BÀI BÌNH LUẬN THẦN HỌC


Hồng-y Joseph Ratzinger
Tổng-trưởng Thánh-bộ
Về Tín-lý Ðức-tin

Việc đọc cẩn thận văn bản của điều được gọi là phần thứ ba của "bí mật", được ấn hành nơi đây toàn bộ đầy đủ dữ kiện thật sự và do quyết định của Ðức Thánh Cha, sẽ có thể chứng minh rằng tất cả chỉ hoặc là thất vọng hoặc là ngỡ ngàng những sự suy diễn mà bí mật đã khơi lên. Không có mầu nhiệm vĩ đại nào được mạc khải; cũng chẳng có tương lai nào được tiết lộ. Chúng ta thấy Giáo-hội của các vị tử đạo trong thế kỷ vừa qua, đã biểu lộ trong một cảnh trí được diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ biểu tượng và rất khó mà đọc được ám hiệu. Ðây có phải là điều Mẹ Thiên Chúa muốn truyền đạt cho Ki-tô giáo và cho nhân loại vào thời điểm khó khăn và chán nản hết sức không? Nó có giúp chúng ta chút nào vào bước đầu của thiên niên kỷ mới không? Hoặc giả đây chỉ là những dự phóng thuộc thế giới nội tâm của trẻ nhỏ, được phát sinh từ cực điểm của lòng sùng đạo đồng thời cũng bị ngả nghiêng vì giông bão đang đe dọa thời đại của chúng? Chúng ta phải hiểu thị kiến như thế nào? Từ đó chúng ta nghiệm ra được điều gì?

Mạc-khải Công-khai và những mạc khải riêng tư - và vị thế thần học của chúng: Trước khi thử đưa ra một giải thích, thì trong bản công bố mà Ðức Hồng-y Sodano đọc ngày 13 tháng Năm năm nay vào cuối Thánh-lễ do Ðức Thánh Cha cử hành tại Fatima, chúng ta đã tìm gặp những dòng chữ chính yếu cần một vài soi dẫn cách thức căn bản, căn cứ theo giáo huấn của Giáo-hội, để những hiện tượng như là Fatima phải được hiểu trong đường sống đức tin. Giáo huấn của Giáo-hội phân biệt giữa "Mạc-khải Công-khai" và "những mạc khải riêng tư". Hai thực thể này khác nhau không những chỉ trong nồng độ mà còn cả trong bản chất nữa. Cụm từ "Mạc-khải Công-khai" liên quan đến hành động mạc khải của Thiên Chúa trực tiếp cho nhân loại như một toàn thể nói chung và được tìm thấy nơi văn chương biểu thị trong hai phần của Kinh-thánh: Sách Cựu-ước và Tân-ước. Ðược gọi là "Mạc-khải" bởi vì trong đó Thiên Chúa đã từ từ cho con người biết được Ngài, cho đến độ chính Ngài trở thành con người, mục đích để kéo cả thế giới về với Ngài và kết hợp nó với Ngài qua Người Con Nhập-thể, Chúa Giê-su Ki-tô. Do đó, đó không phải là vấn đề của truyền đạt thần học, nhưng là một tiến trình ban sự sống mà Thiên Chúa đến để gặp con người. Ðồng thời tiến trình này cũng tự nhiên tạo ra những dữ kiện của trí tuệ và của nhận thức về sự nhiệm mầu của Thiên Chúa. Ðó là một tiến trình liên hệ đến con người, con người toàn diện, do đó bao gồm cả lý trí, nhưng không phải chỉ có lý trí mà thôi. Bởi vì Thiên Chúa là Một, nên lịch sử mà Ngài thông chia cho nhân loại cũng chỉ là một. Lịch sử đó mãi đúng trong mọi thời và đã đạt tới sự viên mãn của nó trong sự sống, sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-su Ki-tô. Trong Ðức Ki-tô, Thiên Chúa đã nói hết mọi sự, nghĩa là, Ngài đã mạc khải chính Ngài cách trọn vẹn, và do đó nên Mạc-khải đã chấm dứt với việc thành toàn mầu nhiệm của Ðức Ki-tô được giãi bầy trong Tân-ước. Ðể giải thích sự chấm dứt và sự vẹn tròn của Mạc-khải, Sách Giáo-lý của Giáo-hội Công-giáo trích dẫn lời của thánh Gio-an Thánh-giá: "Trong việc trao ban Con Mình cho chúng ta, Ngôi Lời duy nhất của Ngài ( vì Ngài không còn Lời nào khác ), Ngài đã nói hết mọi sự cùng một lúc cho chúng ta trong Ngôi Lời duy nhất này - và Ngài không còn gì để nói thêm.bởi vì điều Ngài đã nói trước kia qua các ngôn sứ chỉ là từng phần, còn bây giờ Ngài nói tất cả cùng một lúc bằng việc ban cho chúng ta Ngài-Trọn-Vẹn là Người Con của mình. Bất cứ ai thắc mắc với Thiên Chúa hay đòi hỏi một vài thị kiến hoặc mạc khải, sẽ không những chỉ có tội vì hành động ngu xuẩn mà còn vì xúc phạm đến Ngài, vì họ đã không mở mắt nhìn trọn vẹn vào Ðức Ki-tô mà đang sống với mong ước một vài chuyện hoang đường nào đó" ( Số 65; Thánh Gio-an Thánh-giá, Trèo núi Ca-mê-lô, II, 22 ).

Bởi vì cuộc Mạc-khải duy nhất của Thiên Chúa cho tất cả mọi người đã được thành toàn nơi Ðức Ki-tô và chứng tích của Ngài trong những sách Tân-ước, nên Giáo-hội được buộc liền vào với biến cố duy nhất này của lịch sử thánh và vào lời của Kinh-thánh là quyển sách bảo đảm và giải thích nó. Nhưng điều này không có nghĩa là Giáo-hội chỉ có thể nhìn lại quá khứ và cứ phải lập lại cách khô khan. Sách Giáo-lý của Giáo-hội Công-giáo nói về việc này như sau:"..dù cho Mạc-khải đã chấm dứt hẳn rồi, nhưng nó không hoàn toàn minh bạch; nó dành lại cho đức tin Ki-tô để từ từ nắm bắt được ý nghĩa trọn vẹn của nó trên một quá trình trải dài nhiều thế kỷ" ( Số 66 ). Cách thế mà Giáo-hội bị ràng buộc vào tính chất duy nhất của biến cố cũng như vào tiến trình để hiểu được nó thì đã được giảng giải rất rõ ràng trong diễn từ biệt ly của Chúa khi Ngài sửa soạn rời các Tông-đồ, Ngài nói: "Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần-khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xẩy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em" ( Gio. 16:12-14 ). Một đàng, Thần-khí hoạt động như người hướng đạo khai mở sự thông hiểu mà trước đây không thể đạt được vì thiếu vắng tiền đề - đây chính là chiều rộng và chiều sâu vô biên của đức tin Ki-tô. Ðàng khác, được hướng dẫn bởi Thần-khí tức là cũng được " rút tỉa ra " từ sự phong phú của chính Chúa Giê-su Ki-tô, chiều sâu không bao giờ cạn, hiển hiện trên con đường mà Thần-khí dẫn đi. Về điểm này, sách Giáo-ly nhắc lại những lời nói sâu xa của Ðức Giáo-hoàng Grêgoriô Cả: " Kinh-thánh tăng trưởng theo đà người ta đọc Kinh-thánh" (Số 94; Ðức Grêgoriô Cả, Homilia in Ezechielem 1,7,8). Công-đồng Vatican II ghi nhận 3 đường lối căn bản mà Thần-khí dùng để dẫn dắt Giáo-hội, và do đó có 3 phương thức để " Lời tăng trưởng", đó là: qua việc chiêm niệm và học hỏi của tín hữu, qua sự thông hiểu sâu đậm nhờ vào kinh nghiệm siêu nhiên, và qua việc giáo huấn của " những người, mà nhờ vào việc được kế nhiệm trách vụ của Giám-mục đoàn, đã lãnh nhận được đặc sủng vững vàng của sự thật" ( Dei Verbum, 8).

Trong văn mạch này thì bây giờ trở thành có thể hiểu đúng được ý niệm về "mạc khai riêng tư", liên quan đến tất cả các thị kiến và mạc khải đã xẩy ra từ lúc Tân-ước đã hoàn tất. Ðây là chủng loại chúng ta phải áp dụng vào với sứ điệp Fatima. Về phương diện này, chúng ta hãy một lần nữa lắng nghe Sách Giáo-lý của Giáo-hội Công-giáo: "Qua các thế hệ, đã có nhiều lần được gọi là cuộc mạc khải 'riêng tư', mà một vài lần đã được thẩm quyền của Giáo-hội công nhận. Vai trò của chúng không phải là hoàn tất sự Mạc-khải chung cuộc của Ðức Ki-tô, nhưng là để giúp sống Mạc-khải đầy đủ hơn trong một thời điểm nhất định nào đó trong lịch sử" ( Số 67 ). Việc này làm sáng tỏ hai điều:

1. Thẩm quyền của mạc khải riêng tư thì tự căn bản đã khác hẳn với Mạc-khải Công-khai đã hoàn tất. Mạc-khải Công-khai đòi phải có đức tin; trong đó chính Thiên Chúa thực sự nói với con người bằng ngôn ngữ loài người và qua trung gian của một cộng đồng sống động của Giáo-hội. Tin vào Thiên Chúa và tin vào Lời của Ngài thì khác xa với bất cứ hình thức tin, tin tưởng hay ý kiến của nhân loại nào khác. Sự chắc chắn rằng Thiên Chúa đang nói, mang lại cho ta sự bảo đảm rằng ta đang chạm tới chính sự thật. Nó mang lại cho ta sự chứng thực vượt qua sự kiểm nhận bằng kiến thức của con người qua mọi phương cách. Ðó là sự chứng thực mà ta dùng để xây dựng cuộc sống và là điều ta phó thác bản thân mình khi chết đi.
2. Mạc khải riêng tư là sự trợ giúp cho đức tin này, và tỏ ra mức khả tín của nó cách khúc chiết bằng việc dẫn ta trở lại với Mạc-khải Công-khai cuối cùng. Về vấn đề này, Ðức Hồng-y Prospero Lambertini, tức Ðức Giáo-hoàng Bê-nê-đi-tô XIV tương lai, trong bài khái luận cổ điển của Ngài, mà sau này đã trở thành tiêu chuẩn để phong chân phúc và phong thánh, nói: " Sự thừa nhận tín ngưỡng của đức tin Công-giáo không lệ thuộc vào những mạc khải được công nhận cách này; và không thể như vậy được. Những mạc khải này đúng ra là đi tìm một sự thừa nhận niềm tin nhân loại sao cho phù hợp với đòi hỏi của sự khôn ngoan, một sự thừa nhận niềm tin đặt những mạc khải trước chúng ta như là khả thể và khả tín cho lòng mến mộ". Nhà thần học Phần-lan E. Dhanis, một học giả nổi bật trong bình diện này, nói cách ngắn gọn rằng sự chuẩn nhận một mạc khải riêng tư của Giáo-hội gồm đủ ba nguyên tố: sứ điệp không có gì ngược lại với đức tin hay luân lí; hợp pháp để phổ biến; và tín hữu được phép chấp nhận với sự khôn ngoan. ( E. Dhanis, Sguardo su Fatima e bilancio di una discussione, trong tập Civiltà Cattolica 104 [1953], II, 392-406, đặc biệt trang 397).

Do đó, định chuẩn cho sự thật và giá trị của một mạc khải riêng tư là sự hướng định của nó qui về chính Ðức Ki-tô. Khi nó đưa chúng ta lìa xa khỏi Ngài, khi nó trở thành độc lập khỏi Ngài hoặc có khi còn tự cho mình là một chương trình cứu rỗi khác tốt đẹp hơn, quan trọng hơn của Tin-mừng, thì chắc chắn lúc đó nó không phải đến từ Chúa Thánh-thần, Ðấng dẫn đưa chúng ta vào sâu trong Tin-mừng hơn chứ không xa khỏi Tin-mừng. Ðiều này không có nghĩa rằng một mạc khải riêng tư sẽ không đưa ra được những xung động mới hay dựng lên những nghi thức sùng mộ mới, hoặc đào sâu thêm hay quảng bá những nghi thức đã có. Tuy nhiên, trong tất cả, phải có việc nuôi dưỡng đức tin, đức cậy và đức mến, những nhân đức làm thành con đường bất di dịch của ơn cứu rỗi cho mọi người. Chúng ta có thể thêm rằng những mạc khải riêng tư thường được phát sinh từ lòng sùng đạo thông thường và để lại ấn tích trên đó, đem lại cho nó một xung động mới hoặc mở ra cách thức cho những nghi thức sùng đạo mới. Ðiều này cũng chẳng loại trừ việc chúng sẽ có cả ảnh hưởng tới phụng vụ, thí dụ như chúng ta thấy trong lễ trọng kính Mình Máu thánh Ðức Ki-tô và lễ trọng kính Thánh-tâm Chúa Giê-su. Dưới một khía cạnh nào đó, mối liên quan giữa Mạc-khải và những mạc khải riêng tư trông giống như mối liên quan giữa phụng vụ và lòng sùng đạo thông thường: phụng vụ là tiêu chuẩn, đó là hình thức sống động của Giáo-hội như một toàn thể được nuôi dưỡng trực tiếp bằng Tin-mừng. Lòng sùng đạo thông thường là dấu chỉ rằng đức tin đang lan rễ sâu vào trong tâm hồn của một người đến độ đức tin tỏ lộ ra trong cuộc sống hằng ngày. Lòng đạo đức thông thường là tư thế đầu tiên và căn bản của việc "khai sáng" đức tin. Trong khi hướng dẫn và qui chiếu của lòng sùng đạo phải lấy từ phụng vụ, nhưng đến lượt nó, nó lại làm giầu đức tin bằng việc lôi cuốn con tim.

Như thế, chúng ta đã từ những minh định hơi tiêu cực cần thiết lúc ban đầu, để tới định nghĩa tích cực của những mạc khải riêng tư. Làm thế nào để xếp loại cho chính xác những mạc khải này trong mối liên hệ với Kinh-thánh? Chúng thuộc về loại thần học nào? Lá thư lâu đời nhất của thánh Phao-lô được bảo toàn, có lẽ là tài liệu xưa cũ nhất của Tân-ước, Thư thứ nhất gửi giáo đoàn Thê-xa-lô-ni-ca, đối với tôi xem ra chỉ cho cách phải làm. Thánh Tông-đồ nói: "Anh em đừng dập tắt Thần-khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ;" (5: 19-21). Trong mọi thời đại, Giáo- hội đã nhận được thần sủng của ơn nói tiên tri, điều cần được kiểm xét kỹ lưỡng nhưng không bị khinh khi. Về điểm này, cần phải nhớ trong đầu là nói tiên tri trong nghĩa Kinh-thánh không có nghĩa là nói trước về tương lai, nhưng là giải thích thánh ý của Thiên Chúa cho thời hiện tại, và như thế là chỉ rõ con đường đúng phải theo trong tương lai. Một người nói trước được điều gì sắp xẩy ra đáp ứng được tính hiếu kỳ của trí khôn muốn vén bức màn che tương lai. Vị ngôn sứ nói tới mù lòa về ý chí và lý luận, và tuyên bố thánh ý Thiên Chúa như một định chuẩn và một đòi hỏi cho thời hiện tại. Trong trường hợp này, tiên đoán về tương lai trở thành thứ yếu. Ðiều căn bản là sự thể hiện thực sự của Mạc- khải chung cuộc, Mạc-khải liên quan tới cá nhân tai ở mực độ sâu đậm nhất. Lời tiên tri là một lời cảnh giác hay lời khuyên nhủ, hoặc cả hai với nhau. Theo nghĩa này thì có mối liên hệ giữa thần sủng của ơn tiên tri với chủng loại của "những dấu chỉ thời đại", mà Công-đồng Vatican II đã đem ra ánh sáng mới: " Cảnh sắc đất trời thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?" (Luca 12:56). Trong câu nói này của Chúa Giê-su, "những dấu chỉ thời đại" phải được hiểu như con đường Ngài đang lãnh nhận, quả thực nó phải được hiểu là chính Chúa Giê-su. Ðể giải thích những dấu chỉ thời đại dưới ánh sáng đức tin tức là để nhận thức được sự hiện diện của Ðức Ki-tô trong mọi thời đại. Trong những mạc khải riêng tư được Giáo-hội công nhận - và do đó có cả Fatima - thì đây là chính điểm: chúng giúp chúng ta để hiểu được những dấu chỉ thời đại và đáp ứng lại những dấu chỉ ấy cách đúng đắn trong đức tin.

Cấu trúc theo khoa nhân chủng và những mạc khải riêng tư :Trong những tư duy trên, chúng ta đã đạt tới mức xác định được vị thế thần học của những mạc khải riêng tư. Trước khi vào việc giải thích sứ điệp Fatima, chúng ta còn phải cố đưa ra một vài sự minh định cách ngắn gọn về đặc tính nhân chủng ( tâm sinh lí ) của chúng nữa. Trong phạm vi này, khoa nhân chủng thần học phân biệt 3 hình thái tri thức hay "thị kiến": thị kiến qua giác quan, và như vậy gọi là tri thức thể lý, tri thức nội tâm, và thị kiến thiêng liêng ( visio sensibilis - imaginativa - intellectualis ). Thật là minh bạch, những thị kiến tại Lộ-đức, Fatima và những nơi khác thì không có thắc mắc gì về tri thức bên ngoài bình thường của giác quan: những hình ảnh và hình thể được nhìn thấy không tại vị giữa từng không, giống như trường hợp một thân cây hay một ngôi nhà chẳng hạn. Ðây là chuyện hoàn toàn tỏ tường, thí dụ như đối với thị kiến về hỏa ngục ( được mô tả trong phần thứ nhất của "bí mật" Fatima), và cả thị kiến được mô tả trong phần thứ ba của "bí mật" nữa. Nhưng đối với những thị kiến khác cũng dễ dàng tỏ ra y như thế, đặc biệt là không phải mọi người hiện diện được nhìn thấy, mà chỉ có "những người thụ khải" mà thôi. Cũng rất rõ ràng là không phải vấn đề "thị kiến" trong tâm trí mà không cần một hình ảnh nào, như xẩy ra trong phái chiêm niệm ở bậc cao nhất. Do đó, chúng ta nói tới loại ở giữa, loại tri thức nội tâm. Ðối với người được thị kiến, thì loại tri thức này chắc chắn có mãnh lực của một sự hiện diện đối với họ tương đương với sự biểu hiện bề ngoài đối với các giác quan.

Thị kiến nội tâm không có nghĩa là mơ tưởng, tức chỉ là việc biểu lộ sự tưởng tượng chủ quan, không hơn. Thị kiến nội tâm đúng ra là linh hồn được đánh động bởi một điều gì thực sự, vượt cả ra ngoài các giác quan. Ðược hiểu là khả năng nhìn thấy điều vượt trên các giác quan, điều không thể thấy được - khả năng thấy được nhờ vào "những giác quan nội tâm". Nó liên quan đến "những đối tượng" thực sự đánh động linh hồn, cho dù 'những đối tượng" này thuộc về thế giới cảm tính cư ngụ của chúng ta. Ðây là lý do tại sao tâm hồn cần phải có một sự tỉnh thức nội tâm, tâm hồn thường được dự phóng bởi sức ép dầy đặc của thực tại bên ngoài và của những hình ảnh và tư tưởng đang tràn ngập linh hồn. Một người được dẫn dắt vượt qua thể chất ngoại tại và được đánh động do những chiều kích sâu thẳm hơn của thực tại mà người ấy có thể thấy được. Có lẽ điều này cắt nghĩa tại sao các em nhỏ thường là những kẻ được nhìn thấy các cuộc hiện ra này: linh hồn các em chưa bị quấy nhiễu, tiềm năng tiếp thị nội tại của các em chưa bị lệch lạc. "Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ cất tiếng ngợi khen", Chúa Giê-su dùng Thánhvịnh 8 (câu 3) để đáp lại lời phê phán của những Thầy-cả Thượng-phẩm và những kỳ mục, những kẻ xét đoán những la lối "hosanna" của các em là không thích hợp (xem Mat. 21:16).

"Thị kiến nội tâm" không phải là mơ tưởng nhưng, như chúng ta đã nói, nhưng là phương thế đích thực và vững chắc cho việc chứng thực. Tuy nhiên nó cũng có giới hạn của nó. Ngay trong thị kiến bề ngoài thì nguyên tố đối tượng phải luôn luôn hiện diện. Chúng ta không thấy rõ được hết chính đối tượng, mà phải qua lăng kính giác quan để đến với chúng ta, đặc biệt khi đối tượng liên quan đến những thực tại mà chính chúng lại thăng hoa nhãn quan của chúng ta lên. Chủ thể hay người thụ khải còn liên can mạnh mẽ hơn nữa. Họ có thể nhìn thấy xa hết mức có thể, trong những cách thế mà sự biểu hiện và ý thức của ho cho phép. Trong trường hợp thị kiến nội tâm, diễn tiến giải thích còn bao quát hơn thị kiến bề ngoài nhiều, bởi vì chủ thể chia sẻ trong tư thế rất căn bản vào sự tạo dựng hình ảnh xuất hiện. Người ấy chỉ có thể tạo dựng được hình ảnh theo khả năng và khả thể của họ mà thôi. Do đó, những thị kiến như thế không bao giờ là "ảnh chụp" thuần túy của một thế giới khác, nhưng chúng bị ảnh hưởng bởi những khả thể và giới hạn của chủ thể tri thức.

Ðiều này có thể được biểu chứng trong tất cả các thị kiến lớn của các thánh; và tự nhiên là cũng rất đúng đối với thị kiến của các em nhỏ tại Fatima. Những hình ảnh các em diễn tả không thế nào được coi là một diễn tả đơn thuần của mơ tưởng nơi các em, nhưng là kết quả của một thị kiến đích thị có một nguồn gốc cao vời và sâu đậm hơn. Nhưng cũng không được nghĩ tới các em như là trong giây lát tấm màn của thế giới nào khác đã được vén lên, với thiên đàng hiển lộ đúng bản tính đơn thuần của nó, giống như chúng ta hy vọng một ngày sẽ thấy nó trong sự kết hợp chung cục với Thiên Chúa. Theo cách nói thông thường, thì các hình ảnh đúng ra là một tổng hợp của xung động từ trên cao ban xuống và của khả năng lãnh hội xung động này của các người thụ khải, tức là các em nhỏ. Vì lý do này, ngôn ngữ tả hình của các thị kiến chỉ là biểu tượng. Về điểm này, Ðức Hồng-y Sodana đã nói: "[các em] không diễn tả hình cảnh những chi tiết của những biến cố tương lai, nhưng tổng hợp và thu gọn lại vào một bối cảnh duy nhất những sự kiện được trải dài qua thời gian theo một thứ tự và thời hạn không nhất định". Việc thu gọn thời gian và không gian vào một hình ảnh duy nhất là đặc tính của các thị kiến như thế, những thị kiến mà phần lớn chỉ có thể được giải mã khi nhìn lại sau này mà thôi. Không phải mọi nguyên tố của thị kiến đều phải mang một ý nghĩa lịch sử đặc thù. Thị kiến được coi như một toàn thể mới là quan trọng, và những chi tiết thì phải được hiểu trên căn bản của những hình ảnh trong toàn bộ của chúng. Nguyên tố chính yếu của hình ảnh được biểu lộ khi nó phù hợp với chính điểm của việc "tiên tri" Ki-tô giáo: trọng điểm được tìm thấy ở chỗ thị kiến trở thành một lời mời và một hướng dẫn tới thánh ý Thiên Chúa.

Một cố gắng giải thích "bí mật" Fatima: Phần thứ nhất và thứ hai của "bí mật" Fatima đã được bàn luận rộng rãi trong số khá nhiều tài liệu đến nỗi không cần bàn lại thêm gì về chúng ở đây nữa. Tôi chỉ muốn gợi lại rất ngắn điểm quan trọng nhất thôi. Trong một lúc kinh hoàng, các em đã được thị kiến về hỏa ngục. Các em đã thấy "các linh hồn của những tội nhân khốn nạn" rơi xuống. Và bây giờ các em được nói cho biết lý do tại sao các em lại phải đối diện với giây phút này: "để cứu các linh hồn" - để chỉ cho con đường đến ơn cứu độ. Hãy nhớ lại những lời trong thư thứ nhất của thánh Phê-rô: "" bởi đã nhận được thành quả của đức tin nên con nhận được ơn cứu độ cho linh hồn mình" (1:9). Ðể đạt được mục đích này, con đường được chỉ định - rất ngạc nhiên đối với những người thuộc thế giới văn hóa Anglo-Saxon và Ðức quốc - là việc tôn sùng Trái-tim Vô-nhiễm của Mẹ Maria. Một lời bình luận ngắn chắc cũng đủ để giải thích điều này. Trong ngôn ngữ Kinh-thánh, từ "trái tim" định chỉ trung tâm của cuộc sống con người, điểm mà lý luận, ý chí, tính tình và cảm tính đều qui tụ về, nơi mà con người tìm được bản ngã cá biệt và hướng chiều nội tâm của mình. Theo thánh Mát-thêu 5:8, thì " trái tim vô nhiễm" là trái tim, mà với ơn thánh của Thiên Chúa, đã trở nên một bản ngã cá biệt thiện toàn nội tâm và do đó "nhìn thấy Thiên Chúa". Thế nên, "sùng mộ" Trái-tim Vô-nhiễm của Mẹ Maria nghĩa là mặc lấy thái độ của trái tim đã dâng lời fiat - "xin ý Ngài được thành toàn" - trung tâm quyết định của cả cuộc sống con người. Có thể có người cho là chúng ta không được đặt một nhân vật nào giữa chúng ta và Ðức Ki-tô. Thế nhưng chúng ta cũng nhớ rằng thánh Phao-lô đã không ngần ngại mà nói với các giáo đoàn của Ngài rằng:"hãy bắt chước tôi" ( 1Cor. 4:16; Phil. 3:17; 1 Th. 1:6; 2 Th. 3:7,9). Nơi thánh Tông đồ, người ta có thể thấy cụ thể làm sao để theo Ðức Ki-tô. Nhưng chúng ta có thể học hỏi nơi ai trong mọi thế hệ tốt hơn là nơi Mẹ của Chúa?
Như thế, cuối cùng cũng dẫn chúng ta tới phần thứ ba của "bí mật" Fatima, phần lần đầu tiên mới được công bố toàn bộ. Cũng rõ ràng như tài liệu được trình bầy ở đây, việc giải thích được Ðức Hồng-y Sodano đưa ra trong bản công bố của Ngài vào ngày 13 tháng Năm, trước tiên đã được trao tận tay cho Sơ Lucia. Sơ Lucia trả lời là Sơ đã chỉ nhận được thị kiến mà không nhận được sự giải thích. Sơ nói, việc giải thích không tùy thuộc nơi người thụ khải, nhưng tùy thuộc nơi Giáo-hội. Tuy nhiên, sau khi đọc bản thảo, Sơ đã nói rằng bản giải thích phù hợp với điều mà Sơ đã có kinh nghiệm và rằng về phần mình, Sơ nghĩ là bản giải thích đúng. Do đó, sau đây chúng tôi chỉ cố cung ứng một nền tảng sâu xa hơn cho việc giải thích này dựa trên căn bản của những tiêu chuẩn đã được khảo sát trước.

"Ðể cứu các linh hồn" đã nổi bật lên như những lời then chốt của phần thứ nhất và thứ hai của "bí mật", còn lời then chốt của phần thứ ba là lời 3 lần kêu gọi: "Ðền tội, Ðền tội, Ðền tội!" Nhớ phần mở đầu của Tin-mừng: " Hãy sám hối và tin vào Tin-mừng" (Mc. 1:15). Hiểu những dấu chỉ thời đại nghĩa là chấp nhận nỗi cấp bách của đền tội - của hoán cải - của đức tin. Ðây là sự đáp ứng đúng với giây phút lịch sử, được biểu thị chân tướng bằng những nguy hiểm trầm trọng được phác họa qua những hình ảnh theo sau. Xin phép cho tôi kể lại một hồi tưởng cá nhân ở đây: trong buổi đàm luận với tôi, Sơ Lucia đã nói rằng đối với Sơ thật là rõ ràng hơn bao giờ hết mục đích của những lần hiện ra là để giúp cho con người thăng tiến mỗi ngày một hơn trong đức tin, đức cậy và đức mến - tất cả những điều khác đều dẫn tới điểm này.

Bây giờ chúng ta thử nghiệm xét những hình ảnh giống nhau cách khít khao hơn. Thiên thần với thanh gươm bừng cháy ở bên trái Mẹ Thiên Chúa nhắc đến những hình ảnh trong sách Khải-huyền. Ðiều này tượng trưng mối đe dọa của phán xét đang bao phủ thế giới. Ngày nay, viễn tượng về việc thế giới có thể biến thành tro bụi bằng một biển lửa xem ra như không còn là một mộng tưởng nữa: chính con người, với những phát minh của mình, đã luyện ra thanh gươm lửa. Rồi thị kiến lại chứng tỏ quyền lực đối đầu với mãnh lực hủy diệt - vẻ huy hoàng của Mẹ Thiên Chúa, và từ điểm này, trong một nghĩa nào đó, rút ra được lời kêu gọi đền tội. Bằng cách này, tầm quan trọng của sự tự do con người được nhấn mạnh: tương lai, trong thực tế, không phải là một định sẵn không thể đổi thay, và hình ảnh các em đã thấy không cách nào được coi như một cuốn phim tiên chiếu của tương lai, trong đó không gì có thể thay đổi được. Thật vậy, toàn điểm của thị kiến là mang sự tự do vào cảnh trí và lèo lái sự tự do theo đường hướng tích cực. Mục đích của thị kiến không phải là trình chiếu một cuốn phim về một tương lai định sẵn không thể đổi thay. Ý nghĩa của thị kiến thì lại hoàn toàn trái ngược: nó dụng ý để di động các mãnh lực đổi thay theo chiều hướng ngay thẳng. Vì thế, chúng ta phải triệt để bãi bỏ những giải thích mộng tưởng về "bí mật", tỉ như tuyên bố rằng cuộc mưu sát ngày 13 tháng Năm, 1981 được Ðấng Quan Phòng xử dụng chỉ như một dụng cụ suông trong chương trình thần thiêng của Ngài, và do đó, đã không thể được hành xử cách tự do được. Ðúng hơn, thị kiến nói về những mối hiểm nguy và làm sao để chúng ta có thể được cứu thoát khỏi những nguy hiểm ấy.

Những đoạn tiếp theo của văn bản một lần nữa chứng tỏ rõ ràng đặc tính biểu tượng của thị kiến: Thiên Chúa vẫn còn là bao la vô tận, và Ngài là nguồn sáng vượt quá mọi thị kiến của chúng ta. Con người nhân linh xuất hiện như bóng trong gương. Chúng ta luôn luôn phải nhớ tới những giới hạn của chính thị kiến được biểu thị ở đây. Tương lai xuất hiện chỉ là "thấy lờ mờ như trong một tấm gương" (1 Cor. 13:12). Bây giờ chúng ta hãy soi xét những hình ảnh riêng rẽ tiếp theo trong văn bản của "bí mật". Nơi xẩy ra sự việc được diễn tả bằng 3 biểu tượng: một ngọn núi thẳng đứng, một thành phố lớn chỉ còn lại những đổ nát, và cuối cùng là một cây Thánh-giá lớn sần sùi. Ngọn núi và thành phố tượng trưng cho đấu trường của lịch sử con người: lịch sử như một cuộc trèo núi gian khổ để lên tới đỉnh, lịch sử như một hí trường của sáng tạo nhân linh và hài hòa xã hội, nhưng đồng thời cũng là nơi của phá hoại, nơi mà con người thực sự phá hủy những thành quả do việc làm của chính mình. Thành phố có thể là nơi của hiệp thông và thăng tiến, nhưng cũng có thể là chốn của hiểm nguy và của những đe dọa cực đoan nhất. Trên núi dựng một cây Thánh-giá - mục tiêu và hướng tiến của lịch sử. Thánh-giá biến sự hủy diệt thành ơn cứu độ; Thánh-giá đứng như một dấu chỉ cho sự bất hạnh của lịch sử, nhưng cũng như một hứa hẹn cho lịch sử.

Vào lúc này, những nhân vật xuất hiện: Ðức Giám-mục mặc mầun trắng ("chúng con đã có ấn tượng đó là Ðức Thánh Cha"), những vị Giám-mục khác, các Linh-mục, quí Tu-sĩ nam nữ, và đàn ông đàn bà thuộc những tầng lớp và địa vị xã hội khác nhau. Có vẻ như Ðức Giáo-hoàng đi trước những người khác, run rẩy và đau đớn vì tất cả những nỗi kinh hoàng chung quanh Ngài. Không những chỉ có những ngôi nhà trong thành phố bị tiêu hủy một nửa, nhưng Ngài còn đi tới trên đường giữa những tử thi người chết. Thế đó, con đường của Giáo-hội được mô tả như Via Crucis (Chặng-đàng Thánh-giá), như cuộc hành trình xuyên qua thời đại của bạo lực, phá hủy và bách hại. Lịch sử của trọn thế kỷ có thể nhìn thấy như được trình bầy trong hình ảnh này. Giống như những khoảng không gian nơi mặt đất được diễn tả hợp chung vào hai hình ảnh, ngọn núi với thành phố, và được hướng định về phía cây Thánh-giá, thì thời gian cũng được trình bầy theo cách quy nạp như vậy. Trong thị kiến, chúng ta có thể nhận thức được thế kỷ vừa qua là thế kỷ của tử đạo, thế kỷ của khổ đau và bách hại đối với Giáo-hội, thế kỷ của những Thế-chiến và nhiều cuộc chiến tranh địa phương tràn ngập 50 năm cuối cùng và đã gây thương tích bằng những hình thức dã man chưa từng có. Trong "tấm gương" của thị kiến, chúng ta thấy những chứng tá đức tin từ thập niên này qua thập niên khác băng qua trước mặt chúng ta. Có lẽ rất thích hợp để nhắc lại ở đây một đoạn trong lá thư Sơ Lucia gửi Ðức Thánh Cha ngày 12 tháng Năm, 1982: " nếu không, [nước Nga] sẽ gieo rắc lầm lạc trên khắp thế giới, gây nên những cuộc chiến và bách hại Giáo- hội. Người lành sẽ phải tử đạo; Ðức Thánh Cha sẽ gặp nhiều điều phải đau khổ; một số quốc gia sẽ bị diệt vong".

Trong Chặng-đàng Thánh-giá của toàn thế kỷ, dung nhan Ðức Thánh Cha đóng một vai trò đặc biệt. Trong cuộc leo núi gian khổ của mình, chúng ta có thể chắc chắn thấy được một điểm đồng qui nơi các vị Giáo-hoàng. Bắt đầu từ Ðức thánh Giáo-hoàng Pi-ô X cho đến Ðức Giáo-hoàng đương nhiệm, tất cả các Ngài đều thông chia những đau thương của thế kỷ và đã quyết chí bước tới xuyên qua tất cả những muộn phiền trải dài dọc theo con đường dẫn đến Thánh-giá. Trong thị kiến, cả Ðức Giáo-hoàng cũng bị giết chết cùng với các vị tử đạo. Sau vụ mưu sát ngày 13 tháng Năm, 1981, sau khi Ðức Thánh Cha truyền đem văn bản phần thứ ba của "bí mật" đến cho Ngài, khi nào là lúc không phải tất nhiên mà Ngài đã thấy được số phận mình nằm trong đó? Ngài đã rất gần với sự chết, và Ngài đã tự giải thích sự sống sót của mình bằng những lời sau: ".. có bàn tay của một người mẹ đẩy đưa đường đạn bay và Ðức Giáo-hoàng trong cơn đau đớn cùng cực đã dừng lại trước ngưỡng cửa của thần chết" ( 13 tháng Năm, 1994). Nghĩa là "bàn tay của một người mẹ" đã làm trật viên đạn số mệnh ở đây chỉ chứng tỏ thêm một lần nữa rằng không có số mệnh đã an bài, rằng đức tin và cầu nguyện là những mãnh lực có thể ảnh hưởng trên lịch sử, và rằng, cuối cùng thì cầu nguyện mạnh hơn súng đạn và đức tin mạnh hơn những đoàn hùng binh.

Phần kết thúc của "bí mật" xử dụmg những hình ảnh mà Lucia có lẽ đã thấy trong những tập sách đạo đức và là những hình ảnh được gợi hứng từ những trực cảm lâu đời của đức tin. Ðó là một thị kiến ủi an tìm mở lịch sử của máu và nước mắt ra cho quyền lực chữa lành của Thiên Chúa. Dưới hai cánh tay Thánh-giá, các thiên thần đang thu góp máu các vị tử đạo, và với máu này, các ngài mang lại sự sống cho những linh hồn đang tìm đường về với Thiên Chúa. Ở đây, Máu thánh Ðức Ki-tô và máu các vị tử đạo được coi là một: máu các vị tử đạo chảy xuống từ đôi tay Thánh-giá. Các vị tử đạo chết trong sự thông hiệp với cuộc Khổ-nạn của Ðức Ki-tô, và sự chết của các ngài trở nên một với sự chết của Ngài. Vì danh Máu thánh Ðức Ki-tô, các ngài đã hoàn tất những gì còn thiếu nơi sự thương khó của Ngài ( x. Col. 1:24). Ðời sống của các ngài tự nó đã trở thành Hiến-tế Thánh-thể, một phần thuộc mầu nhiệm của hạt lúa mì mang lại hoa trái dư đầy khi chết đi.

Máu của các vị tử đạo là hạt giống sinh ra những người tín hữu, Tertullian đã nói thế. Cũng như Giáo- hội được sinh ra từ sự chết của Ðức Ki-tô và từ thương tích nơi cạnh sườn của Ngài, thì sự chết của các chứng nhân sẽ mang đầy hoa trái cho đời sống tương lai của Giáo-hội. Vì thế, thị kiến thuộc phần thứ ba của "bí mật", thoạt đầu rất chán chường thất vọng, nhưng được kết thúc bằng một hình ảnh của niềm hy vọng: không một đau khổ nào sẽ bị uổng phí đi, và chính Giáo-hội đau khổ, Giáo-hội của các vị tử đạo, trở thành trụ chỉ đường cho con người trên công cuộc tìm kiếm Thiên Chúa. Vòng tay yêu thương của Thiên Chúa không những chỉ đón chào những người chịu khổ nhục như La-da-rô, người đã tìm được ở đó nguồn an ủi lớn lao, mà còn thay mặt Ðức Ki-tô cách bí nhiệm, Ðấng muốn trở thành La-da-rô nghèo hèn cho chúng ta nữa. Và còn thêm nữa: một sức mạnh thanh tẩy và đổi mới được phát sinh từ nỗi thống khổ của các chứng nhân, bởi vì sự khổ nhục của các ngài là sự thể hiện thực tế cuộc khổ nạn của chính Ðức Ki-tô, và là sự thông hiệp, ở đây và bây giờ, vào hiệu lực cứu rỗi của nó.

Và như thế là chúng ta đi đến thắc mắc cuối cùng: Ðâu là ý nghĩa của "bí mật" Fatima toàn bộ (gồm cả 3 phần)? Nó nói với chúng ta điều gì? Trước hết, chúng ta phải công nhận với Ðức Hồng-y Sodano: ".các biến cố mà phần thứ ba của "bí mật" Fatima có liên hệ đến, bây giờ xem ra có vẻ như là đã thuộc về quá khứ". Chỉ kể tới việc những biến cố riêng lẻ được diễn tả, thì chúng thuộc về quá khứ. Những người mong đợi những mạc khải cánh chung đầy kích thích về ngày tận cùng của thế giới, hoặc về hành trình tương lai của lịch sử thì buộc phải thất vọng. Fatima không thỏa mãn tính hiếu kỳ của chúng ta cách này, giống như đức tin Ki Tô nói chung không thể rút gọn lại thành một đối tượng suông cho tính hiếu kỳ được. Ðiều còn lại thì đã rõ ràng một khi chúng ta bắt đầu suy gẫm bản văn của "bí mật": là sự thôi thúc để cầu nguyện như con đường "cứu các linh hồn", và cũng như thế, là lời kêu gọi để đền tội và hoán cải.

Sau cùng, tôi xin được nhắc lại một câu căn cơ khác của "bí mật" đã đáng được trở thành thời danh, đó là: "Trái-tim Vô-nhiễm của Mẹ sẽ toàn thắng". Ðiều này nghĩa là gì? Trái-tim rộng mở cho Thiên Chúa, được thanh tẩy bằng chiêm niệm về Thiên Chúa, thì mạnh hơn bất cứ loại súng đạn nào. Lời fiat của Mẹ Maria, lời phát ra tự trái tim Mẹ, đã thay đổi lịch sử thế giới, bởi vì nó mang Ðức Cứu Chúa vào thế gian - bởi vì, nhờ lời Xin-vâng của Mẹ, Thiên Chúa đã có thể trở thành một con người trong thế giới chúng ta và còn ở lại mãi mãi. Thần Dữ có quyền lực trong thế gian này như chúng ta vẫn thấy và kinh nghiệm liên miên; nó có quyền lực chính vì chúng ta để cho sự tự do của mình liên tục tự tách rời xa khỏi Thiên Chúa. Nhưng vì chính Thiên Chúa đã nhận cho mình một trái tim nhân loại và như thế, Ngài đã lái sự tự do của con người hướng về điều thiện, việc tự do chọn sự dữ không còn là chọn lựa cuối cùng nữa. Từ thời điểm này trở đi, lời nói ưu tiên phải là: "Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó, nhưng can đảm lên; Thầy đã thắng thế gian" (Gio. 16:33). Sứ điệp Fatima mời gọi chúng ta tín thác vào lời hứa này.

Hồng-y Joseph Ratzinger
Tổng-trưởng Thánh-bộ
Về Tín-lý Ðức-tin


Trở về Trang Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà