Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 10.06.2015: GIA ĐÌNH – Mục 18. Gia Đình và Bệnh Tật

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong khuôn khổ loạt bài Giáo Lý của chúng ta về gia đình, hôm nay Cha muốn đề cập tới một khía cạnh rất sẵn có trong cuộc sống gia đình chúng ta: Bệnh tật. Ở đây nó là một kinh nghiệm về một sự giòn mỏng của chúng ta mà chúng ta phải đối diện với nó ngay từ lúc thiếu thời, và sau đó là trong lúc tuổi đời cao niên với sự bắt đầu của những cơn bệnh, đặc biệt là trong gia đình. Trong các mối quan hệ gia đình, bệnh tật của những người đứng gần chúng ta được chịu đựng với một „đa số“ trước sự đau khổ và sợ hãi. Đó là Tình Yêu, nó làm cho chúng ta cảm thấy được cái „đa số“ ấy. Thường thì một người cha hay một người mẹ khi họ phải chịu đựng trước sự đau khổ của con cái họ, thị họ cảm thấy khó hơn là phải chịu đựng những đau khổ của chính mình.

Đã từ rất lâu rồi, có thể nói được rằng, gia đình chính là „bệnh viện“ gần nhất. Ngay cả trong thời đại hôm nay, tại nhiều nơi trên thế giới, bệnh viện cũng vẫn còn là một đặc ân được dành riêng cho một số người, và những bệnh viện thường nằm rất xa. Người mẹ, người cha, người anh, người chị, người ông và người bà sẽ đảm trách luôn nhiệm vụ chăm sóc ngay tại gia đình mình và giúp cho bệnh nhân bình phục.

Nhiều trang trong các sách Tin Mừng đã tường thuật về những cuộc gặp gỡ của Chúa Giê-su với các bệnh nhân, cũng như tường thuật về những cố gắng của Ngài trong việc chữa lành họ. Một cách công khai, Ngài biểu lộ như là một chiến sĩ chống lại bệnh tật, Ngài đến để cứu chữa con người khỏi bất cứ cơn bệnh nào, kể cả khi nó là cơn bệnh về tinh thần hay thể xác. Cảnh tượng được đề cập tới bởi đoạn Tin Mừng theo Thánh Mác-cô sau đây rất cảm động. Đoạn Tin Mừng ấy viết rằng: „Chiều đến, khi mặt trời lặn, người ta mang mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người.“ (Mc 1,32). Khi suy nghĩ về những thành phố lớn trong thời đại hôm nay, một câu hỏi lại chợt nảy ra trong đầu Cha: Ở đâu có những cánh cửa, mà người ta có thể mang những bệnh nhân đến trước chúng với hy vọng là họ sẽ được chữa lành! Chúa Giê-su đã không bao giờ trốn tránh trước việc chăm sóc các bệnh nhân ấy. Ngài không bao giờ bỏ qua, không bao giờ tránh né. Khi một người cha, một người mẹ hay cũng có thể là những người thân mang đến cho Ngài một bệnh nhân, để Ngài đụng tay vào bệnh nhân ấy và nhờ thế người đó được chữa lành, thì Ngài không bao giờ để cho thời gian trôi qua; sự chữa lành là một sự ưu tiên đối với lề luật; việc chữa lành cũng giống như việc nghỉ ngày Sabbat (xc. Mc 3,1-6). Các Luật Sĩ đã khiển trách Ngài vì Ngài đã chữa lành trong ngày Sabbat, đã làm điều thiện trong ngày Sabbat. Nhưng Tình Yêu của Chúa Giê-su hàm chứa trong việc mang đến sức khỏe, thực thi điều thiện, và nó luôn luôn đứng ở vị trí trước tiên!

Chúa Giê-su đã sai các môn đệ đi để tiếp tục công việc của Ngài, và Ngài ban cho các ông toàn quyền chữa lành, và điều này có nghĩa là đến gần với các bệnh nhân và tiếp nhận vào bản thân mình từ những mối quan tâm cho đến những điều cùng cực nhất của họ (xc. Mt 10,1). Chúng ta phải nhớ kỹ những lời mà Ngài đã nói với các môn đệ của Ngài trong trình thuật về người mù từ khi mới sinh. Các môn đệ đã tranh luận với nhau trước người mù về chuyện liệu việc mù lòa từ lúc mới sinh của anh ta có phải là do tội lỗi của chính anh ta không, hay là do tội lỗi của cha mẹ anh ta. Khác hẳn với những suy nghĩ của các môn đệ, Chúa Giê-su đã nói những lời rõ ràng sau đây: chẳng phải anh ta và cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng chuyện đó xảy ra là để công việc của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Và Ngài đã chữa lành cho anh. Đó là vinh quang của Thiên Chúa! Đó cũng là sứ mạng của Giáo hội! Giúp đỡ các bệnh nhân, không tự đánh mất mình trong sự ngôi lê đôi mách, giúp đỡ luôn luôn, ủi an luôn luôn, mang đến sự xoa dịu, gần gũi với các bệnh nhân – đó là sứ mạng của Giáo hội.

Giáo hội mời gọi cầu nguyện liên tục cho những mối tình bị gây thương tổn bởi những điều tồi tệ. Không bao giờ được phép thiếu việc cầu nguyện cho các bệnh nhân. Hơn nữa, chúng ta nên gia tăng lời cầu nguyện vừa mang tính riêng tư và vừa mang tính cộng đoàn. Chúng ta hãy nghĩ tới trình thuật về người phụ nữ Canaan được thuật lại trong Tin Mừng (xc. Mt 15,21-28). Bà là một phụ nữ ngoại giáo và không thuộc về dân Israel; người phụ nữ này đã nài van Chúa Giê-su chữa lành cho con gái của bà. Để thử lòng tin của bà, trước hết, Chúa Giê-su đã nói với bà một lời rất cay nghiệt: „Tôi không thể chữa lành cho con bà được, vì trước tiên tôi phải nghĩ tới những con chiên nhà Israel“. Nhưng người phụ nữ không chịu bỏ cuộc – bà là một người mẹ, và bà cầu xin theo sáng kiến của mình, và đã không bao giờ bỏ cuộc; tất cả chúng ta đều biết rằng, những người mẹ vẫn hằng đấu tranh cho con cái của họ. Bà đã trả lời rằng: „Những con chó con cũng nhận được những hạt cơm từ bàn rơi xuống!“ Có vẻ như bà ấy muốn nói rằng: „Thì ít ra hãy coi tôi như một con chó!“ Do đó, Chúa Giê-su đã nói với bà: „Này bà, Đức Tin của bà thật vĩ đại! Bà muốn sao thì sẽ được như vậy!“ (Mt 15,28).

Khi tận mắt chứng kiến những bệnh tật, thì ngay cả trong gia đình cũng phát sinh những khó khăn vì những yếu đuối của con người. Tuy nhiên, thời gian chịu đựng bệnh tật sẽ củng cố cho sự liên kết trong gia đình. Cha nghĩ đến sự quan trọng trong việc giáo dục cho con cái ngay từ khi chúng còn nhỏ để chúng hiểu về tình liên đới trong thời gian gia đình có một người bệnh. Một sự giáo dục mà bị gạt ra khỏi sự nhậy bén đối với bệnh tật của một con người, thì nó sẽ làm cho con tim trở nên khô cằn, cũng những sẽ dẫn tới việc những người trẻ „bị điếc“ khi nghĩ đến nỗi đau khổ của người khác, và không thể quan tâm tới sự đau khổ cũng như sự trải qua một kinh nghiệm về sự giới hạn. Chúng ta thường nhìn thấy một người nam hay một người nữ đến nơi làm việc với một khuôn mặt mệt mỏi và một ngôn ngữ cơ thể phát ra tín hiệu của sự kiệt sức. Trước câu hỏi: „Có điều chi vậy?“, họ đã trả lời: „Tôi chỉ ngủ được có hai tiếng đồng hồ, vì ở nhà chúng tôi phải thay nhau chăm sóc con cái, chăm sóc người bệnh, chăm sóc cụ ông hay chăm sóc cụ bà“. Và rồi họ vẫn phải tiếp tục với công việc vào ban ngày. Những con người ấy quả là anh hùng; họ là dấu chỉ của tinh thần anh dũng trong gia đình! Tinh thần anh dũng âm thầm ấy được thực hiện với sự trìu mến và với đức can đảm, nếu trong nhà có một người bị bệnh.

Những yếu đuối và những nỗi khổ đau của những người thân chúng ta có thể trở thành một ngôi trường về cuộc sống đối với con cái và cháu chắt chúng ta. Việc giới thiệu cho con cái và cháu chắt chúng ta về tầm quan trọng của việc gần gũi với những người bệnh trong gia đình, thật là điều quan trọng – và rồi chúng sẽ trở nên như thế khi những khoảnh khắc bệnh tật được đồng hành bởi lời cầu nguyện và bởi sự gần gũi đầy trìu mến và ân cần của các thành viên trong gia đình. Cộng đoàn Ki-tô giáo biết một cách chính xác rằng, không được phép để gia đình phải cô đơn trong cơn thử thách của bệnh tật. Chúng ta phải tạ ơn Chúa về những kinh nghiệm tốt đẹp ấy nơi tình huynh đệ trong Giáo hội, những kinh nghiệm ấy hỗ trợ cho các gia đình trong lúc phải trải qua những giây phút khó khăn của sự đau khổ và bệnh tật. Sự gần gũi mang tính Ki-tô giáo này chính là một kho tàng đích thực đối với Giáo xứ, từ gia đình này tới gia đình kia; đó là kho tàng khôn ngoan, nó trợ giúp các gia đình trong những khoảnh khắc khó khăn, và làm cho các gia đình nhận thức về Triều Đại của Thiên Chúa tốt hơn nhiều so với những bài nói chuyện! Đó chính là sự trìu mến của Thiên Chúa.

Vatican ngày mồng 10 tháng 06 năm 2015

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội