Bài Giáo Lý của ĐTC Phan-xi-cô trong cuộc tiếp kiến chung sáng thứ Tư ngày 02.03.2016: Mục 9 – Lòng Thương Xót và sự khắc phục

 

Anh chị em thân mến, xin chúc anh chị em một ngày tốt đẹp!

Trong mối liên hệ với Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nhiều lần chúng ta đã chiêm ngưỡng nhân vật người cha trong gia đình, mà người cha ấy yêu thương con cái của mình, giúp đỡ chúng, chăm lo cho chúng và tha thứ cho chúng. Với tư cách là người cha, ông dưỡng dục và khắc phục sai sót của chúng, nếu chúng mắc phải một lỗi lầm, và thúc đẩy sự phát triển của chúng trong sự thiện.

Bằng cách đó, Thiên Chúa đã được giới thiệu trong chương thứ nhất của sách Ngôn Sứ Isaia. Trong đó, Thiên Chúa được trình bày như một người Cha trìu mến, nhưng cũng rất chu đáo và nghiêm khắc với dân Israel, và kết án dân này tội bất trung và hủ hóa, hầu dẫn dân tái trở lại con đường công chính. Bản văn của chúng ta bắt đầu với những lời sau đây:

Trời hãy nghe đây, đất lắng tai nào, vì Đức Chúa phán :

´Ta đã nuôi nấng đàn con, cho chúng nên khôn lớn,

nhưng chúng đã phản nghịch cùng Ta.

Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó.

Nhưng Ít-ra-en thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì`“ (Is 1,2-3).

Nhờ vào vị Ngôn Sứ, Thiên Chúa đã nói với dân với nỗi đắng cay của một người Cha bị gây thất vọng: Ngài đã dưỡng dục con cái của Ngài, nhưng chúng đã nổi dậy chống lại Ngài. Ngay cả những con thú vật cũng biết trung thành với chủ của chúng và nhận ra bàn tay của người đã nuôi nấng chúng; trái lại, dân Israel đã không nhận biết Thiên Chúa, dân đã khước từ việc nhìn nhận Thiên Chúa. Mặc dù Ngài đã bị gây tổn thương, nhưng Thiên Chúa vẫn để cho Tình Yêu lên tiếng; Ngài kêu gọi lương tâm của những đứa con không sống đúng theo dự tính của Ngài, để chúng nhận ra sự bất công của chúng và để cho mình tái được yêu thương. Đó là hành động của Thiên Chúa! Ngài đến với chúng ta hầu chúng ta để cho mình được yêu thương bởi Ngài, bởi Thiên Chúa của chúng ta.

Mối tương quan Cha – Con mà các Ngôn Sứ đã thường xuyên đề cập tới trong mối liên hệ với Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân của Ngài, đã bị hủ hóa. Sứ mạng giáo dục của cha mẹ hướng đến sự phát triển trong tự do; trên khả năng đảm nhận trách vụ và thực hiện những công việc tốt lành đối với chính bản thân mình và đối với những người khác. Trái lại, vì tội lỗi, sự tự do đã biến thành nguyên cớ đẫn tới sự tự trị và sự kiêu căng. Sự kiêu căng lại dẫn tới sự chống đối và dẫn tới ảo tưởng của sự tự lo liệu cho bản thân.

Trước bối cảnh này, Thiên Chúa đã cảnh báo dân: „Các ngươi đã đi trệch đường“. Âu yếm và cay đắng, Ngài nói về dân „của Ta“. Thiên Chúa không bao giờ loại bỏ chúng ta; chúng ta là dân của Ngài, ngay cả khi đó là một người nam hay một người nữ xấu xa tồi tệ nhất. Dân xấu xa tồi tề nhất phát sinh từ những người con của Ngài. Và đó là Thiên Chúa. Không bao giờ, không bao giờ Ngài loại trừ chúng ta! Ngài luôn luôn nói: „Hãy đến đây hỡi con của Ta!“ Và Tình Yêu của Cha chúng ta là như thế; Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là như thế. Chúng ta có một người Cha, Đấng luôn luôn ban cho chúng ta niềm hy vọng và sự tin tưởng. Sự thuộc về này nên được sống trong niềm tín thác và trong sự tuân phục; với niềm ý thức rằng, tất cả đều là một hồng ân phát xuất từ Tình Yêu của Thiên Chúa Cha. Đối lập với Ngài chính là sự kiêu căng, ngu ngốc và sự tôn thờ ngẫu tượng.

Vì thế, giờ đây vị Ngôn Sứ sẽ hướng trực tiếp về dân này với những lời rất nghiêm khắc, để dẫn dân tới chỗ nhận thức một cách nghiêm túc về lỗi lầm của họ.

Khốn thay dân tộc phạm tội, dân chồng chất lỗi lầm,

giống nòi gian ác, lũ con hư hỏng !

Chúng đã bỏ Đức Chúa,

đã khinh Đức Thánh của Ít-ra-en, mà quay lưng đi“ (Is 1,4).

Hậu quả của tội lỗi chính là một tình trạng đau khổ, đất nước cũng phải khổ đau dưới những hậu quả của nó, đến độ đất nước bị hủy hoại và bị tàn phá, Si-on và Giê-ru-sa-lem trở thành nơi không người cư ngụ. Nơi đâu Thiên Chúa và tình phụ tử của Ngài bị khước từ, nơi đó sẽ không thể có sự sống được nữa. Sự sống đánh mất gốc rễ của mình, tất cả xem ra đều bị suy đồi và bị hủy hoại. Nhưng cũng chính trong giây phút đầy khổ đau này mà người ta được mời gọi hướng về ơn cứu độ. Cơn thử thách sẽ được đưa đến với dân, để dân cũng nếm trải về nỗi đắng cay của kẻ rời bỏ Thiên Chúa, và do đó trải qua sự trống rỗng không niềm ủi an của một quyết định đối với sự chết. Sự đau khổ với tư cách là hậu quả tất yếu của một quyết định tự hủy hoại chính mình phải thúc giục tội nhân suy nghĩ, hầu mở tội nhân đó ra cho sự hoán cải và cho ơn tha thứ.

Đó chính là con đường phát xuất từ Lòng Thương Xót của Thiên Chúa: Thiên Chúa không đối xử với chúng ta theo lầm lỗi của chúng ta (xc. Tv 103,10). Sự trừng phạt sẽ trở thành khí cụ để thúc đẩy một sự suy nghĩ. Và như thế chúng ta sẽ nhận thức được rằng, Thiên Chúa thứ tha cho dân của Ngài, ban tặng ân sủng cho dân và không hủy hoại tất cả, nhưng làm cho cánh cửa dẫn tới niềm hy vọng được luôn luôn rộng mở. Ơn cứu độ giả thiết một sự quyết định để lắng nghe và để cho mình được hoán cải, nhưng vẫn luôn luôn là một hồng ân miễn phí. Vì thế, trong Lòng Xót Thương của Ngài, Thiên Chúa không chỉ cho chúng ta con đường dẫn tới việc dâng lễ vật theo nghi thức, nhưng đúng hơn, chỉ cho chúng ta con đường dẫn tới sự công chính. Vì thế, sự phượng tự sẽ không còn bị phê phán vì nó vô ích, nhưng vì nó yêu cầu phải thay thế sự hoán cải thay vì diễn tả nó; như thế phượng tự sẽ trở thành sự tìm kiếm đức công chính riêng và tạo ra sự tin tưởng dễ bị nhầm lẫn rằng, những của lễ sẽ cứu độ chứ không phải Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Chỉ có Lòng Thương Xót mới tha thứ tội lỗi. Để hiểu rõ hơn: Nếu một ai đó bị ốm đau bệnh tật, người ấy sẽ đến với bác sĩ; nếu một ai đó cảm thấy mình là người tội lỗi, thì người ấy hãy đến với Thiên Chúa. Nhưng nếu một bệnh nhân nào đó thay vì tìm đến với bác sĩ, nhưng lại đến với một nhà ảo thuật, thì bệnh nhân đó sẽ không khỏi bệnh. Chúng ta thường không đi đến với Thiên Chúa, nhưng lại thích chọn theo con đường lầm lạc và tìm kiếm một sự biện hộ, một đức công chính và một sự bình an ở bên ngoài Ngài. Thiên Chúa – Ngôn Sứ Isaia nói – không ưa thích máu thú vật, cũng chẳng thích thú gì máu của những con chiên (Is 1,11); đặc biệt là khi của lễ được cử hành với những bàn tay bị bôi bẩn bởi máu của những người anh chị em (Is 1,15). Ở đây Cha nghĩ tới một số những ân nhân của Giáo hội, họ đến với những tặng phẩm của họ - „Xin Cha hãy nhận tặng phẩm này cho Giáo hội“ – trong khi tặng phẩm này lại là hoa trái phát sinh từ máu của nhiều người bị nô lệ hóa, bị đối xử tồi tệ, bị bóc lột thông qua lao động được trả lương một cách rẻ mạt. Cha sẽ nói với những người ấy: „Xin hãy nhận lại tấm séc của bạn, hãy đốt nó đi!“ Dân Thiên Chúa, tức Giáo hội, không cần tới những đồng tiền bẩn thỉu, dân ấy chỉ cần tới những con tim mà chúng mở ra cho Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Người ta phải xích lại gần cùng Thiên Chúa với đôi tay thanh sạch, ngăn ngừa sự ác, thực hành điều thiện và luyện tập đức công chính. Phần cuối của những lời mà vị Ngôn Sứ đã nói, thật tuyệt vời biết chừng nào:

Hãy rửa cho sạch, tẩy cho hết,

và vứt bỏ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta.

Đừng làm điều ác nữa.

Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình,

sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi,

biện hộ cho quả phụ“ (Is 1,16-17).

Anh chị em hãy nghĩ tới nhiều người đang tị nạn tại Âu Châu, họ không còn biết họ nên đi tới đâu nữa. Vì thế Thiên Chúa sẽ phán rằng, „Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông. Nếu các ngươi chịu nghe lời Ta, các ngươi sẽ được hưởng dùng hoa mầu trong xứ và có thể sống trong hòa bình“ (xc. Is 1,19-20).

Đó là một phép mầu phát xuất từ ơn tha thứ của Thiên Chúa; ơn tha thứ của Thiên Chúa, của Chúa Cha, ơn đó, Thiên Chúa muốn tặng ban cho dân Ngài. Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được tặng ban cho tất cả, và những lời trên của vị Ngôn Sứ cũng vẫn còn giá trị trong thời đại hôm nay, cũng như vẫn còn có giá trị đối với tất cả chúng ta. Chúng ta được kêu gọi để sống như những người con của Thiên Chúa.

Quảng trường Thánh Phê-rô ngày mồng 02 tháng 03 năm 2016

 

ĐTC Phan-xi-cô

 

Lm Đa-minh Thiệu O.Cist – chuyển ngữ

 


Văn Kiện Giáo Hội