Bài Huấn Dụ của ĐTC Phan-xi-cô trong buổi Đọc Kinh Truyền Tin chung tại quảng trường Thánh Phê-rô trưa Chúa Nhật ngày 23.08.2015: Chúa Giê-su là ai đối với tôi?

 

*Trước khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến!

Với bài diễn từ của Chúa Giê-su về „Bánh Hằng Sống“ ngay sau phép lạ hóa bánh và cá ra nhiều, bài Tin Mừng hôm nay đã kết thúc chương thứ sáu của Tin Mừng theo Thánh Gio-an. Đoạn kết của bài diễn từ này đã dập tắt sự hăng hái to lớn của ngày trước đó khi Chúa Giê-su trình bày và công bố mình như là Bánh đến từ Trời để trao hiến thân mình Ngài làm lương thực, và máu của Ngài làm thức uống. Điều này thể hiện một chỉ dẫn rõ ràng về sự hy sinh mạng sống của Ngài. Những lời ấy đã gợi lên trong con người một sự thất vọng, vì họ nghĩ rằng, những lời đó không xứng với một Đấng Messia, và „không được đội vương miện chiến thắng“. Thực ra thì có lúc Chúa Giê-su đã được những người này coi là Đấng Messia, Đấng có cách nói và hành động mà nó nên dẫn đưa sứ mạng của Ngài tới sự thành công một cách tức khắc. Nhưng sự sai lầm của họ nằm ngay trong điều đó: trong một cách hiểu sai lạc về sứ mạng của Đấng Messia! Chính các môn đệ cũng không thể chấp nhận được thứ ngôn ngữ gây băn khoăn như thế của vị Thầy. Bản văn Tin Mừng hôm nay nói về sự bực bội của họ: „Những lời này chói tai quá, ai nghe cho nổi!“ (Ga 6,60).

Trong thực tế thì họ đã hiểu rất tốt về bài diễn từ của Chúa Giê-su, và thực chất thì tốt đến độ họ không còn muốn lắng nghe những lời của Ngài nữa, vì những lời của Ngài làm cho tâm trạng của họ bị dao động. Những Lời của Chúa Giê-su luôn luôn làm cho chúng ta bị dao động; chẳng hạn như khi chứng kiến tinh thần thế tục, hay sự trần tục hóa. Nhưng Chúa Giê-su trao cho chúng ta chiếc chìa khóa để thắng vượt những khó khăn. Chiếc chìa khóa này được cấu thành từ ba yếu tố. Yếu tố trước tiên của ba yếu tố này chính là nguồn gốc Thiên Thai của Chúa Giê-su. Ngài đã từ Trời mà xuống và rồi sẽ lại đi lên đó, „nơi trước kia Ngài đã ở“ (Ga 6,62). Với yếu tố thứ hai, những Lời của Ngài chỉ có thể được hiểu thấu nhờ vào tác động của Chúa Thánh Thần, „Đấng làm cho sống“ (Ga 6,63). Chính Chúa Thánh Thần sẽ dẫn đưa chúng ta đi vào trong một sự hiểu biết sâu xa về Chúa Giê-su. Yếu tố thứ ba chứa đựng những nguyên nhân thực sự đối với sự thiếu hiểu biết của các Môn Đệ trong sự thiếu Đức Tin. „Nhưng có một số người trong anh em không tin“ – Chúa Giê-su đã nói như thế trong mối liên hệ này. Thực tế thì, theo Tin Mừng, „kể từ lúc đó, nhiều Môn Đệ đã bỏ đi“ (Ga 6,66). Khi tận mắt chứng kiến phong trào tháo chạy này, Chúa Giê-su đã tỏ ra không khoan nhượng, và thay vì làm cho những lời của Ngài bớt đi tính cương quyết, Ngài đã bắt buộc người ta phải đi tới một quyết định rõ ràng: phải chọn lựa giữa việc ở lại với Ngài hay là tách ra khỏi Ngài. Ngài hỏi nhóm Mười Hai: „Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?“ (Ga 6,67). 

Ở điểm này, Phê-rô đã nhân danh các Tông Đồ khác để nói lên niềm tin của ông: „Lạy Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai, vì chỉ Thầy mới có Lời ban sự sống?“ (Ga 6,68). Ông đã không nói: „Chúng con sẽ đi về đâu?“, nhưng ông đã nói: „Chúng con biết đến với ai?“. Vấn đề căn bản không hàm chứa trong việc bỏ đi, cũng không nằm ở chỗ dừng công việc đã được bắt đầu lại, nhưng nằm ở chỗ là đi đến với ai. Câu hỏi này của Chúa Giê-su đã làm cho vấn đề trở nên rõ ràng rằng, sự trung tín đối với Thiên Chúa chính là một câu hỏi về sự trung tín đối với một con người, mà người ta sẽ liên kết với con người ấy để cùng đi trên một con đường. Con người ấy chính là Chúa Giê-su. Không có bất cứ điều gì đang tồn tại trong thế giới của chúng ta có thể làm no thỏa cơn đói khát của chúng ta về sự vô biên. Chúng ta cần tới Chúa Giê-su, chúng ta phải ở bên Ngài, chúng ta phải nuôi sống mình từ bàn ăn của Ngài, từ Lời ban sự sống đời đời của Ngài! Tin vào Chúa Giê-su có nghĩa là đặt Ngài vào trung tâm điểm, làm cho Ngài trở thành ý nghĩa của cuộc đời chúng ta. Chúa Ki-tô không phải là một yếu tố phụ tùy: Ngài là „Bánh Hằng Sống“, là lương thực không thể thiếu. Liên kết với Ngài trong một mối tương quan đích thực của Đức Tin và Tình Yêu không có nghĩa là bị xích lại, nhưng có nghĩa là được giải phóng một cách thật sâu xa và luôn luôn trong tình trạng lên đường. Bất cứ một người nào trong chúng ta cũng đều có thể tự đặt ra cho mình câu hỏi: Chúa Giê-su là ai đối với tôi?  Phải chăng đó chỉ là một danh xưng, một sự tưởng tượng hay chỉ là một nhân vật lịch sử? Ngài có thực sự là một con người đang yêu thương tôi và đã trao hiến mạng sống của Ngài cho tôi, cũng như đang đồng hành cùng tôi hay không? Chúa Giê-su là ai đối với bạn? Bạn có lưu lại bên Chúa Giê-su không? Bạn có cố gắng để nhận ra Ngài trong những Lời của Ngài hay không? Mỗi ngày bạn có chịu đọc một đoạn Tin Mừng để học làm quen với Chúa Giê-su không? Bạn có luôn mang theo một cuốn Tin Mừng nhỏ trong túi xách của bạn để bạn có thể mở nó ra và đọc ở bất cứ chỗ nào hay không? Chúng ta càng dành nhiều thời gian cho Ngài thì ước muốn được lưu lại bên Ngài sẽ càng phát triển một cách mạnh mẽ hơn trong chúng ta. Vì thế, giờ đây Cha xin anh chị em hãy dành một khoảnh khắc thinh lặng, để qua đó, bất cứ một ai trong chúng ta cũng có thể tập trung trong sự thinh lặng, trong con tim, vào câu hỏi sau đây: „Chúa Giê-su là ai đối với tôi?“ Và giờ đây, trong thinh lặng của tâm hồn, chúng ta hãy tìm ra câu trả lời cho câu hỏi đó!

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp đỡ chúng ta trong việc luôn đi đến với Chúa Giê-su để có được kinh nghiệm về sự tự do mà Ngài đã giới thiệu, và điều đó sẽ cho phép chúng ta không ngừng thanh luyện những quyết định của chúng ta khỏi những mảng bám của thế gian cũng như khỏi những nỗi sợ hãi.

*Sau khi đọc Kinh Truyền Tin:

Anh chị em thân mến, Cha đang theo dõi cuộc xung đột tại miền Đông Ucraina với sự lo lắng, mà tại đó, trong những tuần vừa qua, người ta đã phải trải qua một cuộc căng thẳng mới. Cha xin nhắc lại lời kêu gọi của Cha rằng, hãy tuân thủ những bổn phận đã được ghi nhận với cái nhìn về việc đạt tới nền hòa bình và với sự trợ giúp của các tổ chức cũng như của những người thiện chí, và hãy phản ứng chống lại hoàn cảnh nguy khốn về nhân đạo tại quốc gia này. Ước gì Thiên Chúa sẽ ban tặng hòa bình cho Ucraina trong lúc quốc gia này đang chuẩn bị mừng ngày Quốc Khánh. Ước gì Đức Trinh Nữ Maria sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.

 

Vatican ngày 23 tháng 08 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội