THÁNH BỘ VỀ TÍN LÝ ÐỨC TIN
SỨ ÐIỆP FATIMA
THÀNH PHỐ VATICAN

Trích - Libreria Editrice Vaticana - 00120 Cità del Vaticano

PHẦN GIỚI THIỆU
Của Ðức Tổng Giám Mục Bertone
Thư Ký Thánh Bộ Tín Lý và Ðức Tin

 

Khi đệ nhị nhường chỗ cho đệ tam thiên niên kỷ, Ðức Giáo-hoàng Gio-an Phao-lô II đã quyết định công bố văn bản phần thứ ba của " bí mật Fatima".

 

Thế kỷ thứ 20 đã là một trong những thế kỷ mấu chốt nhất trong lịch sử con người, với những biến cố thảm thương và bạo tàn của nó, đã đạt tới cao điểm trong vụ mưu sát "Ðức Ki-tô dịu hiền trên trái đất". Bây giờ một tấm màn được kéo lên trên một chuỗi biến cố tạo thành lịch sử và giải thích lịch sử theo chiều sâu, theo nhãn quan thiêng liêng khác hẳn với những xu hướng đương thời mà thường bị băng hoại bởi duy lý chủ nghĩa. Trải suốt dòng lịch sử đã có những cuộc hiện ra và những dấu chỉ siêu nhiên đi thẳng vào trung tâm những biến cố của con người và, trước sự ngạc nhiên của cả những người tin cũng như những người không tin, nó góp phần của mình vào việc giải mã lịch sử. Những cuộc hiển lộ này không bao giờ có thể phản lại với nội dung đức tin được, và do đó chúng phải quy hướng thẳng vào cốt lõi việc rao giảng của Ðức Ki-tô là: tình yêu của Thiên Chúa Cha, tình yêu đưa dẫn con người đến việc hoán cải và ban tặng ân sủng, đã đòi buộc con người phải từ bỏ chính mình cho Ngài với lòng sùng mến hiếu thảo. Ðây cũng là sứ điệp Fatima, với lời kêu mời khẩn thiết để hoán cải và đền tội, sứ điệp lôi kéo chúng ta tới trọng tâm của Tin-mừng. Fatima chắc chắn là cuộc hiện ra mang tính chất tiên tri nhất trong thời hiện đại. Phần một và phần hai của "bí mật" - mà bây giờ cũng được công bố theo thứ tự để tài liệu được đầy đủ trọn vẹn - đặc biệt nói đến thị kiến kinh hoàng của hỏa ngục, đến việc tôn sùng Trái-tim Vô-nhiễm của Mẹ Maria, đến thế chiến thứ hai, và cuối cùng là nói trước đến sự tàn phá lớn lao mà nước Nga sẽ làm cho nhân loại khi từ bỏ đức tin Ki-tô mà ôm lấy chủ nghĩa Cộng-sản độc tài. Vào năm 1917 không ai đã có thể tưởng tượng được hết chuyện này: ba em bé chăn cừu ( pastorinhos ) ở làng Fatima mục kích, lắng nghe và ghi nhớ, và Lucia, nhân chứng duy nhất đang còn sống, đã viết hết chúng xuống giấy khi được lệnh của Ðức Giám-mục địa phận Leiria và được phép của Ðức Mẹ mà viết lại. Về hai phần đầu của "bí mật", những phần đã được phổ biến và được biết đến từ trước, thì chúng tôi đã chọn bản viết của Sơ Lucia trong tập Hồi-ký Thứ-ba đề ngày 31 tháng Tám, 1941; một số ghi chú đã được thêm vào trong tập Hồi-ký Thứ-tư vào ngày 8 tháng Mười Hai, 1941 Phần thứ ba của "bí mật" được viết ra theo "lệnh của Ðức Giám-mục d0ịa phận Leiria và của Mẹ Rất Thánh của chúng ta." vào ngày 3 tháng Giêng, 1944. Chỉ có một bản viết tay duy nhất mà ở đây chỉ tái bản lại theo hình chụp mà thôi. Phong bì được niêm ấn thoạt đầu do Ðức Giám-mục địa phận Leiria cất giữ. Nhưng để chắc chắn "bí mật" được bảo toàn, phong bì đã được đặt ở Văn-khố mật của Thánh-bộ ngày 4, tháng Tư, 1957. Ðức Giám-mục điạ phận Leiria đã thông báo cho Sơ Lucia biết chuyện này. Theo hồ sơ của Văn-khố mật thì vị Ðại-diện của Thánh-bộ, cha Phê-rô Phao-lô Phi-líp-phê dòng Ða-minh, với sự đồng ý của Ðức Hồng-y Alredo Ottaviani, đã mang phong bì chứa phần thứ ba của "bí mật Fatima" đến cho Ðức Giáo-hoàng Gio-an XXIII ngày 17 tháng Tám, 1959. "Sau một chút lưỡng lự" Ðức Thánh Cha đã nói: "Chúng ta sẽ đợi. Cha sẽ cầu nguyện. Cha sẽ cho con hay điều Cha quyết định". (1) Trong thực tế, Ðức Giáo-hoàng Gio-an XXIII đã quyết định hoàn lại phong bì có niêm ấn lại cho Thánh-bộ và đã không công bố phần thứ ba của "bí mật".
Ðức Phao-lô VI đã đọc nội dung cùng với vị Phụ-tá, Ðức Tổng Giám-mục Angelo Dell'Acqua, vào ngày 27 tháng ba, 1966, và đã hoàn trả phong bì lại cho Văn-khố của Thánh-bộ và quyết định không công bố bản viết.

Xin coi hình chụp nguyên bản phong thư

 

Về phần mình, Ðức Gio-an Phao-lô II đã hỏi đến phong bì chứa đựng phần thứ ba của "bí mật" sau cuộc mưu sát ngày 13 tháng Năm, 1981.. Ngày 18 tháng Bẩy, 1981, Ðức Hồng-y Franjo Seper, Tổng-trưởng Thánh-bộ, đã trao hai phong bì cho Ðức Tổng Giám-mục Eduardo Martinez Somalo, Phu-tá Phủ Quốc-vụ-khanh: một phong bì trắng chứa bản viết chính gốc của Sơ Lucia bằng tiếng Bồ-đào-nha; phong bì kia màu vàng cam với bản chuyển ngữ điều "bí mật" ra tiếng Ý. Ðến ngày 11 tháng Tám tiếp theo, Ðức Tổng Giám-mục Martinez đã hoàn trả cả hai phong bì lại cho Văn-khố của Thánh-bộ. (2) Như mọi người biết, Ðức Giáo-hoàng Gio-an Phao-lô II ngay lập tức đã nghĩ đến việc dâng hiến thế giới cho Trái-tim Vô-nhiễm của Mẹ Maria, và chính Ngài đã sáng tác ra kinh nguyện mà Ngài gọi là "Nghi-thức Phó-dâng" đã được cử hành tại Vương-cung Thánh-đường Ðức Bà Cả ngày 7 tháng Sáu, 1981, ngày Lễ Trọng-thể kính Chúa Thánh-thần Hiện-xuống, ngày được chọn để kỷ niệm 1600 năm Công-đồng Constantinople và 1550 năm Công-đồng Ê-phê-sô. Vì Ðức Giáo-hoàng không thể hiện diện được, nên bài diễn văn ghi âm của Ngài đã được phát thanh. Sau đây là phần liên hệ đặc biệt đến Nghi-thức Phó-dâng: " Lậy Mẹ của từng người và của mọi dân tộc, Mẹ biết tất cả những thống khổ và hy vọng của họ. Tự nơi trái tim hiền mẫu, Mẹ cảm nhận được tất cả những tranh giành giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, những tranh giành đang làm rối loạn thế giới: xin nhận lời van nài của chúng con, trong Chúa Thánh-thần, dâng thẳng lên Trái Tim Mẹ, và với tình yêu của Hiền-mẫu và Nữ-tỳ của Thiên Chúa, xin Mẹ ấp ủ những ai hết mực mong chờ sự ấp ủ này, và kể cả những ai mà Mẹ cũng đang mong chờ để họ thực hành nghi thức phó dâng cách đặc biệt này nữa. Ôi lậy Mẹ, xin đặt dưới sự che chở hiền mẫu của Mẹ toàn thể gia đình nhân loại mà chúng con phó dâng lên Mẹ với tình yêu trìu mến. Chớ gì mọi người được hưởng hừng đông của một thời hòa bình và tự do, một thời sự thật, công lý và hy vọng". (3)
Ðể đáp trả trọn vẹn hơn nữa những nguyện vọng của "Mẹ chúng ta", Ðức Thánh Cha đã ước ao, trong Năm-thánh Cứu-chuộc, thực hiện công khai hơn nhiều hơn nữa Nghi-thức Phó-dâng của ngày 7 tháng Năm, 1981, nghi thức đã được lập lại tại Fatima ngày 13 tháng Năm ,1982. Ngày 25 tháng Ba, 1984 tại Quảng-trường thánh Phê-rô, khi đọc lại lời xin vâng mà Ðức Maria thốt lên trong Ngày Truyền-tin, Ðức Thánh Cha, trong sự hiệp thông tinh thần với các Giám-mục hoàn vũ được " kêu mời" trước đó, đã phó dâng mọi người nam nữ và mọi dân nước lên cho Trái-tim Vô-nhiễm của Mẹ Maria, bằng những ngôn từ gợi nhớ những lời tha thiết đã được nói lên vào năm 1981:  " Lậy Mẹ của mọi người nam nữ và của mọi dân tộc, Mẹ biết tất cả những thống khổ và hy vọng của họ, với chăm lo của người mẹ, Mẹ thấy được những tranh giành giữa thiện và ác, giữa ánh sáng và bóng tối, những tranh giành đang gây thương tích cho thế giới hiện đại, xin nhận lấy tiếng khóc than mà chúng con, nhờ được Chúa Thánh-thần tác động, dâng thẳng lên Trái-tim Mẹ. Xin Mẹ dùng tình yêu của Hiền-mẫu và Nữ-tỳ của Thiên Chúa mà ấp ủ thế giới loài người chúng con, thế giới mà chúng con phó dâng và tận hiến cho Mẹ, vì chúng con hết sức quan tâm đến định mệnh thế trần và vĩnh cửu của từng mỗi cá nhân lẫn của các dân tộc. Chúng con xin phó dâng và tận hiến cho Mẹ cách đặc biệt những người và những dân tộc cần được phó dâng và thánh hiến nhất. "Lậy Mẹ Thiên Chúa Chí-thánh! Chúng con xin chạy lại với sự che chở của Mẹ. Xin đừng bỏ lời chúng con khẩn nguyện trong cơn túng quẫn". Rồi Ðức Giáo-hoàng tiếp tục nhấn mạnh hơn và dùng nhiều tham chiếu đặc thù hơn như là Ngài phẩm bình Sứ-điệp Fatima trong việc thành toàn đầy đau buồn của nó:

 

"Ôi lậy Mẹ Ðức Ki-tô! Khi chúng con đứng trước nhan Mẹ, trước Trái-tim Vô-nhiễm của Mẹ, chúng con, cùng với toàn thể Giáo-hội, ước ao kết hợp chúng con vào với việc hiến tế, mà vì yêu chúng con, Con Mẹ đã dâng chính thân mình lên Thiên Chúa Cha: Ngài nói, "Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến" ( Gio. 17:19). Chúng con mong ước được kết hợp với với Cứu Chúa của chúng con trong việc hiến tế này của Ngài cho thế gian và cho nhân loại, mà trong Trái-tim Thiên-tính của Ngài, nhân loại có được sức nhận ơn tha thứ và bảo đảm việc đền bù. Sức mạnh của việc thánh hiến này trải dài mọi thời đại và bao trùm mọi cá nhân, mọi dân tộc và mọi quốc gia. Nó vượt thắng mọi sự dữ mà thần của tối tăm có khả năng khơi dậy, và quả thực, chúng đã khơi dậy trong thời đại chúng con, trong trái tim và trong lịch sử con người.

 

Chúng con cảm thấy sâu xa biết chừng nào nhu cầu cần phải tận hiến nhân loại và thế giới - thế giới hiện đại của chúng con - trong sự kết hợp với chính Ðức Ki-tô! Bởi vì công cuộc cứu thế của Ðức Ki-tô phải được cả thế giới thông phần qua Giáo-hội.

Năm Cứu-chuộc hiện tại chứng tỏ điều này: Năm-thánh Toàn-xá đặc biệt của toàn thể Giáo-hội. Vượt trên mọi tạo vật, nguyện xin Mẹ được chúc phúc, vâng lậy Mẹ, Nữ-tỳ của Thiên Chúa, Mẹ đã vâng phục lời Thiên Chúa kêu mời cách đầy đủ trọn vẹn nhất.

Kính mừng Mẹ, Ðấng đã hoàn toàn kết vào cuộc hy tế cứu độ của Con Mẹ!

 

Lậy Mẹ của Giáo-hội! Xin khai sáng Dân Chúa dọc theo những nẻo đường đức tin, đức cậy và đức mến! Xin đặc biệt khai sáng những dân tộc mà Mẹ đang mong chờ chúng con phó dâng và tận hiến. Xin giúp chúng con sống trong sự thật của hy tế mà Ðức Ki-tô đã dâng cho toàn thể gia đình nhân loại của thế giới hiện đại này.

 

Ôi lậy Mẹ! Trong khi phó dâng cho Mẹ thế giới, mọi con người và mọi dân tộc, chúng con cũng xin phó dâng lên Mẹ chính việc tận hiến đặc biệt này là đặt cả thế giới vào Trái-tim từ mẫu của Mẹ.

 

Lậy Trái-tim Vô-nhiễm! Xin giúp chúng con chiến thắng những đe dọa của sự dữ, những điều dễ dàng bám rễ trong tâm hồn con người ngày nay, và những hiệu lực không thể đo lường được của nó đã đang đè nặng trên thế giới hiện đại của chúng con và dường như ngăn chặn những nẻo đường hướng về tương lai!

 

Khỏi đói khát và chiến tranh, xin giải thoát chúng con. Khỏi chiến tranh nguyên tử, khỏi sự tự hủy diệt khôn kể, khỏi tất cả mọi hình thức chiến tranh, xin giải thóat chúng con. Khỏi tội lỗi chống phá sự sống con người ngay từ thuở khai nguyên của nó, xin giải thoát chúng con. Khỏi lòng căm thù và khỏi việc hạ thấp phẩm giá những người con của Thiên Chúa,

xin giải thoát chúng con.
Khỏi mọi hình thức bất công trong cuộc sống xã hội, tại mỗi quốc gia cũng như quốc tế, xin giải thoát chúng con.
Khỏi việc sẵn lòng chà đạp những giới lệnh của Thiên Chúa, xin giải thoát chúng con.
Khỏi những cố gắng dập tắt nơi lòng con người chính sự thật của Thiên Chúa, xin giải thoát chúng con.
Khỏi đánh mất ý thức về điều lành và điều dữ, xin giải thoát chúng con.
Khỏi những tội phạm đến Chúa Thánh-thần, xin giải thoát chúng con, xin giải thoát chúng con.

Lậy Mẹ Ðức Ki-tô! Xin nhận lấy tiếng kêu khóc chất chứa thương đau của tất cả mọi cá nhân con người, ngập tràn những thống khổ của toàn cả các xã hội. Xin giúp chúng con, với sức mạnh của Chúa Thánh-thần, chiến thắng mọi tội lỗi: tội cá nhân và 'tội của thế giới', tội trong tất cả mọi dạng thức của nó. Xin hiển lộ trong lịch sử thế giới, một lần nữa, sức mạnh cứu độ vô cùng của ơn Cứu-chuộc: sức mạnh của Tình-yêu đầy xót thương! Mong rằng sức mạnh ấy ngăn được sự dữ! Ước gì sức mạnh ấy biến cải lương tâm! Nguyện xin Trái-tim Vô-nhiễm giãi bầy ánh sáng Hy-vọng cho tất cả mọi người!" (4)

 

Cá nhân Sơ Lucia đã khẳng định là việc thánh hiến trọng thể và phổ quát này phù hợp với điều Ðức Mẹ muốn ( " Sim, està feita, tal como Nossa Senhora a pediu, desde o dia 25 de Marco de 1984" : " Vâng, điều đó được thực hiện đúng như Ðức Bà đã xin ngày 25 tháng Ba, 1984": Thư đề ngày 8 tháng Mười Một 1989).

 

Như thế bất cứ cuộc tranh luận hoặc đề nghị nào sau này đều không có căn bản. Trong tập tài liệu trình bầy ở đây có 4 văn bản khác được thêm vào bản viết tay của Sơ Lucia: 1) lá thư của Ðức Thánh Cha gửi Sơ Lucia ngày 19 tháng Tư, 2000; 2) một bản tường trình về cuộc đàm thoại với Sơ Lucia ngày 27 tháng Tư, 20000; 3) bản công bố Ðức Thánh Cha đã chỉ định Ðức Hồng-y Angelo Sodano, Quốc-vụ-khanh Tòa-thánh, đọc ngày 13 tháng Năm, 2000; 4) bài bình luận thần học của Ðức Hồng-y Joseph Ratzinger,Tổng-trưởng Thánh-bộ về Tín-lý Ðức-tin.

 

Sơ Lucia đã đưa ra một chỉ dẫn để diễn giải phần thứ ba của "bí mật" trong lá thư Sơ gửi cho Ðức Thánh Cha đề ngày 12 tháng Năm, 1982:

" Phần thứ ba của bí mật liên hệ đến những lời của Ðức Mẹ: ' nếu không, nước Nga sẽ gieo rắc lầm lạc trên khắp thế giới, gây nên những cuộc chiến và bách hại Giáo-hội. Người lành sẽ phải tử đạo; Ðức Thánh Cha sẽ gặp nhiều điều phải đau khổ; một số quốc gia sẽ bị diệt vong' (13-VII-1917). Phần thứ ba của bí mật là một mạc khải biểu tượng, qui hướng về phần sau này của Sứ-điệp với điều kiện là chúng có có chấp nhận hay không điều mà chính Sứ-điệp đòi hỏi chúng ta: 'nếu những yêu cầu của Mẹ được lưu tâm đến thì nước Nga sẽ trở lại và sẽ có hòa bình; nếu không, nó sẽ gieo rắc lầm lạc trên khắp thế giới, vv..'
Bởi vì chúng ta đã không lưu tâm đến lời kêu mời này của Sứ-điệp nên chúng ta thấy điều đó đã thể hiện, là nước Nga đã xâm chiếm thế giới với những lầm lạc của nó. Và nếu như chúng ta chưa nhìn thấy sự hoàn tất trọn vẹn phần cuối cùng của lời tiên tri này, thì chúng ta cũng đang chậm chậm bước tới bằng những bước thật dài. Nếu chúng ta không từ bỏ con đường của tội lỗi, oán hận, trả thù, bất công, của những vi phạm đến nhân quyền của con người, của vô luân và bạo lực vv..thì chúng ta đừng nói rằng đó là vì Thiên Chúa đang trừng phạt chúng ta theo cách thức ấy; trái lại, chính vì con người đang sắp sẵn hình phạt cho riêng mình. Bằng tấm lòng nhân hậu của mình, Thiên Chúa cảnh cáo chúng ta và mời gọi chúng ta đi theo nẻo đường ngay chính, trong khi Ngài vẫn tôn trọng sự tự do mà Ngài đã ban cho chúng ta; như thế, con người phải mang lấy trách nhiệm"
.

Quyết định của Ðức Giáo-hoàng Gio-an Phao-lô II để công bố phần thứ ba của "bí mật" Fatima kết thúc một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bằng sự thèm khát quyền lực và sự dữ đầy bi thảm của con người, nhưng dầu sao vẫn là giai đoạn lịch sử được thấm nhuần với tình yêu đầy thương xót của Thiên Chúa và với sự chăm lo chu đáo của Mẹ Chúa Giê-su và Mẹ Giáo-hội.

Xin coi hình chụp nguyên bản lá thư

 

Việc làm của Thiên Chúa, Chúa của lịch sử, cùng với sự đồng trách nhiệm của con người trong tấm bi kịch của tự do đầy tính chất sáng tạo của mình, tạo thành hai trụ cột mà trên chúng, lịch sử con người được xây dựng lên. Ðức Mẹ, Ðấng đã hiện ra tại Fatima, nhắc nhớ lại những giá trị đã bị lãng quên này. Ngài nhắc nhớ chúng ta rằng tương lai con người là ỡ nơi Thiên Chúa, và rằng chúng ta là những cộng sự viên hoạt động và trách nhiệm tạo nên tương lai ấy.

 

+ Tarcisio Bertone, SDB
Tổng Giám-mục Hiệu-tòa thành Verselli
Thư-ký Thánh-bộ về Tín-lý Ðức-tin


Chú Thích

1. Trích từ nhật ký của Ðức Gio-an XXIII, 17 tháng Tám 1959: "Thính giả: cha Phille, Ðặc sứ của Thánh-bộ, người đã mang cho Ta lá thư chứa đựng phần thứ ba của bí mật Fatima. Ta định sẽ đọc nó với cha giải tội của Ta".
2. Bình luận của Ðức Thánh Cha tại buổi triều kiến chung ngày 14 tháng Mười 1981 về "Chuyện gì đã xẩy ra vào tháng Năm: Một cuộc Thử-thách vĩ đại của Thiên Chúa" phải được nhắc lại: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, IV,2 (TP. Vatican, 1981), 409-412.
3. Sứ điệp phát thanh trong Nghi-lễ Tôn-sùng, Cảm-tạ và Phó-dâng cho Ðức Mẹ Ðồng-trinh Mẹ Thiên Chúa (Thetokos) tại Vương-cung Thánh-đường Ðức Bà Cả: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, IV,1(TP. Vatican, 1981), 1246.
4. Trong ngày Năm-thánh cho Gia-đình, Ðức Giáo-hoàng đã phó dâng mọi người và mọi quốc gia cho Ðức Mẹ: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, VII,1 (TP. Vatican, 1984), 775-777.


Trở về Trang Giáo Hội
Trở Về Trang Nhà