Bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô tại nghĩa trang Redipuglia: Lễ tưởng niệm dành cho các nạn nhân của thế chiến thứ nhất

Anh chị em thân mến,

Sau khi Cha quan sát vẻ đẹp thiên nhiên của vùng này, nơi những người nam và những người nữ làm việc, và như thế, làm thăng tiến gia đình của họ, tức nơi mà những đứa con nhỏ chơi đùa và những cụ già ước mơ…, giờ đây, tại nơi này, Cha chỉ có thể nói được một điều rằng: Chiến tranh là một hành động điên cuồng.

Trong khi Thiên Chúa điều khiển công trình sáng tạo của Ngài và con người chúng ta được kêu gọi cộng tác với công trình của Thiên Chúa, thì chiến tranh lại gây ra sự hủy hoại. Nó cũng hủy hoại điều đẹp nhất mà Thiên Chúa đã sáng tạo: đó là con người. Chiến tranh làm cho tất cả trở nên vô cùng hỗn loạn, kể cả trong những mối quan hệ huynh đệ. Chiến tranh là hành động điên cuồng, kế hoạch phát triển của nó là sự phá hủy: ý chí phát triển thông qua sự tàn phá!

Lòng tham, tính bất khoan dung, sự khát khao quyền bính – đó là những nguyên nhân mà chúng đưa đến những quyết định chiến tranh, và những nguyên nhân này thường xuyên bị coi là hợp lý bởi những ý thức hệ; nhưng trước tiên là vì sự đam mê, là vì những động cơ sai trái. Ý thức hệ là một sự biện hộ, và khi không có ý thức hệ nào tồn tại, thì rồi sẽ có câu trả lời của Cain: „Điều đó có liên quan gì tới tôi?“, „Tôi có phải là người bảo vệ em tôi đâu?“ (St 4.9). Chiến tranh không nhìn ai trong dung mạo: Người già, trẻ em, những người mẹ, những người cha… „Những người đó có can hệ gì tới tôi đâu?“

Trên đường vào nghĩa trang này, một khẩu hiệu châm biếm chiến tranh được treo với dòng chữ: „Điều đó có liên quan gì tới tôi?“. Tất cả những người này mà di hài của họ đang yên nghỉ tại đây, đều đã có những dự định cũng như những giấc mơ của mình…, nhưng cuộc sống của họ đã bị tàn phá. Người ta đã nói: „Điều đó có liên quan gì tới tôi đâu?“

Ngay cả ngày hôm nay, sau sự thất bại thứ hai của một cuộc thế chiến tiếp theo, có lẽ người ta có thể nói về một cuộc thế chiến thứ ba mà nó đã bị tranh đấu đến cùng „trong những khu vực“, với những tội ác đầy trời, với các cuộc thảm sát và với những hủy hoại...

Để trung thực, trên những trang nhất của những tờ nhật báo, cần phải được in với tiêu đề này: „Điều đó có liên quan gì tới tôi?“ Cain sẽ nói: „Tôi có phải là người bảo vệ em tôi đâu?“

Hành động này chính xác là điều trái ngưược với những gì mà trong Tin Mừng Chúa Giê-su đã đòi hỏi chúng ta. Chúng ta đã nghe rằng, Ngài hiện diện trong những người anh em nhỏ bé nhất của Ngài: Ngài, Đấng là vua, Đấng là quan tòa xét xử thế giới, lại tự nhận mình là những kẻ đói, kẻ khát, kẻ lạ, kẻ ốm đau bệnh tật và những kẻ tù đầy… Ai lo lắng chăm sóc cho những người đồng loại, người ấy sẽ bước vào trong niềm vui của Thiên Chúa; nhưng ai không làm điều đó, ai nói với những thiếu sót của mình rằng: „Điều đó có liên quan gì tới tôi?“, người ấy sẽ ở lại bên ngoài.

Ở đây có nhiều nạn nhân. Ngày hôm nay chúng ta tưởng nhớ tới họ. Dưới nhiều nước mắt và khổ đau. Và từ đây, chúng ta hãy nghĩ về tất cả các nạn nhân của tất cả mọi cuộc chiến tranh.

Ngay cả ngày hôm nay cũng có nhiều nạn nhân… Điều đó sẽ có thể xảy ra thế nào đây? Điều đó có thể, vì ngay cả thời đại hôm nay cũng vẫn có đầy lòng tham và sự đói khát quyền bính dưới những phe cánh quyền lực, những kế hoạch địa chính trị, cũng như có những hãng sản xuất vũ khí, mà nó có vẻ như rất quan trọng.

Và những kẻ lập kế hoạch khủng bố này, những kẻ tổ chức những cuộc đụng độ này cũng như những kẻ buôn bán vũ khí, đã ghi vào trong con tim của họ câu nói: „Điều đó có liên quan gì tới tôi?“

Việc thừa nhận những khuyết điểm của họ, đau buồn về họ, sám hối về họ, xin ơn tha thứ cũng như than khóc, đó là sự khôn ngoan đặc biệt.

Với mỗi câu nói „Điều đó có liên quan gì tới tôi?“, mà những kẻ đầu cơ chiến tranh có trong tâm hồn, có lẽ họ kiếm được rất nhiều tiền, nhưng con tim bị hư hỏng của họ đã đánh mất khả năng cất lên tiếng khóc. Bất cứ câu nói nào có ý phát biểu rằng, „Việc đó có liên quan gì tới tôi?“, cũng đều cản trở việc than khóc. Cain đã không hề khóc. Ngày hôm nay, cái bóng của Cain phủ lên chúng ta, ngay tại đây, trên nghĩa trang này. Ở đây người ta có thể thấy bóng dáng ấy. Nó được nhìn thấy một cách rõ rệt trong lịch sử mà nó trải dài suốt từ năm 1914 cho tới thời đại hôm nay của chúng ta. Và cái bóng đó cũng vẫn được nhìn thấy một cách rõ rệt trong thời đại chúng ta hôm nay.

Với tấm lòng của một người con, một người anh em, một người Cha, Cha cầu xin cho tất cả anh chị em và cho tất cả chúng ta được ơn hoán cải từ trong tâm hồn: Hầu làm cho bất cứ dạng thức nào của câu nói: „Điều đó có liên quan gì tới tôi?“ chuyển thành lời khóc than; Cha cầu nguyện cho tất cả những người đã ngã xuống bởi „những cuộc đàn áp đẫm máu một cách vô ích“, cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của những cuộc chiến tranh điên khùng trong mọi thời đại. Nhân loại đang có đủ lý do để khóc, và sự khóc than này phải kéo dài cả hàng giờ.

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội