TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM

--------------

 

XÂY DỰNG CÁC CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI

CƠ BẢN ÐỂ TRUYỀN GIÁO

 

VÀO ĐỀ

          Trong Tuyển Tập Thần Học, số 34 với chủ đề “NGƯỜI GIÁO DÂN TRONG HỘI THÁNH, linh mục Gomez, Dòng Tên, đã trích dẫn một tài liệu về các Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản, với những ý  tưởng và dòng chữ như sau:

        “Cuối cùng, có lẽ đặc thù nhất của thời đại là các Cộng Ðoàn Cơ Bản. Khởi  sự từ Châu Mỹ La Tinh như một trào lưu “từ dưới lên” các Cộng Ðoàn Cơ Bản đã lan tràn ra khắp thế giới như là hiện thân của quần chúng nhân dân trong cuộc  đấu tranh cho các quyền lợi căn bản của họ. Ðó là một sáng kiến Công Giáo, nhưng sau này, không chỉ Tin Lành mà cả đến các tôn giáo khác cũng lấy lại để tổ chức các Cộng Ðoàn Nhỏ làm phương tiện phát huy tinh thần huynh đệ và tương trợ giữa xã hội.” (1).

         “Trong các Cộng Ðoàn Cơ Bản, giáo hữu quen nhau, cầu nguyện với nhau, chia sẻ Kinh Thánh và phát huy tinh thần huynh đệ nhằm đối phó với tình thế tôn giáo và xã hội. Trong các nhóm như thế, giáo dân và giáo sĩ hợp tác với nhau trong bối cảnh hàng xóm, nơi môi trường làm việc v.v…. ; giáo xứ có thể giữ vai trò phối hợp các cộng đoàn. Cộng Ðoàn Cơ Bản giúp củng cố căn tính tôn giáo cho các thành viên cũng như giúp họ kháng cự những công kích tứ phía tinh thần tục hóa các, tôn phái quá khích, các tổ chức bóc lột và áp bức, v.v.. Quả vậy, các Cộng  Ðoàn nhỏ này đã trở thành công cụ truyền giáo hữu hiêu vào bậc nhất. Khi các Kitô hữu là thiểu số, thì một Cộng Ðoàn như thế là bối cảnh sống đạo cần thiết để có thể dễ dàng cảm nghiệm mầu nhiệm Giáo Hội. Một Cộng Ðoàn chưa phải là Giáo Hội, song là một phần tử trong niềm hiệp thông Công Giáo. Hiện có những Cộng Ðoàn Ki-tô giáo như thế ở thôn quê cũng như nơi thành thị, ở giữa giới bình dân cũng như giữa giai cấp giầu có, trong các đại học cũng như giữa những người di dân mù chữ: đức tin chỉ là một cho mọi người và bất cứ ở đâu” (2).

         

Trong bài 10 này chúng ta sẽ tìm hiểu về các Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản là một trong những Ðường Lối Truyền Giáo thức thời và hiệu quả của Giáo Hội ngày nay.

 

TRÌNH BÀY

I. QUAN ÐIỂM CỦA GIÁO HỘI VỀ CÁC CỘNG ÐOÀN GIÁO HỘI  CƠ BẢN.

1.1 Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản  là do Chúa Thánh Thần khơi lên  trong lòng Giáo Hội:

          “Thánh Thần Thiên Chúa đã luôn hoạt động trong lịch sử Giáo Hội Á châu, hẳn cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn Giáo Hội ấy. Người ta tìm thấy nhiều yếu tố tích cực nơi các Giáo Hội địa phương (….). Một lý do vững chắc cho phép ta hy vọng “một mùa xuân mới trong đời sống đức tin của Ki-tô hữu” là càng ngày càng có nhiều giáo dân được huấn luyện tốt hơn, nhiệt tình và đầy ơn Thánh Thần, nhận thức sâu sắc hơn ơn gọi riêng của mình trong cộng đoàn Giáo Hội.”  (3).

 

1.2 Giá trị của các Cộng đoàn Giáo Hội cơ bản trong lòng Giáo Hội:

“Trong bối cảnh ấy và dựa trên kinh nghiệm mục vụ của mình, các Nghị Phụ Thượng Hội Ðồng (Giám Mục Châu Á) nhấn mạnh tới giá trị của các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản như một phương thế hữu hiệu để đẩy mạnh sự hiệp thông cộng tác trong các giáo xứ và giao phận, và như một lực lượng thật sự cho công cuộc Phúc Âm hóa. Những tập thể nhỏ bé này sẽ giúp các tín hữu sống thành những cộng đoàn đức tin, cầu nguyện và yêu thương như các Ki-tô hữu đầu tiên (Cv 2,44-47; 4,32-35). Các tập thể này còn giúp các đoàn viên sống Tin Mừng trong tinh thần yêu thương huynh đệ và phục vụ, từ đó trở thành điểm khởi hành vững chắc cho một xã hội mới, biểu hiện một nền văn minh tình thương…. ” (4).

 

II. THẾ NÀO LÀ CỘNG ÐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN?

2.1 Ðịnh nghĩa:

Cộng đoàn Giáo Hội Cơ Bản là:

(1) Một nhóm từ 8 đến 15 tín hữu,

(2) Sống cùng xóm với nhau tức trong cùng địa bàn dân cư,

(3) Gặp gỡ nhau ít nhất một tháng một lần để cầu nguyện chung với nhau, để vui hưởng và chia sẻ đời sống và các kinh nghiệm đức tin, hầu nâng đỡ nhau và phát triển tình thân hữu trong Chúa,

(4) Thông qua Nhóm và Lời Chúa, họ đào sâu và nâng cao sự hiểu biết về Chúa Ki-tô, về Giáo Hội và về ơn gọi  và nhiệm vụ riêng của mình,

(5) Tùy theo kinh nghiệm sống đức tin của Nhóm và ơn đoàn sủng mà mỗi người lãnh nhận được, họ cam kết thực hiện một mình hay chung với Nhóm một việc tông đồ nào đó, nhằm phục vụ Giáo Hội và xã hội trong môi trường nghề nghiệp, trong khu xóm hay trong gia đình,

(6) Họ đại diện giáo xứ tại khu vực của mình và tạo nên một “giáo hội tại gia” hoặc một “giáo hội nhỏ” tại địa phương ấy.

 

2.2 Những nét chính của một Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản:

(1) Do những người cùng sống chung một địa bàn với nhau tạo nên,

(2) Mọi giáo dân có thể gia nhập,

(3) Họ đại diện giáo xứ tại khu vực họ sống,

(4) Mỗi Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản có đại diện trong Hội Ðồng Mục Vụ Giáo Xứ.

 

2.3 Nhiều tên gọi khác nhau của Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản:

Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản (tiếng Pháp: Communauté de base, viết tắt là CB; tiếng Tây Ban Nha: Communidades de base, viết tắt cũng là CB; tiếng Anh: Basic Ecclesial Community, tắt là BEC) có nhiều tên gọi khác nhau, như:

(1) Cộng Ðoàn Ki-tô Cơ Bản (Basic Christian Community, viết tắt BCC),

(2) Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản (Basic Ecclesial Community, vt BEC),

(3) Cộng Ðoàn Nhỏ Giáo Xứ, (Small Parish Community, viết tắt SPC); Tế Bào Giáo Xứ (Parish Cells, viết tắt PC),

(4) Cộng Ðoàn Ðức Tin (Faith Community, viết tắt FC),

(5) Cộng Ðoàn Ki-tô (Christian Community, viết tắt CC),

(6) Cộng Ðoàn Ki-tô Nhỏ (Small Christian Community, viết tắt SCC),

(7) Cộng Ðoàn Ðức Tin Ki-tô (Christian Faith Community, viết tắt SFC),

(8) Cộng Ðoàn Cơ Bản (Basic Community, viết tắt BC),

 

2.3 Ðặc điểm hay phẩm chất riêng của Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản:

Từ các tên gọi khác nhau kể trên, chúng ta thấy mấy đặc điểm hay phẩm chất riêng sau đây của Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản được đề cao:

(1) Tính hạ tầng cơ sở, tính căn bản của Cộng Ðoàn (basic, de base),

(2) Tính Giáo Hội của Cộng Ðoàn (Ecclesial),

(3) Tính Ki-tô hay Ðức Tin của Cộng Ðoàn (Christian, Faith),

(4) Tính khiêm tốn, nhỏ bé của Cộng Ðoàn (Small).

 

2.4 Hoạt động chính Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản:      

(1) Hoạt động trọng tâm của các Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản  là Chia Sẻ  Lời Chúa, nhất là theo Phương Pháp 7 bước hay Phương Pháp Xem-Xét-Làm.

(2) Hoạt động Tông đồ (hay đối ngoại) của các Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản rất đa dạng, như:

* Cỗ võ các Nhóm Chia Sẻ  Lời Chúa, các Nhóm Cầu Nguyện,

* Chăm sóc bệnh nhân,

* Thăm viếng những người cùng Giáo Xứ,

* Giúp đỡ những người thiếu thốn,

* Tham dự lễ hội trong vùng,

* Dậy dỗ trẻ nhỏ,

* Tham gia các Nhóm Tín Dụng, giúp vốn, phát triển cộng đồng,

* Làm chứng cho Chúa Ki-tô trong môi trường nghề nghiệp, lao động,

* Ðem Tin Mừng đến cho những người ngoài Giáo Hội,

* Thăm viếng những người mới đến cư ngụ trong khu vực, giáo xứ,

* Thăm viếng những người bị giam tù, các bệnh nhân trong bệnh viện,

* Chăm lo cho những người nghèo, những người tàn tật, già yếu, neo đơn,

* Chăm lo cho giới trẻ,

* Dạy Giáo Lý cho dự tòng,

* Chuẩn bị Lễ Rửa Tội cho trẻ em và người trưởng thành,

* Chuẩn bị Hôn Nhân cho các bạn trẻ,

* Chuẩn bị Phụng vụ Ngày Chúa Nhật cho giáo xứ,

* Hòa giải khi có xung đột và tranh chấp,

* Quan tâm đến vấn đề bất công lớn trong xã hội,

* Bênh vực quyền lợi của người lao động,

* Quan tâm đến những nhu cầu nghiêm trọng mà người khác làm ngơ,

* Quan tâm đến sự phát triển nhân bản cũng như kinh tế,

* Quan tâm đến môi trường sinh thái,

 

2.5 Lý do khiến các Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản hình thành:        

(1) Lý do 1: Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản thỏa mãn những ước vọng thâm sâu của con người chống lại xu hướng chung của thời đại là tạo nên những cá nhân theo một khuôn mẫu có sẵn, thậm chí biến con người thành sản phẩm của xã hội, theo mô hình đồng nhất. Con người ngày nay không ai muốn bị nhận chìm hoặc bi cuốn hút hoàn toàn bởi đám đông của các cộng đồng lớn. Họ mong muốn được nhìn nhận như các cá nhân và muốn được quan tâm tới khi người ta đưa ra quyết định nào đó. Càng ngày càng có nhiều người ý thức rằng họ có trách nhiệm về những vần đề ảnh hưởng trên xã hội, như vần đề hoà bình, vần đề môi trường sinh thái, vần đề quyền con người. Họ mong đợi được tham gia cách tích cực vào cuộc chơi là cuộc sống.

(2) Lý do 2: Trong Giáo Hội cũng có ý thức ngày càng lớn, nơi nhiều giáo dân nam nữ, về trách nhiệm của mỗi chi thể đối với lợi ích của anh em chị em mình, nhằm thực hiện được sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới. Kinh nghiệm của nhiều Giáo Hội cho thấy rằng dù trong các giáo xứ có nhiều đoàn thể tông đồ hay các nhóm (vd Legio Mariae, Cursillo, Thanh Lao Công, các nhóm học hỏi Kinh Thánh, các nhóm cầu nguyện Thánh Linh, Hội Thánh Vinh Sơn, Hội Focolarini..),  thì phần đông giáo dân trong giáo xứ vẫn chỉ là những cá nhân lẻ loi, thụ động không dấn thân và không được quan tâm. Khi những tổ chức kể trên biến thành Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản thì lập tức các thành viên trở nên tích cực và hăng say truyền Ðạo hơn nhiều.

 

II. GIÁO HỘI VIỆT NAM VỚI CÁC CỘNG ÐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN

Theo sự hiểu biết của tôi, thì trong lòng Giáo Hội Việt Nam mới chỉ có các Hội Ðoàn Tồng Ðồ hay Các Ðoàn Thể Công Giáo Tiến Hành, các Nhóm Chia Sẻ Lời Chúa, các Nhóm Cầu Nguyện, các Nhóm Công Tác Xã Hội, Bác Ái… chứ chưa có các Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản đúng nghĩa.

 

Có thể nhìn thấy các nguyên nhân sau đây của sự kiện trên:

(1) Giáo Hội Công Giáo Việt Nam không có liên lạc với các Giáo Hội thuộc khu vực Ðông Nam Á trong một thời gian dài (từ năm 1975 đến những năm gần đây), nên không có thông tin cập nhật về những điều mới mẻ xuất hiện trong lòng các Giáo Hội ấy trước và sau Công Ðồng Vatican II, trong đó nổi bật nhất là các Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản.

 

(2) Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, do truyền thống, có xu hướng bảo thủ, nên chẳng những ít quan tâm đến các phong trào canh tân đổi mới, mà còn tỏ ra dè dặt thậm chí e ngại đối với những cái mới, trong đó có các Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản.

 

(3) Trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, thường thì việc gì cũng xuất phát từ hàng giáo sĩ trong khi ở các Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản thì phần chủ động lại là của chính anh chị em giáo dân.

 

(4) Trong Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, hễ một nhóm giáo dân nào chia sẻ, học hỏi Lời Chúa hay cầu nguyện dựa vào Thánh Kinh, mà không do các linh mục tổ chức, giảng dậy, điều hành thì thường bị nghi ngờ và rất dễ bị gán cho hai chữ Tin Lành, làm như Thánh Kinh không phải của Công Giáo hoặc chỉ dành riêng cho các linh mục tu sĩ mà th ôi!

 

Vì bốn lý do trên, nên chưa có Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản (đứng nghĩa) trong lòng Giáo Hội Việt Nam.

 

THAY LỜI KẾT

Lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi Người lên trời là làm cho mọi người trở thành môn đệ và sống giáo huấn của Phúc Âm (5) vẫn không có gì thay đổi. V ì  Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động trong tâm hồn người tín hữu và trong lòng Giáo Hội nên mỗi thời có những sáng kiến, hoạt động và đường lối truyền giáo mới thích hợp và hiệu quả hơn.

 

Vì thế mà Giáo Hội Việt Nam, nếu muốn đẩy mạnh việc Truyền Giáo hơn nữa, thì cần phải tìm tòi học hỏi với (Giáo Hội) chị, với (Giáo Hội) em cũng như biết lắng nghe Chúa Thánh Thần. Cụ thể và cấp bách là chúng ta cần có các linh mục, tu sĩ và giáo d ân dấn thân vào việc phổ biến, truyền bá về Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản và đứng ra thành lập các Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản ấy trong các Giáo Xứ.

 

 

 

           Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

           New Orleans (LA/USA) ngày 02.10.2006.

 

 

.........................

Chú thích

(1) Sergio Torres and John Eagleson (Eds), The Challenge of Basic Christian Communities: papers from the International Ecumenical Congress of Theology (1980: Sao Paulo, Brazil), Maryknoll: Orbis Books 1981; Andrew Dawson, Susan Peterson, The Birth and Impact of the Base Ecclesial Community, International Scholars Publications, 1998.

(2) Tại Châu Á, xin đọc Cora Mateo và Giám mục Orlando Quevedo, FABC Papers số 921, tháng 1.2000.

(3) Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại Châu Á, số 9.

(4) Như trên, số 25.

(5) “Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."  Mt 28, 18-20).


Trở về Trang Mục Lục