BÀI 15:   Dậy Men Tin Mừng

SỐNG CÓ KỶ LUẬT

 

I. CẦU NGUYỆN KHAI MẠC

          Lạy Chúa, xin chúc lành cho tất cả chúng con trong giờ học này, để khi tìm hiểu Lời Chúa chúng con sẽ khám phá ra được niềm vui và lòng trông cậy vào Chúa.

          Đọc kinh cúi xin Chúa sáng soi.

Kiểm tra bài cũ :

a. Giao Ước Sinai là gì?

Là cam kết giữa  Thiên Chúa và dân Israel ở núi Sinai. Tại đây  Thiên Chúa nhận dân Israel làm dân riêng và hứa sẽ che chở họ. Còn dân hứa trung thành thờ phượng một mình  Thiên Chúa và tuân giữ luật Ngài ban.

b. Giao Ước Sinai là hình ảnh báo trước điều gì?

Báo trước Giao Ước mới và vĩnh cửu mà  Thiên Chúa sẽ lập với tất cả loài người trong máu Chúa Giêsu.

II. THẢO LUẬN

          Hôm nay chúng ta học bài “SỐNG CÓ KỶ LUẬT”. Vậy kỷ luật là gì? (Kỷ luật là sự rèn luyện đặc biệt về tinh thần và tính cách nhằm tạo ra sự tự chủ, phục tùng.) Chúng ta có 3 câu hỏi:

Câu 1: Kỷ luật có cần thiết không ?

XEM.

          Tất cả các tổ chức mang tính tập thể như : quốc Gia, trường học, công ty, xí nghiệp đều có những luật lệ, nội quy, quy tắc mà mọi người phải tuân theo để cho tổ chức , tập thể đó phát triển tốt..

          Ngoài ra cũng có nhiều người tự đặt ra những kỷ luật cho mình và sống theo kỷ luật đó.

‚XÉT.

          Các em thấy kỷ luật có cần thiết không? Có thấy mình yêu thích kỷ luật không? Có bao giờ bị người khác nói là sống vô kỷ luậït không?.

          Ta thấy những vĩ nhân, những người thành đạt đều là những người biết sống theo kỷ luật.

ƒLÀM.

Muốn thành đạt thì không những phải ép mình sống theo kỷ luật, và đặt ra cho mình những kỷ luật và sống theo kỷ luật ấy.

HS ghi :

Kỷ luật giúp đào tạo con người, nhờ có kỷ luật năng lực con người được tập trung để hướng đến một mục tiêu, nhờ đó ta có thể đi tới chỗ thành công.

Câu 2: Kỷ luật có làm mất tự do không ?

XEM.

          Có nhiều người cảm thấy kỷ luật là một đièu gì đó thật khó chịu, làm cho họ bị mất tự do, trái lại có những người cảm thấy yêu thích kỷ luật, xem kỷ luật như một phương pháp để rèn luyện bản thân mình trưởng thành hơn.

‚XÉT : Tại sao có những người không tuân theo kỷ luật?

          Có phải họ chưa chiến thằng được bản thân họ, hay họ chưa ý thức được kỷ luật là cần thiết. Còn bản thân các em thì sao? Mình là người yêu thích kỷ luật hay không? Có nhận ra tầm quan trọng của kỷ luật không?

ƒLÀM- HS ghi :

Ý thức được kỷ luật là cần thiết, kỷ luật là con đường rèn luyện mình trưởng thành và dẫn đến thành công thì ta sẽ dễ dàng khép mình vào kỷ luật hơn.

Câu 3: Giữ kỷ luật cụ thể hằng ngày là làm những gì ?

XEM. Kỷ luật là những điều cụ thể như : Đi học đúng giờ, làm bài đầy đủ, chấp hành các nội quy của tập thể mà mình đang sinh hoạt.

‚XÉT:         Mình có là người mau mắn thực hiện các nội quy của tập thể mà mình đang sinh hoạt không? Có thực hiện ngay những quyết định của mình không? Có hẹn lần để sau rồi tính không?

ƒLÀM : HS ghi :

Hãy thực hiện ngay những gì mình đề ra trong ngày, lên thời khoá biểu cho một ngày sống và cố gắng thực hiện cho bằng được dù đó là điều nhỏ nhất. Vì không thực hiện được những điều nhỏ nhất, thì làm sao ta có thể thực hiện được việc lớn hơn.

III. DẪN VÀO LỜI CHÚA.

          Kỷ luật là điều chúng ta có thể đọc thấy nơi cuộc đời thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh. Năm 15 tuổi ngài được gửi đi học tại chủng viện Vĩnh Trị (Nam Định). Trong chủng viện, Ngài là một chủng sinh gương mẫu, là một con người giữ kỷ luật triệt để. Ngài đã cương quyết hiến dâng trọn đời cho Chúa và muốn thể hiện điều đó trọn vẹn. Chính vì thế Ngài tích trữ cơm khô, âm thầm rời chủng viện, vào sâu trong rừng vắng để thực hiện mong ước được  cầu nguyện và kết hợp mật thiết với Chúa bằng đời sống khắc khổ trong cô tịch. Nhưng đức cha không muốn như vậy.

          Vâng lời đức cha Gia, ngài từ giã rừng sâu trở về chủng viện tiếp tục học thần học. Khi đã trở thành linh mục và làm giám đốc kiêm giáo sư chủng viện Vĩnh Trị. Ngài thường khuyên các thầy tuân giữ kỷ luật, vì chính Ngài đã có kinh nghiệm sâu sắc : “Kỷ luật là ân nhân thể hiện lòng mến Chúa nâng đỡ đời tu”.

          Bây giờ mời các em cùng nghe đoạn Kinh Thánh nói về các trẻ Do Thái được  Thiên Chúa chúc lành vì các em biết yêu mến  Thiên Chúa thể hiện qua việc trung thành với lề luật.

IV. CÔNG BỐ LỜI CHÚA. (Đn 1, 3- 20 ).

V. CẦU NGUYỆN.   

          Lạy Chúa Giêsu yêu mến, để làm gương cho chúng con, mặc dầu là  Thiên Chúa , Chúa đã vâng lời Chúa Cha, vâng phục, yêu mến thánh cả Giuse và Mẹ Maria. Xin cho tất cả chúng con biết noi gương Chúa mà học cho biết vâng phục, để xứng đáng làm con Chúa. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

VI. SINH HOẠT.

VII. BÀI TẬP.

1. Kỷ luật giúp con người

a. Mạnh khoẻ, giầu có                   b. Trở nên tự chủ.

c. Có thể tập trung năng lực để dễ đi đến thành công.         d.  b và c đều đúng.

2. Để dễ dàng khép mình vào kỷ luật hơn ta phải :

a. Ý thức kỷ luật là cần thiết.         b. Chọn kỷ luật là con đường rèn luyện mình trưởng thành.

c. a và b đều đúng.                       d. a và b đều sai.

VIII. SỐNG LỜI CHÚA.

          Sống theo thời khoá biểu một tuần, giờ nào việc nấy. Tự mình lên thời khoá biểu và tự đánh giá xem mình thực hiện được bao nhiêu phần trăm.

IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC.

          Lạy Chúa, với khao khát tìm được Chúa, sống theo Lời Chúa nên chúng con đã bỏ ra một giờ để  học hỏi Lời Chúa. Xin  cho chúng con mỗi lần cố gắng học giáo lý và thực hiện theo thời khoá biểu là một lần được Chúa ban ơn giúp sức, để chúng con có thể sống đúng với ý Chúa muốn. Amen.