Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 13.05.2015: GIA ĐÌNH – Mục 14. Ba Lời

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Tương tự như một chiếc cổng dẫn vào, bài Giáo Lý hôm nay hình thành nên một loạt những chiêm ngưỡng về cuộc sống gia đình, chiêm ngưỡng về cuộc sống đích thực với thời gian và những biến cố của nó. Có ba lời được khắc ghi trên chiếc cổng dẫn vào này mà trong quá khứ, Cha đã nhiều lần đề cập đến rồi. Ba lời ấy là những lời sau: „Em/anh được phép chứ?“, „Cám ơn!“ và „Xin lỗi!“. Trong thực tế, ba lời này sẽ san phẳng con đường dẫn tới một cuộc sống tốt đẹp trong gia đình, cũng như dẫn tới một đời sống trong bình an. Chúng là những thuật ngữ đơn giản, nhưng cũng không hề đơn giản chút nào trong việc thực hành chúng! Chúng chứa đựng một sức mạnh to lớn: Sức mạnh trong việc bảo vệ gia đình, bất chấp tất cả những khó khăn và thử thách; việc thiếu những lời ấy sẽ dần dần dẫn tới việc nảy sinh những rạn nứt, mà thậm chí những rạn nứt ấy có thể mang cả ngôi nhà tới chỗ sụp đổ.

Chúng ta thường có thói quen hiểu chúng như là những lời của „một sự giáo dục có chất lượng“. Giờ đây một người có giáo dục sẽ xin phép, để cám ơn hay để xin lỗi vì một lầm lỗi đã phạm. Tất nhiên, một sự giáo dục tốt thì rất quan trọng. Một vị Đại Giám Mục, Thánh Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, vẫn cói thó quen nói rằng, một con người được giáo dục kỹ lưỡng thì cũng đã là một nửa vị Thánh rồi. Nhưng hãy coi chừng, chúng ta đã bắt gặp trong lịch sử một chủ nghĩa vụ hình thức về phong cách bên ngoài, mà chủ nghĩa này có thể trở thành một chiếc mặt nạ, mà một sự lãnh đạm thuộc về tâm hồn cũng như thói thờ ơ đối với người khác được che giấu đàng sau nó. Có một câu tục ngữ thế này: „Đàng sau những điệu bộ tốt lành ẩn giấu những thói quen xấu“. Chắc chắn rằng, Đức Tin không chỉ một lần bị đặt trước mối nguy hiểm ấy, tức mối nguy hiểm làm cho những thực hành có tính bề ngoài sa vào tinh thần thế tục. Trong lúc ma quỷ dẫn Chúa Giê-su vào cơn cám dỗ, hắn đã phô diễn những điệu bộ tốt lành: hắn xuất hiện như một ông chủ, như một kẻ hào hoa thích trưng dẫn Thánh Kinh; và như một thần học gia. Phong cách của hắn có vẻ rất lịch sự, nhưng chủ đích của hắn lại chứa đựng việc ngăn cản con đường dẫn tới chân lý Tình Yêu của Thiên Chúa. Trái lại, chúng ta nghĩ tới việc giáo dục tốt trong ý nghĩa đích thực của nó, nghĩ tới sự giáo dục tốt được neo chặt trong Tình Yêu đối với sự thiện, và trong sự kính trọng người khác. Gia đình sống nét tinh tế này trong sự yêu mến lẫn nhau.

 Giờ đây, chúng ta hãy quan sát những thuật ngữ nêu trên về mặt chi tiết: Thuật ngữ đầu tiên là: „Anh/em được phép chứ?“. Nếu chúng ta suy nghĩ tới việc chúng ta cũng sẽ có thể xin một việc cách thân thiện, mà chúng ta coi đó như là điều thích hợp với mình, thì rồi chúng ta sẽ đảm bảo cho tinh thần sống chung trong đời sống hôn nhân và gia đình một giá trị thực sự có ý nghĩa. Bước vào trong cuộc sống của người khác đến độ làm cho người ấy tham dự vào trong cuộc sống của chúng ta, đòi hỏi sự nhạy cảm của một thái độ không gây phiền hà, tức điều đổi mới niềm tin tưởng và sự kính trọng lẫn nhau. Sự thân thiết không cho phép chúng ta cam nhìn tất cả mọi sự là đương nhiên. Tình Yêu càng nội tâm, càng sâu sa thì sẽ càng đòi hỏi chúng ta phải có một sự kính trọng hơn nữa đối với sự tự do của người khác, cũng như phải có khả năng đợi chờ sự mở ra nơi con tim của người khác. Trong mối liên hệ này, nó nhắc chúng ta nhớ tới Lời của Chúa Giê-su trong sách Khải Huyền: „Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta“ (Kh 3, 20). Ngay cả Chúa Giê-su cũng xin được vào! Chúng ta đừng quên điều đó! Trong gia đình, trước khi chúng ta thực hiện một hành vì, chúng ta hãy tự hỏi: „Anh/em có được phép không, anh/em có được phép làm chuyện đó không? Em/anh có cảm thấy hợp lý khi anh/em làm việc đó không?“ Những lời ấy phản ánh một nền giáo dục tốt, nhưng đồng thời cũng tràn đầy Tình Yêu. Điều ấy sẽ mang đến nhiều điều tốt lành cho các gia đình.

Giờ đây chúng ta quay sang thuật ngữ thứ hai: „Cám ơn!“ Đôi khi xảy ra chuyện chúng ta thay đổi trong một nền văn hóa toàn những điệu bộ xấu và những lời xấu xa, dù rằng ở đây là chỉ dấu của sự bình đẳng. Chúng ta thường nghe thấy câu nói này nơi công cộng. Sự niềm nở khi nói lời cám ơn cũng như có khả năng để nói lời cám ơn sẽ bị coi như là chỉ dấu của những người yếu đuối, và thậm chí, đôi khi gây ra sự nghi ngại. Khuynh hướng này đang được di chuyển vào trong chính gia đình. Chúng ta không được phép nhân nhượng trong những gì có liên quan đến việc giáo dục lòng biết ơn: phẩm giá con người và công lý xã hội sẽ chạy dọc theo con đường ấy. Nếu cuộc sống gia đình không quan tâm gì tới kiểu diễn đạt ấy, thì nó cũng sẽ biến mất trong đời sống xã hội. Hơn nữa, đối với một tìn hữu, lòng biết ơn hiện hữu trong trung tâm điểm của Đức Tin: một Ki-tô hữu mà không thể nói một lời cám ơn thì cũng giống như một người đã học nhưng đã quên mất ngôn ngữ của Thiên Chúa. Đó là điều tồi tệ! Chúng ta hãy nhớ lại câu hỏi của Chúa Giê-su khi Ngài đã chữa lành cho mười người mắc bệnh phong hủi nhưng chỉ có một người trở lại để cám ơn Ngài về việc được chữa lành (xc. Lc 17,18). Chúng ta đã từng nghe một cụ ông rất khôn ngoan, tốt lành và giản dị, nhưng cụ ông ấy thể hiện sự khôn ngoan của Lòng Thương Xót và của sự sống: „Lòng biết ơn chính là một cây giống mà nó chỉ sinh trưởng trong mảnh đất của những tâm hồn cao thượng“. Sự cao thượng này của các tâm hồn, và ân sủng của Thiên Chúa trong tâm hồn thúc bách chúng ta nói lời cám ơn. Niềm biết ơn chính là những bông hoa của một tâm hồn cao thượng. Đó là một suy tư rất đẹp.

Lời thứ ba chính là lời „Xin Lỗi“. Để nói điều này cũng không phải là dễ, nhưng nó là điều rất cần thiết. Nếu nó không tồn tại, thì những rạn nứt nho nhỏ sẽ trở thành những huyệt mộ rất sâu, ngay cả khi chúng ta chẳng hề muốn. Chẳng hề tình cờ chút nào khi chúng ta bắt gặp trong lời cầu nguyện mà Chúa Giê-su dậy chúng ta, tức Kinh Lạy Cha – một Kinh được coi như là bản tóm tắt của mọi vấn đề chính yếu trong cuộc sống chúng ta – một sự diễn tả rằng: „Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha, cho những người có lỗi với chúng con“ (Mt 6,12). Thừa nhận những khuyết điểm và mong ước muốn đáp lại người bị xúc phạm – sự kính trọng, tính thẳng thắn, Tình Yêu – làm cho chúng ta đáng được tha thứ. Trong một căn nhà mà trong đó người ta không biết cầu xin sự tha thứ, thì bầu khí sẽ trở nên ngột ngạt, nước trong dòng sông sẽ ngừng chảy. Nhiều những vết thương trong lãnh vực tình cảm, nhiều những vết nứt nội trong gia đình sẽ bắt đầu với việc đánh mất đi lời nói quý báu này: „Xin lỗi!“. Trong đời sống hôn nhân, người ta sẽ thường xuyên cãi vã lẫn nhau… Và rồi „ngay cả những chiếc đĩa cũng sẽ bay“. Nhưng Cha trao cho anh chị em một lời khuyên: Đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không khép lại trong hòa bình. Vấn đề nằm ở chỗ là vẫn thấy cảm giác ấy trong ngày hôm sau. Đừng kết thúc một ngày mà hôm ấy anh chị em đã cãi vã nhau, nhưng không hề khép lại trong gia đình với sự bình an. Tôi nên niêm sự bình an lại như thế nào? Phải chăng tôi nên quỳ gối xuống? Không! Người ta chỉ cần thực hiện một cử chỉ nho nhỏ, một hành vi nho nhỏ, và sự hòa hợp trong gia đình lại tái được phục hồi. Một cử chỉ trìu mến, không cần phải nói, cũng đủ rồi. Đừng bao giờ kết thúc một ngày trong gia đình anh chị em mà chưa tái làm hòa với nhau. Anh chị em có hiểu không? Điều này đúng là không dễ, nhưng nó phải được thực hiện. Nó sẽ làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ba từ khóa trong đời sống gia đình rất đơn giản, và nơi cái nhìn đầu tiên, chúng có thể mang đến cho chúng ta một nụ cười trên môi. Nhưng nếu chúng ta quên những lời ấy, thì sẽ không có chi để cười nữa, đúng không? Nền giáo dục của chúng ta có lẽ không quan tâm tới những lời ấy nhiều cho lắm. Ước gì Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta trong vấn đề này hầu chúng ta có thể tái đặt những lời ấy vào trong vị trí chính xác: trong con tim chúng ta, trong ngôi nhà chúng ta, kể cả trong cuộc sống chung của chúng ta nơi cộng đồng xã hội. Ba lời ấy sẽ làm cho chúng ta bước vào trong Tình Yêu của gia đình.

 

Vatican ngày 13 tháng 05 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội