Tọa đàm Tương quan giữa Giáo hội với thực tại trần thế

 

(VCN 29 Nov 2009 08:12)

SAIGÒN - Gần 400 người đã đến chật cứng hội trường và tràn ra ngoài sân của Trung tâm Phaolô Nguyễn Văn Bình trong tâm tình lắng nghe và đóng góp tại tọa đàm “Tương quan giữa Giáo hội với thực tại trần thế” do CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình tổ chức vào sáng 28/11/2009.

Bốn tham luận của Tọa đàm:

- Tương quan giữa Giáo hội với thực tại trần thế - Nhìn từ Giáo huấn Xã hội của Giáo hội (LM Phaolô Nguyễn Thái Hợp),

- Tương quan giữa Giáo hội với thực tại trần thế - Nhìn từ Huấn thị của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI (GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm),

- Tương quan giữa Giáo hội với thực tại trần thế - Một số phương hướng đối thoại và hợp tác (GM Phaolô Bùi Văn Đọc)

- Tương quan giữa Giáo hội với thực tại trần thế - Một số áp dụng thực hành (LS Nguyễn Ngọc Bích).

LM Nguyễn Thái Hợp đã tình bày chủ đề theo diễn tiến lịch sử, vừa cho thấy những nguyên tắc dựa trên cơ sở thần học và Tin Mừng của các Giáo huấn xã hội của Giáo hội cũng như những nhận định và giải pháp ứng phó linh hoạt, thích nghi với từng hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Đức Cha Phụ tá trình bày bối cảnh và nội dung Huấn từ của Đức Thánh Cha (ĐTC), trong đó nhấn mạnh yếu tố đối nội, như lời dặn dò của ĐTC: “Trước nhiều thách đố mà việc làm chứng này [về Đức Kitô] đang gặp phải, cần phải có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các Giáo phận, giữa các Giáo phận và các Dòng tu, cũng như giữa các Dòng tu với nhau”. Đức Cha Phaolô nhấn mạnh đến phương hướng đối thoại và hợp tác lành mạnh dựa trên hai trụ cột Tình yêu và Chân lý mà mục đích tối hậu là phục vụ con người một cách toàn diện. Đức Cha nhắc lại Giáo huấn của Giáo hội, rằng “đối thoại là tên gọi mới của niềm hy vọng Kitô giáo” và “các Giám mục là những tôi tớ phục vụ Tin Mừng cho niềm hy vọng của thế giới”. Theo Đức Cha Phaolô, “đối thoại là tìm sự thật, biết sự thật, nói sự thật và làm sự thật”. Về hợp tác, Đức Cha Phaolô cho rằng đây vừa là một bổn phận công dân, vừa thể hiện tình liên đới, vừa là xu thế chung của thời đại. Và sự hợp tác này phải dựa trên cơ sở đạo đức và sự thật, nhằm phục vụ mọi người. Về phía giáo dân là những người sống các giáo huấn của Giáo hội giữa đời thường, từ kinh nghiệm bản thân, LS Bích gợi ý một số suy tư và hành động cụ thể và mời gọi giáo dân sống đạo như kiểu “cầu thủ chuyên nghiệp”: gặp sân nào cũng đá, gặp đội nào cũng chơi hết mình, với tinh thần của Tin Mừng.

 Phần thảo luận khá sôi nổi. Ngoài 20 câu hỏi được nêu và được các diễn giả giải đáp, còn có chia sẻ của Đức ông Phêrô Nguyễn Văn Tài – Giám đốc chương trình Đài Chân lý Á châu và một vài khách mời đặc biệt. Nhiều phát biểu cho thấy còn nhiều ưu tư và khác biệt trong việc hiểu biết và áp dụng các giáo huấn xã hội của Giáo hội trong lãnh vực phức tạp và tế nhị này. Nhiều người hy vọng sẽ có thêm nhiều dịp trao đổi tương tự. Đó cũng là ý nguyện của CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình nhằm thúc đẩy sự đồng thuận trong Dân Chúa ở Việt Nam trong nỗ lực thể hiện sứ vụ yêu thương của Giáo hội.

Quốc Ngọc

 

 


Giáo Hội Công Giáo Việt Nam