bỘ giám mỤc

VATICAN 1988

 

 

BẢn chỈ dẪn

CHO CUỘC VIẾNG THĂM “AD LIMINA”

 

MỞ ĐẦu

Cuộc viếng thăm “ad limina Apostolorum” (đến mộ các Tông Đồ) đối với tất cả các Giám mục chủ tọa việc thực thi đức ái và việc phục vụ các Giáo Hội địa phương ở mọi nơi trên thế giới, đang hiệp thông với Tông Tòa , mang một ý nghĩa rõ rệt : đó là nhằm củng cố trách nhiệm của các ngài trong tư cách những người kế vị các Thánh Tông Đồ và gia tăng sự hiệp thông phẩm trật với đấng Kế vị Thánh Phêrô, và trong lúc viếng thăm Rôma, hướng tâm tư về mộ hai Thánh Phêrô và Phaolô là chủ chăn và trụ cột của Giáo Hội Rôma.

Cuộc viếng thăm đó là một thời điểm trung tâm của việc thực thi thừa tác vụ mục vụ của Đức Thánh Cha : thực vậy, trong cuộc viếng thăm đó, vị Chủ chăn Tối cao tiếp đón các vị Chủ cahn8 của các Giáo Hội địa phương và cùng với các ngài bàn về các vấn đề liên quan đến sứ vụ giáo hội của các ngài.

Việc phan tích nguồn gốc và sự phát triển lịch sử và pháp lý của cuộc viếng thăm cùng với suy tư về ý nghĩa thần học, tu đức và mục vụ của nó, cho phép đào sâu ý nghĩa và soi sáng các nền tảng. các lý do và mục đích của một thể chế đáng kinh như thế …Vì vậy có ba bị chú kèm theo, một có tính cách thần học, một có tính cách tu đức và mục vụ, và một c1 tính cách lịch sử và pháp lý.

Nơi đây chúng tôi chỉ nhấn mạnh vài điểm để hiểu rõ Bản chỉ dẫn hơn.

I. Cuộc viếng thăm “ad limina” không thể chỉ được coi như một hành vi có tính cách pháp lý và hành chánh, nhằm chu toàn một luật buộc có tính cách lễ nghi, nghi thức và pháp lýTrong phần giáo luật truyền dạy làm cuộc viếng thăm này (CIC can. 400), hai mục đích chủ yếu được nêu rõ :

a) kính viếng một hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô ;

b) gặp gỡ đấng Kế vị Thánh Phêrô, vị Giám mục Rôma.

II. Việc tôn kính và hành hương “viếng các chiến tích” (trophées) các Thánh Tiông Đồ Phêrô và Phaolô là một tục lệ có từ thời đại thượng cổ kitô-giáo và vẫn luôn luôn giữ được cái ý nghĩa thiêng liêng sâu xa của nó, cùng với ý nghĩa hiệp thông giáo hội ; vì thế nên các tục lệ này đã được hể chế hóa cách đặc biệt cho các Giám mục.

Thật vậy, những tục lệ ấy diễn tả sự hợp nhất của Giáo Hội được Chúa Giêsu thiết lập trên nền tảng các Tông Đồ và xây dựng trên Thánh Phêrô, người đứng đầu các vị, với chính Chúa Giêsu-Kitô là đá góc và “tin mừng” cứu độ của Ngài cho tất cả mọi người.

III. Cuộc gặp gỡ đấng Kế vị Thánh Phêrô, người đầu tiên có nhiệm vụ gìn giữ kho tàng chân lý được các Tông Đồ truyền lại, nhằm củng cố mối hợp nhất, nhờ chia sẻ cùng một đức tin, cùng một đức cậy và cùng một đức mến, và làm cho mọi người nhận biết và quý chuộng các di sản bao la về những giá trị thiêng liêng và đạo đức mà toàn thể Giáo Hội, hiệp thông với Giám mục Rôma, đã gieo rắc khắp thế giới. Các thể thức và nhịp độ gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng có thể thay đổi và đã thay đổi qua các thời đại ; nhưng ý nghĩa chính yếu của cuộc gặp gỡ này vẫn không thay đổi.

IV. Trong một thế giới đang hướng đến sự hợp nhất thực sự và trong một Giáo Hội biết mình là “dấu chỉ và kkhí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hợp nhất toàn thể nhân loại” (LG 1), cần phải cổ võ và tạo điều kiện cho một sự hiệp thông liên tục giữa các Giáo Hội địa phương và Tông Tòa với việc trao đổi tin tức và chia sẻ ưu tư mục vụ về các vấn đề, các kinh nghiệm, các nỗi đau khổ, các phương hướng và dự tính làm việc và sống.

Hoạt động của việc hiệp thông giáo hội này (cette communion ecclésiale) có hai chiều. Một bên là sự quy hướng về trung tâm và nền tảng hữu hình của sự hợp nhất, được diễn tả bằng các nhóm và hội đồng là những dây hiệp nhất và phương tiện phục vụ, trong sự dấn thân và trách nhiệm cá nhân của mỗi Giám mục và với tinh thần đồng đoàn (affectus collegialis). Bên kia là trách vụ mà “Chúa đã trao phó riêng cho Thánh Phêrô” (munus “spécialement confié à Pierre” – LG 20) để phục vụ sự hiệp thông giáo hội và công cuộc truyền giáo, để không ai có thể cố tình xao lãngnhững gì cần thiết cho việc cổ võ và gìn giữ sự hiệp nhất đức tin và kỷ luật chung của toàn thể Giáo Hội, và để mọi người ý thức thêm rằng nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng khắp nơi thuộc về tập thể các Chủ chăn.

V. Dĩ nhiên là, để chu toàn nhiệm vụ (munus) của mình, Giám mục Rôma cần được thông báo cách trung thực và do các vị có thẩm quyền về tình hình cụ thể của các Giáo Hội, về các vấn đề của họ, về các sáng kiến đã tiến hành, về những khó khăn đã gặp và về những kết quả đạt được. Tất cả những việc trên đây có thể được thực hiện, ngày nay hơn xưa kia, bằng thư từ, bằng những phương tiện thông tin công cộng, bằng những bản báo cáo của các vị Đại diện Tông Tòa tại các Quốc gia, cũng như bằng cuộc tiếp xúc của Đức Thánh Cha với các thực tại địa phương trong những chuyến tông du của ngài : nhưng điều không thể thay thế được là việc tường trình trực tiếp (rapport direct) mà tất cả các giám mục hay Hội đồng giám mục quy tụ các ngài trong những Quốc gia khác nhau có thể có cách định kỳ với Đức Giáo Hoàng tại Rôma, trong cuộc viếng thăm – hành hương của các ngài, sau một sự chuẩn bị thích hợp, xa và gần cho cuộc gặp gỡ.

Việc Thánh Phaolô viếng thăm và ở lại với Thánh Phêrô mười lăm ngày (x. Gl 1,18) là một cuộc gặp gỡ nhằm giúp đỡ nhau trong thừa tác vụ riêng của mỗi đấng. Cũng thế, việc các Giám mục, đại diện và sứ thần của Đức Kitô tại các Giáo Hội địa phương đã được trao phó cho các ngài, đến thăm đấng Kế vị Thánh Phêrô, “đại diện Đức Kitô và thủ lãnh hữu hình của toàn thể Giáo Hội” (LG 18), cũng đem lại nhiều kinh nghiệm phong phú cho thừa tác vụ Phêrô (ministère pétrinien) và cho sứ vụ của Ngài là soi sáng các vấn đề nghiêm trọng của Giáo Hội và thế giới được nhận định trong những bối cảnh khác nhau tùy nơi chốn, thời đại và văn hóa.

VI. Bản phúc trình năm năm (rapport quinquennal) do Giáo Luật (can 399) quy định nằm trong việc chuẩn bị cho cuộc viếng thăm “ad limina” (can. 400).

Bản phúc trình này là một phương tiện giúp cho mối dây thông hiệp giữa các Giáo Hội địa phương với Đức Giáo Chủ Rôma được dễ dàng hơn. Bản phúc trình phải được gửi sớm đủ để Đức Thánh Cha có thể tiếp xúc cách bổ ích, cá vị và mục vụ với mỗi Giám mục và để cho các Cơ quan có thẩm quyền (Dicastères compétents) được những thông tin cần thiết, hầu có thể đối thoại cách xây dựng với các chủ chăn các giáo phận.

VII. Do đó mà Đức Thánh Cha, các Giám mục và các Cơ quan của Giáo Triều Rôma cảm thấy cần phải quy định diễn tiến của cuộc viếng thăm “ad limina” của các đấng Bản quyền thuộc nghi lễ la tinh và trước hết cho việc chuẩn bị cuộc viếng thăm về phía các Giám mục cũng như về phía các Cơ quan, bằng một quy tắc thích hợp được trình bày trong Bản chỉ dẫn này.

Đối với các Giám mục theo nghi lễ đông phương phải chờ công bố Bộ Giáo Luật cho các Giáo hội Đông phương.


BẢN CHỈ DẪN

1. CHUẨN BỊ XA

Việc chuẩn bị xa gồm : chuẩn bị thiêng liêng, chuẩn bị gửi báo cáo mỗi năm năm, các cuộc tiếp xúc với vị Đại diện Tòa Thánh sở tại.

1.1 Một thời gian suy nghĩ và cầu nguyện

Việc chuẩn bị tốt nhất là chuẩn bị thiêng liêng. Cuộc viếng thăm “ad limina” là một hành động mà mỗi Giám mục thực hiện vì lợi ích của riêng giáo phận mình và của toàn thể Giáo Hội, để tăng cường sự hợp nhất, tình bác ái, sự liên đới trong đức tin và tông-đồ-vụ. Vậy mỗi vị Bản quyền (Chaque Ordinaire) hãy góp nhặt trong kinh nghiệm của mình những yếu tố nổi bật về tình hình của ggiáo phận, khảo sát chúng kỹ càng và tổng hợp các kết luận mà mình thấy cần rút ra trước mặt Chúa, vì lợi ích của Giáo Hội.

Có lẽ lúc đó Giám mục sẽ cảm thấy cần phải động viên toàn thể cộng đồng giáo phận, và nhất là các đan viện có nội vi hay những trung tâm cầu nguyện và hãm mình, hãy suy tư và cầu nguyện hỗ trợ cho hành động có tính giáo hội mà ngài sắp làm.

1.2 Bản báo cáo mỗi năm năm

1.2.1 Để chuẩn bị cuộc viếng thăm “ad limina”, vị Bản quyền phải thật chu đáo lo lập bản báo cáo mỗi năm năm về tình hình giáo phận được trao phó cho ngài : Giáo Luật quy định phải làm bản báo cáo cho tất cả các Giám mục Bản quyền sống trong giáo phận mình ít nhất hai năm chẵn trong khoảng thời gian năm năm quy định giữa hai cuộc viếng thăm.[1]

1.2.2 Để cho công việc được thuận tiện và có được một sự thống nhất nào đó trong việc soạn thảo, hữu ích cho việc xem xét tiếp theo và cuộc đối thoại sau đó, vị Bản quyền có thể dùng lược đồ thích hợp đã được Bộ Giám Mục soạn.[2]

1.2.3 Một bản báo cáo tốt sẽ biết dung hòa sự ngắn gọn với sự rõ ràng, chính xác, tính cụ thể, tính khách quan trong việc mô tả thực tế của Giáo Hội địa phương mà Giám mục Bản quyền lãnh đạo, các vấn đề của giáo phận và những quan hệ với các cộng đồng tôn giáo khác ngoài công giáo và ngoài kitô-giáo (les autres commu-nautés religieuses non catholiques et non chrétiennes) và với xã hội dân sự và chính quyền.

1.2.4 Để lập bản báo cáo, vị Bản quyền có thể nhờ sự cộng tác những người có khả năng và được ngài tin cậy, nhưng vẫn phải bảo đảm được sự kín đáo đối với những tài liệu như vậy cũng như đối với mọi thư tín với Tông òa về các vấn đề căn bản của Giáo Hội.

1.2.5 Thường thì bản báo cáo phải được gửi cho Bộ Giám Mục khoảng sáu tháng (và dầu sao cũng không được dưới ba tháng) trước cuộc viếng thăm “ad limina”, để được nghiên cứu và tóm tắt trong một bản phúc trình tổng hợp để lên Đức Thánh Cha để ngài biết tình hình và các vấn đề của mỗi Giáo phận, trước cuộc viếng thăm.[3]

1.2.6 Vị Bản quyền nên gửi ba bản báo cáo, hoặc ít nhất là những đoạn trích đầy đủ theo thẩm quyền riêng của các Cơ quan khác nhau, trong trường hợp có những vấn đề hoặc những hoàn cảnh đặc biệt cần phải được giải quyết với các Cơ quan ấy.

1.3 Sự cộng tác của vị Đại diện Tòa Thánh

1.3.1 Trong mỗi Quốc gia, vị Đại diện Tòa Thánh sẽ nhắc cho mỗi Giám mục, vài tháng trước dịp đầu năm (quelques mois avant le début de l’année), thời gian ấn định cho cuộc viếng thăm.

1.3.2 Đồng thời ngài cũng mời vị Chủ tịch Hội đồng giám mục, với sự thỏa thuận của các Giám mục, ấn định một hay nhiều thời kỳ trong năm mà các Giám mục đi riêng hay, nếu hoàn cảnh cho phép, đi chung từng nhóm, đến Rôma viếng mộ, dĩ nhiên là lịch trình này phải được trình lên Đức Giáo Hoàng để được phê chuẩn.[4]

1.3.3 Vị Đại diện Tòa Thánh cũng sẽ xin các đấng Bản quyền có bổn phận gửi báo cáo năm năm.

2. CHUẨN BỊ GẦN

Việc chuẩn bị gần hơn liên quan đến các cuộc trao đổi với Văn phòng có thẩm quyền thuộc Bộ Giám Mục, để ấn định ngày giờ và các chi tiết của cuộc viếng thăm.

2.1 Các thỏa thuận cần trù liệu với Bộ Giám Mục

2.1.1 Ngày viếng thăm “ad limina” của các Giám mục mỗi Quốc gia hay Miền sẽ được ấn định do sự thỏa thuận chung giữa Văn phòng thư ký Hội đồng Giám mục (Secrétariat de la Conférence Episcopales) và Văn phòng Quản gia Giáo hoàng (Préfecture de la Maison Pontificale), Văn phòng này sẽ thông báo cho Văn phòng Phối kết (Bureau de Coordination) các cuộc viếng thăm, đã được Bộ Giám Mục thiết lập cách đặc biệt.

2.1.2 Thường thì thời điểm chng cho tất cả các Giám mục cùng một Giáo Tỉnh hay Miền Mục vụ (Province Ecclésiastique ou Région Pastorale), sẽ được ấn định để cho tất cả các Giám mục thuộc nơi đó có thể có mặt tại Rôma vào cùng một thời điểm, tuy vẫn nhớ rằng cuộc viếng thăm có tính cách rất cá vị.

2.1.3 Văn phòng thư ký Hội đồng giám mục sẽ cung cấp cho Văn phòng Phối kết các chi tiết liên quan tới nhóm sắp đi viếng mộ : số và danh tính (nombre et identité) những vị trong nhóm, hoàn cãnh xã hội – mục vụ của các ngài, các vấn đề liên quan đến vùng của các ngài, những giải pháp các ngài đề nghị, v.v… Nhằm mục đích tren, mỗi nhóm nên có một tài liệu chung để trình bày cho Văn phòng Phối kết, gồm những thông tin, đề nghị và thỉnh cầu đệ lên Tòa Thánh.

2.1.4 Văn phòng thư ký Hội đồng giám mục sẽ sắp đặt với Văn phòng Phối kết về những cuộc gặp gỡ của các Giám mục, riêng lẻ hay từng nhóm, với các Cơ quan ở Rôma về những mục đích và vấn đề cần ấn định, để có thể chuẩn bị trước cho cuộc thảo luận. Như vậy mỗi Giám mục được tự do xin trực tiếp có những cuộc gặp gỡ và trình bày lý do của những cuộc gặp gỡ đó.

2.1.5 Cho mọi việc liên quan tới cuộc viếng thăm, Hội đồng giáo mục (quốc gia hay vùng) cần chỉ định một vị Phụ trách cư ngụ tại Rôma, có nhiệm vụ theo dõi những nơi chuẩn bị và diễn tiến cuộc viếng thăm và nhằm mục đích đó, duy trì các cuộc tiếp xúc giữa các Giám mục và Văn phòng Phối kết. văn phòng Phi61 kết sẽ được thông báo về vị phụ trách được đề cử.

2.2 Nhiệm vụ của Văn phòng Phối kết

2.2.1 Văn phòng Phối kết mà nhiệm vụ là phục vụ các Giám mục, thảo luận với vị Phụ trách tại Rôma (Responsible locale) hay với Văn phòng thư ký Hội đồng Giám mục về mọi vấn đề liên quan tới việc chuẩn bị và diễn tiến cuộc viếng thăm “ad limina) và nhất là về lịch trình viếng thăm, về chương trình và thời biểu các nghi lễ và các cuộc gặp gỡ tại Rôma và các cuộc tiếp xúc với các Cơ quan.

2.2.2 Để cho cuộc tiếp xúc của mỗi Cơ quan với các Giám mục trong thời gian thăm viếng “ad limina” được dễ dàng, Văn phòng Phối kết :

– Thông báo cho mỗi Cơ quan thời gian dự trù cho những cuộc viếng thăm lục cá nguyệt ;

– thông tin kịp thời về các yếu tố đã thu lượm được trong những cuộc tiếp xúc với các vị phụ trách tại chỗ hay với các Thư ký Hội đồng ;

– chuyển tới các Cơ quan, tùy thẩm quyền, các đoạn trích trong Báo cáo năm năm về những điểm thuộc Cơ quan liên hệ ;

– thảo luận với các Cơ quan để chuyển các đơn xin và ấn định thời gian gặp gỡ của các Giám mục, hoặc để biết xem chính các Cơ quan có muốn gặp gỡ, riêng lẻ hay theo nhóm, các Giám mục đi viếng mộ ;

– Trong trường hợp này Văn phòng Phối kết sẽ báo cho vị Phụ trách được chỉ định hay cho Văn phòng thư ký Hội đồng, hay trực tiếp cho Giám mục liên hệ ; Văn phòng cung cấp cho các Cơ quan mọi thông tin có được về tình hình, những cá nhân và nhóm.

2.2.3 Tôn trọng thẩm quyền của Văn phòng Quản gia Giáo hoàng có nhiệm vụ thiết lập và thông báo ngày giờ các cuộc gặp gỡ của các Giám mục, cách riêng lẻ hay chung cả nhóm, với Đức Thánh Cha, Văn phòng Phối kết :

– mỗi năm chuyển lên Văn phòng Quản gia danh sách đầy đủ các Giám mục phải viếng thăm “ad limina”, đồng thời cũng gợi ý về thời gian mà các vị ưa thích, nếu biết ;

– nhận từ Văn phòng Quản gia lịch trình ấn định cho các cuộc Yết kiến các Giám mục riêng lẻ hay theo nhóm và thông báo cho các Cơ quan của Giáo triều Rôma.

2.2.4 Đối với các Giám mục trực thuộc Bộ Giáo Hội Đông Phương và Bộ Phúc-âm-hóa các Dân tộc, Văn phòng Phối kết sẵn sàng cộng tác với các văn phòng phụ trách những cuộc viếng thăm “ad limima” của các Cơ quan đó.

3. DIỄN TIẾN CUỘC VIẾNG THĂM “AD LIMINA”

Những lúc chính yếu của cuộc viếng thăm “ad limina” là những lúc sau đây :

– hành hương và kính viếng mộ hai Thánh Tông Đồ ;

– yết kiến Đức Thánh Cha ;

– các cuộc tiếp xúc với các Cơ quan của Giáo triều Rôma.

Ngoài ra còn có thể có cuộc tiếp xúc với thực tại mục vụ của Giáo Hội Rôma.

3.1 Cử hành phụng vụ

3.1.1 Hành hương viếng mộ các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô là một lúc chính yếu của cuộc thăm viếng, được cụ thể hóa trong một buổi cử hành phụng vụ làm cho sư hiệp thông giáo hội được kết chặt và củng cố những ai tham dự, dù là Giám mục hay tín hữu, hay những người khác tham dự vì lý do này khác, như thường thấy ở Rôma.

3.1.2 Nhằm mục đích đó, Văn phòng Phối kết, với sự thỏa thuận của vị Phụ trách được chỉ định hay của Văn phòng thư ký Hội đồng Giám mục, sẽ liên hệ với Vương cung thánh đường Thánh Phêrô và Thánh Phaolô để ấn định thời gian và nơi chốn cho việc cử hành Thánh lễ và tùy hoàn cảnh cử hành Giờ kinh phụng vụ hay Phụng vụ Lời Chúa, và để xếp đặt trước những gì liên quan đến bầu khí và những con người, ngõ hầu hành động phụng vụ được diễn tiến cách trang nghiêm, xứng đáng và có nghĩa, phù hợp với mục đích cuộc viếng thăm.

3.1.3 Nghi thức được đề nghị cho việc cử hành được kèm theo Bản chỉ dẫn này.

3.1.4 Nếu các Giám mục muốn, cách riêng lẻ hay theo nhóm, cử hành tại Vương cung thánh đường Đức Bà Cả hay Thánh Gioan Latêranô, Văn phòng Phối kết có thể lo ấn định thời biểu và chuẩn bị những gì cần thiết.

3.1.5 Nên để cho các khách hành hương đến từ các giáo phận hay các vùng của các Giám mục, hoặc những người đồng hương khác cư ngụ tại Rôma hay tại Ý, có thể tham dự vào các buổi cử hành trên, cũng như vào cuộc gặp gỡ nào đó tại Rôma, để kết hợp với các Chủ chăn của họ trong việc làm chứng cho đức tin và sự hiệp thông giáo hội chung quanh mộ các Thánh Tông đồ và Ngai tòa của Thánh Phêrô.

3.2 Cuộc gặp gỡ Đức Thánh Cha

3.2.1 Mỗi Giám mục sẽ gặp đấng Kế vị Thánh Phêrô trong một cuộc tiếp kiếp riêng, vào ngày giờ đã được Văn phòng Quản gia Giáo hoàng ấn định.

3.2.2 Nếu có thể có một buổi cử hành chung và một cuộc gặp gỡ chung với Đức Thánh Cha, thì địa điểm và thời gian chính xác sẽ được thông báo cho những người liên hệ hặc cho vị phụ trách đã được chỉ định.

3.2.3 Y phục bắt buộc cho các buổi yết kiến Đức Thánh Cha là áo chùng thâm với dây thắt lưng màu tím.


3.3 Những cuộc tiếp xúc với các Cơ quan

3.3.1 Việc các Giám mục viếng thăm các Cơ quan của Giáo triều Rôma mang một ý nghĩa đặc biệt và có một tầm quan trọng lớn lao do mối liên hệ mật thiết giữa Đức Giáo Hoàng và các cơ qan giáo triều, các cơ quan này là những khí cụ thông thường của “thừa tác vụ Phêrô”.

Vì vậy. mong rằng các Giám mục nhân dịp đi viếng thăm “ad limina”, riêng lẻ hay theo nhóm, hãy tới thăm các Cơ quan để trình bày những vấn đề và nghi vấn của họ, được thông báo tin tức, làm sáng tỏ những điểm chưa rõ, trả lời những câu hỏi nếu có. Dẫu sao, các vị Chủ tịch các Ủy ban cũng nên thăm viếng các Cơ quan liên hệ. Tất cả những điều trên đây trong tinh thần hiệp thông, trong sự thật và bác ái.

3.3.2 Để cho các cuộc tiếp xúc có kết quả, các Cơ quan cần được thông báo trước về những vấn đề, trong bản Báo cáo năm năm, liên hệ tới thẩm quyền của các Cơ quan. Vậy Văn phòng Phối kết nên sớm cung cấp các thông tin cho các Cơ quan, cùng những vấn đề đăc biệt mà các Giám mục muốn giải quyết riêng.

3.3.3 Dẫu sao cũng nên ấn định ngày giờ và các thể thức thăm viếng qua trung gian của Văn phòng Phối kết, Văn phòng này sẽ cố gắng đáp ứng các yêu cầu của các Giám mục.

3.3.4 Các Giám mục có thể tìm thấy nơi Văn phòng này những giải thích mà các ngài cần về thẩm quyền của các Cơ quan cũng như về tất cả những gì liên quan tới các văn phòng và nhân sự cần tìm hỏi, cách thức phải theo, các địa chỉ cần biết về tất cả những gì liên quan đến cuộc viếng thăm.

3.3.5 Trong trường hợp đi thăm chung, một trong các Giám mục tham dự sẽ giới thiệu phái đoàn, phác họa cách tổng hợp tình hình mục vụ trong vùng và thảo luận về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Cơ quan. Nếu trong số những người tham dự có Giám mục chủ tịch Hội đồng giám mục hay của một ủy ban cùng với các thành viên tới thăm Cơ quan, thì vị ấy nên giới thiệu nhóm và trình bản báo cáo.

3.3.6 Các giải thích và giải đáp của các vị Lãnh đạo các Cơ quan (Dirigeants des Dicastères), không có giá trị chính thức bao lâu chúng chưa được ghi thành văn bản và theo các thủ tục vẫn đươc thi hành ở Giáo triều Rôma ; tuy vậy, chúng vẫn có thể soi sáng, chỉ vẽ và hướng dẫn trong cách xử sự chung và trong việc giải quyết các vấn đề riêng, trong các việc này nên áp dụng quy tắc thực tiễn đã được kinh nghiệm và truyền thống giáo luật xác định.

3.4 Khả năng tiếp xúc với thực tại giáo hội và mục vụ của Giáo Hội Rôma

3.4.1 Do sự hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương với Giáo Hội Rôma, các Giám mục có thể tiếp xúc một hay nhiều lần với một giáo xứ ở Rôma hay với cộng đoàn nào khác đặc biệt có ý nghĩa, hay với những trung tâm hoạt động tôn giáo, văn hóa, từ thiện, v.v…, để có thể tìm hiểu lẫn nhau và trao đổi kinh nghiệm mục vụ chung quanh những vấn đề mà đôi bên cùng tha thiết và chung quanh những hoàn cảnh tương tự.

3.4.2 Tùy trường hợp, cũng nên lưu ý rằng ở Rôma có nhà thờ của quốc gia mình, những giáo xứ tòng nhân và nhà thờ hiệu tòa của hồng y, nhất là nếu chúng là những trung tâm mục vụ.

3.4.3 Nếu các cuộc gặp gỡ đó có thể đưa tới một hình thức cộng tác nào đó trên bình diện mục vụ và từ thiện, thì đó sẽ là một kết quả cụ thể của sự hiệp thông giáo hội đã được tăng cường nhờ cuộc viếng thăm “ad limina”.

3.4.4 Để tổ chức những cuộc gặp gỡ nói trên và cách riêng cho các buổi tiếp xúc cần thiết phải có với các Trung tâm Mục vụ có thẩm quyền của Giáo phận Rôma, cần nhờ tới Văn phòng Phối kết để lựa chọn những nơi và những người, để ấn định ngày giờ thích hợp.

Tại Rôma, Bộ Giám Mục ngày 29 tháng 6 năm 1988, nhân lễ trọng hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

X Bernardin Card. GANTIN,

Tổng trưởng

X Giovanni Battista re,

Thư ký


DẪN NHẬP VÀO PHẦN CHÚ GIẢI

Thần học – Tu-đức–Mục-vụ – Lịch-sử–pháp-lý

 

Từ khởi thủy, việc thiết lập cuộc viếng thăm “ad limina” đã mang một ý nghĩa thần học, tu đức – mục vụ và lịch sử - pháp lý sâu sắc đối với các vị Chủ chăn chu toàn việc đó và đối với các Giáo Hội địa phương được trao phó cho các ngài.

Để cho một nội dung phong phú như vậy được hiểu rõ hôn và để cho đời sống của mỗi cộng đoàn giáo hội có thể hưởng nhờ ơn ích ngày một hơn, ba bản văn được trình bày dưới đây chỉ như một sự đóng góp nhỏ và các tác giả hoàn toàn chịu trách nhiệm.

Phần chú giải thần học của Hồng y Ratzinger đã được soạn để mở đầu cho cuộc hội thảo với vài Giám mục Brasil, đại diện cho hàng giáo phẩm quốc gia này, trong cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha và Giáo triều Rôma vào cuối cuộc viếng thăm “ad limina” (tháng 3/1986). Phần chú giải này được đặt vào đây vì nó trình bày những khía cạnh chính yếu của cuộc viếng thăm này.

Các suy tư của Hồng y Lucas Moreira Neves cho thấy những quan điểm về chiều kích tu đức và mục vụ của “cuộc viếng thăm” (visitatio) ; còn Đức cha Vicentê Cárcel Orti thì phác họa lại tiến trình lịch sử - pháp lý.


I

NỘI DUNG THẦN HỌC

CỦA CUỘC VIẾNG THĂM “AD LIMINA”

 

Cuộc viếng thăm “ad limina” không phải là một thủ tục chỉ có tính cách hành chánh mà thôi. Nó bao hàm một giáo-hội-học và diễn tả giáo-hội-học đó bằng những hành vi cụ thể, nói cách khác, nó là giáo-hội-học thực hành (une ecclésiologie pratiquée).

Công đồng Vatican II với bốn hiến chế lớn về Phụng vụ, Giáo Hội, Lời Chúa và Giáo Hội trong thế giới liên kết với nhau cách sâu sắc, đã dạy lại cho chúng ta sức năng động của Giáo Hội luôn luôn hướng về sự cứu rỗi thế gian, dưới sự hướng dẫn của động lực Tin Mừng. Giáo Hội đã dạy cho chúng ta rằng trung tâm của đời sống và tổ chức của Giáo Hội nằm trong việc thờ phượng, trong phụng vụ. Giáo Hội không chỉ cử hành sự hiệp thông, Giáo Hội là hiệp thông. Cơ cấu chủ yếu của Giáo Hội phát xuất từ trung tâm phụng vụ, trung tâm này là trung tâm của chính bản thể Giáo Hội. Vì vậy tôi nghĩ rằng một cuộc phân tích ngắn vài yếu tố cấu thành của kinh nguyện Thánh Thể có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn cái bối cảnh thần học và những gốc rễ sâu xa của một hành động giáo hội quan trọng như cuộc viếng thăm “ad limina”.

1. SỰ HIỆP THÔNG CỦA GIÁO HỘI PHỔ QUÁT

VÀ GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG

VÀ ĐỊA VỊ TRUNG TÂM CỦA PHÊRÔ TRONG PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

Chủ thể cụ thể của việc cử hành Thánh Thể là cộng đoàn địa phương. Khi đón nhận sự hiện diện của Chúa, sự hiện diện của Đức Kitô, cộng đoàn đón nhận tất cả hồng ân cứu độ và nhờ đó trở thành Giáo Hội được thể hiện. Khi nói điều này phải nhớ tới những điều chính yếu bao hàm trong Kitô-học. Đức Kitô là Đấng trung gian ccủa chúng ta bên ạnh Chúa Cha, Người hướng dẫn chúng ta về với Chúa Cha, liên kết chúng ta trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần. Lời kết long trọng của phần Lễ Quy cho thấy tính cách tam vị của phụng vụ, diễn tả các chiều kích của Kitô-học bằng những lời “per – cum – in” đưa tới Chúa Cha (“Tibi”) và bao gồm tất cả “in unitate Spiritus Sancti”. Công cuộc nghiên cứu lịch sử cho thấy công thức “in unitate Spiritus Sancti” (trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần) tương đương với một công thức khác, được diễn tả, chẳng hạn, trong lễ quy của Hippolyte bằng “in sancta Ecclesia tua” : Giáo Hội là sự hợp nhất do Chúa Thánh Thần tạo nên. Kitô-học bao hàm niềm tin vào Chúa Ba Ngôi : sức năng động và tính thực tế của niềm tin Ba Ngôi bao hàm tính phổ quát của mọi cử hành Thánh Thể. Sự hiện diện của Chúa là sự hiện diện của những kẻ thuộc về Ngài, sự kết hợp cộng đoàn địa phương với tất cả các thành phần của Giáo Hội của Thiên Chúa. Giáo Hôi địa phương và Giáo Hội phổ quát kết hợp mật thiết với nhau trong một sự “hiệp thông” (périchorèse) không thể phân ly được.

Sự “hiệp thông” này giữa Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát là một trong những dữ kiện căn bản của một Giáo-hội-học xây dựng trên Thánh Kinh, một hậu quả hợp lý của sự nối kết giữa Kitô-học và Giáo-hội-học. Phụng vụ cũng cho thấy các chiều kích của sự “hiệp thông” đó. Kinh Tiền Tụng nói với chúng ta rằng Thánh Thể được cử hành trước mặt các thiên sứ của Thiên Chúa. Trong phụng vụ, chúng ta được nối kết với các Thánh và các linh hồn còn đau khổ trong luyện ngục – sự kiện rất quan trọng trong việc bàn cãi hiện nay liên quan tới vấn đề hội nhập văn hóa. Vấn đề các tiền nhân quan trọng biết bao tại Phi châu, nhưng không phải chỉ ở lục địa này, có thể giúp chúng ta khám phá lại việc Giáo Hội được mở rộng vượt ra ngoài ranh giới của sự chết – một sự phổ quát không dừng lại trước bức tường sự chết. Cuối cùng Thánh Thể được cử hành “una cum Papa nostro et cum Antisstite nostro …” (đồng thời với Đức Thánh Cha và Đức Giám Mục chúng con). Công cuộc nghiên cứu lịch sử đã cho thấy rằng những công thức trên đã có trong phụng vụ Rôma ít là từ thế kỷ III : cách diễn tả này về sự hiện diện của Giáo Hội phổ quát trong Giáo Hội địa phương thực ra thuộc về bản chất của ý thức kitô (l’essence de la conscience chrétienne).

Bây giờ chúng ta đã tới điểm, nơi hiện ra cái ý nghĩa thần học của các cuộc viếng thăm “ad limina”. Mỗi linh mục cử hành Thánh Thể kết hợp với giám muc của mình, ngài là mối liên kết của linh mục với dây chuyền (la chaîne) của truyền thống công giáo và dây chuyền này – theo thuyết nhân vị triệt để (person-nalisme radical) của Kitô-giáo – là một dây chuyền nhân cách hóa và bí tích (une chaîne personnalisée et sacramentelle) mang tên là sự kế vị tông đồ. Với giám mục cũng vậy, chiều kích xuyên thời gian (diachro-nique) cũng đi vào Thánh Thể, đức tin của mọi thời đại. Nhưng các giám mục không phải là một đám đông không có hình dạng, vị này bên cạnh vị kia, như muốn gieo một ý tưởng khá phổ biến ngày nay về cái gọi là tính công đồng của Giáo Hội (au sujet d’une soi-disant concilarité de l’Eglise). Trên dấu ấn của Công đồng Nicée, Giáo Hội Byzantin đã hình thành được ý tưởng về Pentarchie, nghĩa là năm điểm trung tâm trong đó được cụ thể hóa sự hợp nhất và tính phổ quát của Giáo Hội (l’unité et l’universalité de l’Eglise). Cái cốt lõi thần học của mô hình này là ý tưởng Phêrô, được giải thích theo truyền thống ba tòa của Thánh Phêrô (Jérusalem, Antioche, Rome), tòa của Thánh Marcô (Alexandrie) gắn với truyền thống Phêrô do quan hệ giữa Thánh Phêrô và người phát ngôn của ngài trong thế giới Hy lạp, và tòa của người anh Phêrô, Thánh Anrê (Constantinople). Hiển nhiên là đối với Alexandrie và Constantinople thì việc cấu tạo này dựa trên cơ sở lịch sử là rất yếu. Điều quan trọng là với cấu trúc Đông phương này cũng đã duy trì được ý tưởng Thánh Phêrô là nền tảng của sự hợp nhất cùng với tính cách cụ thể của sự hợp nhất và tính phổ quát của Giáo Hội trong việc Kế vị Thánh Phêrô. Sự hợp nhất không phải là kết quả của sự phối hợp mơ hồ (une vague symphnie), của một công đồng được các giáo hội địa phương mơ ước (une conciliarité souhaitée par les diverses églises locales entre elles) ; sự hợp nhất mang một tên là Thánh Phêrô, và có một tòa là Rôma. Vì vậy chúng ta cử hành thánh lễ không chỉ trong sự hợp nhất với Giám mục sở tại, nhưng còn “una cum Papa nostro”. Sự hợp nhất với Giám mục Rôma cũng kết hợp các giám mục với nhau. Sự hợp nhất đó là điều kiện căn bản của tính đồng đoàn (collégialité) của các ngài.

2. CUỘC VIẾNG THĂM “AD LIMINA”

HẬU QUẢ CỤ THỂ CỦA CƠ CẤU TRÊN

Như mọi chiều kích khác của Thánh Thể, lời “una cum” đòi hỏi một thực hành. Nó không thể chỉ là một công thức xuông. Một yếu tố đầu tiên của việc thực hành lời trên đòi hỏi, đó là một trật tự chung, cái quyền của Giáo Hội, mà chức năng là gìn giữ cho các dữ kiện chính yếu của sự hợp nhất được trường tồn (bảo tồn sự hợp nhất) : đức tin và các bí tích và sắp đặt ngày qua ngày sao cho sự hiệp thông giáo hội được thực hành tốt. Một yếu tố thứ hai của “una cum” là sự cộng tác cụ thể với Đức Giáo Hoàng trong cuộc sống thường nhật của Giáo Hội và sự vâng phục Đức Giáo Hoàng như đấng bảo đảm cho sự hợp nhất và diễn giải trung thực các đòi hỏi của hợp nhất. Sau hết, thuyết nhân vị kitô đòi rằng “una cum” không chỉ giới hạn vào cơ cấu bàn giấy và hành chính, mà còn trở thành một cuộc gặp gỡ riêng (une rencontre personnelle) nôi tòa của Thánh Phêrô. Như thế cuộc viếng thăm “ad limina” trở thành một dụng cụ và một biểu hiện cụ thể tính phổ quát của Giáo Hội, của sự hiệp nhất Giám-mục-đoàn được hiện thân nơi con người đấng Kế vị Thánh Phêrô và được diễn tả nơi người chịu tử đạo ; nó là sự thể hiện hữu hình của sự “hiệp thông” của Giáo Hội phổ quát và các Giáo Hội địa phương, đươc chúng ta nói ở trên. Chúng ta tìm thấy dấu vét của cuộc viếng thăm “ad limina” đầu tiên trong Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Galata, trong đó thánh nhân nói về cuộc trở lại và về hành trình đưa tới tông đồ vụ hướng đến lương dân và – dù tôi đã được Chúa phục sinh gọi làm tông đồ và trực tiếp dạy bảo – ngài nói : “nhưng tức khắc … tôi lên Giêrusalem diện kiến ông Kêpha, và ở lại với ông mười lăm ngày…” (1,18). Ngài cũng lặp lại cử chỉ đó vào 14 năm sau : “Rồi sau mười bốn năm, tôi lại lên Giêrusalem … Tôi đã trình bày cho người ta Tin Mừng tôi rao giảng cho dân ngoại … vì sợ rằng tôi ngược xuôi, và đã ngược xuôi vô ích” (2,2). Một cách nào đó, có thể nói rằng trong những cuộc viếng thăm “ad limina” cũng còn một yếu tố quan trọng của tình cảm tôn giáo thời Cựu Ước được diễn tả trong Xuất hành 34,24 : “mỗi năm ba lần, ngươi đi lên để đến trước nhan Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi …”. Giới luật đó được ban để duy trì và cụ thể hóa sự thống nhất Israel ; kinh nghiệm của những năm lang thang trong sa mạc cũng được lưu truyền trong cuộc hành hương trường kỳ này : như vậy dân tộc Israel vẫn là một dân tộc của những người lữ hành tiến về hiệp nhất, về cùng Thiên Chúa của mình. Cuộc hành hương và tình trạng lữ hành không ngừng tiến tới thống nhất và cách diễn tả nơi chốn và cá vị của sự hợp nhất vẫn giữ được tất cả giá trị của chúng trong Giáo Hội thời Tân Ước.


3. CHIỀU KÍCH GIÁO HỘI CỦA CUỘC VIẾNG THĂM “AD LIMINA”

Sự “hiệp thông” giữa Giáo Hội phổ quát và các Giáo Hội địa phương được biểu hiện cách hữu hình trong những cuộc viếng thăm “ad limina”, cũng bao hàm ba chiều kích cụ thể của việc thi hành thừa tác vụ giám mục, mà tôi muốn nói sơ qua vào cuối những suy tư của tôi.

a) Sự “hiệp thông” nói trên bao hàm sự “hiệp thông” giữa tập đoàn các giám mục và thủ lãnh là đấng Kế vị Thánh Phêrô. Cuộc viếng thăm đòi hỏi một sự gặp gỡ hỗ tương : Đức Giáo Hoàng tiếp đón vị giám mục, ngài hội ý với các thành viên của giám-mục-đoàn ; ngài, đấng bảo đảm cho sự duy nhất, tính phổ quát và công giáo của Giáo Hội, ngài cần gặp lại các anh em giám mục, với tính công giáo cụ thể của Giáo Hội : tính công giáo pháp lý, thần học và tính công giáo cụ thể dựa trên kinh nghiệm gặp nhau, thâm nhập lẫn nhau, để cho Giáo Hội ngày càng trở nên công giáo hực sự hơn, phù hợp với những tiêu chuẩn thần học và công giáo tính đầy tràn thực tai muôn mặt của đức tin của tất cả các dân tộc.

Đức Giáo Hoàng quy về các giám mục, các giám mục quy về Đức Giáo Hoàng “để khỏi lâm vào cảnh ngược xuôi mà lại ra vô ích” (Gl 2,2). Các ngài là thành viên của giám mục đoàn, kế vị tông đồ đoàn ; trong cuộc viếng thăm Roma, các ngài cho thấy các ngài ý thức được rằng tính đồng đoàn đòi phải có Phêrô là trung tâm, nếu không nó sẽ là một khái niệm không thực.

b) Vậy thì cuộc gặp gỡ gữa đồng đoàn với thủ lãnh (entre la collégialité et la primauté) bao hàm một cuộc gặp gỡ giữa kinh nghiệm hiện tại và việc không ngừng tuyên xưng đức tin, giữa khía cạnh đồng thời và khía cạnh xuyên thời (entre l’aspect syn-chronique et l’aspect diachronique), giữa những nguyên tắc và thực tại được sống. Một cuộc gặp gỡ như thế có thể khó khăn ; nó lại càng cần thiết hơn. Muốn được cụ thể, đức tin cần có những kinh nghiệm luôn luôn mới mẻ của lịch sử nhân loại, nhưng những kinh nghiệm này luôn có tính cách từng phần, chúng chỉ có thể trở thành sự phong phú cho tính công giáo nếu chúng được ánh sáng chói lọi và nóng bỏng của đức tin chung thanh luyện và soi sáng. Trong thời gian giữa hai cuộc thế chiến người ta thường nói rằng các kinh nghiệm lớn của con người cần được thanh tẩy ; điều khẳng định này đúng. Nhưng người ta quên rằng thanh tẩy không phải chỉ rảy một chút nước mà thôi, nhưng còn là chết và sống lại, đi từ sự chết đến một cuộc sống mới. Đức tin không phát xuất từ kinh nghiệm – đức tin phát sinh từ lời Thiên Chúa – nhưng được nhập thể và được kiểm chứng trong kinh nghiệm. Sự thâm nhập lẫn nhau của tính công giáo thần học và tính công giáo pháp lý – mục đích của những chuyến viếng thăm “ad limina” – đòi hỏi sự thâm nhập luôn luôn mới mẻ giữa kinh nghiệm và giáo lý đức tin ; kinh nghiệm phải quy chiếu về đức tin, được đức tin thanh luyện ; đức tin được phong phú nhờ kinh nghiệm (l’expérience doit se référer à la foi, se purifier dans la foi ; la foi doit être fécondée par l’expérience).

c) Cuộc viếng thăm “ad limina” cuối cùng được bao hàm một cuộc gặp gỡ giữa nguyên lý cá vị và nguyên lý cộng đoàn trong việc cai quản Giáo Hội. Chúa đã trao phó việc cai quản Giáo Hội của Ngài cho những con người chứ không phải những cơ cấu. Các cơ cấu không có trách nhiệm, chỉ những con người, trong lương tâm vọng lại tiếng của Thiên Chúa, mới có trách nhiệm. Sự kiện hiệp nhất Giáo Hội không được diễn tả bằng một tính cộng đồng mơ hồ, nhưng trong một con người, sự kiện này là cơ sở cuối cùng của chủ thuyết nhân cách nơi tổ chức Giáo Hội (le dernier privot du personalisme de la constitution de l’Eglise). Đàng khác những con người đơn độc luôn luôn có nguy cơ rơi vào chỗ độc đoán ; không được chiều kích cộng đồng bổ túc tính nhân vị trở thành một chiều. Trách nhiệm cá nhân của Đức Giáo Hoàng và của mỗi Giám mục giáo phận được liên kết trong tính đồng đoàn của tất cả những đấng kế vị các Tông Đồ và trong sự hiệp thông của các Giáo Hội địa phương. Ngoài mối dây liên kết căn bản của đức tin và các bí tích, qua đó thực hiện cái “chúng ta” (nous) của Giáo Hội, truyền thống biết nhất là hình ảnh hội đồng “cố vấn” (conseil), với những yếu tố như suy tư chung, đối thoại, thảo luận, đầu phiếu và qua đó thấy một tổng hợp giữa trách nhiệm cá nhân và cơ cấu cộng đồng. Trong cuộc viếng thăm “ad limina” cũng còn phản chiếu sự “hiệp thông” giữa nhân vị và chiều kích cộng đoàn (entre personnalisme et dimension communautaire collégiale) : hai con người gặp nhau, Giám mục của một Giáo Hội địa phương và Giám mục Rôma, đấng Kế vị Thánh Phêrô, mỗi vị với trách nhiệm không thể tránh được của mình, nhưng cuộc gặp gỡ giữa các ngài không phải là cuộc gặp gỡ của những con người đơn độc ; mỗi vị đại diện trong cách thức “chúng ta” của Giáo Hội, cái “chúng ta” của các tín hữu, cái “chúng ta” của các giám mục, và phải đại diện cho cái “chúng ta” đó. Chính trong sự hipệ thông của các ngài mà các tín hữu hiệp thông với nhau, mà Giáo Hội phổ quát và các Giáo Hội địa phương hiệp thông.

Vậy là chúng ta trở lại khởi điểm khi kết thúc những suy tư này. Tất cả những điều này được bao hàm trong từ “una cum” của Kinh Nguyện Thánh Thể. Cuộc viếng thăm “ad limina” tìm thấy gốc rễ thần học và nội dung cụ thể của nó trong những lời đó.

Hồng y Joseph RATZINGER

 

 


II

Chú giẢi tu đỨC VÀ MỤC VỤ

Cứ năm năm một lần, mỗi Giám mục phải rời bỏ Giáo phận mình và tới Roma để làm cuộc viếng thăm “visitatio ad limina Apostolorum” , theo quy định rõ ràng của Giáo Luật (can. 400) và trong tinh thần của “Directorium de pastorali ministerio Episco-porum” (N. 45f). Cử chỉ này, ít là mặc nhiên, được liên kết với vài yếu tố tín lý nêu rõ nội dung thần học của nó, và gợi lên hứng khởi thiêng liêng và ý nghĩa mục vụ sâu xa của cuộc “viếng thăm” (visitatio).

Để khỏi thu hẹp hành động cổ kính của cuộc viếng thăm “ad limina” vào một thủ tục có tính cách hoàn toàn hành chính hay pháp-lý–kỷ-luật, nên dù chỉ là sơ qua, định nghĩa các yếu tố đem lại cho cử chỉ ấy một chiều kích thần học (và, chính xác hơn, Giáo-hội-học), tu đức và mục vụ.

I. TẬp-đoàn-tính cỦa hàng Giám mỤc

Cuộc viếng thăm “ad limina” nhắc lại trước hết giáo lý về tính đồng đoàn của hàng giám mục (collégialité épiscopale), giáo lý cổ xưa như chính Giáo Hội, đã được củng cố nhiều lần và dưới nhiều hình thức khác nhau, đôi khi nằm trong bóng tối, nhưng ngày nay được Công đồng Vatican II xác định một cách mạnh mẽ đặc biệt.

“Như Thánh Phêrô và các Tông Đồ khác tạo thành, như Chúa đã ấn định, một Tập đoàn tông đồ duy nhất (un unique Collège apostolique), tương tự như thế, Giáo Hoàng Rôma kế vị Thánh Phêrô, và các Giám mục kế vị các Tông Đồ, đều liên kết với nhau : trong lời tuyên bố trên đây của Lumen Gentium (n. 22), ta thấy cái bản lề giáo huấn của Giáo Hội về tính đồng đoàn của hàng giám mục. Vài nhận xét căn bản của bản văn công đồng cung cấp các yếu tố chủ yếu của “locus theologicus” này và của giáo lý nó truyền đạt.

1. Nhóm Mười Hai, được Chúa Giêsu tuyển chọn và thiết lập, có một tương quan nhân quả (un rapport de causalité) chứ không phải chỉ là tương quan nguyên nhân mô hình (de cause exemplaire), ở chỗ Nhóm Mười Hai là nguyên mẫu và mô hình (le prototype et le modèle), nhưng sâu xa hơn nữa là nguyên nhân tác thành (de cause efficiente) của Giám-mục-đoàn. Giám-mục-đoàn phát xuất từ Tông-đồ-đoàn, hoặc do sự thừa kế các Tông Đồ, hoặc do cả hai lưu truyền cùng một đức tin và liên tục lưu truyền cũng một sứ vụ cứu rỗi, thông ban cũng các bí tích của ân sủng, xây dựng và gìn giữ trong hiệp nhất cũng một công đoàn tín hữu.

2. Mỗi Giám mục đã trở thành giám mục khi đáp lại một ơn gọi cá nhân, không thể truyền cho người khác và có tính cách độc nhất, và như vậy là nằm trong khuôn khổ của cá tính riêng của ngài ; nhưng ngài là Giám mục trong một Collegium và có liên hệ bản thể với những vị họp thành Giám-mục-đoàn.

3. Bên trong Giám-mục-đoàn, qua các thế kỷ và suốt dòng lịch sử, được lưu truyền cả đặc sủng và sứ vụ chung cho những người kế vị Nhóm Mười Một lẫn ministerium Petri phải “củng cố anh em” (LG 22, 32), là thừa tác vụ “Chúa đã đặc biệt cho người” (LG 20).

4. Chính nhờ thừa tác vụ của Thánh Phêrô, mà con người kế vị Céphas được hội nhập sâu xa vào trong Giám-mục-đoàn và chu toàn trong đó một chức năng không thể cất nghĩa được nếu đặt bên ngoài hoặc bên trên Giám-mục-đoàn ; Đức Kitô Giêsu đã tỏ rõ Ngài muốn thấy có chức năng ấy, vì vậy đấng Kế vị Céphas được đặt vào đại vị thủ lãnh Giám-mục-đoàn và như là nguyên lý hữu hình của sự hiệp thông giữa các thành viên (LG 18, 22 và 23 ; x. Nota praevia, 3o). Vì thế “Giám-mục-đoàn (Collège) hay đoàn giám mục (corps épiscopal) khong có … quyền nếu không … bới Giáo Hoàng Rôma, đấng Kế vị Thánh Phêrô và thủ lãnh của mình” (ibid.). Công thức – “cum Petro et sub Petro” – định nghĩa một cách thích hợp bản chất của Giám-mục-đoàn theo cái nhìn thần học của Công đồng Vatican II, hoàn toàn phù hợp với Huấn quyền trước đây : trong Giám-mục-đoàn Đức Giáo Hoàng hực sự là thủ lãnh mà các thành viên quy chiếu về Ngài, qua một sự hiệp thông phẩm trật và có tính bí tích rõ ràng (une claire communion hiérarchique et sacramentelle – x. Nota praevia, 2o và 3o).

Qua việc gặp gỡ chính thức với Đức Giáo Hoàng Rôma, mỗi Giám mục mặc nhiên tuyên xưng quan hệ sâu sắc hơn của mình – quan hệ hiệp thông có tính cách phẩm trật, tình cảm và thiết thực – với Đấng nắm giữ trong Giáo Hội quyền đứng đầu tương ứng với quyền của Thủ lãnh hữu hình, đồng thời cũng là nguyên lý hữu hình của sự hợp nhất giữa các Giám mục (LG 23).

Chính vì lý do cuối cùng này mà Giám mục đi viếng “ad limina” gặp được một cách lý tưởng, trong đấng Kế vị Thánh Phêrô và là Thủ lãnh của Giám-mục-đoàn, tính phổ quát của các anh em Giám mục trên toàn thế giới ; ngài gặp gỡ các đấng ấy trong người anh em được đặt làm đầu các anh em, người ấy chính là mối dây hiệp thông sống động và tụ điểm cho mọi người.

Nếu nói một cách chính xác, thì không thể định nghĩa cuộc viếng thăm “ad limina” như một hành động của tập-đoàn-tính : thành ngữ này được dành cho Công Đồng, là cuộc họp của Giám-mục-đoàn do vị Thủ lãnh triệu tập và chủ trì, cũng như cho hành động của các Giám mục, dù ở rải rác trên thế giới, nếu hành động đó được chính vị Thủ lãnh muốn hay ít là đón nhận (x. LG 22). Tuy nhiên có thể nói được rằng cuộc viếng thăm là một hành động được hứng khởi – rút ra nếu người ta muốn – từ nguyên lý đồng đoàn (principe de collégialité) và đặc biệt từ tinh thần đồng đoàn (esprit de collégialité), nhờ đó các Thành viên của Giám-mục-đoàn không ngừng quy chiếu cách tự nhiên về đấng Thủ lãnh của mình.

II. GIÁO HỘI ĐỊA PHƯƠNG VÀ GIÁO HỘI PHỔ QUÁT

Cuộc viếng thăm “ad limina” nhắc nhở một cách mạnh mẽ một dữ kiện thần học khác, đó là quan hệ mật thiết giữa Giáo Hội địa phương và Giáo Hội phổ quát.

Đó cũng là một điểm giáo lý có hậu quả lớn trong Giáo-hội-học của Công đồng Vatican II, giáo lý nên nhắc lại nội dung, dù chỉ là ngắn gọn.

1. Tân Ước trình bày, cách đơn sơ và tự nhiên, hai chiều kích khác nhau của Giáo Hội : một đàng là tính duy nhấttính phổ quát (son unité et son université) và, đàng khác, sự kiện Giáo Hội được thực hiện trong sự đa dạng (multiplicité) của các cộng đoàn rải rác khắp hoàn cầu và mang những nét địa lý, lịch sử và văn hóa làm cho các cộng đoàn có căn tính riêng.

Khi nói “Giáo Hội của Ta” (Mt 16,18) chắc chắn Chúa Giêsu nói tới một thực tại duy nhất, không đóng khung trong những giới hạn của một đô thị, một vùng hay quốc gia, nhưng sẵn sàng lan tràn ra khắp vũ trụ. Chính trong chiều kích phổ quát hóa đó mà tác giả sách Công vụ các Tông Đồ thấy Giáo Hội khi viết : “Giáo Hội được bình an trong khắp miền Giuđê, Galilê, Samari ; Giáo Hội tăng trưởng và tiến bước…” (Cv 9,31). Thánh Phaolô cũng thường nghĩ tới Giáo Hội rải rác nhiều nơi và vượt ra ngoài công đoàn địa phương nhỏ bé mà ngài viết thư thăm hỏi : chẳng hạn khi ngài muốn “Giáo Hội tùng phục Đức Kitô như người vợ tùng phục chồng mình” (x. Ep 5,24), hay khi tuyên bố trong cùng một viễn tượng rằng “Đức Kitô là Đầu của thân mình là Giáo Hội” (Cl 1,18.24), và ngay cả khi ngài thú nhận “đã bách hại Giáo Hội của Thiên Chúa” (1Cr 15,9).

Trong những dịp khác, tiếng eclesia chỉ các cộng đoàn địa phương : chính theo nghĩa đó mà vị có thị kiến tại Patmos viết cho các Hội Thánh, ở số nhiều (Kh 1,4-11.20) vá tác giả sách Công vụ ghi nhận rằng Thánh Phaolô “đi ngang qua Syria và Cicile, đem lại một sức mạnh mới cho các Giáo Hội” (Cv 15,41). Phần mình, Thánh Phaolô cũng không ngại nói tới các Giáo Hội trong một vùng (x. 1Cr 16,19 : “các Giáo Hội tại Asia” ; Gl 1,2 : “Các Giáo Hội miền Galat”) ; trong một thành phố (1Cr 1,2 : “Hội Thánh ở Côrintô” ; Cl 4,15 : “Hội Thánh ở Laođicia” ; 1Ts 1,1 : “Hội Thánh ở Thessalônica”) ; thậm chí tại một tư gia (1Cr 16,19 : Aquila và Prisca cùng với giáo hội họp tại nhà họ”).

2. Giáo Hội suy gẫm về sự kiện trên, cả ở bình diện con đường Giáo Hội phải đi trong lịch sử lẫn bình diện suy tư về mặt giáo lý. Giáo Hội biết là cùng một trật, chứ không phải lần lượt trước hay sau, Giáo Hội vừa là phổ quát vừa là địa phương. Không phải là hai Giáo Hội nhưng cùng là một Giáo Hội, Giáo Hội đó một mặt là phổ quát và mặt kia là địa phương riêng biệt. (Thuật ngữ Giáo Hội địa phương (locale) hay Giáo Hội riêng biệt (particulière), còn lỏng lẻo trogn các văn kiện công đồng, đã được minh định trong thời hậu-Công-đồng. Bộ Giáo Luật mới, khi chọn thành ngữ Giáo Hội riêng biệt để chỉ giáo phận , góp phần củng cố thêm cho việc dùng thuật ngữ này).

Phổ quát (Universelle) – còn được gọi là Katholikè hay Oikuméne – Giáo Hội là phổ quát vì là cho tất cả mọi người không loại trừ ai, cho đến tận cùng trái đất, là “sacramentum salutis”, bí tích cứu độ, dấu chỉ và khí cụ của ơn cứu độ đã được thực hiện trong thập giá và sự sống lại của Con Thiên Chúa, được đón nhận trong đức tin, hiện diện trong các bí tích, không ngừng được sống động ttrong việc rao giảng và đón nhận Lời Chúa.

Riêng biệt (Particulière), Giáo Hội là riêng biệt khi làm cho ý định cứu độ trên được hiện diện trong cộng đoàn nhân loại cụ thể này hay cộng đoàn nhân loại cụ thể kia, được quy tụ và hướng dẫn bởi các vị Chủ chăn được Chúa gửi đến.

Trong thánh ý của Thiên Chúa và trong ý định của Đức Kitô Cứu Thế Giáo Hội xuất hiện trong tính duy nhất và tính phổ quát (dans son unité et son universalité) ; tuy nhiên tính phổ quát đó được thể hiện cụ thể trong những Giáo Hội riêng biệt rải rác khắp nơi trên thế giới. Giáo Hội phổ quát không phải là tổng số hay sự đặt kề cận nhau kiểu vật này ạnh vật kia, một thứ liên hiệp các Giáo Hội riêng biệt sẵn có, nhưng không chút nghi ngờ Giáo Hội là hiệp thông và trao đổi sự sống. Đàng khác, Giáo Hội duy nhất và phổ quát được phản ánh trọn vẹn trong các Giáo Hội riêng biệt ; các Giáo Hội riêng biệt này được “hình thành theo hình ảnh của Giáo Hội phổ quát” (LG 23).

Sự sung mãn của mầu nhiệm Giáo Hội đòi hỏi việc vận dụng hài hòa cả hai chiều kích. Khía cạnh công giáo, được nhấn mạnh đúng mức, cứu vãn được tính phổ quát đích thực của Giáo Hội khỏi một quan điểm “hội đường” (une conception synagogale) và khỏi một quan niệm về Giáo Hội thu hẹp, giới hạn nghĩa là khép kín trong giới hạn một dân tộc hay một nền văn hóa ; khi được đề cao, tính phổ quát này có thể đưa tới một cái nhìn lý tưởng hóa Giáo Hội, xa vời cuộc nhập thể cụ thể trong lịch sử. Và ngược lại, chiều kích riêng biệt khi được nhấn mạnh đúng mức sẽ giúp cho thấy bộ mặt chính xác của một Giáo Hội gồm những con người cụ thể và những hoàn cảnh lịch sử và địa lý riêng, một Giáo Hội được xác định bởi ranh giới của một phần nhân loại nhất định ; khi được nhấn mạnh thái quá, tính riêng biệt có thể biến Giáo Hội thành một ghetto, làm tan vỡ tính cách toàn bộ của Giáo Hội.

3. Trong việc không ngừng chuyển từ Giáo Hội phổ quát sang Giáo Hội riêng biệt và ngược lại, các Giám mục có một vai trò ưu việt và riêng (un rôle privigilé et particulier). Là Thủ lãnh các Giáo Hội riêng biệt và đồng thời là thành viên của Giám-mục-đoàn, chính trong con người các ngài, hiệp thông với vị Chủ chăn chung (Pasteur Universelle), mà các Giáo Hội riêng biệt hội nhập vào Giáo Hội phổ quát và Giáo Hội phổ quát thấm nhập vào các Giáo Hội địa phương.

Vậy có thể khẳng định rằng cuộc viếng thăm “ad limina” là một lời mời gọi khẩn thiết đối với mỗi Giám mục – hơn nữa, là một khích lệ – đối chiếu sứ vụ của mình đối với Giáo Hội riêng biệt được ủy thác cho mình với ơn gọi phổ quát của Giáo Hội. Có thể xảy ra trường hợp sự dấn thân của Giám mục đối với cộng đoàn thu hẹp là Giáo Hội riêng biệt của ngài, thu hẹp các “spatia caritatis” mà ngài phải giữ cho rộng mở đối với mối “sollicitudo omnium Ecclesiarum” (bận tâm lo cho các Hội Thánh, 2Cr 11,28) ; cuộc viếng thăm sẽ giúp ngài hiểu sâu sắc hơn điều đã được Công đồng khẳng định : “Các giám mục, được đặt làm thủ lãnh một Giáo Hội địa phương, thực hành quyền mục vụ trên phần Dân Thiên Chúa được trao phó cho mình, chú không thực hành quyền mục vụ trên các Giáo Hội địa phương khác, hoặc Giáo Hội phổ quát. Nhưng với tư cách là phần tử của Giám-mục-đoàn và kế vị hợp pháp các Tông Đồ, mỗi giám mục, do sự thành lập và giới lệnh của Đức Kitô, có bổn phận ân cần săn sóc đến toàn thể Hội Thánh. Sự ân cần săn sóc đó, cho dầu không được thể hiện bằng hành động thuộc quyền tài thẩm, vẫn mang lại rất nhiều lợi ích cho Giáo Hội phổ quát” (LG 23). Cuộc viếng thăm “ad limina” có thể khơi lại ý thức về sự ân cần săn sóc đó.

III. ĐỐI VỚI GIÁO HỘI RÔMA

Sự suy tư về đề tài “các quan hệ giữa Giáo Hội phổ quát và các Giáo Hội riêng biệt” có môt tác động đặc biệt trên đề tài về Giáo Hội Rôma. Thật vậy, Giáo Hội Rôma có một vị trí đặc biệt.

1. Giáo Hội Rôma không đồng hóa cách đơn giản với Giáo Hội phổ quát. Giáo Hội Rôma, về moi phương diện, là một Giáo Hội riêng biệt với vị Chủ chăn riêng của mình, có các cơ quan riêng, có bộ mặt riêng.

Thế nhưng, vì vị chủ chăn đầu tiên của Giáo Hội Rôma là Thánh Tông Đồ Phêrô, người được Chúa đặt làm thủ lãnh Tông-đồ-đoàn và ban cho một quyền tối cao (une primauté) với tư cách là “đá tảng” trên đó Giáo Hội được xây dựng, “Tòa Rôma” (sedes romana) ngay từ khởi đầu Giáo Hội đã có một chỗ đứng ưu việt giữa tất cả các Giáo Hội khác. “Giáo Hội ấy chủ trì đức ái phổ quát”, thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã viết như thế vào thế kỷ II (Thư gửi tín hữu Rôma, lời tựa). Thánh Cyprianô cũng nói : Giáo Hội Rôma được gọi để chăm sóc “tất cả những ai kêu cầu danh Chúa” (Thư 8, 2-3). Thật vậy, một vị giám mục Rôma, thánh Clêmentê, đã cảnh cáo và chỉ đạo Giáo Hội Côrintô, và việc làm của ngài được chấp nhận. Điều này cho thấy, ngay từ đầu, Giáo Hội Rôma đã được tôn kính và được coi như có trách nhiệm như thế nào.

Công đồng Vatican II khi bổ túc và đào sâu giáo huấn của Công đồng Vatican I và các Công đồng trước, nhấn mạnh một cách rõ ràng tới giáo huấn về tính trung tâm của ngai tòa Rôma và vị Chủ chăn của nó, do ý định không thể chối cãi được của Đấng sáng lập Giáo Hội. nhờ tính trung tâm này tất cả mọi Giáo Hội đều ngước nhìn về Giáo Hội Rôma, quy chiếu về đó và mong chờ được soi sáng, chỉ dẫn, an ủi và nâng đỡ.

Giữa các Giáo Hội rải rác khắp hoàn cầu và Giáo Hội Rôma, được thiết lập một phong trào mà Đức Hồng y Ratzinger gọi là “perichoresis” hay là cuộc lưu thông sức sống và như các nhà thần học khác không ngại so sánh với một chuyển động co vào – giãn ra (mouvement de diastole-systole) làm cho máu chảy từ tim chuyển đến các phần cơ thể rồi từ các nơi này chuyển về trung tâm là con tim.

Trong Giáo Hội phổ quát, Giáo Hội Rôma có chức năng quy tụ và tập trung vì lợi ích của chính các Giáo Hội và lợi ích của tinh phổ quát. Lịch sử thường đầy sóng gió của các Giáo Hội riêng biệt chứng tỏ dồi dào cho sự ủng hộ và nâng đỡ của uy quyền Tối cao đã đem lại cho các Giáo Hội. Giáo Hội Rôma không phải là Giáo Hội phổ quát, nhưng do ơn gọi của Thiên Chúa và do số phận lịch sử (par vocation divine et destin historique) Giáo Hội Rôma có một ơn theo đó thì sự hiệp nhất của tất cả các Giáo Hội với nhau, nghĩa là tính phổ quát, chỉ được củng cố dựa vào Giáo Hội Rôma chứ không dựa vào bất kỳ một Giáo Hộ nào khác.

2. Cái “đặc sủng” của “Petri sedes” hay “cathedra romana” được biểu lộ cụ thể trong cuộc viếng thăm “ad limina”.

Khi làm công việc mà Thánh Tông Đồ Phaolô gọi là “videre Petrum”, và khi bộc lộ cách cụ thể niềm tin vào quyền tối cao của Đức Giáo Hoàng Rôma như vậy, các Giám mục mỗi người nhìn nhận cách công khai – và để nêu gương sáng cho các tín hữu của mình – vai trò riêng và đặc sắc của Giáo Hội Rôma, “mẹ và trung tâm của mọi giáo hội – mater et centrum omnium ecclesiarum orbis”. Điều này không có nghĩa là các Giáo Hội riêng biệt ở mọi nơi phải nô lệ sao lại cách hiện diện và hành động (copier servilement l’être et l’agir) của Giáo Hội Rôma : một chủ trương tập quyền về Rôma, là sự thoái hóa và biếm họa của tính trung ương nói trên, không tôn trọng quyền tự lập hợp pháp của các Giáo Hội riêng biệt, sẽ làm nghèo nàn di sản thiêng liêng và mục vụ, bóp méo bộ mặt của Giáo Hội và không góp phần phát huy tính “đa dạng trong sự hiệp nhất”. tuy nhiên, chắc chắn là mỗi Giáo Hội riêng biệt có thể thấy phản chiếu và như tập trung, trong Giáo Hội Rôma, các gương mặt của tất cả các Giáo Hội khác.

Việc “Romam adire”, cử chỉ căn bản của cuộc viếng thăm, tìm được một ý nghĩa sau này trong cuộc hành hương đã được đặt tên cho chính cuộc viếng thăm, “ad limina (hoặc ad trophaea) Apostolorum”.

Sở dĩ Rôma có tính cách trung ương như vậy trong Giáo Hội là nhờ chứng tá của hai vị Tông Đồ cao cả, các ngài đã đổ máu đào nơi đây. Chính vì chứng tá đó mà các ngài được coi là nền tảng của Giáo Hội Rôma và của cả Giáo Hội phổ quát. Cuộc hành hương đến mộ các ngài đã và vẫn còn là cuộc trở về nguồn đối với hàng triệu người tới viếng thăm Rôma, một cuộc gặp gỡ đổi mới với những nguồn gốc sâu xa và quyết định nhất của đức tin và của Giáo Hội.

Ý nghĩa cuộc hành hương còn thấm thía hơn đối với một đấng kế vị các Tông Đồ : đó là sự quy chiếu kép, một đàng là về missio apostolica, sứ vụ tông đồ mà Thánh Phêrô và Thánh Phaolô đã thực hiện trên đất Rôma, vào một thời điểm quyết định của lịch sử Giáo Hội ; đàng khác về confessio fidei, việc tuyên xưng đức tin đến cùng của hai vị Tông Đồ, một vị trên Đồi Vatican và vị kia tại Trois Fontaines trên đường Ostia.

Trong chứng tá của các ngài mỗi Giám mục muốn thấy phản chiếu chính sứ vụ riêng và chứng tá giám mục riêng của mình trước mặt Giáo Hội riêng biệt của mình.

Người ta có thể nhấn mạnh những khía cạnh khác nữa trong cuộc viếng thăm “ad limina” để đào sâu sự hiểu biết thiêng liêng và mục vụ. Những nhận xét trên tưởng là đủ, trong khuôn khổ của tập Chỉ dẫn để các Giám mục sử dụng.

Hồng y Lucas Moreira NEVES


III

Chú giẢi lỊCH SỬ – PHÁP LÝ

QUY TẮC GIÁO LUẬT

Các khoản 399 và 400 của Bộ Giáo Luật mới bàn về Bản phúc trình mỗi năm năm mà các Giám mục phải đệ lên Tòa Thánh và về cuộc viếng thăm “ad limina”.

Canon 399 nói :

§1 Cứ mỗi năm năm, Giám mục giáo phận phải nạp phúc trình lên Đức Thánh Cha về tình trạng của giáo phận được ủy thác cho ngài, theo mẫu thức và thời gian do Tòa Thánh đã ấn định.

§2 Nếu năm năm đã được ấn định để nạp phúc trình về Tòa Thánh mà trùng hợp hoặc toàn thể hoặc một phần với hai năm đầu kể từ khi đảm nhận nhiệm vụ quản trị giáo phận, thì lần đó Giám mục có được miễn làm và nạp phúc trình.

Và canon 400 khẳng định :

§1 Vào đúng năm phải nạp phúc trình lên Đức Thánh Cha, nếu Tòa Thánh không ấn định cách khác, Giám mục giáo phận phải về Rôma để viếng mộ các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô và yết kiến Đức Giáo Hoàng.

§2 Giám mục buộc phải tự mình chu toàn bổn phận nói trên, trừ khi bị ngăn trở hợp lệ ; trong trường hợp này, ngài có thể nhờ thay thế bởi Giám mục phó, nếu có, hoặc Giám mục phụ tá, hay một linh mục xứng đáng thuộc linh mục đoàn hiện đang cư ngụ trong giáo phận.

§3 Vị Đại diện Tông Tòa có thể thi hành bổn phận này qua một vị thừa ủy, kể cả vị sống tại Rôma ; Phủ doãn Tông Tòa không buộc giữ nghĩa vụ này.


Truyền thống lịch sử

Mặc dầu không có ngày tháng chính xác, ngay cả phỏng chừng, để xác định trong lịch sử cuộc viếng thăm “ad limina”[5], cũng có nhiều chứng tích, từ thế kỷ IV, về cuộc viếng thăm này. Tục lệ đi hành hương đến Rôma để cầu nguyện trước mộ các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô còn xưa hơn nữa. Các Công đồng đầu tiên bàn về những quan hệ giữa các Giáo Hội địa phương và Giáo Hội Rôma. Vào năm 343, Thượng hội đồng ở Sardes gửi cho Đức Giáo Hoàng Jules (341-352) một lá thư – ad Iulium urbis Romae episcopum – trình bày cho Ngài về nhu cầu Ngài phải được thông báo về tình hình tôn giáo trong các phần khác nhau hay các vùng của đế quốc Rôma.[6]

Vào tháng 5 năm 597, Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả (590-604) nhắc cho vị đặc sứ của Ngài là Cyprien thực hành cổ kính của các Giám mục xứ Sicile, theo đó cứ ba năm một lần các vị viếng thăm Kinh thành Muôn thuở (Ville Eternelle). Cũng Đức Giáo Hoàng Grêgôriô Cả quy định cho cuộc viếng thăm “ad limina” vào mỗi năm năm.[7] Công Đồng Rôma năm 743 đưa ra những quy định mới về cuộc viếng thăm.[8]

Giữa thời Trung Cổ, Đức Giáo Hoàng Pascal II (1099-1118) nhắc nhở vị Tổng giám mục được bầu ở Spalate xứ Dalmatie, đang ngạc nhiên về yêu cầu tuyên thệ chu toàn bổn phận viếng thăm “ad limina”, rằng bổn phận này chung cho tất cả các Giám mục, các ngài phải cam kết bằng lời thề trước khi được tấn phong giám mục. Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng còn cho biết thêm rằng các Giám mục ở những vùng xa xôi nhất của Âu châu, như các vị ở Pays Saxon hay Danemark, cũng đều thi hành bổn phận hằng năm, qua trung gian các đại diện của các ngài.[9]

Trong thế kỷ XI và XII các Giám mục biết có nghĩa vụ đi viếng hằng năm, dù cho tất cả các ngài không thực hiện được vì những khó khăn của cuộc hành trình về Rôma. Vì lý do này, nhiều phép chuẩn đã được ban dưới triều các giáo hoàng Innocent IV (1243-1253) và Alexandre IV (1254-1261).[10]

Cuộc cải cách của Công đồng Trentô

Năm 1540, trước Công đồng Trentô, vài vị Giám mục lưu ý Đức Giáo Hoàng Phaolô II rằng nghĩa vụ hằng năm đi viếng “ad limina” gây trở ngại lớn cho việc các Giám mục phải ở trong địa sở của mình và đề nghị một đinh kỳ ba hay năm năm, tùy theo khoảng cách giữa tòa của các ngài và Rôma.[11]

Công đồng đem vấn đề này ra bàn,[12] và cuộc viếng thăm “ad limina” được đặt vào trong chương trình đầy cải tổ của các Giáo Hoàng thời hậu-Công-đồng Trentô, về thừa tác vụ mục vụ của các Giám mục.

Nhưng chính Đức Sixto V (1585-1590) đã ban hành tông hiến Romanus Pontifex ngày 20/12/1585,[13] cải tổ kỷ luật cũ về việc viếng tham “ad limina” và đưa ra một vài sửa đổi buộc tất cả các Giám mục, vì các quyết định của Công đồng Trentô đã không được tuân giữ trong mọi giáo phận. Đức Sixto VI đã theo dõi vấn đề, biến tục lệ cổ xưa viếng thăm Tông Tòa, thành một luật buộc và đòi phải trình định kỳ cho Đức Giáo Hoàng biết về tình trạng vật chất và tinh thần của các Giáo Hội địa phương. Ngài cũng nhắc nhở sự cần thiết phải duy trì các trao đổi định kỳ với các vị giám chức để nhu cầu các giáo phận được biết cách trực tiếp và có thể đương đầu với sự gia tăng và truyền bá của lạc giáo.

Trong phần dành cho các quy định, tông hiến của Đức Sixto V ấn định rằng tất cả các Thượng Phụ, các Giáo Trưởng, các Tổng giám mục và các Giám mục, cũng như các Hồng Y, trước khi được tấn phong hay nhận lãnh dây pallium hay khi được chuyển đến những tòa khác, đều phải tuyên thệ trung thành thi hành cuộc viếng thăm mộ các Tông Đồ Phêrô và Phaolô và yết kiến Đức Giáo Hoàng, với mục đích tường trình về thừa tác vụ mục vụ của mình và đón nhận các huấn thị cần thiết, từ Đức Giáo Hoàng cũng như từ các cơ quan của Giáo triều Rôma. Nếu một Giám mục bị ngăn trở hợp pháp, ngài có thể nhờ một vị thụ ủy (procureur) hay đại diện (délégué) chu toàn nghĩa vụ thay cho, vị này có thể là kinh sĩ hay một linh mục có uy tín. Ngăn trở của Giám mục phải được giải thích trước Hồng y trưởng bậc phó tế.

Để giúp tổ chức và làm cho các cuộc viếng thăm đucợ tiến hành dễ dàng, cũng tông hiến trên chia các gáo phận thành bốn nhóm, quy định khoảng thời gian sau đây cho việc thi hành :

ü    cứ mỗi ba năm cho các Giám mục Italia và các Đảo quốc lân cận, vùng Dalmatie và Hy lạp ;

ü    cứ mỗi bốn năm một lần cho các Giám mục các quốc gia Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Bohême, Hungari, Anh, Ecosse, Irlande, Pays baltes và các Đảo ở Địa Trung Hải ;

ü    cứ mỗi năm năm một lần cho các Giám mục khác tại Âu châu, các Giám mục vùng bờ biển cạnh châu Phi và các Giám mục các Đảo châu âu và châu phi trong Đại Tây Dương ;

ü    cứ mỗi mười năm một lần cho các Giám mục Á châu, Mỹ châu và các phần khác trên thế giới.

Về cách tính các kỳ hạn trên đây, tông hiến của Đức Sixtô ấn định cho cuộc viếng thăm của mỗi Giám mục được tính từ lúc tấn phong (do đó, không thể viện lẽ chưa nhậm chức hay chưa về cư ngụ trong giáo phận để hoãn cuộc viếng thăm) hay từ lúc nhận dây pallium hay được chuyển sang một tòa khác. Và để co cuộc viếng thăm “ad limina” không cách quãng quá lâu, Đức Giáo Hoàng đã xác định rằng trong việc tính kỳ hạn cũng phải tính cả thời gian đã trôi qua từ lúc chết, lúc chuyển tòa hoặc không làm nhiệm vụ của vị Giám mục tiền nhiệm, bất kể vì lý do nào.

Các hình phạt dành cho những vị không tuân hành nghĩa vụ thăm viếng rất nặng : đình chỉ (suspensio) “ipso facto” việc quản trị thiêng liêng và vật chất của giáo phận, thu hồi hoa lợi do việc quản trị này và có thể đi tới việc suspensio “ab ingressu eccle-siae” cho tới khi các Giám mục ấy được Tòa Thánh giải vạ.

Tất cả các đặc ân, phép chuẩn, ơn ban và phép rộng (privilèges, dispenses, concessions et autorisations) đã ban trước đây, kể cả những gì do chính Đức Sixtô V ban, đều bị bãi bỏ với tông hiến của Đức Sixtô.[14]

Sử gia chuyên về lịch sử các Giáo hoàng, Von Pastor, khẳng định rằng sự thúc đẩy phát triển của Giáo Hội tại Đức vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII trùng với việc áp dụng tông hiến của Đức Sixtô V. Các cuộc nghiên cứu sau đó cũng giúp đào sâu và bổ túc ý kiến trên, cho phép kết luận rằng tông hiến Romanus Pontifex đánh dấu một trong những thời điểm quan trọng của cuộc cải cách hàng giám mục sau Công đồng Trentô, nhờ có sự bó buộc các chủ chăn phải đích thân tới Giáo triều Rôma để tường trình về tình hình các Giáo Hội của các ngài. [15]

Thẩm quyền để kiểm tra các cuộc viếng thăm “ad limina” và duyệt xét các bản phúc trình của các Giám mục, cũng như để trả lời bằng những nhận xét cần thiết, ban đầu được trao cho ủy ban các Hồng Y, do Đức Piô V thiết lập năm 1564 để giải thích một cách trung thực và lo cho việc áp dụng một cách đúng đắn các luật lệ đã được Công đồng Trentô ban hành. Một phần lớn các thẩm quyền của ủy ban này đã được chuyển qua Bộ Công Đồng, được Đức Sixtô V thiết lập với tông hiến Immensa aeterni Dei ngày 22/01/1588.[16]

Các cuộc cải cách tiếp theo cho tới Bộ Giáo Luật 1917

Sau khi thiết lập Bộ Truyền Bá Đức Tin (22/6/1622, các giáo phận thuộc miền truyền giáo được đặt dưới thẩm quyền của cơ quan mới mà các Giám mục nộp phúc trình.[17] Tuy nhiên tất cả các giáo phận hispano-américains (Mỹ gốc Tây Ban Nha) tiếp tục tùy thuộc Bộ Công Đồng, vì thuộc thẩm quyền bảo hộ của triều đình Tây Ban Nha.

Từ thế kỷ XVIII các Đức Giáo Hoàng đưa vào một số thay đổi về cách thức thực hiện cuộc viếng thăm “ad limina” và bản phúc trình hay liên lạc (rapport ou relation) của các Giám mục, trong khi vẫn giữ nguyên bản chất tông hiến của Đức Sixtô V dưới ba khía cạnh : kính viếng mộ các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô trong vương cung thánh đường kính các ngài tại Rôma, yết kiến Đức Giáo Hoàng và đệ bản phúc trình về tình hình của giáo phận.[18]

Thay đổi lớn nhất do Đức Bênêđictô XIII (1724-1730) và được Đức Bênêđictô XIV xác nhận (1740-1758), là việc công bố một huấn thị giáo hoàng (instruction pontificale) trong đó nêu rõ những điều mà các Giám mục phải đề cập tới trong bản tường trình, tuy vẫn để cho các ngài tự do bàn tới các vấn đề khác không được nói tới trong huấn thị. Quyết định này đã trở nên cần thiết vì kinh nghiệm cho thấy có nhiều Giám mục chỉ gửi bản phúc trình kèm theo một bức thư bày tỏ lòng kính trọng và gắn bó với Đức Giáo Hoàng, mà không đào sâu – đôi khi không đề cập tới – các chủ đề có thể làm cho Tòa Thánh quan tâm. Trong những trường hợp khác, các Giám mục gửi vị thụ ủy mà không có bản phúc trình, cho phép phúc trình miệng về tình hình giáo phận với Đức Giáo Hoàng, nếu được tiếp kiến, hay với Bộ Công Đồng.

Theo huấn thị trên, bản phúc trình phải gồm 9 chương : tình hình vật chất của giáo phận ; các hoạt động của Giám mục ; các giáo sĩ triều ; giáo sĩ dòng ; các nữ tu ; chủng viện ; các nhà thờ ; các hội đoàn và nơi đạo đức ; dân chúng và các thỉnh nguyện.[19]

Đức Bênêđictô XIV thay đổi kỳ hạn các cuộc viếng thăm “ad limina” như sau : mỗi năm năm cho tất cả các Giám mục khác.[20]

Trong Công đồng Vatican I không thiếu các Giám mục thấy cần phải đưa vào vài thay đổi cách thức thực hiện cuộc viếng thăm “ad limina” và, cách riêng, trong bảng câu hỏi đề nghị cho bản phúc trình, nhằm mục đích thích nghi với những đòi hỏi của Giáo Hội trong xã hội thế kỷ XIX. Một sơ đồ hay dự thảo cải cách cũng đã được soạn thảo, nhưng không được đem ra thảo luận vì Công đồng bị gián đoạn bất ngờ.[21]

Các hướng đi mới phải đợi tới triều giáo hoàng của Thánh Piô X (1903-1914) và được sát nhập vào khuôn khổ chung của cuộc cải tổ Giáo triều Rôma, áp dụng từ ngày 29/6/1908, với tông hiến Sapienti consilio,[22] theo đó thẩm quyền của Bộ Công Đồng về hoạt đông mục vụ cúa các Giám mục được chuyển qua Bộ Cơ Mật.

Cơ quan này (Bộ Cơ Mật) công bố sắc lệnh De relationibus dioecesanis et visitatione SS. Liminum, ngày 31/12/1909, gửi cho “tất cả các vị Bản quyền không thuộc Bộ Truyền Bá Đức Tin”. Có những thay đổi quan trọng đối với kỷ luật cũ liên quan đến vấn đề đã được đưa vào, đặc biệt là định kỳ cho việc viếng thăm “ad limina”, mà các Giám mục phải thực hiện năm năm một lần, kể từ ngày 01/01/1911, theo một lịch trình do Bộ ấn định. Sắc lệnh nhấn mạnh tới những khía cạnh căn bản, đã được biết, của nghĩa vụ vụ : kính viếng mộ các Tông Đồ và yết kiến Đức Giáo Hoàng. Kèm theo sắc lệnh còn có Ordo servandus in relatione de statu ecclesiarum, chứa đựng 150 câu hỏi mà các Giám mục phải trả lời, về cơ bản chúng phản chiếu chín chương của huấn thị Đức Bênêđictô XIII, được bổ túc thêm bởi những đề tài liên quan tới việc huấn luyện giới trẻ, hoạt động của các hội đoàn và hiệp hội đạo đức (des confraternités et associations de piété), các hoạt động bác ái và cứu trợ xã hội (les oeuvres de charité et d’assis-tance sociale), báo chí và việc đọc các sách cấm.[23]

Bộ Giáo Luật 1917 đề cập tới cuộc viếng thăm “ad limina” trong các khoản 340, 341 và 342 đặt nghĩa vụ trình bản báo cáo năm năm trên việc kính viếng mộ các Tông Đồ và yết kiến Đức Giáo Hoàng. Trong Bộ giáo luật này, cuộc viếng thăm “ad limina” được đặt nằm trong toàn bộ nghĩa vụ chính yếu của các Giám mục : nhiệm sở, dâng lễ cầu cho dân chúng, phúc trình viết gửi cho Tòa Thánh về việc điều hành giáo phận và thăm viếng mục vụ. Một năm sau khi ban hành Bộ giáo luật, Bộ Cơ Mật dự kiến một mẫu thức mới cho việc soạn thảo bản phúc trình. Bộ Truyền bá Đức Tin cũng thích nghi với pháp chế mới của giáo luật.[24]

Hơn nữa, Bộ Cơ Mật ban hành một sắc lệnh ngày 28/02 năm 1959, buộc cả các vị Đại diện phụ trách Tuyên úy quân đội cũng phải làm cuộc viếng thăm “ad limina” và đệ trình báo cáo mỗi năm năm về tình hình khu vực phụ trách, theo canon 341.[25]

Pháp chế và hiệu lực

Trong thời gian chuẩn bị Công đồng Vatican II, cũng như trong các khóa họp công đồng, một vài Giám mục đã đưa ra các đề nghị liên quan tới việc viếng thăm “ad limina” và việc thay đổi các quy tắc đang áp dụng cho hợp thời hơn. Khi Công Đồng kết thúc, Tòa Thánh nhiều lần nhấn mạnh tới sự cần thiết và tầm quan trọng của các quan hệ giữa Đức Giáo Hoàng và các Giám mục.[26] Bộ Giám Mục xác nhận, trong tập Directorium de pastorali ministerio episcoporum năm 1973,[27] rằng cuộc viếng thăm ad limina và những bản báo cáo mỗi năm năm cần thitế để khuyến khích các cuộc tiếp xúc giữa Đức Giáo Hoàng và các Giám mục : “Visitationem ad liminam peragens laetam arripit occasionem videndi Petrum (Gl 1,18), cumeoque de rebus suae particularis necnon universalis Ecclesiae fraterne colloquendi”.[28]

Ngày 29/6/1975, cũng cơ quan này (Bộ Giám Mục) cho công bố sắc lệnh Ad Romanam Ecclesiam,[29] bàn về “De vistatione SS. Liminum deque relationibus dioecesanis” gồm hai phần : phần thứ nhất trình bày một tổng hợp chặt chẽ có tính thần học – lịch sử về định chế giáo luật nói ở trên và lý giải luật lệ mới ; phần thứ hai chứa đựng những gì được quy định tóm gọn các luật lệ về vấn đề này trong năm điều.

Mở đầu, sắc lệnh giải thích sự cần thiết phải duy trì và cổ võ sự hợp nhất giữa các Giáo Hội riêng biệt và Giáo Hội Rôma, nơi có ngai tòa của Thánh Phêrô, ngài là nguyên lý vĩnh viễn và nền tảng hữu hình của sự hiệp thông các Giám mục cũng như giữa các tín hữu, theo giáo lý của Thánh Irênê và sắc lệnh Unitatis redintegratio của Công đồng Vatican II về đại kết. Trích dẫn một bản văn của Thánh Lêô Cả, theo đó sự vững chắc của Thánh Phêrô được truyền lại cho các đấng kế vị ngài, sắc lệnh kết luận rằng ngôi tòa của ngài, trong khi bảo vệ các sự khác biệt hợp pháp, cũng lo sao cho những nét riêng của các Giáo Hội không ngăn trở mà trái lại khuyến khích sự hợp nhất. Vì vậy Đức Giáo Hoàng không chỉ có sứ vụ lo cho ích chung của Giáo Hội phổ quát, mà còn lo cho lợi ích của các Giáo Hội riêng biệt, theo giáo lý công đồng của sắc lệnh Christus Dominus. Do đó, ngài nên có mặt trong các Nước trên thế giới để biết tường tận những nhu cầu và hoàn cảnh địa phương của các cộng đoàn tín hữu khác nhau.

Tuy nhiên, sắc lệnh Ad Romanam Ecclesiam khẳng định rằng ngay cả khi tiến bộ vật chất cho Giám mục Rôma những phương tiện để năng thăm viếng các Nước xa xôi, thì ngài cũng không nên vì thế mà bỏ đi những tục lệ từ bao thế kỷ đã có một tầm quan trọng lớn lao vì chúng biểu lộ sự hiệp thông của Giáo Hội ở mứcc độ cao nhất. Vì vậy sắc lệnh nhấn mạnh tới nhu cầu gia tăng các cuộc tiếp xúc cá nhân giữa Đức Giáo Hoàng và các Giám mục, không chỉ bằng thư tín, mà nhất là bằng cuộc hành trình về Rôma. Thật vậy đó là điều hiển nhiên và tướng xứng với một chuyển động trong Giáo Hội, phát xuất từ trung tâm hướng về ngoại biên tới gặp tất cả và từng Giáo Hội riêng biệt, thì phải có một chuyển động ngược chiều từ ngoại biên hướng về trung tâm, là chính con tim của Giáo Hội.

Các suy tư trên đây cho thấy nên xem xét lại các luật lệ trước đây về cuộc viếng thăm “ad limina” và đưa ra một luật lệ mới, thích hợp với thời đại hôm nay, trong đó nhựng tiêu chuẩn mới sẽ được ấn định cho việc phân chia các khoảng cách năm năm ; các vị Đại diện Tòa Thánh có nhiệm vụ, từ nhiều tháng trước đầu năm mới, nhắc nhở các Giám mục của các Quốc gia về thời điểm đã được ấn định cho cuộc viếng thăm “ad limina và mời các vị Chủ tịch Hội đồng Giám mục, cùng với các Giám mục, chuẩn bị lịch trình mà mỗi vị, hoặc nếu hoàn cảnh đòi hỏi đi chung thành nhóm, đến viếng thăm Đức Giáo Hoàng ; vị Đại diện Tòa Thánh cũng nhắc các ngài gửi bản phúc trình về tình hình giáo phận đủ sớm so với ngày đi viếng thăm. Bản phúc trình phải được soạn thảo dựa theo bảng câu hỏi đã được Bộ Giám Mục soạn thảo.[30]

Cách làm gần đây

Từ ngày 01/01/1976, thời điểm bắt đầu tính hạn kỳ năm năm cho cuộcc viếng thăm “ad limina”, theo quy định của sắc lệnh Ad Romanam Ecclesiam, Đức Phaolô VI đã thiết lập cho chính cuộc viếng thăm một cách thực hành mới, đã thực hiện trogn những năm trước đó, nhưng một cách đơn lẻ.[31]

Thực vậy, một vài Giám mục Tây Ban Nha không được Đức Giáo Hoàng tiếp kiến riêng vào mùa thu 1972, vì Đức Giáo Hoàng đang bận với những công việc của Thượng hội đồng Giám mục. Không thể tiếp riêng từng vị, Đức Phaolô VI đã tiếp chung các vị và trong bài diễn từ ngỏ với các vị, ngài đã bảo đảm rằng ngài sẽ xem xét cẩn thận các bản phúc trình năm năm, để thấy ở đây “không phải một bản tường trình đơn giản viết, cho bằng lòng nhiệt thành, sự dấn thân và tinh thần của mỗi người trong chư huynh, với tư cách là chủ chăn của đoàn chiên, các linh mục, tu sĩ và các tín hữu là những người cộng tác trong sứ mệnh thiết lập vương quốc của Thiên Chúa giữa mọi người ; đó hẳn phải là những trang rất đẹp về đời sống giáo hội mà việc đọc lên cho chúng ta ta được niềm vui thiêng liêng, và ngay từ bây giờ, tôi muốn bày tỏ với chư huynh cũng như với tất cả các công sự viên của chư huynh, sự thán phục chân thành và lòng yêu mến của tôi trong Chúa”.[32]

Sau khi sắc lệnh Ad Romanam Ecclesiam bắt đầu có hiệu lực, kiểu tiếp kiến chung được nhìn nhận một cách ổn định và Đức Phaolô VI, từ năm 1976 đến khi qua đời, cho thấy ngài mong ước được gia tăng các cuộc tiếp xúc riêng với các Giám mục.[33]

Phân tích kỹ các bài diễn từ cuối cùng của ngài cho phép chúng ta tổng hợp những khía cạnh chính yếu của các cuộc viếng thăm “ad limina”. Trong một bài diễn từ đọc trước các Giám mục Tiệp Khắc ngày 18/3/1977,[34] ngài chỉ rõ ba việc làm chính của cuộc viếng thăm này – kính viếng mộ các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô, yết kiến Đức Giáo Hoàng và trình bày về tình hình các giáo phận – trong khi tiếp các Giám mục miền Bắc nước Pháp ngài nhắc lại tính cách cổ kính của định chế giáo luật này.[35]

Đức Phaolô Vi lý giải các quy tắc mới do Bộ Giám Mục ban hành trong một diễn từ đọc trước các Giám mục vùng Marche nước Ý, trong đó ngài minh họa cách rõ ràng về ích lợi của cuộc gặp gỡ trực tiếp và của cuộc đích thân viếng thăm : “Như trong mỗi cuộc viếng thăm, đây là một cuộc gặp gỡ, nghĩa là một cơ hội để đối thoại, để ở với nhau, để trao đổi cho nhau nhân danh Đức Kitô một nụ hôn thánh của bác ái và của bình an. Nếu, về phía chư huynh, điều này được thể hiện bằng việc đến Rôma và chu toàn một số nghĩa vụ … thì phần tôi, điều ấy được diễn tả trong một sự hỗ tương của niềm hiệp thông và một sự cởi mở cõi lòng qua những gì mà tôi muốn tâm sự với chư huynh.

… Và dĩ nhiên, trong cuộc viếng thăm này, tôi cũng muốn tỏ lòng kính trọng đối với mỗi vị chủ chăn : trước khi các Hội đồng Giám mục được thiết lập, đây là một cơ cấu mới, cuộc viếng thăm là một cuộc gặp gỡ trực tiếp, đối với hai người, giữa chủ chăn của mỗi giáo phận với Đại diện Đức Kitô. Nhưng đây không phải là thực tại lỗi thời dẫu rằng sự biến chuyển thời thế, tính cách phức tạp của các vấn đề, tính cách “supra-diocèse” của một số hoàn cảnh đã đưa tới chỗ thiên về công thức kết hợp cộng đoàn, trên bình diện thực hành mục vụ. Người ta không bao giờ có thể thu hẹp lại hay bóp méo bộ mặt đích thực và riêng biệt của mỗi giáo phận, với vị chủ chăn và các linh mục của mình, thể hiện trong toàn bộ Giáo Hội phổ quát : không đúng rằng mầu nhiệm Đức Kitô hiện diện trọn vẹn trong Giáo Hội riêng biệt sao ? Giáo Hội riêng biệt, như Công đồng dạy (x. Hiến chế Lumen gentium s. 23), đã được lập theo hình ảnh Giáo Hội duy nhất của Người và ghi tác lại các nét. Vì vậy, tôi nhắc lại, tôi bày tỏ lòng kính trọng với mỗi vị trong chư huynh. Ước muốn của tôi là nhìn nhận quyền bính của mỗi giám mục, giúp đỡ ngài bằng mọi cách có thể, củng cố ngài theo nghĩa tin mừng của từ đó (x. Lc 22,32), gia tăng ý thức trách nhiệm nơi ngài để ngài chăm sóc đoàn chiên mà Chúa Thánh Thần đã đặt ngài làm chủ chăn (x. Cv 20,28)”[36].

Đức Phaolô VI cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của bản phúc trình năm năm, đấy không phải chỉ là thủ tục hành chính nhưng là một phương tiện để Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh “có được một sự hiểu biết sâu xa, không những về chư huynh mà còn về hoạt động thừa tác đang thu hút các năng lực của chư huynh trong niềm vui, nỗi khổ và sự cậy trông”[37] và đồng thời bản phúc trình cũng phản chiếu một quan tâm mục vụ của Giám mục trong sự tìm hiểu đời sống giáo phận của ngài. Đức Giáo Hoàng nói với các Giám mục miền Tây nước Pháp : “Các bản phúc trình năm năm của chư huyny được soạn thảo với một mối ưu tư lớn nói lên sự thật và một cách chính xác, phản ánh mối quan tâm của chư huynh muốn biết và yêu mến tất cả những gì làm nên cuộc sống giáo phận của chư huynh”.[38]

Trong tất cả các bài diễn từ cho các Giám mục, Đức Phaolô VI giải thích ý nghĩa sâu xa của cuộc viếng thăm “ad limina”, lý do có nó và mục đích của nó, dựa trên một số ý tưởng làm nền tảng giáo lý cho chính các bài diễn từ : hiệp thông giáo hội, hiệp thông của tất cả các Giám mục với ngai tòa Thánh Phêrô, hiệp thông hỗ tương giữa các Giám mục với Đức Giáo Hoàng.[39] Đối với Đức Phaolô VI, việc tiếp xúc với các Giám mục là một trong những việc quan trọng nhất và là nguồn cảm xúc cho sứ vụ giáo hội,[40] vì sự tiếp xúc đó biểu lộ ý nghĩa sâu xa về sự gắn bó và mối hiệp thông của các chủ chăn với vị Thủ lãnh Giám-mục-đoàn.[41]

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã đẩy mạnh cuộc viếng thăm “ad limina” một cách triệt để mới, như chưa từng thấy trong lịch sử Giáo Hội, ngài tăng các cuộc gặp gỡ với các Giám mục, thảo luận với các vị về các vấn đề mục vụ của các giáo phận và cho các vị những lời khuyên và hướng đi trong các bài diễn từ dài về giáo lý. Nhờ vậy, các quy tắc giáo luật có được một ý nghĩa giáo hội sâu xa, vì chúng vượt lên trên khía cạnh hành chánh đơn thuần của cuộc viếng thăm và biểu lộ lý do hiện hữu đích thực, đó chính yếu là biểu lộ và củng cố sự kết hợp giữa các Giám mục với Đức Giáo Hoàng cũng như xác nhận mối quan tâm của tất cả đối với Giáo Hội Chúa Kitô.[42]

Hồng y Vicenti Cárcel ORTÍ

 



[1] x. C.I.C can. 399 §2. Cho 5 năm : x. Sắc lệnh De visitatione SS. Liminum deque relationibus dioecesanis, 29/6/1975, n. 2 : AAS LXVII (1975), pp. 675-676.

[2] Formula Relationis Quinquennalis, Typis Polyglottis Vaticanis, 1982.

[3] x. Sắc lệnh De visitatione SS. Liminum deque relationibus dioecesanis, n. 5 : AAS LXVII (1975), p. 676.

[4] x. Sắc lệnh De visitatione SS. Liminum deque relationibus dioecesanis, n. 4 : AAS LXVII (1975), p. 676.

[5] Từ latin limen, liminis. Dịch sang tiếng Ý là soglia ; tiếng Pháp là pas hay seuil d’une porte ; tiếng Tây Ban Nha là el umbral de la puerta ; tiếng Đức là Schwelle, der Querbalken an der Türe, und zwar oben und unten ; tiếng Anh là the threshold of a door, also the lintel. Trong văn chương latinh, người ta cũng dùng để chỉ cửa (la porte) hay vào một nơi chốn (l’entrée dans un lieu). [Ae. Forcellini, Lexicon totius latinitas, III, Patavii 1940, p. 88]. Gọi cuộc viếng thăm ad limina apostolorum, Giáo Hội dựa vào truyền thống được giữ tại Rôma viếng mộ các Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

[6] J. D. Mansi, Sacrorum conciliorum nova et amplissima collectio, vol. III (Graz 1960), col. 40.

[7] Migne, P. L.vol. 77, p. 875.

[8] Mansi, vol. XII, col. 382, Corpus Iuris Canonici, éd. Richter-Friedberg, pars prior (Graz 1955), col. 321.

[9] Corpus Iuris Canonici, pars secunda, col. 50.

[10] Bullarium Romanum, III, p. 383 ; J.B. Ferreres, Las relaciones diocesanas y la visita “ad limina” : "Razón y Fe" 27 (1910), p. 385.

[11] Concilium Tridentinum … tomus quartus, actorum pars prima, éd. Goerresiana (Friburgi Br. 1904), p. 484, n. 27.

[12] Ibid., tomus secundus, diarorum pars secunda, p. 750. 782. 790 ; tomus nonus, actorum pars sexta, p. 854.

[13] Bullarium Romanum, vol. VIII (Augustae Taurinorum 1863), pp. 642-645.

[14] R. Robres Lluch y V. Castell Maiques, La visita “ad limina” durante el pontificato de Sixto V (1585-1590). Datos para su stadistica general. Su complimiento en Iberoamérica : "Anthologia annua" 7 (1959), pp. 147-213.

[15] Ibid. p. 212.

[16] F. Romita, Le origini della S. C. del Concilio : "La Sacra Congregazione de Concilio, Quarto Centenario della Fondazione (1564-1964). Studi e ricerche" (Città del Vaticano 1964), pp. 13-50.

[17] Collectanea S. Congregationis de Propaganda Fide seu decreta instructiones rescripta pro apostolicis missionibus, vol. I (Romae 1907), p. 10, n. 24.

[18] V. Cárcel Ortí, La vista “ad limina Apostolorum Petri et Pauli”. Notas históricas desde sus orígenes hasta 1975 : "Questioni canoniche" (Studia Universitatis S. Thomae in Urbe : 22) – (Milano, Massimo, 1984), pp. 101-132.

[19] A. Lucidi, De visitatione Sacrorum Liminum. Instructio S. C. Concilii edita iussu Benedicti XIII, ed. Tertia, I (Romae 1983).

[20] Ibid.

[21] V. Martin, Documenta Concilii Vaticani (Romae 1876), pp. 131 sq.

[22] AAS 1 (1909), pp. 7-35.

[23] Ibid. 2 (1910), pp. 13-16 ; F. M. Cappello, De visitatione SS. Liminum et dioeceseon ac de relatione S. Sedi exhibenda. Commentarium in decretum “A remotissima Ecclesiae aetate”, iussu Pii X, Pont. O. M. a S. Congregatione Consistoriali die 31 decembris 1909 editum (Romae 1912-13, 2 v. ; A. Boudinhon, La visita “ad limina” et le rapport sur l’état du diocèse : "Le canoniste contemporain" 33 (1910), pp. 219-226.

[24] AAS 14 (1922), pp. 287-307.

[25] AAS 51 (1959), pp. 272-274.

[26] V. Cárcel Ortí, Legislación vigente sobre la visita “ad limina”. El decreto “Ad Romanum Ecclesiam” de 1975 : "Questioni canoniche" (Studia Univer-sitatis S. Thomae in Urbe : 23) – (Milano, Massimo, 1984), pp. 99-136.

[27] L. De Echeverria, El directorio para el ministerio pastoral de los obispos : "Revista española de Derecho Canónico" 29 (1973), pp. 385-419.

[28] Directorium de pastorali ministerio episcoporum (Typ. Polygl. Vat. 1975), p. 51, n.45.

[29] AAS 67 (1975), pp. 674-676.

[30] La questionnaire a été publié par L. De Echeverria, La visita “ad limina” : "Revista española de Derecho Canónico" 32 (1976), pp. 361-378 et X. Ochoa, Leges Ecclesiae, V, Roma 1980, col. 7136-7146. La Congrégation pour les Evêques a préparé en 1981 une nouvelle édition.

[31] V. Cárcel Ortí, Legislación vigente sobre la visita “ad limina” …, pp. 108-117.

[32] L’Osservatore Romano, n. 249, 7 octobre 1972.

[33] V. Cárcel Ortí, Legislación vigente sobre la visita “ad limina” …, pp. 117-120.

[34] AAS 69 (1977), pp. 461.

[35] Ibid. p. 467 ; cf. aussi Discours aux Evêques des Pouilles, ibid., p. 401.

[36] AAS 69 (1977), pp. 414-415.

[37] Ibid., p. 397.

[38] Ibid., p. 457.

[39] Ibid., p. 341.

[40] Ibid., p. 401.

[41] Ibid., p. 337.

[42] Ibid., p. 341.


Mục Lục Tài Liệu Giáo Hội