Điểm Sách: Tuyển Tập Thánh Ca Việt Nam Quyển Một

 

 

VietCatholic News (22 Dec 2009 10:14)

 

Đang làm việc, nhận được cú điện thoại của một người bạn thân gọi nhắn tin: ngày hôm nay rảnh nhớ ghé ngang văn phòng mình lấy cuốn Thánh Ca Việt Nam, mới từ Việt Nam mang qua.


- Cuốn Thánh Ca nào ? Tôi hỏi lại.

- Thì cuốn Tuyển Tập Thánh Ca Việt Nam (TTTCVN) do cha Kim Long và cha Nguyễn Duy mới phát hành đó.


Nghe tới tên cuốn TTTCVN là "lòng tôi vui mừng hớn hở". Vì đã từ lâu, "mười năm rồi chứ còn gì” , tôi đã nghe nói đến một chương trình đại qui mô của các vị bề trên ở Việt Nam, những người vừa quan tâm đến nền Thánh Nhạc Việt Nam "bị bỏ ngỏ", vừa phải tuân theo chỉ thị của Toà Thánh là phải có một chương trình kiểm duyệt và chuẩn ấn lại tất cả những bài Thánh Ca đem vào hát trong Phụng Vụ. Không thể đợi được nữa, tôi nói luôn với người bạn:


- Ừ, hôm nay là thứ sáu được nghỉ, mình sẽ có dịp tới cậu ngay.


I. Hình Thức


Cầm cuốn sách dày khoảng 1 inch rưỡi, khổ “eight by six” (14,5 x 20,5 cm) cũng khá nặng như một máy computer nhỏ để trên lòng, loại netbook rất thịnh hành bây giờ. Bìa cứng, màu nâu, có những hàng chữ mạ vàng với tựa đề Tuyển Tập Thánh Ca Việt Nam Quyển Một do Uỷ Ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam phát hành.


Mở vào trang đầu tiên, chúng ta thấy có hàng chữ ở cuối trang là "Công Trình Chào Mừng Năm Thánh 2010". Trang thứ hai là dấu ấn và chữ ký của Đức Giám Mục Địa Phận Phú Cường: Phêrô Trần Đình Tứ, Chủ Tịch UBPT/HDGMVN, ký ngày 19 tháng 7 năm 2007 và hàng chữ in đậm: Được dùng trong Phụng Vụ; có nghĩa là tất cả những bài hát trong cuốn sách này đã được bề trên chấp thuận một lần nữa, để hát trong Thánh Lễ.


Mở trang cuối cùng, chúng ta đọc được tên những người đã đóng góp thực hiện cuốn sách này. Tôi chú ý ngay đến tên của người kẻ những dòng nhạc rất đẹp này, là nữ tu Trầm Hương, FMSR (một nữ tu nhạc sĩ dòng Mân Côi, tác giả của nhiều bài hát về Tình Mẹ Cha rất hay). Linh mục Kim Long và Linh Mục Nguyễn Duy là hai vị có trách nhiệm sửa bản in. Theo danh từ và phận vụ trong những vấn đề in ấn và phát hành, thì người sửa bản in (editor) là người có một trách nhiệm tối quan trọng, là có sự tuyển chọn và phán quyết sau cùng, đồng thời cũng sẽ chịu trách nhiệm tất cả những nội dung được in ra trong cuốn sách. Các ngài phải là người chịu trách nhiệm sau cùng để bảo đảm những bài hát hợp và đúng với chủ trương và đường hướng của Giáo Hội về mọi vấn đề quan trọng như Tín Lý, Thần Học, Phụng Vụ và Mục Vụ. Nhất là những bài hát để được dùng trong Phụng Vụ thì phải đi đúng với sự hướng dẫn rõ ràng của QUY CHẾ TỔNG QUÁT SÁCH LỄ ROMA (Bản dịch 2005).


Về hình thức trình bày, những dòng nhạc được kẻ rất rõ ràng và.. . rộng rãi. Mỗi bài hát hầu hết được trình bày trong hai trang, nên khi mở ra, người đọc rất dễ dàng theo dõi từng hàng kẻ và nốt nhạc, chứ không có kiểu in.. . tiết kiệm giấy, như nhiều cuốn sách nhạc khác mà tôi đã thấy. Tuy nhiên, sách lại được in lên trang giấy trắng ngả màu vàng, khá mỏng đến nỗi người tinh mắt cũng có thể đọc rõ cả những giòng nhạc in ngược ở trang phía bên kia. Mỗi bài hát đều có đánh số thứ tự và đã được "dọn sẵn" hoặc "chỉ định" theo từng phần cho dễ nhận ở ngay đầu trang, ví dụ như Nhập Lễ, Thánh Vịnh, Đức Mẹ, Các Thánh, Bộ Lễ, vv...


Nói chung về hình thức sách in rất gọn và thật đẹp.


II. Nội Dung


Mở sang trang thứ 3, chúng ta được đọc Lời Giới Thiệu của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám Mục Nha Trang, kiêm chủ tịch Ủy Ban Thánh Nhạc Việt Nam. Lời giới thiệu của ngài ký ngày 31 tháng 5 năm 2009, Ngày lễ Đức Maria thăm viếng bà Êlisabeth.


Với tư cách là Chủ Tịch Ủy Ban Thánh Nhạc Việt Nam, Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa trong “Lời Giới Thiệu”, không những đã nêu ra những điểm rất quan trọng, mà ngài còn nhấn mạnh thêm, bằng viết chữ đậm hoặc viết chữ HOA những chi tiết sau đây:


1) Phải thống nhất và kiểm duyệt những bài hát đem hát trong Phụng Vụ để tránh nạn "tam sao thất bản".


2) Phải thi hành đúng QUY CHẾ TỔNG QUÁT SÁCH LỄ ROMA ban hành ngày 3/4/1969 và ấn bản thứ ba ban hành ngày 20/4/2000. (Bản dịch mới 2005).

3) Áp dụng đúng đắn Hiến Chế Phụng Vụ Thánh ban hành ngày 28/3/2001 (số 108) do Bộ Phượng Tự đã qui định: "Hội Đồng Giám Mục phải soạn thảo một Tập Chỉ nam hay một danh mục các bản văn dùng trong phụng vụ. "

 

4) Cập nhật hóa những bài Thánh Ca với "đôi chút chỉnh sửa cần thiết. "



Theo những chi tiết trong Lời Giới Thiệu này, thì chúng ta được biết rõ ràng là chương trình thực hiện cuốn Thánh Ca này đã bắt đầu từ năm 1997, và trong bốn năm trước khi xuất bản, một Ban Tuyển Chọn đã có "những phương pháp làm việc rất công phu căn cứ vào những tiêu chuẩn phụng vụ, thánh nhạc và mục vụ, đồng thời cũng quan tâm đến sự chọn lọc của thời gian với đôi chút chỉnh sửa khi cần thiết." để cho phát hành cuốn sách này. Quyển Một này chỉ "gồm những bài Thánh Ca (đã được phép sử dụng) được phổ biến từ những ngày đầu khai sinh nền Thánh Nhạc Việt Nam cho đến khoảng năm 1973-1975, với tổng số lên đến gần 500 bài. "


III. Tiêu Chuẩn để chọn lựa hay loại bỏ !


Tôi đã đọc lại lời giới thiệu này rất nhiều lần để cố hiểu, cố tìm ra cho mình một "mẫu số chung" xem những tiêu chuẩn nào đã được quí vị trong Ban Tuyển Chọn áp dụng, để chọn lựa và sau này loại bỏ ra, rồi những người sửa bản in sẽ có phán quyết cuối cùng để cho in những bài Thánh Ca được hát trong Phụng Vụ, làm “ Kim Chỉ Nam” dẫn lối, và là gia tài Thánh Nhạc để đời, lưu truyền cho hậu thế.


Nếu theo “tiêu chuẩn bài hát" thì bài hát đó phải đi đúng với những qui luật của Phụng Vụ là âm nhạc phải hay và lời ca phải Thánh Thiện, phải hợp với giáo lý và Thần học, phải đi đúng với những chỉ thị mà GH, đã qua bao nhiêu năm: huấn luyện và thông cáo. Bài hát trong các Bộ Lễ, thì phải dùng những lời đúng với bản dịch mới nhất bằng tiếng Việt Nam (2005) mà Giáo Hội đã chấp thuận cho sử dụng. Nếu theo ”tiêu chuẩn tác giả" thì ai là những người có bài hát được tuyển chọn ? Người tác giả có sáng tác và ảnh hưởng nhiều, hay là hễ ai có sáng tác một bài là được tuyển chọn để đăng. Rồi thế nào là "tiêu chuẩn phổ biến" như ĐC Hòa đã nói tới? Phải chăng là một bài đã được kiểm duyệt, nhiều người hát, nhiều người thuộc thì sẽ tự nhiên được tuyển chọn? Nếu chúng ta đọc qua bảng liệt kê ở trang gần cuối, thì ta đếm được tổng số có 21 sách nhạc hoặc tuyển tập của những sách Thánh Nhạc đã phát hành trước năm 1975. Đây là những sách đã được dùng để Ban Tuyển Chọn tìm bài hát.


Đang lẩn quẩn, như một người hoang mang "bơ vơ sắp ngã" thì tôi đọc được bài "Phỏng vấn linh mục Nguyễn Duy, Tổng Thư ký Ủy ban Thánh nhạc toàn quốc, nhân phát hành Tuyển tập Thánh ca Việt Nam" trên trang web của HĐGMVN.

 

Lời giải thích của Linh Mục Tổng Thư Ký Nguyễn Duy cho tác giả WHĐ đã cho chúng ta hiểu rõ thêm phần nào về phương pháp và cách thức làm việc. Xin mạn phép được ghi lại một vài điểm quan trọng:


1) Có hai thành phần trong Ban Tuyển Chọn:


a) Ban Sơ Tuyển do linh mục TTK Nguyễn Duy đứng đầu với các thành viên có khả năng về nhiều phương diện khác nhau: Cha Phêrô Nguyễn Văn Võ (Kinh thánh), Soeur Trầm Hương (nhạc sĩ), nhà giáo Khổng Thành Ngọc (Ngữ văn), nhà thơ Lê Đình Bảng, nhạc sĩ Phanxicô, nhạc sĩ Nguyễn Bách (Giảng viên Nhạc viện TP. HCM), Ca trưởng nhạc sĩ Ngọc Linh, nhạc sĩ Minh Tâm, nhạc sĩ Anh Tuấn, nhạc sĩ Quốc Vinh, nhạc sĩ Tiến Linh.

b) Ban Chung Tuyển do Đức cha Chủ tịch và cha phó Chủ tịch UBTN/HĐGMVN đảm nhận để duyệt xét và chỉnh sửa trước khi chính thức in ấn và phát hành.

2) Tiêu chuẩn tuyển chọn:


- Các bài xuất hiện nhiều trong các tuyển tập thánh ca của các giáo phận, các cộng đoàn dòng tu, các giáo xứ, v.v...

- Các bài đúng và hay (đúng trước, hay sau: xét về Lời và Nhạc; Lời: ưu tiên)

- Những bài có tính phổ thông (ít bè), dễ hát, dễ thuộc.”


IV. Tác giả và Tác Phẩm:


Vì có quá nhiều danh sách của tác giả và bài hát, tôi đã tạm dùng phần mềm Microsoft Excel để cho vào những dữ kiện chi tiết trong phần mục lục, để so sánh và tìm hiểu thêm.


Chú thích: Đây cũng chỉ là để thỏa mãn tính tò mò, thích dựa vào bằng chứng cụ thể khoa học của tôi mà thôi, nên tôi đã dành chút ít thời giờ tỉ mỉ thu thập những con số. Vì chỉ là "raw data" và cũng vì có mắt nhắm mắt mở, có thể không ghi đúng hoàn toàn, nên tôi đã dành cho một sự sai xuất khá rộng rãi là cộng hay trừ 10%.


Đây là những kết quả khá tượng hình:


- Có khoảng trên dưới 110 tác giả có tên trong Quyển Một này. Những tác giả này hoặc là viết chung với người khác một bài hát, hoặc sáng tác riêng trong tổng số 506 bài hát đã chọn.


A) Tổng số bài hát so sánh với tổng số tác giả


Số Bài Hát - Số Nhạc Sĩ
1 bài ---------- 55 người
2 bài ---------- 12 người
3 bài ---------- 4 người
4 bài ---------- 6 người
5 bài ---------- 4 người
6 bài ---------- 3 người
7 bài ---------- 1 người
8 bài ---------- 6 người
9 bài ---------- 1 người
10 bài --------- 2 người
11 bài --------- 2 người
14 bài --------- 2 người
16 bài --------- 2 người
19 bài --------- 1 người
31 bài --------- 1 người
103 bài -------- 1 người

B) Dưới đây là biểu đồ cho những tác giả có 5 bài trở lên:



C) Và đây là biểu đồ theo tổng số các nhạc sĩ:



V. Vài nhận xét, suy nghĩ và cảm nhận của một giáo dân.


Đọc chi tiết gần 506 bài hát, người viết đã ghi lại được một vài cảm nghĩ riêng sau đây:


1) Có thể nói đây là một kho tàng Thánh Nhạc quí giá và rất phong phú của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Với số lượng hơn 500 bài hát được tuyển chọn trong 4000 bài hát trước năm 1975, để chỉ in trong Quyển Một dày 1 ngàn 22 trang, thì ta có thể có lý do hy vọng, rằng sẽ còn nhiều quyển hai, ba, hoặc bốn nữa sẽ ra, để lưu giữ những bài hát lại cho nhiều thế hệ sau này nữa.


Đây là một cố gắng thật cảm phục, rất đáng ca ngợi và cần thêm sự cầu nguyện cũng như hỗ trợ của tất cả mọi người chúng ta. Điển hình là mỗi người, hay mỗi gia đình nên gửi mua một cuốn sách để không những làm tài liệu Thánh Nhạc có riêng trong nhà, mà còn thêm nguồn tài trợ để Ủy Ban Thánh Nhạc và những người tình nguyện công sức có thể tiếp tục in thêm nhiều cuốn Thánh Ca khác sau này nữa.


2) Được ngân nga và hát lại những bài hát quen thuộc từ nhỏ, lòng tôi không khỏi bùi ngùi sung sướng, vì từng trang kỷ niệm đang trải dài. Nhớ lại những ngày còn nô đùa, ham nghịch, quì mỏi gối hát những bài chầu Thánh Thể, ví dụ như bài số 200 "Thánh Tâm Giêsu Vua" của Lm Hoài Đức. Hoặc sau này lớn lên được hát bài số 325. "Giờ Đây Êm Ái" của Lm Vinh Hạnh. Và còn rất nhiều bài khác của các tác giả "thời tiền chiến" như Duy Tân, Nguyễn Khắc Xuyên, Huyền Linh, Nguyễn Khắc Tuần, Ngô Duy Linh, Hải Linh, Hùng Lân,... không thể nào kể cho hết được.


3) Vì khả năng và phương tiện hạn hẹp trong quá khứ, bây giờ đọc cuốn sách Thánh Ca này, tôi mới được biết thêm có rất nhiều tác giả Thánh Ca "chỉ viết được có một bài". Có thể Chúa đã soi sáng, trong những giờ phút hoặc khó khăn đen tối, hoặc rạng ngời với những niềm vui hạnh phúc. Các ngài đã ghi lại những tâm tình trong một bài hát, để giờ đây tôi có thể mượn lại, để dâng lời ca tụng và cầu nguyện lên Thiên Chúa.


4) Một chi tiết khác cũng khá thú vị là Lm Hòang Kim, người nổi tiếng về những bài hát Thánh Vịnh, Mùa Chay và Phục Sinh thì lại không có bài hát nào sáng tác về Đức Mẹ trong Tuyển Tập này cả. Có người bảo, hèn chi nhạc của ngài khô khan và khó hát.


5) Lm Tiến Dũng, một thiên tài về âm nhạc của nền Thánh ca Việt Nam, lại có rất ít nhạc được phổ biến, hiểu theo nghĩa là có nhiều người hát. Ngài có tất cả 25 bài trong cuốn sách này, nhưng đa số lại viết chung với nhiều người khác. Có thể ngài chỉ chuyên về viết nhạc và hoà âm, còn phần viết lời ca thì dành cho người khác.


6) Nhìn hai biểu đồ mà chúng ta đã tạm phân tích ở trên, độc giả đều nhận thấy ngay rằng, người có nhiều nhạc nhất là Lm Kim Long, vì ngài là cây đại thụ và có công rất nhiều trong thời kỳ sơ khai và trưởng thành của nền Thánh Nhạc Việ Nam. Nếu kể cả mấy bài viết chung với tác giả Hoàng Khánh, thì cha Kim Long có tất cả 103 bài trong tổng số 506 bài của cả cuốn sách Thánh Ca này. Điều này cũng rất dễ hiểu vì ngài đã sáng tác tới gần 1000 bài hát. Nếu tính theo con số phần trăm, thì đây mới chỉ có 10% những bài ngài đã viết. Những người chỉ sáng tác có một bài, được đăng cả 100% thì sao ?


7) Nói đến chuyện có "sáng tác nhiều!", thì chúng ta liên tưởng ngay đến Lm Văn Chi. Ngài cũng có cả một "gia tài của mẹ để lại cho con", thế nhưng theo thống kê trong đây, thì cha Văn Chi cũng chỉ được chọn có 5 bài, so với linh mục Dao Kim, cùng thời, lại được chọn tới 14 bài, mà trong số đó 9 bài đã là chủ đề về Linh Mục rồi.


8) Nói đến đề tài về Linh Mục của trước năm 1975, riêng người viết cũng rất tiếc là không có những bài hát của hai tác giả Hải Hồ và Trần Định. Một trong những bài được yêu thích nhất là bài “Hiến Lễ Đầu Mùa”, tìm mãi vẫn không thấy có trong cuốn sách này.


9) Những bài hát về Đức Mẹ.

Trong 506 bài hát thì phần về Đức Mẹ là chiếm nhiều nhất. Có tất cả là 107 bài. Nếu chủ trương cuốn Thánh Ca này là để hát trong “Phụng Vụ Thánh Lễ”, thì có thể nói, nhấn mạnh về những bài hát về Đức Mẹ quá, thì cũng không có được quân bình cho lắm. Tuy nhiên vì nhu cầu của toàn thể tín hữu còn có những dịp đọc kinh tối, lần hạt kính Đức Mẹ, những buổi rước kiệu, dâng hoa,.. . thì cũng có thể nói tổng số 1/5 các bài hát cũng không đến nỗi là.. . nhiều. Tôi cũng tỉ mì tìm đọc những bài mà một thời đã dịp gây nhiều tranh cãi "sôi nổi" về vai trò và những tước hiệu của Đức Mẹ trong những bài Thánh Ca. Ví dụ nhiều bài hát đã bị chỉ trích là có những kiểu nói “sai giáo lý” hoặc không thích hợp với phong tục và ngôn ngữ Việt Nam như Đức Mẹ “ban ơn”, "Mẹ là nguồn cậy Trông", "Con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai ?",vv.. .


VI. Có một số vấn đề làm tôi cũng.. . bức sức.


Xin trình bày lại với quí độc giả, dù đó cũng chỉ là suy nghĩ cá nhân. Xin nói ra để chúng ta cùng tìm hiểu, và cho thấy sự khó khăn của việc chọn lựa bài hát trong Phụng Vụ, chứ không phải là để đặt vấn đề cho những việc làm của bề trên:


Bức sức 1:


Bài số 340. Đền Tạ Trái Tim Mẹ của tác giả Nguyễn Khắc Tuần, đã từ lâu bài này đã bị chỉ trích vì sai Thần Học (đền thay tội lỗi muôn dân) và có lời ca bị hiểu lầm là không được thánh thiện (chữ ái ân) nhưng cũng vì "rất phổ biến", nên đã được sửa đổi lại lời như sau:


Lạy Mẹ Fatima, Mẹ nỉ non bao lần.
Tội gian trần để phiền cho Trái Tim Mẹ
Lòng Mẹ thương bao la, và thiết tha vô ngần
Con dâng mình đền bao tội lỗi vong ân
. (trang 620)

Bức sức 2:


Tìm mãi, chúng ta không thấy có bài rất phổ thông và rất hay về Đức Mẹ là bài “Trên Con Đường Về Quê” của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.


Nghe nói bài này đã có người đề nghi, đã được đem ra bàn cãi, và vì có bị cho là "sai thần học, sai giáo lý" nên đã bị loại bỏ. Đó là câu ĐK như chúng ta đã thuộc lòng là:


ÐK. Trên con đường về quê mà vắng bóng Mẹ. Con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai? Trên con đường về quê mà vắng bóng Mẹ. Con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai?


Những chữ "Con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai ?" được cho là "sai thần học" vì tác giả bị hiểu là không biết trông vào ai khác ngoài Đức Mẹ. Câu hỏi giáo lý đặt ra là: Vậy thì Chúa Giêsu để đâu ?


Xin được đưa ra một vài suy tư thần học để biện hộ cho bài hát này:


1) Nếu ta chỉ nói "Con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai ?" mà cho là "sai giáo lý" thì so sánh với lời nói và câu châm ngôn của ĐGH Gioan Phaolô II là "Tất cả trong tay Mẹ." (Totus Tuus) thì ý tưởng của câu nói này có khác gì với ý tưởng của bài hát là bao nhiêu đâu ? ĐGH Gioan Phaolô Đệ Nhị đã dùng câu này là châm ngôn trong suốt triều đại của ngài, vì ngài đã đặt “hết tất cả mọi sự hoàn toàn trong tay Đức Mẹ”. Phải chăng nếu đã dành tất cả cho Mẹ rồi thì còn đâu nữa mà dâng lên cho Chúa ?


Trong cuốn sách nghiên cứu về Thánh Nhạc của Lm Nguyễn Duy, ở phần “B.Điểm lại lời ca của một số sáng tác:”, ngài đã phê bình bài "Trên Con Đường Về Quê" của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên, với lý do mạnh nhất là “Lời ca không phù hợp với giáo lý” (trang 92).


2) Nếu chỉ nói "Con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai ?" mà cho là " không phù hợp với giáo lý" thì tại sao câu TK số 4 của bài Từ Chốn Luyện Hình của cha Kim Long cũng đã viết đại ý như thế lại “không sai giáo lý” ?


“4.Ngàn nỗi ưu phiền đau đớn. Chỉ biết kêu xin Mẹ đoái thương. Dìu về nơi Thiên toà cao sáng, cùng Mẹ hoan ca t́nh yêu Chúa đến muôn muôn đời.

ÐK. Từ vực sâu, tiếng khóc than còn vọng ngân với tháng năm u hoài đớn đau. Mẹ, Mẹ ơi, hãy đoái thương. Lòng từ bi hãy chiếu soi hết mọi linh hồn.”

Nếu độc giả đem so sánh hai bài hát này thì cả hai câu đều mang một ý nghĩa là trong khi cô đơn lẻ loi, trong khi ưu phiền đau đớn, chúng ta thường chạy đến với Đức Mẹ vì Mẹ rất gần gũi với chúng ta. Điều đó không có nghĩa là chúng ta chỉ có đến với Mẹ, mà không cần đến Chúa. Nhạc sĩ Nguyễn Khắc Xuyên đang nói lên tâm trạng của một người đang còn bơ vơ, lạc lõng, lầm đường, không biết trông nhờ ai, chỉ biết cầu cứu với Đức Mẹ. Khi hát tiếp 2 câu tiểu khúc thì ta sẽ rõ ý nghĩa những tâm tình mà tác giả đang muốn cầu nguyện với Đức Mẹ. Còn câu Chỉ biết kêu xin Mẹ đoái thương của Lm Kim Long là câu của một người đã “xác tín” là chỉ cần đến Mẹ "dìu về nơi Thiên toà cao sáng". Vậy thì chúng ta phải hiểu làm sao vai trò của Chúa Giêsu theo ý tưởng của câu TK số 4 trong bài của LM Kim Long? Phải chăng ngài muốn nói là chúng ta không cần đến Chúa Giêsu "dìu về nơi Thiên toà cao sáng", mà chỉ cần có Đức Mẹ?


Bài Từ Chốn Luyện Hình đã là bài số 491 in ở trang 950 trong sách TTTCVN này. Trong khi đó bài "Trên con đường về quê" là bài rất "phổ biến" và lời ca trang nghiêm, tâm tình thánh thiện, đã ghi sâu vào lòng nhiều người, thì lại không còn được lưu giữ trong kho tàng Thánh Nhạc Việt Nam nữa. Chỉ vì bài ca này đã bị một hiểu lầm rất đáng tiếc !!!


Vai trò của Đức Mẹ theo Chương 8 của Hiến Chế Lumen Gentium.


Ở đây, chúng ta thử ôn lại Giáo Huấn của Giáo Hội trong một Hiến Chế của Công Đồng Vatican II. Có thể nói lòng kính mến Đức Mẹ của người Công Giáo Việt Nam đã bị rất nhiều người hiểu lầm. Chúng ta, vì đã quá đặt nặng vào những danh xưng, tước hiệu, từ ngữ, kiểu nói, trong tiếng Việt Nam dùng, mà thành ra hiểu sai hẳn những Tín Điều về Đức Mẹ mà Công Đồng Vatican II Hiến Chế Lumen Gentium, Chương 8 đã dạy và cho phép.

Xin được minh chứng.


"Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội Lumen Gentium” của Công Đồng Vatican II, chương 8 đã xác định rất rõ vai trò của Đức Mẹ trong Mầu Nhiệm Giáo Hội. GH đã phải dành riêng một chương đặc biệt dưới chủ đề “ Ðức Nữ Trinh Maria Mẹ Thiên Chúa Trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô Và Giáo Hội”, để xác định vai trò của Đức Mẹ: Ngài vừa là Mẹ Thiên Chúa vừa là Mẹ của cả nhân loại. Lịch sử kể lại, khi các nghị phụ bỏ phiếu để thông qua những điều trong Chương 8 này thì số phiêu chấp thuận chỉ hơn số phiếu chống đối một số rất nhỏ. Điều đó chứng tỏ là đã có nhiều mâu thuẫn và tranh cãi. Nhưng kết cục, trong cái nhìn toàn diện của đạo Công Giáo về sự tương quan giữa Chúa Giêsu, Mẹ Maria và nhân loại chúng ta, Giáo Hội không những đã cho phép, mà còn khuyến khích chúng ta nên có những tâm tình cầu nguyện trực tiếp với Đức Mẹ vì “Ngày nay Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. 2P 3,10), Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành.” (điều 68).


Tất cả những tước hiệu mà chúng ta đặt cho Đức Mẹ, cũng được các nhà chú giải cắt nghĩa rất rõ ràng:


" Sứ mệnh của Ðức Maria là liên kết Chúa Kitô với những phần tử làm thành Giáo Hội. Ðó là ý nghĩa của tiếng Maria, Mẹ đầy ơn. Mẹ thực hiện sứ mệnh qua việc bầu cử cho nhân loại. Do đó, mà Giáo Hội gọi Mẹ bằng các danh hiệu: Ðấng Bảo Vệ, Ðấng Phù Trợ, Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Ðấng Trung Gian. Các nhà thần học tranh luận về ý nghĩa gán cho các tước hiệu ấy, nhất là tước hiệu sau cùng.


Công Ðồng không muốn giải quyết cuộc tranh luận, nhưng chỉ quả quyết một thực tại hoàn toàn được toàn thể Giáo Hội chấp nhận, mà không bận tâm đến những điều xác định rõ rệt có tính cách kỹ thuật. Công Ðồng cũng nói thêm là tước hiệu này không làm mất cũng không thêm thắt gì vào địa vị và hành động của Chúa Kitô, Ðấng Trung Gian duy nhất, vì không tạo vật nào có thể đóng vai trò trên cùng một bình diện như Chúa Cứu Thế."


Nếu GH đã hướng dẫn và cho phép chúng ta xác tín như thế rồi, vì GH "không bận tâm đến những điều xác định rõ rệt có tính cách kỹ thuật" như từ ngữ, kiểu nói, phong tục, văn hóa, thì cho dù chúng ta có hát: "Con biết cậy vào ai, biết nương nhờ ai ?" hay "Chỉ biết kêu xin Mẹ đoái thương",.. . hay có dùng bất cứ lời ca nào khác để tôn kính và ca tụng Đức Mẹ, thì trong Mầu Nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội, chúng ta cũng không thể nào làm thay đổi, hay loại bỏ vai trò thực sự của Chúa Giêsu trong Đức Tin và đời sống đạo của người Công Giáo chúng ta được.


Bức sức 3:


Cũng vì "tiêu chuẩn phổ biến" mà bài “Đền Tạ Trái Tim Mẹ” của Nguyễn Khắc Tuần đã được sửa lại cho đúng với lời ca thánh thiện và hợp với Thần Học. Nhưng sao, cũng chính vì "tiêu chuẩn phổ biến" mà bài “Trên Con Đường Về Quê” của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên, không những không được sửa lời và ngày nay cũng không còn được cho hát trong các xứ đạo nữa.


Sự kiện không theo những tiêu chuẩn đã được ấn định một cách thuần nhất, làm chúng ta cũng lại liên tưởng đến một bài hát khác về Đức Mẹ, vừa “không được phổ biến” nhiều chỉ phổ biến xầm xì trong giới thanh niên, vì có những chữ rất văn chương bay bướm như "hương băng trinh say đắm trong tình người. "


Trong cuốn sách nghiên cứu về Thánh Nhạc của Lm Nguyễn Duy thì bài này, ngài cũng đã phê bình và nêu tên là bài "Trinh Vương Maria" của tác giả Phạm Đức Huyến là “Chỉ có vế so sánh mà không có vế được so sánh.” (trang 94).


Thầy Phạm Đức Huyến thì không ai là xa lạ với những chương trình và công lao huấn luyện ca trưởng của thầy, nhưng nếu một bài hát đã có những điều bị phê bình “không đúng và không hay” như vậy, thì tại sao lại tuyển chọn bài này, cho vào làm tiêu chuẩn, là “kim chỉ nam” để đời cho con cháu noi theo ? Hơn thế nữa đây lại là bài duy nhất của thầy được đăng trong tuyển tập này, mặc dầu thầy đã sáng tác tới mấy trăm bài khác mà không được ban tuyển chọn để ý.


VII. Phải chăng đã có sự “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” về Bộ Lễ?


Xin mạn phép quí độc giả nhắc tới những Qui Luật và Huấn Thị rất quan trọng về Bộ Lễ của Giáo Hội Công Giáo. Chúng ta biết, không phải vì Giáo Hội hoặc các ĐGM khó tính, nhưng là vì muốn bảo vệ Truyền Thống Đức Tin và để chống lại những bè phái hay bè rối muốn sửa bản kinh trong phụng vụ để ly khai hoặc chống phá Giáo Hội. Vì "qui luật của cầu nguyện là qui luật của đức tin" (Lex orandi, lex credenda). Qua Thánh Lễ, Giáo Hội Công Giáo cử hành Bí Tích Thánh Thể, là bí tích quan trọng nhất trong đời sống đạo của người Công Giáo. Cho nên bằng mọi cách, GH phải luôn duy trì sự Thánh Thiện và thuần nhất trong các Lễ Nghi, vì những nghi thức này đã được lưu truyền từ muôn đời xa trước. Do đó đã qui định là có những nghi thức và bản văn trong phụng vụ không được thay đổi bất cứ vì lý do gì.


Xin được đưa ra những thông cáo và các dữ kiện quan trọng liên quan đến Tuyển Tập Thánh Ca Việt Nam này:


1) Thông Cáo Số 2 của ĐC Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Giám Mục Giáo Phận Nha Trang, đặc trách Thánh Nhạc HĐGM Việt Nam, ngày 24 tháng 9 năm 1994 đã ra chỉ thị như sau:


“[4] Về lời ca:


a) Bản văn Phụng Vụ:


Trong Phụng Vụ, nhất là trong Thánh Lễ, một số bản văn có tính cách cố định thì không ai được thay đổi vì bất cứ lý do gì, dù để dễ hát: "trước hết, phải nhắc lại điều này là bản văn Phụng Vụ chi phối âm nhạc chứ không phải âm nhạc chi phối bản văn Phụng Vụ. Trong các bản văn dùng để hát, cần lưu ý đến các bản văn quan trọng của các cử hành Phụng Vụ.


- Các lời Kinh nguyện của linh mục (Lời nguyện, Kinh nguyện Thánh Thể, lời ban phép lành và truyền phép),

 

- Lời đối đáp giữa linh mục hay phó tế với cộng đoàn, những lời tung hô của cộng đoàn (ví dụ lúc đọc Phúc Âm, trong các Kinh nguyện Thánh Thể, Kinh Thánh Thánh Thánh và lời tung hô tưởng niệm);


- Một số bản văn Thánh Kinh hoặc Phụng Vụ đã có truyền thống từ lâu đời như Kinh Vinh Danh, Kinh lạy Chiên Thiên Chúa, các bản văn tuyên xưng đức tin trong Giáo Hội như Kinh Tin Kính, Kinh Lạy Cha.


Tất cả những bản văn này phải dịch cách trung thực rồi căn cứ vào đó mà sáng tác các cung chứ không được sửa đổi. Khi dịch các bản văn khác, ta cũng có thể thích ứng tùy theo như cầu tinh thần ngôn ngữ và nhu cầu sáng tác âm nhạc như các bài ca nhập lễ, ca hiệp lễ (Huấn thị về Thánh nhạc, số 32; 36 Huấn thị Comme le prévoit, số 36) (thư trả lời của Tổng Giám Mục Gérard M. Agnelo, thư ký Thánh bộ Phượng Tự gửi Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, Giám Mục Nha Trang, phụ trách Thánh nhạc của HĐGMVN ngày 8.2.1994).


Bộ Phụng Tự chỉ cho thích nghi (thay đổi từ ngữ hoặc sắp xếp lại) đối với Ca Nhập Lễ, Đáp Ca, câu xướng trước Tin Mừng, ca Dâng lễ và ca Hiệp lễ. Hơn nữa, những bài hát này còn có thể được thay thế bằng các bài chọn trong tuyển tập đã được Hội Đồng Giám Mục chuẩn nhận.. ”

2) Tháng 12 năm 2006 Bản Tin của Uỷ ban Phụng Vụ trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có ra một Thông Cáo về "Bản dịch mới của Nghi thức Thánh lễ bằng tiếng Việt" cho tất cả các Cộng Đồng xứ đạo cử hành Thánh Lề bằng tiếng Việt Nam tại Hoa Kỳ như sau: (Xin mạn phép đăng lại phần tiếng Việt đã do anh Đỗ Vy Hạ chuyển dịch )


"Bản dịch mới của Nghi thức Thánh lễ bằng tiếng Việt


Ngày 26/09/2006, Đức Cha William Skystad, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, đã được Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà, Giám mục Nha trang và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Việt Nam thông báo cho biết là bản dịch mới của Nghi thức thánh lễ bằng tiếng Việt vừa đây đã được Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích phê chuẩn và ra thông cáo bắt buộc sử dụng ở Việt Nam kể từ Chúa Nhật Phục Sinh năm 2006. Bản dịch Nghi thức thánh lễ mới này thay thế cho bản dịch năm 1992 đang thông dụng trên toàn thế giới. Đức Cha Hoà xin quí Đức Cha thông báo cho các Cộng đoàn Công giáo Việt Nam trong quí Tổng giáo phận và Giáo phận được biết là chỉ (được phép) sử dụng bản dịch mới này trong các Thánh lễ cử hành bằng tiếng Việt mà thôi.


Thứ đến, Đức Cha Nguyễn Văn Hoà thông báo cho vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ biết là tất cả các kinh hát trong Bộ Lễ phải dựa theo bản dịch mới này. Ngài nêu rõ ra Kinh Tin Kính của Hoài Đức vốn chỉ bao gồm có hai đặc tính của Giáo Hội và khuyên không nên sử dụng bản kinh này nữa.

Cuốn Nghi thức Thánh lễ bằng tiếng Việt (ấn bản năm 2006) có bán tại VietCatholic, P.O. Box 1408, Claremont, CA 91711, (909) 447-4110, với giá 23 đô-la cộng thêm cước phí.


Năm 1964, Hội đồng Giám mục Công giáo Toàn quốc đã ra thông cáo rằng “tuỳ theo sự suy xét của Thẩm quyền địa phương, nơi nào mà nhu cầu thiết thực của Giáo Hội đòi buộc, vị Thẩm quyền địa phương có thể cho phép sử dụng tiếng mẹ đẻ trong các buổi cử hành Phụng vụ với sự tham dự của các giáo dân thuộc một ngôn ngữ khác. Sự cho phép này có cùng những điều kiện như đã được ấn định cho ngôn ngữ Anh, nhưng phải chiếu theo bản dịch do Thẩm quyền Giáo hội địa phương (Hội đồng Giám mục) của ngôn ngữ đó phê chuẩn.” (Thông cáo về việc áp dụng điều khoản số 36 của Sacrosanctum Concilium, được Hội đồng Giám mục Công giáo Toàn quốc phê chuẩn ngày 02/04/1964 và được Toà Thánh châu phê ngày 01/05/1964).

Chiếu theo bản thông cáo này thì được phép sử dụng các bản dịch hiện hành đã được phê chuẩn của bất cứ sách Phụng vụ nào thuộc mọi ngôn ngữ, miễn là Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã chưa phê chuẩn một ấn bản tương tự để sử dụng trong các Giáo phận Hoa Kỳ. Ví dụ: bởi vì Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã phê chuẩn cuốn Ritual de Exequias Cristianas (Nghi thức An táng Kitô giáo) bằng tiếng Tây Ban Nha, cho nên không được phép sử dụng một ấn bản Nghi thức an táng bằng tiếng Tây Ban Nha nào khác trong các Giáo phận Hoa Kỳ. Tuy nhiên, bởi v́ Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã chưa phê chuẩn cuốn Nghi thức Hoà giải bằng tiếng Tây Ban Nha nào, cho nên được phép sử dụng bất cứ ấn bản bằng tiếng Tây Ban Nha nào của cuốn Nghi thức này mà đã được phê chuẩn.


Cũng vậy, bởi vì Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã chưa phê chuẩn các sách Phụng vụ bằng tiếng Việt cho các Giáo phận Hoa kỳ, cho nên bất cứ những ấn bản của các sách Phụng vụ nào đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam xác thực và phê chuẩn đều được phép sử dụng trên lãnh thổ (Hoa Kỳ).”


(Trước khi viết bài này, chúng tôi có gửi email tới văn phòng Ủy Ban Phượng Tự của HĐGM Hoa Kỳ để xin một copy của lá thư mà ĐC Hòa đã gửi ngày 26 tháng 9 năm 2006, nhưng chưa thấy văn phòng trả lời. )


3) Nếu chúng ta đọc kỹ Lời Giới Thiệu của Đức cha Chủ Tịch Ủy Ban Thánh Nhạc Việt Nam và theo dõi những việc làm của ngài, thì ngài rất ngặt về chuyện sửa đổi "những bản văn không thể thay đổi" của nghi thức Phụng Vụ. Ví dụ như Bộ Lễ Seraphim của ngài khi đem đăng lại ở trang 972, số 501 thì ngài cũng đề rõ ràng là: "Đã sửa theo bản dịch năm 2005 của UBPT". Đây là Qui Luật của Giáo Hội về Bộ Lễ. Mọi sự thay đổi phải có sự chấp thuận của Tòa Thánh (Có trường hợp trừ dành cho những Thánh Lễ của trẻ em hoặc cho những nhóm di dân đặc biệt còn giữ những phong tục cũ.)


Vậy chúng ta phải hiểu sao về chuyện không thống nhất, hoặc có người bảo là “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” này. Xin tạm đưa ra một vài giả thuyết, có thể đã xảy ra:


a) Theo chi tiết lịch sử thì chương trình soạn thảo Tuyển Tập Thánh Ca Việt Nam đã bắt đầu từ năm 1997. Lúc đó bản dịch Sách Lễ Rôma vẫn theo những bản dịch cũ, và không ai đã để ý đặt nặng vấn đề phải đúng với bản mẫu. Và ngay cả khi thành lập các ban tuyển chọn cho chương trình thực hiện cuốn Thánh Ca này, Lm Tổng Thư Ký cũng không đặt nặng, hay có đưa ra một hướng dẫn rõ ràng để tuyển chọn những bài hát trong phần Bộ Lễ.

b) Có thể nói là phong trào sáng tác Bộ Lễ của Việt Nam ở mọi nơi khắp cùng bờ cõi trái đất đang rất thịnh hành, và.. . thịnh soạn. Hầu như mỗi ca trưởng biết gẩy chút đàn ghi ta là cũng muốn bập bẹ tự biên, tự diễn, tự phát hành cho mình một Bộ Lễ với đầy đủ mọi lời ca và … điệu bộ. Vì qúa nhấn mạnh, hoặc muốn loại bỏ những Bộ Lễ xập xình “trăm hoa đua nở” này (Ví dụ Bộ Lễ Thành Tâm, Bộ Lễ Nguyễn Văn Trinh, … ) mà có thể ban tuyển chọn cũng không được nhắc lại những chỉ thị trong Thông Cáo số 2 của Đức Cha Hòa đã ban hành từ năm 1994.


c) Bài hát "Tôi Tin" của Lm Hoài Đức sáng tác trước Công Đồng Vatican II, trước thời kỳ được hát và đọc tiếng Việt trong Phụng Vụ. Ngài sáng tác bài hát này cho những buổi đọc kinh hoặc trong những giờ chầu Thánh Thể, chứ không phải để hát thay thế Kinh Tin Kính trong Bộ Lễ.


Hơn thế nữa, Qui Luật của Thánh Lễ La Tinh thời đó, đã bắt buộc linh mục chủ tế và thầy sáu, thầy năm phải đọc Kinh Tin Kính trên bàn thờ bằng tiếng La Tinh rồi, thì chuyện ca đoàn có hát Kinh Tin Kính cùng lúc để “thông công”, cũng không được để ý mà ngăn cấm hoặc răn bảo. Hơn thế nữa cũng đâu có bản dịch bằng tiếng Việt Nam “chính thức” thời đó đâu để mà phải theo hay so sánh!


Nhưng ngày nay, nhiều người trong chúng ta vẫn còn lầm tưởng là vì “tính cách ngắn gọn và phổ thong, gần giống với Kin Tin Kính các thánh tong đồ”, thì bài hát này có thể sửa lại đôi chút cho thích hợp, mà đã không biết rằng "Qui Chế Tổng Quát của Sách Lễ Roma" (bản dịch 2005) chỉ cho phép được dùng một trong hai Kinh Tin Kính chính thức trong Thánh Lễ. Đó là Kinh của Công Đồng Nicea-Constantinopoli (Nicene Creed ) hoặc Kinh Tin Kính của các Thánh Tông Đồ (Apostle’s Creed) thường đọc như sau: Tôi tin kính Ðức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất … mà thôi.

d) Bài hát "Vinh Danh" của Lm Thiện Cẩm, Hòa Âm: Tiến Dũng được sáng tác để hát trong "Phụng Vụ Các Giờ Kinh". Bài hát này thay cho “Kinh Vinh Danh” trong phần cuối của mỗi bài Thánh Vịnh của giờ kinh mà các Linh mục và tu sĩ phải đọc hàng ngày.


Như vậy ta có thể kết luận rằng:


- Đức Cha Hòa với cương vị là Chủ Tịch Ủy Ban Thánh Nhạc Việt Nam, đã không có cho phép hát bài "Tôi Tin" của Lm Hoài Đức và bài " Vinh Danh" của Lms Thiện Cẩm - Tiến Dũng trong Bộ Lễ, vì làm như vậy:


a) đi ngược lại với qui luật của Sách Lễ Roma (2005) mà chúng ta thấy ngài đã không còn cách nào khác hơn để nhấn mạnh trong Lời Giới Thiệu là phải thống nhất những bài hát bằng tiếng Việt Nam trong phụng vụ.


b) đi ngược lại với chính bản Thông Cáo số 2 mà ngài đã ban hành từ năm 1994, như là một giải pháp để thanh lọc những bài hát thiếu thánh thiện, đầy trần tục hoặc không đúng với những nguyên tắc và qui luật của Giáo Hội về Thánh Ca trong Phụng Vụ.


c) và còn đi ngược lại với tinh thần lá thư rất tế nhị mà ngài đã gửi cho UBPT/HHĐGM HK khuyến cáo những người Việt Nam tị nạn rất rõ ràng là:

“All sung settings of the Order of Mass must be based on this new translation.
He specifically cites a sung edition of the Creed by Hoai Duc, which includes only two of the marks of the Church, recommending that this setting no longer be used.”


Tất cả các kinh hát trong Bộ Lễ phải dựa theo bản dịch mới này. Ngài nêu rõ ra Kinh Tin Kính của Hoài Đức vốn chỉ bao gồm có hai đặc tính của Giáo Hội và khuyên không nên sử dụng bản kinh này nữa..


Nói tóm lại, hai bài hát đó (Tôi Tin và Vinh Danh) không thuộc Phần Bộ Lễ trong cuốn sách TTTCVN Quyển Một này vì một nguyên tắc chung này là “Những thông cáo và Qui Luật của GH đã ghi rõ ràng về phần Bộ Lễ, là phần không được thay đổi bản văn của Bản Dịch Chính Thức 2005.”

Việc gửi lá thư và lý do đưa ra "không được hát" đã vô tình ảnh hưởng "tâm lý" rất sâu đậm trong Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam ở Hải Ngoại. Vì là có nhiều người tị nạn Việt Nam thay vì nhận ra đó là qui luật về ngôn ngữ của Giáo Hội (chỉ có một bản văn bằng tiếng Việt trên toàn thế giới) thì đã hiểu lầm sang vấn đề chính trị là tuy họ đi tị nạn ở hải ngoại rồi mà vẫn còn bị ảnh hưởng của HĐGMVN ở trong nước.


Rất tiếc vấn đề tuy nhỏ, nhưng việc bài hát "đã bị cấm" ở hại ngoại mà bây giờ lại thấy có trong phần Bộ Lễ ở trong một Tuyển Tập chính thức, thì chắc chắn cũng không tránh được những thắc mắc là tại sao lại có âm vang của những cung đàn lạc giọng.


Nhìn về tương lai và xin được đưa ra một vài đề nghị cụ thể:


Triển vọng của nền Thánh Nhạc Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng dồi dào và phong phú. Những cây đại thụ trong khu vườn thánh nhạc, theo thời gian, sẽ dần dần rụng lá và úa tàn. Có những cây non đang mọc lên, cũng cần phải hưởng ánh nắng mặt trời mới có thể sống mạnh được. Bởi thế giáo hội, đặc biệt là Các Ủy Ban Thánh Nhạc thuộc các Giáo Phận ở Việt Nam cần nâng đỡ, hướng dẫn, khuyến khích và vun trồng thêm những mầm non khác.


1) Cần phải có một phương pháp rõ ràng để kiểm duyệt những bài hát mới.


Trong Lời Giới Thiệu, ĐC Hòa đã có viết, có rất nhiều sáng tác Thánh nhạc nhưng đã không đem đi kiểm duyệt?


Trong phiên họp các ca trưởng mới đây của Tổng Giáo Phận Sài Gòn, Linh mục Tổng Thư Ký Nguyễn Duy đã xác nhận: “ Chúng tôi nhận rất nhiều bài hát gởi về để xin kiểm duyệt. Thú thật, chúng tôi không có đủ thời giờ để xem. Các thành viên trong Ban Thường vụ Thánh Nhạc là những nhạc sĩ chuyên môn, có năng lực và trình độ, luôn tận tuỵ hy sinh cho nền Thánh nhạc, nhưng cũng còn bao việc khác phải lo nữa! (Chẳng lẽ suốt ngày chúng tôi chỉ có việc kiểm duyệt bài hát!)


Những lời phát biểu này đã nói lên một tệ trạng là có nhiều nhạc sĩ không có kiểm duyệt nhạc mà vẫn đem vào hát trong nhà thờ, đồng thời cũng cho chúng ta thấy thực sự là cũng đã không có một nguyên tắc, hướng dẫn, thể lệ hay thời hạn rõ ràng để cho một bài hát được kiểm duyệt.

Xin quí vị hữu trách cần phải đưa ra những thủ tục rõ ràng để kiểm duyệt những bài Thánh Ca. Rồi nếu không có gì trở ngại, hoặc đi ngược lại với những nguyên tắc mà Giáo Hội đã đưa ra, thì cho các nhạc sĩ được sử dụng những bài hát đó trong phụng vụ, và cũng cho họ được cơ hội để đóng góp tên tuổi trong những tuyển tập sau này nữa.


2) Một người bạn sau khi xem cuốn sách này đã bảo, “tuyển chọn những bài hát sau năm 1975 mới khó vì đa số tác giả này vẫn còn sống. ”


Nói lên điều này, vô tình người phát biểu cũng đã hàm ý nói là dù làm gì đi chăng nữa, Ban Tuyển Chọn cũng không thể nào tránh được lời qua tiếng lại là đã có sự thiên tư thiên vị, không công bằng, hay khách quan cho đủ trong việc tuyển chọn những bài hát để in trong tuyển tập này.

Dựa vào sự cắt nghĩa của Lm Nguyễn Duy, thì chúng ta nhận thấy: Theo danh sách thì đa số những người trong Ban Sơ Tuyển là thuộc Địa Phận Sài Gòn. Các ngài chọn bài hát trước rồi mới gửi đi 26 địa phận để xin phê bình và nhận xét. Như vậy là phương pháp chọn lựa các bài hát đã bắt đầu từ “Trung Ương đưa xuống” chứ không phải là từ “đại đa số quần chúng đề nghị đưa ý kiến hay nộp bài hát lên.”


Tuy rằng bài nào cũng là bài Thánh Ca để hát dâng lên cho Chúa. Nhưng dụ ngôn bà góa chỉ có một vài xu dâng cúng, cũng có thể là một tiêu chuẩn để các ngài cần áp dụng, để tránh trường hợp đã xảy ra là chọn lựa rất nhiều bài của những người mà các ngài quen biết.


Do đó, để cho công bằng và quân bình trong những tuyển tập sắp tới, trước khi Ban Sơ Tuyển chọn lựa những bài hát chỉ có trong những cuốn sách hay tuyển tập đã xuất bản ở một số Địa Phận … đàng trong, thì xin Ủy Ban Thánh Nhạc của 26 Địa Phận, đồng đều đưa ra những thông cáo rõ ràng và phổ biến mọi nơi, để những tác giả đã viết Thánh Ca Việt Nam sinh sống ở các nơi trên toàn thế giới biết, hiểu thể lệ và gửi bài của mình về, như là một món quà đóng góp công sức và tài năng cho Giáo Hội Việt Nam. Vì ngoài yếu tố Phụng Vụ (Liturgical) và Âm Nhạc (Musical) của một bài Thánh Ca, yếu tố Mục Vụ (Pastoral) cho mọi giới cũng không kém phần quan trọng. Thánh nhạc còn phải liên kết mọi cộng đồng dân Chúa của mọi trình độ, tuổi tác, môi trường và hoàn cảnh sống nữa. Thánh ca phải được hòa nhập vào đời sống, phải phù hợp với mọi giới, người già cũng như giới trẻ, phải phản ảnh những tâm tình suy tư, lo lắng, cầu nguyện, ca tụng của mọi thành phần Dân Chúa từ thành thị, thôn quê đến những vùng sâu, vùng xa, từ vùng biển trải dài bao la, sang cả đến những vùng thương ca hải ngoại.


3) Bạn tôi vẫn còn tự hỏi: “Mục đích của cuốn Tuyển Tập Thánh Ca Việt Nam này để làm gì ?”


Trong Lời Giới Thiệu Đức Cha Hòa đã nói: “Bộ Phụng tự đã quy định: Hội đồng Giám mục phải soạn thảo một Tập Chỉ nam hay một danh mục các bản văn dùng hát trong phụng vụ.”


Câu hỏi đang được đặt ra, là nếu 506 bài chọn lựa từ 4000 bài đã được Imprimatur, bây giờ đã được vinh dự có tên trong Tập Chỉ Nam, hay trong danh mục các bản văn của Ủy Ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, để các địa phận cùng thống nhất sử dụng chung rồi, thì Cộng Đồng Dân Chúa có còn được hát 3494 bài đã bị loại bỏ nữa hay không ? Ví dụ chúng ta có được quyền hát 897 bài hát khác của Lm Kim Long không có in trong Tuyển Tập Thánh Ca này trong Phụng Vụ nữa hay không ?


Nếu vẫn còn được hát, thì tại sao lại gọi những Tuyển Tập này là “Tập Chỉ Nam”, tức là những tập tuyển chọn các bài thánh ca được UBPT của HĐGMVN “chấp nhận chính thức” cho phép riêng để sử dụng trong Phụng Vụ.


Có người thắc mắc: Phải chăng, những bài Thánh Ca không được tuyển chọn sẽ “không còn được gọi là chính thức nữa” và đương nhiên – nếu không chính thức - thì các ca đoàn cũng sẽ không còn hát nữa, và chắc chắn, những bài thánh ca này sẽ dần dần bị cho rơi vào quên lãng.


Thiết tưởng vấn đề này cũng cần được làm sáng tỏ, trước khi tất cả các nhạc sĩ sáng tác Thánh Ca trên toàn Thế giới, đã có nhạc được Imprimatur, gửi về để được in hay sẽ bị … loại bỏ … vĩnh viễn.


Kết Luận


Nói chung cuốn Tuyển Tập Thánh Ca Việt Nam, Quyển Một này tuy có một vài mâu thuẫn không thể tránh, nhưng đã là một bằng chứng của mọi sự cố gắng với thành tâm, thiện chí của mọi người đang thiết tha nâng đỡ, bảo trì và gây dựng cho Nền Thánh Nhạc Việt Nam. Vì đây cũng chỉ là bước đầu, có thể nói là "vội vàng" để kịp mừng Năm Thánh 2010, cho nên vẫn còn nhiều thiếu xót. Nhưng đây cũng là một bước tiến quan trọng cần phải bước, và cần phải được mọi người khuyến khích và nâng đỡ, để rồi các vị hữu trách có thêm nhiều kinh nghiệm hầu cải tiến cho hoàn hảo hơn.

“Tuyển Tập Thánh Ca Việt Nam quyển một” này đã ra mắt kịp thời để chúng ta mừng năm Thánh với nhiều niềm tự hào của người Công Giáo Việt Nam, vì như trong lời giới thiệu của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa Giám Mục Nha Trang, Chủ Tịch Ủy Ban Thánh Nhạc Việt Nam đã viết là: “như là thành quả của một giai đoạn lịch sử Thánh Ca Việt Nam và như một món quà mừng năm KIM KHÁNH GIÁO HỘI VIỆT NAM 2010 ” vậy.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 


- “Phỏng vấn linh mục Nguyễn Duy, Tổng Thư ký Ủy ban Thánh nhạc toàn quốc, nhân phát hành Tuyển tập Thánh ca Việt Nam” do tác giả WHĐ thực hiện.
http://hdgmvietnam.org/News.aspx?Type=8&Act=Detail&ID=1059&CateID=63
- “Thánh Nhạc” – Nguyễn Duy: Xin vào trang web của nhạc sĩ Phạm Đức Huyến: www.phamduchuyen.com. Chọn bài viết “Thánh Nhạc Nguyễn Duy”.
- Xin xem câu giải thích số 82 cho điều 62 của chương 8, Hiến Chế Lumen Gentium: http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/thanhoc/mucluc.htm
- Xin tham khảo theo link ở đây: http://www.usccb.org/liturgy/innews/2006archives.shtml
Nguyên văn bằng tiếng Anh: “New Translation of the Order of Mass in the Vietnamese Language” United States Conference of Catholic Bishops Committee on the Liturgy December 2006 Newsletter – Volume XLII
- Xin xem “Ghi nhận buổi gặp gỡ các Ca Trưởng” http://www.calendi.com/thanhnhac/topic.asp?TOPIC_ID=3984

 

Trần Ngọc Đăng

 


Giáo Hội Công Giáo Việt Nam