CHƯƠNG VII

CHÚA GIÊSU KITÔ ĐẾN GIỮA CHÚNG TA

 

“Vào đúng thời Thiên Chúa đã định,Con Một của Chúa Cha là Ngôi Lời hằng hữu,là Hình Ảnh đồng bản thể với Chúa Cha,đã nhập thể : Người đã đảm nhận bản tính nhân loại mà vẫn không đánh mất bản tính Thiên Chúa” (GLHTCG số 479).

 

    Chúng ta biết gì về Chúa Giêsu Kitô?Cuộc sống của Người có gì nổi bật?Người tuyên bố Người là ai?Tại sao Người không được mọi người chấp nhận?Giáo huấn nào của Người thích hợp với tôi hôm nay không?

I.CHÚA GIÊSU KITÔ ĐẾN

  Vào thế kỷ đầu tiên,người Do Thái mong đợi Đấng Cứu Thế đến thực hiện trọn vẹn những lời tiên báo và,một lần nữa, mang phúc lành của Thiên Chúa cho họ.Tân Ước nói rằng Đấng Cứu Thế đã đến và thực hiện niềm hi vọng này.

   Thật vậy,trong những ngày đầu tiên của thời Hội Thánh tiên khởi,một vụ việc đã xảy ra được sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại là Thánh Phêrô chữa lành một người bị bại liệt nhân danh Chúa Giêsu Kitô phục sinh,người Nazareth (x.Cv 3,1-10).Vụ việc này là tiêu biểu điển hình của Kitô giáo từ những ngày đầu.Chúa Giêsu Kitô,người Nazareth đã là nguồn cảm hứng và sức mạnh của Kitô giáo ngay từ thuở ban đầu.Người là người nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới.Vậy Người là ai?

         1.Tân Ước: Nguồn tài liệu chính yếu giúp ta biết về Chúa Giêsu Kitô.

           Tân Ước là nguồn tài liệu chính yếu về đời sống và giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô tuy dù Người cũng đã được nói tới trong một số bản văn cổ.Tân Ước,phần hai của sách Thánh Kinh có 27 cuốn : 4 cuốn Phúc Âm ghi lại cuộc sống và giáo huấn của Chúa - Sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật một số vụ việc về đời sống của Hội Thánh thuở ban đầu - các thư của các các tông đồ gửi cho các cộng đoàn Kitô hữu thời kỳ đầu – và sách Khải Huyền,một bản văn giầu biểu tượng,viết về Hội Thánh thời kỳ đầu và những biến cố cuối cùng của lịch sử.

       Tân Ước cung cấp những nét chính đời sống và giáo huấn của Chúa Giêsu,nhưng không phải là một bản văn lịch sử chi tiết và khoa học.Có sự chắc chắn hiển nhiên về những biến cố chính,những lời nói,những câu truyện về Chúa Giêsu chứa đựng trong Tân Ước,cũng giống như các sách lịch sử ghi lại đời sống và sự nghiệp của các các nhân vật lịch sử khác.Tuy nhiên, Tân Ước chỉ cung cấp những điểm cốt yếu,những gì Chúa đã nói và đã làm.Các tác giả Tân Ước không viết tiểu sử Chúa Giêsu như người ta viết tiểu sử ngày nay.

       Tân ước là cuốn sách ghi lại sự phát triển đức tin và sự hiểu biết Chúa Giêsu Kitô là ai và là gì của Hội Thánh buổi ban đầu.Các tác giả kể lại các việc làm cứu thế của Chúa Giêsu dưới con mắt đức tin cho những người tin.Quan tâm của các tác giả là bày tỏ không chỉ biến cố mà còn là ý nghĩa tôn giáo bên trong của biến cố đó.Họ không lưu tâm cách chặt chẽ về thời gian hay không gian một sự việc xảy ra,những chi tiết của vụ việc,những từ ngữ chính Chúa Giêsu đã sử dụng …Sách Tân Ước cho thấy có sự phát triển từ từ trong việc hiểu biết Chúa Giêsu Kitô là ai và Người đã mạc khải điều gì.Để diễn tả ý nghĩa tôn giáo bên trong của các biến cố trong cuộc sống của Chúa Giêsu,thỉnh thoảng,chúng được sắp xếp theo quan điểm của Cựu Ước và thường được diễn tả bằng ngôn ngữ,văn hóa Sêmít của các tác giả.

      Để giải thích Tân Ước,chúng ta sử dụng truyền thống ,sự hiểu biết của Hội Thánh về các giáo huấn của Chúa Kitô.Vì Tân ước đến từ cộng đoàn tín hữu tiên khởi,nên tốt nhất là giải thích trong ánh sáng của niềm tin cộng đoàn.Điều này được thấy cách đặc biệt trong các bản văn của những môn đệ đầu tiên đã truyền tới chúng ta hôm nay.

      Vì Tân Ước là bản văn của đức tin,nên người đọc phải có đức tin,hoặc ít nhất là sẵn sàng mở lòng ra với đức tin,thì người đọc nhận được nhiều lợi ích từ việc đọc sách Tân Ước.

    2.Bốn sách Phúc Âm

      Bốn sách Phúc Âm kể về đời sống và giáo huấn của Chúa Giêsu cách đặc biệt.Bốn sách đó là : Phúc Âm theo Thánh Matthêu,Phúc Âm theo Thánh Marcô,Phúc Âm theo Thánh Luca và Phúc Âm theo Thánh Gioan.Bốn bản văn này khác nhau nhưng tường thuật về “MỘT PHÚC ÂM DUY NHẤT”,đó là Tin Mừng:Thiên Chúa đã đến và cứu độ loài người.Tin Mừng này được loan báo trước hết nhờ việc rao giảng của các Tông đồ và rồi từ từ được viết ra trong Hội Thánh.

      Các tác giả Phúc Âm trích những lời nói việc làm từ đời sống và lời giảng dạy của Chúa rồi sắp xếp và giải thích cho thích hợp với những nhu cầu đặc biệt của người nghe.Phúc Âm theo Thánh Matthêu trình bày Chúa Giêsu là Đấng Mêsia đã được Cựu Ước loan báo;Phúc Âm theo Thánh Marcô là bản Phúc Âm cổ nhất và ngắn nhất,nguồn tài liệu cho phần lớn sách Phúc Âm theo Thánh Matthêu và Luca;Phúc Âm theo Thánh Luca là sách Tin Mừng hoàn hảo nhất,trình bày một Đức Kitô giầu nhân tính và phổ quát;Phúc Âm theo Thánh Gioan là bản văn giầu biểu tượng nhất,được viết ra để trình bày Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống,Đấng mạc khải qua nhiều dấu chỉ.

II.CUỘC ĐỜI CỦA CHÚA GIÊSU KITÔ

    1.Biến cố Truyền tin

       Cuộc đời của Chúa Giêsu bắt đầu với việc Sứ thần Chúa đến với trinh nữ Maria và loan báo nguồn gốc Thiên Chúa của Chúa Giêsu.Phúc Âm theo Thánh Luca kể rằng Thiên Chúa hiệp thông với Đức Maria một cách nào đó bằng quyền năng Chúa Thánh Thần để Đức Maria trở thành mẹ của Đấng Cứu Thế và Mẹ đã xin vâng.Sau đó,Mẹ Maria đã thụ thai Chúa Giêsu cách nhiệm mầu (x.Lc1,26-38).Chúng ta cử hành biến cố này vào ngày 25 tháng 3 hàng năm:Lễ Truyền Tin.

          Mẹ Maria đã thụ thai Chúa Giêsu cách đồng trinh và Mẹ vẫn luôn đồng trinh cho đến hết đời.Thánh Giuse là chồng của Mẹ Maria và là cha nuôi của Chúa Giêsu.Đây là giáo huấn truyền thống của Kitô giáo.Thánh Luca làm nổi bật sự thụ thai đồng trinh Chúa Giêsu của Mẹ Maria qua câu Mẹ hỏi Sứ thần : “Việc ấy xảy ra cách nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”(Lc1,34) và câu trả lời của Sứ thần :“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà,vì thế Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”(Lc 1,35).Còn Thánh Matthêu kể ra những nghi ngờ của Thánh Giuse về việc Mẹ Maria thụ thai và được Sứ thần Chúa giải thích đó là sự thụ thai mầu nhiệm (x.Mt 1,18-25).

         Max Thurian,một thần học gia Tin Lành,đã viết về vấn đề này như sau: “Sự tương quan độc nhất vô nhị với Chúa Thánh Thần đã làm cho Mẹ Maria trở nên rất gần gũi với Thiên Chúa đến nỗi Mẹ đã thụ thai cách đồng trinh để chỉ cho chúng ta thấy sự lựa chọn duy nhất của Thiên Chúa…Sự thụ thai đồng trinh của Mẹ tỏ lộ rõ ràng như một dấu chỉ của sự hiến thánh, một dấu chỉ của sự bất lực được Chúa ban vinh quang và sức mạnh tràn đầy,một dấu chỉ của sự nghèo nàn,khiêm tốn và sự phó thác vào Thiên Chúa,một dấu chỉ của niềm tin trọn vẹn vào Thiên Chúa,Đấng làm cho tạo vật rất nghèo nàn như chúng ta trở nên giầu có”

(Max Thurian,Mary,Mother of all Christians: Herder&Herder,tr.31).

      Còn việc “các anh em của Chúa Giêsu” được các Phúc Âm nói tới thì sao?Cụm từ “anh em” vẫn được người Do Thái dùng để chỉ người có liên hệ về họ máu như anh em họ.

      Ngoài ra,Thánh Matthêu nói về Thánh Giuse “và ông không biết vợ mình cho tới khi nàng sinh con đầu lòng”(1,25).Từ “cho tới khi” được dùng ở đây không nhất thiết có ý nói Mẹ Maria không còn đồng trinh sau khi sinh Chúa Giêsu (x.Is 46 ; Mt 12,20).

      Cũng thế,việc gọi Chúa Giêsu là con đầu lòng không có nghĩa là Mẹ Maria có những đứa con khác.Từ “con đầu lòng luôn được dùng để chỉ đứa con trai đầu lòng ngay cả khi chỉ có một người con (x.Xh 13,2).

      Các văn sĩ Kitô giáo thời tiên khởi đều đã bảo vệ đức đồng trinh trọn đời của Mẹ Maria.Thánh Basiliô tóm kết giáo huấn về đức đồng trinh của Mẹ Maria thời tiên khởi như sau : “Bạn bè của Chúa Giêsu không chịu đựng nổi khi nghe rằng Mẹ của Thiên Chúa đã từng thôi là trinh nữ”(Hom.in S.Christi Generationem,n.5).Những người phái cải cách cũng đã từng mạnh mẽ bảo vệ niềm tin này khi lặp lại quan điểm Kitô giáo .

      Ngoài việc nói tới sự đồng trinh thể lý của Mẹ Maria,giáo huấn của Hội Thánh còn nhấn mạnh tới thái độ sâu xa của Mẹ Maria là khai mở hoàn toàn cho một mình Thiên Chúa,sự phó thác hoàn toàn của Mẹ cho Ngài,hoàn toàn làm theo ý Ngài.Mỗi người chúng ta,đồng trinh hay không đồng trinh,có thể bắt chước Mẹ.Mẹ là hình ảnh của Hội Thánh và đức đồng trinh của Mẹ là dấu chỉ tiên báo sự tinh tuyền vô tội lý tưởng của Hội Thánh và sự hiến dâng tất cả cho Đức Kitô.Mẹ Maria còn là một Kitô hữu lý tưởng,hoàn toàn hiến thân cho một mình Thiên Chúa.

    2.Mẹ Maria đi thăm bà Elisabeth,mẹ của Thánh Gioan Tẩy Giả và là chị họ của Mẹ (x.Lc1,29-45).

       Khi Mẹ Maria đến thăm bà Elisabeth,bà Elisabeth đã chúc tụng Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ,và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này”(Lc 1,41-43).Lời chúc tụng này đã được lấy làm phần đầu của kinh Kính Mừng.Mẹ Maria là người cao quý nhất của “dòng dõi người nghèo Israel”,những người sẽ là bước khởi đầu cho dân Israel mới.Câu trả lời của Mẹ Maria: “kinh Magnificat” diễn tả niềm vui về những gì Thiên Chúa đã làm cho dân Ngài qua Mẹ (x.Lc 1,46-55).

     3.Biến cố Giáng Sinh (Lc 2,1-20)

        Ngày 25-12 hàng năm là ngày chúng ta cử hành ngày sinh của Con Thiên Chúa,Chúa Giêsu.Mọi người Công giáo tham dự Thánh Lễ này với niềm vui khôn xiết.Các Kitô hữu thời tiên khởi đã chọn ngày này nhằm Kitô hóa lễ thờ thần mặt trời của dân ngoại.Thực sự,Chúa Giêsu sinh vào năm VI TCN.Tây lịch tính sai lệch 6 năm.

        Chúa Giêsu sinh ra trong cảnh nghèo khó là một bài học cho chúng ta về đức nghèo khó và từ bỏ.Những người đầu tiên đến chúc tụng Chúa giáng sinh cũng là những người nghèo:Mẹ Maria,Thánh Giuse và các mục đồng (x.Lc 2,13-14).

      4.Thời thơ ấu của Chúa Giêsu

         Thời thơ ấu của Chúa Giêsu được các Phúc Âm kể lại cho thấy Chúa Giêsu là vua Mêsia được mong đợi và Người còn hơn một con người.

          -Việc dâng Chúa trong Đền Thờ sau khi sinh ra 40 ngày (x.Lc2,23-39) được cử hành hàng năm vào ngày 02 tháng hai.Trong dịp này,Chúa Giêsu được chào đón như là “ánh sáng chiếu soi các lương dân”.Ngày Lễ này còn được gọi là Lễ Nến vì nến dùng trong phụng vụ được làm phép trong Lễ này.

          -Sự xuất hiện của các đạo sĩ Đông Phương nhằm diễn tả những lương dân đầu tiên đến thờ lậy Chúa.Biến cố này được cử hành vào ngày 06 tháng giêng hàng năm gọi là Lễ Hiển Linh.

          -Việc Thánh Gia trốn sang Ai Cập để tránh sự tàn sát của vua Hêrôđê diễn tả Chúa Giêsu là Môsê mới,người lãnh đạo mới của Dân Chúa.Nếu vua Pharaô của Ai Cập truy lùng Môsê khiến ông phải trốn đi,thì vua Hêrôđê run sợ trước lời loan báo về sự sinh ra của Chúa Giêsu đã tàn sát các trẻ em khiến Chúa Giêsu cũng phải trốn qua Ai Cập.Nhưng cả hai đã đón nhận sứ mạng thiên sai để trở về (x.Xh 3 ; Mt 2).

         - Chúa Giêsu bị lạc mất trong Đền Thờ : Phúc Âm theo Thánh Luca đã kết thúc những năm đầu đời của Chúa Giêsu như sau:Năm 12 tuổi, Chúa Giêsu đã lạc mất cha mẹ ở Giêrusalem (x.Lc 2,41-50).Sau đó, cha mẹ Người tìm thấy Người ở Đền Thờ đang khi Người tranh luận với các thầy thông luật là những người “ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu”(Lc 2,47).Câu trả lời của Chúa Giêsu với Mẹ Maria khi Mẹ trách Người cho thấy một nhận thức sâu xa về sứ mệnh của mình: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”(Lc 2,48).Trở về nhà,Người vâng phục cha mẹ,đơn sơ, khiêm tốn với mọi người chung quanh và thêm ân nghĩa với Thiên Chúa (x.Lc 2,51-52).

        2. Cuộc đời công khai của Chúa Giêsu

            a. Gioan Tẩy Giả:Năm tháng qua đi,Gioan Tẩy Giả,vị tiên tri cuối cùng,xuất hiện.Gioan Tẩy Giả đã sống như một người khổ tu nhiệm nhặt trong sa mạc và đã xuất hiện với một gương mặt gây ấn tượng đã kêu gọi: “Anh em hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã đến gần”(Mt 3,2).

         Thánh Gioan Tẩy Giả kêu gọi dân chúng thay đổi nội tâm,ăn năn thống hối về tội lỗi của mình và trở về với Thiên Chúa.Phép rửa Ngài ban là một dấu chỉ thống hối tiên báo Phép Rửa Tội do Chúa Giêsu sẽ thiết lập.Khi dân chúng hỏi ngài rằng ngài có phải là Đấng Mêsia không,ngài đã trả lời rằng ngài chỉ là người dọn đường: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi,tôi không xứng đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người”(Mc 1,7).

         Chúa Giêsu đã đến với ông Gioan, xin ông làm phép rửa cho mình và chuẩn bị cuộc sống công khai của Người bằng 40 ngày chay tịnh trong hoang địa.Chúa Giêsu xin chịu phép rửa để nối kết sứ mạng của ông Gioan Tẩy Giả với sứ mạng mà Người sẽ bắt đầu ngay sau đó.Việc Người chịu thử thách trong hoang địa đạt tới cao điểm qua những cám dỗ của ma quỷ tương ứng với 40 năm dân Israel đi trong sa mạc và là kiểu mẫu của việc thực hành tâm tình thống hối ăn năn kéo dài 40 ngày của mùa Chay Thánh (x.Mt 3,13-4,11 ; Mc 1,9-14).

-                 b. Cuộc đời hoạt động của Chúa Giêsu : Chúa Giêsu bắt đầu sứ mạng của mình trong hoang địa khắc nghiệt như dân Israel đã trải qua để cho thấy Người là người khởi đầu dân mới của Thiên Chúa.Người là “dân Israel mới”,là người đảm nhận mọi khát vọng và cả những bất xứng của dân Thiên Chúa,Người khai mào một dân mới,dân được biến đổi.Trong hoang địa,Người đối diện với Thiên Chúa trong sự cô độc,đói khát,sợ hãi và cám dỗ.Sau đó,Người bắt đầu thi hành sứ mạng mà Chúa Cha đã trao phó cho Người.

-                    Đời sống công khai của Chúa Giêsu kéo dài 3 năm.Trong những năm tháng đời công khai,Người đã đi rao giảng,dạy dỗ và làm các phép lạ,cuối cùng chịu khổ nạn và chịu chết.Người trở nên một người nổi tiếng như là một người rao giảng vĩ đại,một người đọc được các tâm hồn (x.Mt 4,23-25).

-                 c. Nội dung rao giảng : NƯỚC THIÊN CHÚA

-                   Chủ đề chính trong lời rao giảng của Chúa Giêsu là Tin Mừng về Nước Thiên Chúa : “Thời kỳ đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần.Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”(Mc 1,15).

-                    Lời loan báo của Chúa Giêsu về Nước Thiên Chúa là điều người Do Thái đã được nghe nói tới hàng trăm năm trước.Đọc Cựu Ước,chúng ta thấy họ đã chờ đợi thời đại Mêsia của những phúc lành lớn lao.Giờ đây,Chúa Giêsu đã mạc khải rằng thời hạnh phúc đó đang đến gần.Đây là tin tốt nhất mà họ mong đợi,và vì thế nó được gọi là Tin Mừng hay Phúc Âm.

-                    Nhưng khi Chúa Giêsu mạc khải rằng Nước Thiên Chúa là một nước nội tâm thuộc thần khí thì chỉ có một số ít chấp nhận Người.Họ là những người thuộc nhóm “số sót”,những người nghèo luôn sẵn sàng mở lòng ra với lời giảng dạy của Thiên Chúa.Hầu hết dân chúng mong đợi một Đấng Mêsia chính trị hay một vị vua mang lại nhiều của cải vật chất.

-                     -Chúa Giêsu rao giảng một Nước Thiên Chúa đòi buộc chúng ta nhìn nhận uy quyền Thiên Chúa trên chúng ta.Khi chúng ta tin Thiên Chúa và làm theo ý Ngài,chúng ta thuộc về Nước của Ngài.Để thuộc về Nước Thiên Chúa,chúng ta phải trải qua một cuộc hoán cải nội tâm.Chúng ta phải thay đổi trái tim,ăn năn về những lỗi lầm của mình,quyết tâm sống đời sống mới.Qua Bài Giảng Trên Núi,được khởi đầu với Tám Mối Phúc,Chúa Giêsu nói với chúng ta sống sự hoán cải này như thế nào để thuộc về Nước Thiên Chúa (x.Mt 5-7).

-                    -Khi rao giảng,Chúa Giêsu thường giảng dạy bằng các dụ ngôn là những câu truyện nho nhỏ xảy ra hàng ngày.Tuy nhiên những người nghe Chúa nói hiểu ngay rằng họ phải thay đổi để thuộc về Nước Thiên Chúa.

-                    -Trong Nước Thiên Chúa,người nghèo,người khiêm nhường,người bị áp bức là những người hạnh phúc.Điều này trái ngược hoàn toàn với những tiêu chuẩn của người đời là người giầu có, nhiều thế lực mới là người hạnh phúc.Những ai đã có kinh nghiệm về sự bất công và nhìn lên Thiên Chúa để có một cuộc sống tốt đẹp hơn sẽ hiểu được điều Chúa Giêsu đang nói với họ.

-                     -Giới răn mới:giới răn yêu thương là giới răn quan trọng nhất trong Nước Thiên Chúa.Chúng ta biết người Do Thái coi trọng lề luật. Chúa Giêsu tóm kết tất cả lề luật của Nước Thiên Chúa: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 13,34).

-                    -Những người theo Chúa Giêsu Kitô và thuộc về Nước Thiên Chúa sẽ được sống lại từ  cõi chết : “Bất cứ ai nhìn thấy Người Con và tin vào Người Con,thì được sống muôn đời,và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết”(Ga 6,40).Quả thật,đây là một tin khủng khiếp đối với người Do Thái,là những người chỉ được biết về sự sống đời sau trước khi Chúa Giêsu sinh ra vài thế kỷ.

-                    -Chúa Giêsu Kitô đã chọn các tông đồ để cộng tác với Người mở rộng Nước Thiên Chúa: “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng”(Mc 3,14).Được Đức Kitô trợ giúp,họ cố gắng làm cho chính mình và mọi người suy phục tình yêu của Thiên Chúa.

-                     Ngày nay, trên trái đất,những người theo Chúa Kitô tiếp tục cầu nguyện và hoạt động để mở rộng Nước Thiên Chúa.Nước Thiên Chúa sẽ hoàn tất vào một ngày nào đó trên Trời.Tình yêu của Thiên Chúa sẽ thống trị trên tất cả chúng ta.Chúng ta sẽ thấy các tạo vật trong tình trạng vinh quang và hiểu được lý do của đau khổ và bất công.Còn bây giờ,trong cuộc sống hiện tại,chúng ta hãy kiên trì cầu nguyện như Chúa Kitô đã dạy chúng ta : “Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng,Nước Cha trị đến,ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.

-                d. Chúa Giêsu,Đấng Mêsia,đến thiết lập Nước Thiên Chúa

-                    Chính Chúa Giêsu đã nói Người là Đấng Mêsia,đến thiết lập Nước Thiên Chúa.

-                    - Chúa Giêsu tuyên bố Người là Đấng Chúa Cha sai đến,Người “là đường,là sự thật và là sự sống,không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”(Ga 14,6).Lời tuyên bố nay tóm kết sứ vụ của Người.Là đường,Người là vua chúng ta,một vị vua hoàn hảo được loan báo trong Cựu Ước,giờ đây đã đến để khai mở một Vương quốc thiêng liêng vĩnh cửu.Là sự thật,Người là tiên tri hay một người thầy hoàn hảo được tiên báo trong Cựu Ước,Người đến để ban cho chúng ta chân lý của Thiên Chúa.Là sự sống,Người là vị tư tế hoàn hảo,Đấng tự hiến mạng sống mình vì chúng ta.

-                    -  Trong cuộc gặp gỡ với người phụ nữ Samaria,người đã có năm đời chồng và hiện đang sống với một người đàn ông khác.Chúa đã nói về quá khứ của chị,còn chị lại cố gắng thay đổi đề tài qua các biện hộ,bào chữa về việc thờ phượng Thiên Chúa.Khi chị đề cập đến Đấng Mêsia,Đấng mà người Samaria nghĩ là một vị tiên tri vĩ đại,Chúa Giêsu đã nói với chị:“Đấng ấy chính là tôi,người đang nói với chị đây”(x.Ga 4,5-42).

-                  Đức Kitô tuyên bố Người là Đấng Mêsia,Chúa Cha đã sai đến nhưng theo một nghĩa mới,thiêng liêng và hoàn hảo.Trong khi người Do Thái mong đợi một Đấng Mêsia khai mở một thời đại mới với đầy quyền lực về chính trị và những phúc lành vật chất, thì Chúa Giêsu không chấp nhận danh hiệu Mêsia theo nghĩa đó.Tuy Người nhận danh hiệu Mêsia nhưng có vẻ không thích danh hiệu này.Sứ vụ của Người là thiết lập một Vương quốc thiêng liêng giữa loài người chứ không phải một vương quốc vật chất.Người mang đến phúc lành cứu thế vĩnh cửu.Nhưng chỉ những ai sẵn lòng nghe sự thật mới có thể nhận biết điều đó (x.Ga 18,33-37).

-                   - Chúa Giêsu cũng đã nhận mình là “Con Người”,Đấng đến từ mây trời (x.D9n 7,13-14).Khi bị tra hỏi trong cuộc thương khó,vị Thượng tế hỏi Người: “Ông có phải là Đấng Kitô,con của Đấng Đáng Chúc Tụng không?Người trả lời: “Phải,chính thế.Rồi các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến”(Mc 14,61-62).

-                    - Chúa Giêsu là “Con Người đến từ mây trời”,nhưng là một “Con Người đau khổ”,là tôi tớ Giavê đã được loan báo trong Isaia II (x.Is 52,13-53,12). “ Rồi Người dạy các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều,bị các kỳ mục,thượng tế cùng kinh sư loại bỏ,bị giết chết và sau ba ngày sống lại.Người nói rõ điều đó, không úp mở.Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người”(Mc 8,31-32).

-                     Nhiều người nghe Người nói đã nghi ngờ Người,nhưng Người đã chứng minh sứ vụ thần linh của Người bằng các phép lạ,hoàn tất lời loan báo của các tiên tri về Đấng Cứu Độ.Đặc biệt Người loan báo Người sẽ sống lại sau khi chết.

-                     Phần đông dân chúng không đón nhận Chúa Giêsu,chỉ có một “số ít”tin Người.Nhóm này là những người đầu tiên trong Hội Thánh của Người.Còn đám đông đã theo Người vì các phép lạ Người đã làm nhưng đã bỏ Người khi Người từ chối vai trò Mêsia chính trị mà họ đã mong đợi từ lâu.Thánh Matthêu đã ghi lại nhận xét của Chúa Giêsu về họ như sau: “Ông Gioan đến không ăn không uống thì họ bảo ông bị quỷ ám.Con Người đến cũng ăn cũng uống thì họ lại nói đây là tay ăn nhậu,bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi”(Mt 11,18-19).

-               3. Cuộc Khổ nạn , Tử nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu

-                   Bị Chúa Giêsu phê phán,những người lãnh đạo Do Thái giáo quyết định giết Người.Do ảnh hưởng của Chúa trên dân chúng càng ngày càng tăng,họ thấy Người nguy hiểm cho uy quyền của họ.Mặc dù Người vô tội và đã làm nhiều phép lạ cứu giúp dân chúng,các nhà lãnh đạo lý luận rằng Ngươi là một kẻ gây rối nguy hiểm nên phải loại trừ.Họ liên hệ với Giuđa,vị tông đồ phản bội và trả tiền để ông nộp Thầy mình.

-                   Sau cuộc vào thành Giêrusalem tưng bừng,Chúa Giêsu bắt đầu tuần cuối cùng của cuộc sống trần gian mà người Kitô hữu chúng ta gọi là Tuần Thánh.Vào ngày thứ năm Tuần Thánh,Người đã ăn bữa tối cuối cùng với các Tông đồ.Đêm hôm đó,Người đã bị bắt với sự trợ giúp của Giuđa.

-                   Sau khi xét xử,các người lãnh đạo Do Thái giáo đã kết án tử hình Người.Nhưng vì là nước bị trị nên chỉ có một mình Philatô,người cầm quyền Roma tại địa phương,mới có quyền kết án tử hình.Họ đã dẫn Người lên ông Philatô để xin ông phê chuẩn án tử hình.Sau khi xét hỏi,ông Philatô tuyên bố Người vô tội.Thấy thế,các nhà lãnh đạo Do Thái giáo đe sẽ trình lên Hoàng Đế Roma là César về việc ông tha thứ cho địch thù của Hoàng Đế nên ông Philatô đã trao Người cho họ đem đi đóng đinh.

-                  Sau khi bị đánh đập,xỉ nhục,Người đã phải vác thập giá lên đồi Calvariô và bị đóng đinh ở đó.Sau ba giờ đồng hồ trên thập giá,Người đã chết.Đó là ngày thứ sáu thánh đầu tiên,thứ sáu Tuần Thánh.Với các Tông đồ,việc Người bị giết coi như chấm dứt mọi hy vọng của họ.

-                  Nhưng vào buổi sáng ngày Chủ nhật Phục Sinh,Chúa Giêsu đã sống lại như Người đã báo trước.Trong vòng 40 ngày,Người đã hiện ra với với các Tông đồ và thôi không hiện ra nữa từ ngày Người lên Trời.Các Tông đồ trở lại Giêrusalem chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống như lời Chúa Giêsu đã nói với các ông.

-           III.TRONG PHỤNG VỤ

-                1. Năm Phụng Vụ

-                    Năm Phụng vụ là cách thức chúng ta sống lại mỗi năm những biến cố chính trong cuộc đời Đức Kitô qua các ngày lễ.Các lễ này được tập trung chung quanh hai lễ chính : Giáng Sinh và Phục Sinh.

-                2. Thánh Lễ

-                    Thánh Lễ là hành vi thờ phượng quan trọng nhất của chúng ta được tập trung vào Đức Kitô.Chúng ta nhận biết các giáo huấn của Chúa cách đặc biệt qua các bài đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ.Khi chúng ta nghe các bài đọc Thánh Kinh trong Thánh Lễ là nghe chính Chúa đang trực tiếp nói với chúng ta.

-                3.Tràng hạt Mân Côi

-                   Tràng hạt Mân Côi tuy chỉ là một việc đạo đức nhưng rất có ý nghĩa với người Công giáo vì kinh này được tập trung vào cuộc đời Đức Kitô.Kinh Kính Mừng được lặp đi lặp lại giúp ta suy niệm về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu và sự hiệp thông của Mẹ Maria với các biến cố này.Đối với những người năng lần hạt Mân Côi,việc lặp đi lặp lại kinh Kính Mừng có mục đích giúp chúng ta suy niệm và chú ý đến Thiên Chúa vì chúng ta thường ít tập trung vào những từ ngữ chính yếu của lời kinh.

-           IV.ÁP DỤNG VÀO CUỘC SỐNG HÀNG NGÀY:CÁCH SỐNG TRONG NƯỚC THIÊN CHÚA.

-                 Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa và người khác.Tình yêu là nền tảng giáo huấn của Chúa Giêsu.Nó quan trọng đến nỗi Người kêu gọi chúng ta yêu cả kẻ thù(x.Mt 5,43-48).

-                1. Yêu Chúa

-                    - Chúa Giêsu luôn yêu mến Chúa Cha qua việc hoàn toàn tuân phục ý Chúa Cha: “Thầy luôn làm hài lòng Cha”(Ga 8,29).Ngay cả trước cái chết trong vườn Giệtsimani,Người vẫn hết lòng tuân phục Chúa Cha: “Lạy Cha,nếu có thể được xin cất chén đắng cho khỏi con,nhưng xin đừng theo ý con,một theo ý Cha”(Mt 26,29).Người can đảm thi hành ý Chúa Cha,còn điều người khác nghĩ và đánh giá về Người thì,đối với Người, không quan trọng (x.Mt 15,12-14).

-                     - Người còn dạy ta hãy năng cầu nguyện như Người.Người thường cầu nguyện suốt đêm,Người cầu nguyện khi bắt đầu thực hiện những việc quan trọng,đặc biệt vào những lúc khủng hoảng hay đau khổ (x. Mt 26,36-44;Lc 6,12;Ga 17).Người dạy chúng ta cầu nguyện với tâm hồn khiêm tốn qua dụ ngôn người Pharisiêu và người thu thuế (x.Lc 18,9-14).

-                     - Người luôn dạy chúng ta rằng Thiên Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta nếu chúng ta thực tình thống hối ăn năn.Dụ ngôn“đứa con hoang đàng” nổi tiếng phản ánh tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa (x.Lc 15,11-32).

-                      2. Yêu người

-                     Chúa Giêsu đã sống mọi lời Người giáo huấn chúng ta,đặc biệt là giáo huấn về đức yêu thương.Người minh chứng tình yêu của Người bằng cái chết vì chúng ta,và trong cơn hấp hối,Người đã  cầu nguyện cho kẻ thù của Người: “Lạy Cha,xin tha cho họ vì họ không biêt việc họ làm”(Lc 23,34).

-                     - Chúa Giêsu yêu mến cách đặc biệt những người đau ốm,nghèo khổ,tội lỗi,những người bi loại trừ khỏi xã hội,cộng đoàn (x.Lc 7,1-7.36-50;Ga 9,1-38).

-                     - Người dạy ta yêu mến cách đặc biệt những người thân cận,không phân biệt chủng tộc,phái tính,tình trạng xã hội như trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu (x.Lc 10,30-37).

-                     - Người dạy chúng ta hãy tha thứ cho những người xúc phạm đến mình để Chúa tha thứ những lỗi lầm của chúng ta như trong dụ ngôn người đầy tớ không có lòng thương xót (x.Mt 8,21-35).

-                     Mỗi người chúng ta có thể bắt chước lối sống yêu thương của Người.Người đã tỏ tình yêu của Người bằng nhiều cách trong suốt cuộc đời Người.Trong cuộc sống của chúng ta,mỗi người thường có những môi trường,yếu tố,đối tượng,cách thế sống yêu thương riêng , chúng ta cần lưu ý tới cách đặc biệt.

-                 3.Một trong những phương thế để có thể sống yêu thương

-                     Để có thể sống mến Chúa yêu người,Chúa Giêsu dạy chúng ta hãy sống tinh thần nghèo khó và từ bỏ.Tất cả cuộc đời của Người là một mẫu gương về sự từ bỏ của cải và những gì thuộc về thế gian.Người đã được sinh ra trong hang bò lừa.Lớn lên,Người đã bày tỏ tình yêu đặc biệt với cảnh nghèo:“Con cáo có hang,chim trời có tổ,nhưng Con Người không có nơi gối đầu”(Mt 8,20).Sự điên rồ khủng khiếp của sự ăn chơi trác táng,tham lam được Chúa diễn tả trong dụ ngôn người phú hộ và Lazarô (x. Lc 16,19-31).

 

                                   TÓM LƯỢC

       (Trích Bản Toát Yếu sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo)

1.H. Tại sao Con Thiên Chúa làm người?

   T. Con Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần,vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta,có nghĩa là để chúng ta,là những kẻ tội lỗi,được giao hòa với Thiên Chúa,để chúng ta biết được tình thương vô bờ bến của Ngài,để trở nên mẫu gương cho chúng ta về sự thánh thiện và để làm cho chúng ta trở thành những người “được thông phần bản tính Thiên Chúa”(2 Pr 1,4).

2.H. Đức Maria đã cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa như thế nào?

    T. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa,Đức Maria suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm một tội riêng nào.Mẹ là “Đấng đầy ơn phúc”(Lc 1,28), “Đấng rất thánh”.Khi Thiên thần báo tin rằng Mẹ sẽ sinh “Con Đấng Tối Cao”(Lc 1,32),Mẹ đã tự do chấp nhận trong “sự vâng phục cũa đức tin”(Rm 1,5).Đức Maria tự hiến hoàn toàn cho con người và công trình của Chúa Giêsu,Con của Mẹ,và với trọn tâm hồn,Mẹ chấp nhận ý định cứu độc của Thiên Chúa.

3.H. Việc mang thai Chúa Giêsu một cáh đồng trinh có ý nghĩa gì?

   T. Điều này có nghĩa là Chúa Giê-su được thụ thai trong lòng Đức Trinh Nữ chỉ do quyền năng của Chúa Thánh Thần mà thôi,không có sự can thiệp của người đàn ông.Người là Con Chúa Cha trên trời theo thần tính,là Con của Đức Maria theo nhân tính,nhưng thực sự là Con Thiên Chúa trong hai bản tính,cùng hiện diện trong một Ngôi vị duy nhất,là ngôi vị thần linh.

4.H. Tin Mừng về mầu nhiệm Giáng Sinh và thời thơ ấu của Chúa Giêsu dạy ta điều gì?

   T. Vào lúc Giáng sinh,vinh quang Thiên quốc được tỏ lộ trong sự yếu đuối của Hài nhi.Việc cắt bì Chúa Giêsu đã lãnh nhận là dấu chỉ Người thuộc về dân Do Thái và tượng trưng cho Bí tích Rửa tội của chúng ta.Hiển Linh là việc Vua-Mêsia của Israel tỏ mình ra cho tất cả muôn dân.Lúc dâng Chúa vào trong Đền Thờ,người ta nhận ra nơi ông Simêon và bà Anna sự chờ đợi của dân Israel,nay đến gặp gỡ Đấng Cứu Độ của mình.Cuộc trốn sang Ai Cập và sự kiện tàn sát trẻ vô tội báo trước cả cuộc đời của Đức Kitô sẽ chịu nhiều bách hại.Việc Người rời bỏ Ai Cập trở về nhắc lại cuộc xuất hành và giới thiệu Đức Kitô như ông Môsê mới:Người là Đấng giải phóng đích thực và tối hậu.

5.H. Tại sao Chúa Giêsu lãnh nhận phép rửa của ông Gioan để “sám hối hầu được ơn tha tội”(Lc 3,3)?

   T. Để khởi đầu quãng đời công khai và để tham dự trước vào Phép Rửa là cái chết của mình,Chúa Giêsu,dù không có tội lỗi nào,và là “Chiên Thiên Chúa,Đấng xóa tội trần gian”(Ga 1,29),cũng chấp nhận liệt mình vào hàng các tội nhân.Chúa Cha tuyên bố Người là “Con yêu dấu” của mình (Mt 3,17) và Thánh Thần ngự xuống trên Người.Phép rửa của Chúa Giêsu là hình ảnh báo trước Bí tích Rửa Tội của chúng ta.

6.H. Ai được mời gọi tham dự vào Nước Thiên Chúa được Chúa Giêsu loan báo và thực hiện?

   T. Chúa Giêsu mời gọi mọi người tham dự vào Nước Thiên Chúa.Cả kẻ xấu xa nhất trong các tội nhân cũng được mời gọi sám hối và đón nhận lòng thương xót vô biên của Chúa Cha.Ngay trên mặt đất này,Nước Thiên Chúa đã thuộc về những ai đón nhận với tâm hồn khiêm tốn.Những mầu nhiệm của Nước Thiên Chúa được mạc khải cho những người này.

7.H. Tại sao Chúa Giêsu biểu lộ Nước Thiên Chúa bằng các dấu chỉ và phép lạ?

   T. Chúa Giêsu làm các dấu chỉ và phép lạ kèm theo lời của Người,để chứng tỏ rằng Nước Thiên Chúa đang hiện diện nơi Người,là Đấng Mêsia.Mặc dù đã chữa lành một số bệnh nhân,Người không đến để loại trừ mọi cái xấu ra khỏi trái đất,nhưng trước hết là để giải phóng con người khỏi ách nô lệ tội lỗi.Cuộc chiến đấu chống lại ma quỷ báo trước rằng thập giá của Người sẽ chiến thắng “thủ lãnh thế gian”(Ga 12,31).

8.H. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Mêsia như thế nào?

   T. Vào thời gian đã định,Chúa Giêsu quyết lên Giêrusalem để chịu khổ nạn,chịu chết và sống lại từ cõi chết.Với tư cách là Đức Vua-Mêsia,Đấng loan báo Vương quốc của Thiên Chúa đến,Người đi vào thành của Người,cưỡi trên một con lừa.Những kẻ bé mọn đón rước Người bằng lời tung hô mà về sau được đưa vào kinh “Thánh!Thánh!Thánh!” trong Thánh Lễ: “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa.Hosanna”(xin cứu độ chúng con) (Mt 21,9).Phụng vụ Hội Thánh khởi đầu Tuần Thánh bằng việc cử hành biến cố này.

 

-                       CÂU HỎI ĐỂ SUY NGHĨ VÀTHẢO LUẬN

-               1.Theo bạn,trong cuộc sống và lời rao giảng của Chúa Giêsu Kitô,điều nào có ý nghĩa nhất?Tại sao?

-               2.Nét đặc biệt nào của Chúa Giêsu Kitô bạn thấy cần thiết cho

bạn nhất?