Toàn văn bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Đại Lễ Kính hai Thánh Phê-rô và Phao-lô

 

Hôm nay là Đại Lễ Kính hai Thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ. Các Ngài chính là những vị Bổn Mạng chính của Giáo hội Rô-ma. Với niềm vui và lòng biết ơn, tôn xin chào mừng phái đoàn của Tòa Thượng Phụ Đại Kết dưới sự dẫn đầu của Đức Tổng Giám Mục Ioannis. Các Ngài chính là những người đã do vị Sư Huynh rất khả ái - Đức Bartholomaios - gửi đến. Chúng ta hãy cầu xin Chúa hầu cho chuyến viếng thăm này tăng cường hơn nữa mối dây huynh đệ trên con đường tiến về sự hiệp thông trọn vẹn của cả hai Giáo hội chị em mà chúng ta đang rất khát khao.


„Thiên Chúa đã gửi Thiên Thần của Ngài tới và đã cứu thoát tôi khỏi bàn tay của Hê-rô-đê“ (Cv 12, 11). Sự khởi đầu sứ vụ của Thánh Phê-rô trong cộng đoàn Ky-tô giáo tại Giê-ru-sa-lem vẫn còn bị chế ngự bởi nỗi sợ hãi lớn lao do những cuộc bách hại của vua He-rô-đê nhắm vào các thành viên của Giáo hội. Thánh Gia-cô-bê đã bị hành quyết và giờ đây chính Phê-rô cũng đang bị quăng vào tù chỉ cốt làm hài lòng dân chúng. Trong khi Ngài đang bị xiềng xích chân tay và đặt trong ngục, Ngài đã nghe thấy giọng của một vị Thiên Thần nói với Ngài rằng: „Nhanh lên, đứng dậy! … Hãy đeo thắt lưng và hãy xỏ giầy vào! … Hãy khoác áo choàng vào và đi theo tôi!“ (Cv 12, 7-8). Các xiềng xích tự bung ra và cửa ngục cũng tự mở ra. Thánh Phê-rô nhận thấy rằng, Thiên Chúa đã cứu Thánh Nhân „khỏi bàn tay của Hê-rô-đê“; Thánh Nhân ý thức rất rõ rằng, Thiên Chúa đã giải thoát Thánh Nhân khỏi nỗi sợ hãi cũng như khỏi các xích xiềng. Vâng, Thiên Chúa giải thoát chúng ta khỏi tất cả mọi nỗi sợ hãi cũng như khỏi tất cả mọi xiềng xích, để chúng ta có thể được tự do thực sự. Phụng Vụ hôm nay mang tới thực tế tốt đẹp này, được diễn tả qua những lời thưa của Thánh Vịnh Đáp Ca: „Chúa đã cứu tôi khỏi mọi nỗi hãi sợ“.


Đó là vấn đề đối với chúng ta – vấn đề sợ hãi và vấn đề tìm kiếm chỗ tựa trong sự chăm sóc về mặt tinh thần.


Và vì thế tôi tự hỏi: Phải chăng chúng ta cũng sợ hãi  - kính thưa các chư huynh khả ái trong hàng Giám Mục? Chúng ta sợ hãi trước cái gì? Và nếu chúng ta sợ hãi thì chúng ta tìm kiếm chỗ tựa nào trong cuộc sống chúng ta với tư cách là những mục tử để có được sự chắc chắn và an toàn? Chẳng lẽ chúng ta lại đi tìm kiếm sự trợ giúp của những điều mà chúng đặt nền tảng trên quyền lực của thế gian? Hay chúng ta để cho mình bị lừa dối bởi sự háo danh, khao khát sự thỏa mãn và lời khen ngợi, và chúng ta nghĩ rằng những điều đó chắc chắn? Chúng ta đặt nền móng cho sự an toàn của chúng ta trên cái gì?


Chứng từ của Thánh Phê-rô Tông Đồ nhắc nhớ chúng ta rằng, nơi trú ẩn thực sự của chúng ta là lòng tín thác vào Thiên Chúa: nó xua đi tất cả mọi nỗi sợ hãi, và làm cho chúng ta được giải phóng bởi bất cứ sự nô dịch hóa nào cũng như tất cả các cơn cám dỗ của thế gian. Ngày hôm nay chúng ta – Giám Mục Rô-ma và tất cả các Giám mục khác, đặc biệt là các Đức Tổng Giám Mục, những vị đã lãnh nhận dây Pallium – cảm thấy được kêu gọi bởi gương của Thánh Phê-rô để kiểm tra lại niềm tín thác của mình vào Thiên Chúa.


Thánh Phê-rô đã lấy lại được niềm xác tín khi Chúa Giê-su nói với Thánh Nhân ba lần: „Hãy chăn dắt chiên của Thầy!“ (Ga.21, 15-17). Và đồng thời Thánh Nhân đã tuyên xưng ba lần về tình yêu của Ngài đối với Chúa Giê-su, và thực hiện lại giống như Ngài đã từng chối bỏ Chúa trong cuộc khổ nạn. Thánh Phê-rô vẫn còn cảm thấy bừng cháy trong tâm hồn, giống như những vết thương của bất cứ sự thất vọng nào mà Ngài đã từng gây ra trong đêm phản bội. Giờ đây, Đấng ấy lại hỏi thánh Nhân: „Con có yêu mến Thầy không?“, Thánh Phê-rô không còn cậy dựa vào mình nữa cũng không cậy vào sức riêng nữa, nhưng vào Chúa Giê-su và vào lòng nhân hậu của Ngài: „Thưa Thầy, Thầy biết tất cả mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy“ (Ga.21, 17). Và ở đây nỗi sợ hãi, sự bất an và sự nhút nhát biến mất.


Thánh Phê-rô đã cảm nghiệm được rằng, lòng trung tín của Thiên Chúa thì lớn hơi sự bất tín của chúng ta, và mạnh mẽ hơn những phản bội của chúng ta. Thánh Nhân ý thức rằng, lòng trung tín của Thiên Chúa xua tan đi nỗi sợ hãi của chúng ta và vượt lên trên tất cả mọi hình dung của nhân loại.


Ngày hôm nay Chúa Giê-su cũng đang hướng câu hỏi về phía chúng ta: „Con có yêu mến Thầy không?“ Ngài đang hỏi chúng ta như thế vì Ngài biết những nỗi sợ hãi cũng như những cố gắng của chúng ta. Thánh Phê-rô chỉ cho chúng ta con đường: tín thác vào Đấng „biết tất cả mọi sự“ về chúng ta, trong lúc chúng ta không xây dựng trên khả năng của chúng ta để trở nên trung tín với Ngài, nhưng trên sự tín trung không gì có thể phá nổi của Ngài. Chúa Giê-su không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì „Ngài không thể phản bội lại chính mình“ (2 Tim 2, 13). Niềm tín trung mà Thiên Chúa cũng không ngừng biểu lộ với các mục tử chúng ta trên công trạng lớn nhất của chúng ta, chính là nguồn mạch đối với sự xác tín của chúng ta cũng như niềm bình an của chúng ta. Lòng trung tín của Thiên Chúa đối với chúng ta luôn luôn nhận được từ trong chúng ta niềm mong muốn sống động để phục vụ Ngài và tha nhân trong Đức Ái.


Tình Yêu của Chúa Giê-su phải đủ cho Thánh Phê-rô. Ngài không được phép buông mình theo cơn cám dỗ để tò mò, để ghen tị như khi Ngài nhìn thấy Thánh Gio-an đứng bên cạnh, và hỏi Chúa Giê-su: „Thưa Thầy, còn anh này thì sao?“ (Ga.21, 21). Nhưng Chúa Giê-su đã trả lời Thánh Nhân: „Điều ấy việc gì tới anh? Phần anh, hãy theo Thầy!“ (Ga. 21, 22). Kinh nghiệm này của Thánh Phê-rô cũng là một sứ điệp quan trọng đối với chúng ta – kính thưa các Đức Tổng Giám Mục và chư huynh khả ái. Ngày hôm nay Chúa Giê-su cũng lập lại với tôi, với các chư huynh và với tất cả các vị mục tử: Hãy theo Thầy! Đừng phí phạm thời gian vào những câu hỏi hay những cuộc thảo luận vô ích; đừng dựa dẫm vào những điều phụ thuộc, nhưng hãy nhìn vào những điều chính yếu và hãy theo Thầy. Hãy theo Thầy cho dù có gặp những khó khăn. Hãy theo Thầy với chứng tá của cuộc sống, tức điều tương ứng với quà tặng của ân sủng thuộc về Bí Tích Thanh Tẩy cũng như ân sủng của Bí Tích Truyền Chức. Hãy theo Thầy, bằng cách anh hãy nói với những người khác về Thầy, bên những con người mà anh sống với, ngày lại ngày, trong sự cố gắng làm việc, trong đối thoại, trong tình bạn. Anh Hãy theo Thầy bằng cách công bố Tin Mừng cho tất cả, trước tiên là cho những kẻ cùng rốt, để không ai bị thiếu Lời Hằng Sống, Lời xua tan đi mọi nỗi sợ hãi, và ban tặng niềm tín thác trên sự tín trung của Thiên Chúa.


Lm Đa-minh Thiệu O.Cist  - chuyển ngữ


Văn Kiện Giáo Hội