Thể hiện “tình yêu thương đến cùng”:

loan báo Tin Mừng và làm chứng về Chúa Kitô

 

Bài giảng của Đức cha Giuse Võ Đức Minh

trong Lễ Tấn phong Đức cha Tôma VŨ ĐÌNH HIỆU, giám mục phụ tá Xuân Lộc

Lời Chúa:   Is 61, 1-3:        “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi…”

                     2 Tm 1, 6-14:   “Tôi biết tôi tin vào ai…”

                     Ga 13, 1-15:    “Ngài yêu họ đến cùng”

Trọng kính Đức cha Chủ tịch HĐGMVN,

Đức Hồng, Y, Đức Tổng, quý Đức cha,

Quý Đức Ông, quý Cha Tổng đại diện, quý Viện Phụ, quý Cha,

Quý Bề trên các Hội Dòng, quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh,

Quý Cụ, quý Ông, quý Bà, Anh chị em tín hữu, và tất cả quý vị,

Lời Chúa trong ba bài đọc Kinh Thánh chúng ta vừa nghe thật thích hợp với Thánh lễ tấn phong Giám Mục cho Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu hôm nay. Đức cha Tôma thân yêu của chúng ta có thể tuyên bố trước mặt mọi người như tiên tri I-sa-i-a thuở xưa rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…”. Đức cha Tôma cũng sẵn lòng tuyên xưng đức tin như Thánh Tông đồ Phaolô: “Tôi biết tôi tin vào ai..” Và quan trọng nhất là câu Phúc Âm mà Thánh Tông đồ Gioan đã viết về Chúa Giêsu, khi Chúa rửa chân cho các môn đệ: “Ngài yêu họ đến cùng”. Chính câu này đã được Đức cha Tôma chọn làm châm ngôn cho sứ vụ giám mục của mình.

“Ngài yêu họ đến cùng”. Trong bữa Tiệc Ly cách đây hai ngàn năm, “Chúa Giêsu đứng dậy, cởi áo ngoài ra”,- không phải để trao tặng cho các môn đệ như người ta “yêu nhau cởi áo cho nhau…” đâu; vì Chúa trao tặng cho họ một điều gì quý giá và sâu sắc hơn nhiều-. Người cởi áo ngoài ra, lấy khăn mà thắt lưng, rồi quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Đúng như Người đã từng nói với họ: “Thầy đến trong thế gian, không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để phục vụ mọi người” (Mt 20, 28). Đó là bước thứ nhất của yêu thương đến cùng: yêu thương đến nỗi tự hạ mình xuống để phục vụ cách tận tình, khiêm tốn và vô vị lợi. Bước thứ hai “Ngài yêu họ đến cùng” là bằng cách trao ban Thịt Máu mình trong Bí Tích Thánh Thể làm lương thực nuôi sống những người mình yêu thương. Và bước thứ ba, bước tột cùng, diễn ra trên Núi Sọ: Người hiến ban mạng sống mình làm giá chuộc muôn người (x. Mt 20, 28); Người mạc khải vai trò và sứ mạng hiền mẫu của Đức Maria và phó thác môn đệ mình cho Đức Mẹ (Ga 19, 27); ngay cả khi Người đã chết trên thập giá, cạnh sườn của Người bị đâm thâu qua: “máu và nước chảy ra” (Ga 19, 34), Người trao ban bảo vật của Thiên Chúa là Thánh Thần cho thế gian. Đó là biểu hiện cao nhất của tình yêu thương đến cùng: yêu thương đến nỗi sẵn sàng thí mạng sống, sẵn lòng chết vì yêu, chết thay cho những người mình yêu thương (x. Ga 15,13) và dầu chết rồi, Người vẫn yêu thương, yêu thương họ đến cùng.

Trong cuộc viếng thăm ad limina tại Rôma vừa rồi, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tiếp kiến vào ngày 27-06-2009 và được ngài ban Huấn từ, một bài Huấn từ súc tích, sâu sắc và chứa đựng những chỉ dẫn thiết thực: trực tiếp cho chính các Giám mục và gián tiếp cho mọi thành phần Dân Chúa tại Việt nam. Thưa Đức cha Tôma, hôm đó Đức cha cũng có mặt ở Roma, nhưng chưa được trực tiếp nghe bài huấn từ cùng những lời nhắn nhủ của Vị Cha chung, đồng thời là người Anh Cả của các Giám mục. Hôm nay, nhắc lại điều nầy như thể Đức Thánh Cha ngỏ lời với cả Đức cha nữa đấy. Và tôi thấy bài Huấn từ đó là một minh hoạ rất cụ thể cho châm ngôn mà Đức cha đã chọn cho cuộc đời giám mục của mình: “Ngài yêu họ đến cùng”. Vậy, tôi xin được chia sẻ đơn sơ với Đức cha, trước mặt các Đức Giám Mục và toàn thể Dân Chúa ở đây, những điều mà tôi cảm nhận như là những điểm nhấn đặc biệt trong bài Huấn từ quan trọng này của Đức Thánh Cha.

Ngay trong phần đầu bài Huấn từ, Đức Thánh Cha tha thiết ước mong và cầu chúc cho các Giám Mục “noi gương thánh thiện, khiêm tốn, lối sống đơn sơ của các Vị Mục tử vĩ đại trên quê hương Việt nam”, sau khi ngài nhắc lại bốn đức tính nổi bật của Đức cố Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, mà ngài coi như một Vị Mục tử vĩ đại; đó là: -lòng nhiệt thành mục tử, -đức khiêm nhường, -tình yêu hiền phụ đối với đoàn dân, -và tình huynh đệ lớn lao đối với các linh mục của mình. Những đức tính đó của các vị tiền bối phải trở nên nguồn động viên các Giám Mục chu toàn sứ vụ, là phục vụ hết mình, không chỉ Dân Chúa, mà cả Dân tộc Việt Nam nữa. Phục vụ hết mình là một cách gọi khác của yêu thương đến cùng, như chính Chúa Giêsu đã dạy và đã nêu gương: “Người mục tử tốt hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10, 11.15).

Cuộc tiếp kiến diễn ra đúng một tuần lễ sau ngày khai mạc “Năm Thánh Linh Mục”, nên Đức Thánh Cha đề cập trước tiên tới các Linh mục. Ngài xin các Giám Mục thay ngài “cám ơn các linh mục triều cũng như dòng, vì họ đã hiến dâng đời sống cho Chúa và vì những cố gắng mục vụ của họ nhằm thánh hoá Dân Thiên Chúa”. Ngài yêu cầu các Giám mục ba điều mà ngài nói ra như ba mệnh lệnh: “-Anh em hãy lo lắng cho các linh mục; -hãy hiểu biết các linh mục cách thấu đáo; -và hãy giúp đỡ các linh mục hoàn thành việc thường huấn”. Một chương trình thật toàn diện, nhưng rất thiết thực! Mỗi Giám mục mà thi hành trọn vẹn ba mệnh lệnh ấy, thì đó là cách cụ thể nhất để yêu thương các linh mục của mình đến cùng. Chương trình thường huấn nhằm mục đích chính yếu là giúp các linh mục trở nên người dẫn đường chính thực cho Dân Chúa, và phương tiện cần thiết để đạt được mục đích ấy là “đào sâu đời sống nội tâm và lo hướng tới sự thánh thiện theo gương Thánh Gioan-Maria Vianney, Cha Sở khiêm nhường của họ Ars”. Vị Thánh Linh mục này cũng là một Mục tử vĩ đại trong Giáo Hội hoàn vũ, vĩ đại trong nếp sống đơn sơ, khiêm tốn và tận tình phục vụ Dân Chúa, không chỉ bằng vai trò thầy dạy, nhưng chủ yếu bằng gương sáng giàu sức thuyết phục của một chứng nhân, sống triệt để điều mình dạy người khác. Kinh nghiệm 2.000 năm lịch sử Giáo Hội công giáo chứng minh chân lý đó. Bởi lẽ sứ mạng chính yếu của linh mục là hướng dẫn Dân Chúa nên thánh, thì chính linh mục, cũng như Giám mục, phải nêu gương thánh thiện cho Dân. - Người ta không thể đi tìm một mẫu linh mục, giám mục nào khác, dù lấy cớ “để cho hợp thời”. Thật vậy, Phúc Âm Chúa Giêsu không bao giờ lỗi thời, và dù sống trong thời đại nào, Giáo Hội vẫn được Chúa trao cho sứ mạng thánh hoá và thánh hiến thế gian, chứ không thể để cho mình bị thế gian tục hoá.

Trong bài Huấn từ này, ĐTC nhắc lại hai lá thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, là lá thư năm 2008 và lá thư năm 1980. Ngài trân trọng và ủng hộ đường hướng mục vụ của HĐGMVN chúng ta, đồng thời ngài cống hiến thêm những suy nghĩ sâu sắc của mình. Khi đề cập tới các tín hữu giáo dân, ngài xuất phát từ lá thư năm 2008 xoay quanh trọng tâm là “giáo dục trong gia đình công giáo”. Ngài mô tả cách cô đọng gia đình công giáo mẫu mực bằng hai hình ảnh rất sinh động: gia đình là “lò hun đúc các giá trị và đức tính nhân bản, giúp con cái sống theo lương tâm ngay thẳng, lòng trung thực và sự thật”, đồng thời gia đình là “trường dạy đức tin và đức mến đối với Thiên Chúa”. Con cái được đào tạo thành người công giáo tốt, thì khi vào đời, chính con cái cũng như cha mẹ sẽ là “những công dân tốt, có một đời sống xây nền trên đức ái, sự liêm chính và lòng quý trọng công ích”. ĐTC xác nhận và củng cố quan điểm của HĐGMVN nhấn mạnh tầm quan trọng không gì thay thế được của nền giáo dục gia đình, của gia đình công giáo như trường học đầu tiên dạy làm người, làm công dân và làm con Thiên Chúa. ĐTC nói rõ trong Thông điệp Bác ái trong sự thật (Caritas in veritate) rằng “Giáo Hội có một sứ mạng phải chu toàn đối với sự thật, nhằm xây dựng một xã hội ngang tầm với con người, với phẩm giá và thiên chức của con người” (BAtST, số 9).

Điểm nhấn mạnh mẽ và nổi bật nhất của bài Huấn từ nằm trong lời ĐTC mời gọi các Giám mục Việt nam và cả Giáo Hội của Chúa Kitô tại Việt nam hãy tập trung tầm nhìn vào việc phục vụ dân tộc của mình, bằng cách góp phần vào việc phát triển toàn diện mỗi con người và cả đất nước. Ngay từ phần mào đầu, ngài nói với các Giám mục như sau: “Chớ gì gương thánh thiện, khiêm nhường, lối sống đơn sơ của các Vị Mục tử vĩ đại trên quê hương của anh em trở nên nguồn động viên anh em trong sứ vụ giám mục nhằm phục vụ dân tộc Việt nam”. Chính Đức Thánh Cha chân thành bày tỏ lòng trân trọng sâu sắc đối với các tín hữu Việt Nam và đối với cả Dân tộc chúng ta nữa.

Điểm nhấn này được ngài liên kết với Năm Thánh 2010 kỷ niệm 50 Năm thiết lập hàng Giáo Phẩm tại đất nước chúng ta, và với lá Thư Chung năm 1980 của HĐGMVN. Lần này cũng vậy, ngài xác nhận và củng cố đường hướng mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam . Ngài nắm bắt chính xác trọng điểm của Thư Chung 1980 là “nhấn mạnh đến Giáo Hội Chúa Kitô ở giữa Dân tộc của mình”, đúng như các Giám mục năm 1980 đã tuyên bố: “Chúng tôi đề ra đường hướng mục vụ sau đây: chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam” (Thư Chung 1980, số 8). Ngài nói: “Nét đặc thù trong sứ mạng và ơn gọi của Giáo Hội cũng như phần đóng góp đặc thù của Giáo Hội cho đất nước Việt Nam là hăng say chia sẻ niềm vui đức tin với tất cả đồng bào của mình, bằng cách loan báo Phúc Âm và làm chứng về Chúa Kitô. Chính điều này đóng góp vào việc phát triển nhân bản và tâm linh của con người, đồng thời đóng góp vào sự phát triển đất nước. ĐTC tiếp nối giáo huấn của hai vị tiền nhiệm là ĐGH Gioan-Phaolô II và ĐGH Phaolô VI, khi khẳng định rằng: phải phát huy những giá trị tâm linh để bổ túc cho những giá trị nhân bản, thì mới thực hiện được một sự phát triển nhân bản toàn diện (x. BAtST, số 76). Và chính sự phát triển nhân bản toàn diện này của mỗi con người, chứ không chỉ đơn thuần sự tăng trưởng vật chất của xã hội, tạo tiền đề cần thiết cho sự phát triển đích thực và bền vững của đất nước. Từ đó ĐTC kết luận: “Bằng việc loan báo Tin Mừng và làm chứng về Chúa Kitô, Giáo Hội hiến tặng cho đất nước Việt Nam sự phục vụ cao nhất”. Và việc phục vụ cao nhất ấy là một cách thể hiện “tình yêu thương đến cùng” đối với đồng bào và dân tộc của mình vậy. Với cách hiểu như thế, ĐTC mời gọi các Giám mục và toàn thể Giáo Hội tại Việt Nam hãy “canh tân và làm mới lại các dấn thân truyền giáo của mình” vì yêu mến đất nước quê hương.

Thưa Đức cha Tôma quý mến, trong tình anh em, tôi đã chia sẻ với Đức cha một vài điều mà tôi đón nhận được trong chuyến viếng thăm ad limina vừa rồi. Bây giờ tôi chỉ xin được hiệp lòng và hiệp lời với Đức cha Chủ tịch, Đức Hồng Y, quý Đức cha trong HĐGMVN, quý Linh mục đồng tế, quý Tu sĩ nam nữ, chủng sinh và toàn thể Anh chị em giáo dân cũng như quý vị hiện diện hôm nay, cầu chúc Đức cha được tràn đầy ân sủng và sức mạnh Chúa Thánh Thần, để Đức cha chu toàn sứ vụ Giám mục một cách xác tín, hân hoan và có hiệu quả như lòng mong ước của Giáo Hội và cách riêng của Đức Thánh Cha Bênêđictô kính yêu của chúng ta; nhờ đó, khuôn mặt dịu hiền và sứ vụ phục vụ của Chúa Giêsu được tỏa sáng ở trần gian nầy, vì “Ngài yêu họ đến cùng”. Amen.

 

Gm Giuse Võ Đức Minh

 


Trở về Trang Mục Lục Giáo Hội