THIÊN CHÚA VÀ TRẦN THẾ

Joseph Ratzinger

Biển-đức XVI.

Thiên Chúa và Trần Thế

Tin và Sống trong thời đại ngày nay

Trao đổi với Peter Seewald

Phạm Hồng-Lam chuyển ra Việt ngữ 

DẪN NHẬP 

 

ĐỨC TIN, HI VỌNG, TÌNH YÊU 
CHUYỆN DỜI NON 
 

Chính đức Giê-su nói: « Chỉ cần một đức tin bằng hạt cải, anh em có thể nói với ngọn núi kia: hãy dời khỏi đây! Và núi sẽ chuyển đi. Chẳng có gì mà không thể làm được ».

Quả thật, đây là một trong những lời bí ẩn của Tân Ước, dĩ nhiên là đối với tôi. Các giáo phụ, những nhà thần học, các thánh, cũng đã vất vả với câu này. Chúng ta không được hiểu nó – cũng như câu : « Hãy xin thì sẽ được nhận lời » - một cách tầm thường, và nói, ừ giờ mình có đức tin rồi đây, nếu mình muốn, mình có thể dời ngọn Montecassino này. Núi ở đây phải hiểu là những gì cản bước đời ta. Và chúng thường còn nặng hơn những ngọn núi được vẽ trên bản đồ. Thực tế, ta có thể thắng được những ngọn này, nếu ta bỏ mình hướng theo Chúa. 

Phải chăng đó chỉ là một thứ thần chú, một lối tự kỉ ám thị ?

Hành vi đức tin không phải là chuyện nhập tâm một í tưởng, hay việc gán cho nó một khả năng nào đó. Hành vi đức tin hệ tại ở niềm tin Thiên Chúa đang có đó, và tôi có thể trao thân vào cánh tay Ngài. Và rồi núi cũng phải dời đi.

Liên quan tới chuyện này, đức Ki-tô đã dùng dụ ngôn hạt cải, là một thứ hạt bé nhất trong các loại hạt, thế mà cuối cùng hạt đó đã thành một thân cây lớn, chim trời tới làm tổ. Hạt cải, một mặt, nói lên sự bé mọn – nỗi nghèo hèn của tôi -, mặt khác cũng chứa đựng tiềm năng lớn lên. Như thế, trong hạt cải ẩn chứa một hình ảnh sâu xa về đức tin. Theo đó, đức tin không phải chỉ là việc chấp nhận một số giáo huấn, nhưng nó là hạt giống sự sống trong tôi. Tôi chỉ trở thành một kẻ tin đúng nghĩa, khi đức tin trong tôi trở nên như một mầm sống động, ở đó một thứ gì mọc lên, thoạt tiên thực sự làm biến đổi đời tôi, rồi từ đó mang vào thế giới một cái gì mới. 

Đức Giê-su đã có một lời hứa quan trọng, Ngài nói: « Những điều tôi giảng không phải là của tôi, nhưng là của đấng đã sai tôi. Ai thực hành í của Thiên Chúa, người đó sẽ tự nhận ra, những điều đó xuất phát từ Thiên Chúa hay từ chính tôi ». Và ngay những người Pha-ri-sêu thời đó cũng phải thốt lên: « Chưa bao giờ thấy ai nói năng như ông này ».

Đúng i như điều chúng ta đang suy gẫm. Chân lí trong lời dạy của đức Giê-su không mang tính lí thuyết. Nhưng nó như một công thức kĩ thuật : hãy thử làm đi rồi mới thấy sự đúng đắn của nó. Chân lí lời Chúa nói ở đây kéo theo toàn bộ con người, kéo theo cả cuộc đời thử nghiệm. Tôi chỉ có thể nhận ra chân lí đó, bao lâu tôi vâng theo í Chúa, những gì mà Ngài đã tỏ ra cho tôi biết. Í của Tạo hoá chẳng phải là cái gì xa lạ, ở ngoài, nhưng nằm sẵn trong chính tôi. Và qua thử nghiệm cuộc sống, ta sẽ thật sự nhận ra phải sống thế nào mới đúng. Cuộc sống sẽ không thoải mái, nhưng sẽ đúng. Nó sẽ không hời hợt, hứng thú, nhưng sẽ đưa tới một niềm vui sâu xa đúng nghĩa.

Đó cũng là tín hiệu các Thánh mang lại cho chúng ta, là đã có những người đã vâng theo í Chúa trong cuộc thử nghiệm đời sống. Các ngài đúng là ánh sáng cho nhân loại, là bảng dẫn đường giúp ta lái cuộc đời đi sao cho đúng hướng. Tôi tin rằng, đó là nền tảng cho toàn bộ câu hỏi về chân lí ki-tô giáo.

THIÊN CHÚA và TRÍ HIỂU 

Giáo hội và các Thánh nhấn mạnh rằng, đức tin ki-tô giáo có thể hiểu được bằng lí trí, có thể chứng minh và biện minh. Điều đó có đúng không?

Đúng, nhưng có giới hạn. Đúng, đức tin không phải là bất cứ một miếng vải nào, mà mình có thể vẽ thế này thế khác lên trên đó. Đức tin liên quan tới trí hiểu, vì nó nói lên sự thật – và vì trí hiểu được tạo dựng cho sự thật. Do đó, đức tin thiếu trí hiểu không phải là đức tin ki-tô giáo đúng nghĩa. 

Đức tin thách đố trí hiểu của chúng ta. Trong cuộc trao đổi này, chúng ta cũng sẽ thấy tất cả - từ khởi đầu những í nghĩ tạo dựng cho tới niềm hi vọng ki-tô giáo – là một bức tranh hữu lí, mà ta có thể hiểu với lí trí. Do đó, có thể nói, đức tin cũng phù hợp với lí trí. 

Ngay các nhà khoa học vẫn luôn lấy Thiên Chúa và đức tin làm đề tài suy tư. Xin kể ra một vài trường hợp. Chẳng hạn Isaac Newton, cha đẻ ngành vật lí lí thuyết, nói: « Sự thiết lập và trật tự của vũ trụ kì diệu này chỉ có thể có được do chương trình của một bàn tay tạo hoá toàn năng toàn trí. Đó là và sẽ là cái biết cuối cùng và trên hết của tôi ». Augustin Louis Chauchy, nhà toán học người Pháp, nói : « Tôi là một ki-tô hữu, có nghĩa là tôi tin vào thiên tính của đức Ki-tô, như Tycho de Brahe, Kopernikus, Descartes, Newton, Leibnitz, Pascal… như các nhà thiên văn và toán học lớn trước đây vẫn tin”. Và Guglielmo Marconi, người Í, giải Nobel, nhờ ông mà ngày nay ta có điện thoại không dây và điện thoại cầm tay, nói: « Tôi hãnh diện tuyên bố rằng tôi có đức tin. Tôi tin vào quyền năng của sự cầu nguyện. Tôi tin điều đó không những với tư cách một người công giáo, mà còn với tư cách một nhà khoa học ».

Rõ ràng, tín hữu ki-tô chúng ta không rơi vào một phiêu lưu dị đoan. Nhưng có lẽ tôi phải nêu lên hai dè dặt : Đức tin không thể hiểu đầy đủ như ta hiểu một công thức toán học, nhưng nó càng lúc càng đi vào tầng sâu hơn, đi vào sự vô tận của Thiên Chúa, đi vào cái nhiệm mầu của tình yêu. Trong lãnh vực này, có một giới hạn cho những gì con người có thể hiểu được bằng suy tư. Nhất là, con người hữu hạn chúng ta có thể hiểu gì và cái gì chúng ta có thể làm ra cho hoàn toàn dễ hiểu.

Chúng ta người này đã chẳng hiểu hết được người kia, vì luôn có những lí do sâu hơn mà ta không thể giải thích. Chúng ta rốt cuộc cũng chẳng hiểu được cơ cấu của vật chất, ta luôn chỉ có thể hiểu tới một mức nào đó mà thôi. Trước Thiên Chúa và lời Ngài thì trí óc chúng ta lại càng phải cúi đầu khiêm tốn, vì cả hai cao vượt trên khả năng hiểu của chúng ta.

Trong í nghĩa đó, đức tin cũng không thể chứng minh được. Tôi không thể nói được, ai không chấp nhận đức tin, người đó là ngớ ngẩn. Tin là một con đường sống, trên đó điều mình tin càng ngày càng được vững-chắc qua thử nghiệm, và được chứng tỏ cho thấy sự hữu lí trong tổng thể của nó. Như vậy, có những tiếp cận bằng trí hiểu cho phép tôi có quyền tin vào đó. Chúng cho tôi biết chắc chắn là mình không nhắm mắt dị đoan. Nhưng, không thể có một chứng minh rốt ráo, như tôi có thể làm nơi các quy luật tự nhiên.

Có thể nói, cần phải mở mang tâm trí để có thể càng ngày càng hiểu được Thiên Chúa hơn?

Cả người bình thường cũng có thể có được một hiểu biết lớn rộng về Thiên Chúa. Không nhất thiết phải có nhiều kiến thức khoa học và lịch sử ta mới có thể hiểu Chúa được nhiều hơn.

Chỉ với thực tại (con người và thế giới này) không thôi cũng đủ làm cho ta chết ngộp trong đó rồi. Nếu tim óc ta bị nhồi nhét nhiều thứ quá, nó có thể sẽ bị những thứ đó làm cho cạn và hẹp đi, khiến ta không thể nhìn ra được cái bí mật đang tác động trong thiên nhiên và lịch sử.

Tác dụng của những kiến thức khoa học lớn, như vậy, một mặt khiến con người không thể nhìn vượt qua được thực tại, và như thế chân trời suy tư của họ bị bó hẹp. Vì biết quá nhiều, người ta chỉ có thể tiếp tục suy tư ở bình diện thực tại, mà không thể nhảy vào được vòng bí nhiệm. Người ta chỉ còn thấy được cái có thể nắm bắt. Và nhìn dưới khía cạnh siêu hình thì người đó như vậy càng dốt đi. Mặt khác, cũng có thể nhờ cái biết lớn rộng đó mà ta nhìn ra được những tính toán muôn hình muôn vẻ của lí trí Thiên Chúa qua thực tại, nhờ đó hình ảnh Thiên Chúa trong ta càng mở ra, và ta càng trở nên khiêm tốn, kính trọng và thán phục thêm đối với Ngài. 

Một thí dụ thật cụ thể về khả năng thay đổi hình ảnh Thiên Chúa: Trước đây, người ta cho rằng Chúa nhìn thấy mỗi người và Ngài biết rõ người đó hiện đang làm gì. Quan điểm này, một lúc nào đó, đã bị bãi bỏ; người ta cho rằng đó là trò trẻ con mà Giáo hội dùng để răn đe và doạ dẫm tín hữu. Ngày nay, với tiến bộ kĩ thuật, quan điểm đó lại trở lại. Lúc này, ta đã thiết lập trên không gian không những các vệ tinh truyền hình, mà cả các hệ thống điều khiển giúp ta lái xe đi tới nơi về tới chốn. Và nữa : kĩ thuật vi tính và mạng lưới đã chứng minh, chỉ cần một kích tác tương xứng ta có thể, trong một tích tắc, điều khiển và nối kết hàng triệu triệu chuyển động và tín hiệu trên khắp địa cầu, dù ở bắc Âu hay nam Phi. Khả năng mường tượng của con người càng lớn ra, thì không hiểu sao, họ lại thích thú quay trở về cái quan niệm một thời đã bị vứt vào kho phế thải. 

Vâng, quả đúng và cám ơn Chúa về những thứ mới đó giúp con người nhìn ra lại được Chúa. Có những cánh cửa đã đóng, một lúc nào đó sẽ tự mở ra lại. Càng hiểu thêm về thế giới, hình ảnh Chúa trong ta càng lớn lên trở lại và dễ hiểu ra. Nhưng điều này không xẩy ra một cách đương nhiên. 
  

MỘT MÂU THUẪN 

Một đàng là giới răn Chúa – một đàng là bản chất con người. Cả hai đều là sản phẩm của tạo dựng. Và dù vậy, ai cũng có thể thấy cả hai khó mà hợp với nhau. Đã là con người thì không tránh được làm sai, nghĩ quấy. Mâu thuẫn này luôn đưa ta vào một hoàn cảnh, trong đó ta cảm thấy quá sức mình.

Đức tin ki-tô giáo xác tín rằng, có một bất ổn nào đó trong cuộc tạo dựng. Con người đã không còn tốt đẹp như khi họ vừa thoát thân từ bàn tay Tạo hoá. Bên cạnh khuynh hướng tạo dựng quy về Chúa, giờ đây họ bị một yếu tố khác đè nặng, đó là khuynh hướng rời xa Chúa. Con người, vì thế, bị dằng co giữa nguyên tính và cái gia tài lịch sử của nó.

Tiềm năng xa rời Chúa đó vốn đã được Tạo hoá cài sẵn trong lòng thụ tạo mang bản chất hữu hạn, nhưng lịch sử đã biến tiềm năng đó thành khả năng. Một đàng, con người được tạo ra cho tình yêu. Con người hiện diện để quên đi chính mình và cho mình đi. Nhưng, đàng khác, nó lại từ chối cho đi, mà chỉ muốn ôm vào một mình. Bẩm tính đó gia tăng, khiến nó một mặt yêu Chúa, mặt khác bực bội và đã có thể nói với Ngài: tôi muốn độc lập, tôi chỉ muốn là tôi mà thôi.

Nếu tỉnh thức tự soi mình, chúng ta cũng có thể thấy cái mâu thuẫn, cái căng thẳng nội tâm của cuộc sống. Một đàng, chúng ta công nhận những gì viết ra trong mười giới răn là đúng. Đó là những điều ta muốn có và chúng tạo niềm vui cho ta. Cụ thể là đối xử tốt với tha nhân, biết ơn người, tôn trọng tài sản kẻ khác, yêu sự thật, không nói dối, muốn một tình yêu đầy trách nhiệm suốt đời với người phối ngẫu. Đó là một chiều hướng, một cách nào đó, không phải chỉ ngược với ta và như một ách nặng đè trên vai ta. 

Mặt khác, ta nhận thấy cái nhột nhạt, và cũng muốn tránh nó.

Đó là tính thích gây sự, thích nói dối, chước cám dỗ hoài nghi – tất cả những thứ đó nẩy sinh từ một khuynh hướng tiêu diệt, một í chí chống đối, cũng đã nằm sẵn trong con người.

Cái nghịch lí đó cho thấy có một trục trặc trong nội tâm con người, khiến con người không thể trở nên được như nó muốn. Tôi thấy cái này tốt và muốn làm, nhưng lại làm cái khác, thi-sĩ Ovid người Rô-ma xưa đã nói như thế. Và Phao-lô trong chương 7 thư gởi giáo đoàn Rô-ma cũng đã viết : Cái tốt tôi muốn, tôi lại không làm ; và cái xấu mà thực tình tôi không muốn, thì tôi lại làm. Phao-lô cuối cùng đã kêu lên : Ai sẽ cứu tôi khỏi cái mâu thuẫn tâm hồn này đây !? Và chính nhờ điểm này Phao-lô đã hiểu ra một cách đúng đắn về đức Ki-tô – và cũng từ điểm đó mà Phao-lô đã loan báo đức Ki-tô như là một lời giải cứu độ ra cho thế giới ngoại giáo thời đó.  

Tuy nhiên, cũng có một mâu thuẫn khó hiểu. Đó là mâu thuẫn giữa Tin Mừng về một Thiên Chúa được coi là nhân hậu, « thương yêu », và tình trạng thực tế đau buồn của thế giới. Hậu quả là người ta thất vọng về Chúa. Nhiều người chẳng nhìn ra được chút gì gọi là tác động cứu độ của Ngài. Và đôi lúc tôi cũng nghĩ, đức tin có lẽ không còn phù hợp với khả năng hiểu biết càng ngày càng tiến xa của ta. Nó không thể chịu nổi nguồn sáng chói chang của các thực tế.

Ở đây, mâu thuẫn nội tâm, mà chúng ta vừa nói tới, gặp thêm một yếu tố tập thể. Có một í thức tập thể làm cho mâu thuẫn thêm gia trọng. Í thức đó công nhận khuynh hướng ích kỉ muốn quay mặt lại với Chúa là đúng, và nó chỉ cho ta những lối sống mà lúc này đây xem ra thoải mái. Nhưng mỗi người không chỉ sống cho riêng mình, mà còn sống cùng, nó biến đổi theo tập thể hoặc bị tập thể lèo lái, làm biến chất.

Có nhiều cấp độ khác nhau về tình trạng đi xuống hoặc cả đi lên của cộng đồng. Cộng đồng có thể nâng đỡ và dẫn dắt tôi, để các mâu thuẫn trong tôi từ từ giảm đi hoặc biến mất. Trái lại, cũng có cái gọi là tập thể bình quân, bảo rằng, ờ thì người khác cũng làm như thế.  Đó là những cộng đồng, trong đó ăn cắp trở thành bình thường, tham nhũng thành đương nhiên và dối trá là chuyện thường tình.

Cộng đồng có thể kéo con người càng ngày càng đi xuống – hoặc giúp nó đi lên. Trong trường hợp đầu, vật chất và lối nghĩ thuần vật chất làm chủ, khiến ta coi những điều khác, những gì cao hơn chủ nghĩa vật chất đó là cổ hủ, vô lí, chỉ tổ gây khó chịu cho con người. Trong trường hợp thứ hai, có một sự hiện diện đương nhiên nào đó của Chúa trong xã hội, và con người dễ hướng lên cùng Ngài hơn. 

Nhưng một cuộc sống nhẹ nhàng, thoải mái và đầy lạc thú có phải tốt hơn không?

Dĩ nhiên một cuộc sống thoả thê với vật chất, với cái có thể nắm bắt được, với những cảm giác vui thú có thể mua hay sắm được, trước mắt xem ra đơn giản hơn. Tôi có thể vào một cửa hàng vui chơi, trả tiền vô cửa và có ngay một cuộc lên đồng, nhờ đó quên đi mọi khó nhọc của con đường thành nhân và tự chế. Cám dỗ này vô cùng lớn. Cả hạnh phúc ở đây cũng đã trở thành một món hàng có thể mua bán. Con đường này nhanh hơn, thoải mái hơn, mâu thuẫn tâm hồn xem ra được giải quyết – bởi chẳng cần bận tâm gì tới câu hỏi về Chúa nữa. 

Nhưng người ta cũng có thể xem lối sống đó là văn minh, tân tiến và hoàn toàn phù hợp với thế giới tiến bộ ngày nay.

Nhưng ta cũng sớm nhận ra đó là một dối gạt. Cá nhân ta cuối cùng sẽ thấy mình trống rỗng, cháy rụi, và khi hết cơn lên đồng trở về với thực tại, ta đâm ra giận mình và thế giới. Trễ nhất là vào lúc đó, cảm giác bị lừa đến với ta.

Đúng, là bi kịch nội tâm của ta chẳng bao giờ do riêng ta giải quyết, mà nó được giải quyết trong khuôn khổ cái chúng-tôi chung. Khuôn khổ tập thể đó có thể làm cho đời ta thêm khó khăn hay trở nên nhẹ nhàng. Vì lẽ đó, trong Giáo hội sơ khai, người ta đã lập ra lớp giáo lí nhập đạo. Mục đích là để tạo nên một loại cộng đồng thay thế, trong đó người ta có thể làm quen với Chúa, và qua việc chung sống với kẻ khác, người ta dần bước vào được môi trường có thể học nhìn thấy Chúa. Từ đó cho tới lúc rửa tội – rửa tội còn được gọi là giác ngộ - sự hiểu biết về Chúa bắt đầu lớn lên trong cá nhân, và nhờ vậy, người đó giờ đây có thể tự lập trong cuộc sống đức tin.

Tôi nghĩ, trong thế giới hướng về vô thần, hoài nghi và vật chất ngày nay, mô thức trên lại trở nên cần thiết. Trước đây, xem ra Giáo hội và xã hội gần như làm một với nhau. Giờ đây, Giáo hội lại phải nỗ lực làm sao để trở thành một nơi cho con người tìm tới, nơi đó không những có chỗ cho cái chúng-tôi đang gặp khó khăn hay đang xuống cấp, mà cả cái chúng-tôi đang mở ra để đón nhận từng cá nhân và giúp họ tập nhìn ra Chúa. 

Vấn đề là liệu đức tin có thật sự làm cho ta tốt hơn, nhân từ hơn, yêu người hơn, bớt tham-lam hơn, bớt tự-phụ hơn không. Hãy nhìn vào những người đã được chính Chúa kêu-mời tin, những kẻ xem ra chẳng mong gì hơn là được sống đẹp lòng Chúa và trở thành những con người toàn hảo. Tại sao cả trong số các giáo sĩ, các tu sĩ nam nữ lại có nhiều đố kị, tị hiềm, ghen tương, dối trá và thiếu bác ái với nhau đến thế ? Tại sao đức tin không làm cho họ tốt hơn ?

Một câu hỏi quả thật nhức nhối. Qua đó ta lại thấy rằng đức tin không đơn giản có sẵn đó, nó không đứng yên, nhưng có thể lớn ra hoặc teo lại. Nó không đơn giản là một bảo chứng thành toàn, một thứ nguồn vốn giờ đây chỉ còn đợi thu lãi. Đức tin luôn được đổ vào một bình tự do rất dễ vỡ. Ta mong mọi chuyện phải khác đi. Nhưng Chúa lại có cái liều lĩnh thật khó hiểu, là Ngài đã không cho ta một liều thuốc mạnh hơn.

Mà ngay cả khi ta phải chứng kiến những thiếu sót trong thế giới kẻ tin (dĩ nhiên đó cũng là hậu quả của sự suy yếu đức tin), ta cũng không được quên mặt tích cực của nó. Đọc chuyện của biết bao người đơn sơ, tốt lành, những kẻ đã được đức tin làm cho tốt hơn, ta thấy rõ là đức tin đã tác động một cách rất tích cực. Tôi đặc biệt nghĩ tới những người lớn tuổi trong các xứ đạo bình thường, đức tin đã làm cho họ chín muồi nhân ái. Gặp gỡ họ, tôi thấy toát lên sự ấm cúng, toả ra một thứ ánh sáng nội tâm.

Và ngược lại, chúng ta cũng phải công nhận là, với đà bốc hơi của đức tin, xã hội càng ngày càng xơ cứng, bạo lực và hung dữ ra. Bầu khí chẳng tốt hơn, nhưng càng ngày càng kích động và ác độc hơn, ngay cả một nhà thần học thích phản kháng như Vorgrimler* cũng đã nhận xét như thế.