Bài giảng lễ đầu tiên của Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô

(Bài giảng 1, Bản có sửa chữa bởi dịch giả)

(dịch từ bản gốc bằng tiếng Ý, đã phổ biến trên Trang Mạng Vatican)

 

Đôi lời giải thích:

-  Ngày thứ năm, 14-03-2013, tại Nguyện Đường Sistina, ĐTC Phanxicô cử hành Thánh lễ với các Đức Hồng Y.

Ba bài đọc Sách Thánh được chọn là Is 2, 2-5. 1 Pr 2, 4-9; Mt 16, 13-19 [theo thông tin do nhà báo Pháp Jean-Marie GUÉNOIS cung cấp, còn Trang mạng Vatican không ghi ba bài đọc này. Cũng chính nhà báo đó cho biết: ĐTC không dùng bản văn bài giảng do Phủ Quốc Vụ Khanh đã soạn cho ngài, nhưng ngài giảng bộc phát, không có giấy viết sẵn. Theo một nguồn thông tin khác nữa, ngài không ngồi trên “toà ”(“cathedra”) dành cho Đức Giáo Hoàng, nhưng đứng tại giá đọc Sách Thánh kiêm bục giảng. Ngài giảng ngắn gọn (khoảng 10 phút), bằng một thứ tiếng Ý đơn sơ, dễ hiểu thuộc dạng văn nói hơn là văn viết].

-Dịch giả Phaolô Phạm Xuân Khôi đã dịch sang tiếng Việt và phát tán trên Internet bài giàng này mà ông gọi là “Huấn từ”. Từ ngữ này xem ra không phù hợp để dịch chữ “omelia”, vốn mang nghĩa chuyên biệt là một bài giảng lễ, nghĩa là một bài suy niệm (thường ngắn gọn) về các bài đọc Sách Thánh trong Thánh lễ, dẫn đến những ứng dụng trong cuộc sống của người giảng và người nghe. Với lòng kính trọng và khâm phục thiện chí của dịch già Phạm Xuân Khôi, tôi vẫn cảm thấy cần dịch lại bài giảng lễ quan trọng và độc đáo này của ĐTC Phanxicô, để lột tả thật sát và trung thành hết sức có thể tư tưởng của ngài, và để làm quà gửi tặng cho Đại Gia Đình Mến Thánh Giá khắp nơi nhân dịp 19 tháng 3, Đại Lễ Thánh Cả Giuse, Bổn Mạng của các Hội Dòng Nữ MTG và Hiệp Hội MTG Tại Thế, cũng là ngày Đức Thánh Cha Phanxicô làm lễ “Đăng quang”, hay đúng hơn, làm lễ đánh dấu khởi đầu sứ vụ mục tử hoàn vũ của ngài.

-Bài giảng của ngài gồm 8 khúc (paragraphes) theo cách trình bày của Trang mạng Vatican dành cho bản tiếng Ý, căn cứ vào 8 lần chấm xuống hàng. Tôi mạn phép đánh số trong ngoặc đơn (1…đến 8) cho dể bề quy chiếu, và thêm một ít chú thích giải nghĩa một vài từ ngữ. Sau đây là bản dịch Bài giảng lễ ấy.

 

*  *  *

 

(1)Trong ba Bài đọc này, tôi thấy có một cái gì đó chung: đó là sự chuyển động[1]. Trong Bài đọc thứ nhất, đó là sự chuyển động trên đường đi[2]; trong Bài đọc thứ hai, là sự chuyển động trong việc xây dựng Hội Thánh; trong Bài đọc thứ ba, bài Phúc Âm, là sự chuyển động trong việc tuyên xưng. Bước đi, xây dựng, tuyên xưng.

 

(2)Bước đi. “Hãy đến đây, nhà Gia-cóp hỡi, ta cùng đi, nhờ ánh sáng Đức Chúa soi đường” (Is 2, 5). Đây là điều đầu tiên Thiên Chúa đã nói với Apraham: Ngươi hãy bước đi trước mặt Ta và hãy sống hoàn hảo[3]. Bước đi: cuộc đời chúng ta là một chuyến đi và khi chúng ta dừng lại thì sự việc không xuôi. Luôn luôn bước đi trước mặt Chúa, theo ánh sáng của Chúa, tìm cách sống hoàn hảo như Thiên Chúa đòi hỏi ông Apraham, trong lời hứa Ngài ban cho ông.

