TƯỜNG TRÌNH VỀ CÔNG TÁC CỨU TRỢ NẠN NHÂN BÃO LỤT SỐ 7

     

Kính thưa Quý Đức cha và Quý vị,

Ngay sau khi được tin cơn bão số 7 (Damrey) tàn phá các tỉnh miền Bắc, vào ngày 27-9-2005, Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM VN) và Uỷ ban Bác ái Xã hội (UB BAXH) thuộc HĐGM VN đã phát đi lời kêu gọi trợ giúp khẩn cấp các nạn nhân. Đoàn đại diện HĐGMVN và Uỷ ban đã đến tận nơi để thăm hỏi, tìm các biện pháp cứu trợ nạn nhân và tái thiết các vùng bị tàn phá sau cơn bão.

Đoàn gồm linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Thư ký thường trực của HĐGM VN kiêm Tổng Thư ký UB BAXH và anh Martinô Trần Tuấn Huy, Phó Tổng thư ký UB BAXH. Từ ngày 30-9 đến 3-10-2005, Đoàn đã đến các nơi bị thiệt hại tại các giáo phận Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hoá, Hải Phòng từ vùng cao bị lũ đến vùng thấp bị lụt, làm việc với các Đức cha và các cha phụ trách Ban Bác ái Xã hội của 4 giáo phận này và gửi những số tiền cứu trợ khẩn cấp cho 5 giáo phận Bùi Chu 5.000 USD, Phát Diệm 70 triệu đồng, Thanh Hoá 10.000 USD, Hải Phòng 30 triệu đồng+1.500 USD và Hưng Hoá 3.500 USD. Tổng trị giá là 420 triệu đồng. Số tiền cứu trợ khẩn cấp này chủ yếu để mua gạo cứu đói cho những nạn nhân cực kỳ nghèo khổ sau cơn bão, tương đương với hơn 100 tấn gạo. Sau đây là phần trình bày chi tiết chuyến đi và một vài đường hướng cho công cuộc cứu trợ, phục hồi các nạn nhân vùng bão.

 

 

Đoạn đê dài nhất bị vỡ ở Hải Hậu, Bùi Chu tất cả vuông tôm bị mất trắng (hình 1)

 

1. Ngày 30-9-2005

Đến phi trường Nội Bài của Hà Nội lúc 9g sáng, chúng tôi đi cùng với cha Tôma A. Nguyễn Xuân Thuỷ, phụ trách Văn phòng Tổng Giám mục Hà Nội và cha Gioan Lê Trọng Cung về ngay xứ Phương Chính, xã Hải Hoà và Hải Triều, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Trước mắt chúng tôi là một con đê dài ngăn biển và đất liền nay đã bị phá nhiều chỗ, chỗ dài nhất 300-400m. Nước biển tràn vào nên các ao nuôi tôm, cua mất trắng. Các đồng lúa sắp gặt bị nước mặn ngập úng, theo dự đoán khoảng 3-4 năm nữa mới có thể phục hồi. Dọc theo con đê là những lỗ hổng lở sâu vì khi nước biển tràn vào, mặt lưng của đê không có bờ đá chắn sóng như mặt trước nên đã bị nước ngấm vào và sạt lở.

Khu nghỉ mát Thịnh Long nằm sát bờ biển bây giờ chỉ còn là một đống đổ nát. Những đợt sóng biển đưa cát vào sâu trong đất liền dày tới 10 cm. Con đường xi măng dọc theo bờ  biển cho ô tô đi lại ngày nào, nay đã bị xới lên từng mảng tựa như  tấm bánh đa (tráng)  vỡ nát. Các ngôi nhà gạch sát biển, cái đổ, cái còn, những cửa gỗ và vật dụng đã bị gió giật tung chỉ còn lại căn nhà trống hơ, trống hoác.

