Bài Giáo Lý Của ĐTC Phan-xi-cô Trong Buổi Tiếp Kiến Chung Sáng Thứ Tư Ngày 23.11.2016: Mục 37 – Khuyên bảo và dậy dỗ

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Sau khi kết thúc Năm Thánh, giờ đây chúng ta hãy trở về với những điều bình thường. Nhưng vẫn còn một số chiêm ngắm về những công việc của Đức Thương Người, và vì thế chúng ta sẽ tiếp tục với những công việc ấy.

Hôm nay, việc chiêm ngưỡng những công việc của Đức Thương Người về khía cạnh tinh thần liên quan tới hai hành vi được liên kết với nhau một cách khắng khít: khuyên bảo những người nghi nan về lẽ phải, và dậy dỗ những người u mê, tức những người thiếu hiểu biết. Cụm từ „những người u mê“ rất mạnh, nhưng nó liên hệ đến những người không hiểu biết về một điều gì đó mà người ta phải chỉ dậy cho họ. Ở đây là hai công việc mà chúng vừa có thể được sống trong một chiều kích đơn giản trong gia đình, và nó có thể đạt đến được đối với mỗi người, nhưng cũng vừa có thể được sống trên bình diện cơ cấu và tổ chức, đặc biệt là đối với công việc thứ hai, tức công việc dậy dỗ. Chúng ta hãy nghĩ tới những việc, chẳng hạn như có biết bao nhiêu là những em nhỏ vẫn đang còn bị liên lụy tới nạn mù chữ. Đó là điều không thể hiểu được: Trong một thế giới mà trong đó sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã đạt tới một mức độ rất cao, nhưng vẫn có những em nhỏ mù chữ! Đó là một sự bất công. Biết bao nhiêu là em nhỏ đang phải chịu đựng cảnh thiếu giáo dục. Tình trạng này là một sự bất công to lớn và đang làm suy nhược phẩm giá con người. Nếu không được giáo dục thì người ta sẽ dễ dàng rơi vào tình cảnh bị bóc lột, cũng như sẽ dễ dàng trở thành nạn nhân của những hình thức cùng khốn khác nhau của xã hội.

Trong suốt nhiều thế kỷ, Giáo hội đã cảm thấy cần thiết phải dấn thân trong lãnh vực giáo dục, vì sứ mạng loan báo Tin Mừng của Giáo hội cũng bao hàm bổn phận trao lại cho những người nghèo nhất phẩm giá của họ, mà một trong những ví dụ đầu tiên ngay tại Rô-ma này chính là ngôi trường được sáng lập bởi Thánh Giút-ti-nô vào thế kỷ thứ II để giúp các Ki-tô hữu hiểu biết Kinh Thánh tốt hơn, cho tới Thánh Giu-se Calasanz, người đã thành lập trường phổ thông miễn phí đầu tiên tại Châu Âu. Chúng ta đang sở hữu một danh sách dài những vị Thánh Nam và Nữ mà các Ngài đã giúp những người thiệt thòi nhất tiếp cận được với những giai đoạn học vấn khác nhau, vì các Ngài biết rằng, sự cùng khốn và sự kỳ thị sẽ có thể được thắng vượt nhờ vào cách này. Biết bao nhiêu là K-tô hữu, bao gồm cả Giáo dân, nam nữ Tu sĩ lẫn Linh mục, đã trao hiến cuộc sống mình cho sự giáo dục cũng như cho việc đào tạo các em nhỏ và giới thanh thiếu niên. Đó là điều vô cùng vĩ đại: Cha mời gọi anh chị em, hãy ca ngợi họ và hãy tặng cho họ một tràng pháo tay thật nồng nhiệt! [mọi người hiện diện đều vỗ tay]. Những con người tiên phong trong lãnh vực giáo dục ấy đã nhận thức một cách thấu đáo về công việc của Đức Thương Người, và vì thế, đã thực hiện một lối sống mà qua đó, toàn bộ xã hội được biến đổi. Nhờ vào những công việc giản dị của họ với một số tổ chức, họ đã có thể trao lại cho nhiều người phẩm giá của họ! Và việc giáo dục do họ thực hiện cũng thường được điều chỉnh theo công việc. Chúng ta hãy nghĩ tới Thánh Gio-an Don Bosco, người đã chuẩn bị cho trẻ em đường phố với phòng cầu nguyện và sau này với các trường học và văn phòng giới thiệu việc làm. Nhờ thế, nhiều trường dậy nghề khác nhau đã mọc lên, mà những trường ấy đã tạo điều kiện để người ta có công ăn việc làm, và đồng thời, giới thiệu những giá trị vừa mang tính nhân bản vừa mang chiều kích Ki-tô giáo. Vì thế, trong thực tế, việc giáo dục là một hình thức loan báo Tin Mừng cách đặc biệt.

Với việc giáo dục ngày càng tăng, nhiều người sẽ có được sự bảo đảm và sự ý thức mà tất cả chúng ta đều cần trong cuộc sống. Một sự giáo dục lành mạnh sẽ dậy cho chúng ta biết về một cách thức hành động có tính phê bình, mà cách thức đó cũng chứa đựng một mức độ nghi ngại nào đó, mà một lần nữa, sự nghi ngại đó sẽ giúp đặt ra những câu hỏi vì một sự hiểu biết lớn hơn, cũng như để thẩm định những thành công đã đạt được. Nhưng công việc của Đức Thương Người trong việc khuyên răn những người đang nghi nan về lẽ phải không liên quan tới cách thức nghi nan này. Trái lại, việc sống với những người nghi nan về Lòng Thương Xót, tương ứng với việc xoa dịu những vết thương và những nỗi khổ đau mà chúng có nguồn gốc từ sự sợ hãi và là hậu quả của sự nghi nan. Vì thế, nó là một hành vi yêu thương thực sự, mà với hành vi đó người ta có thể hỗ trợ một con người trong sự yếu đuối bắt nguồn từ sự bất an và thiếu chắc chắn của họ.

Cha nghĩ rằng, một người nào đó có thể hỏi Cha: „Nhưng thưa Cha, con lại đang cảm thấy có quá nhiều nghi ngờ trong mối liên hệ đến Đức Tin, vậy con nên làm gì? Phải chăng Đức Thánh Cha không bao giờ nghi ngờ?“. Có chứ, nhiều là đàng khác… Tất nhiên, tất cả mọi người đều có đôi lúc nghi ngờ! Đó là sự nghi ngờ mà nó đụng chạm tới Đức Tin trong ý nghĩa tích cực, đó là một dấu chỉ cho thấy rằng, chúng ta đang muốn đạt tới được một sự hiểu biết lớn hơn và sâu hơn về Thiên Chúa, về Chúa Giê-su và về mầu nhiệm Tình Yêu của Ngài đối với chúng ta. „Nhưng sau khi con có sự nghi ngờ thì: con tìm kiếm, học hỏi, nhìn ngắm hay xin lời khuyên về việc đó, con nên làm gì?“ Những điều nghi ngờ đó làm cho lớn lên! Vì thế, thật là tốt khi chúng ta đặt ra cho mình những câu hỏi về Đức Tin, vì chúng sẽ thúc đẩy chúng ta đi tới chỗ đào sâu Đức Tin hơn. Trong bất cứ trường hợp nào đi nữa thì những nghi nan cũng đều được vượt thắng. Vì thế thật cần thiết phải lắng nghe Lời Chúa và hiểu được giáo huấn chứa đựng trong đó. Một con đuờng vừa quan trọng, vừa rất hữu ích trong vấn đề này là việc học Giáo Lý, mà với nó, việc công bố Đức Tin sẽ gặp gỡ chúng ta trong đời sống cụ thể, vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính cộng đồng. Đồng thời, cũng đang có một con đường thênh thang và cũng quan trọng không kém: sống Đức Tin trong mức độ bao nhiêu có thể. Chúng ta đừng biến Đức Tin thành những học thuyết trừu tượng, mà những mối nghi nan sẽ tăng lên gấp bội trong đó. Đúng hơn, chúng ta hãy biến Đức Tin thành cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy cố gắng thực hành Đức Tin trong sự phục vụ những người đồng loại, đặc biệt là những người túng thiếu nghèo nàn nhất. Và rồi nhiều mối nghi nan sẽ biến đi, vì chúng ta sẽ cảm thấy sự hiện diện của Thiên Chúa và chân lý của Tin Mừng trong Tình Yêu mà nó đang cư ngụ trong chúng ta, cũng như đang được sẻ chia với người khác nhưng không phải vì công trạng của chúng ta.

Anh chị em thân mến, như chúng ta có thể nhận ra, hai công việc này của Đức Thương Người cũng không xa cách cuộc sống chúng ta. Vì thế, mỗi người trong chúng ta đều có thể cố gắng để sống hai công việc ấy, hầu mang Lời Chúa vào trong hành động, khi Ngài nói với chúng ta rằng, mầu nhiệm Tình Yêu Thiên Chúa không được mạc khải cho những kẻ khôn ngoan và thông thái, nhưng được mạc khải cho những kẻ khiêm nhượng (xc. Lc 10,21; Mt 11,25-26). Vì thế, việc dậy dỗ sâu xa nhất mà chúng ta nên thực hiện, chính là niềm xác tín chắc chắn nhất, để thoát khỏi nỗi nghi nan; và Tình Yêu Thiên Chúa mà với nó chúng ta được yêu thương (xc. 1Ga 4,10), chính là một Tình Yêu vĩ đại, nhưng không và vĩnh viễn. Thiên Chúa không bao giờ thực hiện một cuộc triệt thoái với Tình Yêu của Ngài! Ngài luôn luôn tiến lên trước và chờ đợi; Ngài không ngừng ban Tình Yêu của Ngài cho chúng ta, mà Tình Yêu ấy sẽ giúp chúng ta cảm thấy được trách nhiệm của mình một cách mạnh mẽ trong việc trở nên những chứng nhân, bằng cách là chúng ta trao tặng Lòng Thương Xót cho những người anh chị em của chúng ta. Xin cám ơn anh chị em.

 

Quảng trường Thánh Phê-rô, sáng thứ Tư ngày 23 tháng 11 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