Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 24.02.2016: Mục 8 – Lòng Thương Xót và quyền lực

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Ngày hôm nay chúng ta cũng sẽ tiếp tục các bài Giáo Lý của chúng ta về Lòng Thương Xót trong Kinh Thánh. Ở nhiều đoạn khác nhau, Kinh Thánh đã tường thuật về những nhà cầm quyền, về những vị vua; về những con người đứng „trên cao“, và cũng tường thuật cả về sự kiêu ngạo cũng như về sự bất công của họ nữa. Giầu sang và quyền lực là những điều mà có thể chúng rất cần thiết đối với niềm hạnh phúc chung, nếu như chúng được đặt trong sự phục vụ người nghèo và phục vụ niềm hạnh phúc chung với công lý và Tình Yêu tha nhân. Nhưng nếu chúng, như vẫn rất thường hay xảy ra, được cảm nhận như là những đặc quyền, đặc lợi, và được sống với một quan điểm ích kỷ và tự phụ, thì chúng sẽ tự biến thành những công cụ của sự tham nhũng cũng như của sự chết chóc. Điều này đã rất rõ ràng, chẳng hạn như câu chuyện về vườn nho của ông Na-bốt đã được kể lại trong sách Các Vua quyển thứ nhất, chương 21. Ngày hôm nay chúng ta sẽ bận tâm tới câu chuyện này.

Bản văn Kinh Thánh ấy tường thuật rằng, vua của Israel là ông Ahab muốn mua một trang trại trồng nho của một người đàn ông tên là Na-bốt, vì trang trại này nằm sát ngay bên cạnh hoàng gia. Lời mời chào của vua rất thích đáng, thậm chí còn rất hào phóng; nhưng tại Israel, việc sở hữu đất đai hầu như được coi là bất khả nhượng. Trong thực tế thì sách Lê-vi quy định rằng: „Đất đai không được phép bị bán dứt khoát; vì đất đai thuộc về Ta và các ngươi chỉ là ngoại kiều và là khách trọ nhà Ta“ (Lv 25,23). Điền sản đất đai là thánh, vì nó được coi là ân huệ của Thiên Chúa, và vì thế phải được bảo vệ, và phải được tiếp tục chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác như là dấu chỉ của phúc lành mà Thiên Chúa tặng ban, cũng như là sự đảm bảo về phẩm giá của tất cả mọi người. Vì thế, câu trả lời của Na-bốt là điều dễ hiểu: „Xin Chúa ngăn chặn tôi trước việc tôi nhượng lại tài sản của tổ tiên tôi cho nhà vua“ (1V 21,3).

Vua Ahab đã phản ứng lại việc từ chối này một cách bất bình và giận dữ. Ông cảm thấy bị xúc phạm – ông, một vị vua, một kẻ có quyền lực – cảm thấy bị coi thường trong quyền uy của mình, và cảm thấy bị thất vọng trong việc mong muốn được sở hữu của mình. Vợ của ông là bà Isabel, một hoàng hậu ngoại giáo, người đã khuyến khích việc tôn thờ ngẫu tượng và đã cho phép giết hại các Ngôn Sứ của Chúa (xc. 1V 18,4) – bà ta không xấu xí, nhưng bà ta rất độc ác! – đã nhìn thấy chồng của bà đang bị chán nản như thế nào, và đã quyết định can thiệp. Những lời mà bà nói với vua Ahab rất ư là quan trọng và có sức ảnh hưởng. Anh chị em hãy nghe để thấy được biết bao nhiêu là sự độc ác được cất giấu trong người phụ nữ này: „Vua cai trị Ít-ra-en hay thật! Mời vua dậy mà ăn cho lòng phấn khởi lên! Thiếp sẽ tặng vua vườn nho của Na-bốt người Gít-rơ-en“ (1V 21,7). Bà nhấn mạnh vào thanh thế và quyền uy của nhà vua, đó là những điều, theo cách thức của bà để nhìn xem mọi sự vật, đã bị đặt thành vấn đề thông qua sự khước từ của Na-bốt. Chính bà đã coi quyền lực này như là điều vô hạn, và bất cứ mong muốn nào của nhà vua, đối với bà, cũng đều là một mệnh lệnh. Thánh Giáo Phụ Ambrosius đã viết một cuốn sách nhỏ về sự kiện này. Cuốn sách ấy tên là „A-bốt“. Sẽ là điều rất tốt cho chúng ta nếu đọc cuốn sách ấy trong Mùa Chay. Đó là một cuốn sách rất hay và rất cụ thể.

Chúa Giê-su nói về vấn đề này như sau: "Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em“ (Mt 20,25-27). Nếu chiều kích phục vụ bị mất đi, thì quyền lực sẽ biến thành sự cao ngạo và áp bức. Giống hệt như điều đã xảy ra trong câu chuyện về vườn nho của Na-bốt. Không hề có bất cứ sự đắn đo nào, bà Isabel, hoàng hậu, đã quyết định dẹp bỏ Na-bốt và trình bày một kế hoạch. Bà ta đã nhân danh nhà vua soạn thảo một loạt các bức thư và gửi chúng tới cho các vị bô lão và các vị tộc trưởng của thành phố. Trong các bức thư ấy, bà ra lệnh cho các kẻ làm chứng gian cần phải công khai buộc tội Na-bốt là đã phỉ báng Thiên Chúa và đức vua; đó là một trọng tội sẽ bị trừng phạt với án tử hình. Và như thế, Na-bốt đã bị sát hại và nhà vua đã có thể chiếm đoạt vườn nho của ông. Và đó không phải là câu chuyện của quá khứ; nó cũng là câu chuyện của ngày hôm nay, câu chuyện của những kẻ có quyền, họ bóc lột người nghèo để làm giầu cho mình. Đó là câu chuyện của nạn buôn người, của công việc nô dịch, của những người nghèo mà họ bị ép buộc phải thực hiện những công việc phi pháp, những công việc mờ ám nhưng lại bị trả tiền công rẻ mạt để những kẻ có quyền có thể làm giầu. Đó là câu chuyện của tất cả các chính trị gia tham nhũng, họ luôn luôn muốn có thêm, càng có, lại càng muốn có thêm. Vì thế mà lúc nãy Cha đã nói rằng, sẽ là điều rất tốt cho chúng ta nếu chúng ta đọc cuốn sách nhỏ của Thánh Ambrosius về Na-bốt, vì nó rất thời sự.

Ở đó chúng ta sẽ thấy quyền hành sẽ dẫn tới đâu nếu nó được thực hành mà không hề có sự kính trọng đối với sự sống, không hề bận tâm tới công lý và không hề có Lòng Thương Xót. Ở đó chúng ta thấy được sự khát khao quyền hành sẽ dẫn tới đâu: chúng sẽ trở thành một sự đam mê không giới hạn, mà sự đam mê ấy muốn sở hữu tất cả. Trong mối liên hệ này, một bản văn trong sách Ngôn Sứ Isaia rất có tính giáo dục. Trong đó Thiên Chúa đã cảnh báo trước sự tham lam của giới đại điền chủ, họ luôn luôn muốn sở hữu thêm nhà cửa và ruộng đất. Isaia nói:

Khốn thay những kẻ tậu hết nhà nọ đến nhà kia

nối thêm ruộng này đến ruộng khác,

tới mức không còn chỗ trống nào

và chỉ còn một mình các ngươi ở lại trong xứ!“ (Is 5,8).

Nhưng Ngôn Sứ Isaia không phải là người cộng sản! Thiên Chúa vĩ đại hơn sự ác và sự ranh mãnh của con người. Trong Lòng Thương Xót của Ngài, Ngài đã sai Ngôn Sứ Ê-li-a tới để hối thúc Ahab hoán cải. Giờ đây chúng ta mở sang một chương mới. Lịch sử sẽ kết thúc thế nào? Thiên Chúa nhìn thấy tội ác này và đã gõ vào cánh cửa con tim của Ahab. Và nhà vua đã nhận ra tội lỗi của mình, ông nhận thức được nó và ông khiêm tốn khẩn nài ơn tha thứ. Sẽ thật là tuyệt vời biết là dường nào nếu những kẻ bóc lột của thời đại hôm nay cũng thực hiện đúng y như vậy! Thiên Chúa đã đón nhận sự thống hối của Ahab; nhưng vẫn tồn tại trong thực tế chuyện một người vô tội đã bị sát hại, và tội lỗi này sẽ kéo theo mình những hậu quả tất yếu. Vì sự ác đã phạm phải dù chỉ một lần, cũng vẫn sẽ để lại những dấu vết đầy đớn đau của nó, và lịch sử con người đang mang trên mình những vết thương đó.

Ngay cả trong trường hợp này, Lòng Thương Xót vẫn chỉ cho chúng ta thấy con đường để chọn theo. Lòng Thương Xót có thể chữa lành những vết thương và biến đổi lịch sử. Hãy mở con tim của bạn ra cho Lòng Thương Xót! Lòng Thương Xót của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn tội lỗi của nhân loại. Nó mạnh mẽ hơn: Đó là điều mà câu chuyện về vua Ahab đã nói với chúng ta. Chúng ta nhận biết quyền năng của Lòng Thương Xót vì chúng ta nhớ tới mầu nhiệm Nhập Thể của Con Thiên Chúa vô tội, Đấng đã đến thế giới để chiến thắng sự ác bằng ơn tha thứ của Ngài. Chúa Giê-su Ki-tô chính là vị vua đích thực, nhưng quyền năng của Ngài lại có cấu trúc hoàn toàn khác. Ngai vàng của Ngài chính là Thập Giá. Ngài không phải là vị vua sát hại; trái lại, Ngài mang đến sự sống. Ngài đi đến với tất cả, đặc biệt là đến với những kẻ yếu đuối; Ngài chiến thắng nỗi cô đơn và sự chết mà tội lỗi đã dẫn con người tới đó. Với sự gần gũi và sự trìu mến của Ngài, Chúa Giê-su Ki-tô chỉ cho các tội nhân thấy con đường trong không gian của ân sủng và sự tha thứ. Đó là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Quảng trường Thánh Phê-rô, thứ Tư ngày 24 tháng 02 băn 2016

ĐTC Phan-xi-cô

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội