Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 20.05.2015: GIA ĐÌNH – Mục 15. Sự Giáo Dục

 

Anh chị em thân mến, hôm nay Cha muốn nồng nhiệt chào mừng anh chị em vì Cha đã nhìn thấy nhiều gia đình trong số anh chị em. Xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp, hỡi tất cả các gia đình thân yêu! Ngày hôm nay chúng ta sẽ tiếp tục cuộc chiêm ngưỡng về gia đình. Hôm nay chúng ta sẽ dừng lại nơi một đặc điểm chính yếu của gia đình: ơn gọi thuộc về bản chất của họ đối với việc giáo dục con cái, để chúng có thể lớn lên trong tinh thần trách nhiệm với chính mình và với những người khác. Điều mà chúng ta đã nghe từ Thánh Phao-lô Tông Đồ ngay ở lúc bắt đầu, đó là một sự tuyệt vời: „Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Còn những bậc làm cha mẹ thì đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng“ (Cl 3,20-21). Đây là một quy luật khôn ngoan: con cái được giáo dục để lắng nghe và vâng phục cha mẹ, cùng lúc đó cha mẹ không nên đặt ra các quy định quá khắt khe khiến con cái có thể sẽ bị gây sợ hãi. Như vậy, con cái sẽ dần dần phát triển mà không phải trải qua việc gây nản chí. Nếu anh chị em – với tư cách là cha mẹ - nói với con cái của mình rằng: „Chúng ta hãy đi lên chiếc cầu thang này“, rồi sau đó anh chị em nắm lấy tay chúng và để cho chúng đi lên từng bước một, thì chúng sẽ phát triển rất tốt. Trái lại, nếu anh chị em nói: „Đi lên!“ – „Bây giờ Bố/Mẹ không thể đi được nữa!“ – „Con hãy đi lên một mình!“, như thế thì con cái sẽ trở nên tức tối, và như vậy anh chị em đã yêu cầu chúng làm một điều gì đó mà chúng không thể. Vì thế, mối tương quan giữa cha mẹ và con cái phải được ghi đậm dấu ấn bởi sự khôn ngoan và bởi một sự bình tĩnh to lớn. Những người làm con hãy vâng phục cha mẹ mình, vì đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa. Và anh chị em, hỡi những bậc cha mẹ, anh chị em đừng làm cho con cái phải phẫn nộ khi anh chị em đặt ra cho chúng những đòi hỏi quá đáng. Sở dĩ phải như vậy là để con cái được phát triển trong tinh thần có trách nhiệm đối với chính bản thân chúng và đối với những người khác.

Tất cả những điều đó có vẻ như rất đơn giản, nhưng trong thời đại chúng ta, không hề thiếu những khó khăn. Những người cha mẹ nào chỉ nhìn thấy con cái mình vào mỗi buổi tối, khi họ trở về nhà từ nơi làm việc với sự mệt mỏi – chỉ miễn là họ hạnh phúc bên công việc -, thì sự giáo dục sẽ diễn ra rất khó. Và còn khó khăn hơn nữa nếu việc này diễn ra nơi những cha mẹ ly dị bị chất thêm gánh nặng bởi sự hiện diện này: Những người nghèo; họ có những khó khăn, đã ly dị nhau và thường thì một đứa con sẽ bị sử dụng như là một con tin, và người cha sẽ nói xấu với người con về người mẹ và ngược lại, người mẹ lại nói xấu với con mình về người cha, và như thế, người ta lại bổ sung thêm những nỗi đau to lớn. Cha muốn nói với những bậc cha mẹ đã ly dị rằng: Đừng bao giờ đối xử với con cái mình như là một con tin, đừng bao giờ! Anh chị em đã ly dị nhau vì nhiều nguyên nhân và vì những vấn đề khác nhau; cuộc sống đã đặt anh chị em trước thử thách đó, nhưng con cái không nên phải mang gánh nặng của cuộc ly dị này. Chúng không nên bị lạm dụng như là phương tiện để tạo áp lực cho người cha hoặc người mẹ bên kia, nhưng người cha hoặc người mẹ phải nói tốt về người mẹ hoặc người cha bên kia trong mức độ trưởng thành của chúng, ngay cả khi chúng không sống cùng mình. Người cha và người mẹ cần phải nói tốt về nhau. Ở điễm này, đó là một khía cạnh rất quan trọng nhưng cũng rất khó khăn đối với những cha mẹ ly thân, nhưng họ vẫn có thể thực hiện được điều ấy.

Nhưng trước hết, anh chị em hãy đặt ra cho mình câu hỏi: Phải giáo dục làm sao? Chúng ta có truyền thống giáo dục nào để giới thiệu với con cái của chúng ta trong thời đại hôm nay? Bằng muôn vàn cách thế, những người lao động trí óc „có tính phê phán“ về tất cả mọi lãnh vực, đã đẩy những bậc làm cha làm mẹ đến với nhiều khó khăn trong việc bảo vệ những thế hệ trẻ trước những điều gây hại thực sự hoặc được cho là như thế đối với việc giáo dục trong gia đình. Ngoài chủ nghĩa uy quyền đang dẫn tới những xung đột, gia đình còn bị quăng ra phía trước cho sự đặc quyền đặc lợi, cho chủ nghĩa xu thời và cho sự trấn áp dễ giao động.

Trong thực tế, một khe nứt đã xuất hiện giữa gia đình và xã hội, giữa gia đình và trường học. Một thỏa thuận về giáo dục đã gây ra sự xích mích trong thời đại hôm nay; thỏa thuận ấy dẫn tới một cuộc khủng hoảng cho một hiệp ước về giáo dục giữa cộng đồng và gia đình, vì nó dẫn tới việc đánh mất đi niềm tin tưởng lẫn nhau. Điều đó đang lộ ra bởi nhiều triệu chứng. Chẳng hạn như mối tương quan giữa cha mẹ và các giáo viên trong các trường học không còn điểm nhấn nữa. Đôi khi những căng thẳng cũng như sự bất tín nhiệm đối với nhau đã nảy sinh; tuy nhiên con cái lại cảm nhận được điều đó. Mặt khác, những người được gọi là „các chuyên gia“ thì đang tăng nhanh gấp bội và đã nhận lãnh vài trò của cha mẹ ngay cả trong những công việc giáo dục có tính sâu kín nhất. „Những chuyên gia“ này biết tất cả về đời sống tình cảm, về nhân cách, về sự phát triển, về những quyền lợi và bổn phận: Mục đích, những động cơ thúc đẩy, những kỹ năng: Và cha mẹ chỉ còn biết lắng nghe và học theo, để tự thích ứng. Vai trò của họ đã bị cướp mất, họ thường bị sợ hãi một cách quá mức, và bị chiếm hữu đối với con cái của họ, cho tới bao lâu họ không khuyên dạy chúng được nữa: „Bạn không thể khuyên bảo con của bạn“. Họ có xu hướng càng ngày càng trao phó con cái của họ cho các „chuyên gia“ – cả trong những phương diện vừa có tính khó khăn nhất và cũng vừa có tính cá nhân nhất nơi cuộc sống của chúng – trong khi họ ngồi cô đơn trong một góc, một xó. Như thế, các cha mẹ ngày nay đang có nguy cơ tự khai trừ mình ra khỏi cuộc sống của con cái mình. Điều đó thật quá sức nghiêm trọng! Trong thời đại hôm nay đang có những cái bẫy thuộc thể thức ấy. Nó không xuất hiện một cách thường xuyên, nhưng nó có đấy. Cô giáo nhắc nhở học sinh trong trường học và viết cho cha mẹ một bản báo cáo. Trong mối liên hệ này, Cha muốn thuật lại một mẩu chuyện nhỏ từ chính kinh nghiệm cá nhân của Cha. Vào một ngày nọ, lúc đó Cha đã học tới lớp đệ tứ, Cha đã nói với cô giáo của Cha một lời rất xấu. Cô giáo – đó là một người phụ nữ tốt lành – đã giải thích cho Cha rằng, Cha đã thực hiện một điều gì đó tồi tệ và người ta không nên làm điều ấy. Và thân mẫu của Cha rất chu đáo, bà đã yêu cầu Cha phải xin lỗi cô giáo trước sự hiện diện của bà. Cha đã làm điều đó, và sau này Cha cảm thấy rất vui về việc đó. Câu chuyện đã kết thúc tốt đẹp. Nhưng đó mới chỉ là chương đầu tiên! Khi Cha về đến nhà thì chương thứ hai mới bắt đầu… Anh chị em hãy hình dung ra một cô giáo mà cô ấy giống hệt như thế trong thời đại hôm nay. Vào ngày hôm sau, hai người cha mẹ đứng đối diện với anh chị em và chỉ trích cô, vì theo các „chuyên gia“ con cái không nên bị quở trách. Và như vậy thì vấn đề đã trở nên khác! Vì thế, cha mẹ không được phép để cho mình bị đẩy ra khỏi sự giáo dục con cái của mình.

Rõ ràng là thái độ này không có lợi: nó không bao hàm sự hòa điệu, không có sự đối thoại, thay vì thúc đẩy sự cộng tác giữa gia đình và các cơ sở giáo dục khác – các trường học, các hiệp hội thể thao … -, thì trái lại, nó cản trở việc ấy. Chúng ta đã đạt tới được điểm này như thế nào? Chắc chắn là các bậc cha mẹ và những mô hình giáo dục nào đó trong quá khứ đã có một số những nhược điểm. Không hề có sự nghi ngờ gì về điều đó. Nhưng nó thiếu sự hiện diện của những điều mà chỉ cha mẹ mới được phép thực hiện, vì họ có thể cân bằng chúng bằng một cách thế mà ngoài họ ra, không ai có khả năng làm việc đó. Thêm vào đó, chúng ta hoàn toàn ý thức rằng, thời gian để nói chuyện, để suy nghĩ, để ngồi cạnh nhau, đã trở nên rất hiếm hoi trong cuộc sống chúng ta. Nhiều cha mẹ bị „giam giữ“ bởi công việc – những người cha và những người mẹ phải làm việc – và còn bị „giam giữ“ bởi những mối lo lắng khác; họ bị rối trí bởi những nhu cầu mới của con cái và bởi sự phức tạp của cuộc sống hiện đại, nó là như thế như nó là. Chúng ta phải chấp nhận nó. Đồng thời, những người cha và những người mẹ còn bị làm tê liệt bởi nỗi sợ hãi trước việc phạm phải những lỗi lầm. Nhưng khó khăn không chỉ nằm trong sự đối thoại. Hơn nữa, „chủ nghĩa đối thoại“ hời hợt và nông cạn sẽ không đưa tới những cuộc gặp gỡ đích thật từ tinh thần tới con tim. Tốt nhất chúng ta nên hỏi: chúng ta có cố gắng để hiểu về việc con cái đang thực sự có mặt „ở đâu“ trên con đường của chúng không? Trong thực tế, tâm hồn của chúng đang đặt ở đâu – chúng ta có biết không? Và trên hết: chúng ta có muốn biết chuyện đó không? Chúng ta có tin rằng, trong thực tế, chúng không mong đợi bất cứ một điều chi khác không?

Tất cả các cộng đoàn Ki-tô giáo đều được mời gọi trao đi sự hỗ trợ cho sứ mạng giáo dục của các gia đình. Họ thực hiện điều này, trước tiên là với ánh sáng của Lời Chúa. Thánh Phao-lô Tông Đồ đã nhắc tới mối tương quan nơi bổn phận giữa cha mẹ và con cái: „Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Còn những bậc cha mẹ thì đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng“ (Cl 3,20-21). Nền tảng trước tiên chính là Tình Yêu mà Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta, Tình Yêu ấy không thiếu niềm tôn kính, không đuổi theo những mối quan tâm riêng của mình, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, … tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả và chịu đựng tất cả (xc. 1Cor 13,5-7). Ngay cả trong những gia đình tốt nhất thì người ta cũng phải chịu đựng lẫn nhau. Cần phải có một sự kiên nhẫn to lớn đối với nhau! Nhưng cuộc sống là như thế. Cuộc sống không diễn ra trong phòng thí nghiệm, nhưng diễn ra trong thực tế. Chính Chúa Giê-su cũng đã có được kinh nghiệm về sự giáo dục trong gia đình.

Ngay cả trong trường hợp này, ân huệ Tình Yêu của Thiên Chúa cũng sẽ mang điều được khắc ghi nơi bản tính con người, tới với sự viên mãn. Chúng ta có thể nhìn ngắm sự khôn ngoan hoàn toàn nhân loại nơi biết bao nhiêu là gương sáng tuyệt vời của các cha mẹ Ki-tô giáo! Họ dẫn tới trước cặp mắt chúng ta một điều rằng, một sự giáo dục tốt từ gia đình chính là cột trụ đỡ nâng nhân loại. Sự tỏa sáng của các gia đình trên xã hội chính là một nguồn tài nguyên mà nó tạo điều kiện để bù lại những thiếu thốn, những vết thương, những lỗ hổng của tình cha và tình mẹ, mà những đứa con bị đối xử một cách bất công đang bị liên lụy bởi chúng. Sự tỏa sáng này có thể gây ra những phép lạ thực sự. Nó vẫn đang tiếp tục đưa đến các phép lạ mỗi ngày trong Giáo hội!

Cha duy trì niềm mong muốn rằng, Thiên Chúa sẽ ban tặng cho các gia đình Đức Tin, sự tự do và niềm can đảm cần thiết đối với sứ mạng của họ. Nếu việc giáo dục trong gia đình tái tìm thấy sự cao quý trong vai trò quan trọng của nó, thì rất nhiều điều sẽ trở nên tốt hơn – đối với những bậc cha mẹ không chắc chắn cũng như đối với những người con bị gây thất vọng. Đó là thời gian mà những người cha người mẹ quay trở về từ cuộc tha hương của mình, vì họ đã tự đặt mình vào trong cuộc tha hương khi họ xa rời việc giáo dục con cái của họ, và tái trao hiến hoàn toàn cho vai trò giáo dục của mình. Chúng ta hy vọng rằng, Thiên Chúa sẽ ban ơn đó cho các bậc cha mẹ - để họ không còn tự đặt mình vào trong cuộc tha hương khi tận mắt chứng kiến việc giáo dục con cái của mình nữa. Chỉ có Tình Yêu, sự trìu mến và sự kiên nhẫn mới có thể đạt tới được điều đó.

 

*Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha:

Giáo hội Công Giáo tại Trung Hoa sẽ dành ngày 24 tháng 05 tới đây để cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria – Mẹ Hằng Cứu Giúp Các Tín Hữu – tại Thánh Địa Xuân Sơn thuộc thành phố Thượng Hải. Trong Thánh Địa này có đặt một bức tượng Đức Mẹ đang giơ Chúa Con lên cao và chỉ cho Ngài thấy thế giới với đôi tay giang rộng như là cử chỉ của Tình Yêu và của Lòng Thương Xót. Trong ngày hôm đó, chúng ta cũng hãy cầu xin cùng Đức Maria, xin Mẹ cứu giúp Giáo hội Công giáo tại Trung Hoa, để Giáo hội tại đó càng ngày càng trở nên chứng nhân đáng tin cậy của Tình Yêu giữa dân tộc mình, và càng ngày càng được xây dựng trên Giáo hội với đá tảng Phê-rô, để sống trong sự hiệp nhất thiêng liêng.

Nhân dịp chuẩn bị mừng Đại Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Hội Đồng Giám Mục Ý đã đề nghị trong mỗi Giáo phận rằng, hãy tưởng nhớ tới những người anh chị em của chúng ta đã bị sát hại trong các cuộc lưu đầy chỉ vì họ là những Ki-tô hữu. Cha mong sao cho những giây phút cầu nguyện ấy sẽ dẫn tới việc nâng cao ý thức rằng, sự tự do tôn giáo là một quyền bất khả nhượng của con người, việc làm tăng độ nhậy cảm trước sự bi ai của nhiều người Ki-tô hữu đang bị bách hại trong thời đại chúng ta phải được nâng lên, và hành vi tàn nhẫn không thể được chấp nhận này cần phải chấm dứt.

 

Vatican ngày 20 tháng 05 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội