ĐỨC TIN GIỮA LÒNG DÂN TỘC

(truyenthongcongiao.org Cập nhật: 02/10/2010 23:43:37)

Dẫn nhập

Năm Thánh 2010 của Giáo Hội tại Việt Nam đã đi gần hết chặng đường, là một năm Hồng Ân Đức Tin cho các tín hữu Việt Nam. Để gợi nhớ về quá khứ gieo trồng đức tin của các cha anh, người viết mong muốn đào sâu đề tài “Tin Mừng trong truyền thống văn hoá Việt” như góp một chút suy tư dựa trên giáo huấn của Giáo Hội về hội nhập văn hoá trong quá trình truyền giáo. Không thể truyền giáo nếu không hội nhập. Hội nhập văn hoá là vấn đề vừa mới vừa phức tạp. Trong lịch sử truyền giáo tại Việt Nam, Giáo Hội qua các giai đoạn và qua các cấp phẩm trật đã có những quan điểm như thế nào về hội nhập văn hoá, điều đó sẽ được trình bày qua các mục dưới đây. Những nguyên tắc hội nhập văn hoá đều phải được tuân theo giáo lý về Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể. Nhờ nguyên tắc hội nhập dựa trên Mầu nhiệm Nhập Thể, Tin Mừng đã thực sự thấm sâu vào dòng máu con Lạc cháu Hồng.

1.  Đức Giêsu Kitô Ngôi Lời Nhập Thể - Nguyên tắc cơ bản về hội nhập

1.1. Mặc xác phàm

Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”(1). Người đã đến và ở giữa con người để thông ban cho họ hết ân sủng này đến ân sủng khác; cũng chính Người là Đấng ban chân lý cho con người (2) để nhờ đó con người mới có thể nhận biết Thiên Chúa chân thật, và nhờ sự nhận biết ấy, con người mới có thể đạt tới sự sống đời đời.(3)

Đức Giêsu làm người để nâng bản tính con người lên tới mức siêu việt. Đức Giêsu Kitô là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15), chính Người là con người hoàn hảo đã trả lại cho con cháu của Ađam hình ảnh Thiên Chúa đã bị tội nguyên tổ làm sai lệch. Bởi vì nơi Người bản tính nhân loại đã được mặc lấy chứ không bị tiêu diệt, do đó chính nơi chúng ta nữa bản tính ấy cũng được nâng lên tới một phẩm giá siêu việt. Bởi vì, chính Con Thiên Chúa khi nhập thể, một cách nào đó đã kết hợp với tất cả mọi người. Người đã làm việc với bàn tay con người, đã suy nghĩ bằng trí óc con người, đã hành động với ý chí con người, đã yêu mến bằng quả tim con người”.(4)

1.2. Giống như con người

Mầu nhiệm Nhập Thể là một nét son mở ra cho con người. Nếu không có Mầu nhiệm Nhập Thể này, con người không thể biết được định mệnh của mình rồi sẽ ra sao: “Mầu nhiệm về con người chỉ thực sự được sáng tỏ trong Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể”.(5)

Con Thiên Chúa làm người không chỉ là đến ở với con người, mà còn chấp nhận sống thân phận con người với kiếp người. Đức Giêsu “sinh bởi Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi”.(6)

1.3. Tìm kiếm và xây dựng lại

Đức Giêsu Kitô đến làm người và sống giữa con người không như một người chuyên làm nghề đập phá các công trình, nhà cửa hay cầu cống... Người “đến để tìm và cứu những gì đã mất”.(7) Con chiên đi lạc, Người không quên, nhưng để lại 99 con kia để tìm cho kỳ được con chiên đã bị mất. Đồng tiền bị mất, Người thắp đèn tìm cho bằng được, tìm được rồi mở tiệc ăn mừng. Người con bỏ nhà đi hoang, khi trở về Người Cha đón nhận với lòng trìu mến mà không chê trách một điều.(8)

1.4. Nhổ và khử trừ

Trong cánh đồng nhân loại, có nhiều thứ cây mang độc tố huỷ hoại, đó là những thế lực đen tối của ma quỷ, thù địch của con người “như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé”.(9) Đức Giêsu đến là nhổ đi những thứ cây mà Chúa Cha đã không trồng: “Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, đã không trồng sẽ bị nhổ đi”.(10)

Ma quỷ và những thế lực của nó là những phe đối lập với Thiên Chúa. Chúng luôn tìm cách để phá huỷ công trình tạo dựng của Thiên Chúa, luôn tìm kế để mê hoặc con người ta ngay cả Con Thiên Chúa...(11) Đức Kitô đến thế gian là để khử trừ tội lỗi và ma quỷ, và để thực hiện một cuộc giải phóng con người khỏi tình trạng tội lỗi và ách của ma quỷ. Tin Mừng thuật lại rất nhiều lần Đức Giêsu tha tội và trừ quỷ cho người ta.(12)

 1.5. Lên án (13)

Đức Giêsu rất nghiêm khắc đối với những người tự cho mình là đạo đức, thánh thiện rồi từ đó coi trời bằng vung, khinh miệt người khác. Những hạng người luôn muốn “ăn trên ngồi trốc” để xoi mói vào từng động thái và cử chỉ của người khác rồi lăm le đe doạ lên mặt dạy đời. Nhóm Pharisêu và kinh sư là những người luôn tìm cách cản lối Đức Kitô đi, chỉ vì họ ghen tức, ngạo mạn có quyền bắt nạt những người làm việc thiện. Họ cản bước đi của Đức Kitô hẳn không phải là một lý do tốt lành, nhưng là sợ dân chúng đi theo tôn Người lên làm vua làm thầy, và như thế mình sẽ không được vị trí có “quyền bắt nạt người khác”. Đức Giêsu lên án thói trưởng giả, lối giữ đạo hình thức và óc duy luật một cách máy móc nơi những người Pharisêu và kinh sư.(14)

1.6. Kiện toàn

Việc Con Thiên Chúa làm người không phải là một trở ngại cho sự tiến bộ của con người, nhưng là một cơ hội cho con người được giao hoà giữa trời và đất, giữa con người với nhau và giữa con người với vạn vật.(15) Tuyệt nhiên, Thiên Chúa làm người không phải là để xoá sạch mọi dấu vết của lịch sử và văn hoá của các dân tộc; nhưng là để làm cho lịch sử ấy và văn hoá ấy nên hoàn thiện hơn. Ngôi Lời làm người và sống giữa con người là để nên đồng phận với con người sống đổ mồ hôi sôi nước mắt thấm đẫm Đất Nước được gọi là Đất Thánh: “Trong Đức Giêsu thành Nazareth, Thiên Chúa đã mặc lấy những nét đặc trưng của bản tánh nhân loại, gồm có sự thuộc về một dân tộc nhất định và một lãnh thổ nhất định. Nét đặc thù tự nhiên của phần đất và vị trí địa lý của nó không thể tách rời khỏi chân lý là xác phàm con người được Ngôi Lời mặc lấy”.(16) Đức Giêsu không có ý định làm người cải cách văn hoá, nhưng là kiện toàn những yếu tố trong nền văn hoá dân tộc Người được sinh ra và lớn lên. “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành”.(17)

Thánh Tôma Aquinô cho rằng ân sủng không phá huỷ tự nhiên, nhưng là thăng hoa tự nhiên. Nếu Ngôi Lời làm người là để phá huỷ trật tự tự nhiên, thì Người không phá đổ công trình tạo dựng nhờ Người mà có ư? Lời Nhập Thể không hề phá huỷ trật tự tự nhiên, nhưng là để đưa trật tự ấy tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài dưới chân Người.(18)

1.7. Làm phong phú

Đức Kitô không làm ngơ trước những yếu tố vô luân và phi nhân, những lối sống trịch thượng, những cách hành xử ngạo nghễ coi người khác chẳng ra gì; nhưng mạnh mẽ lên án.(19) Người yêu thương con người tội lỗi, đồng bàn với họ để từ từ cảm hoá họ.(20) Đức Giêsu “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có”;(21) Người “đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”.(22) Đức Giêsu đến mang một sứ điệp làm phong phú hoá nền văn hoá và truyền thống của dân tộc mình.

1.8. Cứu độ

Mầu nhiệm Con Thiên Chúa nhập thể và nhập thế là nguyên tắc cơ bản cho công cuộc đem Tin Mừng vào trong các nền văn hoá của các dân tộc.(23) Nguyên tắc hội nhập này là đường hướng cho tất cả mọi cách thức trình bày sứ điệp cứu độ của Đức Kitô cho người thuộc mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ và mọi thời đại.(24) Tin Mừng cần được ăn sâu vào trong phong tục, tập quán, ngôn ngữ và tâm thức của mỗi một dân tộc để trở thành men, muối và ánh sáng hướng dẫn cho đời sống của dân tộc ấy đi tới chỗ nhận biết chân lý và ơn cứu độ.(25)

Con Thiên Chúa làm người với một sứ mệnh cơ bản là cứu thoát họ khỏi kiếp lầm than tội lỗi, để được hưởng phúc vĩnh cửu là ơn cứu độ: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”.(26)

1.9. Vẫn được tiếp tục

Mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể làm người để cứu độ nhân loại vẫn được tiếp tục thực hiện trong Giáo Hội. Trước khi về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu đã giao phó cho Giáo Hội tiếp tục sứ mạng loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho con người: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.(27)

Thiên Chúa không ngừng tuôn đổ hồng ân cứu độ cho con người: “Thiên Chúa là Ðấng vô cùng nhân hậu và khôn ngoan đã muốn hoàn tất việc cứu chuộc thế giới, nên ‘khi đến thời viên mãn, Ngài đã sai Con Mình đến, sinh bởi người nữ... để chúng ta được nhận làm nghĩa tử’” (Gl 4,4-5). “Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria”. Mầu nhiệm cứu rỗi thần linh này được mạc khải cho chúng ta và vẫn tiếp tục trong Giáo Hội, Giáo Hội mà Chúa đã lập làm thân thể Người. Trong Giáo Hội ấy, liên kết với Chúa Kitô Thủ Lãnh, và hiệp thông với toàn thể các Thánh Người, các tín hữu cũng phải kính nhớ trước hết đức Maria vinh hiển, trọn đời Ðồng Trinh, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta’.”(28)

2.  Giáo huấn tiên khởi để Tin Mừng gieo vào đất Việt

Trong phần này, người viết dựa vào cái mốc rất quan trọng của Giáo Hội tại Việt Nam là năm 1569, năm Đức Giáo hoàng Alexander VII ký Sắc Chỉ thiết lập hai Địa phận Tông toà; cùng năm đó, Thánh Bộ Truyền giáo ra Huấn thị gửi tới ba vị giám mục được bổ nhiệm thi hành sứ vụ tại Đàng Trong, Đàng Ngoài và Nam Kinh (Trung Quốc),(29) liên quan đến công cuộc truyền giáo tại Á Đông nói chung và tại Việt Nam nói riêng.(30) Trong Huấn thị, Thánh Bộ Truyền giáo lưu tâm nhiều đến việc hội nhập văn hoá trong quá trình truyền giáo. Huấn thị có thể được xem như là kim chỉ nam cho việc truyền giáo tại dân tộc Việt Nam trải qua dòng lịch sử gieo trồng đức tin trên mảnh đất này.

2.1.  Huấn luyện và tiến cử người bản xứ

Thánh Bộ Truyền giáo có một cái nhìn rất Á Đông, đó là đề cập ngay đến việc huấn luyện giới trẻ, đào tạo con người, tìm kiếm nhân sự. Huấn thị cho thấy vai trò quan trọng của người bản xứ trong việc xây dựng Giáo Hội địa phương. Bao lâu, Giáo Hội tại địa phương chưa có người bản địa để nối tiếp sứ nghiệp truyền giáo thì bấy lâu Giáo Hội đó chưa trưởng thành. Vấn đề này đã được Thánh Phaolô Tông đồ thực hiện từ Giáo Hội thời sơ khai. Ngài tới cộng đoàn nào, điều đầu tiên cần làm ngay là tìm người, rồi huấn luyện họ; khi họ đã đủ mức trưởng thành thì ngài giao cộng đoàn cho họ, rồi ngài đi nơi khác. Hẳn là Thánh Bổ đã áp dụng phương pháp sư phạm truyền giáo của Thánh Phaolô!

“Đây, lý do chính thúc đẩy Thánh bộ đã cử chư huynh đến các xứ ấy với chức vụ giám mục, là để chư huynh, bằng mọi phương thức có thể, lo đảm trách giáo dục thanh niên, giúp họ đủ khả năng lãnh nhận chức vụ linh mục. Chư huynh sẽ cho họ và cử họ đi khắp các miền bao la ấy, mỗi người công tác trong quốc gia mình; ở đó họ sẽ hết lòng phụng sự đạo Chúa nhờ chư huynh ân cần săn sóc. Vậy chư huynh hãy luôn đặt trước mắt mục đích này là: tuỳ sức có thể chư huynh hãy làm sao đưa dẫn thật nhiều người và là những người có nhiều khả năng đạt đến các chức Thánh, đào luyện họ và truyền chức cho mỗi người lúc họ sẵn sàng”.(31)

2.2. Không xen vào chính trường

Kinh nghiệm của những thế kỷ đầu khi Giáo Hội trở thành Quốc giáo trong đế quốc của Constantinô I cho thấy nếu thần quyền và thế quyền không độc lập với nhau, thì người ta sẽ dễ đánh lận con đen.(32) Vương Quốc của Thiên Chúa không thuộc về thế gian, do đó, sứ vụ của Giáo Hội cũng không phải là việc tranh giành quyền lực để thống trị. Giáo Hội được sai vào trần gian là để phục vụ, để rao giảng sứ điệp cứu độ con người. Thánh Bộ Truyền giáo dạy các vị giám mục rằng không nên xen vào những việc chính trị, điều đó rất có cơ sở; đồng thời cũng nêu lên nguyên tắc làm việc trong những vùng hạt giống Tin Mừng mới bắt đầu được gieo.

Chư huynh hãy hết sức lánh xa chính trị và việc nhà nước. Đừng bao giờ nhận gánh một phần vụ hành chính nào mặc cho người ta thỉnh cầu và làm phiền toái chư huynh bằng những lời khẩn khoản thiết tha. Việc này, Thánh bộ đã luôn luôn cực lực rõ ràng và vẫn tiếp tục cấm ngặt. Cho nên chư huynh và các cộng sự phải rất mực thận trọng. Vả lại, chư huynh cứ tin chắc rằng, bất cứ người nào tự ý xen vào những việc ấy hay để người ta lôi cuốn vào thì người đó làm phiền hà Thánh bộ lắm. Lệnh này không nguyên chỉ đề phòng những trường hợp mà việc xen vào chính trị sẽ làm hại đạo và khiến các vị thừa sai bỏ bê trách vụ của mình, song còn có giá trị cả khi việc xen vào chính trị như thế đem đến một tia hy vọng chắc chắn đạo Chúa được thịnh đạt và đức tin được lan rộng hơn”.(33)

2.3. Không đối đầu với thế quyền

Lịch sử truyền giáo cho thấy một điều rằng tương quan giữa các vị thừa sai và nhà cầm quyền nhiều lúc không mấy tốt đẹp. Cái lý do khiến các nhà cầm quyền nghi ngờ các vị thừa sai có lẽ là sợ bị mất quyền lực. Sự có mặt của các vị thừa sai tại một địa điểm nào đó thường làm cho các vị lãnh đạo e dè. Đó là lý do khiến cho cuộc truyền giáo nhiều khi gặp khó khăn vì hai bên không hiểu biết và cộng tác với nhau. Thánh Bộ Truyền giáo đã dự liệu điều đó nên đã chỉ thị các vị thừa sai là phải có tinh thần nhẫn nại, im lặng và khôn ngoan với nhà cầm quyền. Thánh Bộ rất cương quyết đối với các vị thừa sai dây mình vào những việc tranh chấp đảng phái chính trị.

“Đàng khác, chư huynh hãy giảng dạy dân chúng vâng phục chính quyền, dù họ xấu cũng mặc (1 Pr 2,18); và vừa âm thầm vừa công khai, chư huynh hãy hết lòng cầu nguyện cho họ được thịnh vượng và phần rỗi. Đừng phê phán việc họ làm, cả khi họ bách hại chư huynh cũng thế; đừng tố cáo họ nghiêm khắc; đừng chỉ trích phong thái của họ. Nhưng kiên nhẫn và im lặng, chư huynh hãy mong đợi nơi Chúa thời kỳ an nghỉ (Ac 3,26). Cương quyết đừng bao giờ gieo rắc trên lãnh thổ họ mầm mống bất cứ một bè phái nào, dù thuộc Tây Ban Nha, thuộc Pháp, Thổ, Ba Tư hay thuộc quốc gia nào khác. Trái lại, chư huynh hãy hết sức nhổ tận gốc mọi thứ tranh chấp đó đi. Nếu có một thừa sai nào rõ biết mệnh lệnh của Thánh Bộ mà vẫn dấn thân vào những cuộc tranh chấp như thế, thì đừng chần chờ, hãy buộc vị ấy trở về Âu ngay, kẻo vì bất khôn, vị đó sẽ làm nguy hại rất nhiều cho Giáo Hội”.(34)

2.4.  Tôn trọng truyền thống văn hoá

Không thể loan báo Tin Mừng cho một dân tộc mà lại không hiểu biết gì về nền văn hoá của dân tộc ấy. Không thể hiểu biết con người sống trong một nền văn hoá mà lại không rành rõ sắc thái của nền văn hoá ấy. Không thể hoà nhập vào dòng chảy của con người sống trong một đất nước nếu không nắm vững cách suy nghĩ và hành động của họ. Hội nhập văn hoá là cách để đi vào truyền thống của một dân tộc, để từ đó hiểu biết rồi từ đó mới có thể tìm một lối trình bày đức tin theo tâm thức của con người sống trong nền văn hoá ấy. Thánh Bộ nhắc nhở các vị thừa sai là phải hết sức tôn quý truyền thống văn hoá của dân tộc mà họ được sai đến thi hành sứ mệnh.

Chư huynh đừng bao giờ muốn sửa đổi, đừng tìm lý lẽ nào để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tục, phong hoá của họ (ritus suos consuetudines et mores), trừ khi nó hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý. Có gì vô lý bỉ ổi hơn mang theo cả nước Pháp, Tây Ban Nhan, Ý, hay bất cứ nước nào khác bên trời Âu sang cho dân Á Đông chăng? Không phải mang thứ ấy đến cho họ, bèn là mang chân lý đức tin, một chân lý không loại trừ nghi lễ và tập tục của bất cứ một dân tộc nào, cũng không xúc phạm đến những nghi lễ tập tục ấy, miễn là chúng không xấu; ngược lại, chân lý ấy muốn cho người ta giữ gìn và bảo vệ chúng là đàng khác.

Có thể nói, (tính) tự nhiên ai ai cũng cho những cái của mình và nhất là của quê hương xứ sở mình là hơn tất cả, và yêu mến những báu vật đó hơn những cái của ngoại lai: nguyên việc sửa chữa những quốc lệ của (một dân tộc) cũng đủ gây lòng oán hận sâu đậm rồi, nhất là những (phong tục) (mores) đã có lâu đời nhất, mà các tiền nhân vẫn có thể nhớ tông tích; càng tệ hại hơn nữa nếu chư huynh huỷ bỏ những (phong tục) đó để đem phong tục của quí quốc mà thay thế vào! Vậy đừng bao giờ đem những tục lệ (usus) Âu châu đến đối lập với tục lệ của các dân tộc ấy, trái lại hãy hết lòng sống cho quen với tục lệ của họ. Điều gì đáng khen, hãy khâm phục và ca tụng”.(35)

2.5. Khôn ngoan và tế nhị với những điều bất xứng

Người ta thường quan niệm rằng cái gì của mình cũng hơn của người. Chính vì lý do đó mà người ta hãy lên án những cái khác của mình. Thói ăn trên ngồi trước, thích làm thầy thiên hạ thường thấy nơi những biệt phái Pharisêu. Thái độ ấy và lối sống ấy đã bị Đức Giêsu lên án. Do đó, khi đi truyền giáo, các vị thừa sai nếu không khéo thì cũng dễ rơi vào trường hợp như thế, nghĩa là không lo tìm cái hay cái đẹp trong nền văn hoá của người ta mà chỉ tìm cách để tìm sâu tìm rết rồi phê phán. Thánh Bộ lưu ý các vị thừa sai khi thấy những điều “bất xứng” thì phải khôn ngoan và thận trọng.

“Còn điều gì không đáng thì đừng đề cao om sòm kiểu ba phải, nhưng hãy khôn ngoan, đừng phê phán, cũng đừng kết án một cách thiếu suy nghĩ và quá đáng. Nếu điều gì thực sự xấu, thì nên chống đối bằng thái độ dè dặt và thinh lặng hơn là bằng lời nói; song dĩ nhiên khi tinh thần người ta đã sẵn sàng chấp nhận chân lý, chư huynh sẽ lợi dụng những cơ hội thuận tiện để từ từ và âm thầm nhổ nó đi”.(36)

2.6. Rao giảng Lời Chúa, tránh nói về chính trị

Nói với Chúa và nói về Chúa là sứ vụ chính yếu của người thừa sai, nghĩa là chuyên chăm cầu nguyện và rao giảng cho người ta về Chúa. Thói đời vẫn thường len lỏi vào đời sống của các vị thừa sai, đó là thích “lăn tăn nhiều chuyện”. Thánh Bộ khuyên bảo các vị thừa sai chú tâm vào việc rao giảng Lời Chúa, còn những chuyện khác thì đừng đề cập tới trong khi giảng dạy.

“Khi rao giảng Lời Chúa và ban hành các Nhiệm Tích, chư huynh hãy cố gắng đừng hội họp và tụ tập nhiều quá kẻo thiên hạ nghi ngờ mình xách động quần chúng hay xúi dân làm loạn. Hãy cẩn thận sao cho giáo hữu đến dự Thánh lễ một cách hết sức âm thầm: khi họ hội họp nhau, chư huynh chỉ cho họ bàn việc đạo mà thôi và hãy thẳng thắn nghiêm cấm đừng cho cuộc gặp gỡ nhau đó nên dịp để nói hoặc làm chính trị”.(37)

3.  Công đồng Vatican II với Văn hoá

3.1. Thiên Chúa nói theo văn hoá của con người

Bằng nhiều cách thức và nhiều lần, Thiên Chúa đã nói với con người theo ngôn ngữ và trình độ của họ. “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”.(38) Thiên Chúa vẫn tiếp tục nói với con người “theo văn hoá riêng của từng thời đại”.(39)

3.2. Sử dụng văn hoá để phổ biến sứ điệp cứu độ

Sứ điệp cứu độ sẽ không được đón nhận trọn vẹn nếu không có những yếu tố thuộc văn hoá để trình bày sứ điệp đó. Trải qua dòng lịch sử trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, “Giáo Hội đã sử dụng những tài nguyên của các nền văn hóa khác biệt để phổ biến và giải thích cho muôn dân sứ điệp của Chúa Kitô trong khi rao giảng, để tìm tòi và thấu hiểu sâu xa hơn, để diễn tả sứ điệp ấy cách tốt đẹp hơn trong các lễ nghi phụng vụ và trong cuộc sống muôn mặt của cộng đoàn các tín hữu”.(40)

3.3. Không phụ thuộc vào văn hoá

Giáo Hội không thể đồng hoá với một nền văn hoá nào. Nhưng không vì thế mà Giáo Hội loại trừ hết mọi yếu tố mang tính văn hoá của mỗi dân tộc khi Giáo Hội rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô cho dân tộc ấy. “Giáo Hội không bị ràng buộc cách độc quyền và bất khả phân ly với một chủng tộc hay quốc gia, với một lối sống đặc thù hoặc một tập tục cũ hay mới nào, vì Giáo Hội được sai đến với mọi dân tộc thuộc mọi nơi và mọi thời. Trung thành với truyền thống riêng và đồng thời ý thức sứ mệnh phổ quát của mình, Giáo Hội có thể hòa mình với nhiều hình thức văn hóa khác nhau. Nhờ đó, chính Giáo Hội cũng như các nền văn hoá ấy đều được phong phú hơn”.(41)

4.  Đường hướng hội nhập của HĐGMVN

4.1. Hoà vào lòng dân tộc

Người Kitô hữu Việt Nam chỉ có thể hoàn thành vai trò kép: công dân trần gian và công dân Nước Trời khi sống đúng Tin Mừng trong bối cảnh văn hoá của dân tộc. Điều này, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) họp năm 1980 đã đi đến quyết định rằng “chúng ta phải là Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam”.(42)

4.2. Theo tinh thần của Vatican II

Vatican II thực hiện một cuộc đột phá là vừa hướng tới tương lai nhưng cũng phải nhìn lại truyền thống quý giá. Canh tân để thích nghi với thời đại mới, nhưng đồng thời cũng trở về với nguồn mạch sống là Truyền Thống lâu đời của Giáo Hội. Hai chiều kích này không thể thiếu một, mà luôn đi song song với nhau, đan kết với nhau tạo nên một luồng gió mới thổi vào đời sống Giáo Hội một sức sống mới. Giáo Hội tại Việt Nam muốn tiếp tục đường hướng mục vụ của Công đồng Vatican: “Trung thành với tinh thần của Công đồng Vatican II là tinh thần cởi mở, đối thoại và hoà mình với cộng đồng xã hội mình đang sống”.(43)

4.3. Đồng sinh đồng tử với dân tộc và đất nước

Để loan báo Tin Mừng cứu độ cho anh chị em đồng bào của mình, người tín hữu Việt Nam qua tiếng nói chung của các vị mục tử trong Hàng Giáo phẩm đã đi đến quyết định trong chọn lựa sống đồng sinh đồng tử cùng dân tộc và đất nước: “Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước. Công đồng dạy rằng ‘Hội Thánh phải đồng tiến với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ một số phận trần gian với thế giới’ (MV 40,2). Vậy chúng ta phải đồng hành với dân tộc mình, cùng chia sẻ một cộng đồng sinh mạng với dân tộc mình, vì quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ với tính cách vừa là công dân vừa là thành phần Dân Chúa.

Sự gắn bó hoà mình này đưa tới những nhiệm vụ cụ thể mà chúng ta có thể tóm lại trong hai điểm chính:

- Tích cực góp phần cùng đồng bào cả nước bảo vệ và xây dựng tổ quốc.

- Xây dựng trong Hội Thánh một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc”.(44)

4.4. Đồng hành cùng dân tộc

Nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng tổ quốc là nhiệm vụ chung của cả dân tộc, trong đó người Công giáo là một thành phần không nhỏ. HĐGMVN “muốn khẳng định rằng: yêu tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm, như Công đồng nhắc nhở: ‘Các người Kitô giáo từ mọi dân tộc tụ họp trong Hội Thánh, không phân cách với những người khác về chế độ, cũng như về tổ chức xã hội trần gian, nên họ phải sống cho Thiên Chúa và cho Chúa Kitô trong nếp sống lành mạnh của dân tộc mình; là công dân tốt, họ phải thật sự và tích cực vun trồng lòng yêu nước’ (TG 15)”.(45)

4.5.  Xây dựng đời sống đức tin phù hợp với truyền thống dân tộc

Đối với nhiệm vụ xây dựng đời sống đức tin trong xã hội Việt Nam, HĐGMVN dạy là phải “xây dựng trong Hội Thánh một lối sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp hơn với truyền thống dân tộc. Chúng tôi muốn thực hiện điều Công đồng Vatican II đã tuyên bố: ‘Những gì tốt đẹp trong tâm hồn và tư tưởng của loài người hoặc trong lễ nghi và văn hoá riêng của các dân tộc, hoạt động của Hội Thánh không nhằm tiêu diệt, nhưng làm cho lành mạnh, nâng cao và kiện toàn, hầu làm vinh danh Thiên Chúa và mưu cầu hạnh phúc cho con người’ (GH 17,1). Muốn thế, một đàng chúng ta phải đào sâu Thánh Kinh và Thần học để nắm vững những điều cốt yếu của đức tin, đàng khác, phải đào sâu nếp sống của từng dân tộc trong nước, để khám phá ra những giá trị riêng của mỗi dân tộc. Rồi từ đó, chúng ta vận dụng những cái hay trong một kho tàng văn hoá và xây dựng một nếp sống và một lối diễn tả đức tin phù hợp hơn với truyền thống của mỗi dân tộc đang cùng chung sống trên quê hương và trong cộng đồng Hội Thánh này”.(46)

5.  Đức Bênêđictô XVI với Giáo Hội tại Việt Nam

Trong dịp tiếp kiến các giám mục Việt Nam về Toà Thánh để viếng mộ hai thánh Tông Đồ theo quy định của Giáo luật, Đức Bênêđictô XVI đã có bài huấn từ, trong đó có nói về những sự kiện nổi bật của Giáo Hội tại Việt Nam.

5.1. Về Năm Thánh 2010

Năm Thánh của Giáo Hội tại Việt Nam đánh dấu một bước trưởng thành trong công cuộc rao giảng Tin Mừng cho đồng bào dân Việt. Đức Giáo Hoàng cho rằng việc kỷ niệm này “sẽ làm cho Giáo Hội hăng say chia sẻ niềm vui đức tin với tất cả mọi người Việt Nam trong khi canh tân những dấn thân truyền giáo. Trong dịp này, Dân Chúa phải được mời gọi tạ ơn Chúa về hồng ân đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Hồng ân này đã được rất đông các Vị Tử Đạo đón nhận cách quảng đại, sống và làm chứng; các ngài là những người muốn loan báo chân lý và tính phổ quát của niềm tin vào Thiên Chúa. Theo ý nghĩa này, chứng tá về Chúa Kitô là một việc phục vụ cao cả nhất mà Giáo Hội có thể hiến tặng cho Việt Nam và cho tất cả các dân tộc tại Á Châu, bởi vì chứng tá đó đáp ứng sự tìm kiếm sâu xa chân lý và những giá trị bảo đảm cho sự phát triển nhân bản toàn diện (x. Giáo Hội tại Á Châu). Trước nhiều thách đố mà chứng tá này đang gặp phải, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các Giáo phận, giữa các Giáo phận và các Dòng Tu, cũng như giữa các Dòng Tu với nhau”.(47)

5.2. Về Thư Mục vụ năm 1980 của HĐGMVN

“Thư Mục vụ mà Hội đồng Giám mục của Anh Em đã công bố năm 1980 nhấn mạnh đến ‘Giáo Hội Chúa Kitô ở giữa Dân của mình’. Khi đem tới nét đặc thù của mình - là việc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô - Giáo Hội đóng góp vào việc phát triển nhân bản và thiêng liêng của con người, nhưng cũng đồng thời đóng góp vào sự phát triển đất nước. Việc tham gia vào tiến trình này là một bổn phận và một sự đóng góp quan trọng, nhất là vào thời điểm mà Việt Nam đang từ từ mở ra đối với cộng đồng quốc tế”. (48)

 5.3. Về tương quan với cộng đồng chính trị

HĐGMVN đi viếng thăm Ad Limina trong tình hình diễn tiến phức tạp giữa Giáo Hội và Chính Quyền. Điều này cũng làm Đức Thánh Cha bận tâm về đất nước và con người, Giáo Hội và cộng đồng chính trị tại đất nước này. Ngài nói rằng: “Anh Em cũng như Tôi đều biết rằng một sự hợp tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị là điều có thể thực hiện được. Về điểm này, Giáo Hội mời gọi mọi phần tử của mình dấn thân cách trung thành nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Giáo Hội không hề muốn thay thế Chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, Giáo Hội có thể góp phần mình vào đời sống của đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân. Trong khi tham gia cách tích cực, theo như vị trí dành cho mình và theo ơn gọi đặc thù của mình, Giáo Hội không bao giờ miễn trừ cho mình việc thực hành bác ái xét như các hoạt động có tổ chức của các tín hữu, và, đàng khác, không bao giờ có một tình trạng mà trong đó người ta lại không cần tới bác ái của mỗi Kitô hữu, bởi vì con người, ngoài công bình ra, vẫn cần và sẽ còn cần tới tình yêu (TĐ. Thiên Chúa là Tình Yêu, số 29). Ngoài ra, Tôi thấy điều quan trọng này là phải nhấn mạnh rằng các tôn giáo không gây ra mối nguy hiểm cho sự đoàn kết quốc gia, bởi vì tôn giáo nhằm giúp đỡ cá nhân thánh hóa chính mình và, qua các tổ chức của mình, các tôn giáo ước mong phục vụ tha nhân cách quảng đại và hoàn toàn vô vị lợi”.(49)

6.  Léopold-Michel Cadière - Một mẫu gương về hội nhập

Léopold-Michel Cadière (1869-1955) là một linh mục thừa sai (MEP). Chịu chức linh mục khi tuổi đời mới 23, Léopold-Michel Cadière được sai đến một xứ sở hoàn toàn xa và lạ với mình về ngôn ngữ cũng như văn hoá. Khi được sai đến một nơi xa xôi lạ lẫm đó, Léopold-Michel Cadière bắt đầu tạm quên cội rễ của mình để hoà nhập vào nơi mình được sai đến phục vụ. Léopold-Michel Cadière yêu mến sứ vụ mới của mình bằng cả con người mới và lòng say mê nhiệt tình mới. Tinh thần ấy được thể hiện qua những nét được trình bày dưới đây.

6.1. Yêu mến đất nước và con người

Khi đặt chân đến Việt Nam, Léopold-Michel Cadière đã yêu mến xứ sở và con người ở nơi đây. Suốt 63 năm cuộc đời, Léopold-Michel Cadière gắn bó vì đất nước và con người nơi đây, nhất là giải đất Miền Trung; và cuối cùng cũng xin được an nghỉ vĩnh viễn nơi xứ sở này.

“Tôi hiểu người Việt bởi lẽ tôi đã nghiên cứu những gì liên quan đến họ (...). Vì đã nghiên cứu và hiểu người Việt nên thật tình tôi yêu mến họ (...). Tôi yêu mến họ vì trí thông minh, nhạy bén trong suy nghĩ. Tôi đã làm thầy giáo, đã từng giám khảo thi cử, nên về vấn đề này, tôi có thể đưa ra những phán đoán có nền tảng”.(50)

6.2. Say mê học ngôn ngữ và tiếng nói

Léopold-Michel Cadière là một con người gắn bó hết mình với đất nước và con người Việt nói chung, Quảng Bình-Quảng Trị-Huế nói riêng. Ông đã nghiên cứu tỉ mỉ ngôn ngữ và tiếng nói của xứ sở mà ông sinh sống: “Tôi hiểu người Việt bởi lẽ tôi đã nghiên cứu những gì liên quan đến họ. Tôi học tiếng họ từ ngày tôi mới đến, tôi vẫn còn tiếp tục học và nhận thấy rằng tiếng Việt rất tinh tế về mặt cấu trúc, và cũng không nên xem nhẹ sự phong phú về từ ngữ như có người suy nghĩ”.(51)

6.3. Tôn trọng truyền thống văn hoá

Vị thừa sai này gắn bó với xứ sở mình phục vụ, không những là chỉ học để nói tiếng họ nhưng còn tha thiết tìm hiểu tường tận từng con kiến cái cây, từng nếp nghĩ và từng phong tục. Ông không chỉ tìm hiểu về giáo lý của đạo Chúa mà còn nghiên cứu kỹ các tín ngưỡng dân gian của người Việt. Ông không phê phán hay đả phá, nhưng một lòng tôn trọng mọi động thái văn hoá, tín ngưỡng và tôn giáo của người Việt.

