LÀM GÌ CÓ LINH HỒN, THIÊN ĐÀNG, HOẢ NGỤC?

Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh

 

Có người nói rằng:

-Làm gì có linh hồn, nếu có thì khi người ta chết phải thấy linh hồn bay ra, phải thấy mới nói được là có.

-Làm gì có đời sau mà thiên đàng với hoả ngục; đây chỉ là cách hứa hẹn và hù doạ mà thôi.

Nếu những phát biểu trên là đúng thì buồn quá đi bạn ơi, vì như thế chúng mình chẳng khác gì con vật, chết là hết như nhau! Bạn nghĩ sao? Có muốn giống mấy con vật không?

 

1.Con người được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa và được đặt để trong trần gian. Cuộc sống thể xác của chúng ta được đo bằng thời gian. Trong quãng thời gian đó chúng ta biến đổi, già đi và cuối cùng chấm dứt bằng cái chết[1]. Tuy nhiên khi tạo thành con người, Thiên Chúa cũng phú ban trong họ một mầm sống vĩnh cửu. Kinh Thánh diễn tả chân lý nầy bằng việc “Thiên chúa thổi sinh khí vào mũi Ađam”[2]. Nhờ đó mà con người là xác và hồn; con người vượt trên các loài thụ tạo khác[3]. Xác thì thấy được, hồn thì không thấy được, nhưng cảm quan giúp chúng ta nhận biết được điều nầy. Triết gia Blaise Pascal[4] : “Con người là cây sậy biết suy tư”. Mặc dầu là bé nhỏ yếu ớt về thể chất, nhưng vĩ đại nhờ tinh thần, tinh thần là báu vật của con người. Nguyễn Du cũng nhận biết sự hiện hữu linh thiêng của phần hồn nầy: “Trông vào ngọn cỏ lá cây, thấy hiu hiu gió thì hay chị về”[5]. Niềm tin nầy dân tộc chúng ta đã có từ bao đời, chứ không phải là bày đặt, hão huyền! Đây là niềm khát vọng muôn thuở của con người. Nếu không có đời sau, không có linh hồn thì làm lễ cầu siêu, cầu hồn làm gì cho mất công.

 

2.Vì thế, cuộc sống thể xác tại trần gian không phải là tất cả sự hiện hữu của con người, nhưng chỉ là một giai đoạn, một phần, trong cuộc sống toàn bộ. Do đó, cuộc sống thể xác nầy cũng không tách lìa khỏi cuộc sống tinh thần. Thánh Phaolô xác quyết chân lý nầy khi nói tới sự biến đổi sau cái chết[6] và Kinh Thánh nói: “các việc họ làm đều theo họ về đời sau”[7]. Còn Giáo Hội Công Giáo thì tuyên xưng: Tôi tin xác loài người sẽ sống lại, tôi tin sự sống vĩnh cửu[8]. Niềm tin nầy không phải chỉ do cảm thức tự nhiên, nhưng chính yếu là do mặc khải của Thiên Chúa[9]. Chúa Giêsu tuyên bố: “Ta là sự sống lại và là sự sống”[10]. Chính sự sống nầy giải đáp cho mọi người biết về nguồn gốc, ý nghĩa và mục đích tối hậu của con người. Sự sống đời sau còn là sự giải thoát cuối cùng[11] và là sự hoàn thành ơn gọi tiến tới sự hoàn hảo nguyên thuỷ.

 

3.Cuộc sống mai sau như thế nào, chưa ai biết rõ được. Chỉ biết điều nầy là:

-Thiên Chúa sẽ vĩnh viễn trả lại sự bất diệt cho thân xác, bằng cách kết hợp nó với linh hồn, nhờ quyền năng phục sinh của Chúa Giêsu Kitô[12];

-Cuộc sống đời sau không phải là cuộc sống nầy được tiếp tục như hiện trạng, nhưng được đổi mới. Chúa Giêsu đã phục sinh với thân xác của Người trước kia[13], nhưng Người không trở lại với sự sống thế trần bị lệ thuộc không gian và thời gian. Cũng vậy, tất cả mọi người sẽ sống lại trong Chúa Kitô, với thân xác của họ đang có bây giờ, nhưng thân xác nầy “sẽ được biến thành thân xác vinh quang”[14], thành “thân xác thiêng liêng”[15], nghĩa là vượt khỏi mọi định luật của vũ trụ, khỏi không gian và thời gian[16].

-Còn nữa, con người luôn khát vọng vĩnh cửu, vì ở đời nầy họ không thành đạt được hạnh phúc đích thực và toàn vẹn.  Dầu có đầy đủ của cải, tiện nghi, tương giao xã hội hay quyền lực, vinh hoa, con người vẫn thấy bị giới hạn, bất lực với những gì bên ngoài mình hoặc ngay trong chính mình. Khổ đau luôn có mặt dưới nhiều hình thức. Chỉ khi nào khát vọng vĩnh cửu, hoàn hảo, trường tồn được thoả mãn, khi ấy mới có hạnh phúc đích thực. Nhưng ai có thể làm thoả mãn niềm khát vọng ấy, nếu không phải là Thiên Chúa, Đấng toàn năng tuyệt đối. Niềm hạnh phúc đích thực ấy, Công Giáo gọi là Thiên Đàng.

 

4.Như thế, từ Thiên Đàng không dùng để chỉ một nơi nào đó, nhưng để chỉ một tình trạng, một cõi sống mai sau cao trổi hơn cuộc sống trần gian, nơi đó con người được hạnh phúc hoàn toàn, đích thực và trường cửu. Chúa Giêsu trên thập giá vào những giây phút nghiêm trọng, đã nói với người kẻ trộm có lòng sám hối và tin nhận Người: “ Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở trên Thiên Đàng ”[17]. Khi dùng từ Thiên Đàng và chữ hôm nay, Chúa Giêsu không có ý nói đến nơi chốn, bởi vì lúc ấy cả hai người đang bị đóng đinh trên Núi Sọ; nhưng Nguời muốn cho anh ta biết rằng, vì lòng sám hối và niềm tin vào Người mà anh được tha tội  tức khắc và có được sự thông hiệp với Thiên Chúa.

 

Với ngôn ngữ hạn hẹp của con người, Giáo Hội dùng chữ Thiên Đàng để diễn tả tình trạng hạnh phúc nầy. Bản dịch Thánh Kinh LXX (70) dùng chữ Paradisum[18], tiếng Do Thái gọi là Eden. Cả hai dùng để chỉ Khu vườn của Thiên Chúa và Khu vườn nguyên thuỷ Ađam đánh mất, trong đó tổ tiên loài người sống hoàn toàn hạnh phúc và đồng thời cũng để nói lên một viễn tượng hạnh phúc mai sau, bên kia cõi chết[19]. Như vậy, Thiên Đàng chỉ    

tình trạng được hưởng hạnh phúc siêu nhiên trọn vẹn. Hạnh phúc được hưởng trên thiên đàng chủ yếu là được thấy và yêu Chúa trực tiếp; thứ đến là được hiểu biết, yêu mến và vui hưởng các tạo vật. Hạnh phúc của mỗi người sẽ tuỳ theo mức độ ân sủng mà họ đang có khi chết, mức độ ân sủng nầy nhiều hay ít là tuỳ công trạng người ấy đã lập được khi còn ở trần gian. Hạnh phúc thiên đàng vĩnh viễn không bao gờ chấm dứt[20]. Sách Giáo Lý Công Giáo cũng khẳng định: Những ai chết trong ân sủng và ân nghĩa với Thiên Chúa và đã hoàn toàn được thanh tẩy, sẽ sống muôn đời với Chúa Kitô; họ sẽ mãi mãi giống như Thiên Chúa, vì họ thấy Ngừơi “đúng như Người là”[21]. Đây là phần thưởng dành cho những người lành thánh hoặc dầu có tội lỗi nhưng thực lòng sám hối và tin kính Thiên Chúa.

 

5. Có thưởng thì cũng phải có phạt, đó là lẽ công bình. Hình phạt cho kẻ dữ là Hoả ngục.

Ở đời nầy, làm gì có công lý đích thực, có sự phán xử đúng đắn hoàn toàn, có thưởng phạt hoàn toàn công minh,  bởi vì con người không thể thấu biết mọi tình tiết sự việc và uẩn khúc trong lòng người, nên vẫn có sai lầm. Chúa Giêsu đã tố giác điều nầy “Các ông xét đoán theo kiểu người phàm”[22];  “Các ông đừng xét đoán theo bề ngoài nữa, nhưng hãy xét đoán cho công minh”[23]. Chỉ có Thiên Chúa mới xét xử công minh: “Ta là Đấng dò thấu lòng dạ, và Ta sẽ tuỳ theo việc các ngươi làm mà thưởng phạt mỗi người”[24]. Chính vì thế cuộc phán xử cuối cùng để phân định rạch ròi thiện ác cũng là điều con người mong đợi, vì chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng Công bình chính trực.

 

Hoả ngục cũng không phải ở một nơi nào đó. Hoả ngục không ở nơi nầy hay nơi kia và có những hình phạt kiểu con người áp dụng cho tội phạm, nhưng là tình trạng bất hạnh mà con người đón nhận theo những lựa chọn tự do trong cuộc sống trần thế của mình dựa trên tiêu chuẩn lề luật của Thiên chúa. Bất hạnh dày vò mãi mãi vì xưa kia đã khước từ, lãnh đạm đối với Thiên Chúa, là sự thiện và là hạnh phúc vô biên, bây giờ vô vọng, chẳng bao giờ có thể gặp lại được[25]. Tin Mừng dùng những hình cảnh cụ thể để nói đến những hình phạt nơi hoả ngục như: vực thẳm, lửa đốt không hề tắt, dòi bọ rúc rỉa, khóc lóc nghiến răng… chỉ là dùng ngôn từ của thời ấy để diễn tả nỗi bất hạnh kia mà thôi[26].

 

6.Thực tại về hạnh phúc và bất hạnh ở đời sau là niềm tin và là giáo huấn của Giáo Hội dựa trên nền tảng Thánh Kinh và Thánh Truyền: Chết, Phán xét, Thiên đàng, Hoả ngục. Niềm tin nầy hoàn toàn phù hợp với sự công chính tối thượng của Thiên Chúa, là Đấng có quyền nói lời phán quyết cuối cùng về hành vi của con người, là Đấng thưởng ai làm điều thiện, và phạt ai làm điều ác[27]. Đúng vậy, con người không thể hiệp nhất với Thiên Chúa, nếu không tự do lựa chọn yêu mến Người. Nhưng con người không thể yêu mến Thiên Chúa, nếu con người phạm tội cách nặng nề chống lại Người, chống lại tha nhân hoặc chống lại bản thân chúng ta. Chết trong tội trọng mà không sám hối và không đón nhận tình thương đầy từ bi của Thiên Chúa, có nghĩa là mãi mãi xa Chúa, do sự tự do lựa chọn của mỗi người. Đây chính là sự từ chối yêu thương và được yêu thương. Danh từ Hoả Ngục được dùng để chỉ tình trạng li khai cách chung cuộc khỏi mối hiệp thông với Thiên Chúa[28].

 

7. Bạn có thể thắc mắc rằng: Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu, giàu lòng thương xót, muốn mọi người được cứu rỗi, đến nỗi đã ban tặng Con của Người cho nhân loại, thì tại sao lại nỡ lòng nào mà còn ra hình phạt để người có tội phải trầm luân, xa Chúa?

        -Sự thực Thiên Chúa không loại bỏ người nào cả. Chúa Giêsu đã xác quyết điều đó: “ Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án, nhưng kẻ không tin, thì đã bị lên án rồi, vì đã không tin vào Danh của Con Một Thiên Chúa…vì họ đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng”[29]. Sự trầm luân hay loại bỏ nằm ở nơi mầu nhiệm tự do của con người[30]. Thảm kịch mà Evà gây ra cho mình và cho nhân loại, là đã sử dụng tự do một cách sai lầm, khi không tin Lời Chúa mà lại tin lời tên Dối trá[31].

-Chúa Giêsu đã nhắc lại thảm kịch ấy khi nói về dụ ngôn Người con hoang đàng hay Tình Cha[32]: Người cha nhân hậu và yêu thương, ông có nỡ lòng nào mà đẩy đuổi con mình ra khỏi nhà; nó lớn lên và trưởng thành rồi, nên ông tôn trọng tự do của nó, để nó làm những gì nó cho là hạnh phúc và nó ước muốn; đứa con không tin vào lời cha dạy và cũng không hài lòng về tình thương của cha, nó tin vào lời người ta lừa dối, cho rằng ở ngoài sướng hơn, nên đã thẳng thừng tuyệt tình với cha và bỏ nhà ra đi; ra khỏi nhà cha  mới thấy đời đâu đơn giản, mới thấy khổ cực giăng đầy, mới thấy hối hận, mới thấy mình dại dột, khờ khạo. Đó, cha đâu đuổi nó và đầy đoạ nó, nhưng chính nó đầy đoạ mình. Hoả ngục là thế đó, chứ không phải nơi nầy nơi kia! Hoả ngục là sự lựa chọn tự do sai lầm.

 

8.Niềm tin vào linh hồn, thiên đàng, hoả ngục không làm cho những người có đức tin xa rời thực tế, trở nên bi quan hoặc lười biếng, nhưng càng thúc đẩy họ sống vui tươi, hoạt động tích cực theo tinh thần Tin Mừng để thánh hoá cuộc sống và chuẩn bị cho hạnh phúc mai sau. Bởi vì cuộc sống hiên tại và tương lai không tách rời nhau, nhưng có liên hệ mật thiết, làm nên một cuộc sống toàn bộ duy nhất. Điều phải luôn nhớ:

        -Con người thể xác có giới hạn và mong manh, hãy tìm vĩnh cửu, vững bền.

-Tự do của con người thật là cao cả, là một huyền nhiệm. Đây là món quà vô giá mà Thiên Chúa trao tặng. Hãy cẩn thận sử dụng tự do cho đúng lương tri và phân định của mình. Đừng nông nổi và kiêu căng theo con ngừơi xác thịt.

-Vật chất không phải là tất cả cho hiện hữu của chúng ta. Vẫn còn vô số giá trị cao quý khác mà mắt phàm chúng ta không có khả năng nhìn thấy.

 

                (Vinh An, mùa Vinh quang và Thanh luyện/ 21)

       

 

 

 

 

 

       



[1] GLCG số 1007.

[2] St 2,7.

[3] Nhân linh ư vạn vật.

[4] Triết gia và khoa học gia nguời Pháp (1623-1662).

[5] Thi hào Nguyễn Du, Truyện Kiều.

[6] Plm 3,20-21.

[7] Kh 14,13.

[8] Kinh Tin Kính.

[9] 2Mcb 7,9-14; GLCG số 992.

[10] Ga 11,25.

[11] Pl 2,12.

[12] X.GLCH số 997.

[13] X.Lc 24,39.

[14] Plm 3,21.

[15] 1Cr 15,44.

[16] X.GLCG số 999.

[17] X. Lc 23,39-43.

[18] Bởi tiếng HI lạp là Paradeisos có ngĩa là khu vườn.

[19] X.VTB chữ Paradis.

[20] X. John A.Hardon,S.j, Pocket Catholic Dictionary, chữ Paradise, Image Books, New York 1985.

[21] X.1Ga 3,2; GLCG số 1023.

[22] Ga 8,15.

[23] Ga 7,24.

[24] Kh 2,23.

[25] X. Mt 25,46- Công đồng Lateranô IV (Dz 801).

[26] X. Mt 5,22.19;20,18;13,41-42- GLCG số 1034.

[27] ĐGH Gioan-Phaolô II, Bước Vào Hi Vọng, tr.183-184.

[28] X.GLCG số 1033.

[29] X.Ga 3,17-21.

[30] X. ĐGH Gioan-Phaolô II, Bước Vào Hi Vọng, tr.186-187.

[31] X.St 2.

[32] X. Lc 15,11-32.


Tủ Sách Giáo Lý