Bài Giảng Lễ Cùng Các Linh Mục, Tu Sĩ

(muoianhsang.com) - Thứ tư, 17 Tháng 2 2016 11:17

 

Có một câu nói thế này “hãy cho tôi biết bạn cầu nguyện thế nào, và tôi sẽ nói cho bạn biết bạn đang sống thế nào; hãy cho tôi biết bạn đang sống thế nào và tôi sẽ cho bạn biết bạn đang cầu nguyện thế nào. Bởi vì khi nói cho tôi biết bạn cầu nguyện thế nào, tôi sẽ biết tìm kiếm Thiên Chúa là Đấng mà bạn đang sống vì Ngài, và khi cho tôi biết bạn sống thế nào, tôi sẽ biết tin vào Thiên Chúa là Đấng mà bạn cầu nguyện cùng”. Bởi vì đời sống của chúng ta nói lên việc cầu nguyện và việc cầu nguyện nói lên đời sống của chúng ta. Cầu nguyện là một điều gì đó phải học, cũng như việc chúng ta học đi, học nói, học lắng nghe. Ngôi trường cầu nguyện là ngôi trường của cuộc sống và trong ngôi trường của cuộc sống chúng ta tiến bộ trong ngôi trường cầu nguyện. Và như Thánh Phaolô thường hay nói với người môn đệ yêu mến của Ngài, Ti-mô-thê, như Ngài thường dạy ông và giáo huấn ông phải sống niềm tin của ông, thì Ngài nói với ông: “Hãy nhớ đến mẹ anh và bà của anh”. Và khi các Chủng Sinh thường bước vào Chủng Viện, thường họ hay hỏi tôi: “Thưa Cha, con muốn cầu nguyện sâu hơn nữa, theo cách tinh thần hơn nữa...”. “Hãy tiếp tục cầu nguyện theo cách mà người ta đã dạy các con ở nhà. Và từ từ việc cầu nguyện của các con sẽ phát triển giống như các con lớn lên trong cuộc sống của các con”. Khi chúng ta học cầu nguyện, thì cũng giống y như việc chúng ta học cách sống vậy.

Chúa Giêsu muốn giới thiệu cho các bạn đồng hành của Ngài đi vào mầu nhiệm của Sự Sống, đi vào mầu nhiệm cuộc sống của Ngài. Ngài chỉ cho họ bằng việc ăn, ngủ, chữa lành, rao giảng và cầu nguyện, là Con Thiên Chúa nghĩa là thế. Ngài mời họ chia sẻ sự sống của Ngài, nội tâm của Ngài, và trong sự hiện diện ở giữa họ Ngài cho phép họ đụng chạm vào trong thân xác Ngài, sự sống của Chúa Cha. Ngài giúp họ kinh nghiệm, trong cái nhìn của Ngài, trong việc ra đi đầy quyền năng, sự mới mẻ của việc thưa lên “Cha Ơi”. Ở nơi Chúa Giêsu thì sự diễn tả này không có dấu vết của thói quen hay việc lặp lại thuần tuý. Trái lại, nó chứa đựng một cảm thức về sự sống, về kinh nghiệm, về tính đúng đắn. Với hai lời này, “Cha Ơi”, Ngài biết cách sống việc cầu nguyện và cầu nguyện cho cuộc sống.

Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thực hiện y như thế. Lời kêu gọi đầu tiên của chúng ta là kinh nghiệm được tình yêu giàu lòng thương xót này của Chúa Cha trong cuộc sống của chúng ta, trong kinh nghiệm của chúng ta. Lời mời gọi đầu tiên của Ngài là để giới thiệu chúng ta đi vào sự năng động mới của tình yêu, của tình con thảo. Lời mời gọi đầu tiên của chúng ta là học cách nói, “Cha Ơi”, đó là, Abba.

“Khốn cho tôi nếu tôi không loan báo Tin Mừng!”, Thánh Phaolô nói. “Vô phúc cho tôi!”. Vì để loan báo, Thánh Phaolô tiếp tục, không phải là một lý do để vinh quang mà hơn thế là một sự cần thiết (1 Cr 9:16).

Ngài đã mời gọi chúng ta chia sẻ trong sự sống của Ngài, sự sống thần linh của Ngài, và khốn cho chúng ta nếu chúng ta không chia sẻ sự sống ấy, khốn cho chúng ta – những người nam nữ sống đời thánh hiến, các linh mục, các chủng sinh, giám mục, thật khốn cho chúng ta. Chúng ta không là và không muốn là “những người quản trị sự thánh”, chúng ta không là và không muốn là những người làm việc của Thiên Chúa, vì chúng ta được mời gọi để chia sẻ trong sự sống của Ngài, chúng ta được mời gọi để đi vào trong trái tim của Ngài, một trái tim cầu nguyện và sống, biết thưa, “Cha Ơi”. Đâu là mục đích nếu chúng ta không nói bằng cuộc sống của chúng ta. Từ khởi đầu cho đến kết thúc, giống như người anh em giám mục của chúng ta đã qua đời đêm qua, đâu là sứ vụ nếu không nói câu ấy bằng cả cuộc sống của chúng ta, “Cha Ơi”?

Ngài là Cha của chúng ta, chính Ngài là Đấng mà chúng ta cầu nguyện cách cao độ với mỗi ngày: Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ. Chính Chúa Giêsu đã thực hiện y như thế. Ngài cầu nguyện để các môn đệ của Ngài – của ngày hôm qua và ngày nay – không bị sa ngã. Đâu là một trong những tội theo đuổi chúng ta? Đâu là một trong những cơn cám dỗ vốn trỗi dậy không chỉ trong việc chiêm ngắm thực tại mà còn trong việc sống thực tại ấy? Đâu là cơn cám dỗ có thể xuất hiện với chúng ta từ những nơi thường bị thống trị bởi tình trạng bạo lực, tham nhũng, buôn thuốc phiện, coi thường phẩm giá con người, và thờ ơ khi đối diện với đau khổ và sự tổn thương? Đâu là cơn cám dỗ mà chúng ta sẽ phải chịu đựng đi chịu đựng lại khi đối diện với thực tại này vốn dường như đã trở thành một hệ thống vĩnh viễn?

Tôi nghĩ chúng ta có thể tóm lược lại điều đó trong một từ, “thoái lui”. Đối diện với thực tại này, ma quỷ có thể chiến thắng chúng ta bằng một trong những vũ khí lợi hại nhất của nó: thoái lui. Một sự thoái lui làm tê liệt chúng ta và ngăn chặn chúng ta không chỉ khỏi việc bước đi, mà còn khỏi việc thực hiện một cuộc hành trình; một sự thoái lui không chỉ làm cho chúng ta hoảng sợ, mà còn làm cho chúng ta cố thủ trong “các phòng thánh” của chúng ta và những sự an toàn giả tạo; một sự thoái lui không chỉ ngăn chặn chúng ta khỏi việc rao giảng, mà con làm cản trở việc ca tụng của chúng ta. Một sự thoái lui không chỉ làm cho chúng ta không nhìn đến tương lai, mà còn phá hỏng lòng khao khát của chúng ta chấp nhận rủi ro để thay đổi. Và vì thế, “Cha ơi, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ”.

Thật là tốt lành biết bao cho chúng ta biết chạm vào các ký ức của mình khi chúng ta bị cám dỗ. Thật là nâng đỡ chúng ta biết bao khi chúng ta biết nhìn vào “những điều” mà chúng ta được tạo nên. Nó không bắt đầu bằng chúng ta một chút nào, cũng không kết thúc với chúng ta, và vì thế thật tốt cho chúng ta khi nhìn vào trong các kinh nghiệm quá khứ của chúng ta là những điều vốn dẫn chúng ta đến nơi mà chúng ta đang hiện diện hôm nay.

Và trong sự tưởng nhớ này, chúng ta không thể bỏ qua người đã yêu nơi này quá nhiều, người đã tự biến chính Ngài thành một người con của mảnh đất này. Chúng ta không thể bỏ qua người ấy là người đã nói về chính mình: “Họ đã kéo tôi ra khỏi bộ tộc và đặt tôi vào trách nhiệm linh mục vì tội lỗi của tôi. Tôi, vô dụng và dường như không thể thực thi một nhiệm vụ cao cả như thế; tôi, người không biết cách sử dụng một mái chèo, họ đã chọn tôi trở thành Giám Mục tiên khởi của Michoacán” (Vasco Vázquez de Quiroga, Thư Mục Tử, 1554). Và tôi muốn cám ơn Đức Hồng Y Tổng Giám Mục bởi vì chính mong muốn của Ngài mà buổi cử hành Thánh Thể này được cử hành bằng chiếc chén lễ của con người này.

Cùng với các bạn, tôi muốn gợi nhắc đến nhà truyền giáo này, được biết đến như là một “người Tây Ban Nha trở thành một người Idian”.

Hoàn cảnh của những người Purhépechas Indian là những người mà Ngài tả như là “đã bán, bị hạ nhục, vô gia cư trong thế giới, lượm những mảnh vụn bánh mì từ mặt đất”, đã không thành công trong việc cám dỗ Ngài thoái lui cách thờ ơ, mà lại thành công trong việc thắp lên ngọn lửa niềm tin của Ngài, làm mạnh mẽ lòng thương cảm của Ngài và thôi thúc Ngài thực hiện những kế hoạch vốn là “hơi thở tươi mới” ở giữa quá nhiều sự bất công đang làm tê liệt. Nỗi đau và nỗi thống khỏ của anh chị em Ngài trở thành lời cầu nguyện của Ngài, và việc cầu nguyện của Ngài dẫn đến sự đáp trả của Ngài. Trong số những người Indian, Ngài được biết đến như là “Tata Vasco”, mà trong ngôn ngữ của người Purhépechan có nghĩa là Cha, bố, ba...

Đó chính là từ mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đến với lời cầu nguyện này, với lối diễn tả này.

Cha, bố, ba...xin đừng để chúng con sa chước cơn cám dỗ của sự thoái lui, xin đừng để chúng con sa chước cơn cám dỗ của việc đánh mất đi ký ức của chúng con, xin đừng để chúng con sa chước cơn cám dỗ của việc lãng quên người già yếu là những người đã dạy chúng con bằng cuộc sống của các vị để đọc, “Kinh Lạy Cha”.

Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ Vatican Radio)

 


Văn Kiện Giáo Hội