Bài giảng của Đức Hồng Y Reinhard Marx, chủ tịch HĐGM Đức, tại nhà thờ Chính Tòa Hà Nội, nhân dịp Lễ Chúa Giê-su Chịu Phép Rửa: „Giáo hội là sự hiệp thông

 

Các bạn Ki-tô hữu thân mến, tôi rất vui mừng vì hôm nay được ở bên quý vị để cùng với Đức Hồng Hồng Y Phê-rô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám Mục của quý vị, cử hành Thánh Lễ này. Cùng với một phái đoàn nhỏ, tôi đã lên đường để chu du tại Việt Nam trong 9 ngày. Hà Nội là chặng đầu tiên của chúng tôi.

Điều gì đã thôi thúc một Giám Mục Đức đến thăm Việt Nam? Phải chăng đó là sự tò mò muốn làm quen với một cái gì đó chưa được biết tới và có sức hấp dẫn? Dĩ nhiên là như thế. Tôi vẫn còn nhớ rất chính xác là, trong lúc tôi còn trẻ, cuộc chiến tranh tại đất nước quý vị đã xác định những hàng tít trên các tờ báo, và xác định những bản tin trên các kênh truyền hình tại Đức. Hồi đó tôi cũng đã quen biết với các Linh mục người Việt. Kể từ đó, tôi rất quan tâm tới đất nước của quý vị. Và: từ nhiều năm trở về đây, chúng tôi đã được nghe về một Việt Nam mới: một đất nước với nhiều động lực to lớn; một đất nước đang được kể vào một trong những quốc gia có một sự thành công rõ rệt về kinh tế, và rất nhiều người đã có thể thoát ra được khỏi cảnh nghèo túng; một đất nước đang hợp tác cũng như đang cạnh tranh với nhiều khu vực khác trên thế giới; một đất nước đang rất thu hút giới làm ăn kinh tế và những khách du lịch; một đất nước – với tất cả những vấn đề - đã lên đường để đi vào trong một tương lai tốt hơn. Quan sát Việt Nam mới một cách chăm chú, đích thân trải nghiệm về nó – điều ấy gây thích thú cho tôi và cũng vì thế mà tôi đang ở đây.

Nhưng tất nhiên, đó không phải là tất cả. Trước hết, tôi muốn có được một sự trải nghiệm về Giáo hội tại Việt Nam. Vâng, cách nay gần hai chục năm, với tư cách là một Giám Mục phụ tá trẻ tuổi, tôi đã tham dự một Thượng Hội Đồng Giám Mục về Á Châu, và đã học được cách để kính trọng các Đức Giám Mục đến từ Việt Nam. Ngay từ hồi đó tôi đã nhận được một lời mời rồi, mà cho tới tận lúc này đây, tôi vẫn có thể xuất trình lời mời đó. Và sau tất cả những gì tôi biết được, tôi được phép hy vọng vào việc sẽ có thể được gặp gỡ một Giáo hội sống động ngay trong lúc này, có thể gặp gỡ những con người mà họ đang bước đi theo Chúa Giê-su Ki-tô của chúng ta với lòng đạo đức lớn lao; gặp gỡ những con người mà họ không để cho mình bị ngăn cản bởi những khó khăn trong việc sống Đức Tin của mình cũng như trong việc tiếp tục truyền giao Đức Tin đó. Tôi vui mừng về việc sẽ được gặp gỡ các Đức Giám mục, các Linh mục và nhiều người Giáo dân mà trong những ngày này tôi sẽ được làm quen.

Những cuộc gặp gỡ này – chúng ta được phép hy vọng như thế - không chỉ là việc mở mang những gì thuộc về con người. Chúng có một đòi hỏi phải tiến đi rất xa. Thực ra, Giáo hội Công Giáo của chúng ta nên phản ánh về mình cũng như nên xây dựng mình trong những cuộc gặp gỡ ấy. Vì Giáo hội là sự hiệp thông, là một cộng đoàn được viết ra, và đồng thời cũng là một cộng đoàn tinh thần, mà trong đó, bất cứ người tín hữu hay bất cứ Giáo hội địa phương nào cũng đều được đan xen vào nhau. Công Đồng Vatican II mà cách nay đúng một tháng, chúng ta đã cử hành lễ kỷ niệm nhân dịp năm mươi năm ngày bế mạc, đã làm rõ điều này qua một cách thức tuyệt vời trong Hiên Chế Tín Lý về Hội Thánh Lumen gentium.

Với việc nêu rõ đặc tính của Giáo hội như là sự hiệp thông, chúng ta thấy được có hai ý tưởng sai trái xung khắc nhau.

Thật là sai quấy khi nghĩ rằng, Giáo hội chỉ được kết cấu thông qua một nguyên lý thứ bậc. Một thế giới ý tưởng như thế sẽ dẫn tất cả đến với Giám mục tại Giáo hội địa phương, và sẽ dẫn tất cả tới với Giáo hoàng trong Giáo hội hoàn vũ. Nhưng có điều đáng kể đó là chức Thánh ở trong Giáo hội, nhưng nó rất cần tới một sự hiệp thông, mà đối với nó, tất cả mọi người – Linh mục cũng như Giáo dân – đều có thể đóng góp một cái gì đó. Và rồi Giáo hội sẽ tìm ra được những con đường có khả năng đơm bông kết trái, và sẽ có khả năng tốt hơn để làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô. Giáo hội sống nhờ vào cuộc gặp gỡ tinh thần, và nhờ thế các chức Linh mục, Giám mục và Giáo Hoàng cũng đạt tới được chiều sâu và nét đặc trưng. Giáo hội chính là sự hiệp thông của toàn dân Thiên Chúa, như vẫn được nếm trải trong việc cử hành Thánh Lễ.

Cũng là điều sai quấy khi nghĩ rằng, các tín hữu và các nhóm Ki-tô hữu rốt cuộc cũng chỉ là để tự bảo vệ mình, và – tất cả chỉ cho mình – có thể hiện thực hóa Giáo hội. Một mẫu Giáo hội như thế, mà chúng ta thường hay bắt gặp bên ngoài Giáo hội Công giáo, sẽ thường xuyên dẫn tới một sự vỡ vụn ngày càng nát bươm. Càng ngày nó càng tách chúng ta ra xa khỏi ý muốn của Chúa Giê-su: „xin cho tất cả nên một“ (Ga 17,21). Kinh nghiệm của các cá nhân tín hữu cũng như kinh nghiệm của các nhóm có nguy cơ bị đặt thành tuyệt đối, vì thiếu những biện pháp có tính phê bình. Trái lại, Giáo hội như là sự hiệp thông: Tôi không bị đặt trên chính tôi, tôi không bị xác định bởi một nhóm đơn lẻ, nhưng tôi đứng trong sự trao đổi sống động với toàn thể Giáo hội – một sự trao đổi mà tôi đưa những hồn ân của tôi vào trong đó, và cũng trong, đó tôi thu được lợi ích từ những ân sủng của người khác. Do đó, những điều hẹp hòi, những khoản thâm thủng và những ý tưởng ngông cuồng sẽ được giải thích một cách có phê phán cũng như sẽ bị thắng vượt.

Giáo hội là sự hiệp thông. Và Giáo hội là sự hiệp thông không phải chỉ ở những vùng ngoại ô, trong các Giáo phận hay trong các cộng đoàn mà Giáo hội địa phương hình thành nên trong một đất nước. Sự hiệp thông của Giáo hội có một sự biểu lộ và một cấu trúc mang tính toàn cầu. Chúng ta là – như được viết trong thư gửi tín hữu Ê-phê-sô – một „Giáo hội trong nhiều ngôn ngữ và dân tộc“ (Eph 4,5-6). Giáo hội Công giáo mang theo đặc tín này trong một tên gọi: Công Giáo, có nghĩa là: toàn cầu, toàn thế giới. Sự hiệp thông của Giáo hội hoàn vũ gắn kết các Giáo hội ở mọi quốc gia trên toàn thế giới. Vì thế, trong một cách thức nào đó, chúng ta cũng có trách nhiệm đối với nhau.

Sự lo lắng rằng, đặc tính toàn cầu của Giáo hội sẽ dẫn tới việc đánh mất căn tính văn hóa, vẫn luôn bất thần xuất hiện. Những giọng điệu như thế đều được nghe thấy ở cả Á Châu lẫn tại Âu Châu. Nhưng trong thực tế, Đức Tin không gây ra bạo lực cho di sản và cho các truyền thống của các dân tộc, nhưng Giáo hội được bén rễ sâu trong các dân tộc và các nền văn hóa. Chính vì thế mà có thể có một sự trao đổi có khả năng làm phong phú hóa và có tính đòi hỏi cao về tinh thần giữa các Giáo hội với những nét đặc trưng về văn hóa khác nhau của mình. Chuyến viếng thăm của tôi tại đây, tức tại Việt nam này, sẽ giúp thực hiện một sự đóng góp nho nhỏ cho sự trao đổi có tính toàn cầu này. Tôi muốn học hỏi về những kinh nghiệm của Giáo hội tại Việt Nam, và về phía mình, tôi cũng muốn làm cho những kinh nghiệm của Giáo hội tại Đức có thể được hiểu. Như thế chúng ta sẽ càng ngày càng có thể đâm rễ sâu vào trong sự hiệp thông của Giáo hội.

Nhưng cái gì là nền tảng căn bản của sự hiệp thông này? Bài Tin Mừng hôm nay đã nói về điều đó. Tin Mừng thuật lại rằng, Chúa Giê-su đã được Gio-an tiếp đón tại sông Jordan. Sự kiện này, tức sự kiện được thuật lại một cách trực tiếp hay gián tiếp bởi tất cả các Tin Mừng, đã đem lại sự suy nghĩ nát óc cho Giáo hội trước kia. Vì Phép Rửa của nhà thuyết giảng về sự thống hối, tức Gio-an, là giúp đem lại ơn tha thứ tội lỗi. Nhưng tại sao, Chúa Giê-su, Đấng vô tội, lại lãnh nhận Phép Rửa ấy? Người ta sẽ có thể nói về điều đó rằng: Chúa Giê-su Ki-tô đã mạc khải cho thế giới biết về Thiên Chúa, Đấng không ở lại trong chính mình, cũng không chỉ quyện quạy quanh mình. Mối bận tâm của Ngài chính là con người. Đó là những tội nhân, những người đang sống xa cách với Thiên Chúa, những người, với khả năng riêng, không bao giờ có thể tái tìm thấy được con đường dẫn đến với Ngài nữa. Thiên Chúa hướng về - xin được sử dụng một cụm từ mà nó thường xuyên được sử dụng bởi Đức Thánh Cha Phan-xi-cô – những vùng bên lề, những vùng ngoại vi: Không phải đưa ra bản kết án, nhưng để, nhờ vào sự gần gũi của Thiên Chúa, thắng vượt sự xa cách Thiên Chúa mà con người đang sống trong đó. Trong Chúa Giê-su Ki-tô, Thiên Chúa dính lứu một cách hoàn toàn với các tội nhân chúng ta. Ngài không tránh né sự thông hiệp với các tội nhân hầu tạo điều kiện cho họ có khả năng tái hiệp thông với Ngài. Trong và với Chúa Giê-su, qua sự khiêm nhượng và tình liên đới, Ngài đặt mình vào hạng các tội nhân, hoàn toàn trở nên một trong chúng ta. 

Đồng thời, bài Tin Mừng hôm nay cũng kể rằng: „Cùng với toàn dân“ – điều này có nghĩa là: cùng với các tội nhân – „Chúa Giê-su cũng chịu Phép Rửa“. Ngài kiếm tìm sự hiệp thông với những người mà họ phải bị coi như là đã đánh mất sự hiệp thông ấy; Ngài thể hiện tình liên đới của Ngài với tất cả những ai đang đói khát ơn tha thứ, điều mà chưa ai khác có thể trao ban cho họ ngoại trừ Thiên Chúa, Đấng bước vào trong cuộc sống của những người ngã sa, để giúp họ tái đứng lên.

Và ngay trong hoàn cảnh đó – khi Chúa Giê-su coi mình giống như các tội nhân, bằng cách là Ngài đã lãnh nhận Phép Rửa cùng với họ -, ngay trong chính hoàn cảnh đó, Thiên Chúa đã chứng thực sứ mạng và ơn gọi của Chúa Giê-su. Tầng Trời mở ra – Tin Mừng theo Thánh Lu-ca thuật lại như thế - „và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con yêu dấu của Cha; Cha hài lòng về Con“.

Phép Rửa của Chúa Giê-su đã có ngay từ khi khởi sự hoạt động công khai của Ngài. Chúng ta biết rằng: Chúa Giê-su đã tiếp tục đi trên con đường của sự hiệp thông với con người, mà sự hiệp thông ấy lại có tính chữa lành, và đi trên con đường của sự gần gũi với các tội nhân. Tất cả mọi ố nhơ tội lỗi, tất cả mọi hành vi đê tiện của con người, Chúa Giê-su đều nhận về cho bản thân mình – cho tới tận cái chết của Ngài trên Thập Giá, mà hoa trái của nó chính là ơn tha thứ tội lỗi, và là một sự tái liên kết con người với Thiên Chúa.

Ngay từ đầu tôi đã nói về sự hiệp thông của Giáo hội, về sự hiệp thông của Giáo hội hoàn vũ mà chúng ta phải chăm sóc trong Giáo hội – vượt qua mọi ranh giới. Sau khi chúng ta đã suy tư về bài Tin Mừng, mà Giáo hội đã giới thiệu với chúng ta trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta được phép và phải bổ sung rằng: Giáo hội sống với tư cách là sự hiệp thông phát xuất từ kinh nghiệm về sự gần gũi của Thiên Chúa. Ngoài ra thì sẽ không có bất cứ điều chi khác ngoài một sự hiệp thông thuộc về nhân loại, mà có lẽ đang sẵn sàng để hoàn thành những công việc tốt đẹp, nhưng cuối cùng lại không phải là nữ chứng nhân và không phải là khí cụ của Triều Đại Thiên Chúa nữa. Nhưng trong thực tế, các Ki-tô hữu chúng ta sống với tư cách là những người đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy „bằng Thánh Thần và lửa“. Chúng ta – như Thánh Phao-lô nói – đã chết trong Phép Rửa cùng với Chúa Ki-tô, và như thế chúng ta là những người đã bước vào trong một công trình sáng tạo mới, mà công trình này không thể bị phá hủy.

Sự hiệp thông trong Giáo hội mà chúng ta sẽ cố gắng thực hiện ngay cả trong cuộc hành trình của tôi tại đất nước quý vị, được gánh mang và được khắc ghi bởi mầu nhiệm hiệp thông nội tại và thẳm sâu nhất của Thiên Chúa với Giáo hội của Ngài và với các tín hữu. Được xác định bởi sự gần gũi của Thiên Chúa, chúng ta được phép lên đường để kiếm tìm cũng như để kinh qua sự hiệp thông ngày càng sâu thẳm hơn với Ngài và với nhau, và để làm chứng cho thế giới.

Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội ngày mồng 10 tháng Giêng năm 2016

Đại Lễ Chúa Chịu Phép Rửa

 

ĐHY Reinhard Marx

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Mục Lục Các Bài Giảng Của Các Đức Giám Mục VN