Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong đêm canh thức cầu nguyện cho THĐGMTG tại quảng trường Thánh Phê-rô đêm thứ Bảy 03.10.2015: „Chúng ta hãy tái xuất phát từ Nazareth!

 

Các gia đình thân mến, xin chúc một buổi tối tốt đẹp!

 

Việc thắp lên những ngọn nến nhỏ trong màn đêm đang bao phủ chúng ta, sẽ đem đến ích lợi gì? Thực hiện một điều chi đó hoàn toàn khác để thủ tiêu bóng đêm không phải là điều cần thiết hơn sao? Người ta có thể chiến thắng hoàn toàn bóng tối được không?

Vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống – trong một cuộc sống rất phong phú về những nguồn mạch tuyệt vời của nó – sẽ phát sinh ra những câu hỏi như thế với giọng điệu mãnh mẽ và dứt khoát. Khi chứng kiến những đòi hỏi của cuộc sống, cơn cám dỗ muốn co cụm lại, sẽ kéo dài – có lẽ dưới những lý do: cần phải đề phòng và cần phải thực tế –, và như thế, chạy trốn trách nhiệm trước việc thực hiện sự đóng góp cho đến cùng.

Anh chị em có nhớ biến cố của Ngôn Sứ Êlia không? Sự tính toán của con người đã khơi lên sự sợ hãi trong con người của vị Ngôn Sứ này, nó xô đẩy ông tới chỗ quyết định bỏ trốn. Sợ hãi … „ông Êlia trỗi dậy, ra đi để thoát mạng.“ Ông đã đi „bốn mươi ngày và bốn mươi đêm tới núi Horeb là núi của Thiên Chúa. Tại đấy, ông vào trong một cái hang và qua đêm trong đó. Nhưng Lời Chúa phán cùng ông: ´Ngươi làm gì ở đây, Êlia?`“ (1V 19,3.8-9). Và rồi từ trên núi Horeb, ông sẽ tìm thấy một câu trả lời – không phải trong giông to bão lớn, mà chúng có thể lay động những tảng đá, cũng không phải trong trận động đất lẫn trong núi lửa. Ân sủng của Thiên Chúa không cất cao giọng nói; nó là cơn gió xào xạc nhè nhẹ, nó đạt tới được những người đang sẵn sàng nhận ra nó trong làn hương của một luồng gió nhẹ. Bất cứ làn gió nào xem ra có vẻ lặng như tờ cũng thúc đẩy họ ra đi và trở về lại với thế giới, như là những chứng nhân của Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người, hầu làm cho thế giới tin…

Trong tinh thần này, cách nay đúng một năm, cũng tại quảng trường này, chúng ta đã kêu xin Chúa Thánh Thần, và cũng đã cầu nguyện, xin cho các Nghị Phụ, trong khi bàn luận với đề tài về gia đình, có được khả năng muốn lắng nghe, cũng như muốn trao đổi với nhau, với ánh nhìn gắn chặt vào Chúa Giê-su, Đấng là Lời chung cuộc của Thiên Chúa Cha, và là tiêu chuẩn để giải thích tất cả mọi vấn đề.

Trong buổi chiều tối hôm nay, lời cầu nguyện của chúng ta không thể khác với lời cầu nguyện ấy. Vì – như Đức Thượng Phụ Athenagoras đã nói – nếu không có Chúa Thánh Thần thì Thiên Chúa sẽ tránh xa, Chúa Ki-tô sẽ chỉ tồn tại trong quá khứ, Giáo hội sẽ trở thành một tổ chức thuần túy, quyền lực sẽ biến thành sự thống trị, sứ vụ sẽ biến thành sự tuyên truyền, Phụng Vụ sẽ biến thành pháp thuật, và hành vi Ki-tô giáo sẽ biến thành nền luân lý nô lệ.

Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện cho Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới – Thượng Hội Đồng này sẽ được khai mạc vào sáng mai – Xin cho Thượng Hội Đồng Giám Mục biết về kinh nghiệm của hôn nhân và gia đình, hầu quay trở về với hình ảnh tròn đầy của nhân loại; xin cho thượng Hội Đồng Giám Mục nhận ra và làm tăng giá trị cũng như lưu tâm tới tất cả những vẻ đẹp, tất cả mọi điều thiện hảo và sự thánh thiêng trong gia đình; xin cho Hội Đồng Giám Mục nhắc cho những gia đình ấy cũng như cho tất cả mọi gia đình nói chung, nhớ rằng, Tin Mừng luôn là „Sứ Điệp Vui Mừng“ mà từ đó người ta luôn luôn có thể tái bắt đầu. Ước chi các Nghị Phụ có được khả năng kín múc Lời An Ủi và những định hướng hy vọng từ kho tàng truyền thống sống động ấy cho các gia đình, mà trong thời đại hôm nay, các gia đình này đang được kêu gọi hãy kiến tạo nên tương lai của cộng đoàn Giáo hội cũng như kiến tạo nên thành phố nhân loại.

***

Thực ra, bất cứ gia đình nào cũng là một tia sáng – có thể là rất yếu – trong màn đêm của thế giới.

Lịch sử của chính Chúa Giê-su giữa nhân loại đã tượng hình trong cung lòng của một gia đình, và Ngài đã lưu lại trong gia đình ấy tới ba mươi năm. Và gia đình của Ngài cũng là một gia đình giống như biết bao những gia đình khác, hiện diện trong một ngôi làng vắng vẻ, bên lề đế quốc.

Giống như một số người khác, Cha Charles de Foucauld đã nhận ra được ý nghĩa thiêng liêng xuất phát từ Nazareth. Nhà đại nghiên cứu này đã rất mau chóng từ bỏ con đường công danh trong quân đội, và đã bị lôi cuốn bởi mầu nhiệm Thánh Gia, bởi sự xử sự hằng ngày của Chúa Giê-su với cha mẹ của Ngài cũng như với những người hàng xóm láng giềng, bởi công việc trong âm thầm và bởi lời cầu nguyện khiêm nhu. Khi chiêm ngưỡng gia đình Nazareth, Sư Huynh Charles đã cảm nghiệm được sự cằn cỗi của thói đam mê sự giầu sang và quyền lực; với tinh thần tông đồ của những điều thiện hảo, vị Chân Phúc này đã trở nên tất cả cho tất cả. Ngài cảm thấy mình được lôi cuốn đến với cuộc sống ẩn dật, và đã nhận ra rằng, người ta sẽ không lớn lên trong Tình Yêu đối với Thiên Chúa nếu người ta cứ quanh quẩn bên kiếp nô lệ cho những mối tương quan nhân loại. Vì trong Tình Yêu đối với người khác, người ta sẽ học để yêu mến Thiên Chúa; bằng cách là người ta nghiêng mình xuống trước tha nhân, và người ta ngước nhìn lên Thiên Chúa. Nhờ vào sự gần gũi huynh đệ và liên đới đối với những người nghèo và những người bị bỏ rơi, Chân Phúc Charles đã hiểu được rằng, rốt cục thì những con người ấy mới chính là những người loan báo Tin Mừng cho chúng ta, bằng cách là họ giúp chúng ta lớn lên trong nhân tính.

Để hiểu được gia đình trong thời đại hôm nay, cũng như Cha Charles de Foucauld, chúng ta phải bước vào trong mầu nhiệm của gia đình Nazareth, bước vào trong cuộc sống âm thầm, thường nhật và bình dị của gia đình ấy, giống như phần lớn các gia đình chúng ta, với những nỗ lực và niềm vui giản dị của gia đình ấy. Đó là một cuộc sống được dệt nên bởi sự kiên nhẫn thanh thản trong những điều ghê tởm, bởi sự kính trọng đối với hoàn cảnh của từng cá nhân, bởi sự khiêm nhượng có khả năng giải phóng và trổ bông trong sự phục vụ. Đó là một cuộc sống trong tình huynh muội, mà tình huynh muội ấy bắt nguồn từ sự linh cảm về việc trở nên thành tố của một thân thể duy nhất.

Gia đình chính là nơi thánh thiêng được linh hứng bởi Tin Mừng, mà sự thánh thiêng đó được hiện thực hóa dưới những điều kiện của cuộc sống thường nhật. Tại đó, người ta tiếp nhận vào trong chính mình ký ức của các thế hệ, và thuộc về những nguồn cội mà chúng tạo cơ hội để vươn tới những mục tiêu cao cả. Gia đình chính là nơi để biện phân, tại đó người ta được chỉ dẫn để nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa đối với đời sống riêng của mỗi người, và đón nhận kế hoạch đó với trọn niềm tín thác. Gia đình chính là nơi mà tại đó người ta trao hiến cho nhau một cách nhưng không, là nơi của sự hiện diện đầy tinh tế, huynh đệ và liên đới, nó dậy người ta biết đi ra khỏi chính mình để đón nhận người khác, để tha thứ, và để cảm nhận được sự thứ tha.

***

Chúng ta hãy tái xuất phát từ Nazareth để cho một Thượng Hội Đồng Giám Mục có khả năng học từ gia đình hơn là nói về gia đình, trong sự sẵn sàng để luôn nhận ra phẩm giá, bản chất và giá trị của gia đình, bất chấp tất cả mọi nỗ lực và mọi đối kháng mà có thể chúng đang để lại vết tích trên gia đình.

Trong vùng „Galilêa dân ngoại“ (Mt 4,15) của thời đại chúng ta, chúng ta sẽ tái khám phá ra tầm quan trọng của một Giáo hội là Mẹ, của một Giáo hội có khả năng hồi sinh cuộc sống, một Giáo hội lưu tâm để luôn xả thân cho cuộc sống, và một Giáo hội ân cần để đồng hành với sự trao hiến, với sự trìu mến và với sức mạnh luân lý. Vì nếu chúng ta không hiểu cách để kết nối công lý với niềm cảm thông, thì rốt cục chúng ta sẽ trở nên nghiêm khắc một cách vô dụng, trở nên bất công một cách sâu kín.

Nếu một Giáo hội là gia đình thì Giáo hội ấy sẽ biết cách để hành động với Tình Yêu và với sự gần gũi của một người Cha, mà người Cha ấy sống trong trách nhiệm của một người bảo vệ - người cha ấy bảo vệ, nhưng không hề áp đặt; người cha ấy sửa sai nhưng không làm nhục, người cha ấy dưỡng dục với gương lành và với sự nhẫn nại – đôi lúc chỉ đơn giản với sự lặng thinh của một sự đợi chờ trong cầu nguyện và rộng mở.

Nhưng trước tiên, một Giáo hội sẽ không bao giờ đứng quá xa với những người con trai, con gái mà họ nhìn nhận nhau như là những người anh chị em, để quan sát một ai đó như là một gánh nặng, như là một vấn đề, như là nguyên cớ dẫn tới hy sinh, dẫn tới lo âu và rủi ro: Căn bản mà nói, người khác chính là một quà tặng, và vẫn luôn là quà tặng ngay cả khi người ấy chọn đi theo những con đường khác.

Giáo hội chính là một ngôi nhà rộng mở, xa cách mọi vẻ hào nhoáng và khoe khoang, sẵn sàng đón nhận trong phong cách khiêm tốn các thành viên của mình, và chính vì thế, mang đến niềm hy vọng hòa bình, mà niềm hy vọng đó luôn luôn hiện diện trong mỗi con người, ngay cả trong những người mà con tim của họ đang bị tổn thương, đang phải khổ đau vì những thử thách của cuộc sống.

Sở dĩ một Giáo hội như thế sẽ thực sự có thể chiếu sáng vào trong đêm đen của nhân loại, sẽ có thể chỉ cho nhân loại thấy được đích điểm một cách đáng tin cậy, và có thể đồng hành với những bước đi của họ, là vì, với tư cách là người đầu tiên, Giáo hội đã trải qua kinh nghiệm về việc thường xuyên được khơi dậy sự sống mới trong con tim nhân hậu của Thiên Chúa Cha.

 

Vatican ngày mồng 03 tháng 10 năm 2015

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội