TRUYỀN GIÁO TẠI VIỆT NAM

--------------

 

THÀNH LẬP CÁC CỘNG ÐOÀN KITÔ GIÁO 

ÐỂ TRUYỀN GIÁO

 

VÀO ĐỀ

Xây dựng các Cộng Ðoàn Giáo Hội Cơ Bản hay tham gia các Phong Trào và Hiệp Hội Canh Tân là giả thiết đã có sẵn một Cộng Ðoàn Kitô Giáo, cụ thể là Giáo Xứ, ở địa phương. Vậy trước khi có Giáo Xứ hay muốn có Giáo Xứ thì công việc của Giáo Hội và của chúng ta là gì? Thưa là thành lập các Cộng Ðoàn Kitô Giáo. Ðó là việc đầu tiên phải làm nếu muốn Truyền Giáo.

 

Trong bài 6 tôi đã nêu ÐIỂM TRUYỀN GIÁO như một trong các Phương Tiện cần thiết cho việc Truyền Giáo tại Việt Nam hiện nay. Theo tiến trình tự nhiên thì Ðiểm Truyền Giáo sớm muộn gì cũng sẽ trở thành Cộng Ðoàn Kitô Giáo. Vì thế trong bài 12 này chúng ta sẽ xem xét việc thành lập các Cộng Ðoàn Kitô Giáo như một trong các Ðường Lối Truyền Giáo chính thống mà Công Ðồng Vatican II đã xác định rõ ràng.

 

TRÌNH BÀY

I. GIÁO HUẤN CỦA CÔNG ÐỒNG VATICAN II VỀ VIỆC THÀNH LẬP CÁC CỘNG ÐOÀN KITÔ GIÁO.

          “Chúa Thánh Thần là Ðấng kêu gọi mọi người đến với Chúa Kitô và thúc  đẩy tâm hồn họ vâng phục đức tin nhờ hạt giống Lời Chúa và việc rao giảng Phúc âm. Chính khi Ngài sinh những kẻ tin Chúa Kitô trong lòng Giếng Rửa Tội để sống đời sống mới, Ngài tập hợp họ thành một Dân Chúa duy nhất. Dân này là “dòng giống được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh thiện, dân được Thiên Chúa thu phục” (1).

 

“Vậy các nhà Truyền Giáo như những cộng tác viên của Thiên Chúa (2), phải gây dựng những cộng đoàn tín hữu sao cho họ biết sống xứng đáng ơn gọi của mình (3), để họ có thể thi hành những chúc vụ đã được Chúa trao phó cho họ: đó là chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả. Nhờ cách đó, Cộng Ðoàn Kitô hữu trở thành dấu chỉ nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian: thật vậy, nhờ Hiến Tế Thánh Thể, họ luôn được cùng Chúa Kitô vươn đến Chúa Cha (4), và khi đã được nuôi dưỡng cẩn thận bằng Lời Chúa (5), họ làm chứng về Chúa Kitô (6), và sau cùng dấn bước vào tình bác ái và được hun đúc trong tinh thần tông đồ” (…..).

          “Ngoài ra, để gieo trồng Giáo Hội và phát triển Cộng Ðoàn Kitô Giáo, cần  phải có nhiều thừa tác vụ khác nhau; những thừa tác vụ này một khi đưc ơn Chúa gọi khiến nẩy sinh từ chính Cộng Ðoàn tín hữu, phải được mọi người đặc biệt chăm lo cổ võ và vun trồng. Trong những thừa tác vụ đó, có chức vụ linh mục, phó tế và giảng viên giáo lý cũng như Công Giáo Tiến Hành” (7).

 

II. NHU CẦU & KHẢ NĂNG THÀNH LẬP CÁC CỘNG ÐOÀN KITÔ GIÁO TRONG LÒNG GIÁO HỘI VIỆT NAM  HIỆN NAY

2.1 Nhu cầu bao la và khả năng vô cùng lớn:

Nếu xét về tỷ lệ người Công Giáo trên tổng số người Việt Nam, thì cánh đồng Truyền Giáo của Giáo Hội Việt Nam còn bao la bát ngát, vì người Công Giáo mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn, khoảng 6-7% dân số.

 

 Nếu xét về các lãnh vực trần thế mà người Kitô hữu Việt Nam phải hiện diện như muối, như men thì công cuộc Phúc Âm hóa các môi trường lao động, kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị, giáo dục còn bề bộn trăm bề.

 

Nếu xét về các điều kiện khách quan và chủ quan thì, dù còn nhiều khó khăn cản trở từ phía Nhà Nước, -từ chủ trương, chính sách đến biện pháp-, Giáo Hội Việt Nam vẫn còn rất nhiều khả năng để rao giảng Phúc Âm và thành lập các Cộng Ðoàn Kitô Giáo ở khắp các vùng, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả ở vùng cao, vùng xa.

       

Chỉ cần các Ủy Ban của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam và của các giáo phận như Ủy Ban Truyền Giáo, Truyền Thông, Văn Hóa, Giáo Dân, Gia Ðình, Giới Trẻ, Bác Ái Xã Hội ….. tập trung hoạt động của mình vào việc thành lập và xây dựng các Cộng Ðoàn Kitô Giáo ở khắp các giáo phận. Có nghĩa là Giáo Hội Việt Nam tập trung và huy động nhân sự và của cải vật chất vào công việc này thì chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp.

 

Cần lưu ý về sự kiện này là trong 10-15 năm qua Giáo Hội Việt Nam đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc để xây dựng và tu sửa các thánh đường và cơ sở vật chất. Giả như Giáo Hội Việt Nam chỉ dành một phần trăm khoản tiền ấy cho công việc xây dựng con người, đào tạo cán bộ giáo dân thì sự phát triển sẽ hài hòa, cân bằng hơn. Và giả như trong nội bộ Giáo Hội Việt Nam có sự chia sẻ nhiều hơn nữa giữa các giáo xứ giầu và các giáo xứ nghèo, giữa các giáo xứ thành thị và các giáo xứ nông thôn hay vùng sâu vùng xa, thì chứng tá hiệp thông liên đới của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam càng nổi bật hơn nữa. Nhưng dường như còn thiếu một nhận thức, một nhậy cảm và sự điều phối chung trong lãnh vực này. Tiếc thay! (8).

 

2.2 Trọng tâm phải quan tâm khi thành lập Cộng Ðoàn Kitô Giáo:

Trước và trong khi thành lập một Cộng Ðoàn Kitô Giáo tại một địa phương nào đó, những người có trách nhiệm cần quan tâm đến những trọng tâm mà các Nghị  Phụ Công Ðồng Vatican II đã nêu lên ở trên. Cụ thể là:

 (1) Ðào tạo các Kitô hữu trong Cộng Ðoàn Kitô Giáo mới thành lập, cho họ có khả năng thi hành các chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả mà Chúa Kitô đã ban cho mọi Kitô hữu khi họ lãnh nhận Bí Tích Phép Rửa.

 

(2) Vun trồng và phát triển các thừa tác vụ khác nhau trong Cộng Ðoàn, không chỉ cổ võ ơn gọi linh mục, tu sĩ mà cả các ơn gọi khác như phó tế (9), giáo lý viên và tông đồ giáo dân nữa.

 

Thật ra hai công việc trên là nhiệm vụ không chỉ của các Cộng Ðoàn Kitô Giáo mới được thành lập mà là của tất cả các Cộng Ðoàn Kitô Giáo trên khắp nước Việt Nam, trên toàn thế giới. 

 

Ðó đây nhiều giáo xứ, giáo phận rầm rộ tổ chức ăn mừng ngày giáo xứ, giáo phận được 30, 50, 75, 100 năm. Trong những dịp lễ lạc vui mừng ấy, Ban Tổ  Chức không để thiếu thứ gì, có lẽ trừ một thứ: Mợi người cùng kiểm điểm xem Cộng Ðoàn Giáo Xứ, Giáo Phận mình đã chu toàn hai nhiệm vụ quan trọng trên như thế nào?

 

THAY LỜI KẾT

Xin phép nêu lên một đề nghị:   

Dù gặp nhiều khó khăn và trở ngại từ trong ra ngoài, các giáo phận vẫn nên mạnh dạn thành lập thêm nhiều Cộng Ðoàn Kitô Giáo mới, tại những vùng có những điều kiện tương đối.

 

Riêng đối với một số giáo phận như Sàigòn, Hà Nội, Xuân Lộc, Bà Rịa v.v… nên nghiên cứu việc cắt các Giáo Xứ lớn thành nhiều Giáo Xứ nhỏ. Làm như vậy sẽ giảm bớt sự chênh lệch về tài chánh và nhân sự giữa các giáo xứ và sẽ tạo cơ hội cho nhiều giáo dân tham gia vào việc xây dựng và phát triển Cộng Ðoàn Giáo Hội tức thi hành các chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của người môn đệ Chúa Kitô Giêsu.

 

                   

           Giêrônimô Nguyễn Văn Nội

             New Oreans (LA/USA) ngày 07.10.2006

           Lễ Ðức Mẹ Mân Côi

 

.........................

Chú thích

(1) 1 Pr 2.9; Công Ðồng Vatican II, Sắc Lệnh về Hoạt Ðộng Truyền Giáo của Giáo Hội, số 15; Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 9.

(2)  1 Cr 3,9.

(3)  Ep 4,1.

(4) Công Ðồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 10,11.34.

(5) Công Ðồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải của Thiên Chúa, số 21.

(6) Công Ðồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 12, 35.

(7) Công Ðồng Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, số 23, 36; Sắc Lệnh về Hoạt Ðộng Truyền Giáo của Giáo Hội, số 15;

(8) Nhiều Cộng Ðoàn Kitô Giáo ở nông thôn hay vùng núi chỉ cần một khoản tiền nhỏ là có được một ngôi nhà nguyện hay mấy lớp giáo lý cho con em mà không được ai giúp, trong khi có nhiều nhà thờ còn tốt, còn đẹp ở thành phố hay các vùng trù phú bị phá đi để xây một cái mới.

(9) Tuy không xác định rõ là phó tế vĩnh viễn hay tạm thời, nhưng trong mạch văn chúng ta có thể hiểu là phó tế vĩnh viễn. Trong Giáo Hội Việt Nam chưa có loại phó tế này. Có lẽ vì ơn gọi linh mục, tu sĩ còn nhiều nên các Giám Mục Việt Nam không thấy cần phải phục hồi một thừa tác vụ có từ thời các Tông đồ mà Công Ðồng Vatican II đã khuyến khích các Giáo Hội địa phương tái lập, trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội “Ánh Sáng Muôn Dân”, số 29.


Trở về Trang Mục Lục