BÀI 11 :

GIÁO HỘI VIỆT NAM

 

“Nhìn về quá khứ, chúng tôi cảm mến sâu sắc bàn tay nhân lành của Thiên Chúa, đã êm ái và mạnh mẽ hướng dẫn Hội Thánh Người trên đất nước Việt nam của chúng ta. Chúng tôi biết ơn công lao của vô vàn tín hữu đã làm sáng tỏ đức tin và lòng yêu nước của mình”

(Thư chung HĐGMVN 1980, s.17)

“Uống nước nhớ nguồn”. Là Kitô hữu Việt Nam, chúng ta không thể không biết về nguồn cội của mình là thời kỳ các nhà truyền giáo ngoại quốc đến Việt Nam với bao khó khăn hiểm nguy, và các bậc cha ông tiền bối của chúng ta đã đổ máu tử vì đạo để ngày hôm nay chúng ta được thừa hưởng những thành quả tốt đẹp.

 

1* Những hạt giống Tin Mừng đầu tiên :

Trước Công Nguyên, việc Đông Tây gặp nhau là nhờ con đường tơ lụa mà các thương nhân Châu Âu (Rôma) đã thông thương đến Trung Quốc và Ấn Độ để mua tơ lụa và hương liệu, nhưng con đường này đã bị cản trở khi thế giới Hồi Giáo lớn mạnh vào khoảng thế kỷ XIII. Việc khám phá ra Mỹ Châu năm 1492 của Christophe Colomb đã nối dài bước chân truyền giáo của các thừa sai vượt đại dương đến Việt Nam.

 

Theo “Khâm Định Việt Sử” (33.6b), chỉ dụ cấm đạo của vua Lê Trang Tôn đã nói đến một thừa sai Tây Phương, tên là I-nê-khu, lén theo đường biển vào truyền giáo tại làng Ninh Cường và Trà Lũ khoảng năm 1533. Tiếp theo là dấu chân rao giảng của các linh mục dòng Đa Minh (1550), và sự kiện nổi bật nhất là việc trở lại của công chúa Mai Hoa (Maria Flora) tại Thanh Hóa năm 1591. Hiện nay vẫn còn một nền nhà thờ và một giếng Datô do công chúa cho đào tại An Trường (Thanh Hoá).

 

Dựa vào gia phả nhà họ Đỗ, cụ Đỗ Hưng Viễn, làng Bồng Trung tỉnh Thanh Hoá, đi sứ và được Rửa Tội tại Macao thời vua Lê Anh Tôn (1573) nhưng con cháu cụ không ai theo đạo cả.

 

2*  Tin Mừng bén rễ :

Đất nước chúng ta vào thế kỷ thứ 11 mới chỉ mở rộng đến đèo Ngang (1069), rồi giao tranh với nước Chiêm Thành và mở rộng bờ cõi đến Quảng Nam (1470) vào thế kỷ thứ 15. Nhờ cuộc Nam tiến của Nguyễn Hoàng (1558) và các chúa Nguyễn sau này mà đất nước (Đại Việt) chúng ta mới mang hình chữ S như hiện nay (Việt Nam).

 

Việc các cha dòng Tên đến Cửa Hàn, Quảng Nam vào năm 1615, thời Trịnh Nguyễn phân tranh, được coi là một khúc ngoặt mới trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam. Với nhiều kinh nghiệm đắt giá ở Nhật Bản, các thừa sai đã mau chóng chuyển qua đường lối chủ trương hội nhập văn hóa, quan tâm đặc biệt đến việc học ngôn ngữ, phong tục tập quán của người Việt, khiến Tin Mừng được đón nhận nhiều hơn và đã đi vào văn hóa Việt Nam trong một thời gian rất ngắn.

 

Nhiều thơ ca, vè, ngắm, dâng hoa, tuồng thương khó xuất hiện trong thời kỳ này vẫn còn âm hưởng lòng đạo đức truyền thống cho đến ngày nay. Chữ Quốc Ngữ của nước ta cũng được thành hình trong thời kỳ này nhờ công của các thừa sai khi các ngài dùng mẫu tự La-Tinh, Bồ Đào Nha, Italia… để phiên âm tiếng Việt, và dĩ nhiên có sự trợ giúp của các thầy giảng người Việt. Đặc biệt phải kể đến công lao của cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) khi ngài cho xuất bản cuốn tự điển Việt-Bồ-La, cuốn Văn phạm Annam và cuốn song ngữ ‘Phép giảng tám ngày’ tại Rôma năm 1651.

 

Trong thời kỳ này tại Trung Quốc cũng như ở Việt Nam nảy sinh ra các cuộc tranh luận về việc thờ cúng tổ tiên, lúc thuận lúc nghịch, cản trở không ít đến việc truyền giáo, kéo dài cả mấy trăm năm mà mãi đến năm 1965 Toà Thánh mới công nhận việc thờ cúng tổ tiên là một đạo lý làm người nên được phép và còn khuyến khích duy trì tập tục thảo kính ấy.

 

3* Hình thành Giáo Hội Việt Nam :

Năm 1659, Tòa Thánh thiết lập hai giáo phận trên đất Việt và đặt hai Giám Quản Tông Toà đầu tiên: Đức cha Lambert de la Motte ở Đàng Trong, và Đức cha Francois Pallu ở Đàng Ngoài (chỉ có Giám Mục Lambert de la Motte đến được VN).

 

Năm 1668, Đức cha Lambert de la Motte đã đặt tay truyền chức cho một số linh mục Việt Nam tiên khởi, và thành lập dòng Mến Thánh Giá mà ngày nay đang triển nở mạnh mẽ. Việc thành lập hàng giáo phẩm địa phương, vốn là mong ước của Tòa Thánh ngay từ năm 1659, nhưng trong thực tế phải đến ngày 24/11/1960, hàng giáo phẩm Việt Nam mới được thiết lập, đánh dấu sự trưởng thành của Giáo Hội Việt Nam sau 4 thế kỷ đón nhận Tin Mừng.

 

4*  Vươn lên trong thử thách :

Chính khi mối bang giao với các nước Phương Tây được mở ra thì các vua chúa Nhà Nguyễn đã chọn chính sách bế quan tỏa cảng để bảo toàn lãnh thổ khỏi sự dòm ngó của nước ngoài. Điều đó đã bỏ mất cơ hội phát triển của đất nước, và dĩ nhiên, sự cấm cách bắt bớ đạo Công Giáo là điều khó tránh. Người ta đã lầm tưởng đạo Công Giáo là đạo Tây Phương, thực ra Đức Giêsu là người thuộc Châu Á (Israel), một mảnh đất cưu mang và thành hình nhiều tôn giáo lớn của nhân loại (Do Thái Giáo, Kitô giáo, Phật Giáo, Aán Độ Giáo, Khổng Giáo, Hồi Giáo, Thần Giáo [Nhật Bản]...)

 

Đã có vài trăm ngàn tín hữu hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin mình đã lãnh nhận, trong số này đã có 117 vị được phong hiển thánh năm 1988 và 1 chân phước năm 2000. Chính từ giữa những khó khăn và thử thách ấy, niềm tin của các Kitô hữu càng được thanh luyện. Khi mà việc giữ đạo chẳng đem lại cho họ lợi lộc cụ thể nào thì số người theo đạo lại càng tăng lên, từ 320.000 Kitô hữu năm 1800 lên 426.000 năm 1855.

 

Năm 1975, Giáo Hội Việt Nam có 25 giáo phận, và năm 1980, Thư Chung của Hội Đồng Gíam Mục Việt Nam đã khẳng định đường hướng của các Kitô hữu Việt Nam: “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.

 

Riêng Giáo Phận Đà Lạt, được hình thành từ ngày thành lập hàng giáo phẩm Việt Nam năm 1960 (24/11), và tách ra từ Giáo Phận Sài Gòn. Hiện nay (2003) Giáo Phận Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) có khoảng hơn 270 ngàn tín hữu Công Giáo, 145 linh mục, 71 Giáo Xứ, 29 Giáo Sở, 61 Giáo Điểm, 1 Chủng Viện và 106 cộng đoàn tu sĩ.

 

Nhìn lại lịch sử hơn 300 năm, người tín hữu Việt Nam cần ý thức rằng đức tin mình đã lãnh nhận, đã được gieo trồng và vun xới bằng mồ hôi nước mắt và cả xương máu của tiền nhân. Chúng ta phải xác tín rằng Chúa luôn đồng hành với Giáo Hội trong từng bước đi, dù khi thành công hay thất bại, lúc chan hòa ánh sáng hay bóng tối buông kín. Điều đó hằng thúc giục chúng ta ngày hôm nay phải tiếp tục công việc của cha ông trong nỗ lực truyền giáo để Tin Mừng càng bám rễ và trổ sinh hoa quả tươi tốt ngay trong mảnh đất thân yêu này.

 

CẦU NGUYỆN :

“Lạy các thánh Tử Đạo Việt Nam, là những bậc tiền nhân đã hoàn thành sứ mạng, xin chuyển cầu cho chúng con là con cháu được noi gương các ngài, biết đem lòng bác ái mà dấn thân phục vụ, để một ngày kia trên thiên quốc, chúng con được hợp tiếng với các ngài, ca ngợi, tạ ơn Chúa muôn đời vinh hiển. Amen” (trích kinh các thánh tử đạo Việt Nam )

 

TÓM LƯỢC :

 1* Đạo Công Giáo được loan truyền vào Việt Nam khi nào ?

- Đạo Công Giáo được loan báo tại đất nước chúng ta vào thế kỷ thứ 16, song chỉ phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 17 khi có sự hội nhập văn hoá của các thừa sai Dòng Tên.

 

2* Giáo Hội Việt Nam được hình thành từ lúc nào ?

- Ngay từ thế kỷ thứ 17, đất nước chúng ta đã có hai Giáo Phận: Đàng Trong và Đàng Ngoài, song phải đợi đến năm 1960 mới chính thức có hàng giáo phẩm Việt Nam, và hiện nay có 25 Giáo Phận.

 

3* Cha ông chúng ta ngày xưa đã sống đức tin như thế nào?

- Các bậc tiền bối cha ông của chúng ta ngày xưa đã đón nhận và sống đức tin trong một hoàn cảnh thật khó khăn: một mặt phải chu toàn nghĩa vụ đời sống gia đình và tổ quốc, mặt khác vẫn yêu mến và tôn thờ Thiên Chúa dù có phải hy sinh cả mạng sống mình để làm chứng cho đức tin Công Giáo.

 

QUYẾT TÂM :

 

Các bậc tiền bối Việt Nam ngày xưa đã hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin vừa mới lãnh nhận, tôi cũng ra sức học hỏi Giáo Lý để sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc.


Mục Lục Giáo Lý Dự Tòng
Trở Về Trang Nhà