Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong Thánh Lễ dành cho các gia đình tại Parque de los Samanes, Guayaquil, Ecuador, ngày 06.07.2015: „Trong gia đình, các phép lạ sẽ diễn ra

 

Anh chị em thân mến,

Bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, thuật lại cho chúng ta biết về dấu lạ đầu tiên diễn ra trong trình thuật của Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Sự quan tâm của Đức Maria đã trở thành một lời van xin đối với Chúa Giê-su: „Họ không còn rượu nữa“, và trở thành một lời chỉ dẫn về „giờ“ mà người ta sẽ hiểu về nó qua những tường thuật về cuộc Vượt Qua.

Thật là tốt vì nó là như thế, nghĩa là nó cho phép chúng ta giảng dậy, đồng hành, chữa lành và hân hoan về những đòi hỏi của Chúa Giê-su, cũng như để nhận ra lời kêu gọi này của Mẹ Ngài: „Họ không còn rượu nữa.“

Tiệc cưới tại Cana vẫn thường tái xảy ra trong bất cứ thế hệ nào, trong mỗi gia đình, trong mỗi người trong chúng ta, và chúng ta mong muốn rằng, con tim của chúng ta sẽ đạt tới được việc tìm ra sự vững vàng trong Tình Yêu bền vững, phong nhiêu và vui mừng. Chúng ta hãy trao cho Đức Maria không gian „của người Mẹ“, như tác giả Tin Mừng đã nói. Chúng ta hãy cùng với Mẹ lên đường đi đến Cana.

Đức Maria đã rất chu đáo trong tiệc cưới này; và tiệc cưới ấy đã bắt đầu rồi; Mẹ đã quan tâm tới những nhu cầu của đôi tân hôn. Mẹ đã không bị chết chìm trong thế giới của Mẹ, cũng như đã không hề lơ đễnh; Tình Yêu của Mẹ khiến Mẹ „hiện diện cho“ những người khác. Mẹ cũng không đi tìm những người bạn nữ của Mẹ để chê bai về những chuẩn bị thiếu kỹ lưỡng đối với tiệc cưới. Mẹ phát hiện ra bữa tiệc này đang thiếu rượu. Rượu chính là chỉ dấu cho niềm vui, cho Tình Yêu và cho sự viên mãn. Có biết bao nhiêu là những em nhỏ và những thanh thiếu niên trong chúng ta cảm thấy rằng, không còn có lấy một chút rượu nào nữa trong các ngôi nhà của chúng, dù chỉ trong một chốc lát. Có biết bao nhiêu là những người vợ đang phải sống cô đơn, buồn rầu, và tự hỏi, khi nào thì Tình Yêu bị lụi tàn, khi nào thì Tình Yêu sẽ bị biến mất khỏi cuộc sống của họ. Có biết bao nhiêu là những cụ già cảm thấy mình đã ở bên ngoài những buổi tiệc vui của gia đình mình, cảm thấy mình bị bỏ mặc, và cảm thấy rằng, họ không còn được uống rượu Tình Yêu hằng ngày nữa. Cũng vậy, việc thiếu rượu có thể là hậu quả của việc thiếu công ăn việc làm, hậu quả của bệnh tật hay là hậu quả của những trạng huống khó khăn mà các gia đình của chúng ta đang phải chịu đựng. Đức Maria không phải là người „thích than phiền“ – Mẹ là người Mẹ, nhưng Mẹ không phải là bà mẹ chồng đứng nhìn và vui thích về việc chúng ta thiếu kinh nghiệm, về việc chúng ta phạm phải những lỗi lầm và về việc chúng ta bất cẩn. Đức Maria là một người Mẹ thuần túy! Mẹ rất chu đáo và ân cần. Nào, chúng ta hãy cùng nói lên: „Đức Maria là người Mẹ!“, – xin lập lại lần nữa!

Nhưng Đức Maria hướng về Chúa Giê-su với trọn niềm tín thác, điều đó có nghĩa là Mẹ đã cầu nguyện, Mẹ đã đi đến với Con mình và cầu nguyện. Mẹ không đến với những người có trách nhiệm đối với bữa tiệc; Mẹ thông báo trực tiếp cho Con của Mẹ biết về sự khó khăn của đôi tân hôn. Tuy nhiên, câu trả lời mà Mẹ nhận được xem ra có vẻ rất đáng thất vọng: „Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và con, giờ của con chưa đến!“ (Ga 2,4). Nhưng trong lúc đó, Mẹ đã đặt tất cả mọi vấn đề vào trong tay Thiên Chúa. Sự lo lắng của Mẹ đối với những nhu cầu của người khác đã thúc giục „giờ“ của Chúa Giê-su. Đức Maria đã tham dự vào trong giờ này từ máng cỏ cho tới chân Thập Giá. Vì Mẹ đã nắm vững việc „biến khu chuồng dành cho thú vật thành ngôi nhà của Chúa Giê-su với một vài chiếc tã lót nghèo nàn và với một sự tròn đầy của Tình Yêu trìu mến“ (Evangelii gaudium, 286), và Mẹ đã đón nhận chúng ta như là những người con; khi một thanh kiếm đâm thấu tâm hồn Mẹ, Mẹ đã dậy cho chúng ta biết đặt các gia đình của chúng ta vào trong tay Thiên Chúa; Mẹ dậy chúng ta cầu nguyện, và ở đây nhóm lên niềm hy vọng, và niềm hy vọng ấy sẽ chỉ cho chúng ta biết rằng, những mối âu lo của chúng ta cũng chính là những niềm lo âu của Thiên Chúa.

Việc cầu nguyện sẽ luôn luôn kéo chúng ta ra khỏi hoản cảnh lo âu của chúng ta, làm cho chúng ta vượt lên trên những điều mà chúng gây đau khổ cho chúng ta, thúc giục chúng ta ra đi và đặt chúng ta vào trong da thịt của người khác, trong đôi giầy của họ. Gia đình chính là một mái trường, mà trong đó việc cầu nguyện cũng nhắc nhớ chúng ta rằng, có một cái „Chúng Tôi“, rằng đang có những người sống bên cạnh một cách trực tiếp và cụ thể: họ đang sống dưới chính mái nhà mà chúng ta đang sống, họ đang chia sẻ cuộc sống của chúng ta, và họ cũng đang có những nhu cầu cần được đáp ứng.

Cuối cùng thì Đức Maria đã hành động. Những lời: „Người nói gì, các anh cứ làm như vậy!“ (Ga 2,5), mà Mẹ hướng đến những viên đầy tớ, cũng chính là một lời mời gọi đối với chúng ta, những lời ấy mời chúng ta hãy đặt mình vào trong tình trạng sẵn sàng để cho Chúa Giê-su sử dụng. Ngài đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Sự phục vụ chính là tiêu chuẩn và thước đo của Tình Yêu đích thực. Việc đặt mình vào trong sự phục vụ người khác được người ta gọi là sự phục vụ. Và người ta học được điều ấy một cách đặc biệt từ trong gia đình, nơi chúng ta phục vụ nhau vì Tình Yêu. Trong cung lòng gia đình, sẽ không có ai bị loại trừ; Cha nhớ tới thân mẫu của Cha, có lần bà được hỏi, bà yêu đứa con nào nhất trong năm đứa con của bà – gia đình của Cha có năm anh chị em. Bà đã trả lời rằng, những đứa con của tôi giống như năm ngón tay. Khi người ta chích vào ngón này thì nó sẽ gây đau giống hệt như khi người ta chích vào ngón kia. Đó là Tình Yêu của một người mẹ, bà yêu thương mà không hề có sự phân biệt. Trong gia đình, „người ta học để xin phép mà không hề có chuyện đụng phải người khác, nói lời cám ơn như một sự diễn tả về việc quý trọng một cách chân thành trước điều mà chúng ta lãnh nhận, chế ngự thái độ gây hấn và tính phàm ăn, và cầu xin sự tha thứ khi chúng ta đã gây ra bất cứ sự tai hại nào. Trong mỗi gia đình cũng đều có những cuộc cãi vã, và vì thế, việc xin lỗi là điều đặc biệt quan trọng. Những cử chỉ nho nhỏ của sự lịch sự chân thành như thế sẽ giúp đỡ trong việc kiến tạo nên một nền văn hóa chung sống và một nền văn hóa kính trọng đối với những người chung quanh chúng ta“ (Laudato si’, 213). Gia đình chính là một bệnh viện gần nhất, là trường học đầu tiên của con cái, là nhóm tham khảo không thể thiếu đối với những người trẻ, là mái nhà tốt nhất đối với những cụ già. Gia đình hình thành nên một sự phong phú to lớn về mặt xã hội mà những hoạt động khác không thể thay thế, nó phải được hỗ trợ và củng cố để không bao giờ đánh mất đi ý nghĩa đích thực của sự phục vụ mà cộng đồng xã hội đang thực hiện cho công dân của mình. Vì những sự phục vụ ấy không phải là một dạng bố thí, nhưng là một „khoản nợ thực sự mang tính xã hội“ đối với cơ quan phụ trách về gia đình, mà cơ quan ấy đóng góp rất nhiều cho niềm hạnh phúc của mọi người.

Đồng thời gia đình hình thành nên một Giáo hội nhỏ, một „Giáo hội tại gia“ mà với cuộc sống, nó làm môi giới cho sự trìu mến và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Trong gia đình, Đức Tin được trộn lẫn với sữa mẹ: Khi người ta có kinh nghiệm về Tình Yêu của Cha Mẹ thì rồi người ta cũng sẽ cảm nhận được sự gần gũi của Tình Yêu Thiên Chúa.

Trong gia đình – và chúng ta có thể làm chứng cho tất cả mọi người về điều đó – những phép lạ sẽ diễn ra với những điều đang có trong đó, với những gì mà chúng ta là, với những gì mà một người đang có trên tay … thường thì nó không phải là điều lý tưởng, không phải là cái mà chúng ta mơ ước, hay là cái „nên là“ đối với chúng ta. Nhưng đó là một chi tiết của lịch sử mà chúng ta không được phép quên: rượu mới tại tiệc cưới Cana đến từ những vại nước dùng để rửa tay, rửa chân, dùng để thanh tẩy, có nghĩa là nó đến từ chỗ mà tất cả mọi người đều đã để lại tội lỗi của mình … „Nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội“ (Rm 5,20). Trong gia đình của mỗi người trong chúng ta và trong gia đình chung, tức gia đình mà nó hình thành nên từ tất cả chúng ta, sẽ không có bất cứ điều chi bị vất bỏ, không có bất cứ ai là vô dụng. Ngay trước khi khai mạc Năm Thánh về Lòng Thương Xót, Giáo hội sẽ tổ chức một Thượng Hội Đồng Giám Mục Thường Kỳ Về Gia Đình để suy tư một cách chín muồi trước một sự biện phân tâm linh đích thực, và tìm cho ra những giải pháp cụ thể cho rất nhiều những khó khăn và những thách đố quan trọng mà gia đình đang phải đối diện với trong mọi ngày sống của chúng ta. Cha mời gọi anh chị em hãy cầu nguyện một cách khẩn thiết trong dịp này, để cho tất cả những gì có vẻ như vẫn còn ô uế nơi chúng ta, vẫn còn gây cho chúng ta phải nổi đóa hay gây hoảng sợ cho chúng ta, đều có thể biến thành một phép lạ, nhờ vào Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng đi xuyên qua „giờ“ của Ngài. Gia đình ngày nay đang rất cần tới một phép lạ.

Sở dĩ tất cả đều bắt đầu là vì: „Họ không còn rượu nữa“, và tất cả đều có thể xảy ra vì một người phụ nữ - Đức Trinh Nữ Maria – đã rất ân cần và chu đáo, đã biết đặt những mối lo lắng của Mẹ vào trong tay Thiên Chúa, đã hành động một cách khôn ngoan và can đảm. Nhưng vẫn còn một điều chi đó, và đó là điều không phải là không quan trọng: họ đã nếm thử rượu hảo hạng. Và đó là Tin Mừng: Rượu hảo hạng đã có đó để được kín múc, điều khoan khoái nhất, sâu thẳm nhất và tuyệt vời nhất vẫn còn đến đối với gia đình. Thời gian đã đến, nơi chúng ta nếm thử Tình Yêu hằng ngày, nơi con cái chúng ta tái khám phá ra không gian mà chúng ta chia sẻ, và những cụ già hiện diện bên niềm vui mỗi ngày. Rượu hảo hạng sẽ vẫn còn đến đối với bất cứ ai dám sống yêu thương. Và trong gia đình, người ta phải liều mạng với Tình Yêu, người ta phải liều mạng để yêu. Và rượu sẽ đến ngay cả khi tất cả những sự trù tính và những bảng thống kê quả quyết về một sự ngược lại. Rượu hảo hạng sẽ đến với những ai nhìn thấy tất cả đang sụp đổ trong thời đại hôm nay. Người ta sẽ nói lẩm bẩm, và vẫn sẽ thủ thỉ bên tai nhau về những mối nghi nan và sự hờ hững cho tới khi người ta dám tin rằng: Rượu hảo hạng vẫn còn đến. Thiên Chúa vẫn luôn nuôi dưỡng những vùng ngoại vi của những người đang phải ở lại mà không có rượu, những người chỉ có tâm trạng buồn rầu trong khi uống. Chúa Giê-su có một nhược điểm là muốn phung phí rượu hảo hạng với những người, mà từ lý do này hay lý do khác, họ cảm thấy rằng, họ đã đánh vỡ tất cả các bình đựng rượu.

Đức Maria đang mời gọi chúng ta hãy làm „những gì Người nói“, và chúng ta hãy tạ ơn Chúa, vì ngay ở đây, trong thời đại của chúng ta, và trong giờ của chúng ta, rượu mới và hảo hạng vẫn đang tái làm cho chúng ta có được kinh nghiệm về niềm vui được ở trong gia đình.

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội