Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư 26.08.2015 tại quảng trường Thánh Phê-rô: GIA ĐÌNH – Mục 24. Cầu Nguyện

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Sau khi đã suy tư về việc gia đình trải qua thời gian của những ngày lễ nghỉ và những ngày lao động như thế nào, giờ đây chúng ta sẽ chiêm ngưỡng về „thời gian cầu nguyện“. Khía cạnh bị than vãn thường xuyên nhất bởi các Ki-tô hữu  liên quan trực tiếp tới thời gian: „Tôi sẽ phải cầu nguyện nhiều hơn nữa… Tôi cũng muốn làm điều đó lắm, nhưng tôi không có đủ thời gian cho việc đó!“ Chúng ta thường nghe thấy những lời như thế. Sự hối tiếc chắc chắn là có thật, vì con tim nhân loại luôn luôn trên đường kiếm tìm sự cầu nguyện ngay cả khi nó không ý thức; nếu không có việc kiếm tìm này thì rồi cũng sẽ không có sự bình an. Để một cuộc gặp gỡ trở nên có thể thì „nhiệt huyết“ của Tình Yêu đối với Thiên Chúa phải được bảo quản trong trái tim con người; một Tình Yêu được khắc ghi bởi mối thiện cảm.

Chúng ta có thể đặt ra cho mình một câu hỏi rất đơn giản. Nó nằm trong trật tự để đặt niềm tin vào Thiên Chúa với trọn tấm lòng, để đặt niềm hy vọng vào ơn trợ lực của Ngài trong những lúc khó khăn, và để cảm thấy có bổn phận phải biết ơn Ngài. Nhưng chúng ta có cảm thấy mình có chút thiện cảm gì với Ngài hay không? Chúng ta có bị thôi thúc, bị gây kinh ngạc và bị gây xúc động mỗi khi nghĩ đến Thiên Chúa hay không?

Chúng ta hãy nhớ nguyên văn bản đại giới luật mà nó là nền tảng của tất cả mọi giới răn khác: „Ngươi hãy yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi với trọn tâm hồn, với trọn cõi lòng và với tất cả sức lực“ (Đnl 6,5; Mt 22,37). Trong những lời ấy, ngôn ngữ nội tại của Tình Yêu được sử dụng và được trút hết lên Thiên Chúa. Tinh thần của sự cầu nguyện cư ngụ trước hết ở đó. Và khi nó cư ngụ ở đó, nó sẽ lưu lại với toàn bộ thời gian và không bao giờ đi xa nữa. Chúng ta có thể hình dung về Thiên Chúa như là bất cứ sự đụng chạm trìu mến nào mà nó tiếp nhận chúng ta vào trong sự sống mà trước nó không có bất cứ điều chi; một sự đụng chạm đầy trìu mến mà không gì, ngay cả sự chết, có thể tách lìa chúng ta ra khỏi đó không? Hay chúng ta có mường tượng ra rằng, chỉ có một mình Ngài như là một bản thể to lớn, Đấng Sáng Tạo muôn loài muôn vật, vị thẩm phán kiểm soát tất cả mọi hành vi không? Tất cả những điều đó tự nó là hiển nhiên rồi. Nhưng chỉ khi nào Thiên Chúa trở thành mối thiện cảm của tất cả mọi mối thiện cảm nơi chúng ta, thì những lời đó mới đạt tới được sự hiện thực hóa một cách hoàn toàn. Và rồi chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc ngay cả trong những cơn rối ren, vì Ngài nghĩ tới chúng ta và yêu thương chúng ta trên tất cả mọi sự! Phải chăng điều đó không gây ấn tượng? Phải chăng việc Thiên Chúa đụng chạm tới chúng ta một cách trìu mến với Tình Yêu của một người Cha, sẽ không gây ấn tượng cho chúng ta? Đó là một trong những điều đại tuyệt vời! Đơn giản là Ngài muốn trao ban chính mình như là một bản thể tối cao để nhận biết, Ngài muốn truyền đạt giới luật của Ngài và có thể đợi chờ những kết quả. Và rồi Thiên Chúa đã đạt tới được những kết quả vô biên. Ngài đồng hành với chúng ta trên con đường cuộc sống, Ngài bảo vệ và yêu thương chúng ta.

Nếu mối thiện cảm đối với Thiên Chúa không đốt lên ngọn lửa, thì nghĩa là tinh thần đã có nhiều lúc không được sưởi ấm. Chúng ta cũng có thể làm tăng gấp bội những lời của chúng ta, mà theo Chúa Giê-su: „như dân ngoại“, hay cũng có thể thực hiện những nghi lễ của mình để cho người ta ngắm, như „những người Pha-ri-siêu“ (xc. Mt 6,5.7). Một con tim được cư ngụ bởi mối thiện cảm đối với Thiên Chúa cũng sẽ có thể biến một suy nghĩ không lời, biến một lời kêu cầu trước một tấm ảnh của một vị Thánh, hay biến một nụ hôn được gởi đến cho Giáo hội, thành một lời cầu nguyện. Thật là tuyệt vời biết bao khi những người mẹ hướng dẫn con cái của họ gửi một nụ hôn đến cho Chúa Giê-su hay gửi đến cho Đức Mẹ. Có biết bao nhiêu là sự trìu mến ẩn sâu trong cử chỉ ấy! Trong khoảnh khắc ấy, con tim của những đứa con sẽ được biến thành nơi cầu nguyện. Chúng ta đừng bao giờ quên cầu xin cho mỗi người trong chúng ta để họ có được hồng ân ấy, vì Thần Khí Thiên Chúa có tính cách đặc biệt là làm cho lời thưa „Abba – Cha ơi“ tuôn tràn vào trong lòng chúng ta. Ngài dậy chúng ta cất lên lời thưa „Cha ơi!“ giống hệt như Chúa Giê-su; trong một cách thế mà một mình chúng ta sẽ không có khả năng nhìn ra (xc. Gal 4,6). Trong gia đình, người ta sẽ được tào điều kiện để cầu xin cũng như để quý trọng hồng ân đó của Chúa Thánh Thần. Nếu người ta học cho quen điều này đến độ có thể thốt ra một cách hồn nhiên giống như chúng ta nói từ „bố ơi!“, „mẹ ơi!“, thì rồi người ta sẽ không bao giờ quên nó được nữa! Khi điều ấy xảy ra, thì thời gian của toàn bộ cuộc sống gia đình sẽ được bao bọc bởi cung lòng của Tình Yêu Thiên Chúa, và sẽ bắt đầu tìm thời gian để cầu nguyện.

Như chúng ta biết, thời gian của gia đình khá là phức tạp, bị lấp đầy một cách kín mít, bị chiếm chỗ và bị phủ kín bởi những nỗi âu lo. Thời gian luôn luôn ít ỏi và không bao giờ đủ; có rất nhiều việc cần phải hoàn tất. Ai có một gia đình, người ấy sẽ học nhanh để giải quyết một phương trình mà những nhà đại toán học không bao giờ có thể giải được: Trong 24 tiếng đồng hồ, bạn sẽ làm gấp đôi! Có những người cha và những người mẹ mà giải thưởng Nô-ben có thể được trao tặng cho họ về điều đó. Từ 24 tiếng đồng hồ, họ biến nó thành 48 tiếng! Cha không biết họ làm điều đó bằng cách nào, nhưng họ vận động và làm điều đó! Trong gia đình có rất nhiều việc phải làm!

Tinh thần cầu nguyện sẽ trao lại cho chúng ta thời gian đối với Thiên Chúa, sẽ loại bỏ sự ám ảnh của một cuộc sống mà trong đó luôn luôn thiếu thời gian, và sẽ tìm thấy sự bình an trong những điều cần thiết, sẽ nhận ra niềm vui trước những ân ban không được mong chờ. Thời gian mà chúng ta dành cho Thiên Chúa, sẽ được ban trở lại cho chúng ta, và chúng ta sẽ thấy được sự bình an và niềm vui trước những hồng ân hoàn toàn không được trông chờ. Mẫu gương tuyệt vời trong mối liên hệ này chính là hai người chị em Mác-ta và Maria mà Bài Tin Mừng chúng ta vừa mới nghe đã kể về họ. Họ đã học hỏi từ Chúa một nhịp độ hài hòa trong gia đình: sự thịnh soạn của bữa tiệc, vui tươi trong công việc, và tinh thần cầu nguyện (xc. Lc 10,38-42). Họ đã bắt đầu chuyến viếng thăm của Chúa Giê-su – Đấng mà họ rất mực mến yêu – với một bữa tiệc. Nhưng vào một ngày kia, Mác-ta đã nhận thấy rằng, việc hiếu khách thực sự quan trọng nhưng không phải là tất cả, mà việc lắng nghe Chúa được thực hành bởi Maria mới thực sự là điều chính yếu, mới thực sự là „phần tốt nhất“ của thời gian. Lời cầu nguyện sẽ tuôn trào từ việc lắng nghe Chúa Giê-su, từ việc đọc Tin Mừng. Xin anh chị em đừng quên đọc một đoạn Tin Mừng mỗi ngày nhé. Sự cầu nguyện sẽ tuôn trào từ việc gần gũi và thân mật với Lời Chúa. Sự thân mật có hiện hữu trong gia đình anh chị em không? Trong căn hộ của chúng ta có cuốn Tin Mừng nào không? Thỉnh thoảng chúng ta có mở cuốn Tin Mừng ra để đọc chung với nhau một đoạn trong đó không? Chúng ta có chiêm nghiệm Tin Mừng trong lúc chúng ta đọc Kinh Mân Côi không? Tin Mừng mà được chiêm nghiệm và được đọc trong gia đình thì sẽ trở thành một lương thực tốt có thể nuôi dưỡng tất cả mọi con tim. Bất luận là sáng hay chiều, khi chúng ta tề tựu chung quanh mâm cơm, chúng ta hãy học để cầu nguyện chung với nhau bằng những lời cầu đơn giản: Chúa Giê-su sẽ bước vào giữa chúng ta như Ngài đã bước vào trong gia đình của bà Mác-ta, của Maria và La-gia-rô. Giờ đây Cha muốn đề cập tới một đề tài mà nó nằm sâu trong cõi lòng Cha khi Cha quan sát thấy trong các thành phố: Nhiều em nhỏ đã không được học để làm dấu Thánh Giá! Cha xin anh chị em - những người làm cha, làm mẹ - hãy dậy cho con cái mình biết cầu nguyện, cũng như hãy hướng dẫn cho chúng cách làm dấu Thánh Giá: Đó là một nhiệm vụ cao cả đối với một người cha hay một người mẹ!

Trong lời cầu nguyện của gia đình, trong những khoảnh khắc mạnh mẽ và những thời điểm khó khăn, chúng ta hãy tin tưởng lẫn nhau, để làm sao bất cứ người nào trong chúng ta cũng đều được bảo vệ bởi Tình Yêu của Thiên Chúa trong gia đình.

 

*Lời mời gọi của Đức Thánh Cha sau khi kết thúc bài Giáo Lý:

 

Anh chị em thân mến!

Vào thứ Ba ngày mồng 01 tháng 09 tới đây, ngày Quốc Tế Cầu Nguyện Cho Việc Bảo Vệ Thiên Nhiên sẽ được cử hành. Trong lời cầu nguyện được hiệp thông với các anh chị em Chính Thống Giáo của chúng ta cũng như với tất cả những ai thành tâm thiện chí, chúng ta muốn thực hiện sự dấn thân của chúng ta nhằm thắng vượt cơn khủng hoảng về thiên nhiên mà nhân loại đang trải qua.

Trên toàn thế giới, những sự kiện khác nhau thuộc cấp Giáo hội địa phương đã đưa ra kế hoạch trong việc thực hiện những sáng kiến cầu nguyện và những sáng kiến suy tư thích hợp nhằm nói lên rằng, ngày Quốc Tế này sẽ thể hiện như là một khoảnh khắc có tính quyết định đối với sự tiếp nhận một lối sống thích hợp.

Cùng với các Đức Giám Mục, các Linh Mục, các Tu Sĩ và các tín hữu Giáo dân của Giáo Triều Rô-ma, chúng ta sẽ gặp nhau tại Đền Thờ Thánh Phê-rô vào lúc 17g00 để cử hành một buổi Phụng Vụ. Giờ đây Cha xin kính mời các công dân Rô-ma, kính mời các khách hành hương và tất cả mọi người, hãy đến tham dự buổi Phụng Vụ này.

 

Vatican ngày 26 tháng 08 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội