Diễn văn của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trước tổng thống và ngoại giao đoàn Albanie

Kính thưa ngài tổng thống,

kính thưa ngài thủ tướng chính phủ,

kính thưa các thành viên của ngoại giao đoàn,

kính thưa quý ông và quý bà,

Tôi rất vui mừng vì được hiện diện tại đây, bên quý vị, trong đất nước Albanie tuyệt diệu – đất nước của những vị anh hùng đã hy sinh cuộc sống mình cho sự độc lập quốc gia, và đất nước của các vị Tử Đạo đã hoàn tất sự làm chứng cho Đức Tin của mình trong những thời điểm đầy gian khó trước những cuộc bách hại. Tôi cám ơn quý vị vì đã mời tôi đến viếng thăm quê hương của quý vị, tức quốc gia được gọi là „Đất Nước Phượng Hoàng“, và cũng xin cám ơn về sự đón tiếp nồng hậu của quý vị.

Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Albanie tái tìm thấy con đường đầy khó khăn nhưng cũng đầy hấp dẫn của sự tự do. Sự tự do ấy đã tạo điều kiện cho cộng đồng Albanie trong việc chọn hướng đi cho một con đường hầu tái xây dựng về vật chất cũng như tinh thần, dồn nhiều nghị lực và sáng kiến để đưa vào vận hành, và mở ra sự cộng tác cũng như sự trao đổi đối với các quốc gia láng giềng tại vùng Balkan và tại vùng Địa Trung Hải, kể cả việc mở ra với các quốc gia khác thuộc Âu châu cũng như trên toàn thế giới. Sự tự do được lấy lại đã cho phép quý vị nhìn vào tương lai với sự lạc quan và đầy hy vọng, hầu thúc đẩy những dự án và tái thắt chặt các mối quan hệ nồng ấm với các quốc gia láng giềng cũng như  những quốc gia nằm cách xa.

Sự tôn trọng nhân quyền mà trong đó có quyền tự do tôn giáo và quyền tự do bày tỏ ý kiến đang trội lên, chính là điều kiện tiên quyết dành cho sự phát triển cả về xã hội lẫn kinh tế của một đất nước. Nếu phẩm giá con người được tôn trọng và quyền của họ được nhìn nhận cũng như được đảm bảo, thì năng lực sáng tạo và tính năng động cũng sẽ đơm bông kết trái, và cá nhân mỗi người có thể phát huy những sáng kiến muôn hình muôn vẻ của họ cho lợi ích chung.

Với một cách thế đặc biệt, tôi vui mừng về niềm hạnh phúc đặc trưng của người Albanie mà nó được bảo đảm với tất cả sự chu đáo và mối quan tâm – tôi liên hệ đến cuộc sống chung trong hòa bình và sự cộng tác của các thành viên thuộc các tôn giáo khác nhau. Bầu khí kính trọng và tin tưởng lẫn nhau giữa người Công giáo với người Chính thống và người Hồi giáo là một kho tàng đầy quý giá đối với đất nước, và có được một tầm quan trọng đặc biệt trong thời đại này của chúng ta, mà trong đó, quan điểm đích thực về tôn giáo đang bị xuyên tạc bởi những nhóm cực đoan, và sự khác biệt giữa các tín ngưỡng khác nhau đang bị làm biến dạng và bị sử dụng như một công cụ, qua việc người ta biến nó thành cớ đầy nguy hiểm cho những cuộc đụng độ và bạo lực, thay vì trở thành một cơ hội cho sự đối thoại cởi mở và đầy kính trọng, cũng như trở thành cơ hội cho một cảm thức chung về điều mà thực chất có nghĩa là tin vào Thiên Chúa và đi theo giới luật của Ngài.

Đừng ai nên nghĩ rằng, họ có thể tránh được Thiên Chúa trong khi họ lên kế hoạch và tiến hành những hành vi bạo lực cũng như những lạm dụng quyền hạn! Đừng ai lấy tôn giáo làm bình phong cho những hành động của mình khi chúng đi ngược lại với phẩm giá con người cũng như những quyền lợi căn bản của họ, hãy đặt quyền sống và quyền tự do tôn giáo của tất cả vào vị trí đầu tiên!

Trái lại, điều đang xảy ra tại Albanie chứng minh rằng, cuộc sống chung trong hòa bình và phong nhiêu của những con người và các cộng đồng mà họ thuộc về các tôn giáo khác nhau, không chỉ đáng ước ao mà còn trở nên có thể và khả thi một cách cụ thể. Cuộc sống chung hòa bình giữa các cộng đồng tôn giáo khác nhau thực sự là một kho tàng vô giá đối với nền hòa bình và sự phát triển hài hòa của một dân tộc. Đó là một giá trị cần phải được khuyến khích từ ngày này qua ngày khác thông qua sự giáo dục về sự tôn trọng những khác biệt và những căn tín đặc thù mà chúng mở ra cho sự đối thoại và sự cộng tác, để đem đến niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người, cũng như thông qua việc người ta học biết và học kính trọng nhau ngày một tốt hơn. Đó là một ân ban phải được thường xuyên van nài từ Thiên Chúa trong cầu nguyện. Ước chi người Albanie vẫn luôn tiến về phía trước trên con đường này và trở thành tấm gương cho nhiều dân nước mà khi nhìn vào đó các quốc gia ấy có thể định hướng cho mình.

Kính thưa ngài tổng thống, sau mùa Đông của sự tách biệt và của những cơn bách hại, rốt cục mùa Xuân tự do cũng đã bắt đầu. Thông qua những cuộc bầu cử tự do và những điều khoản mới của hiến pháp, chế độ đa nguyên dân chủ đã trở nên vững vàng, và điều đó cũng đã tạo điều kiện cho sự phát triển phồn thịnh của những phát minh kinh tế. Được thúc đẩy thông qua việc kiếm tìm công ăn việc làm và những điều kiện cuộc sống tốt hơn, nhiều người, đặc biệt là ở sự khởi đầu, đã chọn con đường di cư ra nước ngoài và bằng những cách thế riêng của mình, góp phần vào sự tiến bộ chung của cộng đồng người Albanie. Nhiều người khác đã tái khám phá ra những lý do để ở lại quê hương và xây dựng nó từ bên trong. Những cố gắng và những hy sinh của tất cả đã cùng đưa đến sự cải thiện của những điều kiện chung.

Về phía mình, Giáo hội Công Giáo đã có thể tái bắt đầu một cuộc sống bình thường qua việc tái thiết lại những cấu trúc của mình và tái đón nhận những dòng chảy của một truyền thống lâu dài. Những cơ sở thờ tự đã được xây dựng mới hay được tái thiết, trong số những cơ sở ấy, thánh địa „Đức Mẹ Chỉ Bảo Đàng Lành“ của Scutari cũng đang được xây dựng; các ngôi trường và những trung tâm chăm sóc và giáo dục quan trọng đều đã được thiết lập, và giờ đây đang sẵn sàng để được sử dụng cho mọi công dân. Vì thế, sự hiện diện cũng như công việc của Giáo hội, có quyền được nhìn nhận như là một sứ vụ, không phải chỉ riêng đối với cộng đồng Công giáo nhưng còn chung đối với toàn thể quốc gia.

Chân Phúc Mẹ Tê-rê-sa và các Thánh Tử Đạo đã làm chứng một cách anh hùng cho Đức Tin của các Ngài, - các Ngài xứng đáng được chúng ta nhìn nhận và cầu xin – đang thực sự vui mừng trên Thiên Đàng về sự đóng góp của những người nam và những người nữ có thiện chí, họ là những người đang giúp cộng đồng và Giáo hội có được một mùa đơm bông kết trái mới.

Nhưng giờ đây những thách đố mới đang tự đặt ra mà chúng cần phải được đối diện. Trong một thế giới đang có khuynh hướng tiến tới sự toàn cầu hóa cả về kinh tế lẫn văn hóa, tất cả những nỗ lực cần phải được thực hiện hầu sự phát triển và sự tăng trưởng đều được mang đến cho tất cả, chứ không phải chỉ dành riêng cho một số người nào đó. Ngoài ra, sự phát triển này sẽ là điều không thực nếu nó không bền vững và không có sự công bằng, có nghĩa là, nếu nó không chú ý một cách rõ rệt tới những quyền lợi của người nghèo cũng như không tôn trọng môi trường. Sự toàn cầu hóa của các thị trường phải nhất thiết tương thích với sự toàn cầu hóa của tình liên đới; một sự tôn trọng lớn hơn đối với thiên nhiên cần phải xuất hiện đồng thời với sự tăng trưởng về mặt kinh tế; cùng với những quyền lợi của các cá nhân, những quyền lợi thực tế giữa cá nhân và nhà nước cũng phải được bảo vệ, mà trước tiên là các gia đình. Đất nước Albanie ngày nay có thể phải đối diện với những thách đố ấy trong phạm vi tự do và bền vững – những giá trị mà chúng  cần phải được củng cố và cho phép nhìn về tương lai một cách tràn trề hy vọng.

ĐTC Phan-xi-cô 

Lm. Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội