Bài 5 : Luyện tính tốt 1.

QUAN TÂM TỚI NGƯỜI KHÁC

 

I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

Lậy Chúa Giêsu, Chúa đã dậy chúng con phải biết yêu thương người khác vỉtc chúng con là con một Cha và là anh em với nhau. Trong giờ học này, xin Chúa soi sáng giúp chúng con học cách yêu thương người khác của Chúa, để chúng con có thể mang lại hạnh phúc cho những người sống chung quanh chúng con . Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

Đọc kinh Cúi xin Chúa sáng soi.

* Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.

+Ôn bài cũ :

-Kinh Lậy Cha là kinh do ai dậy?  (Do Chúa Giêsu dậy cho các tông đồ).

-Kinh Lậy Cha là mẫu mực cho mọi lời kinh khác. Vì sao?  (Vì kinh Lậy Cha tóm được các ý nguyện của Dân Chúa và chương trình cứu độ của Chúa Cha).

+Kiểm tra quyết tâm :

Trong tuần qua, các em có nhớ mỗi ngày đọc kinh Lậy Cha một lần thật sốt sắng không?

  - Hôm nay, chúng ta sẽ học bài “Luyện tính tốt 1: Quan tâm tới người khác”. Trước khi đi vào bài học, mời các em cùng xem hoạt cảnh sau đây.

II. SINH HOẠT

GLV chọn 3 em và tập trước cho các em hoạt cảnh sau đây:

Bích đi học về, bỏ cặp lên bàn. Dũng chạy vào.

Dũng : Bích ơi, ra xem đám ma bà thằng Hùng, hay lắm !

Bích  : Đám ma có gì mà hay.

Dũng : Ra xem thằng Hùng nó khóc. Con trai mà mít ướt.

Bích  : Không, em không đi đâu.

Dũng : Vậy Dũng đi đây. (Dũng quay ra thì Trang vào).

Trang : Đi đâu? Học về tại sao không tắm rửa mà đi đâu?

Bích   : Anh Dũng rủ em đi xem đám ma.

Dũng : Xem thằng Hùng nó khóc như con gái ấy.

Trang : Dũng, sao em lại vui đùa trước đau khổ của bạn bè vậy?  Nếu biến cố này xẩy ra cho gia đình mình thì em cảm thấy thế nào? Uûa, mà làm sao Bích lại bí xị cái mặt ra vậy?  Bị cô giáo la hả?

Bích  : Không phải ạ.

Dũng : Chắc cãi nhau với bạn chứ gì? Đúng là con gái lắm chuyện.

Trang : Dũng, sao em vô ý thức thế!Trước những vui buồn của người chung quanh, ta phải biết chia sẻ, sao em vô tâm vậy? Bích có chuyện gì  nói chị nghe.

Bích  : Bố con Thảo bạn em ốm nặng đi nhà thương hồi sáng, nó phải nghỉ học vào chăm sóc bố.

Trang : Rồi sao nữa?

Bích  : Nhà nó nghèo lắm. Không biết mẹ nó kiếm đâu ra tiền thuốc, tiền nhà thương, lại còn 3 em bé nó ở nhà nữa. Em tính nói với chị cái này.

Trang : Em cứ nói, chị nghe.

Bích  : Em sẽ đập heo, được bao nhiêu em sẽ giúp bạn Thảo để mẹ nó trả tiền thuốc.

Dũng : Chà, sang dữ há!

Trang : Dũng ! Nãy giờ chị thấy em hết sức vô tâm. Là con người, em phải biết yêu thương nhất là những người có liên hệ tới mình. Em nói đứa này bạn, đứa kia bạn, vậy mà khi bạn gặp hoạn nạn em lại dửng dưng vui đùa. Vậy thì tình người ở đâu? Bạn bè ở đâu? Không may nếu em gặp phải hoạn nạn đó, em có cần sự giúp đỡ quan tâm tới bạn bè không?

Dũng : Dạ, có ạ!

Trang : Muốn vậy, em phải biết quan tâm tới người khác, nhất là anh em, bạn bè hàng xóm là những người gần gũi với ta và những nạn nhân thiên tai, chiến tranh ….

Dũng : Như quyên tiền bão lụt hả chị ?

Trang : Đúng đó!

Bích  : Vậy em lấy tiền heo đất đưa cho cha mẹ của bạn Thảo nghe chị?

Trang : Em làm như vậy là tốt. Nhưng em để ý đưa cách nào để bạn, gia đình của bạn không chạm tự ái là nhận của bố thí. Em hãy nhớ cách cho quan trọng hơn của cho.

Dũng : Em hiểu rồi, em xin lỗi. Bích ơi cho anh góp phần của anh giúp nhà bé Thảo nha?

Bích  : Hoan hô anh Dũng, anh Dũng tiến bộ quá!Ồ mà nãy giờ em không để ý, chị Trang đi đâu mà đẹp quá vậy? Bộ chị đi chơi với anh Quang hả?

Trang : (Ký đầu Bích) Bậy nào, hôm nay chị đi dự đám cưới chị bạn.

Dũng : Thích dữ  ha.

Trang : Thích chứ, trong tình bác ái, các em hãy nhớ lời Thánh Phaolô: “Vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc”. Các em chia sẻ nỗi đau thì chị góp thêm tiếng cười cho niềm vui của bạn bè. Như vậy, nỗi buồn sẽ vơi một nửa và niềm vui sẽ tăng gấp đôi đó các em.

Dũng + Bích : Vâng, các em nhớ.

Trang : Vậy các em chuẩn bị thăm Thảo, chị cũng đi đây.

III. NHẬN XÉT

1. GLV đặt một số câu hỏi giúp các em nhận xét về hoạt cảnh trên :

-Trước sự đau khổ của bạn Hùng, Dũng đã có thái độ nào? Thái độ của Dũng có đúng không? Tại sao?

-Sự hài hước của Dũng khi thấy Bích giúp đỡ bạn có đúng không? Tại sao?

-Sự giúp đỡ bạn của Bích có phải là xài sang không? Tại sao?

-Chị Trang đã dậy cho các em bài học gì?

2. GLV tổng kết.

IV. BÀI HỌC NHÂN BẢN

Sống ở đời, ta hãy biết quan tâm tới người khác. Sự quan tâm này được thể hiện qua các việc làm cụ thể sau đây:

1/Với những người sống chung quanh ta:

-Chia vui, sẻ buồn với những người sống quanh ta.

-Chia sẻ, giúp đỡ vật chất cho những người túng thiếu.

Nhưng chúng ta cần lưu ý : sự quan tâm của chúng ta phải tế nhị, kín đáo đừng gây khó chịu cho người ta giúp đỡ.

* Đọc chung từ đầu tới “những người già yếu bệnh tật” (Trang 18-20).

2/Với Hội Thánh:

Quan tâm tới ích chung của Hội Thánh, tới công cuộc của Chúa Kitô.

* Đọc chung từ “Tiến xa hơn” đến “góp phần xây dựng”(Trang 20).

3/Quan tâm tới người khác vì lòng yêu mến chứ không vì danh lợi riêng.

*Đọc chung từ “Sau cùng” tới hết (Trang 20).

Sau đây chúng ta cùng nghe Lời Chúa nói với chúng ta về việc này, mời các em đứng lên lắng nghe.

V. CÔNG BỐ LỜI CHÚA

Ga 2, 1-11

VI. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

1/Gợi tâm tình.

Qua đoạn Lời Chúa các em vừa nghe, Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng ta về việc quan tâm tới người khác. Khi thấy nhà đám gặp khó khăn khi hết rượu vào giữa tiệc cưới, dù nhà đám chưa nhờ tới Mẹ, Mẹ đã quan tâm và coi đó là nỗi lo của mình. Mẹ đã xin Chúa Giêsu cứu giúp. Chúng ta cùng nhau xin Chúa giúp chúng ta biết bắt chước gương bác ái của Mẹ Maria.

2/Lời nguyện.

Lậy Chúa Giêsu, Chúa đã dậy chúng con biết yêu thương người khác. Chúa không chỉ dậy dỗ chúng con bằng lời nói mà còn nêu gương cho chúng con bằng việc làm nơi tiệc cưới Cana. Không những Chúa đã tới dự tiệc để chia vui với gia đình mới mà còn giúp đỡ họ khi họ gặp khó khăn. Mẹ Maria đã sống luật yêu thương cách tuyệt vời khi xem niềm vui, nỗi lo lắng của gia đình có đám cưới tại Cana là của chính Mẹ và đã tận tình giúp đỡ. Xin Chúa giúp chúng con biết bắt chước Chúa và Mẹ biết quan tâm, lo lắng, giúp đỡ những người chung quanh như  Chúa đã dậy chúng con. Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị đời đời. Amen.

VII. BÀI TẬP

Các em hãy chọn các từ sau đây điền vào chỗ trống cho hợp nghĩa :

phục vụ, giúp em, chạy đến, phần hơn, săn sóc, thăm hỏi, cho mượn, rủ bạn.

-Trong khi ăn, nếu thấy ai cần phải lấy gì thêm, ta tự động đứng lên ……… (phục vụ).

-Ta là anh là chị, hãy …………… (giúp em) làm bài tập khi em nhờ tới.

-Thấy mẹ đi chợ về, ta …………. . (chạy đến) xách giỏ giúp mẹ.

-Có gì ăn, ta nhường ……. (phần hơn) cho em.

-Khi em mình bị đau ốm ta hãy vui vẻ …………. (săn sóc) em.

-Bạn  ta vừa có người thân qua đời, ta mau mắn đi ……… (hỏi thăm).

-Thấy bạn hư bút, nếu ta dư cây bút, ta tự động lấy bút …………. (cho mượn).

-Ngày Chúa Nhật, ta hãy ……………. . (rủ bạn) đi học Giáo lý, di dự Thánh lễ.

VIII. SỐNG LỜI CHÚA

Trong tuần này, các em cố gắng tập quan tâm tới một bạn nghèo hoặc đang gặp chuyện buồn và nói lời an ủi, khích lệ hoặc giúp đỡ bạn ấy chút ít như một cây bút, một cuốn vở.

IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

Lậy Chúa, chúng con cám ơn Chúa vì Chúa đã giúp chúng con hiểu biết về một cách sống tốt đẹp và cao cả là biết quan tâm tới người khác. Chúng con cảm thấy thật ngại ngùng khi quan tâm, giúp đỡ các bạn khác, vậy xin Chúa giúp chúng con biết quan tâm tới họ như chúng con đã quyết tâm. Xin Chúa giúp chúng con.

Đọc kinh Sáng Danh.

 

CÂU HỎI CHO HỌC SINH

 

Bài 5: Luyện Tính Tốt 1: QUAN TÂM ĐẾN NGƯỜI KHÁC

          Muốn bước theo Chúa Ki-tô, làm môn đệ Ngài, ta cần tập bỏ mình, quan tâm tới người khác. Ta yêu thương ai thì quan tâm lo lắng đến những điều có liên hệ tới người ấy. Nếu không để ý tới người khác, làm sao yêu thương họ được?

          Chìa khóa để sống yêu thương trong gia đình, trong xã hội cũng như trong Hội thánh chính là sự quan tâm. Buồn vui của người bên cạnh cũng là buồn vui của bản thân ta.

          Đó là cách tự nhiên để bày tỏ tình thân ái, đem lại cho người quanh ta hơi ấm của tình người, sự ủi an, niềm kích lệ. Muốn được vậy, từ trong những điều nhỏ thường ngày, ta cần tập để ý xem người bên cạnh cần ta giúp đỡ điều gì.

          Tuy nhiên, cần phải tế nhị, để sự quan sát của ta không gây khó chịu cho người mà ta quan tâm. Tức là cần phải vừa quan tâm vừa tôn trọng sự riêng tư và tự do của người ta. Chẳng hạn, trong bàn cơm, ta bới cơm hộ, đưa thức ăn, lấy tăm, rót nước giúp người bên cạnh, là điều rất tốt. Thế nhưng coi chừng đứng tiếp nhựng thức ăn người ta không thích hoặc tiếp thức ăn nhiều quá khiến người ta ngượng. Cũng thế, khi gia đình bên cạnh có việc, ta ân cần hỏi han, nhưng nếu người ta không muốn ai xen vào việc riêng tư của họ, thì ta cần phải hiểu ý và khôn khéo rút lui. Ta cần tập đặt mình trong hoàn cảnh người khác, nhìn từ góc độ của người khác.

          Trong nếp sống thôn quê, chuyện của một gia đình là chuyện của cả xóm. Tình người như thế thật chan hòa, nhưng nếu không dè dặt, ta có thể vô tình cướp mất những giờ phút riêng tư đầm ấm, rất cần cho hạnh phúc thâm sâu và bền vững của một gia đình.

          Ngược lại, ở thành phố, lại có thể rơi vào cảnh khép kín, không biết gì đến nhà bên cạnh và không muốn ai xen vào việc nhà mình. Gần đây, những sinh hoạt chung trong khóm, trong tổ dân phố đã giúp cho những gia đình ở gần nhau quan tâm đến nhau hơn. Đó là một kinh nghiêm quý mà ta cân rút tỉa. Riêng tuổi thiếu nhi, ta nên cởi mở, quan tâm đến bạn bè trong xóm, rủ nhau làm những điều tốt, cùng tổ chức những trò giải trí lành mạnh. Ta kính trọng, chào hỏi những người lớn tuổi, ta giúp đỡ những người nhỏ tuổi hơn ta, những người già yếu, bệnh tật.

          Tiến xa hơn, ta cần quan tấm đến lợi ích chung của Hội thánh, tới công cuộc của Chúa Ki-tô. Ngày nay, không ai quan niệm rằng sinh hoạt Hội thánh là việc riêng của các linh mục và tu sĩ. Mọi giáo dân đều được mời gọi phát huy sáng kiến và tích cực góp phần xây dựng.
          Sau cùng, khi cố gắng xây dựng tình thân ái và góp phần cho ích chung như thế, ta tập luôn luôn đóng góp cách khiêm nhường và âm thầm, không làm vì lợi danh riêng nhưng chỉ làm vì yêu mến.