Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường Thánh Phê-rô sáng thứ Tư ngày 29.04.2015: GIA ĐÌNH – Mục 12. Hôn Nhân (I)

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

 

Hôm nay, sự chiêm ngưỡng của chúng ta về kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa đối với người nam và người nữ với tư cách là một cặp vợ chồng, được dành trực tiếp cho Chúa Giê-su theo cách suy tư của hai trình thuật trong sách Sáng Thế.

Ngay ở phần đầu cuốn Tin Mừng của mình, Thánh Sử Gio-an đã tường thuật về tiệc cưới Ca-na mà cả Đức Trinh Nữ Maria, Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài cũng đều đã hiện diện trong đó (xc. Ga 2,1-11). Chúa Giê-su đã không chỉ tham dự trong đám cưới ấy, nhưng Ngài còn „cứu tiệc cưới“ bằng việc biến nước thành rượu! Do đó, Ngài đã đưa ra một trong các dấu chỉ diệu kỳ của Ngài – tức những dấu chỉ biểu lộ vinh quang của Ngài – trong bối cảnh một đám cưới. Cử chỉ cảm thông to lớn này đối với gia đình đang hình thành, đã được gợi ra bởi sự quan tâm đầy từ mẫu của Đức Maria. Điều này nhắc chúng ta nhớ tới sách Sáng Thế, khi Thiên Chúa hoàn thành công trình tạo dựng cũng như đã sáng tạo nên kiệt tác của Ngài, tức người nam và người nữ. Chúa Giê-su cũng đã thực hiện phép lạ đầu tiên của Ngài ở ngay bên kiệt tác ấy: bên một người nam và một người nữ, họ đang bước vào đời sống hôn nhân và đang cử hành đám cưới của họ. Như thế, Chúa Giê-su đã dậy cho chúng ta biết rằng, kiệt tác của cộng đồng xã hội chính là gia đình: Tình Yêu giữa một người nam và một người nữ! Đó là kiệt tác!

Từ đám cưới Ca-na, nhiều điều đã thay đổi, nhưng „dấu chỉ“ này của Chúa Giê-su chứa đựng một sứ điệp có giá trị vĩnh cửu.

Trong thời đại hôm nay, có vẻ nhưn không hề dễ dàng chút nào khi mô tả đời sống hôn nhân như là một đại lễ đang được canh tân trong suốt thời gian – trong những giai đoạn khác nhau của toàn bộ cuộc sống đôi vợ chồng. Thực tế cho thấy rằng, con số những người thiết lập khế ước hôn nhân đang ngày càng trở nên ít đi; điều này là một sự thật: nhiều người trẻ không muốn lập gia đình nữa. Trái lại, trong nhiều quốc gia, con số những vụ ly dị đang tăng lên, trong khi đó, số trẻ em đang sút giảm. Những khó khăn trong việc sống chung – cả trong đời sống hôn nhân lẫn trong đời sống gia đình – đang dẫn tới một sự tan rã các mối liên kết ngày càng thường xuyên và chóng vánh hơn, và con cái chính là những người đầu tiên cảm nhận được những hậu quả. Nhưng chúng ta hãy nghĩ tới việc những nạn nhân đầu tiên, những nạn nhân quan trọng nhất, mà họ phải gánh chịu một cách đau khổ nhất đối với một cuộc ly dị, chính là con cái. Nếu chúng ta có kinh nghiệm về thời niên thiếu của mình rằng, hôn nhân là một sự kết hợp „được giới hạn trong thời gian“, thì rồi điều này sẽ bị neo chặt trong tiềm thức. Do đó, rất nhiều người trẻ đang có khuynh hướng khước từ kế hoạch về một sự gắn kết không thay đổi của một gia đình bền vững. Theo quan điểm của Cha, chúng ta phải tự hỏi một cách rất nghiêm túc rằng, vì lý do nào mà nhiều người trẻ lại „không dám“ bước vào đời sống hôn nhân. Một nền văn hóa tạm thời đang hiện hữu … tất cả đều tạm thời, và xem ra không có thứ gì là dứt khoát.

Việc vắng mặt người trẻ trong đời sống hôn nhân đang là một trong những điều gây lo lắng và xuất hiện một cách bất thần trong thời đại hôm nay: Tại sao người trẻ không lập gia đình? Tại sao họ thường thích một cuộc sống chung mà cuộc sống chúng ấy không hiếm khi bao hàm việc „ít trách nhiệm“? Tại sao nhiều người – kể cả những người đã chịu Phép Rửa Tội – lại có ít sự tin tưởng vào đời sống hôn nhân và gia đình? Nếu chúng ta muốn người trẻ thấy được con đường chính trực, thì có nghĩa là chúng ta phải truy cho đến cùng câu hỏi này: tại sao họ lại không tin vào đời sống gia đình?

Ở đây, không phải chỉ những vấn đề kinh tế đóng một vai trò, mặc dù những vấn đề ấy thực sự nghiêm túc. Nhiều người cho rằng, sự thay đổi trong những thập niên vừa qua đã được bắt đầu bởi việc giải phóng phụ nữ. Nhưng chứng cớ này không có giá trị dù chỉ một lần. Nó hoàn toàn sai, hoàn toàn giả dối! Đó là một hình thức thuộc chủ nghĩa sô-vanh, muốn thống trị nữ giới một cách không ngừng. Chúng ta chỉ có thái độ giống như A-đam khi Thiên Chúa nói với ông: „Há chẳng phải ngươi đã ăn trái của cây mà Ta đã cấm ngươi sao?“, và ông cãi lại: „Người đàn bà đã trao nó cho tôi!“ Chỉ có người phụ nữ mang tội sao? Thật tội nghiệp cho giới phụ nữ! Chúng ta phải bênh vực nữ giới! Trong thực tế, hầu hết mọi người nam và người nữ đều muốn có sự an toàn chắc chắn về một cảm giác vững vàng; một mối tương quan có sức chịu đựng và một gia đình hạnh phúc. Gia đình lưu lại nơi vị trí đầu tiên trong tất cả những dấu hiệu chỉ báo về niềm mong muốn của những người trẻ; tuy nhiên, những người này, vì sợ phạm phải sai lầm, nên đã không muốn đưa ra sự cân nhắc dù chỉ một lần; mặc dù họ là các Ki-tô hữu, nhưng họ không nghĩ tới Bí Tích Hôn Phối, không nghĩ tới dấu chỉ duy nhất và không thể lập lại của khế ước mà nó trở nên chứng tá của Đức Tin. Có lẽ, nỗi sợ hãi trước sự thất bại này chính là một rào cản lớn nhất đối với việc đón nhận Lời Chúa Ki-tô, Đấng hứa ban ân sủng của Ngài cho sự hiệp nhất trong hôn nhân và cho đời sống gia đình.

Chứng tá đáng tin cậy nhất đối với phúc lành của hôn nhân Ki-tô giáo chính là một lối sống tốt lành của các cặp vợ chồng và của các gia đình Ki-tô hữu. Không có bất cứ hình thức nào khác diễn tả tốt hơn vẻ đẹp của Bí Tích! Đời sống hôn nhân được thánh hóa bởi Thiên Chúa, bảo vệ mối liên kết giữa người chồng và người vợ mà Thiên Chúa đã chúc phúc cho họ ngay từ khi tạo thành vũ trụ; nó chính là cội nguồn của hòa bình và là cội nguồn của mọi điều tốt lành đối với toàn bộ cuộc sống hôn nhân và gia đình. Chẳng hạn như, nhờ vào phẩm giá to lớn này của mối liên kết giữa người chồng và người vợ, mà ngay từ lúc khởi đầu Ki-tô giáo, một sự lạm dụng quyền hành một cách quá đáng thường được duy trì vào thời đó, đã bị vượt qua: quyền của những người chồng trong việc rẫy bỏ những người vợ của họ, kể cả vì những lý do kiêu kỳ lẫn những lý do nhục nhã nhất. Tin Mừng về gia đình mà chính Bí Tích này công bố, đã chiến thắng nền văn hóa lấy làm quen với sự rẫy bỏ này.

Hạt giống Ki-tô giáo về sự bình đẳng căn bản giữa những người vợ và người chồng phải mang đến nhiều hoa trái mới trong thời đại hôm nay. Chứng tá về phẩm giá mang tính xã hội của đời sống hôn nhân sẽ đạt tới được sức cảm hóa nhờ vào con đường làm chứng đầy hấp dẫn, con đường hỗ tương và mối tương quan qua lại giữa họ.

Từ lý do ấy, chúng ta sẽ phải bị đòi hỏi nhiều hơn trong lãnh vực này với tư cách là các Ki-tô hữu. Chẳng hạn như chúng ta cần phải hỗ trợ một cách cương quyết hơn đối với quyền được nhận lương ngang nhau cho một công việc như nhau; tại sao một sự thu nhập thấp hơn của những người phụ nữ trong sự so sánh với những người nam, lại được nhìn nhận như là sự đã rồi? Không! Họ có quyền ngang nhau. Sự bất bình đẳng là sự ô nhục thuần túy! Đồng thời, tình mẫu tử của nữ giới và tình phụ tử của nam giới cần được nhìn nhận như là sự phong phú luôn luôn có giá trị, trước hết là vì những người con. Cũng vậy, đức tính hiếu khách của các gia đình Ki-tô hữu mang một tầm quan trọng đăc biệt trong thế giới hôm nay; trước hết là trong những tình trạng nghèo túng, tình trạng đổ nát, và tình trạng bạo lực trong gia đình.

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng sợ hãi trước việc mời Chúa Giê-su đến dự tiệc cưới tại gia đình chúng ta, để Ngài hiện diện giữa chúng ta cũng như bảo vệ chở che gia đình chúng ta. Chúng ta cũng đừng sợ hãi trong việc mời Đức Maria – Thân Mẫu của Ngài đến! Khi các Ki-tô hữu bước vào hôn nhân „trong tâm hồn“, thì họ sẽ được biến đổi trong một dấu chỉ đầy hiệu năng của Tình Yêu Thiên Chúa. Các Ki-tô hữu lập gia đình không phải cho chính mình: Họ lập gia đình trong Thiên Chúa để mưu cầu hạnh phúc cho toàn thể cộng đồng cũng như cho toàn thể xã hội.

Trong bài Giáo Lý lần tới, Cha cũng sẽ nói về ơn gọi cao quý này của đời sống hôn nhân Ki-tô giáo.

 

Vatican ngày 29 tháng 04 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội