Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trước các Giám mục, Linh mục và Tu sĩ tại Philadelphia ngày 26.09.2015

 

Anh chị em thân mến,

sáng nay Cha đã đã học được một điều chi đó về lịch sử của ngôi nhà thờ Chính Tòa tuyệt đẹp này: Đó là lịch sử đang nằm ở phía sau những bức tường cao và đàng sau những chiếc cửa sổ của nó. Nhưng Cha muốn nghĩ rằng, lịch sử của các ngôi Thánh Đường trong thành phố này và trên toàn đất nước này thực ra là một lịch sử mà trong đó vấn đề không phải chỉ là việc kiến tạo nên những bức tường, nhưng cũng còn là việc giật sập những bức tường nữa. Đó là một lịch sử kể cho chúng ta biết về rất nhiều những thế hệ người Công giáo đã tham gia vào, những thế hệ đã đi đến với những vùng ngoại vi và đã thành lập nên những cộng đoàn, đã dựng xây nên những ngôi nhà để cử hành Phụng Vụ, để thực hiện công việc giáo dục, công việc bác ái cũng như phục vụ toàn xã hội.

Lịch sử này đã trở nên hiển nhiên trong rất nhiều Thánh Địa, và những Thánh Địa ấy đang trang hoàng cho thành phố này; và trở nên hiển nhiên trong rất nhiều các ngôi Giáo Đường, mà những ngọn tháp hay những gác chuông của những ngôi Giáo Đường ấy đang công bố về sự hiện diện của Thiên Chúa giữa các cộng đoàn chúng ta. Lịch sự ấy đã trở thành hiển nhiên qua sự dấn thân của tất cả các Linh mục, Tu sĩ và Giáo dân. Họ đã chăm sóc cho những nhu cầu tinh thần của người nghèo, của di dân, của các bệnh nhân và tù nhân trong suốt hơn hai thế kỷ vừa qua. Và lịch sử này đã trở thành hiển nhiên nơi hàng trăm trường học mà trong đó, các nam nữ Tu sĩ đã hướng dẫn cho các em học sinh tập đọc và tập viết, cũng như đã dậy cho chúng biết yêu mến Thiên Chúa và tha nhân, biết thực hiện những đóng góp của mình cho cuộc sống cộng đồng Hoa Kỳ với tư cách là những nam nữ công dân tốt. Tất cả những điều đó chính là một di sản vĩ đại mà anh chị em đã giữ lại được. Và anh chị em được kêu gọi hãy làm phong phú hóa nó, cũng như hãy tiếp tục chuyển giao nó lại cho các thế hệ kế tiếp.

Hầu hết anh chị em đều biết về tiểu sử của Thánh Catharina Drexel – một vị Đại Thánh, đã xuất thân từ Giáo hội địa phương này. Khi Thánh Nữ nói với Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII về những nhu cầu cần phải có nhiều nhà truyền giáo thì vị Giáo Hoàng này – Ngài là vị Giáo Hoàng rất khôn ngoan! – đã hỏi Thánh Nữ một cách rất rành rõi rằng: „Còn con thì sao? Con muốn làm gì?“ Những lời đó đã thay đổi cuộc sống của Catharina, vì những lời đó luôn nhắc cho bà nhớ rằng, rốt cuộc thì bất cứ người Ki-tô hữu nào – dù nam hay nữ - thông qua Bí Tích Thanh Tẩy, cũng đều nhận lãnh một sứ mạng, một „sứ mạng truyền giáo“. Mỗi người trong chúng ta – trong mức độ tối đa có thể - phải thích ứng với tiếng gọi của Thiên Chúa trong việc xây dựng thân thể của Ngài là Giáo hội.

Còn con thì sao?“ – Trong mối liên hệ với sứ mạng đặc biệt của chúng ta, và để tiếp tục loan báo niềm vui Tin Mừng cũng như để kiến tạo Giáo hội với tư cách là Linh mục, là Phó tế hay là các thành viên của những cộng đoàn đời sống Thánh Hiến, Cha thích nhấn mạnh tới hai khía cạnh của những từ này:

Trước hết,  những từ này - „Còn con thì sao?“ – đã được hướng về một người thanh niên, được hướng về một cô gái trẻ với những lý tưởng to lớn, và những lời ấy đã biến đổi cuộc sống của cô. Chúng làm cho cô nghĩ tới công việc mênh mông cần phải được thực hiện, và làm cho cô nhận ra rằng, cô phải thực hiện một điều chi đó liên quan tới công việc ấy. Biết bao nhiêu là những thanh niên trong các Giáo xứ và trong các trường học của chúng ta đang có những ý tưởng lơn lao như thế, đang có một quan niệm căn bản đầy đại lượng, cũng như đang có Tình Yêu đối với Chúa Ki-tô và Giáo hội! Chúng ta có khuyến khích họ không? Chúng ta có trao cho họ không gian không? Chúng ta có giúp họ để họ hoàn thành sứ mạng của mình không? Chúng ta có tìm ra những phương cách để chia sẻ với họ về niềm hăng hái và những tài năng của họ trong các cộng đoàn của chúng ta hay không, trước hết là trong những công việc của Đức Ái và trong sự chăm sóc cho người khác? Chúng ta có chia sẻ với nhau về niềm vui cũng như về niềm hăng hái riêng của chúng ta trong việc phục vụ Chúa không?

Một trong những thách đố lớn lao đối với Giáo hội lúc này hệ tại ở chỗ là thúc đẩy tất cả mọi tín hữu nhận ra trách nhiệm cá nhân của họ đối với sứ vụ truyền giáo của Giáo hội, và tạo điều kiện cho họ để họ thi hành trách vụ này với tư cách là các Tông Đồ truyền giáo, và với tư cách là muối men của Tin Mừng trong thế giới chúng ta. Điều này đòi hỏi tính sáng tạo để thích ứng với những thay đổi của hoàn cảnh, bằng cách là người ta tiếp tục mang theo di sản của những thế hệ đã qua, không chỉ nhờ vào việc bảo vệ những cấu trúc và những thói quen – đó là những điều rất cần thiết -, nhưng trước hết, nhờ vào việc người ta mở ra với những khả năng mà Chúa Thánh Thần mở ra cho chúng ta, và loan báo niềm vui Tin Mừng trong cuộc sống hằng ngày cũng như trong tất cả mọi giai đoạn của cuộc sống chúng ta.

Còn con thì sao?“ Vấn đề ở đây cũng hàm ý rằng, những lời của Đức Nguyên Giáo Hoàng ấy cũng được hướng đến một người phụ nữ với tư cách là một nữ Giáo dân. Chúng ta biết rằng, tương lai của Giáo hội trong một xã hội đang thay đổi một cách nhanh chóng, sẽ thúc đẩy một sự tham gia tích cực của các Giáo dân, và ngay lúc này đây cũng đã thúc đẩy điều đó rồi. Giáo hội tại Hoa Kỳ đã luôn điều hành việc dậy Giáo Lý cũng như công việc giáo dục với một sự dấn thân to lớn. Thách đố đối với chúng ta trong thời đại hôm nay hệ tại ở chỗ kiến tạo trên những nền tảng căn bản vừa kiên cố vừa vững chắc ấy, và thúc đẩy một sự ý thức về việc cộng tác cũng như về trách nhiệm được sẻ chia trong việc lên kế hoạch cho tương lai trong các Giáo xứ và các cộng đoàn của chúng ta. Điều này không có nghĩa là khước từ quyền lãnh đạo tinh thần mà nó đã được ủy thác cho chúng ta; đúng hơn, nó có nghĩa là biện phân và sử dụng một cách khôn ngoan đối với vô vàn những ân lộc mà Chúa Thánh Thần vẫn hằng đổ xuống trên Giáo hội. Nó có một ý nghĩa hoàn toàn đặc biệt là coi trọng và đề cao sự đóng góp không giới hạn mà những người phụ nữ - cả Giáo dân lẫn Nữ Tu – đã và đang tiếp tục thực hiện cho đời sống của các cộng đoàn chúng ta.

Anh chị em thân mến, Cha xin cám ơn anh chị em về cách thức mà qua đó, mỗi người trong anh chị em đã trả lời cho câu hỏi của Chúa Giê-su: „Còn con thì sao?“, đã trả lời cho câu hỏi mà nó đã khơi lên ơn gọi của anh chị em. Cha khích lệ anh chị em hãy canh tân niềm vui của cuộc gặp gỡ đầu tiên ấy với Chúa Giê-su, và hãy kín múc từ niềm vui này một niềm tín trung cũng như một sức mạnh mới. Cha rất vui trước việc được trải qua những ngày này cùng với anh chị em, và Cha xin anh chị em, hãy chuyển lời chào nồng nhiệt của Cha đến với những người mà họ đã không thể hiện diện cùng với chúng ta tại đây, đặc biệt là những Linh mục và các Tu sĩ cao niên, họ đang hiệp thông với chúng ta trong tinh thần.

Trong những ngày diễn ra Đại Hội Quốc Tế về Gia Đình này, Cha muốn xin anh chị em, trong một cách thế đặc biệt, hãy nghĩ về sự phục vụ của chúng ta đối với các gia đình, đối với các cặp vợ chồng mà họ đang chuẩn bị thành hôn, và đối với những bạn trẻ của chúng ta. Cha biết rằng, có biết bao nhiêu là công việc đã được thực hiện trong các Giáo hội địa phương của anh chị em nhằm thích ứng với những nhu cầu của các gia đình, cũng như nhằm hỗ trợ các gia đình ấy trên cuộc hành trình Đức Tin của họ. Cha xin anh chị em, hãy thường xuyên cầu nguyện cho họ cũng như cho các cố vấn của Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới về Gia Đình.

Với trọn niềm biết ơn về tất cả những gì chúng ta đã đón nhận, và với niềm tín thác vững bền trong tất cả mọi cơn cùng khốn của mình, chúng ta hãy hướng về Đức Maria, Thân Mẫu thánh thiện của chúng ta. Ước chi, với Tình Yêu từ mẫu của Mẹ, Mẹ sẽ chuyển cầu cho Giáo hội tại Hoa Kỳ để Giáo hội này tiếp tục phát triển trong chứng tá có tính Ngôn Sứ của mình đối với sức mạnh của Thánh Giá nơi Con của Mẹ, hầu mang đến niềm vui, niềm hy vọng và sức mạnh cho thế giới chúng ta. Cha sẽ cầu nguyện cho mỗi người và cho từng người một trong anh chị em, và Cha thành khẩn xin anh chị em cũng hãy thực hiện điều ấy cho Cha.

Philadelphia ngày 26 tháng 09 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội