Bài 28:                             

CÁC PHỤ TÍCH (Á BÍ TÍCH)

         

- Lời Chúa : 1Tx 5, 16-22

- Ý chính : Hội Thánh muốn ta lãnh nhận được tối đa ơn thánh nên đã chuẩn bị và nối dài các bí tích bằng những phụ tích.

 

I. CẦU NGUYỆN ĐẦU GIỜ

    Lạy Chúa Giêsu, chúng con cám ơn Chúa đã ban cho chúng con một tuần qua được sống trong bầu khí yêu thương của gia đình với bao ơn lành của Chúa. Giờ đây Chúa lại ban cho chúng con giờ học này để hiểu thêm tình thương Chúa dành cho chúng con. Xin Chúa ban Chúa Thánh Thần để Ngài giúp chúng con đạt kết quả tốt đẹp như ý Chúa muốn .

    Đọc kinh Cúi xin Chúa sáng soi.

II. DẪN VÀO LỜI CHÚA

1. Ôn bài cũ và kiểm tra điều đã quyết tâm.

+Ôn bài cũ:

      - Mỗi gia đình Công Giáo được gọi là gì?  (Hội Thánh thu nhỏ hay Hội Thánh tại gia)

      - Gia đình Kitô hữu phải sống thế nào cho đúng với bản chất của mình?  (yêu thương, hiệp nhất, thánh thiện)

      - Ta phải làm gì để góp phần xây dựng bầu khí gia đình?  (dịu dàng, vui vẻ, tha thứ, tôn trọng và tận tâm phục vụ nhau).

+Kiểm tra quyết tâm:

Trong tuần qua, để góp phần xây dựng hạnh phúc gia đình, các em có cố gắng vâng lời cha mẹ, yêu thương anh chị em và vui vẻ với người chung quanh không?

2. Dẫn vào Lời Chúa.

      Johannes Sebastian Bach là một nhạc sĩ Công Giáo lừng danh người Đức, khi về già lâm phải căn bệnh trầm trọng có thể gây ra chứng mù loà.

      Một hôm, có người bạn đến báo tin  có một bác sĩ giỏi về nhãn khoa mới tới thành phố, và ông ta sẵn sàng chữa đôi mắt cho nhạc sĩ bằng một cuộc giải phẫu. Nhạc sĩ thành tâm trả lời người bạn quý: “Xin tạ ơn Chúa và xin vâng theo ý Thiên Chúa, tôi nhận lời!”

   Công việc chữa trị được tiến hành, nhưng bốn ngày sau đó, khi mở băng, trước sự hồi hộp đợi chờ của thân nhân chung quanh giường bệnh, nhạc sĩ đã trả lời: “Xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa, xin cảm tạ Chúa, tôi vẫn chẳng trông thấy gì cả!” Mọi người nghe vậy thì bật khóc vì thương cảm, bản thân ông cũng không khỏi xúc động, bầu khí như chùng xuống trong sự buồn đau.

   Thế nhưng, thật bất ngờ, nhạc sĩ đã cố trấn tĩnh, cất tiếng cười vang tràn đầy lạc quan: “Ơ hay, tôi đã bảo là xin vâng theo thánh ý Thiên Chúa cơ mà. Nào, xin mọi người hãy hát lên cho tôi bản nhạc mà tôi thích nhất, đó là bài “Những điều Chúa làm, Ngài đều biết rõ! Xin cảm tạ Chúa!”.

  Thật là một mẫu gương tuyệt vời phải không các em, người nhạc sĩ này đã sống đúng như Lời Chúa dạy: hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh.

  Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

III. CÔNG BỐ LỜI CHÚA

          1 Tx 5, 16-22

IV. GIẢI THÍCH LỜI CHÚA

1. Dẫn giải Lời Chúa.

      - Lời Chúa hôm nay được trích trong thư thánh Phaolô gửi cho ai?  (Các tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca).

      - Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Thê-sa-lô-ni-ca cũng như chúng ta phải làm gì?  (khuyến khích các em trả lời).

    Thánh Phaolô khuyên chúng ta cầu nguyện không ngừng và hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Lời cầu nguyện đẹp lòng Chúa là lời cầu nguyện được nối kết với lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trong sự hiệp nhất với nhau.

  Lời cầu xin của Hội Thánh chắc chắn có giá trị trổi vượt trên mọi lời cầu xin của cá nhân, vì đó là lời kinh của toàn thân thể Chúa Kitô là Hội Thánh, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Qua các Phụ tích mà Hội Thánh thiết lập, Hội Thánh dùng lời cầu xin để Thiên Chúa ban ơn cho ta. Vậy, chúng ta cùng tìm hiểu về Phụ tích nhé.

2. Giải thích câu hỏi thưa.

   * Đọc chung câu 1:

    1- H. Phụ tích là gì?

         T. Là những dấu hiệu linh thiêng do Hội Thánh lập ra, để chuẩn bị người tín hữu lãnh nhận hiệu quả của các bí tích và để thánh hoá những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.

Để hiểu rõ về phụ tích, ta cần phân biệt phụ tích với các bí tích.

-Bí tích:

     * Các em đã đã được học về các bí tích, em nào có thể kể tên 7 bí tích?

     * Ai lập ra các bí tích?  (Chúa Giêsu).

     * Chúa Giêsu lập ra các bí tích để làm gì?  (Để hiện diện với ta và tiếp tục công việc cứu chuộc ta).

-Phụ tích:

     * Các em đã đi dự lễ khấn dòng của các tu sĩ chưa?

     * Em có thấy cha làm phép nhà cho ai chưa?

     * Cha mẹ các em mua ảnh tượng, tràng hạt thường mang đến nhà thờ xin cha làm phép…

 Những việc làm phép đó của linh mục được gọi là phụ tích hay á bí tích .

      * Ai lập ra các phụ tích?  (Hội Thánh).

      * Hội Thánh lập ra các bí tích để làm gì?  (Để ta lãnh nhận hiệu quả của các bí tích và thánh hóa những hoàn cảnh sống của ta).

 Tóm lại: - Phụ tích là gì?  (Phụ tích là những dấu hiệu được Hội Thánh thiết lập, để giúp người tín hữu lãnh nhận hiệu quả của các bí tích, và để thánh hoá những hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống của người tín hữu) (SGLC 1667).

 

   * Đọc chung câu 2:

    2- H. Nghi thức của phụ tích thường gồm những gì?

         T. Nghi thức của các phụ tích thường gồm một lời kinh kèm theo một dấu hiệu như việc đặt tay, giơ tay chúc lành với dấu Thánh Giá và rảy nước thánh.

     Nghi thức của các phụ tích hay á bí tích luôn gồm một lời kinh, kèm theo một dấu hiệu cụ thể  như: đặt tay, làm dấu Thánh Giá, rảy nước thánh. (SGLC 1668).

 

   * Đọc chung câu 3:

    3- H. Có mấy thứ phụ tích?

         T. Có 3 thứ;

            - Một là việc chúc lành cho người, đồ dùng hoặc nơi chốn.

            - Hai là nghi thức thánh hiến người, đồ dùng hoặc nơi cử hành phụng vụ.

            - Ba là nghi thức trừ quỷ.

      Các phụ tích gồm ba thứ:

   - Việc chúc lành. Ví dụ: cho người, cho bữa ăn…

   - Nghi thức thánh hiến người dâng mình cho Chúa hay những đồ vật, nơi chốn dành riêng cho việc thờ phượng. Ví dụ:

 + Đối với người: nghi thức chúc phong Viện Phụ của một đan viện; thánh hiến các trinh nữ; nghi thức tuyên khấn dòng; các nghi thức trao thừa tác vụ: Đọc sách, Giúp lễ….

 + Đối với vật dụng hoặc nơi chốn: làm phép một nhà thờ, bàn thờ, làm phép dầu thánh, làm phép chuông, làm phép nước thánh, tro (thứ tư lễ tro) và lá (Chúa Nhật lễ lá), tràng hạt, tượng ảnh…  (SGLC 1672).

   - Nghi thức trừ quỷ: trong khi đi rao giảng, Chúa Giê-su cũng trừ quỷ cho nhiều người (Mc 1, 25-26). Và Chúa cũng ban cho Hội Thánh quyền và có bổn phận trừ tà (Mc 5, 13; 6, 7. 13; 16, 17) (SGLC 1673).

Tóm lại: Hội Thánh có những phụ tích nào?  (có 3 thứ phụ tích: ...)

 

   * Đọc chung câu 4:

    4- H. Lễ nghi an táng Kitô giáo có mục đích và ý nghĩa nào?

         T. Lễ nghi an táng Kitô giáo nhằm giúp cộng đoàn sống hiệp thông, cầu nguyện cho người quá cố, tiễn đưa họ vào cuộc sống vĩnh cửu, đồng thời loan báo niềm tin về sự sống lại và sự sống đời đời.

   -Đối với niềm tin của người Kitô hữu chúng ta, chết có phải là hết không?  (Không).

   -Vậy sau khi chết, chúng ta sẽ đi đâu? [Sau khi chết, chúng ta sẽ bước sang một cuộc sống mới, cuộc sống vĩnh cửu đã được bày tỏ trong mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô: người Kitô hữu được cùng chết với Đức Kitô, để được cùng sống lại với Người. (SGLC 1681)].

   Vì thế, nghi thức an táng Kitô giáo giúp cộng đoàn sống hiệp thông, cầu nguyện cho người quá cố, tiễn đưa họ vào cuộc sống vĩnh cửu. Ngoài ra còn loan báo niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời đời. (SGLC 1684).

Tóm lại: - Lễ nghi an táng Kitô giáo giúp cộng đoàn sống thế nào?  (hiệp thông, cầu nguyện cho người quá cố, tiễn đưa họ vào cuộc sống vĩnh cửu)

 - Lễ nghi an táng còn loan báo điều gì nữa?  (niềm tin vào sự sống lại và sự sống đời đời)

   * Đọc chung câu 5:

    5- H. Hội Thánh cổ võ các sinh hoạt đạo đức cá nhân thế nào?

         T. Hội Thánh khuyến khích các hình thức đạo đức bình dân nhưng cần làm sao để chúng được hoà nhịp và hướng đến sinh hoạt phụng vụ của Hội Thánh.

    Ngoài phụng vụ bí tích và các phụ tích, Hội Thánh còn khuyến khích các hình thức đạo đức bình dân như : tôn kính các thánh tích, hành hương, rước kiệu, dâng hoa…(SGLC 1674). Nhưng làm sao cho những sinh hoạt đó phù hợp, hoà nhịp và hướng đến sinh hoạt phụng vụ của Hội Thánh.

   Tóm lại: - Hội Thánh khuyến khích các hình thức đạo đức bình dân nhưng cần phải làm sao?  (những sinh hoạt đó phải phù hợp, hoà nhịp và hướng đến sinh hoạt Phụng vụ của Hội Thánh).

  - Các việc : dâng hoa, rước kiệu, hành hương... có phải là sinh hoạt phụng vụ của Hội Thánh không?  (Không, đó là việc đạo đức).

   * Đọc chung câu 6:

    6- H. Đối với các phụ tích, ta cần có tâm tình nào?

         T. Ta cần có lòng tôn kính và tin tưởng khi cử hành, đồng thời cần biết rõ ý nghĩa và mục đích của những gì ta cử hành.

-Em nào có thể nhắc lại phụ tích là gì không?  (Phụ tích là những dấu hiệu thiêng liêng do Hội Thánh lập ra để ta đón nhận ân sủng của Chúa và để thánh hóa các hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống).

-Vậy theo câu giáo lý chúng ta vừa đọc, ta phải có tâm tình nào đối với các phụ tích?  (tôn kính, tin tưởng khi cử hành và hiểu rõ ý nghĩa mục đích của những phụ tích ta cử hành).

 

     Như vậy, bài học hôm nay cho ta biết về các phụ tích và hiểu được ý muốn của Hội Thánh khi lập các phụ tích là đặt mọi hoàn cảnh của người tín hữu dưới sự chăm sóc của Chúa và gắn bó mọi hoạt động của họ về mục đích này là THÁNH HÓA CON NGƯỜI VÀ TÔN VINH THIÊN CHÚA.

V. CẦU NGUYỆN GIỮA GIỜ

   1. Gợi tâm tình.

       Chúa Giêsu đã lập ra bảy bí tích để ban ơn nâng đỡ ta suốt cuộc đời. Để giúp ta lãnh nhận hết những hiệu quả của bí tích, Hội Thánh đã lập ra các phụ tích. Vì thế, khi Hội Thánh cử hành phụ tích, ta cần có lòng tin tưởng, tôn kính, ta cũng cần biết rõ ý nghĩa và mục đích để tham dự cách sốt sắng hơn. Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa về những ơn lành Chúa ban cho ta qua Hội Thánh, chúng ta cùng sốt sắng dâng lời tạ ơn Chúa:

   2. Lời nguyện.

       Hát: Hồng ân Chúa

   ĐK: Hồng ân Chúa bao la, tuôn đổ xuống chan hoà. Tuy tay con nhỏ bé, bao nhiêu cũng không vừa.

1. Chính tay Ngài đã dựng nên con, Thần Trí Ngài làm cho con sống. Tình yêu Ngài ngày đêm ấp ủ, Lời Ngài dẫn dắt con trên đường.

VI. SINH HOẠT

VII. BÀI TẬP:      

Em hãy khoanh tròn vào câu trả lời đúng nhất:

1. Phụ tích là những dấu hiệu thiêng liêng do Hội Thánh lập ra để:

  a. Giúp người tín hữu lãnh nhận hiệu quả của các bí tích.

  b. Thánh hoá những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.

  c. Giúp những người chưa biết Chúa trở thành Kitô hữu.

  d. Cả 3 câu đều đúng.

  e. Câu a và b đúng. (Đúng)

2. Những việc sau đây được gọi là phụ tích:

   a. Làm phép nhà, dâng hoa, trừ quỷ.

   b. Làm phép ảnh tượng, rước kiệu, nghi thức tuyên khấn dòng.

   c. Làm phép nhà, Nghi thức tuyên khấn dòng, trừ quỷ. (Đúng)

3. Mục đích và ý nghĩa của lễ nghi an táng Kitô giáo là:

   a. Giúp cộng đoàn sống hiệp thông, cầu nguyện cho người quá cố.

   b. Tiễn đưa họ vào cuộc sống vĩnh cửu.

   c. Loan báo niềm tin về sự sống lại và sự sống đời đời.

   d. Cả 3 câu đều đúng.

VIII. SỐNG LỜI CHÚA

               Để bày tỏ lòng yêu mến và biết ơn Thiên Chúa đã luôn yêu thương và chăm sóc chúng ta. Em quyết tâm mỗi ngày dâng lời tạ ơn Chúa sau  mỗi công việc, nhất là sau một ngày sống vào buổi kinh tối, trước khi đi ngủ.

IX. CẦU NGUYỆN KẾT THÚC

      Lạy Chúa Giêsu, hôm nay chúng con lại được nhận biết thêm về tình thương của Chúa dành cho chúng con qua Hội Thánh. Xin Chúa giúp chúng  con thực hành điều quyết tâm, để cuộc đời chúng con luôn là bài ca cảm tạ dâng lên Chúa. Chúng con cầu xin, vì Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.

      Đọc kinh Sáng Danh.

 

CÂU HỎI CHO HỌC SINH

Bài 28: CÁC PHỤ TÍCH(Á BÍ TÍCH)

Hãy tạ ơn trong mọi dịp. (x.1Tx5 16-22)

1-H. Phụ tích là gì?

    T. Là những dấu hiệu linh thiên do Hội thánh lập ra, để chuẩn bị người tín hữu lãnh nhận hiệu quả của các bí tích và để thánh hóa những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống.

2-H. Nghi thức của các phụ tích thường gồm những gì?

    T. Nghi thức của các phụ tích thường gồm một lời kinh kèm theo, một dấu hiệu như việc đặt tay, giơ tay chúc lành với dấu thánh giá và rảy nước thánh.

3-H. Có mấy thứ phụ tích?

    T. Có 3 thứ:

- Một là việc chúc lành cho người, đồ dùng hoặc nơi chốn.

- Hai là nghi thức thánh hiến người, đồ dùng hay nơi củ hành Phụng vụ.

- Ba là nghi thức trừ quỷ.

4-H. Lễ nghi an tang Ki-tô giáo có mục đích và ý nghĩa nào?

    T. Lễ nghi an tang Ki-tô giáo nhằm giúp cộng đoàn sống hiệp thông, cầu nguyện cho người quá cố, tiễn đưa họ vào cuộc sống vĩnh cửu, đồng thời loan báo niềm tin về sự sống lại và sự sống đời đời.

5- H. Hội Thánh cổ võ các sinh hoạt đạo đức cá nhân thế nào?

T. Hội Thánh khuyến khích các hình thức đạo đức bình dân nhưng cần làm sao để chúng được hòa nhịp và hướng đến sinh hoạt phụng  vụ của Hội Thánh.

6- Đối với các phụ tích, ta cần có tâm tình nào?

T. Ta cần có lòng tôn kính và tin tưởng khi cử hành, đồng thời cần biết rõ ý nghĩa và mục đích của những gì ta cử hành.