Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô trong ngày thứ Tư Lễ Tro

 

Anh chị em thân mến,

Nhân dịp khai mạc Mùa Chay, Lời Chúa mời gọi Giáo hội cũng như mời gọi mỗi người trong chúng ta theo hai cách thế. Trước tiên, lời mời gọi ấy chính là điều mà Thánh Phao-lô đã nói với chúng ta: „Anh chị em hãy làm hòa với Thiên Chúa“ (2Cor 5,20). Điều đó không đơn giản chỉ là một lời khuyên của một người cha tốt lành, và cũng không phải chỉ là một lời đề nghị; đó là một lời xin, một lời yêu cầu thực sự nhân danh Chúa Ki-tô: „Nhân danh Đức Ki-tô, chúng tôi nài xin anh em, hãy làm hòa với Thiên Chúa“ (nt). Tại sao có lời mời gọi long trọng và can đảm này? Vì Chúa Ki-tô biết chúng ta yếu đuối và tội lỗi như thế nào, Ngài biết rõ sự yếu đuối của con tim chúng ta; Ngài nhìn thấy những vết thương của sự ác mà chúng ta đã gây ra và đã phải chịu đựng; Ngài biết chúng ta cần đến ơn tha thứ là dường nào; Ngài biết rằng, chúng ta muốn cảm thấy được yêu thương để làm điều thiện. Nhưng chỉ một mình chúng ta thôi thì không thể: vì thế Thánh Phao-lô đã không nói với chúng ta rằng, chúng ta nên thực hiện một cái gì đó, nhưng Ngài nói rằng, chúng ta nên giao hòa với Thiên Chúa để Ngài có thể tha thứ cho chúng ta, để chúng ta thêm vững tin, vì „Thiên Chúa lớn hơn con tim của chúng ta“. Ngài chiến thắng tội lỗi và nâng chúng ta dậy từ sự khốn cùng nếu chúng ta tín thác vào Ngài. Còn về phía bản thân, chúng ta phải nhận ra mình như là những người đang cần tới Lòng Thương Xót: đó là bước đi đầu tiên trên con đường Ki-tô giáo; vấn đề nằm ở chỗ là, bước qua cánh cổng mở rộng là chính Chúa Ki-tô, cho tới tận nơi mà chính Ngài, Đấng Cứu Độ, đang chờ đợi chúng ta, và bằng cách này, trao tặng cho chúng ta một sự sống mới và đầy vui mừng.

Có thể có một ít điều ngăn trở mà chúng có thể tái đóng sập cánh cổng tâm hồn lại. Do đó, có cơn cám dỗ xúi người ta đóng sập những cánh cửa, hay được diễn tả theo cách khác là: tự hài lòng với những lầm lỗi riêng, nói nhỏ, luôn luôn biện hộ cho mình, bằng cách là người ta nghĩ rằng, người ta không tồi tệ như những người khác. Nhưng qua cách thức đó, tâm hồn sẽ ở lỳ trong sự khép kín, và người ta bị nhốt vào trong đó như một tù nhân của sự ác. Một rào cản khác chính là sự xấu hổ trong việc mở ra cánh cửa bí hiểm dẫn tới con tim. Trong thực tế, xấu hổ là một dấu chỉ tốt, vì nó cho chúng ta thấy rằng, chúng ta muốn được tách ra khỏi sự ác; nhưng điều này không được phép biến thành sự sợ hãi hay sự kinh hoàng. Và còn có một mối nguy thứ ba, và thực ra là việc muốn rời xa khỏi cánh cổng: điều đó sẽ xảy ra mỗi khi chúng ta tự giấu mình trong nỗi khốn cùng của mình, khi chúng ta thường xuyên càm ràm và cấu kết những điều tiêu cực lại với nhau, cho tới khi chúng ta rơi vào trong hầm hố tăm tối nhất của tâm hồn. Và rồi thậm chí chúng ta sẽ trở nên thân thiết với sự buồn chán mà thực ra chúng ta hoàn toàn không muốn, chúng ta đánh mất sự can đảm và trở nên yếu nhược trước những cơn cám dỗ. Điều đó sẽ đến khi chúng ta cứ lỳ ra với một mình chúng ta, chúng ta giấu giếm và trốn chạy khỏi ánh sáng; nhưng chỉ có sự tốt lành của Thiên Chúa mới có thể giải phóng chúng ta. Vậy thì chúng ta hãy giao hòa với nhau, hãy lắng nghe Chúa Giê-su, Đấng nói với những ai mệt mỏi rã rời và bị áp bức rằng, „hãy đến cùng Ta“ (Mt 11,28). Bạn đừng lỳ ra mãi trong sự khép kín, nhưng hãy lên đường để đến với Ngài! Ngài là điểm tựa và là sự bình an của chúng ta.

Các Thừa Sai của Lòng Thương Xót cũng đang hiện diện trong Thánh Lễ này, họ sẽ nhận lãnh sứ mạng để trở thành dấu chỉ và khí cụ cho sự tha thứ của Thiên Chúa. Anh em thân mến, hãy trở nên những người cứu giúp với tư cách là những người mở cửa các tâm hồn, để sự xấu hổ được vượt thắng và không chạy trốn trước ánh sáng. Ước chi đôi tay của anh em sẽ mang đến phúc lành và sẽ nâng đỡ những người anh chị em với sự trao hiến của một người cha: để nhờ vào anh em, ánh mắt và đôi tay của Thiên Chúa Cha sẽ có thể hoạt động trên những người con cái của Ngài, và những vết thương sẽ được chữa lành!

Còn một lời mời gọi thứ hai của Thiên Chúa, Đấng đã nói thông qua Ngôn Sứ Giô-en: „Hãy trở về cùng ta với trọn tấm lòng“ (Gi 2,12). Nếu chúng ta quay trở về thì cũng chỉ vì chúng ta đã đi xa. Đó là mầu nhiệm của tội lỗi: chúng ta đã xa cách Thiên Chúa, xa cách những người khác và trở nên xa lạ với chính mình. Đây là điều rất khó để có thể nhận ra được: Chúng ta hãy nhìn thử coi, việc thực sự tín thác vào Thiên Chúa, tín thác vào Ngài với tư cách là một người Cha mà không hề sợ hãi, thật khó biết là chừng nào. Yêu thương người khác thay vì nghĩ xấu về họ, thật khó biết chừng nào; làm điều thiện thay vì để mình bị lôi cuốn và để mình bị điều khiển bởi những vấn đề vật chất, nhưng những tài sản vật chất ấy sẽ mất dạng vào lúc cuối, và còn làm cho chúng ta trở nên nghèo nàn hơn, thật khó biết dường nào. Bên cạnh lịch sử tội lỗi này, Chúa Giê-su đã mang đến một lịch sử cứu độ. Bài Tin Mừng được đọc lên trong ngày khai mạc Mùa Chay, mời gọi chúng ta hãy trở nên những diễn viên chính, bằng cách là chúng ta sử dụng ba phương dược, ba loại thuốc mà chúng chữa lành chúng ta khỏi mọi tội lỗi (xc. Mt 6,1-6.16-18).

Phương dược thứ nhất là sự cầu nguyện, nó được coi như là sự mở tâm hồn ra và tín thác vào Thiên Chúa: nó là cuộc gặp gỡ cá nhân với Ngài để rút ngắn khoảng cách mà tội lỗi đã tạo ra. Cầu nguyện có nghĩa là nói rằng: „Bản thân con không đủ cho con, con cần tới Chúa, Chúa chính là sự sống và ơn cứu độ của con.“ Phương dược thứ hai là Lòng Thương Xót mà nó vượt thắng sự xa lạ đối với những người khác. Tình Yêu đích thực không phải là hành vi bên ngoài, nó không phải là việc trao cho người khác một cái gì đó như một người cha để làm yên lương tâm, nhưng là việc chấp nhận bất cứ con người nào mà họ đang cần tới thời giờ, tình bạn và sự giúp đỡ của chúng ta. Nó chính là việc sống sự phục vụ, mà trong đó cơn cám dỗ khiến người ta hài lòng về chính mình sẽ bị thắng vượt. Và phương dược thứ ba là ăn chay, thống hối để giải phóng chúng ta khỏi những quyến luyến, những lệ thuộc đối với điều mà nó diễn ra, và do đó chúng ta sẽ còn tỏ ra nhạy cảm và nhân hậu hơn. Đó là một lời mời gọi trở nên khiêm nhượng và sẻ chia: trao cho người khác một cái gì đó từ mâm cơm và từ tài sản của chúng ta để thấy được kho tàng đích thực của sự tự do.

Hãy trở về với ta – Đức Chúa phán – với trọn tấm lòng“: không chỉ với một vài cử chỉ bên ngoài, nhưng trong nơi thẳm sâu nhất của nội tâm chúng ta. Vì Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta sống sự cầu nguyện, Lòng Thương Xót và sự thống hối với tính minh bạch và sự xác thực, bằng cách là chúng ta chiến thắng thói giả hình. Đối với tất cả chúng ta, Mùa Chay chính là thời gian „giảm bớt“ một cách hào phóng những điều sai quấy, cắt bớt tinh thần thế tục và thái độ thờ ơ lãnh đạm: để không nghĩ rằng tất cả đều tốt nếu nó tốt với tôi; để hiểu rằng, sẽ chẳng tốt đẹp gì cho dẫu có một điều chi đó được hoanh nghênh, mang đến thành công hay được đồng tình, nhưng là sự thanh tẩy con tim và đời sống; hầu tái tìm thấy căn tính Ki-tô giáo, và cụ thể là Đức Ái, và Đức Ái thì rất cần thiết, không ích kỷ, bởi ích kỷ chỉ lợi dụng. Chúng ta hãy cùng nhau lên đường với tư cách là Giáo hội, bằng cách là chúng ta xức tro lên đầu và chăm chú hướng về Thập Giá. Đấng yêu thương chúng ta đang mời gọi chúng ta hãy giao hòa với Thiên Chúa và trở về cùng Ngài để tái tìm thấy chình mình.

Đền Thờ Thánh Phê-rô, thứ Tư Lễ Tro, ngày mồng 10 tháng 02 năm 2016

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội