THIÊN CHÚA & TRẦN THẾ

 

Joseph Ratzinger

Biển-đức XVI.

Thiên Chúa và Trần Thế

Tin và Sống trong thời đại ngày nay

Trao đổi với Peter Seewald

 

Phạm Hồng-Lam chuyển ra Việt ngữ

 

CHƯƠNG II

 

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ

 

12. SỰ SỐNG

 

Tôi tin ai cũng muốn biết cuộc sống rồi sẽ ra sao, nó diễn tiến như thế nào, phải sống ra sao cho đúng, và làm sao để có được một cảm giác thật tốt về nó. Cary Grant, một nghệ sĩ nổi tiếng, trước khi chết đã để lại cho con gái Jennifer một lá thư tuyệt mạng thật cảm động. Trong đó, ông còn muốn khuyên con gái một vài điều về cuộc sống. Ông viết: „Jennifer rất yêu dấu của Ba, hãy sống đầy đủ cuộc đời con, đừng vị kỉ. Hãy mực thước, kính trọng nỗ lực của kẻ khác. Hãy cố gắng làm điều tốt nhất và có được tư cách tốt. Hãy giữ cho đầu óc thanh khiết và có lối cư xử trong sáng“. Ông tiếp: „Hãy cám ơn những khuôn mặt tốt con gặp và tình yêu ngọt ngào đàng sau đôi mắt của họ… cám ơn những bông hoa đùa vui trong gió … Chỉ một giấc ngủ ngắn thôi rồi Ba sẽ thức giấc ngàn thu. Nếu Ba không thức dậy, thức dậy như ta vẫn hiểu, thì Ba sẽ tiếp tục sống mãi trong con gái yêu dấu của Ba“. Nghe có vẻ công giáo quá nhỉ.

Một bức thư tuyệt đẹp. Còn có công giáo hay không thì tôi không biết. Đó là lời nói của một người đã trở nên chín chắn, và đã có được cảm quan về cái thiện và cố gắng trao nó đi tiếp, và bằng một cung cách thân thiện tuyệt vời.

 

SỰ SỐNG CON NGƯỜI

 

Nếu đứng từ thật xa mà nhìn cuộc sống -  thì nó trông ra sao? Phải chăng đó là một cái gì hơn là một trò chơi bắt buộc? Một chiếc lông đong đưa trong gió? Phải chăng cuộc sống lệ thuộc vào bản năng, bạo lực, gốc gác của một con người, lệ thuộc vào nốt chích của một chú muỗi sốt rét có thể đẩy nó ra khỏi quỹ đạo cuộc sống? Hay lí lịch của tất cả chúng ta đều đã được xác định từ lâu? Đời tôi là một thứ bản đồ dẫn đường mà Thiên Chúa vô lường từ lâu đã viết vào trong cuốn Sách Đời bí mật của Ngài? Hoạ sĩ Michelangelo nói như thế này: „Hình đã nằm sẵn từ lâu trong đá. Tôi chỉ đẽo bớt đi những gì thừa thãi mà thôi“.

Anh đã gom vào câu hỏi đó một chương trình phong phú. Tôi tin rằng, khi ta hỏi „Cuộc sống là gì?“, thì điều quan trọng trước hết là mình phải nhìn ra sự phức tạp của í niệm đó. 

Trước hết, cuộc sống là một cái gì thuộc sinh học. Nó thoát thai từ vô cơ và rồi diễn tả một cấp độ mới của thực tại. Một trong những dấu chỉ chính nói lên sự có mặt của sự sống là khả năng tự sinh sản và tự điều hành của một guồng máy, nhưng đây không hẳn là một cỗ máy, mà là một cơ phận. Như vậy, ta có trước hết là lớp sinh vật, lớp này khởi đi từ một đơn bào rồi càng ngày càng phát triển lên thành những hình thái cao hơn, phức tạp hơn, để trở nên càng lúc càng lạ lùng, nhiệm mầu và phong phú hơn.

Nơi con người có thêm một lớp mới khác. Đó là tinh thần, sống động và là sự sống. Tinh thần tan hoà vào cơ thể sinh vật và qua đó trao cho đời sống một chiều kích mới.

Ngoài ra, đức tin ki-tô giáo xác tín rằng chúng ta còn có thêm một lớp nữa, lớp này hình thành qua sự gặp gỡ giữa ta với đức Ki-tô. Ta có thể thấy trước được lớp này qua tình yêu con người: Mỗi khi được yêu, trước sự hiện diện của người yêu, ta thấy có thêm một chiều kích mới đi vào động lực tinh thần ta. Điều như thế cũng xẩy ra, khi tôi được chính Thiên Chúa qua đức Ki-tô đoái nhìn, và qua đó Ngài biến cuộc sống tôi trở thành song hành với chính cuộc sống sáng tạo của Ngài.

 

Như vậy, sự sống mang nhiều cấp.

Và cuộc sống vươn tới cấp cao nhất, khi cùng sống với Chúa. Đây cũng chính là nơi tiềm ẩn sự phiêu lưu liều lĩnh của con người. Con người có thể và nên là sự tổng hợp của toàn thể toà nhà nhiều tầng đó. Nó có thể và nên vươn tới Thiên Chúa hằng sống và trao lại cho Ngài những gì đã nhận được từ Ngài, sau khi đã uốn nắn chúng theo cách thế của ta. Nhưng, như chúng ta đã nói, yếu tố tự do đã đi vào động năng cuộc sống mỗi người, và yếu tố này đối kháng lại toàn bộ sự tiền định.

Theo hình ảnh Thiên Chúa ki-tô giáo, cuộc sống không có một quy định cứng nhắc. Bởi vì Thiên Chúa quá vĩ đại và quá toàn năng trên tất cả, vì bản chất của Ngài quá yêu tự do, nên Ngài không thể và không muốn lèo lái cuộc sống con người một cách tuỳ thích. Mà dù cuộc sống này vẫn luôn được Ngài bảo bọc và nâng niu trong hai bàn tay Ngài, thì yếu tố tự do kia vẫn có chỗ đứng rõ ràng. Tự do này mở rộng tới mức con người có thể phá đổ toàn bộ kế hoạch của Chúa. Quan trọng là cuộc sống phải được diễn ra trong những lớp khác nhau đó. Nhờ các lớp bên trên mà cuối cùng con người vượt qua được sự chết để tiến vào vĩnh cửu. Lại nữa, trên thực tế, cái chết là thân phận cần có của tất cả mọi sự sống thuần hữu cơ.

 

Nếu tôi có tự do thật, thì làm sao tôi có thể làm chủ được cuộc sống mình, làm sao tôi có thể lái đời mình vượt qua được những bến đỗ, những đoạn đường, những ngã rẽ quan trọng trong đời? Khi nào được gọi là thành công trên đường đời? Giáo huấn đức Ki-tô có giúp tôi xác định được điều đó không? Cuộc đời tôi phải giống như của mẹ Tê-rê-xa ở Calcutta?

Mẹ Tê-rê-xa chỉ là một mẫu mực. Nhưng khi nhìn vào cuộc đời các thánh lớn, hay nhìn vào các nhân vật có cuộc sống thành công, ta thấy ơn gọi rất khác nhau. Không phải ai cũng phải là mẹ Tê-rê-xa. Một nhà khoa học nổi danh, một học giả cao kiến, một nhạc sĩ, hay một người thợ thủ công, hay người làm công bình thường cũng có thể có một cuộc sống thành toại, họ sống đời mình một cách khiêm tốn, trung thành và ngay thẳng…

 

Nghe ra hơi lỗi thời…

Có thể như vậy, nhưng người ta tìm gặp trong đó một cuộc sống tràn đầy, dù là hôm qua, hôm nay hay ngày mai. Mỗi cuộc sống có ơn gọi riêng. Nó có ẩn số riêng và con đường riêng. Không cuộc đời nào là thuần bắt chước, tung tăng bước ra từ một chuỗi giống nhau. Và mỗi người cũng cần can đảm sống đời mình một cách sáng tạo mà chẳng cần bắt chước ai.

Nếu anh nhìn vào dụ ngôn anh lười, hắn ta chôn tài năng mình để khỏi bị sứt mẻ, thì anh sẽ thấy điều tôi muốn nói trong đó. Hắn ta là người không muốn liều lĩnh sống và làm triển nở cuộc đời độc đáo riêng của mình; không muốn trực diện với những nguy cơ cần có trong cuộc sống.

Trong í nghĩa đó, có nhiều loại ơn gọi. Tôi đã nói trong cuốn “Muối Cho Đời” của chúng ta, là có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu con đường tới Chúa. Ở đây phải thêm: Có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu con đường để sống thành toại.

 

Như vậy, có thể nói, con người là một lực sáng tạo trống rỗng?

Không, tất cả điều đó không có nghĩa là ta bị thẩy vào đại dương vô định mà chẳng hiểu tại sao, như Sartre nói, chẳng hạn. Sartre cho rằng, tự do là điều đáng nguyền rủa. Con bò không cần suy tư về số phận trâu bò của mình, nhưng con người phải tìm cho chính mình lẽ sống. Dù vậy, con người cũng không phải bị thẩy vào cuộc sống từ hư vô, mà không mang một dự án nào trước.

Có khuôn mẫu nền tảng. Mỗi người cố gắng tìm ra cho mình nguồn thông tin để hỏi, bạn đã làm như thế nào, hắn đã làm như thế nào, tôi có thể làm như thế nào? Làm sao tôi có thể nhận ra chính mình và những khả thể của mình? Chúng ta xác tín rằng đức Ki-tô là nguồn thông tin chính của ta. Một mặt, Ngài cung cấp cho ta những đường nét chung và lớn. Mặt khác, Ngài đồng thời cũng đưa ta vào một quan hệ thật riêng tư, để ta có thể cùng Ngài và cùng cộng đoàn tín hữu nhận ra được cái độc đáo của riêng mình – và rồi độc đáo sẽ hoà giải với cộng đoàn.

 

Trước đây, người ta đơn giản chỉ mong sao được trở nên người ngay thẳng và cuộc sống làm sao được tương đối bảo đảm. Thế là đủ. Có một thời để dọn đất, một thời để gieo hạt và một thời để thu hoạch. Còn chuyện phải sống ra sao, thì đã có Kinh Thánh hướng dẫn. Ngày nay, mọi việc xem ra rắc rối hơn nhiều. Sợi chỉ đỏ của một cuộc đời, cái hoạ đồ sống khả dĩ làm nên cái gọi là bản sắc con người, càng ngày xem ra càng khó thấy, khó tạo.

Phải công nhận cuộc sống xã hội phức tạp ngày nay đã trở nên phức tạp hơn. Dù vậy, ta không nên quá thiển cận để phủ nhận sự hiện hữu của những hằng số. Chúng ta đã suy niệm về mười giới răn. Mỗi thế hệ và mỗi cá nhân phải khai thác từ gia tài đó một cách mới mẻ cho mình, nhưng dù vậy, chúng chứa đựng một thông điệp rõ ràng và không thể lẫn lộn được.

 

Có lẽ cần nhắc lại, lúc này đây Ki-tô giáo không phải đang chìm vào một thể vô hình và chẳng còn gì để nói nữa. Chính Ki-tô giáo có một chu vi đủ lớn, để có đủ chỗ cho cái độc đáo phát triển – và đồng thời nó cũng có thể đặt ra chuẩn mực cho cái độc đáo kia, nhờ đó mà sự phát triển có thể diễn ra. Chính vì đang ở trong một thế giới phức tạp và rắc rối mà ta càng nên và càng được phép dựa vào những hằng số lớn của lời Chúa, để tiếp tục tìm ra sợi chỉ đỏ. Bởi vì nếu ta không làm chuyện này, thì khả năng sáng tạo của cá nhân, trên thực tế, sẽ chóng trở thành một bản sao chỉ còn biết tuân phục những chuẩn mực chung, chỉ còn biết làm theo những gì thời thượng và những gì nó có thể làm mà thôi.

Nếu ta bỏ đi thông điệp đặc biệt của đức tin, ta sẽ không trở nên độc đáo hơn, mà trái lại, tùy theo mốt thời gian, ta chỉ càng ngày càng rơi vào đồng phục. Chúng ta đã chứng kiến rất rõ tiến trình đồng phục này trong cái đồng dạng của nếp sống tân tiến ngày nay. Vì thế, tôi tin rằng, nay là lúc hơn bao giờ hết, ta cần phải coi các hằng số của mạc khải và đức tin luôn vẫn là bảng chỉ đường, nó giúp tôi những điểm mốc để đi lên, và tặng tôi ánh sáng để có thể triển nở ơn gọi riêng của mình.