“Tôi đã nghiên cứu tín ngưỡng, các thực hành lễ nghi tôn giáo, phong tục tập quán của họ và phải thừa nhận rằng người Việt rất sâu sắc về tôn giáo, tín ngưỡng của họ trong sáng và khi họ cầu cứu đến Trời, tế tự Trời thì cũng có thể họ cũng đến với cùng một Đấng toàn năng mà chính tôi đang thờ kính và gọi bằng Chúa, và tự đáy lòng họ đang lưu giữ một tia sáng tôn giáo tự nhiên mà tạo hóa vốn ấn dấu vào tâm khảm của nhân sinh.

Tôi đã nghiên cứu lịch sử của họ, xuyên qua các thế kỷ, đặc biệt là từ triều Nguyễn, và nhận thấy rằng đất nước Việt Nam, từ nguyên thuỷ, đã không ngừng nung nấu một ý hướng cao về phát triển và tiến bộ, đã miệt mài theo đuổi thực hiện ý hướng ấy với hào hùng can đảm và linh hoạt thích ứng vào từng hoàn cảnh trên con đường tiến bước của mình”.(52)

7.  Tương quan giữa Tin Mừng và Văn hoá

7.1. Văn hoá là không gian sống của Tin Mừng

Tin Mừng không phụ thuộc vào bất cứ nền văn hoá nào, nhưng Tin Mừng không thể sống ngoài không gian văn hoá của các dân tộc. Văn hoá là nơi để Tin Mừng thấm nhuần vào nếp sống của con người, đồng thời văn hoá cũng là môi trường để con người sống Tin Mừng trong nền văn hoá của dân tộc: “văn hoá là không gian sống trong đó con người đến với Tin Mừng, mặt giáp mặt. Nếu đích thực văn hóa là thành quả của cuộc sống và hoạt động của một nhóm người, thì những con người thuộc nhóm đó cũng được uốn nắn một phần bởi nền văn hoá trong đó họ đang sống (...). Từ viễn tượng đó, ta nhận thức rõ hơn tại sao Phúc Âm hoá và hội nhập văn hoá tương quan với nhau cách tự nhiên và mật thiết. Tin Mừng và công cuộc loan báo Tin Mừng chắc chắn không đồng nhất với văn hoá. Tuy nhiên, Nước Thiên Chúa đến với những con người gắn bó sâu xa với một nền văn hoá, và do đó, công cuộc xây dựng Vương Quốc không tránh khỏi việc vay mượn các yếu tố rút ra từ các nền văn hoá nhân loại”.(53)

7.2. Tin Mừng làm đẹp văn hoá

“Phúc Âm của Chúa Kitô không ngừng đổi mới cuộc sống và văn hoá của con người đã sa ngã, chống đối và khử trừ các sai lầm và tai họa phát sinh từ sức quyến rũ thường xuyên của tội lỗi luôn đe doạ. Phúc Âm không ngừng tinh luyện và nâng cao phong hoá các dân tộc. Những đức tính của mọi thời như được Phúc Âm làm cho phong phú từ bên trong, được củng cố, bổ túc và tái tạo trong Chúa Kitô nhờ những ân huệ bởi trời. Như thế, trong khi chu toàn bổn phận riêng, Giáo Hội cũng đồng thời thúc đẩy và góp phần vào công cuộc phát triển văn hóa nhân loại, và nhờ hoạt động của mình, ngay cả trong các nghi lễ phụng vụ, Giáo Hội giáo dục cho con người đạt tới tự do nội tâm”.(54)

7.3. Tương quan hỗ tương

Hạt giống Tin Mừng cần có đất để được gieo vào, để được lớn lên rồi sinh hoa kết trái. “Lời Chúa là hạt giống, vừa nẩy mầm trong đất màu mỡ thấm nhuần sương thiêng, vừa thu hút biến đổi và tiêu hoá màu mỡ đó, để sau cùng mang lại nhiều hoa trái”.(55)

Giáo Hội của Chúa không thể tách ra khỏi mạch sống của các văn hoá mà cần phải “thu nhận tất cả những sự phong phú của các Dân Tộc đã được trao cho Chúa Kitô làm gia nghiệp”.(56) Đồng thời, Giáo Hội hoàn vũ nói chung và mỗi Giáo Hội địa phương nói riêng cũng cần phải “rút ra từ những tập quán và truyền thống, từ lẽ khôn ngoan và nền đạo lý, từ những nghệ thuật và khoa học của dân tộc mình, tất cả những gì có thể góp phần vào việc tuyên xưng vinh quang của Tạo Hóa, làm rạng ngời ân sủng của Ðấng Cứu Chuộc và vào việc tổ chức tốt đẹp đời sống Kitô hữu”.(57)

“Có nhiều mối tương quan giữa sứ điệp cứu độ và văn hoá”.(58) Các mối tương quan đó đều cần đến nhau. Tin Mừng không loại trừ văn hoá, văn hoá không thể không cần đến giá trị Tin Mừng để nên “văn hoá” hơn. Khi cả hai giao lưu và hội nhập với nhau thì “nhờ đó, chính Giáo Hội cũng như các nền văn hóa ấy đều được phong phú hơn.

8.  Thử nêu vấn đề

8.1. Tây làm, sao ta lại không?

Các vị thừa sai người nước ngoài đã đến rao giảng Tin Mừng cho người Việt. Họ là những người xa với người Việt về văn hoá, ngôn ngữ và tín ngưỡng. Thế nhưng, khi chấp nhận sống trên quê hương đất Việt, rất nhiều người trong số họ đã không ngại ngùng “bắt chước” sống như người Việt, và nên “giống Việt”. Điều gì đã làm cho họ nên như thế? Họ đã “nhập gia tuỳ tục” rất tốt. Nhờ thế, họ mới có thể hiểu được người Việt. Nhờ hiểu được người Việt, họ đã trở nên bạn hay người nhà của người Việt. Và cũng nhờ thế, họ mới có thể rao giảng Tin Mừng cho người Việt hiểu mà sống.

Các thừa sai hải ngoại áp dụng nguyên tắc của Thánh Phaolô Tông đồ “Do Thái với Do Thái - Hy Lạp với Hy Lạp” rất tốt. Còn các vị thừa sai, các vị mục tử người Việt thì sao? Họ có là người Việt không? Họ là người Việt sao lại chẳng giống người Việt? Có người học bên Tây để giống Tây, rồi áp dụng cái “tây” vào cái “ta”. Đi du học là để học cho giống “người” và để phải khác “ta” ư? Học về cũng phải dạy cho “ta” cái của “người”, bắt ta giống “người” và phải khác “ta” thì mới là du học sao?! Đó là hội nhập văn hoá ư? Tây bắt chước giống “ta” để sống giữa “ta”, sao ta lại bắt chước “tây” để sống giữa “ta”?! “Tây” hội nhập để giống ta, sao ta lại “nhập hội tây” để khác ta?!

8.2. Làm theo hay làm khác?

Giáo huấn của Giáo Hội về hội nhập văn hoá để tin mừng hoá các nền văn hoá là rất rõ ràng. Đã 350 năm Huấn thị của Bộ Truyền giáo được ban hành, giáo huấn đó có được áp dụng vào bối cảnh Việt Nam không? và được áp dụng như thế nào? Nếu quá trình hội nhập diễn ra đúng như giáo huấn của Giáo Hội, thì những chuyện tốt đẹp có trở nên tồi tệ không? Phải chăng quá trình hội nhập đã bị làm khác đi?

Huấn thị 1659 đã qua 350 năm, nhưng giáo huấn của nó rất còn xa lạ với rất nhiều tín hữu người Việt! Giáo huấn đó có cần tái khám phá nữa không? Giáo huấn đó vẫn còn tính thời sự, nhưng ai là người cần cập nhật đây? để cho “tây” cập nhật (update), còn “ta” thì cho hết hạn sử dụng, lỗi thời rồi (out of date)?! Xưa “làm theo” Huấn thị, còn nay thì cần phải “làm khác” Huấn thị ư?!

Gần đây hơn, Công đồng Vatican II cũng đưa ra giáo huấn về hội nhập và được HĐGMVN áp dụng vào đường hướng mục vụ cho Giáo Hội tại Việt Nam qua thư chung 1980. Những giáo huấn về đường hướng mục vụ trong bối cảnh Việt Nam vẫn còn thời sự và cần thiết. Giáo huấn ấy có được các thành phần trong Dân Chúa tại Việt Nam lắng nghe không? Nghe rồi, liệu có ứng dụng không? và nếu có ứng dụng thì ứng dụng như thế nào?

8.3. Người máy hay máy người?

Trong quá trình hội nhập, có cái được hội nhập nguyên vẹn, có cái được hội nhập kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Thực hiện một vòng quanh đất nước, nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật thánh được thực hiện mang bản sắc văn hoá dân tộc rất đặc trưng; nhưng cũng có những công trình nói được là kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”, tây không ra tây mà ta chẳng ra ta, thà nóng thì nóng hẳn hoặc lạnh thì lạnh hẳn đi, đằng này cũng cũng chẳng nóng mà lạnh cũng chẳng lạnh, hâm hẩm hâm hâm và dở dở ương ương!

Chuyện con khỉ thấy một ông lão chui qua hàng rào lấy mấy quả chuối ăn, khỉ thấy vậy cũng chui qua nhưng vừa chui vào là bị dính ngay cái bẫy ông lão đặt nhử mà chú khỉ không biết. Hội nhập kiểu chắp vá, thấy người ta làm mình cũng làm theo mà không nắm bắt được những nguyên tắc của nghệ thuật thánh, kiến trúc dân tộc... Làm theo kiểu máy móc chẳng lẽ không bị mắc bẫy? Rồi cứ loay hoay rối bù đầu như gà mắc tóc? Nhìn một anh chàng đầu tóc bóng láng, mặc áo vét đeo cà vạt, nhưng lại mang quần đùi, đi dép cao su, tay xách cà táp, người ta sẽ biết là anh đang làm xiếc, làm hề chứ ai nói anh là một vị víp chuẩn bị đón khách quý!? Hội nhập văn hoá mà cứ làm xiếc thì người ta không cười cho mới là lạ?

Không thể nhập hội vui cùng bạn bè, nếu không “thay da đổi thịt”, nếu không mặc đồng phục giống như chúng bạn. Mặc khác người, mặc rách nát sẽ bị loại ra khỏi cuộc vui tiệc cưới.(59) Tin Mừng sẽ không thể đi vào tâm thức người Việt nếu chỉ đứng bên ngoài, nếu không mặc lấy bộ quần áo mang bản sắc văn hoá Việt; nếu không mặc lấy truyền thống văn hoá và tâm thức người Việt thì đức tin sẽ bị loại ra rìa, khỏi chơi!!!

Một cái người máy (robot) có thể làm những thao tác nhuần nhuyễn được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng không thể cảm nhận được cái tâm trạng của mình mỗi lần thực hiện cùng một thao tác. Một người máy không thể sáng tạo trong quá trình làm việc hay thực hiện chương trình, nó chỉ có thể làm theo những gì đã được lập trình sẵn. Máy người là một con người làm việc như một cái máy. Máy người có khác người máy không? Có lẽ không khác nhau lắm! Nếu khác, thì có chăng chỉ là cái cảm nhận! Còn cái tư duy thì sao? Có lẽ chỉ biết làm theo để đạt công suất như một cái máy thì đấy mới là tư duy thời IT (information technology-công nghệ thông tin)?

Hội nhập văn hoá có được phép thực hiện như một người máy? Hội nhập văn hoá có diễn tiến như một con người làm giống cái máy? Lao động là sáng tạo. Hội nhập cũng cần phải có sáng tạo, nhưng sáng tạo phải dựa trên nền vững chắc là Mầu nhiệm Nhập Thể. Cái gì cần hội nhập thì hội nhập. Cái gì không cần hội nhập thì thôi. Cái gì cần sửa thì sửa. Cái gì cần loại bỏ thì loại bỏ. Cái gì cần lên án thì lên án. Cái gì cần cứu thì phải cứu! Sao lại cứ cố gượng, cố ép vào khuôn? Hội nhập không thể như người máy hoặc máy người.

Kết luận

350 năm Giáo Hội được xây dựng trên đất Việt. 350 năm so với truyền thống 4.000 năm văn hiến của Nước Việt thì chưa thấm vào đâu! 350 năm đức tin được ươm mầm trong dòng máu của nhiều con cháu Lạc Hồng. Ngẫm mà xem sau 350 năm, trong lối sống và cách diễn tả đức tin, cái gì mang bản sắc văn hoá và cái gì thì không? Khó mà định hình được nét đặc sắc trong lối sống đạo tại Việt Nam!

Với nhiều người, “Đạo Chúa” rất xa lạ, là của người ta, là của ngoại nhập vào. Đối với nhiều người, giáo lý của Chúa chẳng ăn nhằm gì với cuộc sống của họ. Và đối với nhiều người giáo huấn do Giáo Hội dạy không thấm nhập vào nếp nghĩ của họ. Tại sao thế?! Những cái đó có làm cho người tín hữu, nhất là các vị mục tử đáng suy nghĩ không? Nguyên nhân nào làm cho Giáo Hội sau 350 năm vẫn là xa lạ với đồng bào dân tộc? Sau 30 năm tinh thần của Vatican II được HĐGMVN lấy làm kim chỉ nam cho đường hướng mục vụ có được đông đảo trong gia đình Hội Thánh tại Việt Nam thực hiện không? hay chỉ là tài liệu để tủ kính lâu lâu đem ra xem chơi, hay khi gặp tình cảnh éo le trên đe dưới búa đưa ra để làm dịu bớt nhiệt độ căng thẳng giữa “bên này” và “bên kia”? Tại sao đức tin vẫn đang nằm trong tình trạng được coi là “văn hoá độc hại” cần phải loại bỏ trong tâm thức của nhiều người Việt? Đức tin có thực sự là thứ đe doạ “thuần phong mỹ tục” của dân tộc như nhiều người vẫn nghĩ không? Tại sao sau bao nhiêu năm Tin Mừng được rao giảng trên đất Việt, đến ngày nay vẫn còn bị coi là thứ “ngoại lai”, là “tà”... Tại sao đức tin chưa được coi là của “ta” nhưng là của “tây”, phải chăng đức tin ấy chưa thành văn hoá, chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa được suy tư và sống một cách chân thành? Đức Gioan Phaolô II phát biểu rằng: “Một đức tin mà chưa biến thành văn hoá, là đức tin chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa thực sự suy tư, chưa sống một cách chân thành”.(60)

Những cái “tại sao” có tiếp tục thôi thúc người tín hữu Việt đón nhận, suy tư và sống đức tin trong bối cảnh truyền thống của dân tộc không? Mong rằng Năm Thánh 2010 là cơ hội thuận tiện để người Kitô hữu Việt tìm cách giải đáp những vấn nạn đó trong tương lai làm chứng tá cho Đức Kitô trên quê hương dân tộc Việt Nam thân yêu ngõ hầu đức tin trở thành là cái của ta, cái gần gũi như máu thịt của dòng dõi con Rồng cháu Tiên.

-----------------------------------

(1) Ga 1,14.

(2) x. Ga 1,16.17.

(3) x. Ga 17,3.

(4) Công đồng Vatican II, Gaudium et Spes (GS), số 22b. (Bản dịch Việt ngữ do Phân Khoa Thần học - Giáo hoàng Học viện PiôX - Đà Lạt thực hiện. Trong bài viết này, các trích dẫn của Công đồng Vatican II được dẫn lại từ website của Mạng Lưới Cầu Nguyện: www.thanhlinh.net).

(5) Vatican II, GS, số 22a.

(6) Sđd, số 22a; xin coi thêm Dt 4,15.

(7) Lc 19,10.

(8) Lc 15,1tt.

(9) 1 Pr 5,8.

(10) Mt 15,13.

(11) x. Mt 4,1tt; Mt 9,33; Mt 17,18; Mc 7,29-30…

(12) x. Các Sách Tin Mừng.

(13) x. Mt 23,1tt.

(14) Đức Giêsu làm việc gì và đi đâu cũng đều bị giới Pharisêu và kinh sư theo dõi để tìm cớ “bắt nạt”. Khi chạm trán là có chuyện!

(15) x. Ep 1,3-13.

(16) Đức Gioan Phaolô II, Giáo Hội tại Á Châu, số 5; xin coi thêm: John Paul II, Letter Concerning Pilgrimage to the Places Linked to the History of Salvation (29 June 1999), 3: L’Osservatore Romano (30 June – 1 July 1999), 8.

(17) Mt 5,17-18.

(18) x. Ep 1,10.

(19) x. Mt 23,1tt.

(20) x. Lc 15,1-32.

(21) x. 2 Cr 8,9.

(22) Ga 10,10.

(23) x. Gm. Nguyễn Thái Hợp, Léopold Cadière và Hội nhập Văn hoá: một kinh nghiệm loan báo Tin Mừng (Tham luận tại Hội thảo về “Thân thế và Sự nghiệp của Linh mục Léopold Cadière” tại Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận Huế, ngày 7-9/09/2010). Truy cập ngày 12/09/2010; http://boxitvn.blogspot.com/2010/09/leopold-cadiere-va-hoi-nhap-van-hoa-mot.html.

(24) x. Công đồng Vatican II, Gaudium et Spes, 58§3.

(25) x. 1 Tm 2,4.

(26) Ga 3,16-17.

(27) Mt 28,18-20.

(28) Vatican II, Lumen Gentium, số 52.

(29) x. Đỗ Quang Chính, SJ., Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam, Nhà Xuất bản Tôn Giáo, TP.HCM, 2008, tr. 20.

(30) H. Chappoulie, Aux origines d’ une Église, Rome et les Missions d’ Indochine, Tome I, Paris, 1943, pp. 392-402. Bản dịch tiếng Việt của Đại chủng viện Xuân Bích Huế, được thực hiện dựa trên bản tiếng Pháp của Mlle Achard, Le Siège apostolique et les Missions, textes et documents pontificaux, I, 2me Édition, Paris-Lyon, 1959, pp. 9-20 được đăng trong Sacerdos – Linh mục Nguyệt-san, Sài Gòn, Số 43, tháng 7-1965, tr. 425-441. Trong bài này, người viết trích lại trong Đỗ Quang Chính, SJ., Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Tp.HCM, 2008, tr. 119-135. Xin coi thêm Lm Bùi Đức Sinh, O.P., M.A., Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, Tập I, In lần II, Calgary – Canada, tr. 235-241.

(31) Thánh Bộ Truyền Giáo, Huấn Thị 1569. Dẫn lại trong Đỗ Quang Chính, SJ., Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn Giáo, Tp.HCM, 2008, tr. 125.

(32) x. Bùi Đức Sinh, Sđd.

(33) Thánh Bộ Truyền giáo, Huấn thị 1659, dẫn lại trong Đỗ Quang Chính, SJ., Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam, Nhà Xuất bản Tôn Giáo, TP.HCM, 2008, tr. 129.

(34) Thánh Bộ Truyền giáo, Huấn thị 1659, dẫn lại trong Đỗ Quang Chính, SJ., Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam, Nhà Xuất bản Tôn Giáo, TP.HCM, 2008, tr. 130.

(35) Thánh Bộ Truyền giáo, Huấn thị 1659, dẫn lại trong Đỗ Quang Chính, SJ., Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam, Nhà Xuất bản Tôn Giáo, TP.HCM, 2008, tr. 131.

(36) Thánh Bộ Truyền giáo, Huấn thị 1659, dẫn lại trong Đỗ Quang Chính, SJ., Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam, Nhà Xuất bản Tôn Giáo, TP.HCM, 2008, tr. 121-132.

(37) Thánh Bộ Truyền giáo, Huấn thị 1659, dẫn lại trong Đỗ Quang Chính, SJ., Hai giám mục đầu tiên tại Việt Nam, Nhà Xuất bản Tôn Giáo, TP.HCM, 2008, tr. 32-133.

(38) Dt 1,1-2.

(39) Vatican II, GS, 58a.

(40) Vatican II, Sđd, 58b.

(41) Sđd, 58c.

(42) HĐGMVN, Thư chung năm 1980, số 8.

(43) HĐGMVN, Sđd, số 8.

(44) HĐGMVN, Sđd, số 9.

(45) Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Sđd, số 10.

(46) Sđd, số 11.

(47) Đức Bênêđictô XVI, Huấn từ cho các giám mục Việt Nam Ad Limina 2009. Truy cập ngày 27/06/2009; http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=8&Act=Detail&ID=538&CateID=63

(48) Đức Bênêđictô XVI, Sđd.

(49) Đức Bênêđictô XVI, Sđd.

(50) Dẫn lại trong Nguyễn Hữu Châu Phan, Huế: dưới con mắt L. Cadière – L. Cadière dưới mắt một người Huế. Truy cập ngày 17/09/2010; http://www.dunglac.org/index.php?m=module3&v=chapter&ib=583&ict=8355.

(51) Dẫn lại trong Nguyễn Hữu Châu Phan, Sđd.

(52) Dẫn lại trong Nguyễn Hữu Châu Phan, Sđd.

(53) Đức Gioan Phaolô II, Giáo Hội tại Á châu, số 21.

(54) GS, 58.

(55) Vatican II, Ad Gentes, 22.

(56) Vatican II, Sđd.

(57) Vatican II, Sđd.

(58) Vatican II, Gaudium et Spes, số 58.

(59) Xin coi dụ ngôn “Tiệc Cưới” trong Mt 22,1-14.

(60) Đức Gioan Phaolô II, Văn thư thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng Về Văn Hoá, ngày 20 tháng 5 năm 1982. Dẫn lại trong Gm. Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Tương quan phong phú giữa văn hoá và đức tin. Truy cập ngày 27/09/2010; http://www.dunglac.org/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=54&ia=2950

FX. Trần Kim Ngọc op