THIÊN CHÚA VÀ TRẦN THẾ

 

Joseph Ratzinger

Biển-đức XVI.

Thiên Chúa và Trần Thế

Tin và Sống trong thời đại ngày nay

Trao đổi với Peter Seewald

Phạm Hồng-Lam chuyển ra Việt ngữ

 

CHƯƠNG II

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ

 

Thưa hồng i, có thể nói được rằng hình người trên khăn liệm ở Turin là đức Giê-su thật?

Khăn liệm Turin vẫn còn là một ẩn số, chưa có lời giải rõ ràng, dù có rất nhiều điểm cho thấy đó là tấm khăn thật. Dù sao, không ai trong chúng ta lại không cảm xúc trước sức hút đặc biệt của bóng người đó, trước các vết thương dễ sợ. 

Và trước khuôn mặt đầy ấn tượng.

Cả cuộc khổ hình hiện lên một cách mãnh liệt trên khuôn mặt. Đồng thời ta cũng thấy một phẩm giá lớn lao trên đó. Khuôn mặt gợi lên nét yên tĩnh và thoải mái, bình an và thương xót. Như vậy, khăn có thể giúp ta mường tượng được đức Ki-tô. 

Một con người với nét tự tin lớn...

Nếu chỉ là một tự tin của con người, thì đó là một tình tự thái quá. Nhưng trên khuôn mặt đó có một cái gì khác và lớn hơn nhiều: Đức Giê-su biết rằng Ngài hoàn toàn làm một với Cha Ngài, với Chúa. Sự hợp nhất này có tính chất gia đình, nó vượt lên trên tất cả mọi thứ hợp nhất thần bí mà chúng ta biết. Vì vậy đức Giê-su có lí do để dùng tên gọi Thiên Chúa cho mình – “Ta là điều đó”. 

Đó cũng là một con người thỉnh thoảng tỏ ra thô lỗ và cáu kỉnh: „Này, thế hệ không tin và không thể dạy bảo được kia!“ Ngài thất vọng kêu lên: „Tôi phải ở bên các ngươi bao lâu nữa? Tôi còn phải chịu đựng các ngươi bao lâu nữa?“

Chính tôi cũng luôn bị đánh động bởi sự nghiêm khắc và thiếu kiên nhẫn của Ngài đối với con người. Đây có thể là một bài học cho ta về tình yêu, tình yêu luôn đòi hỏi, chứ không đơn giản chỉ là mềm lòng hay chấp nhận thua thiệt mà thôi.Đức Giê-su nhìn con người với đôi mắt Thiên Chúa. Từ cái nhìn đó, ta có thể nhận ra nỗi thất vọng của Ngài đối với con người, và nhận ra cơn giận của Ngài trước cách con người đối xử với tạo vật của Ngài. Những câu trên cho thấy nỗi chán chường và vô tâm của con người đối với Thiên Chúa đã trầm trọng tới cỡ nào, cho thấy khả năng bịt tai và khép kín của con người đã thật sự trầm trọng ra sao trước mặt Chúa. 

„Khóc lóc và nghiến răng“ là câu đức Giê-su thích nói nhất. Hễ khi nào muốn ám chỉ điều gì xấu, Ngài lại dùng câu đó.

Bảo đó là câu Ngài thích nói thì có lẽ không đúng. Đó là chữ Ngài dùng khi vấn đề trở nên nguy kịch. „Khóc lóc và nghiến răng“ ám chỉ cái đe doạ, cái nguy hiểm, tóm lại ám chỉ một con người đã hư mất. Nó nói lên hoàn cảnh thế giới, trong đó con người đang ngất ngư trong độc chất và truỵ lạc, rồi vừa khi thoát ra được bỗng nhận ra toàn bộ sự mâu thuẫn của cuộc sống mình. 

Hoả ngục thường được diễn tả bằng lửa đốt. Còn nghiến răng chỉ xẩy ra khi bị rét lạnh. Khóc lóc nghiến răng là hình ảnh của một người bị bỏ rơi, bị đẩy ra ngoài trời lạnh, vì hắn không còn chấp nhận tình yêu. Người đó bị đẩy hoàn toàn ra khỏi thế giới của Chúa, cũng là thế giới của thương yêu – đến nỗi phải nghiến răng khóc lóc. 

Thỉnh thoảng đức Giê-su làm trò ảo thuật. Khi môn đệ hết tiền trả thuế Đền thờ, Ngài nói với Phê-rô: „Chèo thuyền ra hồ thả câu; khi bắt được con cá đầu tiên, mở miệng nó ra, anh sẽ thấy một quan tiền trong đó. Dùng tiền đó mà trả thuế cho anh và cho Thầy“.

Không phải bạ đâu Ngài làm phép lạ ở đó. Ngài chỉ làm khi có liên hệ tới đức tin. Ngài nói rõ: Ta đến không phải để làm phép lạ, nhưng để loan truyền nước Thiên Chúa.

Câu chuyện anh kể trên có một í nghĩa khác, sâu xa hơn. Thật ra Chúa không cần phải trả thuế, bởi vì đền thờ rốt cuộc là chính Ngài, nhưng Ngài đã trả vì vâng lời, và đã trả theo cách thật đặc biệt do Chúa ban. Tôi thấy Ngài mỉm cười khi làm chuyện đó. 

GIÊSU - NHÂN VẬT GIẢ TƯỞNG? 

Mối hoài nghi về nhân vật Giê-su lịch sử chẳng bao giờ dứt. Có người cho đó là một nhân vật giả tưởng. Có kẻ bảo đó là một thứ thủ lãnh của một giáo phái. Có kẻ lại bảo Ki-tô chỉ là một trong những sơ nguyên tượng được dùng để nói lên bi kịch của kiếp người: đau khổ, lo âu, tình yêu. Và có người còn nói: Vị sư phụ đó xem ra hay đấy, nhưng ông ta đâu có liên hệ gì tới tôi.

Dĩ nhiên, như ta vẫn thấy, người ta có thể hoài nghi mọi chuyện lịch sử. Chẳng hạn như có một vị trí thức bảo không có Đại đế Karl*, nghĩa là ông chối bỏ cả một lịch sử hai trăm năm. May mà chúng ta không ăn theo trong vụ này. Tài liệu lịch sử cho ta biết về biến cố, nhưng chúng không giúp ta sờ được chính sự kiện. 

Như vậy nghĩa là còn có chỗ cho những giả định, hồ nghi?

Không. Ngay cả khi ta chỉ dùng những tiêu chuẩn lịch sử đã được công nhận để xét, thì sự hiện hữu của đức Giê-su đã quá rõ và đầy đủ, đến nỗi ta không còn nghi ngờ gì nữa về nhân vật lịch sử này. Những gì được truyền tụng về Ngài khác hẳn với những gì có thể tạo ra hay tưởng tượng ra. Chúng bẻ gẫy mọi mô hình giả định.Và ở đây ta có thể nhận ra cả dấu vết của biến cố lẫn những gì sau đó đã hình thành nên từ biến cố đó. Cả hai không thể giải thích được bằng những phạm trù tư tưởng, mà chỉ bằng va chạm nền tảng với một sự kiện đã thực sự xẩy ra. Vì vậy, theo tôi, việc hoài nghi về sự hiện hữu của đức Giê-su là chuyện thiếu đứng đắn. 

Nhưng đâu là nguồn sử liệu thật sự khả tín?

Anh cũng biết, càng ngày người ta càng đào sâu vào tài liệu và bới qua bới lại quanh chúng. Người ta muốn chẻ nhăm chúng ra để phân tích. Để cuối cùng chỉ còn lại một nhúm dữ kiện nghèo nàn và người ta bỗng tự hỏi, làm sao một khuôn mặt nghèo nàn như thế này mà lại cưu mang được những biến cố như thế kia.

Ta không được phép quên điều này: Bức thư thứ nhất gởi giáo đoàn Cô-rin-tô, lá thư làm chứng về việc sống lại của Chúa và về việc lập phép Thánh Thể, đã có bằng văn bản, trước khi Phao-lô khởi sự viết. Lá thư được viết vào thập niên 50 sau ngày chúa Ki-tô sinh. Và nội dung lá thư ghi lại những gì đã được truyền tụng trước đó ở Giê-ru-sa-lem. Như vậy có nghĩa là Phao-lô đã chép lại những gì đã được viết ra, như chính ngài đã nói. Cả văn phong của thư cũng cho thấy ta đang tiến sát thật gần chính ngay các sự kiện.Tôi phải thú thật, càng nghe về những nỗ lực nghiên cứu nguồn sử liệu, tôi càng bớt tin vào các giả thuyết đi quá đà của các chuyên gia. Và những giả thuyết đó cứ lặp đi lặp lại và không ngớt mâu thuẫn nhau. Ngay Albert Schweitzer* đã chỉ trích việc cố công nặn ra một Giê-su lịch sử để đối lại với đức Ki-tô của niềm tin, việc làm đã được khởi sự từ khi mở đầu thời kì Ánh sáng. Schweitzer bảo, ta tưởng lúc này đây đã có được khuôn mặt thật của Ngài, nhưng thực ra Ngài đã vượt qua thời đại chúng ta rồi và đã trở về lại với chính Ngài rồi.

Tôi nghĩ, tất cả những nỗ lực kia chỉ là những tái cấu trúc, trong đó người ta luôn chỉ nhận ra khuôn mặt của nhà tái tạo mà thôi. Dù là đức Ki-tô của Adolf Harnarck – phản chiếu típ người tự do của ông; hay là đức Ki-tô phản chiếu loại triết lí hiện sinh của Bultmann*. Tất cả những cấu trúc đó đều được thực hiện với í nghĩ nền tảng này: Không thể có Chúa như là một con người được. Vì thế, họ không công nhận tính lịch sử của các biến cố làm tiền đề cho Ngài. Có nghĩa là ở đây người ta đã khởi sự làm việc với một điều kiện, là phải loại ra khỏi biến cố cái lực nội tại của nó – nhưng chính lực này mới là cái tạo cho biến cố sự lôi cuốn và đầy đủ í nghĩa. 

Vậy cách làm việc của ngài như thế nào?

Tôi nghĩ, đúng hơn ta nên đặt câu hỏi: „Khuôn mặt như trong Tân Ước mô tả có nói lên í nghĩa gì không? Và câu trả lời của tôi có thể sẽ là: Chỉ có khuôn mặt như trong Tân Ước mới thật mang í nghĩa. Chỉ như thế nó mới mang chiều kích cao cả và mới có thể tạo ra được những biến cố như kia. Vì thế, theo xác tín của tôi, ta có lí do để tin vào Tin Mừng, dù cho mọi phê bình nguồn sử liệu, mà mình cũng có thể học được trong đó nhiều chuyện. Có thể có những tiểu tiết lưu truyền đã bị người đời sau làm biến thể, nhưng tựu trung các chứng từ Tin Mừng đều đáng cậy, và ta có thể gặp được khuôn mặt thật của đức Ki-tô trong đó. Tin Mừng đáng cậy hơn nhiều so với những tái cấu trúc lịch sử xem ra vững chắc.

Tôi muốn thêm: Tin Mừng Gio-an, mà một thời gian dài chỉ được xem như là một sáng tác thuần tuý thần học (Bultmann chẳng hạn đã cố minh chứng đó là sản phẩm của các phong trào ngộ giáo), ngày nay lạ lùng thay đã được công nhận là một sử liệu. Tin Mừng này có những chỉ dẫn địa lí đúng đắn nhất, và có một kiến thức đúng nhất về lối nghĩ và cách sống của người Do-thái thời đó. Nhà chú giải Klaus Berger ở Heidelberg vì vậy muốn coi nó là bản văn kì cựu hơn các Tin Mừng khác. Điểm này có lẽ tôi không cùng quan điểm. Tục truyền bản văn hình thành vào cuối thế kỉ thứ nhất. Ta cứ việc biết như thế. Tuy nhiên đó là một tài liệu với kiến thức rất chính xác, và viễn kiến thần học của nó không tách khỏi nền tảng lịch sử. 

8. MẠC KHẢI 

Có lần, nhà thần học người Pháp Henri de Lubac* nói, chính cuộc đời đức Ki-tô là điểm mầu nhiệm được ưa thích nhất. Việc làm của Ngài, một mặt, là hành vi của một con người thường, nhưng mặt khác cũng là hành vi của một con người mang thiên tính. De Lubac viết: „Tìm hiểu í nghĩa cuộc đời đức Ki-tô có nghĩa là thâm nhập vào thực tại của Thiên Chúa“. Phải chăng có nghĩa là khi ta tập tìm hiểu cuộc đời đức Ki-tô, ta sẽ nhận ra và bắt gặp được Chúa cũng như toàn bộ cuộc đời mình?

Cuộc sống của ta chỉ có chất liệu và nền tảng, khi ta càng thấm nhập vào và cùng sống với cuộc sống của đức Ki-tô. Nhờ nền tảng đó, ta mới có thể hiểu được Thiên Chúa. Đó là điểm cơ bản. Lời đức Ki-tô có tầm quan trọng không có gì thay thế được, nhưng ta không được phép thu gọn Ngài vào lời mà thôi. Thịt, như thánh Gio-an nói, cũng có vai trò của nó, đó là lời được sống, và thịt cũng đã dẫn tới thập giá. Chỉ khi ta ngắm nhìn cả con người toàn diện và sống động của đức Giê-su, lúc đó lời mới toát ra chiều kích cao cả chứa đựng trong nó. Như thế, muốn hiểu được sứ điệp của Ngài, nhất thiết phải ngắm nhìn cuộc sống và khổ nạn của Ngài. 

TIÊN TRI VÀ SỨ GIẢ 

Như vậy, ta hãy tìm hiểu rõ hơn về hình dáng, cuộc sống và sứ điệp của đức Giê-su Ki-tô. Hãy bắt đầu với Gio-an: „Từ khởi thuỷ là Lời / và Lời đã trở thành thịt / và ở giữa chúng ta, / và chúng ta đã thấy vinh quang của Lời, / vinh quang của Con một của Cha, đầy ân phúc và chân lí“. Hẳn đây là đoạn mở đầu cao sang nhất xưa nay chưa từng được viết ra trên thế giới.

Những lời đầu tiên của Tin Mừng Gio-an là nhịp cầu nối liền lịch sử tạo dựng, nguồn cội mọi loài, với biến cố đã xẩy ra ở Pa-les-tin . Chúng nói lên điều này: Logos / Lời sáng tạo làm nên thế giới kia đã hiện thân trong con người Giê-su. Nguồn lực sáng tạo thế giới, như vậy, đã đi vào trần thế và nói chuyện với ta. Một mâu thuẫn lớn đã xẩy ra: Thiên Chúa quá vĩ đại để có thể trở nên bé bỏng. Và bé bỏng đến mức Ngài gặp gỡ ta qua thân xác một con người. Thiên Chúa không đơn giản từ trời rơi xuống và trình diện trước mặt ta, nhưng Ngài đã xuất hiện qua một biến cố lịch sử, biến cố đó là một con đường dẫn tới Ngài. Trên con đường đó, có thể nói, người ta đang chờ Ngài và sứ điệp của Ngài có thể được ta nghe biết. 

Gio-an tẩy giả là sứ giả trực tiếp của đức Ki-tô. Tin Mừng viết: “Ông tới như một người chứng, để làm chứng cho Ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin”.

Trong biến cố lịch sử kia, xét về thời điểm lịch sử, đã có một tiên tri, một chứng nhân cuối cùng, xuất hiện trước đức Giê-su. Gio-an làm phép rửa là đại diện của một thứ phong trào cảnh tỉnh. Is-ra-en sôi bỏng lúc đó đang nóng lòng về một vị cứu tinh, một Messias. Dân tộc này bị ngoại bang thống trị, vẫn luôn mang trong mình hi vọng được giải phóng, và họ tin là chuyện đó sẽ trở thành hiện thực. Mặt khác, đó là một thời không có tiên tri. Xem ra ánh sáng tiên tri lúc đó đã tắt. 

Gio-an đến từ sa mạc, và ông giảng điều mới mẻ. Ông bảo, ông là “tiếng kêu trong sa mạc”. Ông làm phép rửa liên tục “bên kia bờ sông Gio-đan”, như sách chép. Và hôm đó, khi thấy đức Giê-su tới với mình, ông đã nói một câu đầy bí ẩn: “Hãy xem Con Chiên Thiên Chúa, đấng xoá tội trần gian. Đây là người mà tôi đã nói: Sau tôi sẽ tới một người, người đó vượt trước tôi, vì người đó có trước tôi”.

Gio-an xuất hiện nơi sa mạc như một người được Thiên Chúa thánh hiến. Thoạt tiên, ông giảng về hối cải, thanh tẩy và tụ tập dân chuẩn bị cho Chúa đến. Việc rao giảng đó, có thể nói, là tóm tắt toàn bộ lời tiên tri dẫn vào đúng lúc lịch sử đang hối hả tiến tới mục tiêu của nó. Sứ mạng của Gio-an là mở tung cánh cửa ra cho Chúa, để dân Is-ra-en sẵn sàng đón nhận Ngài và chuẩn bị giờ lịch sử cho Ngài.

Có hai điều quan trọng: thứ nhất, những bài giảng hối cải của ông chứa đựng toàn bộ lời tiên tri; thứ hai, việc chứng tá của ông về đức Ki-tô đã cụ thể hoá các lời tiên tri đó, qua hình ảnh con chiên, nay là Con Chiên Thiên Chúa. Ta hãy nhìn lại câu chuyện của Ab-ra-ham và I-sa-ac, nhìn lại chuyện tế thú vật mà trong đó chiên giữ vai trò quan trọng, đặc biệt phải có chiên làm của lễ trong dịp vượt qua. Giờ đây đã hoàn tất mọi nỗ lực thay thế đó. Đối với chúng ta, chiên vượt qua trên nguyên tắc là người. Giờ đây Chúa Ki-tô là chiên vượt qua, như thế là Ngài chia sẻ thân phận của ta và làm biến đổi thân phận đó.

Câu thứ hai là một nhắc nhở nhẹ nhàng về thiên tính nơi đức Giê-su Ki-tô, cho dù điều này Gio-an đã chưa nghĩ tới hết và nói ra hết. Ông bảo, đây không phải là một nhân vật lịch sử nào đó, nhưng là một kẻ vượt lên trước tất cả chúng ta, kẻ đến từ muôn đời Thiên Chúa và là vị thân tín của Ngài. 

Tổ phụ Gia-cóp có lẽ đã diễn tả thời điểm vị Cứu tinh này xuất hiện giống như vào lúc đức Ki-tô giáng sinh. Đó là lúc nhiều người mất đức tin, đám Pha-ri-sêu thì, như sách chép, sống trong kiêu căng và lạnh lùng, những người khác cảm thấy mình như một đàn thú không có người chăn. Ước mong về một vị Cứu tinh đã trở nên nóng bỏng cả nơi dân Do-thái lẫn nơi lương dân. Tiên tri I-sai-a than thở: “Xin trời hãy đổ người công chính xuống!”, “Mây hãy mưa người công chính xuống!”. Nhưng phải chăng những lời báo trước về đức Ki-tô đó chỉ mới được bịa ra sau này?