 

NGUYÊN TĂC CỦA ĐỨC GIÊ-SU

 

Đức Giê-su luôn muốn chỉ cho con người đường ngay nẻo chính; Ngài muốn chỉ ra những điểm mốc để họ theo đó mà thành người, như hồng i nói. Một lần Ngài đi lên núi, và bài giảng trên núi đó coi như đã mở ra một chương mới. Bài giảng hẳn đã có tác động mạnh vào thời đó, vì Kinh Thánh chép rằng: “Khi đức Giê-su giảng xong, đám đông rất xúc động; bởi vì Ngài dạy họ như thể là một người được Thiên Chúa uỷ quyền, chứ không phải như những luật sĩ của họ”.

Ngọn núi nơi Ngài giảng chắc chắn có một í nghĩa tượng trưng. Ở đây đức Giê-su hiện thân như một Mai-sen mới. Và thay vì núi Si-nai thì giờ đây là ngọn núi chỉ đường mới, núi của các mối phúc. Thoạt tiên, Ngài dựa vào cấu trúc một cuộc đối thoại, nhưng đồng thời đã đào sâu, làm mới và đưa vào bài giảng một chiều rộng mới, một đòi hỏi mới. Thêm nữa, Ngài còn mở ra một cấp độ nhân bản mới, qua đó con người có thể nối kết được với Thiên Chúa.

 

Đức Giê-su tuyên bố công khai: “Những lời dạy không phải là của tôi, nhưng của Đấng đã sai tôi. Ai thực hành í Thiên Chúa, người đó sẽ nhận ra được những lời đó là do tự tôi nói ra hay là lời dạy của Thiên Chúa”.

Không những Ngài tự coi ngang hàng với Mai-sen, hẳn điều này đã khiến người nghe không dễ chấp nhận rồi, mà còn ngang hàng với kẻ ra luật, là chính Thiên Chúa. Đức Giê-su giảng dạy qua sự uỷ nhiệm của Thiên Chúa. Ngài nói: “Quý vị đã được nói cho hay” có nghĩa là “Thiên Chúa đã nói cho quý vị hay”, rồi tiếp: “Còn tôi, tôi nói cho quý vị hay”. Như vậy, nhìn từ nhiều mặt, bài giảng trên núi nói lên cách mạnh mẽ nhất tư cách Thiên Chúa của đức Ki-tô; Ngài muốn cho thấy rằng, giờ đây không phải do trung gian con người nữa, nhưng là do chính Thiên Chúa, mà lề luật cựu ước có được những diễn giải sâu xa nhất và có được giá trị phổ quát.

Người nghe cảm được điều đó. Và họ cũng cảm được rất mạnh cái gọi là í nghĩa đôi của bài giảng. Họ hiểu rằng, thông điệp đó một mặt chứa đựng một tinh thần mới, một nét trưởng thành mới và sự nhân hậu, một giải thoát mới đưa ta ra khỏi cái hời hợt và bề ngoài, nhưng mặt khác, nó cũng là một đòi hỏi mới. Và đòi hỏi này quá lớn đến độ có thể đè bẹp con người, nếu như họ bị bỏ mặc một mình.

Nếu giờ đây thay vì nói: ngươi không được xé bỏ hôn ước, mà lại nói, ngươi không được nhìn đàn bà với lòng ham muốn. Thay vì: ngươi không được giết người, mà lại nói, ngươi không được nổi giận về một người nào; thay vì: mắt đền mắt, răng đền răng thì chưa đủ, mà trái lại, ai vả má phải thì hãy đưa thêm má trái cho họ - thì lúc đó ta sẽ đứng trước một đòi hỏi rất đặc biệt, đòi hỏi này có thể tạo nên sự thán phục đấy, nhưng đồng thời nó lại xem ra quá sức đối với con người. Ít nhất, nó sẽ quá sức đối với những ai đã không bước đi cùng với đức Giê-su Ki-tô và đã không đặt toàn bộ đòi hỏi đó như là hệ quả của cuộc gặp gỡ giữa họ với Chúa. Quả thật, chúng ta thấy sự uỷ quyền của Thiên Chúa trong đòi hỏi đó. Đức Giê-su chẳng phải là một trong những sứ giả của Thiên Chúa. Nhưng Ngài là đấng Tối hậu, và chính Thiên Chúa đã dùng miệng Ngài để phát biểu.

Đoạn Tin Mừng Gio-an mà anh vừa đề cập một lần nữa đã tóm tắt toàn bộ những điều trên đây vào một công thức. Công thức đó muốn nói với ta: Bạn phải thử sống, và khi bạn sống lời tôi, bạn sẽ thấy là bạn đang bước đi trên đường đúng.