BÀI GIẢNG LỄ TẤN PHONG GIÁM MỤC
TẠI BẮC NINH 07-10-2008

 

Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,

Thánh Lu-ca thuật lại chuyến về thăm quê của Đức Giêsu. Na-gia-rét, một thị trấn nhỏ ở miền Bắc là nơi Đức Giêsu đã trải qua thời niên thiếu và thời trưởng thành. Mọi người hàng xóm đều biết chàng thanh niên Giêsu, con bác thợ mộc. Họ biết rõ lý lịch và thân nhân của Người. Việc một người về thăm quê là chuyện rất đỗi bình thường. Vậy mà hôm nay, chàng thanh niên này, sau một thời gian ngắn xa quê, hôm nay lại trở về vào ngày Sa-bát làm mọi người kinh ngạc và bỡ ngỡ. Chàng thanh niên ấy vừa lạ mà vừa quen. Quen vì ai cũng nhận ra Người, nhưng lạ trong ngôn từ và trong phong cách giảng dạy. Vâng, Đức Giêsu trở về quê với một sứ mạng mới, sứ mạng Thiên sai. Điều được ghi trong sách ngôn sứ Isaia do chính Đức Giêsu đọc lên đã chứng minh điều đó. 

Hôm nay, các “liền anh liền chị” Bắc Ninh hân hoan giang rộng vòng tay để đón một người con của Giáo phận. Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, sinh trưởng tại họ Xuân Lai, xứ Nội Bài, di cư vào miền Nam năm 1954, đã gia nhập Dòng Tên từ năm 1967, nay được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Bắc Ninh. Mặc dù đã nhiều lần trở lại Bắc Ninh, nhưng hôm nay Đức Tân Giám mục trở về với một sứ mạng mới, sứ mạng của một mục tử. Đó cũng là sứ mạng của một người cha,người anh, người bạn đối với cộng đoàn Giáo phận Bắc Ninh. Đức Tân Giám mục hôm nay cũng vừa quen vừa lạ, quen vì là người của chốn cũ quê xưa, lạ vì Ngài mang một trọng trách mới, nhất là lát nữa Ngài mang gậy đội mũ Giám mục. Chính vì vậy, mặc dầu quen rồi mà ai cũng muốn nhìn, mặc dầu còn lạ mà ai cũng cảm thấy thân thiết gần gũi. 

Ngài được Chúa sai về Bắc Ninh để làm gì?  Chúng ta tìm thấy câu trả lời trong Tin Mừng do Thánh Lu-ca thuật lại: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt. Trả tự do cho người bị áp bức”. Tác giả Luca liệt kê bốn hạng người, hay bốn thành phần xã hội, là đối tượng phục vụ của Đấng Thiên Sai: người nghèo, người bị giam cầm, người mù, người bị áp bức. Có thể nói bốn hạng người này tượng trưng cho một phần đông trong xã hội đương thời của Đức Giêsu. Họ cần được thấy ánh sáng của đức tin, cần được tự do của ân sủng, cần được nâng đỡ trước những thử thách của cuộc đời, cần được mở rộng tâm hồn để đón nhận chân lý vĩnh cửu. 

Đức Tân Giám mục cũng được sai đến một cánh đồng truyền giáo rộng lớn như Bắc Ninh để làm những điều chính Chúa Giêsu đã làm. Ngài mang trọng trách không chỉ với 125,000 giáo dân, nhưng còn cả 9 triệu dân cư  trên một địa bàn lớn thuộc 5 tỉnh của miền Bắc. Như Đức Giêsu đã đến để quy tụ mọi người để loan báo cho họ Nước Trời, Đức Tân Giám mục, cũng như tất cả các Giám mục khác, được gọi để chia sẻ, hướng dẫn và đồng hành với những người đang nghèo đói về tinh thần và vật chất, đang thiếu thốn về tình thương và niềm an ủi, đang khao khát công bằng và lẽ phải. 

Đó cũng chính là sự mạng căn bản của Giám mục, như  Công đồng Vatican II đã khẳng định: “Các Giám mục phải trình bày giáo thuyết Kitô giáo một cách thích hợp với những nhu cầu của thời đại, nghĩa là đáp ứng những khó khăn và những vấn đề đang làm cho mọi người xao động và khắc khoải nhất” (Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội - Chistius Dominus số 13). Bản văn Công đồng này cũng liệt kê những bổn phận mà các Giám mục phải thi hành: đó là bảo vệ và cổ võ việc học hỏi giáo lý, đối thoại với môi trường xã hội đương thời; chăm lo cho các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, giúp họ sống nhiệt thành với Giáo Hội và với Tin Mừng; cổ võ ơn gọi và hoạt động truyền giáo bằng mọi phương thế thích hợp với thời đại. Là môn đệ của Đức Giêsu, là những người kế vị các Tông đồ, các Giám mục được mời gọi chọn lựa đứng về phía người nghèo, người bị bỏ rơi, người không có tiếng nói. Như thế, Giám mục chính là phát ngôn viên của Chân lý, dựa trên giáo huấn của Tin Mừng để bênh vực con người. Và đối với vai trò ngôn sứ, người phát ngôn luôn phải đối diện với những khó khăn, chống đối và thử thách.  Tuy vậy người phát ngôn có thể bị chèn ép hoặc khủng bố, nhưng chân lý không bao giờ vì thế mà bị bóp nghẹt. Người loan báo Tin Mừng có thể bị bắt bớ, nhưng Tin Mừng không thể bị xiềng xích giam cầm. 

Noi gương Đức Giêsu thành Na-gia-rét trong sứ mạng loan báo Tin Mừng, Đức Tân Giám mục đã chọn cho mình khẩu hiệu:  Tình thương và sự sống. Tình thương và sự sống chính là ân huệ của Thiên Chúa ban cho con người. Con người đến lượt mình mang tình thương và sự sống để ban tặng cho tha nhân. Sống chứng tá tin mừng chính là trao ban tình thương. Đem niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân chính là ban sự sống. Hơn bao giờ hết, thế giới hôm nay cần đến tình thương. Hơn bao giờ hết, cần gióng lên tiếng chuông để bảo vệ sự sống, sự sống ngay từ trong lòng mẹ cũng như sự sống của những con người đang hiện diện trong cõi đời này. Khi không còn tình thương và khi không tôn trọng sự sống, trần gian này sẽ biến thành hỏa ngục. Cuộc đời này sẽ biến thành bãi chiến trường. Đức Tân Giám mục đã cố gắng sống chân lý này từ khi Ngài dấn thân phục vụ anh chị em phong cùi tại giáo xứ Thanh Bình. Ngài được biết đến như một người bạn của những bệnh nhân phong, luôn nhiệt thành nâng đỡ và chia sẻ với họ về những nhu cầu thiêng liêng cũng như vật chất. 

Đến với quê hương Quan họ, ai trong chúng ta mà không biết đến điệu lý giao duyên, thật mượt mà, tình tứ: “Trăm khúc sông đổ dồn về một bến, em chẳng yêu chàng em đến mà chi” Trong Thánh lễ này, một cuộc giao duyên kỳ diệu được thực hiện. Lát nữa, Đức Giám mục chủ phong sẽ trao cho Đức Tân Giám mục một chiếc nhẫn. Chiếc nhẫn này, giống như nhẫn cưới, tượng trưng cho lòng chung thuỷ giữa Đức Tân Giám mục và Giáo phận Bắc Ninh. Khi trao nhẫn vào ngón tay của vị Tân Giám mục, Đức Cha chủ phong sẽ nói: “Hiền đệ hãy lãnh nhận chiếc nhẫn, ấn tín của đức tin: với đức tin nguyên tuyền làm trang sức, Hiền đệ hãy gìn giữ vị hiền thê của Thiên Chúa là Hội thánh được vẹn toàn”. Vâng, đây chính là cuộc giao duyên kỳ diệu, vững bền và chung thuỷ. 

Chúng ta chia sẻ niềm vui với gia đình Giáo phận Bắc Ninh trong ngày trọng đại này sau 2 năm vắng bóng chủ chăn. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành viên trong gia đình này được hiệp nhất và yêu thương. Thánh Ignatiô đã so sánh mối liên kết giữa tín hữu với Giám mục mật thiết  như cây đàn với dây. Đàn không dây sẽ trở nên vô duyên, dây không đàn sẽ trở nên vô dụng. Bắc Ninh là quê hương của dân ca Quan Họ, là nơi “một làn gió bay cũng mang điệu dân ca”. Người Bắc Ninh thích làm thơ, ca hát. Giữa Giám mục và Giáo phận, nếu hài hòa như đàn với dây, sẽ làm vang lên những làn quan họ thánh thiện tuyệt vời, làm đẹp lòng Thiên Chúa và làm say lòng người. Amen 

+ Gm Vũ Văn Thiên, Giáo phận Hải Phòng