 

(3)Xây dựng. Xây dựng Hội Thánh. Người ta nói tới những viên đá: những viên đá vững chắc[4]; nhưng là những viên đá sống động, những viên đá được Chúa Thánh Linh xức dầu. Xây dựng Hội Thánh, Hiền Thê của Đức Kitô, trên đá tảng góc tường là chính Chúa. Đây là một sự chuyển động khác của đời sống chúng ta: xây dựng.

 

(4)Điểm thứ ba là tuyên xưng. Chúng ta có thể bước đi bao nhiêu chúng ta muốn, chúng ta có thể xây dựng biết bao nhiêu sự, nhưng nếu chúng ta không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, thì sự việc không xuôi[5]. Chúng ta sẽ trở thành một tổ chức phi chính phủ mang tính cách cứu tế, chứ không phải là Hội Thánh, Hiền Thê của Chúa. Khi người ta không bước đi, người ta dừng lại. Khi người ta không xây dựng trên những viên đá thì điều gì xảy ra? Sẽ xảy ra như những đứa trẻ trên bãi biển xây những lâu đài bằng cát, tất cả đều sụp đổ, vì không vững chắc. Khi người ta không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, tôi nhớ lại câu nói của Léon Bloy: “Ai không cầu xin Chúa, thì cầu xin ma quỷ”. Khi người ta không tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, người ta tuyên xưng tính trần tục của ma quỷ, tính trần tục của quỷ ma[6].

 

(5)Bước đi, xây dựng-kiến thiết, tuyên xưng. Tuy nhiên, sự việc không đơn giản như thế đâu, bởi lẽ trong khi bước đi, trong khi kiến thiết, trong khi tuyên xưng, đôi lúc chúng ta gặp những chấn động[7], có những chuyển động mà thực sự không phải là những chuyển động của cuộc hành trình: đó là những chuyển động lôi kéo chúng ta lùi lại đàng sau.

 

(6)Bài Phúc Âm này tiếp tục với một tình huống đặc biệt. Chính Phêrô, người  đã tuyên xưng Đức Giêsu Kitô, nói với Ngài: Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống. Con đi theo Thầy, nhưng chúng ta chớ nói tới Thập Giá. Điều đó không ăn nhập gì với chúng ta. Con đi theo Thầy với những khả năng khác, không có Thập Giá. Khi chúng ta bước đi mà không có Thập Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thập Giá và khi chúng ta tuyên xưng một Đức Ki-tô không có Thập Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta là những người trần tục[8], chúng ta là Giám mục, Linh mục, Hồng y, Giáo hoàng, nhưng không phải là môn đệ của Chúa.

 

(7)Tôi ước mong rằng tất cả chúng ta, sau những ngày ân sủng này, chúng ta có được sự can đảm, thực sự có lòng can đảm, để bước đi trước mặt Chúa, với Thập Giá của Chúa; để xây dựng Hội Thánh nhờ Bửu Huyết của Chúa đã đổ ra trên Thập Giá; và để tuyên xưng sự vinh quang duy nhất: đó là Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Và bằng cách đó, Hội Thánh sẽ tiến lên phía trước.

 

(8)Tôi cầu chúc cho tất cả chúng ta được Chúa Thánh Linh, nhờ lời cầu nguyện của Đức Bà là Mẹ chúng ta, ban cho chúng ta ơn này là: bước đi, xây dựng và tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô Chịu Đóng Đinh. Xin được như vậy[9].

 

Hết.

 

Thưa Quý Vị,

 

Ngày thứ bảy, 16-03-2013, tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo phận Đàlạt, các Dì Mến Thánh Giá Khiết Tâm tổ chức Đại Hội Hiệp Hội Mến Thánh Giá Tại Thế Miền Đàlạt: có Thánh lễ do Đức Cha Antôn Vũ Huy Chương chủ tế, với 4 linh mục đồng tế; có nghi thức gia nhập Hiệp Hội của rất nhiều thành viên trong tổng số 500 anh chị em MTG Tại Thế hiên diện, gồm người Kinh, người các Dân tộc Lạch và K’Ho với trang phục truyền thống bằng thổ cẩm rất đẹp. Trước Thánh lễ, tôi được hân hạnh chia sẻ với Đại Hội đề tài: “Linh đạo của Đức Cha Lambert de la Motte và Đại Gia Đình MTG là: linh đạo Mến Thánh Giá, linh đạo Phúc Âm và linh đạo truyền giáo”. Tôi kết thúc bài chia sẻ 45 phút bằng cách trích ba khúc (6), (7), (8) từ bài giảng lễ đầu tiên của ĐTC Phanxicô trên đây. Mọi người không ngờ ĐTC nhấn mạnh mầu nhiệm Thánh Giá đến thế. Nhưng thực ra, việc ngài chọn tên Thánh Phanxicô Assisi làm tước hiệu Giáo Hoàng của mình  – một việc làm hoàn toàn mới lạ trong lịch sử Giáo Hội -- , giải thích phần nào việc ngài nhấn mạnh vị trí trung tâm của Thánh Gía Chúa Kitô trong đời sống Giáo Hội. Thánh Phanxicô được  nhiều ngưởi biết đến như là “Thánh Phan-xi-cô Năm Dấu”, “Vị Thánh Nghèo”, “Vị Thánh của người nghèo”, “Vị Thánh của Hòa Bình”, “Vị Thánh của đối thoại liên tôn”, “Vị Thánh Bổn Mạng của khoa môi sinh học”, v.v…., nhưng ít ai biết rằng ngài là người đầu tiên – hoặc hầu như đầu tiên – trong lịch sử Giáo Hội, được gọi là “Người Mến Thánh Giá” (“Amator Crucis”). Vậy, bài giảng đầu tiên của Vị Giáo Hoàng đầu tiên mang tước hiệu Phanxicô, mà mang dấu ân sâu đậm của Thánh Giá đến như vậy, thì cũng là chuyện hợp lý và hợp tình. Và, nếu như chúng ta được phép tin rằng tước hiệu của ngài cũng chứa đựng châm ngôn sống và hành động của ngài, thì tôi đã có lý để nói với Đại Hội MTG Tại Thế Miền Đàlạt: Chúa vừa ban cho chúng ta “một Đức Giáo Hoàng Mến Thánh Giá”. Xin được như vậy! Così sia!

 

Phi Khanh Vương Đình Khởi, ofm

 



[1]Il movimento” là “sự chuyển động”, không hoàn toàn đồng nghĩa với “hành động” (“l’azione”)

[2]Il cammino” mang hai nghĩa gắn chặt vào nhau: “cuộc hành trình hoặc chuyến đi” và “đường đi”.

[3] Trong bản văn tiếng Ý do Trang mạng Vatican phát tán, không ghi xuất xứ của câu này. Nhưng chắc chắn ĐTC ám chỉ sách Sáng Thế (St 17, 1).

[4] Hai lần trong bài giảng ngắn này, ĐTC dùng danh từ “consistenza” để nói vế các viên đá (ở khúc 3) và những lâu đài bằng cát (ở khúc 4). Danh từ ấy có nghĩa là “sự vững chắc”, chứ không phải “tính nhất quán”, “tính thống nhất từ đầu đến cuối, trước sau không trái ngược, không mâu thuẫn nhau”.

[5] Hai lần trong bài giảng ngắn này [ở khúc (2) và khúc (4)], ĐTC dùng cụm từ tiêng Ý “la cosa non va”: sự việc không xuôi, không trôi chảy, không ổn, không tiến triển bình thường, nghĩa là gặp bế tắc, chứ không nhất thiết có nghĩa là “chúng ta sai lầm” hoặc “có điều gì sai?” nhìn dưới góc độ luân lý.

[6] ĐTC nhấn mạnh tính nguy hiểm của tinh thần thế tục bằng cách liên kết hai lần tinh thần ấy với “diavolo” và “demonio”,  là một thực tại được gọi bằng hai danh từ đồng nghĩa: “ma quỷ” “quỷ ma”.

[7] Chữ “scossa, scosse” có nghĩa là “chấn động”, “sự va chạm”, “sự đụng độ”, chứ không phải “đột biến” (“mutazione”).

[8] Chữ  người trần tục” (“mondani”) ở khúc 6 này nhắc lại chữ “mondanità” ở khúc 4 mà chúng ta đã dịch là “tính trần tục”.

[9] Cụm từ “Cosí sia” tương đương với tiếng “Amen”: ”Xin được như vậy”.