Xã Hải Hoà và xã Hải Triều có khoảng 20 ngàn dân đang bị đói, trong đó có 8.060 giáo dân vì bão và nước biển dâng cao đã cuốn đi lương thực dự trữ. Khi nghe tin đê vỡ và có lệnh di tản, họ chỉ kịp vơ vội ít quần áo và chạy lên nhà thờ Phương Chính là điểm cao nhất để tránh con nước dữ.

Với tình hình thiệt hại trầm trọng như thế, Toà Giám mục Bùi Chu đã gọi khẩn cấp cho chúng tôi tối hôm trước khi còn ở Thành phố Hồ Chí Minh để xin 12 tấn gạo cho những người dân vùng bão. Chính quyền địa phương cũng đã kịp thời cấp chomỗi người dân 4 gói mì và nước ngọt trong 4 ngày vừa qua. Chúng tôi đã chuyển ngay số tiền cho Đức cha Bùi Chu mua 20 tấn gạo (4 triệu đồng/tấn) để giúp cho 5 xứ đạo và toàn bộ người dân ở đây không phân biệt tôn giáo.

 

Những người dân Hải Hoà đang ra sức phục hồi đoạn đê đã bị cơn bão phá vỡ (hình số 2)

 

       Hình ảnh những người dân đang vội vã đắp lại những đoạn đê trọng yếu sát làng như thúc giục chúng ta cần giúp họ phục hồi cuộc sống. Theo dự đoán phải 2 tháng nữa mới có thể hoàn thành. Nhưng đó cũng chỉ là những bao cát chắp vá tạm thời. Chỉ cần một cơn bão nhỏ với sức gió cấp 7- 8 cũng đủ phá huỷ con đê một lần nữa. Còn muốn đắp đê với kè đá như cũ đòi hỏi một số tiền hàng chục tỷ đồng thì người dân địa phương không thể có được. Chính vì thế việc tái thiết các vùng này rất cần có sự giúp đỡ, đóng góp của các cơ quan cứu trợ quốc tế.

Rời xã Hải Triều lúc 16g, chúng tôi về tới Toà Giám mục Bùi Chu ở xã Xuân Ngọc lúc 17g30. Chúng tôi nghe Đức cha Giuse Hoàng Văn Tiệm tổng kết tình hình dân số bị ngập lụt và các thiệt hại ở Bùi Chu để tìm ra một vài giải pháp cứu trợ hiệu quả. Tối đó chúng tôi được tham dự nghi lễ làm phép các tượng đài trong công trình Đức Mẹ Mân Côi và lần hạt cầu nguyện cho đồng bào đang bị nạn. 

2. Ngày 1-10-2005, 4g30 sáng, chúng tôi dậy sớm, tham dự thánh lễ chung với các chủng sinh, 200 tu sĩ và tập sinh thuộc 4 dòng tu đang có mặt để học tập và tĩnh tâm hàng tháng tại đây.

Các vuông tôm, ao cá ở Hải Hậu, Bùi Chu đang bị ngập nước và dân nghèo đang sục tìm vài con tôm còn sót lại! (hình số 3)

       7g sáng, chúng tôi rời Toà Giám mục Bùi Chu, đi đường tắt khoảng 60 km để sang thăm đồng bào ở Phát Diệm. 9g chúng tôi gặp Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến ở Toà Giám mục và ngài kể cho chúng tôi vài nét sơ lược về tình hình bão lụt tại các nơi: phía Công giáo có 67 nhà bị đổ, 840 ngôi nhà bị tốc mái hư hại, trong đó có một số nhà thờ. Toàn tỉnh Ninh Bình có 2 người chết, 22.822 hecta đất bị ngập úng; 970 hecta đầm tôm, cá bị ngập nước , 181 ngôi nhà đổ, 8.960 ngôi nhà bị tốc mái, 12 trường học bị đổ, 315 trường bị hư hại, 350 m đê sông Đáy bị sạt lở, rất may đê Bình Minh ngăn biển không bị vỡ.

9g30 chúng tôi cùng đi với Đức cha đến xứ Cồn Thoi, xã Kim Đồng, huyện Kim Sơn. Vùng đất bồi này nằm sát bờ biển với 10 ngàn dân cư nên chịu nhiều thiệt hại hơn so với các nơi khác. Dù đê không bị vỡ nhưng nước biển đã tràn khỏi mặt đê, ngấm sâu vào vùng trồng lúa đang trổ đòng nên 60% hoa màu bị mất. 2 ngàn hộ nuôi tôm, cua bị mất trắng do nước ngập trên 1 m. Nhà cửa tuy không thiệt hại nhiều, đồ dùng vẫn còn, nhưng nhiều mùa liên tiếp sắp tới sẽ bị “thất thu” vì nước mặn ngấm vào đất màu. Chúng tôi tới thăm xứ Kim Chung vừa mới thành lập với ngôi nhà thờ tạm thời mà mái tôn bị bay mất. 12g trưa chúng tôi trở về Toà Giám mục. Sau bữa ăn trưa vội vã, 13g30 chúng tôi lại lên đường đi thăm một số xứ đạo ở vùng cao thiệt hại vì lũ sau cơn bão.

Theo quốc lộ 12, chúng tôi ngược lên vùng cao đến xứ Vô Hốt (cha Antôn Đoàn Minh Hải là quản xứ), xã Lạc Vân, huyện Nho Quan. Giáo xứ này có hơn 8 ngàn giáo dân. Một ngày trước đó đường hãy còn bị ngập không đi được. Một số nhà bị sụp đổ, 110 nhà giáo dân bị hư hại. Chính quyền mới chỉ lên danh sách nhà bị đổ và chưa trợ giúp được gì. Cơn bão kèm theo mưa nhiều đã gây ngập úng ở nhiều nơi, có nơi lên cao 2 m. Hàng chục ngàn người lâm vào cảnh đói khổ vì lúa chưa gặt kịp. Do đó, ngoài số tiền đưa cho Đức cha Phát Diệm, chúng tôi không thể đành lòng nhìn nhiều người bị đói nên đưa thêm số tiền là 20 triệu để mua 5 tấn gạo cứu trợ cấp thời. Trên đường đi, chúng tôi không nén được xúc động khi nhìn thấy những cánh đồng lúa sắp gặt bị chôn vùi trong biển nước đang dần dần hư thối. Chúng tôi lần hạt liên tục cầu nguyện để xin Chúa và Đức Mẹ an ủi các nạn nhân trong cơn thử thách này.

Xứ Vô Hốt có 16 họ lẻ, chúng tôi đi trên mặt đê để đến thăm 2 họ Tứ Mỹ và Đồng Đinh. Nhờ những người địa phương dẫn đường chúng tôi mới thấy rõ hơn những thiệt hại lớn lao do cơn bão gây nên: cả cánh đồng hàng trăm mẫu biến thành biển nước. Những thân lúa ngập sâu dưới mặt nước nên ngay cả vịt cũng không thể kiếm ăn, mùa màng mất trắng. Nhiều chỗ đường xấu phải đi bộ, có chỗ xe bị ngập sâu trong bùn, kéo đẩy mãi mới đi được.

 

Cả cánh đồng lúa bao la của Họ Tứ Mỹ và Đồng Đinh, xứ Vô Hốt, Ninh Bình, giờ đây chỉ là một biển nước mênh mông (hình số 4)

 

Sau khi đã vượt hơn 100km từ Nho Quan, 19g chúng tôi tới Toà Giám mục Thanh Hoá. Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh đón tiếp chúng tôi rất nồng hậu. Sau bữa ăn tối, chúng tôi bàn luận với ngài về những khó khăn và giải pháp để cứu các vùng bị lũ, từ 20g30 đến 23g30.

Thanh Hoá là tỉnh thiệt hại nặng nề vì đây là nơi tâm bão đi qua. Báo Tuổi Trẻ ngày 1-10-2005, tr.7, thông báo trong tổng số thiệt hại là 1.797 tỷ, Thanh Hoá đã chiếm: 747 tỷ, Nam Định: 517 tỷ, Thái Bình: 178 tỷ, Ninh Bình: 150 tỷ. Nhưng tính đến ngày 3-10, Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt Trung ương đưa ra con số thiệt là 3.393 tỷ (Báo Tuổi Trẻ, ngày 3-10-2005, tr.1).

3. Ngày 2-10-2005. Sau Thánh lễ Chúa Nhật, 7g15 sáng, chúng tôi đi lên các vùng cao bị lũ quét. Sau đoạn đường hơn 60km về phía Tây, chúng tôi đến xứ Phúc Địa, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, do cha JB. Trịnh Quốc Vương quản nhiệm. Xứ đạo gồm 7.300 giáo dân và 600 người không Công giáo. Vì đê bị vỡ nên nước tràn ngập đồng ruộng khiến nhiều ruộng lúa thất thu, 600 hecta mía bị gẫy ngọn và ngập úng nên thiệt hại khá nặng nề. Có đến 70% hộ dân ở đây bị trắng tay. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn an tâm vì lòng đạo và niềm tin của người dân ở đây rất mạnh. Dù đang đói khổ nhưng hơn 300 giáo lý viên trẻ vẫn đến nhà thờ để học hỏi giáo lý vào buổi sáng Chúa Nhật. Buổi chiều hơn 400 thiếu nữ và các bà mẹ trẻ kết hợp dâng hoa kính Đức Mẹ tại sân vận động xã. Nhà cửa không bị hư hại nhiều nhưng lúa và mía không còn, dân không tìm được gạo cho những tháng tới.

 

Hàng trăm hecta mía ở xứ Phúc Địa, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hoá bị gẫy ngọn và mất trắng (hình số 5)

 

    Về lại Thanh Hoá lúc 12 g, chúng tôi ăn trưa cùng với Đức cha Thanh Hoá rồi đi thăm các nạn nhân vùng biển. Đến giáo xứ Đa Phạn, xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc cách Thanh Hoá 40km về phía Đông, chúng tôi quan sát thấy vùng này có hàng trăm mét đê ngăn mặn bị vỡ. Nước biển tràn ngập đồng lúa, ao cá, vuông tôm. Những cánh đồng sắp gặt bây giờ thả mặc cho đàn vịt đến ăn trên những thân lúa sắp hư thối. Các khoảng đất trồng khoai lang bị “cháy” vì ngập mặn. Người dân đã được sơ tán kịp thời nên không thiệt hại về người nhưng đang lâm vào cảnh đói. Chính quyền đã kịp thời cấp 3 gói mì cho mỗi người trong những ngày bị bão, công tác cứu trợ khẩn cấp cần tiếp tục trong những ngày sắp tới vì thiệt hại lớn lao.

 

Đức cha Thanh Hoá với những bao gạo cứu trợ của HĐGM VN đang ngỏ lời với giáo dân Đa Phạn

(hình số 6)

 

HĐGM VN và UB BAXH đã gửi tới số tiền tương đương với 40 tấn gạo và chuyển ngay một số bao gạo cho những người đang đói. Đức cha Thanh Hoá và chúng tôi nghĩ đến việc ra đi của những người trẻ. Họ có thể sẽ ra Hà Nội hoặc xuôi vào Nam để kiếm việc làm. Nhưng những người nông dân trẻ ấy sẽ làm gì khi không biết một nghề nào, ngoài việc cầm cái cuốc cái cày? Có lẽ họ chỉ trôi dạt vào các thành phố lớn để làm thợ hồ cho những công trường xây dựng để mặc những người chủ thầu vắt kiệt sức trẻ của họ. Còn các thiếu nữ sẽ tìm được việc gì ngoài việc phụ bàn ở các quán ăn, giúp việc trong gia đình và nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng họ sẽ xa vào tay những kẻ buôn người khiến nhân phẩm bị chà đạp, tổn hại.

16g30 chúng tôi rời Thanh Hoá và về đến Hà Nội lúc 19g20, sau quãng đường 140km để kịp ngày mai đi thăm giáo phận Hải Phòng.

4. Ngày 3-10-2005, từ 7g-8g, chúng tôi cùng bàn luận về việc đào tạo nhân sự, nhất là cho các vùng bị lũ lụt, với Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Gp. Hà Nội. Sau đó chúng tôi đến Nhà Xuất bản Tôn Giáo làm việc với các viên chức ở đây để chuẩn bị in tập Daily Gospel cho các Bạn trẻ trong năm “ Sống Lời Chúa” của Giáo hội Việt Nam.

10g30 chúng tôi bắt đầu đi Hải Phòng cách Hà Nội 120km để gặp Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên. 12g30, chúng tôi đến Toà Giám mục và nghe Đức cha cho biết những thông tin về thiệt hại của giáo phận Hải Phòng. Nhiều vùng ven biển bị nước mặn tràn vào khi những tuyến đê bị vỡ, nhiều nhà cửa ở vùng ven biển bị đổ nát hư hại, các đồng lúa bị ngập mặn. Khi chúng tôi đến đây giáo phận chưa có con số tổng kết, vì 14g cùng ngày, đại diện các xứ đạo vùng bão mới tụ về Toà Giám mục để báo cáo tình hình. Tuy nhiên, chúng tôi phải rời Toà Giám mục lúc 13g30 để về Hà Nội cho kịp chuyến bay muộn vào lại Thành phố Hồ Chí Minh.

 Buổi làm việc với Đức cha Giuse Vũ Văn Thiên về những thiệt hại do lũ lụt tại Gp. Hải Phòng.

(hình số 7)

 16g30 chúng tôi đến chào thăm Đức Hồng y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, năm nay đã 86 tuổi, và ngài rất quan tâm đến các công việc của HĐGM VN cũng như lo lắng cho các nạn nhân bão lụt.

Chúng tôi không thể lên thăm xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái được vì cách Hà Nội tới 300 km và Đức cha giáo phận Hưng Hoá lại đang ở Cần Thơ để lo tang lễ cho linh mục Antôn Nguyễn Hữu Văn. Lũ quét đã gây nên thiệt hại lớn lao với 51 người chết và một số nhà cửa bị đổ nát, ruộng vườn bị hư hại. HĐGM VN và UB BAXH đã gửi tiền cứu trợ cho Đức cha Antôn Vũ Huy Chương để giúp đỡ các nạn nhân.

21g30, ngày 3-10, đoàn về đến TP.HCM. Chúng tôi không ngừng cầu nguyện cho các nạn nhân, kẻ chết cũng như người sống, được Người Mẹ Mân Côi chuyển cầu đặc biệt trong tháng này.

Dù HĐGM VN không có nhiều tiền bạc hay phương tiện vật chất, nhưng với ơn Chúa, chúng ta vẫn hy vọng tìm ra những giảp pháp cứu trợ hữu hiệu và phục hồi nhanh chóng cho đồng bào thân yêu, nếu mỗi người chúng ta rộng mở tấm lòng nhân ái và bàn tay quảng đại. Những nụ cười và ánh mắt trong sáng của các em bé ở họ Phương Mộ, xứ Đa Phạn, giáo phận Thanh Hoá, như  muốn nhắn gửi chúng ta điều đó.

Các thiếu nhi họ Phương Mộ, xứ Đa Phạn

Gp. Thanh Hoá,  vẫn hồn nhiên dù gia đình các em đang gặp hoạn nạn. (hình số 8)

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

 Trích Bản tin Công Giáo Việt Nam, ngày 12-10-2005

 

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam