HỌC HỎI THƯ MỤC VỤ CỦA HĐGM VIỆT NAM

 

Bài I

 

LOAN BÁO TIN MỪNG LÀ MỘT ÂN HUỆ VÀ ƠN GỌI ĐẶC BIỆT, LÀ CHÂN TÍNH CỦA HỘI THÁNH

Lm Đỗ Quyên, Dalat

 

Mở đầu số 2, Thư mục vụ (TMV)  khẳng định :

“Loan báo Tin Mừng là ân huệơn gọi đặc biệt của Hội Thánh, là chân tính sâu xa nhất của Hội Thánh, một Hội Thánh phát xuất từ tình yêu cứu độ của Thiên Chúa Ba Ngôi”.

 

 

TMV nhấn mạnh 3 điểm :

1/ Loan báo Tin Mừng là một ơn huệ;

2/ Là một ơn gọi của Hội Thánh;

3/ Là chân tính của Hội Thánh.

 

I. Loan báo Tin Mừng là một ân huệ

 

Đành rằng loan báo Tin Mừng là sứ mạng của  Hội  Thánh như Thánh Phaolô nói : “Khốn cho tôi, nếu tôi không loan báo Tin Mừng” (1C 9, 16), nhưng quả thật đó còn là một ân huệ nữa, điều mà chúng ta có lẽ ít khi nghĩ tới.

 

1. Là một ân huệ bởi vì sứ mạng ấy trước hết là của Thiên Chúa Ba Ngôi và của Đức Giêsu, nhưng vì yêu thương, Người đã muốn cho Hội Thánh  được góp phần vào bằng cách sai Giáo Hội đi vào thế giới, đến với muôn dân.

 

Vì thế, Hội Thánh  sẽ là sự hiện diện nối dài của Thiên Chúa ở dưới trần gian này. Nói theo kiểu nói của Công Đồng Vatican II : Hội Thánh  là “bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ” của Thiên Chúa (GH 1).

 

Người ta sẽ biết Chúa qua Hội Thánh. Chính vì thế, “Hội Thánh lữ hành này cần thiết cho phần rỗi” (s. 14)

 

 

2. Là một ân huệ, bởi vì loan báo Tin Mừng là một sứ mạng vượt quá chính bản thân của Hội Thánh .

 

Hội Thánh  luôn phải rao giảng về Chúa, về một sứ điệp lớn hơn chính mình và cách nào đó cảm thấy bất xứng. Hội Thánh  phải nói về một Đấng mà mình mới chỉ thấy như thể “lờ mờ” trong gương.

 

Quả thật, sứ mạng truyền giáo là một ơn huệ.

 

II. Loan báo Tin Mừng là một ơn gọi của Hội Thánh

 

Loan báo Tin Mừng không chỉ là một ơn huệ nhưng còn là một ơn gọi nữa.

 

1. Thánh sử Marcô ghi nhận : Chúa Giêsu đã gọi các môn đệ “để họ ở với Người và để Người sai họ đi rao giảng” (Mc 3, 14) và “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21).

“Được sai đi” : đó là ơn gọi của các tông đồ hôm qua và cũng chính là ơn gọi của Hội Thánh  hôm nay.

 

Loan báo Tin Mừng cho muôn dân là sứ mạng đầu tiên của Hội Thánh. Thật vậy, trước khi về trời, Đức Giêsu đã nói với các tông đồ : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16, 15). Sau đó, các tông đồ đã “ra đi rao giảng khắp nơi” (16, 19).

 

2. Trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử, Hội Thánh đã không mệt mỏi rao giảng về Chúa “lúc thuận cũng như lúc nghịch” (2Tm 4, 1), bởi ý thức rằng đó là ơn gọi của mình.

 

Riêng Hội Thánh Việt nam, “đáp lời mời gọi của Chúa Giêsu Kitô, từ nhiều thế kỷ nay, biết bao nhiêu thế hệ môn đồ đã hăng hái lên đường. Từng đoàn người vượt suối băng rừng. Từng đoàn người ra khơi giữa biển rộng sóng lớn. Biết bao nhiêu người  bỏ mạng nơi rừng sâu núi thẳm. Biết bao nhiêu người bỏ xác ngoài biển khơi. Nhưng lớp này nằm xuống, lớp khác đứng lên nối tiếp nhau ra đi đem Tin Mừng đến tận cùng thế giới.

 

Nhờ các vị thừa sai đầy nhiệt huyết, quê hương Việt nam đã được đón nhận Tin Mừng. Nhờ đời sống anh dũng của các bậc tiền nhân, đức tin đã không ngừng phát triển, để truyền lại cho chúng ta ngày nay một gia sản quí giá” (TMV, số 6).

 

Loan báo Tin Mừng là ơn gọi của Hội Thánh mọi thời.

 

III. Loan báo Tin Mừng là chân tính của Hội Thánh .

 

Cuối cùng, loan báo Tin Mừng là chân tính sâu xa nhất của Hội Thánh : “Tự bản chất, Hội Thánh lữ hành này phải truyền giáo” (TG 2).

 

“Chúa Giêsu đã thiết lập và uỷ thác cho Hội Thánh nhiệm vụ loan báo Tin Mừng (x. Mc 16, 15 ; Mt 28, 19-20). Lệnh truyền này đã trở thành sứ mạng chính yếu của Hội Thánh Chúa Kitô. Hội Thánh không hiện hữu cho mình nhưng cho con người và với con người. Hội Thánh hiện hữu là để loan báo Tin Mừng và làm cho những ai thành tâm đón nhận Tin Mừng trở nên môn đệ Chúa Kitô (x. Mt 19) đồng thời qui tụ cho Thiên Chúa mọi con cái tản mác về lại một mối (x. Ga 10, 52)” (TMV, số 4).

 

Càng loan báo Tin Mừng, Hội Thánh càng là chính mình. Và, nếu không loan báo Tin Mừng, Hội Thánh sẽ không còn trung thành với ý muốn của Đấng sáng lập.

 

Thực hành

 

1. Cảm tạ Chúa vì Chúa cho ta được cộng tác vào sứ mạng loan báo Tin Mừng của Người.

 

2. Quyết tâm loan báo Tin Mừng vì đó là ơn gọi và là chân tính của Giáo Hội và của người kitô hữu.


Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Trở về Trang HỌC HỎI THƯ MỤC