Bài ba

 

“Thần khí Chúa ngự trên tôi…...”

Lm Hướng Dương, Dalat

 

 

Tham khảo : CM. Martini, L’ Eùvangélisateur en saint Luc. Cf. Jésus, évangélisateur manqué, pp. 16-25.

 

Trong việc loan báo Tin Mừng, Hội Thánh muốn học với “Chúa Giêsu, sứ giả Tin Mừng đầu tiên và vĩ đại nhất. Ngay từ đầu, Ngài đã xác định sứ mạng của Ngài là rao giảng Tin Mừng theo lệnh truyền của Đức Chúa Cha : “ Thần Khí Chúa ngự trên tôi, bởi Ngài đã xức dầu cho tôi, Ngài đã sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4, 18 ; x. Is 61, 11)” (TMV số 3).

TMV chỉ trích dẫn câu 18 của đoạn 4. Chúng ta có thể đọc từ câu 16-30 để thấy sứ mạng của người loan báo Tin Mừng không đơn giản. Ngay cả Chúa Giêsu xem ra cũng đã thất bại ngay từ đầu. Thánh sử Luca không muốn che dấu sự thật đớn đau này, có lẽ để đưa ra một bài học cho những sứ giả Tin Mừng sau này suy nghĩ.

 

I. Chúng ta đọc lại câu chuyện.

Đức Giêsu trở về Nazaret và vào Hội dường. Người mở sách ra và đọc một đoạn của Tiên tri Isaia, rồi Người gấp sách lại, ngồi xuống, cử toạ đăm đăm nhìn Người.

 

Đây là một thời điểm có tính quyết định trong cuộc đời rao giảng của Đức Giêsu. Một sai lầm thôi cũng sẽ ảnh hưởng trên cả sứ vụ của Người và kéo theo những hậu quả tai hại lớn lao.

 

Bầu khí xem ra căng thẳng. Cử toạ chờ đợi xem con người đã từng làm bao việc lạ lùng sẽ ăn nói làm sao. Mọi ánh mắt đăm đăm nhìn Người. Và Đức Giêsu  đã tuyên bố : “Hôm nay sứ điệp Kinh Thánh mà các ngươi vừa nghe đã được ứng nghiệm”.

 

Đức Giêsu có lẽ cũng cảm thấy trước bầu khí sẽ trở nên hận thù khi Người tiếp tục công bố sứ điệp : “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ : thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình !. Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Caphacnaum, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào”.

Người nói tiếp : “Tôi bảo thật các ông : không một tiên tri nào được chấp nhận tại quê hương mình. Thật vậy, tôi nói cho các ông hay : thiếu gì bà goá ở trong nước Israel vào thời ông Eâlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xarepta miền Xiđon. Cũng vậy, thiếu gì người phong hủi trong nước Israel vào thời tiên tri Eâlisa, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Xyria thôi”.

 

Bầu khí thật sự đã trở nên sục sôi : “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi – họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi”.

 

Câu chuyện dừng lại chỗ đó. Sứ vụ của Đức Giêsu xem ra đã thất bại.

 

II. Những bài học

Từ câu chuyện trên, ta có thể rút ra những bài học nào ?

 

1. Người loan báo Tin Mừng phải đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa.

Luca cho thấy việc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu không suôn sẻ, không thành công nhưng thất bại, ít nhất là dưới con mắt người phàm.

Trong sách Công Vụ, Luca còn cho chúng ta thấy điều này nơi trường hợp của các tông đồ như Phaolô và Banaba : vào ngày Sabát, khi thấy gần như cả thành tụ họp lại để nghe lời Thiên Chúa, “người Do thái sinh lòng ghen tức, họ dùng lời lăng nhục mà chống đối những lời ông Phaolô nói” (Cv 13, 45)

 

Cuộc đời người loan báo Tin Mừng là thế. Hãy nghe tâm sự của Thánh Phaolô : “ Chúng tôi không muốn để anh em không hay biết gì về nỗi gian truân chúng tôi đã gặp bên Axaia: chúng tôi đã phải chịu đựng quá mức, quá sức chúng tôi đến nỗi chúng tôi không còn hi vọng sống nổi. Nhưng chúng tôi đã mang án tử nơi chính bản thân rồi, để chúng tôi không tin tưởng vào chính mình, mà vào Thiên Chúa” (2C 1, 8-9).

Vâng, trong việc loan báo Tin Mừng, người tông đồ phải đặt trọn niềm tin vào Chúa.

 

2. Phải có tinh thần siêu thoát 

ĐG đã “băng qua giữa họ mà đi” (Lc 4, 30).

Câu này làm nổi bật hai khía cạnh  :

a/ Thứ nhất, “Đức Giêsu cứ tiếp tục con đường của Người và con đường này chỉ kết thúc tại Giêrusalem (x.13, 33. Giải thích của CGKPV). Người loan báo Tin Mừng không vì khó khăn, thất bại mà nản lòng, bỏ cuộc.

b/ Thứ hai, sự tự do tuyệt đối của Chúa Giêsu. Khi “băng qua giữa họ mà đi”, Chúa Giêsu cho thấy Người không bị ràng buộc vào một nơi chốn hay một biến cố nào.

Cần phải học tinh thần tự do của Chúa Giêsu trước khi học hỏi nội dung sứ điệp của Người.. Làm sao ta có thể công bố sứ điệp giải thoát nếu trước tiên chính mình chưa được giải thoát?

 

Kết luận

Loan báo Tin Mừng là chuyện ai cũng muốn làm. Điều khó là khi phải đối diện với những gian khổ, khó khăn và thất bại. Sự thành công nào xem ra cũng phải đi qua con đường thánh giá.


Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Trở về Trang HỌC HỎI THƯ MỤC