RAO GIẢNG TIN MỪNG

“VỚI MỘT NHIỆT TÌNH TÔNG ĐỒ MỚI”

Lm Hướng Dương, Dalat

 

Nhập đề

Để việc truyền giáo có kết quả, Đức Thánh Cha khuyên nhủ ta “hãy ra đi với một nhiệt tình tông đồ mớí”.

“Nhiệt tình tông đồ mới” được TMV giải thích như sau :

Đó là tinh thần của Chúa Giêsu, Đấng đã đi “loan báo tin mừng cho người nghèo…”(Lc 4, 18).

Đó là tinh thần của các Tông đồ sau ngày lễ Ngũ Tuần, mở tung cửa ra đi đến với mọi người, tới mọi chân trời để làm chứng cho Chúa Kitô phục sinh (x. Cv 2).

Đó là tinh thần của các cộng đoàn tín hữu tiên khởi sống hoà thuận thương yêu nhau (x. Cv 2, 44-46) và rao truyền đức tin trong tất cả mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

Đó là tinh thần của các vị thừa sai ra đi, đến với mọi dân nước, dù khác biệt vể ngôn ngữ, chủng tộc, văn hoá, tôn giáo…” (s. 7).

Một điểm cũng nên ghi nhận là khi nói về “nhiệt tình tông đồ mới”, TMV luôn liên kết với Chúa Thánh Thần.

Chúng ta suy nghĩ vắn tắt những điểm nói trên.

 

1. Tinh thần của Chúa Giêsu

TMV trích dẫn Lc 4, 18 : “ Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn”.

Chúng ta quá rõ hôm ấy Người trở về Nadarét, quê hương mình, để rao giảng. Cho dầu mọi người đều chăm chú lắng nghe và thán phục những lời lẽ của Người, nhưng họ lại không đón nhận Người, thậm chí còn “lôi Người lên đỉnh núi để xô xuống vực”. Nhưng Người đã “băng qua giữa họ mà đi”.

Tinh thần của CG, vị sứ giả tin mừng của Chúa Cha, được bày tỏ trong câu chuyện này :

        a/ Tinh thần của mầu nhiệm  khổ nạn : người ta “lôi Người lên đỉnh núi để xô xuống vực”.

        b/ Tinh thần của mầu nhiệm  phục sinh : “Người băng qua giữa họ mà đi”. “Băng qua” có thể gợi lên 3 ý tưởng :

        ù Đức Giêsu vẫn tiếp tục công việc của Người và công việc ấy chỉ kết thúc tại Giêrusalem (vẫn là mầu nhiệm  khổ nạn). Người loan báo tin mừng không vì khó khăn mà bỏ cuộc.

        ù Đức Giêsu tự do, siêu thoát : Người không bị ràng buộc bởi một biến cố hay một sự kiện nào. Người là “con người đi qua mà không bao giờ dừng lại”.

        ù “Băng qua” còn có thể gợi lên hình ảnh  về mầu nhiệm  phục sinh. Chúa Giêsu thoát khỏi bàn tay người đời một cách linh diệu để tiếp tục công cuộc cứu thế của Người.

Đó là tinh thần của Chúa Giêsu trong việc loan báo tin mừng.

 

2. Tinh thần của các tông đồ sau lễ Ngũ Tuần

Đó là :

        a/ Tinh thần của Chúa Thánh Thần. Các tông đồ đã được “lưỡi lửa” đậu trên đầu và “ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói…”. Chỉ khi lãnh nhận Thánh Thần mà các tông đồ đã ra đi rao giảng về Chúa. Cũng chính Thánh Thần đã đẩy các ngài vào những môi trường xa lạ, mới mẻ và bất ngờ, bởi  vì như  Thánh Gioan nói  : “Gió muốn thổi đâu thì thổi” (Ga 3, 8).

b/ Tinh thần cầu nguyện. Chính các tông đồ đã xác định rõ điều ấy : “Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6, 4).

        c/ Tinh thần chịu đau khổ vì đã rao giảng Chúa Giêsu Kitô chết và sống lại, như trường hợp của Thánh Phêrô : khi thì bị ngăm đe, khi thì bị đánh đòn, khi khác bị tống ngục và cuối cùng là bị treo vào khổ giá như Thầy mình.

 

3. Tinh thần của các kitô hữu tiên khởi

TMV trích dẫn Cv 2, 44-46 : “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung…Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến đền thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến”.

Chúng ta thấy cộng đoàn kitô hữu tiên khởi có những nét sau đây :

        a/ Hiệp nhất với nhau : đó là kết quả của đức tin.

        b/ Chia sẻ của cải vật chất là kết quả của hiệp thông trong đức tin.

        c/ Đồng tâm nhất trí khi cầu nguyện : do tác động của Thánh Thần.

Có thể tóm tắt về cộng đoàn này bằng chính lời của sách Cv : “họ như thể chỉ có một tấm lòng”. Chính như thế đó mà họ có thể loan báo về Chúa cho mọi người : “Cứ dấu này người ta sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy, đó là anh em yêu thương nhau”.

 

4. Tinh thần của các vị thừa sai

TMV chỉ viết cách vắn gọn : “Các vị thừa sai ra đi, đến với mọi đất nước, dù khác biệt về ngôn ngữ, chủng tộc, văn hoá, tôn giáo…”. Vậy, tinh thần của các thừa sai là tinh thần nào ?

        a/ Tinh thần từ bỏ : bỏ quê hương (như tổ phụ Abraham) để đến những nơi xa xăm và xa lạ hoàn toàn về ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo…Nói tắt là về hết mọi phương diện. Không những thế, các ngài đã từ bỏ cả mạng sống mình nữa. Lời của Tertulianô có thể áp dụng hoàn toàn chính xác cho các vị thừa sai : “Máu của các vị tử đạo là hạt giống phát sinh nên những người kitô hữu”. Tinh thần từ bỏ là nét dễ thấy và là nét chung của mọi vị thừa sai.

        b/ Lòng yêu mến Chúa Kitô. Động cơ nào khiến các ngài từ bỏ mọi sự, nếu không phải là lòng yêu mến Đức Kitô, như lời của Thánh Phaolô : “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2 C 5, 14). Chỉ vì muốn cho người ta biết Chúa Kitô mà các vị thừa sai đã đến đất nước này, kiên trì rao giảng về Chúa “lúc thuận cũng như lúc nghịch” (2 Tm 4, 2).

 

5. Cùng với Chúa Thánh Thần

Khi nói  về “nhiệt tình tông đồ mới”, TMV luôn liên kết với Chúa Thánh Thần : “Hãy lên đường với tinh thần tông đồ là sự hăng hái được thúc đẩy bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần, là lòng nhiệt thành truyền giáo được nung đốt bởi lửa của Chúa Thánh Thần, là những sáng kiến do ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần” (s. 7).

Nếu không có Chúa Thánh Thần, Hội Thánh không thể chu toàn sứ mạng loan báo tin mừng được. Tắt một lời, “Chúa Thánh Thần là tác nhân chính yếu của việc truyền giáo” (Đức Gioan-Phaolô II) bởi chính Người là “ơn soi sáng”, là “sức mạnh” và là “lửa” của chúng ta.

 

Kết luận

Tinh thần của Chúa Giêsu, của các tông đồ, của các kitô hữu tiên khởi và của các vị thừa sai sẽ là ánh sáng soi dẫn chúng ta trên bước đường loan báo tin mừng của Chúa, đặc biệt trong “năm thánh truyền giáo” này.


Giáo Hội Công Giáo Việt Nam
Trở về Trang HỌC HỎI THƯ MỤC