THỬ  NHÌN LẠI …

Lm Nguyễn Hồng Giáo, dòng Phanxicô

I- SỰ KIỆN

Khoảng giữa tháng 3 năm 2008, một giáo dân có học thức hỏi ý kiến tôi về vụ đất đai Toà Khâm Sứ cũ tại Hà Nội; người ấy nặng lời phê phán Giáo Hội Việt Nam và đặc biệt là Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã dùng hình thức cầu nguyện để đòi lại khu đất và đưa vụ việc dần dần tiến đến đối đầu với nhà nước. Vào thời điểm đó, tình hình đã lắng dịu sau khi Toà Thánh Vatican gởi thư  đề 30-1-2008 cho Đức TGM Hà Nội tỏ ý lo ngại về  những diễn biến như vừa qua có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và cản trở một cuộc đối thoại hoà bình giữa các bên. Tôi đã trả lời vắn tắt ba điểm như sau:

Sau lá thư của Toà Thánh, các cuộc tụ họp cầu nguyện ở khu đất Toà Khâm sứ cũ đã chấm dứt và đã có những dấu hiệu báo rằng mọi sự sẽ được giải quyết tích cực, ổn thoả, nghĩa là khu nhà đất sẽ được trả lại cho Giáo Hội. Trong lá thư ngày 1-2-2008 gởi cộng đồng dân Chúa tại Hà Nội, Đức TGM Ngô Quang Kiệt đã biểu lộ rõ ràng niềm tin tưởng đó. Thế nhưng đợi mãi vẫn không thấy động tĩnh gì về phía chính quyền. Có thể vì trong lúc đó, những cuộc tập họp cầu nguyện đòi đất bên giáo xứ Thái Hà thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa - khởi đầu từ tháng 11-2007-  vẫn tiếp tục diễn ra và xem ra còn căng thẳng hơn ở 42 phố Nhà Chung, khiến cho chính quyền phải lúng túng. (Nên nhớ, lá thư của Toà Thánh gởi Đức TGM Hà Nội chỉ liên quan tới vụ toà Khâm sứ cũ mà thôi). Nhưng rồi cuối cùng, vào tháng 9-2008,  chính quyền cũng đã quyết định biến những khu đất tranh chấp ở hai nơi thành công viên xanh cho nhân dân sử dụng, và tình hình trở lại yên ổn mặc dù phía Giáo Hội vẫn không từ bỏ quyền của mình đối với những nhà, đất ấy.

Hôm nay nhìn lại toàn bộ vụ việc, tôi vẫn giữ nguyên ba điểm phát biểu hồi giữa tháng 3- 2008. Xin được diễn giải.

II- SUY NGHĨ

1- Ngày 15-12-2007 khi viết thư kêu gọi linh mục-tu sĩ-chủng sinh và giáo dân Hà Nội “tích cực cầu nguyện để những nơi tôn nghiêm của tôn giáo được tôn trọng, nhu cầu chính đáng của giáo phận và của Hội đồng Giám mục được đáp ứng”, tôi thiển nghĩ Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt không cố ý tạo nên “những căng thẳng giữa Tổng Giáo phận của Đức Cha và Chính Quyền sở tại” (nguyên văn của Hồng y Quốc vụ khanh trong thư đề ngày 30-1-2008), có chăng, ngài đã không lường trước những diễn biến ngày càng phức tạp sẽ đưa tới tình hình mà có người coi như đối đầu với chính quyền. Tôi nghĩ rằng Đức Tổng không có ý đi ngược lại chủ trương chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng như của Toà Thánh Vatican (đối thoại thay vì đối đầu). Cụ thể là Đức Hồng y Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone, sau khi bày tỏ sự thán phục  về “lòng quí mến nhiệt tình và sự gắn bó sâu xa của hàng ngàn giáo dân với Giáo Hội và với Toà Thánh vì họ đã liên tục biểu lộ bằng cách hoà nhã tụ họp nhau lại để cầu nguyện…”, đã nói lên nỗi lo lắng trước mối nguy hiểm là những cuộc tụ họp như vậy nếu cứ tiếp diễn, sẽ “có thể biến thành biểu tình bạo ngôn hay bạo lực”. Người ta đã thấy một vài dấu hiệu về nguy cơ đó xuất hiện trước khi Vatican can thiệp.

Một hành động như việc tập họp đông người dù là để cầu nguyện (và nên nhớ nhiều cuộc tập họp cầu nguyện nói đây diễn ra ngoài nhà thờ), nếu cứ được tiếp tục lâu ngày, sẽ rất dễ diễn biến theo một cách mà người chủ xướng ra nó khó tiên liệu (trừ ra khi họ cố tình muốn như vậy, nhưng theo tôi, đây không phải là trường hợp của Đức TGM Hà Nội), vì nó có cái lô-ghích nội tại của nó và còn bị tác động bởi những yếu tố bất ngờ hay không bất ngờ từ bên ngoài nữa. Những người đến cầu nguyện có thể  mang trong mình những tâm tình tôn giáo “tinh tuyền” nhưng đồng thời họ cũng là những con người tự nhiên với những bức xúc giữa cuộc đời và chịu ảnh hưởng của đám đông. Tất cả những yếu tố ấy hoà trộn vào nhau tạo nên những phấn khích dễ bùng nổ khi có dịp.

Về phía chính quyền, họ thường tỏ ra cứng cỏi, chỉ đứng trên nguyên tắc và quyền hành mà đối xử; họ hay trưng ra luật nhưng luật không phải lúc nào cũng hợp với nhu cầu cuộc sống; dân kêu mặc dân, Giáo Hội khiếu nại năm này qua năm khác, vẫn như “tiếng kêu trong sa mạc”, cho đến khi người ta “làm tới” thì mới chịu xem xét và nhận ra vấn đề hay ít nhất một phần vấn đề. Chẳng hạn, chỉ mãi về cuối cuộc tranh chấp, chính quyền mới chịu tuyên bố chính thức ngưng mọi hoạt động và dự định kinh doanh buôn bán tại Tòa Khâm sứ cũ. Hoặc chỉ ít lâu sau đó, Thủ Tướng mới ra Chỉ thị số 1940/CT-TTg ngày 31-12-2008 về nhà, đất liên quan đến tôn giáo, một Chỉ thị quan tâm hơn tới những bức xúc của giới tôn giáo và tương đối cởi mở so với trước. Nhận định này của tôi không chỉ áp dụng cho trường hợp khiếu nại đất đai của Giáo Hội tại Hà Nội vừa qua mà thôi. Chính thái độ “coi thường” hay “phớt lờ” ấy của chính quyền càng làm tăng thêm bực bội, bất mãn nơi người dân, và khi không còn biết cậy dựa vào đâu nữa, họ bị cám dỗ chạy tới những hành vi bạo động, mà nếu có bị dập tắt, thì lòng họ vẫn không hết ấm ức.

2- Toà Thánh Vatican đã có sự can thiệp kịp thời và khôn ngoan.

Thế nhưng chính sự can thiệp này đã làm cho không ít người “tham dự” vào các biến cố phải thất vọng, và âm thầm hay công khai, họ đã phê bình Toà Thánh. Tôi muốn nói rằng cần phải phân biệt ý hướng của Giáo Hội trong vụ này với những ý hướng của nhiều người khác ủng hộ, thậm chí ủng hộ hết sức nhiệt tình việc làm của Đức TGM Hà Nội (cũng như của Dòng Chúa Cứu thế tại giáo xứ Thái Hà). Tôi đã đọc bài của một người trí thức (có phần khá chắc là ngoài Kitô giáo) cả dám viết đại ý rằng người công giáo Việt Nam không cần sợ đương đầu bằng sức mạnh với cộng sản; rằng họ thông minh và khôn ngoan đủ để biết xử sự với cộng sản mà khỏi cần chỉ đạo của Vatican, và rằng có thể là cộng sản đã bắt đầu sử dụng những thành phần “Ngợm Giáo Gian quốc doanh Việt Nam nằm tại các nhà lầu Vatican” (sic) … Hành động của Giáo Hội có thể có một tác động chính trị nào đó, nhưng làm chính trị không hề là quan điểm của Giáo Hội, trong lúc nhiều người ngoài cuộc lại rất vui mừng nắm lấy cơ hội này với mong muốn thực hiện một mục đích chính trị. Nói theo cách bình dân, họ “nhảy vào ăn có” nhưng không phải vì thật lòng ủng hộ “chính nghĩa” của người công giáo, mà vì lợi ích riêng họ theo đuổi. Chọn lựa của họ là đúng hay sai, không phải là vấn đề ở đây; tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng đó không phải là ý hướng của Giáo Hội. Thế nên, họ nồng nhiệt ủng hộ Giáo Hội nhưng cũng dễ dàng trở mặt chê bai, thậm chí công kích khi Giáo Hội không đáp ứng các chờ đợi của họ. Điều này, ta đã từng gặp đôi lần trong những hoàn cảnh khác. Trong suốt quá trình vụ việc diễn ra, tôi thấy trên Internet quá nhiều lời công kích “thiếu văn minh”, những thoá mạ nặng nề nhắm vào chính quyền hay đích danh cán bộ. Cách làm như thế chắc chắn không giúp ích gì cho người công giáo, lại còn gây ngộ nhận. Dĩ nhiên cũng không loại trừ một số những người công giáo trong cuộc đã không tỉnh táo đủ để cho mình bị ảnh hưởng bởi thái độ quá khích của kẻ khác (may mà mới bạo ngôn hơn bạo hành). Về phía các cơ quan chính quyền cũng đưa tin sai lệch, một chiều và kết án vội vàng; các phương tiện truyền thông đứng về phía nhà nước đã có những lời xúc phạm. Tóm lại, do từ nhiều phía, bầu không khí đã trở nên ngày càng quá căng cho một cuộc đối thoại thanh thản tìm kiếm sự thật và công lý.

3- Ý kiến thứ ba của tôi là nên nhìn “vấn đề nhà đất Hà Nội” vừa qua trong bối cảnh chính sách đất đai của chính quyền hiện nay. Nguyên tắc căn bản ở đây là: đất đai là sở hữu toàn dân nhưng được nhà nước thống nhất quản lý. Tôi không muốn bàn về nguyên tắc tốt hay xấu, đúng hay sai trên mặt lý thuyết; theo triết học Mác-Lênin, muốn biết chân lý của một học thuyết, một tư tưởng, một nguyên tắc thì chỉ có cách đưa nó vào thực tiễn để xem nó có được thực tiễn xác nhận không; ngoài ra, mọi bàn cãi lý thuyết chỉ là “kinh viện”, là “siêu hình”… Mà áp dụng vào thực tế, không thấy nguyên tắc về đất đai nói trên được thực tiễn xác nhận là “đúng”, là “tốt” ở chỗ nào, trái lại còn liên miên gây ra bức xúc, bất mãn nơi người dân,và chính quyền cũng phải rất vất vả đối phó, giải quyết. Như thiên hạ quen nói, “của toàn dân” là chẳng của ai hết (đó chỉ là một khẳng định lý thuyết), thực tế chỉ có khâu “quản lý” là quyết định; mà nhà nước là ai? Cụ thể cũng là cán bộ, đảng viên, những người cầm quyền. Họ chỉ là người quản lý nhưng đâu có phải “trả lẽ” với các ông chủ? Có biết bao bất công, biết bao sai phạm, biết bao lãng phí  liên quan tới đất đai xảy ra ở cái khâu “quản lý” này mà báo chí thường xuyên phản ánh, dù chắc chắn chưa phải là đầy đủ. Khối người đã giàu sụ lên –trực tiếp hay gián tiếp- nhờ đất, nhưng họ không phải là nông dân. Vậy thì chính sách đất đai hiện nay chưa được chứng minh là tốt. Đất đai của tôn giáo hay liên quan tới tôn giáo cũng thường nằm trong “hoàn cảnh” chung nói trên.

Đức cha Ngô Quang Kiệt, trong bài phát biểu tại cuộc họp với UBND Hà Nội ngày 20-9-2008, nói rằng Giáo Hội không tranh chấp với nhà nước trong những trường hợp đất đai hay cơ sở cũ của Giáo Hội được sử dụng cho công ích như trường Hoàn Kiếm, bệnh viện Xanh Pôn, bệnh viện Bài Lao, “nhưng –ngài nói tiếp- khách sạn Láng Hạ, chúng tôi sẽ nói tới, bởi vì sử dụng vào mục đích kinh doanh; và cái Toà Khâm sứ đã thành cái nơi sàn nhảy, đã thành cái nơi kinh doanh buôn bán, đã có dấu hiệu buôn bán chia chác để làm cái trung tâm thương mại [thì] chúng tôi nói tới bởi vì nó rơi vào tay tư nhân…”

Tôi nghĩ, lập trường của Đức TGM Giuse cũng gần giống với những trường hợp nông dân khiếu nại hay biểu tình đòi công lý vì đất đai của họ bị trưng dụng hay bị quy hoạch nói là cho công ích nhưng thực tế đã rơi vào tay cán bộ hay tư nhân làm ăn, hoặc vì chính quyền tìm lợi ích tối đa cho nhà đầu tư mà coi nhẹ quyền lợi của người dân. Chỉ khác một điều là một đàng đơn thương độc mã đối diện với chính quyền, đàng kia thì có sự hậu thuẫn của cả một tập thể tôn giáo, vì thế đã tác động mạnh mẽ trên dư luận trong cũng như ngoài nước.

Để kết luận

Nhận định cuối cùng này đưa tôi tới vài suy nghĩ kết thúc. Giáo Hội chủ trương sống Phúc Âm trong lòng dân tộc, nhưng Giáo Hội không thể nhắm mắt trước bất công, bất chính và suy thoái đạo đức ngày càng gia tăng. Giáo Hội cũng có quyền tranh đấu hợp lý cho các quyền lợi của mình, song khi làm như thế, Giáo Hội phải nghĩ tới công ích cũng như quyền lợi của kẻ khác, của đồng bào và liên đới với họ. Nếu không, chúng ta sẽ tự cô lập mình một cách ích kỷ và gây nên sự ghen tuông. Trong thời gian xảy ra hai vụ tranh chấp ở Hà Nội, một số người khẳng định rằng công giáo chúng ta đang tranh đấu cho công lý ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng nói như thế là hơi vội vàng, chưa đủ độ đáng tin vì cho tới nay, chưa thấy người công giáo “dấn thân” ra bên ngoài phạm vi quyền lợi của mình một cách cương quyết và nhiệt thành như thế. Kinh nghiệm vừa qua rõ ràng cho thấy sức mạnh tinh thần của cầu nguyện. Nhưng cũng có đôi điều ái ngại. Đó là làm sao tránh được việc biến cầu nguyện thành một “vũ khí đấu tranh”? Thật khó giữ được ý hướng ngay thẳng, tinh tuyền khi cầu nguyện được vận dụng trong một bối cảnh phức tạp như tôi đã thử phân tích ở trên. Ngoài ra, thật không hay khi có những sự việc vốn là “thường tình” lại được liên kết ngay với tôn giáo và mau mắn được gán cho một ý nghĩa thiêng liêng cao cả trong một bầu khí hàm hồ (đa nghĩa) như đã thấy xảy ra một đôi lần. Sau hết, thiết tưởng những người có trách nhiệm nên cảnh giác trước những phản ứng bột phát của quần chúng.

1-3-2009

Nguồn nguoitinhuu.com


Giáo Hội Công Giáo Việt Nam