại: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Ngài, vì Ngài chăm sóc anh em” (1 Pr 5,7)[38].

323. Thiên Chúa quan phòng cũng hành động qua hành động của các thụ tạo. Thiên Chúa cho con người được cộng tác một cách tự do vào các kế hoạch của Ngài.

324. Việc Thiên Chúa cho phép có sự dữ thể lý và sự dữ luân lý là một mầu nhiệm mà Thiên Chúa làm sáng tỏ nhờ Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô, đã chết và đã sống lại để chiến thắng sự dữ. Đức tin giúp chúng ta xác tín rằng, Thiên Chúa đã không cho phép sự dữ xuất hiện, nếu Ngài không làm phát sinh điều thiện hảo từ chính sự dữ đó, bằng những đường lối mà chúng ta chỉ biết được trọn vẹn trong đời sống vĩnh cửu.


[1]X. Kn 9,9.

[2]X. CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lýDei Filius, c. 1: DS 3002.

[3]X. CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lýDei Filius, De Deo rerum omnium Creatore, canones 1-4: DS 3023-3024.

[4]CĐ Latêranô IV, Cap. 2, De fide catholica: DS 800; CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, De Deo rerum omnium Creatore, canon 5: DS 3025.

[5]Thánh Thêôphilô Antiôchia, Ad Autolycum, 2, 4: SC 20, 102 (PG 6, 1052).

[6]X. Tv 51,12.

[7]X. St 1,3.

[8]X. 2 Cr 4,6.

[9]X. St 1,26.

[10]X. Tv 19,2-5.

[11]X. G 42,3.

[12]X. Thánh Lêô Cả, Epistula Quam laudabiliter: DS 286; CĐ Bracarense I,Anathematismi praesertim contra Priscillianistas, 5-13: DS 455-463; CĐ Latêranô IV, Cap. 2,De fide catholica: DS 800; CĐ Florentinô, Decretum pro Iacobitis: DS 1333; CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 1: DS 3002.

[13]X. Hc 43,30.

[14]Thánh Augustinô, Confessiones, 3, 6, 11: CCL 27, 33 (PL 32, 688).

[15]CĐ Vaticanô I, Hiến chế tín lý Dei Filius, c. 1: DS 3003.

[16]X. Is 10,5-15; 45,5-7; Đnl 32,39; Hc 11,14.

[17]X. TV 22; 32; 35; 103; 138.

[18]X. Mt 10,29-31.

[19]X. St 1,26-28.

[20]X. Cl 1,24.

[21]X. 1 Tx 3,2.

[22]X. Cl 4,11.

[23]X. 1Cr 12,6.

[24]CĐ Vaticanô II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 36: AAS 58 (1966) 1054.

[25]X. Mt 19,26; Ga 15,5; Pl 4,13.

[26]X. Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, I, q. 25, a. 6: Ed. Leon. 4, 298-299.

[27]X. Thánh Tôma Aquinô, Summa contra gentiles, 3, 71: Ed. Leon. 14, 209-211.

[28]X. Thánh Augustinô, De libero arbitrio, 1, 1, 1: CCL 29, 211 (PL 32, 1221-1223); Thánh Tôma Aquinô, Summa theologiae, I-II, q. 79, a. 1: Ed. Leon. 7, 76-77.

[29]Thánh Augustinô,Enchiridion de fide, spe et caritate, 3, 11: CCL 46, 53 (PL 40, 236).

[30]X. Tb 2,12-18 (bản Vulgata).

[31]X. Rm 5,20.

[32]Thánh Catarina Siêna, Il dialogo della Divina Provvidenza 138: Ed. G. Cavallini (Roma 1995) 441.

[33]Margarita Roper, Epistola ad Aliciam Alington (tháng Tám 1534): The Correspondence of Sir Thomas More, ed. E. F. Rogers (Princeton 1947) 531-532.

[34]Giuliana Norwich, Revelatio 13, 32: A Book of Showings to the Anchoress Julian of Norwich, ed. E. Colledge-J. Walsh, vol. 2 (Toronto 1978) 426 và 422.

[35]X. St 2,2.

[36]X. Sacra Congregatio Studiorum, Decretum (27 iulii 1914): DS 3624.

[37]X. Mt 6,26-34.

[38]X. Tv 55,23.

 


Sách Giáo Lý Công Giáo