Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc hội kiến chung sáng thứ Tư ngày 15.04.2015: GIA ĐÌNH – Mục 10. Người Chồng và Người Vợ (I)

 

Anh chị em thân mến, xin kính chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Bài Giáo Lý hôm nay sẽ được dành để nói về một khía cạnh trung tâm trong mối liên hệ đến đề tài về gia đình: Hồng ân vĩ đại của Thiên Chúa ban cho nhân loại với việc sáng tạo nên người nam và người nữ và Bí Tích Hôn Phối. Bài Giáo Lý hôm nay và những bài Giáo lý sắp tới sẽ đề cập đến sự khác biệt và sự tương hợp lẫn nhau của người chồng và người vợ, mà với họ, công trình sáng tạo của Thiên Chúa đạt tới đỉnh điểm của nó; những điều sau đây sẽ liên quan đến những câu hỏi trong mối liên hệ với đời sống hôn nhân.

 

Chúng ta hãy bắt đầu với một chú giải ngắn về trình thuật đầu tiên của cuộc sáng tạo trong sách Sáng Thế. Cuộc sáng tạo cho thấy rằng, Thiên Chúa đã tạo ra một kiệt tác của mình sau khi đã sáng tạo nên vũ trụ và mọi sinh vật: „Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ“ (St 1,27), sách Sáng Thế đã thuật lại như thế.

 

Như tất cả chúng ta đều biết, sự khác biệt về giới tính biểu lộ trong nhiều thể thức của sự sống trên hệ thống các sinh vật. Tuy nhiên, một sự đồng dạng với Thiên Chúa chỉ có thể nhận thấy trong trường hợp người nam và người nữ: trình thuật Kinh Thánh lập lại điều này ở ba đoạn trong 2 câu (St 1,26-27): Người Nam và người nữ là họa ảnh của Thiên Chúa. Điều ấy nói với chúng ta rằng, không chỉ một mình người nam hay một mình người nữ đã đón nhận hình ảnh của Thiên Chúa, nhưng cả người nam lẫn người nữ đều là một hình ảnh của Thiên Chúa với tính cách là đôi vợ chồng. Sự khác biệt giữa người chồng và người vợ không hỗ trợ cho sự đối lập hay cho một sự lệ thuộc, nhưng phục vụ cho sự hiệp nhất tương ứng với họa ảnh của Thiên Chúa cũng như hỗ trợ cho việc sinh sản.

 

Kinh nghiệm dậy chúng ta rằng: đối với một sự nhận thức tốt về chính bản thân và với một sự phát triển hòa điệu, con người cần tới một mối quan hệ hỗ tương giữa người chồng và người vợ. Nếu điều này không diễn ra thì sẽ có những hậu quả rõ rệt. Vì thế chúng ta phải lắng nghe nhau và phải giúp đỡ lần nhau. Chúng ta có thể nói rằng, nếu không có việc làm phong phú hóa lẫn cho nhau, cả hai sẽ không thể nhận thức được một cách đầy đủ thế nào là việc trở thành người chồng hay người vợ - trong suy nghĩ cũng như trong hành động, trong các mối tương quan thân mật, trong công việc và cả trong Đức Tin nữa.

 

Văn hóa hiện tại và quá khứ đã mở ra những không gian mới, những tự do mới và những quan sát có tính chi tiết đối với một sự cải thiện nơi sự nhận thức về tính khác biệt. Đồng thời, sự nghi kỵ và sự hoài nghi cũng đã phát sinh. Cha tự hỏi, phải chăng cái được gọi là học thuyết về „giới tính“ cũng không phải là một sự diễn tả của tâm trạng thất vọng và sự ngao ngán hay sao, với mục đích nhằm chấm dứt sự khác biệt về giới tính, vì học thuyết này không còn khả năng để quan tâm đến điều đó nữa? Trong thực tế, chúng ta đang có nguy cơ mắc phải một sự thụt lùi. Việc gạt giới tính qua một bên, trong thực tế, chính là một vấn đề chứ không phải là một sự giải quyết. Để giải quyết các vấn đề liên quan tới mối tương quan của mình, cả người chồng lẫn người vợ đều phải đối thoại với nhau nhiều hơn nữa, lắng nghe nhau, học biết về nhau tốt hơn và yêu thương nhau hơn nữa. Họ phải gặp gỡ nhau với sự kính trọng và phải chăm sóc cho một sự cộng tác đầy thân ái. Dựa trên nền tảng nhân văn được hỗ trợ bởi ân sủng của Thiên Chúa, kế hoặc về sự hiệp thông hôn nhân và gia đình sẽ trở nên có thể đối với toàn bộ cuộc sống. Khế ước hôn nhân và gia đình, trước hết, được đón nhận một cách nghiêm túc không chỉ bởi các tín hữu. Cha muốn kêu gọi giới trí thức hãy thảo luận về đề tài này hầu đem đến ích lợi cho một xã hội tự do và công bằng, không phải như một điều thứ yếu.

 

Thiên Chúa đã ủy thác trái đất cho một khế ước phát sinh từ người chồng và người vợ: Sự tan vỡ của khế ước này  dẫn tới một sự khô cạn trong các mối tương quan thân mật, và dẫn tới một sự làm mờ tối chân trời của niềm hy vọng. Những dấu hiệu đáng lo ngại đã có sẵn và chúng ta có thể nhận ra chúng. Trong số rất nhiều điểm khác nhau, trước hết, Cha muốn nhấn mạnh tới hai điểm mà theo quan điểm của Cha, chúng ta nên đón nhận chúng với một sự khẩn thiết to lớn hơn.

 

Trước hết, không hề có sự nghi ngờ rằng, trong ý nghĩa của một sức mạnh lớn hơn trong sự hỗ tương giữa những người nam và những người nữ cần phải được thực hiện nhiều hơn nữa cho người nữ. Trong thực tế có sự cần thiết rằng, giới phụ nữ không chỉ được lắng nghe nhiều hơn nữa, nhưng tiếng nói của họ trong cộng đồng và trong Giáo hội cũng phải được thừa nhận là có trọng lượng thực tế cũng như có quyền được nhìn nhận. Cách thế, như Chúa Giê-su quan sát người phụ nữ trong một môi trường ít thuận lợi hơn so với môi trường của thời đại hôm nay – vào thời của Ngài, trong thực tế, giới phụ nữ chỉ sở hữu vị trí thứ yếu – sẽ mang tới một ánh sáng rạng ngời, ánh sáng ấy sẽ chiếu sáng cả một con đường dài mà từ con đường đó, chúng ta mới chỉ đi được một đoạn nho nhỏ. Chúng ta đã chưa hiểu được trong tất cả chiều sâu về việc các nữ thiên tài có thể trao cho chúng ta điều gì, người phụ nữ có thể trao cho xã hội và cho chúng ta điều gì: Một người phụ nữ có thể nhìn sự việc bằng cặp mắt khác, mà cặp mắt ấy có thể bổ khuyết cho những suy nghĩ của nam giới. Đó là một con đường được đi lên với một sự sáng tạo và với nhiều can đảm.

 

Suy tư thứ hai liên quan đến đề tài người nam và người nữ được sáng tạo theo họa ảnh của Thiên Chúa. Cha tự hỏi, liệu cuộc khủng hoảng có tính tập thể nơi niềm tín thác vào Thiên Chúa, mà cuộc khủng hoảng này đang gây hại cho chúng ta rất nhiều, có làm cho chúng ta nhiễm phải thứ bệnh thất vọng trước sự bất tín và thói nhạo báng mà nó không liên quan tới cuộc khủng hoảng về khế ước giữa người chồng và người vợ không? Trình thuật Kinh Thánh nói với chúng ta về một hình ảnh mang đầy tính biểu tượng của khu vườn Eden và tội nguyên tổ rằng, sự hiệp thông với Thiên Chúa phản chiếu trong sự hiệp thông của đôi vợ chồng nhân loại, và việc đánh mất niềm tín thác vào Cha trên trời sẽ dẫn tới những mối căng thẳng và những xung đột giữa người chồng và người vợ.

 

Điều đó khuấy động trách nhiệm lớn lao của Giáo hội, của tất cả các tín hữu và trước tiên là của những gia đình tín hữu, nó thúc đẩy hầu tái khám phá ra vẻ đẹp nơi kế hoạch của Thiên Chúa, mà kế hoạch ấy được khắc nghi trong khế ước giữa người chồng và người vợ, tức những người đã được sáng tạo nên theo họa ảnh của Thiên Chúa. Trái đất sẽ được lấp đầy với sự hòa điệu và lòng tín thác khi khế ước giữa người chồng và người vợ được sống trong sự tốt lành. Khi người chồng và người vợ cố gắng để đạt tới được sự hiệp thông này với nhau và với Thiên Chúa, thì chắc chắn sự hiệp thông ấy sẽ được tìm thấy. Chúa Giê-su đã khích lệ chúng ta một cách dứt khoát trong việc trở thành chứng nhân cho vẻ đẹp của hình ảnh Thiên Chúa.

 

Vatican ngày 15 tháng 04 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội