Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ dành cho các tín hữu Armenia tại Đền Thờ Thánh Phê-rô sáng Chúa Nhật ngày 12.04.2015

 

Anh chị em thân mến,

Thánh Gio-an, người đã hiện diện trong Nhà Tiệc Ly vào buổi chiều thứ nhất sau ngày Sabbat, đã tường thuật lại rằng, Chúa Giê-su bước vào trong giữa các môn đệ và nói: „Bình an cho anh em!“ Và Ngài chỉ cho các ông thấy „đôi bàn tay và cạnh sườn của Ngài“ (20,19-20), Ngài chỉ cho các ông thấy những vết thương của Ngài. Và như thế họ nhận ra rằng, đó không phải là bóng ma. Ngài thực sự là Chúa, và họ rất vui mừng.

Tám ngày sau Chúa Giê-su lại hiện đến trong Nhà Tiệc Ly và chỉ cho Thomas thấy những vết thương của Ngài để ông đụng tới chúng theo như lòng mong muốn của ông, để ông có thể tin và để ông cũng trở thành chính nhân chứng của sự Phục Sinh.

Vào ngày Chúa Nhật hôm nay, tức ngày mà Thánh Gio-an Phao-lô II Giáo Hoàng đã đặt tên là Chúa Nhật về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, qua Tin Mừng, Chúa Giê-su cũng chỉ cho chúng ta – những con người của thời đại hôm nay – thấy những vết thương của Ngài. Đó là những vết thương của Lòng Thương Xót. Thực sự, những vết thương của Chúa Giê-su chính là những vết thương của Lòng Thương Xót.

Chúa Giê-su đang mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng những vết thương ấy, Ngài mời gọi chúng ta hãy sờ mó vào những vết thương ấy, như chính Ngài cũng đã làm như vậy với Thánh Thomas, để chữa lành sự bất tín của chúng ta. Trước hết, Ngài mời gọi chúng ta hãy bước vào trong mầu nhiệm của những vết thương ấy mà nó chính là mầu nhiệm về Tinh Yêu Thương Xót của Ngài.

Nhờ vào những vết thương và xuyên qua một lối đi được chiếu sáng, chúng ta có thể chiêm ngưỡng toàn bộ mầu nhiệm của Chúa Ki-tô và của Thiên Chúa: sự đau khổ của Ngài, cuộc sống dương gian của Ngài – hoàn toàn cảm thông với những con người bé nhỏ và những ai ốm đau bệnh tật – mầu nhiệm Nhập Thể của Ngài trong cung lòng Đức Maria. Và chúng ta có thể quay trở lại với toàn bộ lịch sử: các vị Ngôn Sứ - đặc biệt là người Tôi Trung của Thiên Chúa -, các Thánh Vịnh, Lề Luật và Giao Ước, cho tới cuộc giải thoát khỏi kiếp nô lệ Ai-cập, tới Đại Lễ Vượt Qua đầu tiên, và tới máu của những con chiên xá tội; và tiếp tục tới các vị tổ phụ, tới Áp-ra-ham; và sau đó, trong thời cổ đại, tới Abel và máu của ông, tiếng kêu thấu tới trời. Chúng ta có thể nhìn thấy tất cả những điều đó xuyên qua những vết thương của Chúa Giê-su, Đấng đã chết trên Thập Giá và đã phục sinh. Và như Đức Maria trong Kinh Magnificat, chúng ta có thể nhận ra rằng, „từ đời nọ đến đời kia, Chúa vẫn hằng thương xót“ (xc. Lc 1,50).

Khi tận mắt chứng kiến những biến cố bi ai trong lịch sử nhân loại, đôi khi chúng ta bị nghiền nát và tự hỏi: Tại sao? Sự độc ác của con người có thể mở ra một sự trống rỗng to lớn giống như những vực thẳm trong thế giới: một sự trống rỗng về Tình Yêu, một sự trống rỗng về những điều tốt lành, một sự trống rỗng về sự sống. Và rồi chúng ta sẽ tự hỏi: Chúng ta có thể lấp những vực sâu ấy lại bằng cách nào đây? Đối với chúng ta, đó là điều không thể; chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể lấp đầy những hố rỗng này, đó là những hố rỗng do sự độc ác đã mở ra trong con tim của chúng ta và trong lịch sử của chúng ta. Và Chúa Giê-su, Đấng đã trở thành con người và đã chết trên Thập Giá, sẽ lấp đầy vực thẳm của tội lỗi bằng vực sâu của Lòng Thương Xót Ngài.

Trong một bài chú giải của Ngài về sách Diễm Ca (Disc. 61, 3-5; Opera omnia 2, 150-151), Thánh Bê-na-đô đã dừng lại bên mầu nhiệm về những vết thương của Chúa, và Ngài đã trình bày về mầu nhiệm ấy một cách rất mạnh mẽ và táo bạo. Trong thời đại hôm nay, sẽ rất hữu ích khi lĩnh hội được điều ấy. Ngài nói rằng, „nhờ vào những vết thương rộng mở của thân xác, Trái Tim Rất Thánh của Chúa Ki-tô, luôn trong tư thế mở ra, mầu nhiệm vĩ đại của Tình Yêu luôn mở ra, và sự thẳm sâu mở ra thông qua những vết thương.“

Anh chị em thân mến, anh chị em hãy nhìn con đường mà Thiên Chúa đã mở ra cho chúng ta, để nhờ đó chúng ta bước ra khỏi kiếp nô lệ của sự ác và sự chết, và bước vào trong miền đất của sự sống và bình an. Con đường này là chính Ngài, Chúa Giê-su, Đấng đã chết trên Thập Giá và đã phục sinh, và trong một cách thế đặc biệt, những vết thương của Ngài chính là lòng Thương Xót tròn đầy.

Các Thánh dậy cho chúng ta biết rằng, thế giới sẽ được biến đổi nhờ vào sự canh tân cõi lòng của mỗi người – và điều đó diễn ra nhờ vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Khi tận mắt chứng kiến những tội lỗi của chính tôi hay tận mắt chứng kiến những thảm cảnh to lớn của thế giới, „lương tâm sẽ trở nên bất an. Nhưng điều đó mang đến sự lúng túng, vì tôi nghĩ tới những vết thương của Chúa. Vì „Ngài đã bị mang thương tích vì tội ác của chúng ta“ (Is 53,5). Điều gì có thể dẫn tới cái chết đến mà nó không được giải quyết nhờ vào cái chết của Chúa Ki-tô“ (Thánh Bê-na-đô)?

Thường xuyên hướng cái nhìn lên những vết thương của Chúa Giê-su Phục Sinh, cùng với Giáo hội, chúng ta có thể hát lên: „Lòng trung tín của Chúa tồn tại đến muôn đời“ (Tv 117,2); Lòng Thương Xót của ngài bền vững muôn năm. Và với những lời ấy trong lòng, chúng ta hãy đi trên những con đường của lịch sử, tay trong tay với Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng ta, Ngài là sự sống và là niềm hy vọng của chúng ta.

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội