Bài 29 : Dậy Men Tin Mừng 6

XÂY DỰNG MỘT XÃ HỘI TỐT ĐẸP

Mt 5, 13-16

I.   CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ:

Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa đã yêu thương cho chúng con được sinh ra làm người, được làm con Chúa và được sống trong xã hội Việt Nam. Chúng con xin dâng lên Chúa giờ học giáo lý hôm nay, xin Chúa ban Chúa Thánh Thần xuống, giúp chúng con ý thức hơn trách nhiệm và ơn gọi của chúng con đối với xã hội mà Chúa đã ban cho chúng con.

Cúi xin Chúa sáng soi…

II.                GIẢI THÍCH BÀI HỌC:

Các em thân mến, trong những bài học trước chúng ta thấy : ngay khi bắt đầu cuộc đời rao giảng, Chúa Giê-su đã thiết lập Nhóm Mười Hai làm nền móng của Hội Thánh, để biến đổi cả thế giới thành Nước Trời. Trước khi lên trời, Ngài đã hứa gửi Thánh Thần đến với các môn đệ để giúp họ khởi công thực hiện sứ mạng.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đã được ban xuống tràn đầy trên các môn đệ. Hình ảnh Hội thánh thuở ban đầu là  hình ảnh một cộng đoàn hiệp nhất, yêu thương, đùmbọc lẫn nhau như anh chị em trong một gia đình. Thánh Lu-ca kể lại trong sách Công vụ Tông đồ : “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Trong cộng đoàn không ai phải thiếu thốn, vì tất cả người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu” (Cv4,32. 34-35)

Ngay từ đầu, Chúa Thánh Thần đã hiện diện trong Hội thánh để xây dựng và hướng dẫn Hội thánh tiếp tục công cuộc cứu độc của Chúa Ki-tô cho thế giới.

Mỗi người chúng ta khi lãnh nhận phép Rửa, ta được Chúa Thánh Thần ngự đến làmcho ta trở thành con cái Thiên Chúa.

Ngày ta chịu phép Thêm sức, ta được tràn đầy các ơn Chúa Thánh Thần, nhờ đó ta có thể sống sâu xa hơn ơn gọi người Ki-tô hữu : gắn bó với Chúa Ki-tô hơn, và nên nhân chứng của Ngài cho mọi người, góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp. Xã hội nói đây trước hết là xã hội việt Nam mình, trên quê hương mình. Mỗi người đều có trách nhiệm, đều cùng ý thức để cùng nhau vượt mọi khó khăn, tiến đến một xã hội tốt đẹp, một xãhội yêu thương, chân thật và hướng thượng.

1.    Một xã hội yêu thương :

Ca dao Việt Nam có câu : “Một cây làm chẳng nên non

                                  Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Vâng, muốn công việc đạt được những thành quả to lớn, muốn có sức mạnh, chúng ta cần cộng tác với nhau.

Số học sinh Việt Nam xuất sắc ở khắp nơi trên thế giới cho thấy trí tuệ người Việt Nam không thua ai, đã có những người đoạt những giải vô địch thế giới. nhưng chưa có những thành quả của một tập thể người Việt Nam nào khiến thế giới kính nể, vì chúng ta chưa được huấn luyện để cộng tác với nhau. Cái dở của ta là mỗi người đều coi ưu điểm của mình là nhất, không biết quý trọng ưu điểm của người khác. Dường như ta quên rằng cá nhân dù có hay có giỏi đến đâu, vẫn chỉ là cái hay, cái giỏi trơ trọi; tập thể nhỏ của chúng ta dù có tài ba đến đâu mà chưa biết liên kết với các tập thể khác, vẫn chỉ là một tài ba lạc lõng, một cây làm chẳng nên non.

Nếu tài năng ta chỉ bằng một nửa thôi, nhưng mỗi người đều biết nhìn nhận  tài năng của kẻ khác thì: “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Người Do Thái dù ở đâu cũng vẫn liên kết với nhau. Người Trung Hoa dù ở đâu cũng biết đùm bọc nâng đỡ nhau. Còn người Việt Nam mình chưa có được tinh thần ấy cho nên chúng ta còn gặp nhiều khó khăn chưa vươn lên được.

Chúng ta mong ước mọi người Việt Nam đều biết yêu thương, cộng tác vơi nhau. Điều này cần phải bắt đầu ngay từ chính mình. Ngay hôm nay, từ trên ghế nhà trường, ta cần biết quý trọng tài năng của người khác. Cần loại trừ thói ưa giật nổi một mình, cần loại trừ sự ham danh đáng ghét, chỉ biết lấy tiếng cho cá nhân mình, cho nhóm mình. Cần biết muốn điều tốt cho người khác, biết khen ngợi và chúc mừng khi người khác hơn ta. Đừng ganh tị trước sự trổi vượt của người khác nhưng hãy coi đó là động lực thúc đẩy ta cố gắng.

Cần biết tôn trọng mọi người, dù họ không cùng tôn giáo với ta, hãy tập cộng tác, đề cao sáng kiến của người khác, và sẵn sàng nhường bước cho người khác để để mưu ích chung.

Cũng hãy tập điều đó ngay trong gia đình : vui lòng đón nhận ý kiến của cha mẹ và mau mắn vâng lời, cả trong những điều ta không thích; vui vẻ nhường nhịn anh chị em, không so đo tính toán hơn thiệt.

2.    Một xã hội chân thật :

Từ sau Nguyên tổ loài người phạm tội, trong xã hội không sao tránh khỏi những người gian dối. Ở đâu cũng có thể có sự gian dối : Ra chợ mua hàng thì sợ mua quá đắt hay mua phải hàng giả; trên báo chí và ti-vi đăng tải hết vụ lừa này đến vụ lừa nọ. Nhà cửa phải ra đóng vào khóa; ở trường thì quay bài, lộ đề, ngay cả đến bằng cấp cũng có thể giả dối…

Một xã hội chân thật mới là một xã hội bình thường: mọi người có thể tin cậy nhau, mọi người đều làm việc đầy tinh thần trách nhiệm, mọi người đều giữ đúng lời hứa và yêu chuộng sự thật.

Được sống giữa một xã hội gồm những con người chân thật, ai cũng được yên tâm thoải mái. Chúng ta ao ước một xã hội chân thật, vậy chúng ta hãy bắt đầu từ chính mình. Để trở thành một người luôn đáng tin cậy, một người chân thật, thì chúng ta hãy sống thật, hãy nói thật và làm việc bổn phận hằng ngày với tất cả tinh thần trách nhiệm.

Là như’ng người trẻ , chúng ta hãy yêu mến sự thật, số những người chân thật sẽ ngày càng đông. Và dần dần chúng ta sẽ xây dựng được một xã hội chân thật.

3.    Một xã hội hướng thượng:

Hướng đến một xã hội chân thật và yêu thương, chính là ước mơ rằng trong xã hội ấy, mọi người dám sống theo lương tâm, trọng nghĩa khinh tài. Đó là một xã hội mà ai cũng coi trọng các giá trị tinh thần : công bình,bác ái, vô vụ lợi, thanh liêm, chính trực, lòng hào hiệp…

Ngày nay, trong một xã hội khoa học kỹ thuật tiên tiến, người ta dễ rơi vào óc hưởng thụ,tìm thỏa mãn các nhu cầu vật chất, và từ đó sinh ra tham lam, hối lộ, gian dối…

Trong một xã hội như thế, sống theo lương tâm không dễ, vì dường như ai sống theo lương tâm sẽ bị thua thiệt.

Chỉ có Thiên Chúa Tạo Hoá, Đấng vượt trên tất cả và có thể bù đắp tất cả cho mọi người. Chính nhờ biết đến một Đấng như thế mà người ta thấy cần kính trọng mọi sự (chân thật) và kính trọng mọi người (yêu thương).

Đành rằng không tin Thiên Chúa người ta vẫn có thể quyết tâm sống tốt, nhưng ai tin thì sẽ dễ đứng vững hơn trong điều tốt, mỗi khi gặp cô đơn thử thách, họ biết rằng có Đấng thấu suốt lòng họ.

Quanh chúng ta, nhiều người không cùng niềm tin nhưng cùng chung với chúng ta một niềm khao khát xây dựng xã hội tốt đẹp. Chúng ta cần biết liên kết chặt chẽ với họ. Phần chúng ta, là những người có Đức tin, vì đã tin rằng xã hội sẽ tốt đẹp khi hướng về Thiên Chúa, chúng ta có trách nhiệm rao giảng cho mọi người biết lời mời gọi của Ngài, giúp mọi người vươn lên theo tiếng gọi ấy.

*TÓM LẠI :

   Do ơn gọi của mình, người Ki-tô hữu có bổn phận đi hàng đầu trong việc góp phần xây dựng một xã hội công bằng và bác ái. Chúng ta hãy ý thức ơn gọi và trách nhiệm của mình để xây dựng một xã hội tốt : một xã hội yêu thương, chân thật và hướng thượng.

4.    Các em học sinh thảo luận :

Để xây dựng một xã hội tốt đẹp, mỗi người chúng ta cần sống yêu thương và phục vụ. Vậy chúng ta hãy xem,xét một vài vấn đề để hiểu rõ hơn chúng ta cần làm gì để góp phần xây dựng xã hội.

*Câu hỏi thảo luận :

Muốn xây dựng một xã hội tốt cần đặt nền tảng trên điều gì? Tạisao? Và bạn có thể làm được những gì để góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn nơi Giáo xứ, nơi trường học, nơi khu vực bạn đang ở ?

- Muốn xây dựng một xã hội tốt cần đặt nền tảng trên sự công bằng ,bác ái và hướng thượng . Vì:

.Phải dựa trên công bằng mới có hoà bình lâu dài. Nguy cơ mất công bằng là sự chênh lệch giàu, nghèo : một số ít người giàu ngày càng giàu, còn số người nghèo vẫn cứ nghèo mãi và nghèo hơn.

.Phải yêu thương nhau thì mọi người trong xã hội mới mới hạnh phúc : đùm bọc lẫn nhau, xây dựng bầu khí huynh đệ, gia đình.

.Phải hướng thượng nhắm đến các giá trị tinh thần thì xã hội mới ổn định.

-Để góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, em cần:

.Tham gia vào các sinh hoạt đoàn thể.

Sống yêu thương mọi người , chân thật và hứong thượng : dám sống theo lương tâm, hy sinh vì ích chung…

.Biết quan tâm đến mọi người chung quanh, đến môi trường mình đang sống để cùng với mọi người thiện chí xây dựng xã hội.

III.             DẪN VÀO LỜI CHÚA :

-Đây tôi xin trả tiền cho tôi và 6 chiếc xe kế tiếp.

Đó là tiếng một phụ nữ khi trả tiền gửi xe cho người gác cổng.

Sáu chiếc xe kế tiếp đi ra, người tài xế nào cũng sửng sốt :

-Ông không cần trả tiền nữa. Người đi trước đã trả thế cho ông rồi!

Tuy bỡ ngỡ, nhưng nét mặt người tài xế nào cũng không khỏi vui tươi. cử chỉ tốt và âm thầm của người phụ nữ nọ có thể sẽ mời gọi họ cũng làm như vậy cho bất cứ ai khác.

Người phụ nữ ấy tên là Giu-đich Phô-man. Một lần đến chơi nhà bạn,bà bất ngờ đọc được những dòng chữ nhỏ dán trên cửa tủ lạnh : “Thỉnh thoảng bạn nên làm một cử chỉ đẹp”. Những lời đơn sơ này đã làm Giu-đich Phô-man xúc động. Bà lập đi lập lại đến thuộc lòng, và rồi sau đó, trong mỗi lá thư viết cho bạn bè hay người thân, bà luôn ghi vào cuối mỗi lá thư câu nói trên : “Thỉnh thoảng bạn nên làm một cử chỉ đẹp”. Và thỉnh thoảng, tùy theo hoàn cảnh, bà cũng tìm cách thực hiện một vài cử chỉ đẹp như lần vừa kể trên.

Một cử chỉ đẹp, rồi nhiều cử chỉ đẹp sẽ góp phần thay đổi con người và xã hội. Nhận một cử chỉ đẹp người khác làm cho mình một lần hay hai lần, thế nào rồi cũng có lúc chính bạn sẽ nhập cuộc.

Đó cũng chính là cách sống làm chứng nhân cho Chúa, đó là làm muối, làm men, làm ánh sáng cho đời. Người làm chứng trước hết là biết quan tâm đến mọi người xung quanh, đến môi trường mình đang sống, để cùng với mọi người thiện chí góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn,một xã hội thấm nhuần nền  “văn minh tình thương” bằng những việc tốt đẹp cụ thể như  lời Chúa Giê-su dạy chúng ta sau đây :

IV.              CÔNG BỐ LỜI CHÚA : Mt 5,13-16

                                                   Thinh lặng giây lát

V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ :

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã đến để cho nhân loại “được sống và được sống dồi dào” (Ga 10,10). Và Chúa đã dạy chúng con hãy thành men, thành muối, thành ánh sáng cho trần gian. Xin Chúa giúp chúng con biết hy sinh , quên mình góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, để mọi người nhìn thấy những công việc tốt đẹp chúng con làm mà ca ngợi tình thương Chúa muôn đời. Chúng con cầu xin vì Chúa…

VI.              SINH HOẠT GIÁO LÝ

Hát : Muối và ánh sáng    (Quang Uy)

VII.           BÀI TẬP GIÁO LÝ:  Em hãy chọn câu đúng nhất :

1.     Muốn xây dựng một xã hội tốt, cần đặt nền tảng trên :

a.     Tri thức khoa học, bác ái và hy sinh

b.     Công bằng,bác ái và hướng thượng.

c.      Kỹ thuật, sức mạnh và tài năng.

d.     Cả 3 câu đều đúng

(câu b)

2.     Một xã hội hướng thượng là:

a.     Mọi người dám sống theo lương tâm.

b.     Coi trọng các giá trị tinh thần.

c.      Kính trọng mọi sự (chân thật) và kính trọng con người (yêu thương)

d.     Cả 3 câu đều đúng.

( câu d )

VIII.        ĐIỀU DỐC LÒNG

1.     Đoạn văn cho ta biết gì về Thiên Chúa và tình thương của Người?

Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, Người đã cho chúng ta được sống trong một xã hội, được làm con cái Chúa, và Ngài đã ban cho ta các ơn Chúa Thánh Thần để ta sống ơn gọi của mình đối với Chúa và với mọi người.

2.     Qua đoạn văn này, hôm nay Thiên Chúa muốn dạy riêng tôi điều gì?

Mỗi ngày tôi sẽ làm một việc yêu thương và phục vụ nho nhỏ nào đó cho gia đình, cho bạn bè, cho những người tôi gặp gỡ hằng ngày.

IX.              CẦU NGUYỆN CUỐI GIỜ

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ban Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con để giúp chúng con sống yêu thương và phục vụ. Chúa cũng đã gieo vào lòng chúng con những ước mơ tốt đẹp cho xã hội, xin Chúa giúp chúng con thực hiện những ước mơ đó với tất cả tấm lòng yêu thương, chân thành và hy sinh quên mình của chúng con. Amen.