Phần đầu câu hỏi của anh có lẽ liên quan tới cái gọi là lời chúc lành của Gia-cóp (Kn, 49), lời đó gồm một số lời hứa đầy bí ẩn cho mười hai con trai của Gia-cóp. Lời chúc cho Giu-đa như thế này: “Nước thống trị sẽ không rời khỏi Giu-đa và gậy quyền hành không rời chân nó, cho đến khi nào vị xứng đáng và được muôn dân tuân phục đến” (49, 10). Lời này sau đó được coi là lời hứa cho vương quốc Đa-vít (Đa-vít thuộc dòng dõi Giu-đa), và đến khi vương quốc này bị xoá sổ - nghĩa là vào thời đức Giê-su – nó được coi là lời hứa cho một con trai Đa-vít mới, là đấng Messias, đấng mà cả các dân tộc ngoài Do-thái đều vâng phục. Hẳn nhiên, ki-tô hữu coi con trai Đa-vít mới đó là đức Ki-tô. Nhưng thời điểm đức Ki-tô đã chưa được viết ra, những câu trên (mà các học giả vẫn chưa thống nhất về thời gian xuất hiện) đề cập tới một điều đang tới với đầy bí ẩn, và ngữ nghĩa của chúng chỉ được sáng tỏ dưới ánh sáng của đức Ki-tô.

Giờ hãy nói về tiên tri I-sai-a. Thật ra I-sai-a đã nói: “Trời của các ngươi hãy đổ sự công chính”. Nhưng sau khi sự công chính đó hiện thân qua một người, ki-tô hữu mới đọc nó theo kiểu nhân cách hoá. Ta cũng có thể đọc và hiểu tương quan thống nhất giữa Cựu và Tân Ước như một lối mở đường như thế. Lời cựu ước hướng về đức Ki-tô, lời đó đồng thời kiếm tìm Ngài từ trong bóng tối.

Dĩ nhiên, người ta có thể coi Cựu Ước không có liên hệ gì tới đức Ki-tô. Nhưng như thế thì lời sẽ khó hiểu, vì thật ra chúng hướng về Ngài. Và dù cho người Do-thái không thể coi đức Ki-tô là vị đã hoàn thành những lời đó, thì đó chẳng phải là vì họ có ác í gì, song cũng là vì sự khó hiểu của lời kinh, và vì tương quan căng thẳng giữa hình dạng đức Ki-tô với lời cựu ước. Với đức Ki-tô, Cựu Ước mang một nghĩa mới – và chỉ nhờ Ngài mà những lời cựu ước mới nhận ra liên quan, hướng đi và í nghĩa của chúng.

Như thế, có thể loại trừ yếu tố đức Ki-tô ra khỏi Cựu Ước. Mà cũng có thể làm ngược lại. Cả hai lập luận đều có lí do chính đáng. Đó là cuộc tranh luận hiện nay giữa người Do-thái và ki-tô hữu. Nhưng không chỉ giữa hai tập thể đó mà thôi. Một số đông các nhà chú giải theo khuynh hướng thuần phê bình lịch sử cũng không chấp nhận tính cách con đường và dẫn đường của Cựu Ước, và họ xem lối diễn giải của Ki-tô giáo là không hợp hay đi quá xa nguyên nghĩa lịch sử.

Tóm lại: Cựu Ước không phải là một thứ bói toán, mà là một con đường. Điểm này người ta có quyền tự do chấp nhận hay không. Theo tôi, chính việc tồn tại của Cựu Ước đã là một bảo chứng nói lên Cựu Ước tự nó có í nghĩa. Cựu Ước rõ ràng có trước đức Ki-tô về mặt lịch sử, cũng như đức tin của người Do-thái và kinh sách của họ có trước Ki-tô giáo. Các giáo phụ thẳng thắn coi việc người Do-thái công nhận Cựu Ước và phủ nhận đức Ki-tô là sứ mạng lịch sử nhằm bảo đảm cho tính xác thực và tuổi tác của các sách thánh của họ. Vì thế, các ngài bảo, người Do-thái đã phải tiếp tục là Do-thái, chứ không trở thành ki-tô hữu. Cựu Ước tự nó vẫn có nghĩa, nhưng nếu ta đọc nó với đức Ki-tô, thì nó mới toát ra í nghĩa mới và mở ra một cái nhìn toàn diện.